Thursday, November 17, 2022

2678. PHẠM THÀNH CHÂU Truyện ngắn NHẤT TIÉU

Ảnh minh họa - Nguồn: freepik

- A lô, cho tôi gặp tòa soạn báo Hoàng Hôn.

Có tiếng cô gái bên kia đầu dây trả lời.

- Tòa soạn báo Hoàng Hôn tôi nghe đây!

- Tôi mới ra một tập truyện ngắn, định gửi tặng quí báo một quyển đọc chơi. Nhưng sao có nhiều địa chỉ quá! Chỉ ở Cali. thôi đã có đến năm địa chỉ. Orange County rồi Los Angeles County rồi San Diego, San Jose ... Chưa kể các tiểu bang khác nữa, tôi biết gửi về đâu?

Có tiếng cười bên kia đầu dây, nghe trong trẻo và vui như tiếng phong linh treo trước gió.

- Cái địa chỉ đầu tiên mà ông thấy trên tờ báo đó. Orange County. Đó là địa chỉ chính của chị chủ nhiệm Hoa mà ông muốn gửi tặng sách.

- Vâng, tôi thấy rồi. Tôi sẽ gửi. Mà, cô có thích đọc truyện của tôi không? Tôi gửi thêm một cuốn nữa. Đề tên cô nghe!

Lại tiếng cười.

- Ồ, quí hoá quá!

- Xin lỗi, cô tên gì?

- Tôi tên Bình.

- Rồi, sách sẽ đến tay cô.

Hôm sau, hắn đề trên một tập truyện Kính tặng chị Hoa chủ nhiệm báo Hoàng Hôn, tập kia, hắn đề Thân tặng cô Bình có tiếng cười rất dễ mến rồi đem ra bưu điện gửi.

         Tuần sau, hắn gọi.

- A lô, cho tôi gặp cô Bình ạ!

- Dạ, Bình tôi nghe đây!

- Cô có nhận được tập truyện ngắn của tôi chưa?

- Dạ, chúng tôi đã nhận được rồi ạ! Chị chủ nhiệm gửi lời cám ơn ông. Tôi cũng xin cám ơn ông. Ông viết hay quá! Tôi đọc say mê luôn.

- Cô thấy truyện nào cô thích nhất?

- Truyện đầu tiên hay nhất!

- Còn các truyện khác hay nhì?

- Các truyện khác cũng hay nhất luôn!

- Cô thấy kết thúc truyện đó ra sao?

- Dạ, thật bất ngờ và lâm ly nữa!

- Nhân vật chính quyết định như vậy có đúng không? Cô ta nên ở lại với người tình hay bỏ đi?

- Theo tôi, cô ta nên ở lại thì hơn.

- Vì sao vậy?

- Vì sống một mình chán lắm! Có người để trò chuyện, gây gỗ nhau cũng được nữa. Chứ cứ thui thủi...buồn chết được!

- Tôi sống độc thân bao nhiêu năm nay ở cái tiểu bang North Dakota khỉ ho cò gáy nầy, mà đâu thấy chán. Nhưng cô nói thế, tôi biết cô cũng độc thân và ưa trò chuyện. Coi bộ cô thích công việc trả lời điện thoại nầy.

- Không thích lắm đâu! Vì đôi khi có người cứ hỏi chuyện vớ vẩn, lâu quá, khiến người khác không thể gọi đến được.

- Cô nói tôi chứ gì?

- Ông thông minh thật! Xin ông thông cảm. Nếu tôi nói chuyện linh tinh, không liên hệ đến tờ báo thì chị chủ nhiệm sẽ cho tôi nghỉ việc, do đó, nếu ông cứ gọi mãi, tôi sẽ đáp chát cho đến khi ông chán mới thôi.

- Xin lỗi đã làm phiền cô. Trước khi dứt lời, tôi xin được gặp lại cô trên điện thoại, tuần tới. Được không cô?

- Nhiệm vụ tôi là trả lời điện thoại. Chị chủ nhiệm có dặn, dù khó chịu, cũng phải vui vẻ, để chứng tỏ mình không giống người ta. Nhưng ông có thể cho biết ông sẽ gọi tôi với mục đích gì không?

- Chỉ để được nghe cô cười. Tuần trước, tiếng cười của cô cứ vương vấn mãi trong đầu tôi. Tuần nầy tôi gọi, chỉ mong được nghe cô cười, nhưng tôi nói chuyện vô duyên quá, khiến cô bực mình, không cười nổi!

- Cám ơn ông. Tôi biết ông nói thật, vì nhiều người cũng khen tôi có tiếng cười vui vẻ, dễ mến. Vậy, để tôi cười tặng ông, xin ông lắng nghe trước khi tôi gác máy.

- Tôi nghe cô cười rồi. Cám ơn thiện chí của cô. Cô biết không, tuần trước tiếng cười của cô đã khiến tôi cảm hứng viết được một truyện ngắn. Tôi kể về một anh chàng, chỉ nghe tiếng cười của người đẹp mà đâm si mê luôn. Chuyện hay lắm. Đăng báo đàng hoàng. Báo văn học nghệ thuật uy tín nghe cô!

- Chắc ông là chủ nhiệm hay chủ bút tờ báo đó, hoặc giả đó là một chủ báo bị chạm thần kinh.

- Cô đánh giá tôi hơi thấp rồi! Sau nầy tôi lãnh giải thưởng văn chương thì cô đừng xin chụp hình chung nghe! Còn dám khoe là "Ông ấy mê tao mà tao không thèm"

- Tôi đâu dám chê văn chương của ông. Ông biết không, vì báo chúng tôi khen truyện của ông nên nhiều người mua về đọc rồi gọi vô tòa báo nói Tôi chỉ mới đọc có nửa tập mà đã thấy nên gọi ông ấy là Đại Văn Hào Liên Hành Tinh".

- Cô thấy chưa? Khen vậy mới là người có con mắt tinh đời.

- Ông biết họ giải thích sao không? Là văn của ông chỉ có người Hỏa Tinh mới hiểu nổi.

- Tôi biết cô mỉa mai tôi chứ ai mà chơi độc vậy! Nhưng mà mấy chuyện sau mới hấp dẫn, họ có nhận xét gì không cô?

- Họ nói chuyện sau cùng, vừa hết trang cuối là khóc ấm ức.

- Ít ra phải như thế chứ. Văn chương tôi đã làm rung động biết bao quả tim, làm lả chả bao nhiêu  giọt lệ xót thương cho số kiếp hồng nhan bạc phận...

- Ông lầm rồi! Không phải vậy. Họ khóc vì tiếc mười mấy đồng mua sách của ông!

- Cô chê tôi viết dở chứ gì? Tập truyện tôi tặng, cô chỉ đọc được có vài trang đầu rồi vất.

- Sao ông biết tài thế?

- Tôi giả vờ hỏi cô về những nhân vật trong truyện, cô đâu biết gì cứ nói xuôi theo, chứ trong đó làm gì có chàng và nàng, cũng không chia tay, sum họp gì cả.

- Ông biết mình viết dở sao còn in ra chi cho tốn tiền? Bán không ai mua, đem tặng tùm lum, không ai đọc. Tôi chẳng hiểu được ông!

- Tôi in sách ra là để có một tập sách có chữ ở trong, có tên tôi ở bìa trước, có hình tôi, tiểu sử tôi ở bìa sau. Chỉ tốn vài nghìn mà ai cũng thấy mặt, biết tên.

- Tôi có nghe nói hội y sĩ Việt Nam đề nghị mua bản quyền của ông để họ xuất bản rồi bán cho những người bị bịnh mất ngủ.

- Cô tài thật! Tôi chưa biết mà cô đã rõ. Vậy là tôi sắp phát tài rồi. Tháng tới tôi sẽ về Cali. ra mắt sách.

- Chúa ơi! Ông có điên không? Có ai để mắt đến sách ông đâu mà ông ra mắt. Ông muốn làm đui mắt người ta thì có. Ông có cần nói gì nữa không? Có người đang chờ trên máy.

- Khoan, khoan! Tuần tới cô cho tôi gọi cô, được không cô?

- Được chứ, nhưng không nói về tập truyện của ông.

- Tôi biết, muốn nói về truyện của tôi, cô phải đọc nó.

- Ông nói đúng! Tôi không có thì giờ, vả lại đau khổ vì tình còn dễ chịu hơn đau khổ vì phải đọc những chuyện mà ông viết.

- Cô có chọc quê tôi cách nào, tôi vẫn cứ gọi cô như thường.

         Tuần sau hắn gọi.

- A lô, cho tôi gặp cô Bình.

- Thưa chú, cháu là Bình đây ạ!

- Vậy ra cô còn chịu khó nhìn cái bìa sau tập truyện của tôi. Cô tò mò muốn xem mặt mũi cái thằng cha viết thì dỡ ẹt mà nói dai như đỉa chứ gì? Hóa ra tôi lớn tuổi hơn cô nên cô mới gọi tôi bằng chú và xưng cháu.

Có tiếng cười.

- Chú biết hết! Cháu gọi bằng chú là dựng cái rào cản, còn để sẵn cái bảng stop để lưu ý chú không nên tán tỉnh cháu.

- Cám ơn!

- Cám ơn gì?

- Cám ơn tiếng cười.

- Chú cứ gửi đến cháu cái audio tape, cháu sẽ cười vào đó vài tiếng đồng hồ cho chú nghe.

- Tôi chả dại!

- Vì sao?

- Cô sẽ không cho tôi gọi cô nữa. Tôi cần biết được ý nghĩ của cô trong tiếng cười, cả đến tình cảm nữa. Khi vui, cô cười một cách, khi buồn hay bực mình cô cười cách khác.

- Vậy thì chú biết cháu đang bực chú rồi chứ gì?

- Xin cho một câu nữa thôi. Cô có mạnh khỏe không, cô Bình?

- Không biết tán tỉnh cách nào nên hỏi thăm vớ vẩn! Cám ơn chú, cháu chẳng đau ốm gì.

- Bây giờ là mùa cảm cúm. Chỉ sợ cô bị cúm.

- Chú rủa cháu phải không?

- Không có đâu! Sợ cô bị cảm cúm, nói điện thoại, lây qua tôi.

- Vậy thì cháu phải tìm một con vi trùng cảm cúm mà ăn nó. Cháu bị bịnh, chú không được gọi cháu nữa.

- Cô khỏi tìm. Cô đang bị tôi truyền bịnh rồi. Tôi đang cảm nặng. Tôi cảm tiếng cười của cô.

- Ê, ê ngừng lại! Thấy bảng stop không? Không được tán tỉnh! Nhớ chưa chú?

- Nhớ chứ! Nhớ tiếng cười của cô, suốt đời.

- Chào chú!

- Khoan! Cô cười cho tôi một tiếng. Cười gượng cũng được, rồi hãy gác máy. Rồi, tôi đã nghe cô cười rồi. Cám ơn cô.

- Cháu xin chú đừng gọi cháu nữa, được không? Chị chủ nhiệm biết sẽ la rầy cháu.

- Tôi xin cô một tháng gọi cô một lần.

- Được rồi. Nhớ nghe chú!

 

         Đúng mộät tháng sau, hắn gọi, chỉ mới.

- A lô, cho tôi gặp cô Bình.

Là hắn nghe cô trả lời ngay.

- Cháu nghe chú đây! Cám ơn chú  đã giữ lời, đúng một tháng mới gọi cháu.

- Tôi vì phải vâng lời cô mà ngày nào cũng nhìn lịch. Nhớ tiếng cười của cô muốn bịnh luôn.

- Tội nghiệp chú! Bữa nay đỡ chưa?

- Tôi đang hấp hối. Cô cười gấp cho tôi một tiếng để tôi sống dậy.

- Vậy thì cháu không cười cho chú chết luôn, cho bỏ ghét!

- Vĩnh biệt người đẹp! Xin hẹn kiếp sau.

Tiếng cười bên kia đầu dây.

- Văn chương như vậy mà cũng ra sách. Chú viết cải lương coi bộ khá à nghe! Xong chưa? Cháu gác máy.

- Khoan! Chủ nhật nầy tôi về Cali. ra mắt sách.

- Thôi chết, chú điên thật rồi! Ai mà đến dự ?

- Bạn bè tôi ở Cali. nhiều vô số. Lâu ngày gặp lại, thay vì chuyện trò, tụi hắn kéo hết ra nhà hàng, thay phiên nhau khen nức nở tập truyện của tôi.

- Hình chú trên bìa sách đã xấu, sau đó sẽ xấu nữa. Mũi chú nở phình ra, trông kỳ cục. Cháu gác máy được chưa?

- Khoan! Tôi chính thức mời cô đến dự. Ngồi ghế hạng nhất.

- Tuyệt đối không. Viết dở thế đó mà phải ngồi nghe người ta hành hạ lỗ tai. Cháu không khùng như bạn chú đâu!

- Cô không đến dự thì tôi sẽ đến thăm cô.

- Đừng chú! Cháu van chú. Nếu chú không đến gặp thì cháu cho phép chú được gọi cháu hàng tuần. Đừng đến nghe chú!

- Cũng được, nhưng phải cho tôi biết vì sao?

- Cháu xấu lắm! Gặp cháu chú sẽ thất vọng, sẽ không gọi cháu nữa. Không phải cháu mong chờ chú gọi nhưng như thế đau lòng cháu! Đừng đến nghe chú! Cháu xấu đến độ không ai yêu cháu. Có cảm tình rồi cũng xa cháu.

- Cô nào biết mình đẹp mới bảo rằng mình xấu. Biết đâu, cô nói thế để khi tôi gặp mới bật ngữa ra "Đẹp thế kia mà cứ làm bộ, nói mình xấu!"

- Nhưng chú hứa đi, không đến gặp cháu, nghe chú! Mà chú có đến cũng không gặp cháu đâu. Ngày mai cháu sẽ dời bàn điện thoại của cháu vào tít trong phòng chị chủ nhiệm, cửa lúc nào cũng khóa...Cháu gác máy nghe chú.

        - A lô, cho tôi gặp cô Bình.

- Dạ, cháu đây. Cám ơn chú về tờ báo có cái chuyện ngắn viết về tiếng cười của cháu.

- Cô thấy có hay không?

- Coi bộ chú giàu tưởng tượng quá. Làm gì có chuyện chỉ mới nghe tiếng cười mà đã mê tít thò lò” người ta rồi!

- Mỵ nương chỉ nghe tiếng hát của Trương Chi mà sinh bịnh vì nhớ. Nếu không có thật thì chẳng ai kể lại từ đời nọ sang đời kia.

- Cũng may, chú chưa gặp cháu, nên chú sáng tác...đọc cũng được!

- Vì sao? Nếu tôi đã gặp?

- Chú gặp cháu à! Cháu xấu ỉn, chú sẽ cụt hứng ngay.

- Tôi có đến tòa soạn , nhưng cô thư ký ở đó bảo rằng cô đi vắng.

- Cháu không đi vắng đâu. Cháu ngồi trong phòng chị chủ nhiệm, cháu còn dặn không cho ai gặp vì biết chú đã về Cali.

- Cô thư ký đó tên gì vậy?

- Để cháu nhớ xem... Nhưng tên không được đẹp, sợ cô ấy không bằng lòng cho chú biết. Sao chú hỏi kỹ như vậy?

- Cô ấy có nụ cười đẹp lắm. Khi tôi đến, cô ấy không thèm nhìn, cứ vờ làm gì đấy. Tôi nói Thưa cô, cho tôi gặp cô Bình ạ! Cô vẫn cắm cúi làm việc Cô Bình không có ở đây, ông có cần gì không? Tôi nói Khi nào cô Bình có ở đây ạ? Cô vẫn trả lời nhát gừng Cô Bình không tiếp ai cả, cần gì ông nói tôi Tôi nói Chào cô, tôi về! Tự nhiên đang nghiêm trang, cô ngước nhìn tôi, nhoẻn miệng cười. Miệng cô cười đẹp quá, đến độ tôi bủn rủn cả tay chân.

- Xạo vừa thôi, làm như người bị trúng gió. Cháu làm việc chung với cô ấy, thấy cười hoài, đâu đẹp đẽ gì!

- Cô chê cô ấy...

- Này, cháu không ghen với cô ấy đâu. Ưng không? Cháu làm mai cho.

- Thiệt không? Nhưng cô ấy coi bộ không ưa tôi! Có cách nào cho tôi gặp mặt ngoài giờ làm việc. Được không cô?

- Dễ quá mà! Sáng nào hai chị em cháu cũng đi điểm tâm ở tiệm phở trước tòa soạn. Chú cứ đến đấy, cháu giới thiệu cho. Nhưng có cô ấy rồi thì đừng làm phiền cháu nữa nghe!

- Sáng mai được không cô? Tôi chờ ở đó nghe! Cố gắng giúp tôi, cô sẽ được hai niềm vui.

- Vui gì ở chú mà được?

- Tống được tôi qua cô ấy là cô vui rồi. Thấy cô ấy bị tôi làm phiền, cô cũng vui nữa.

- Biết làm phiền người ta mà vẫn cứ làm phiền! Chào chú.

        

- A lô...

- Lại chú nữa. Có người đẹp rồi thì tha cho cháu chứ! Sao? Hôm qua có vui không? Xin lỗi, cháu không đến được.

- Cô bỏ tôi một mình, khiến tôi chới với, không biết xoay xở ra sao. May mà cô Nhất Tiếu cũng thông cảm và vui vẻ.

- Sao lại đặt tên cho cô ta là Nhất Tiếu? Đặt tên Hủ Tiếu hay hơn.

- Nhất tiếu khuynh thành mà cô. Cô ấy cười đẹp lắm, nhưng chỉ nhoẻn miệng thôi, không cười thành tiếng. Giá mà tiếng cười cô ấy cũng reo vui như cô thì chắc tôi đứng tim chết quá!

- Hai anh chị còn hẹn gặp nhau nữa không?

- Có chứ! Chiều nay, tan sở, hai đứa tôi sẽ đi lang thang, nhưng cô ấy dặn đừng cho ai biết.

- Nhưng sao chú lại cho cháu biết?

- Để mời cô cùng đi.

- Vô duyên! Cháu gác máy nghe!

        

- A lô!

- Cháu nghe đây! Gớm, mấy tuần nay cứ theo người đẹp, không thèm gọi cháu một tiếng! Chà, hai người mặc sức mà nói xấu cháu.

- Không có đâu! Cám ơn cô không hết, lẽ nào làm thế. Nhưng tôi gọi cô vì có chuyện nầy nhờ cô. Số là thế nầy. Tôi với cô Nhất Tiếu chiều nào cũng đưa nhau đi lang thang trên các đường phố, ra bãi biển nhìn mặt trời lặn, ngồi bên nhau chuyện trò...Cô cứ tưởng tượng một đôi tình nhân ra sao thì hai đứa tôi cũng như vậy. Nhưng có điều cô Nhất Tiếu cứ bắt chước cô mà gọi tôi bằng chú mãi, khiến tôi yêu cô ấy mà chẳng dám mở miệng nói một lời tỏ tình.

- Nhưng chú có thực yêu cô ta không, hay là thấy người đẹp thì thích vậy thôi. Bọn đàn ông, con trai, chỉ có lòng tham chứ tình yêu thì khó tin lắm.

- Tôi biết rõ là tôi yêu cô ấy nhiều lắm!

- Thế là hết để ý đến cháu rồi, phải không? Bây giờ, cần đến cháu mới gọi nhờ vả chứ không phải để tán tỉnh. Thôi thì, cũng vì lòng vị tha, cháu sẵn lòng giúp đỡ. Chú cần gì cháu?

- Trước hết, tôi hỏi cô điều nầy. Trong sở làm, trong lúc chuyện trò, cô Nhất Tiếu có nói gì về tôi không? Về tình cảm chẳng hạn. Nếu tôi tỏ tình, cô thấy tôi được bao nhiêu phần trăm hy vọng? Tôi sắp rời Cali. về North Dakota rồi.

- Cháu xin trả lời ngay với chú rằng, chú yêu thì cứ tỏ tình, bị từ chối chú đâu có mất mát gì. Người con gái, khi có cảm tình với ai, thái độ cô ta, dù có che dấu cách nào, người tinh ý sẽ biết ngay. Vì chú không yêu cô ta nên chú không thấy đó thôi.

- Nhưng sao tôi chỉ mới đề nghị cô ta đừng gọi tôi bằng chú, thì cô đã nghiêm mặt lại, khiến tôi sợ quá!

- Chú ngốc vừa thôi. Người ta chịu đi ra bãi biển ngắm mặt trời lặn với chú, thì chú phải hiểu chứ. Chả lẽ chính phủ cấm ngồi ngắm mặt trời lặn một mình nên phải cần đến chú bên cạnh? Còn việc tỏ tình của chú thì ...chú tán tỉnh cháu thế nào, cứ thu sẵn vào máy, gặp cô ấy, mở ra. Cháu thấy cách tán tỉnh của chú rất nhà quê, nhưng hy vọng cô ta cảm động. Thôi nghe, sáng mai gặp cô ta, chú cứ thế mà thi hành. Rủi cô ta có đánh đập gì chú thì đừng trách cháu. Bye chú!

        

Buổi sáng trong tiệm cà phê, hắn ngồi trước cô gái, tay xoay mãi cái ly mà không biết mở đầu ra sao! Cô gái nhìn hắn tủm tỉm cười.

- Coi bộ chú bối rối quá! Định nói gì đấy? Chú can đảm lên! Nhưng không được nói yêu cháu.

- Tôi chỉ xin cô cười thành tiếng. Một lần thôi! Trong điện thoại tôi có nghe cô cười, nhưng nếu giờ đây được thấy đôi môi cô hé nở cùng lúc với tiếng cười thì đúng là cô ban cho tôi một ơn phước quí giá nhất đời tôi.

- Cháu có nói chuyện điện thoại với chú bao giờ mà nghe tiếng cháu cười. Chỉ có cô Bình thôi. Chú ghé tòa soạn, cháu sẽ dẫn chú vô gặp cô Bình, còn cháu là Nhất Tiếu, như chú đã đặt tên.

- Tôi biết cô đúng là cô Bình nhưng tôi giả vờ ngây thơ bấy lâu nay, vì tiếng cô nói trong điện thoại tôi nghe quen quá rồi!

Mặt cô gái đỏ bừng lên. Cô nhìn đăm đăm hắn, môi mím lại làm như giận dữ...Bỗng nhiên cô nhoẻn miệng và cười thành tiếng. Tiếng cười reo vui, trong trẻo, cao vút như tiếng chim hót khiến mọi người quay nhìn. Hắn chống cằm nhìn sững chiếc miệng xinh đẹp với đôi môi hồng tự nhiên nở ra một nụ hàm tiếu, để lộ hàm răng nhỏ, đều và trắng như những viên ngọc trai. Mặt cô hơi bầu bỉnh, hai má cô mịn màng, có hai đồng tiền duyên dáng. Và đôi mắt cô, sáng long lanh như cũng đang cười với hắn.

Tiếng cười cất lên khiến mọi người trong tiệm im lặng. Họ như vừa nghe được một chuỗi âm thanh như những nốt nhạc, như tiếng những chiếc khánh nhỏ va chạm nhau, bay lượn, vang vọng khắp nơi. Giống như mùa Giáng Sinh, ta chợt nghe tiếng nhạc reo lên bản Jingle bell. Tiếng reo mừng của thế gian đón Chúa ra đời.

- Chú! Đừng nhìn cháu như thế! Người ta thấy kìa!

Hắn thì thầm với cô.

- Cám ơn cô Bình. Cô dễ thương quá! 

Cô đã ngưng cười nhưng đôi má vẫn còn ửng hồng và đôi mắt long lanh, nhìn hắn dịu dàng, thân mến.

- Hôm qua gọi cháu, chú định nói gì? Sao sáng nay chưa nói? Mất hết can đảm rồi phải không? Chú khỏi nói, cháu hiểu và cháu trả lời chú đây. Chú chuẩn bị buồn năm phút nghe! Chú bị trễ tàu rồi! Cháu đang yêu một người, cũng ở xa, vùng vắng vẻ, lạnh lẽo như chú. Anh ấy ở tận Alaska.

Hắn ra dấu.

- Xin cô đừng nói nữa! Tôi đang vui mà cô làm tôi  chán đời! Anh chàng nào thật may mắn. Tôi mà được cô yêu, tôi cưới cô ngay. Hứa hẹn suông, rủi có thằng nào đẹp trai hơn, giàu hơn, tán giỏi hơn, nó cuỗm mất.

- Chú!...chả biết gì! Tình yêu chứ đâu phải...Cháu giận chú rồi!

- Xin lỗi cô. Chiều nay tôi rời Cali. Cô chúc tôi lên đường bình an đi!

Mặt hắn buồn thiu, giống như đứa bé sắp khóc. Cô Bình nhìn hắn chúm chím cười.

- Chúc chú lên đường bình an. Cháu biết chú sẽ không gọi cháu nữa, nhưng có thể cháu sẽ gọi chú.

Hắn cười gượng gạo.

- Cám ơn cô. Cho tôi gửi lời chúc mừng đến bạn cô và nhắn lời anh ta rằng, phải thật tâm yêu thương cô, săn sóc, chiều chuộng cô đủ điều. Nếu không làm được như thế thì hãy coi chừng tôi. Cứ nói như vậy với anh ta.

        

- A lô, cháu là Bình đây. Cám ơn chú cái thiệp mừng Giáng Sinh với lời chúc mừng. Cháu không gửi thiệp chúc lại chú vì như thế khiến chú hi vọng. Chú có hi vọng gì không chú?

- Tôi yêu cô nhưng cô lại đi yêu người khác, hi gì nổi! Dù sao, cô đã gọi tôi, cũng an ủi chút đỉnh. Hay cô đã đổi ý, không yêu anh chàng kia nữa, gọi báo tin vui cho tôi?

- Cháu yêu một người thôi chú ơi! Cháu gọi chú là định nhờ chú chút chuyện. Nhưng chú đừng gác máy, bình tĩnh nghe cháu đây. Số là tết năm nay, cháu sẽ đi thăm bạn trai cháu, định đem đến anh ấy ít quà. Vì hoàn cảnh anh ấy giống chú, cũng sống độc thân ở vùng lạnh lẽo, không thấy bóng một người Á Châu chứ nói gì đến chuyện kiếm được một tiệm hủ tiếu hay bún, phở. Chỗ chú ở cũng vậy, phải không? Vì vậy, cháu hỏi ý kiến chú, cháu nên đem những món ăn nào mà chú đoán anh ấy thích?

- Cô ra Home Depot mua ba gói thuốc chuột. Một gói, khi máy bay ngang qua nhà tôi, cô ném xuống cho tôi. Một gói, cô pha với nước ngọt cho anh ấy của cô uống. Gói còn lại, cô tùy nghi xử dụng.

- Cay đắng nhau chi, chú ơi! Tội nghiệp cháu mà chú. Cháu không có ai cùng hoàn cảnh với anh ấy ngoài chú cả.

- Chà, nhân dịp nầy tôi bắt chẹt cô mới được. Tôi ra hai điều kiện. Thứ nhất, từ nay về sau, cô phải xưng em với tôi và gọi tôi bằng anh. Thứ hai, thực hành ngay từ bây giờ bằng cách nói ba tiếng Em yêu anh  Làm được vậy thì tôi sẽ cho biết cái thằng anh ấáy của cô thích món ăn gì?

- Chúa ơi! Cháu yêu anh ấy mà chú ép cháu phải nói như thế với chú! Thực, chú không có lương tâm.

- Vậy thì chào cô, Bye!

- Khoan, chờ cháu...Để cháu lấy can đảm. Bấy lâu nay gọi bằng chú, bây giờ gọi bằng anh nghe tình quá phải không chú? Nghe cháu đây Em yêu anh! Nghe rõ chưa?

- Yêu thực không?

- Thực mà!

- Vậy thì em đem bất cứ thứ gì, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, cá kho, rau thơm, thịt quay dưa giá...Mới kể đã thấy thèm! Hỏi cái thằng anh ấy tốt số của em có tự nấu cơm ăn không hay phải đem theo cả nồi cơm điện, gạo thì các tiệm Mỹ cũng có. Anh nghĩ hắn cũng fastfood như anh chứ không hơn gì. Nếu hắn bảo tự nấu lấy cơm mà ăn thì em cẩn thận. Mấy thằng lẩm cẩm như thế tất phải có vợ từ lâu rồi. Em phải điều tra cho kỹ trước khi đến hắn, có thể hắn để vợ con ở Cali. lên đó làm việc. Khám phá ra điều ấy cũng đừng buồn, đã có anh.

- Còn anh thì để vợ con ở đâu?

- Cũng ở Cali., nhưng chưa có con, vợ anh tên Bình, làm ở báo Hoàng Hôn.

- Ai cho phép anh ăn nói bạo dạn như thế? Chết với em!

- Thì chính em nói yêu anh mà! Anh phải gặp hắn ta, quyết đấu một trận như Sơn Tinh, Thủy Tinh để giành người đẹp mới được.

- Anh muốn gặp thì chờ em, em sẽ gọi cho biết ngày giờ, nơi hai người sẽ gặp nhau. Sáng chủ nhật tuần tới, anh đừng đi đâu cả nghe, chờ em gọi, lúc mười giờ. Nhớ nghe anh!

        

- A lô! Bình gọi anh đây. Anh ra phi trường đón em.

- Em ở phi trường nào?

- Anh ở Bismarck thì phải biết phi trường nào rồi sao lại hỏi em! Em đi thăm người cô ở Jamestown nhưng muốn anh đón em ghé thăm anh một lát rồi anh đưa em đến nhà người cô, được không anh?

- Hóa ra mấy món ăn em hỏi anh là đem cho anh phải không? Anh không biết nói sao để cám ơn lòng tốt của em.

- Bữa nay sao lịch sự quá vậy? Mấy lần trước anh ăn nói bạt mạng lắm mà. Có ra đón không thì bảo để em còn gọi cô em cho người ra đón, lúc đó em không ghé thăm anh đâu nghe!

- Em làm anh mừng quính...Không biết cái chìa khóa xe bỏ đâu rồi?! Em đừng rời máy nghe. Anh vừa lái xe vừa nói chuyện với em.

- Tuyết xuống nhiều quá. Anh nhớ lái cẩn thận nghe anh, đừng vội vả. Em sẽ tắt điện thoại để anh bình tĩnh lái xe. Chạy từ từ nghe anh!

 

Sau nầy, gặp lại cô Bình, nay là vợ anh chàng nhà văn viết truyện dở ẹt đó, chúng tôi hỏi.

- Hôm bà đi thăm ông văn sĩ của tụi tôi. Tối đó, chuyện gì đã xảy ra?

Cô đỏ mặt lên, quay đi.

- Thì tôi về nhà cô tôi ở Jamestown ngay chiều hôm đó. Có chuyện gì xảy ra đâu?

- Thôi đi bà ơi! Ai mà không biết. Bà làm gì có cô, dì, chú, bác ở Jamestown.

PHẠM THÀNH CHÂU