Monday, October 24, 2022

2644. BÁNH MÌ Truyện chớp của nhà văn Gia Nã Đại MARGARET ATWOOD (1939-…) Dịch và giới thiệu NGU YÊN

Nhà văn Margaret Atwood

Margaret Atwood (1939 - )

Nhà văn Gia Nã Đại, làm thơ, vết tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, và tiểu luận. Chức nghiệp thầy giáo. Từ 1961, bà đã xuất bản 18 tập thơ, 18 tiểu thuyết, 11 tác phẩm không thuộc vào văn chương, 9 tuyển tập truyện ngắn, 8 cuốn sách cho trẻ em …

Lãnh giải Booker Prizes, the Arthur C. Clarke Award, the Governor General's Award, the Franz Kafka PrizePrincess of Asturias Awards, and the National Book Critics and PEN Center USA … Bà ở trong nhóm dẫn đầu danh sách được đề nghị giải Nobel văn chương năm 2019, 2020, 2021.

Bà cũng là nhà phát minh ra LongPen và các kỹ thuật điện tử liên hệ liên quan đến việc viết bằng robot từ xa.




BÁNH MÌ

 

Hãy tưởng tượng một mẩu bánh mì. Anh không cần phải tưởng tượng, nó ở ngay đây, trong nhà bếp, trên khay, trong bao nhựa, nằm cạnh con dao cắt bánh. Anh đã mua con dao cũ này trong một cuộc đấu giá; Có khắc chữ “Bread” trên cán gỗ. Mở bao nhựa, kéo tấm giấy gói ra, cắt một lát. Trét bơ lên, rồi trét đậu phụng xay, trải một lớp mật ong, gấp đôi lại.

Mật chảy ra leo lên ngón tay, anh liếm mật đi. Mất khoảng một phút để ăn bánh mì. Bánh này có bánh nâu, có bánh trắng, cất trong tủ lạnh, và một miếng  lúa mạch đen, nhận được tuần vừa rồi, Hôm đó căng tròn như cái bụng, bây giờ chuẩn bị mốc. Thỉnh thoảng làm bánh mì, nghĩ về việc này như điều gì làm đôi tay thư giãn.

 

Hãy tưởng tượng nạn đói. Bây giờ, tưởng tượng đến một miếng bánh mì. Nạn đói và bánh mì có thật, nhưng anh tình cờ ở cùng phòng với một trong hai thứ. Hãy cố nghĩ mình đang ở một phòng khác, đó là nhiệm vụ của tâm trí. Lúc này, anh đang nằm trên tấm nệm mỏng trong căn phòng nóng nực. Vách tường bằng đất sét khô, và cô em gái ở chung phòng. Cô đang đói hết sức, bụng sình lên, ruồi đậu trên đôi mắt. Anh phủi ruồi bằng tay, dùng miếng vải bẩn thỉu, ẩm ướt, chặm lên trán và môi cô em. Miếng bánh mì mà anh đã dành dụm nhiều ngày. Cả hai đều đói nhưng chưa đến nổi quá yếu. Bao lâu nữa sẽ kiệt sức? Khi nào sẽ có người mang thêm bánh mì? Anh suy tính muốn đi ra ngoài tìm xem thử có thứ gì để ăn, nhưng ngoài đường đầy dẫy người bươi móc rác rưởi và khắp nơi nồng nặc mùi hôi từ xác người chết.

Anh có muốn chia hoặc nhường cho em cả miếng bánh không? Hoặc chỉ ăn một mình? Cho cùng, anh mạnh mẽ hơn, có cơ hội sống lâu hơn. Mất bao lâu để làm quyết định việc này?

 

Hãy tưởng tượng một nhà tù. Có những chuyện anh biết mà chưa khai ra. Những người canh tù biết anh đã biết. Ngay cả những người không canh tù cũng biết. Nếu anh khai ra, ba mươi, bốn mươi hoặc một trăm người bạn, đồng đội, sẽ bị bắt và sẽ chết. Nếu anh từ chối không khai, đêm nay sẽ là đêm cuối cùng của anh. Thông thường, họ chọn ban đêm. Tuy nhiên, không quan tâm đến đêm, nhưng nghĩ đến một miếng bánh mì, họ mang đến. Kéo dài được bao lâu? Miếng bánh mì mới màu nâu, gợi cảm giác ánh sáng mặt trời chiếu xuống sàn gỗ. Gợi nhớ lại cái bát, cái bát màu vàng ở nhà, dùng đựng táo và lê, đặt trên bàn, vẫn còn trong trí ức. Không phải cơn đói hay nỗi đau lòng giết chết anh nhưng chính là sự vắng mặt của cái bát vàng. Nếu anh có thể cầm cái bát trong tay, ngay tại đây, anh sẽ tự nhủ, mình sẽ chịu đựng bất cứ chuyện gì. Miếng bánh mì họ cho đã mất giá trị, đã phản bội, không còn mang ý nghĩa sự sống.

Câu chuyện hai chị em. Một người giàu nhưng không có con. Người kia có năm đứa con nhưng góa phụ, họ nghèo đến nổi không có gì để ăn. Bà đi đến người chị xin một mớ bánh mì, “Con của em sắp chết đói.” Người chị giàu trả lời, “Chị không có đủ để ăn,” rồi đuổi người em ra khỏi nhà. Sau đó, ông anh rễ về nhà, cắt một lát bánh cho mình, nhưng cắt phạm vào tay, máu đỏ phun ra.

Mọi người đều hiểu chuyện này có nghĩa gì.

Đây là chuyện cổ tích quen thuộc của dân Đức.

 

Ổ bánh mì mà tôi đã gợi ý cho anh, đang lơ lững khoảng hơn một phần tư mét trên mặt bàn trong bếp. Chiếc bàn bình thường, không có hộc tủ. Một tấm khăn lót màu xanh bay dưới ổ bánh. Không có dây cột khăn vào ổ bánh hoặc cột ổ bánh lên trần nhà hay cột tấm khăn xuống mặt bàn. Anh chứng minh bằng cách đưa bàn tay qua lại giữa các khoảng cách trên dưới mà không đụng dây. Tuy nhiên, anh không chạm vào ổ bánh. Điều gì ngăn cản anh? Anh không biết ổ bánh có thật hay chỉ là ảo tưởng, bằng một cách nào đó, tôi đã đánh lừa anh. Chắc chắn, anh đã nhìn thấy ổ bánh mì, thậm chí, có thể ngửi được mùi bánh, mùi tương tựa như hơi men. Ổ bánh rất giống thật, thật như cánh tay của anh. Nhưng có thể tin được không? Ăn được không? Anh không muốn được biết, cứ tưởng tượng.