Monday, November 14, 2022

2674. TRẦN HUIỀN ÂN Mười một bến sông



 Sông Ba từ Tây Nguyên về biển, tới huyện lỵ Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) đang xuôi dòng về hướng đông nam thì gặp núi Lá phải quành ngược lên đông bắc, tạo ra một đường vòng cung. Làng Củng Sơn nằm trải theo vòng cung ấy, chia ra nhiều lý. Bửu Trung lý có huyện đường, trường học, nhà thương và nhà dây thép (bưu điện).

          Nơi này chắc chắn phải được quy dân lập ấp sớm, ngay từ buổi đầu, năm 1597, khi những lưu dân được Lương Phù Già đưa vào định cư tiếp tục khai khẩn cõi Trấn Biên, hoặc nếu muộn hơn cũng chỉ một vài năm sau. Bởi vì nhiệm vụ của Lương Công là kết lập gia cư địa phận trên từ đầu nguồn dưới tới cửa biển, vậy trước hết ngài phải lo cho nơi đầu nguồn này được ổn định mới có thể giữ vững sự ổn định ở vùng đồng bằng hạ bạn Bà Đài, Bà Diễn.

         Tên cũ của Củng Sơn là Phước Sơn, là nơi tiếp cận giữa người Kinh và các bộ tộc Nam Bàn, sau này là Thủy Xá, Hỏa Xá. Các sứ bộ của hai tiểu quốc phiên thuộc này mỗi khi xuống tỉnh thành Phú Yên để về kinh đô Phú Xuân tiến cống đều dừng lại Phước Sơn. Phước Sơn là nơi giao thoa tập tục của nhiều sắc tộc, mỗi bên đều chịu ít nhiều ảnh hưởng của nhau. Và một trong những tập tục ấy là việc uống nước sông.

         Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn luôn sống gần các bến nước. Bến nước là linh hồn của buôn làng. Họ bảo rằng nước sông suối luôn luôn chảy, luôn luôn vận động nên sạch và hiền. Nước giếng đọng một chỗ nên không sạch và không hiền.

          Củng Sơn cũng như thế. Mọi sinh hoạt ăn uống, tắm rửa, giặt giũ…đều dùng nước sông, không dám đào giếng. Muốn đào giếng phải là người có địa vị, có uy thế. Nếu hỏi: Sợ điều gì? Kiêng điều gì? Tại sao sợ? Tại sao kiêng? Thì câu trả lời là: Không biết. Xưa sao nay vậy. Ngay trong công đường nơi quan Tri huyện làm việc cũng không đào giếng. Có lẽ khi ông bà ta lên đây định cư, nhập gia tùy tục, bắt chước các bộ lạc của Nam Bàn uống nước sông, rồi thành nếp quen, thành truyền thống. Và vị quan cai trị dẫu nắm phép vua trong tay vẫn phải tôn trọng lệ làng. Cho đến năm 1960 trải hơn 60 năm là huyện lị, địa bàn khá rộng, dân cư khá đông, mà cả làng chỉ có ba giếng nước trong công sở: trường học, nhà thương, nhà dây thép, và hai giếng nước của tư gia: một Hoa kiều và một ông Hội đồng người Việt. Sau năm 1960 có mấy nhà giáo mạnh dạn đào giếng, từ đó về sau đến nay nhà nhà mới có giếng nước.

         Từ Tây lý xuống Đông lý, Bắc lý…có cả thảy mười một bến sông. Trong mười một bến này có hai bến vừa là bến nước vừa là bến đò ngang. Mỗi khi lấy nước người ta gánh đôi thùng hoặc đôi vò xuống bến, mùa nắng ra giữa dòng, dìm xuống cho nước vào đầy gánh về. Trong khi ấy có người tắm, người giặt, việc ai nấy làm. Ông lái già vẫn chống đò đưa khách qua sông. Mùa mưa chỉ lấy được nước ở gần bờ, đục ngàu bèo bọt, phải để cho lắng xuống rồi đánh phèn chua cho trong, như lời ca dao :

                           Vũng bùn lòng nguyện thả sen   

                           Bao nhiêu nước đục đánh phèn lại trong…

         Khác với bên hữu ngạn bãi cát rộng, bờ sông thấp, nối liền vào đất thổ. Củng Sơn ở tả ngạn, bờ sông hẳm, đường xuống bến là dốc, là bậc. Mùa mưa nước sông đầy bèo bọt, chảy cuồn cuộn, mỗi lần nhìn ngắm trong trí tôi lại hiện lên câu thơ cổ:                   Cổn cổn trường giang thệ thủy đông

                           Lãng ba đào tận anh hùng

         Bưu Văn tiên sinh đã dịch :

                           Cuồn cuộn sông dài nước chảy xuôi

                           Anh hùng cát dập sóng vùi…

         Mùa hè nước sông cạn, trong vắt, trẻ con tha hồ bơi lội nô đùa. Bọn chúng tôi không chỉ tắm ở một bến mà tắm cả ở mười một bến, hôm nay bến này, ngày mai bến khác. Thật thích thú là tắm vào những đêm trăng, dòng sông rực rỡ ánh vàng lóng lánh. Bãi cát cũng trở nên huyền ảo với những mộng mơ của tuổi trẻ

Trong đám chúng tôi, có một bạn đến tuổi trưởng thành sống ở nơi xa, mỗi lần về làng hành lý chỉ có cái xắc nhẹ nhàng, lần nào cũng vậy, anh đi thẳng ra sông, xuống bến bơi lội hụp lặn rồi mới về nhà với mái tóc ướt sũng.

Trong đám chúng tôi, nhiều bạn theo lời người lớn bảo rằng: Phận gái mười hai bến nước, nhưng làng tôi chỉ có mười một bến, nên những ai nhan sắc và tài hoa đều phải đi tìm bến nước thứ mười hai ở một dòng sông khác. Đó là cái lý do để những người con gái lấy chồng xa xứ biện minh và những người con trai bị tình phụ tự an ủi rằng định mệnh đã sẵn từ dòng sông bến nước.

Trong đám chúng tôi, không ít bạn đã đem một mái tóc óng mượt xõa dài ví với gợn sóng mặt sông buổi chiều yên ả. Mái tóc ấy rồi cũng đã hớt ngắn, uốn quăn và rồi điểm xen bao sợi trắng, nhưng đôi mắt khi chợt gặp lại, thoáng nhìn đã cảm nhận được đầy đủ cái tinh anh của một thời, vẫn là đôi mắt mở tròn xa thẳm khi cùng lặn xuống tầm sâu tay nắm tay nhau…