Thursday, December 29, 2022

2730. Hoàng Trùng Dương và Phạm Thành Châu THẦY VÀ CÔ TỐNG KHUYẾN


Cô Tống Khuyến là vợ thầy Tống Khuyến (?!), vì khi lấy chồng, cô đã được người ta lấy tên chồng cô để gọi cô, không ai để ý tên thời con gái của cô là gì. Đó là vì, khi lấy chồng, cuộc đời người đàn bà đã được buộc chặt vào chồng con, chỉ có cái chết mới chia lìa được họ.

         Khoảng đầu thập niên 1950, chúng tôi học tiểu học, đã được nghe người ta nói đến tên thầy cô rồi. Thầy Tống Khuyến thì chúng tôi được gặp hoài. Hình như gần chục năm  ở Hội An, từ tiểu học lên trung học, chúng tôi thấy thầy không bao giờ già. Thầy cứ thế, theo thời gian. Dáng thầy cao, hơi ốm, vẻ mặt nghiêm khắc, nhất là đôi mắt thầy rất sáng mà cũng rất nghiêm. Không thấy thầy cười bao giờ. Thời thầy làm thanh tra tiểu học, các cô giáo sợ thầy đến khiếp đảm mỗi khi thầy đến lớp thanh tra, mặc dù khi vào lớp, thầy chỉ yên lặng đứng ở một góc lớp học, nhìn cô giáo rồi nhìn lũ học trò, xem việc dạy của cô giáo ra sao. Không khí trong lớp lúc bấy giờ rất căng thẳng. Chúng tôi ngồi vòng tay yên lặng thích thú nhìn cô giáo vụng về, lúng túng một cách tội nghiệp. Chúng tôi thích thú vì biết nếu chúng tôi làm gì sai trái, không thuộc bài, làm toán trên bảng không đúng chẳng hạn, cũng không bị cô nạt nộ, cho thước kẻ vào mông mà chính cô lãnh đủ với thầy thanh tra. Suốt thời gian đứng trong lớp, thầy yên lặng ghi chép vào sổ, khi ra khỏi lớp, thầy chỉ nói nhỏ vài câu gì đó với cô giáo mà thôi. Khi thầy đạp xe ra khỏi trường, thầy hiệu trưởng với các cô thầy mới vuốt ngực "hú vía". Không phải chỉ lúc thanh tra, thầy Tống Khuyến mới nghiêm, mà lúc vui chơi, giải trí  cũng không thấy thầy cười. Không hiểu ở nhà, thầy có cười với các anh chị, con của thầy không?

         Nhà chúng tôi ở trong xóm giếng Bá Lễ, trong khuôn viên nhà thờ tộc Lưu. Người tộc trưởng, bác chúng tôi, cũng là thầy giáo, tên Lưu Nhàn (không phải thầy Lưu Nhàn nhà đầu đường Nguyễn Thái Học) Buổi chiều, thầy Tống Khuyến thường đến nhà thờ tộc Lưu đánh bóng bàn. Thường thì chúng tôi tụ tập trước ở đó, khiêng bàn ra, căng lưới, đánh với nhau một lúc thầy mới đến. Chúng tôi rút lui, nhường bàn lại cho người lớn, ngồi là khán giả và đi lượm banh cho thầy. Thầy Tống Khuyến rất thích đánh bóng bàn, đôi khi mọi người lớn đều mệt, ngồi nghỉ thì thầy kêu tụi tôi ra chơi với thầy. Đánh bóng bàn với thầy chẳng hứng thú gì, mà chỉ là nhiệm vụ. Vì thầy giao banh, đánh banh rất hiểm, chạy hụt hơi mà đỡ banh cứ ra ngoài hoài, còn tụi nhỏ chúng tôi thì không dám riu (đánh mạnh banh), vì hễ đánh banh ra ngoài, thầy không nói gì mà chỉ nhìn "đối thủ" thôi, thấy đã ngán!.

         Đó là những gì chúng tôi biết về thầy Tống Khuyến, còn về cô Tống Khuyến, phe con gái biết nhiều hơn, vì cô dạy bọn con gái. Tôi nhớ trước năm 1946, chị tôi có dẫn tôi đến trường con gái , trường Nữ Tiểu Học Hội An, chỗ cái chùa gì đó gần chợ Hội An. Lúc đó tôi ba bốn tuổi, chỉ nhớ là con gái đứng đầy sân trường. Thời gian đó cô Tống Khuyến có lẽ đã dạy ở đó rồi. Chúng tôi cũng không biết nhiều về các con của thầy cô, chỉ nghe hình như các chị (con của thầy cô) có tên của mấy con chim: Bồ Câu, Vành Khuyên, Ý Nhi...Có lẽ là tên gọi trong nhà, do cô đăït chứ thầy không đặt những tên chim chóc, yếu đuối đó bao giờ.

Nhà thầy cô Tống Khuyến ở đầu đường Nguyễn Thái Học, gần Chùa Cầu. Chúng tôi còn nhớ, lúc đó, lên trung học rồi mà rất "hoang". Tối đến không chịu học hành như bọn con nhà gia giáo mà chỉ thích đi lang thang ngoài đường phố, ra bờ sông ngồi nói phét, la cà đến nhà bạn bè tụ tập ca hát, nói chuyện đến khuya mới giải tán. Thường đi ngang qua nhà nào có chuông điện là chúng tôi lấy một cục dầu hắc (nhựa đường) đè mạnh vào nút chuông điện rồi bỏ chạy, trốn vào một nơi, chờ nhìn người nhà ra mở cửa (mà không thấy ai!). Đầu đường Nguyễn Thái Học có nhà thầy Tống Khuyến và nhà buôn Trần thị Nết là có chuông điện. Có lần, chúng tôi gắn cục nhựa đường vào chuông điện nhà thầy Tống Khuyến rồi núp ở gần đó chờ xem. Vì cục nhựa đường đã đè vào chuông điện là chuông cứ reo mãi, dù người gắn đã bỏ đi. Chúng tôi chờ một lúc lâu thì có con nhỏ giúp việc ra mở cửa. Nó mở cửa, dòm quanh, không thấy ai, hoảng hốt bỏ chạy vào nhà, miệng kêu oai oái "Ma, ma!" (trong lúc chuông tiếp tục reo).

         Ngày xưa, ở tỉnh lẻ, các cô thầy giáo rất được kính trọng, vì truyền thống "Tôn sư trọng đạo", vì tương lai lũ trẻ là do các vị đó hướng dẫn, vừa về trí dục vừa về đức dục. Học trò đối với cô thầy rất lễ phép, dù sau nầy lớn lên, lưu lạc nơi đâu, hình ảnh, tư cách cô thầy bao giờ cũng là gương sáng trong suốt cuộc đời cho người học trò của thầy cô noi theo. Thầy cô Tống Khuyến là một trong những gương sáng đó, nhất là cô Tống Khuyến, là người rất nhân ái, thương yêu học trò và thương yêu cả những người nghèo khó. Cô giúp đỡ những học trò nghèo, giúp đỡ, an ủi những gia đình gặp khó khăn...nên được học trò và nhiều người ở Hội An thương mến.

         Được biết, cô và thầy Tống Khuyến có được tám người con: Tống Nữ Mai Hương, Tống Nữ Mộng Hoa, Tống Nữ Bạch Nga (từ trần), Tống Vương Thịnh, Tống Nữ Thục Oanh, Tống Nữ Diệu Liên, Tống Nữ Chơn Thuần, Tống Vương Phát.

Xong trung học, chúng tôi bay nhảy ra khỏi Hội An. Cuộc đổi đời năm 1975 khiến trời đất lộn tùng phèo. Chúng tôi phải đi tù cộng sản, rồi sang Mỹ. Nghe nói thầy Tống Khuyến mất năm 1979. Qua bao biển dâu của cuộc đời, cùng với mấy chục năm xa xứ, chúng tôi nhớ lại chuyện cũ ở Hội An, cứ tưởng như  chuyện cổ tích của một thành phố cổ tích. Các thầy, cô thuở nào không còn nữa. Những người muôn năm cũ! Họ như những vì sao vào buổi rạng đông, cứ mờ dần trên bầu trời mênh mông. Ấy vậy mà vừa rồi, chúng tôi được biết, cô Tống Khuyến, vợ thầy Tống Khuyến, vẫn còn sống. Cô đã trên chín mươi tuổi. Đúng là vì sao lẻ loi còn sót lại. Điều may mắn là chúng tôi được biết cô Tống Khuyến hiện ở tại vùng Hoa thịnh Đốn, chúng tôi cũng được biết cô Lê Tống Mộng Hoa cũng là một hội viên trong hội Đồng Hương Quảng Đà vùng Hoa thịnh Đốn nên chúng tôi xin phép được đến thăm cô.

Ngày 5 tháng 6 năm 2005, chúng tôi được cô Mộng Hoa hướng dẫn đến thăm cô Tống Khuyến.

Được khách đến thăm mẹ mình, hai cô gái (Mộng Hoa và Chơn Thuần) rất vui và hãnh diện. Cô Chơn Thuần nói, gần như khoe.

- Chờ lâu lắm! Mẹ em chậm chạp lắm. Tới bữa cơm, có khi chờ phải chờ gần nửa giờ.

Rồi thì cô Tống Khuyến cũng xuất hiện. Tuy cô dùng một cái khung có bốn chân để di chuyển được dễ dàng, nhưng cô vẫn còn khỏe mạnh và vui vẻ. Chúng tôi cúi chào, cô cười đưa tay ra (để bắt tay). Mộng Hoa lại khoe.

- Anh thấy. Cô còn văn minh hơn tụi tôi nữa.

Bạn ơi. Bạn có còn mẹ không? Nếu không còn mẹ, xin bạn nhìn xem để thấy được cái hạnh phúc tràn đầy trên gương mặt rạng rỡ của hai cô con gái đang khoe mẹ mình. Khoe mẹ mình còn mạnh khỏe, còn sáng suốt. Chúng tôi thấy cái cách đối xử của hai cô đối với mẹ, vừa kính trọng, thương yêu nhưng cũng vừa như với một em bé dễ thương, ngộ nghĩnh. Quả thật, những người già đều thành trẻ thơ. Cả một quãng đời, gần một thế kỷ, với bao biến động của thời thế, đổi thay của nhân sinh... đau khổ và hạnh phúc, lo lắng và an vui...hình như không còn gì trong ký ức của cô Tống Khuyến.

Mộng Hoa bảo.

- Anh hỏi thử, cô có còn nhớ, thời trẻ, cô và thầy yêu nhau ra sao?

Chúng tôi hỏi.

- Cô có nhớ, vì sao cô và thầy yêu nhau?

Cô cười.

- Nhớ chứ! Lúc đó cô học Đồng Khánh, thầy học Quốc Học. Cô thường đến nhà bạn cô là em của thầy.

- Cô và thầy có viết thư tình cho nhau không?

- Có. Viết nhiều lắm!

Chơn Thuần lại khoe.

- Hai người viết thư cho nhau. Bây giờ vẫn còn giữ trong đó. Một xấp, dày lắm, nhưng viết tiếng Pháp, tụi em không hiểu được.

Mộng Hoa bảo.

- Anh hỏi thử cô còn nhớ chuyện thầy qua trường Đồng Khánh thăm cô, bị bạn bè cười là thầy quét lá sân trường.

- Vì sao bạn bè bạn cô nói vậy, cô có nhớ không?

- Nhớ. Vì thầy mặc quần tây ống dài phết đất.

Chúng tôi kinh ngạc vì sức nhớ đến từng chi tiết của một người đàn bà trên chín mươi tuổi nhớ về người tình cũng là người chồng của mình cách đây hơn bảy mươi năm.

- Cô và thầy có đưa nhau đi coi hát, đi xi nê?

- Có đi chơi với nhau.

- Rồi hai người cưới nhau?

Cô lắc đầu.

- Cưới sau khi học sư phạm, ra trường. Mời uống nước, ăn dưa hấu cho mát.

-- Cám ơn cô. Xin hỏi cô, trong đời dạy học của cô, cô có còn nhớ những kỷ niệm vui buồn nào? Về học trò của mình chẳng hạn?

- Học trò đứa nào cũng thương tôi lắm. Bây giờ vẫn còn đến thăm tôi.

 Thương yêu, dạy dỗ, giúp đỡ học trò mình nên người, sống đức hạnh, nhân ái với bà con, với người chung quanh, với xã hội...cô không quan tâm vì coi như chuyện đương nhiên. Trong ký ức cô, hình như chỉ còn lại những hình ảnh thân yêu, không thể tách rời khỏi cuộc đời cô, đó là người chồng cùng với những đứa con cô sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ nên người. Đó là thế giới duy nhất của riêng cô với bao yêu thương, bao kỷ niệm êm đềm, đã gắn liền với cuộc đời cô, mà bao biến động của thời thế, bao đổi thay của cuộc sống chung quanh không thể làm phai mờ.

Như tôi đã hỏi bạn ở phần trên. Bạn còn cha mẹ không? Nếu còn quả là một phước đức quá lớn mà Trời Phật đã ban cho cha mẹ bạn và cho bạn nữa. Nhất là mẹ, người đã mang nặng đẻ đau, đã ẩm bồng, săn  sóc từ khi bạn vừa lọt lòng mẹ cho đến khi bạn khôn lớn, người đã suốt đời gửi hồn mình theo với con dù con đã lớn khôn, đã có gia đình, đã ở nơi xa. Bạn ơi, nếu bạn ở xa, hãy cố về thăm mẹ, nếu không, khi mẹ không còn nữa thì dù có ân hận bao nhiêu  cũng đã quá muộn. Hạnh phúc biết bao cho những ai được như Mộng Hoa, Chơn Thuần và những người con của cô, được gần mẹ. Mẹ càng lớn tuổi, bạn càng vui thích được nâng niu, chăm sóc, chuyện trò, đôi khi còn chọc ghẹo mẹ để mẹ cười, vì tâm hồn mẹ lúc bấy giờ đã trở lại hồn nhiên, trong trắng như thuở ngây thơ. Ở tuổi trung niên hay lớn hơn như chúng ta, ai còn mẹ đều săn sóc vui đùa với mẹ. Đùa vui là mừng mẹ còn sức khỏe nhưng lòng vẫn cứ bâng khuâng, lo lắng không biết mẹ còn sống với các con được bao lâu nữa. Người Quảng Nam mình thường nói "Mẹ già như trái mít chín trên cây, không biết rụng lúc nào". Mỗi bữa ăn, mẹ ngon miệng, lòng con đã mừng, tối mẹ ngủ yên giấc thì còn nổi sung sướng nào hơn. Mẹ hơi se mình đã lo lắng, không dám nghĩ đến giây phút mẹ từ giả các con mà đi. Mẹ còn đó mà đã nhớ mẹ đến trào nước mắt.

Nhiều người thấy người khác còn mẹ thì nghĩ đến mẹ mình đã khuất, lòng cứ băn khoăn, ân hận, nhớ lại có lần nào, khi mẹ còn sinh tiền, mình đã nói hay làm gì đó cho mẹ buồn lòng "Tại sao ta đã làm như thế để mẹ buồn lòng? Bây giờ mẹ không còn nữa, không còn cách nào chuộc lại lỗi lầm kia!" Thực sự thì có bao giờ mẹ để tâm đến những lỗi lầm của các con đâu.

Sau 1975, đa số các người con trai của các bà mẹ ở miền Nam đều bị cộng sản cho vào tù. Theo thói thường, những người lớn tuổi đều nghĩ đến ngày sẽ đến một thế giới khác, riêng các bà mẹ miền Nam sau 75 thì lại nghĩ đến con trong tù không biết có sống nổi mà về cho mẹ nhìn mặt trước khi về nơi vĩnh hằng. Mẹ đi chùa, đi nhà thờ chỉ cầu xin đấng thiêng liêng một điều duy nhất là xin che chở cho con của mẹ được sức khỏe mà chịu đựng kiếp tù. Mẹ già bương chải, bòn mót từng đồng để mua vật thực thăm nuôi con. Đến khi con được thả về thì mẹ đã kiệt lực, nhiều người mẹ không được thấy mặt con...Niềm ân hận dằn vặt các ông HO nơi xứ Mỹ là, đến khi mình có thể kiếm sống và dư dã chút đỉnh để gửi về phụng dưỡng mẹ nơi quê nhà thì mẹ nay còn đâu. Ngày giỗ mẹ, thắp nén hương trước hình mẹ trên bàn thờ mà lòng xót xa thương nhớ mẹ. Trở lại quê nhà thăm mộ mẹ có khóc bao nhiêu thì mẹ cũng không còn nữa! "Mẹ đã khổ nhọc vì con từ lúc mang nặng đẻ đau cho đến khi con khôn lớn, đủ trí lực mà bon chen với đời. Chưa nhờ vả được gì thì con lại vào tù. Mẹ lại phải vất vả, lo âu vì con...Nay con về thăm thì mẹ đã nằm yên nơi hoang vắng nầy!"

Khi chào từ biệt cô Tống khuyến và các người con của cô, chúng tôi nghĩ, các anh chị (con của cô) đang được hưởng một ân sủng quí giá, một hạnh phúc bao la khi các anh chị đó còn mẹ bên cạnh.

         Chúng tôi xin được góp lời với học trò của cô Tống Khuyến, với thân nhân, bạn bè cô và với các anh chị, những người con của cô, kính chúc cô Tống Khuyến luôn được sức khỏe, sáng suốt và