Wednesday, January 11, 2023

2751. TRẨN HUIỀN ÂN Đường xưa Thuận Quảng


Tiên kiết nhân tâm thuận.

Hậu thị đức hóa chiêu.

Đó là hai câu đầu trong bài ngũ ngôn của vị tham mưu trình chúa Sãi khi đề cử hai hổ tướng Thuận Nghĩa hầu và Chiêu Võ hầu cầm đầu một chiến dịch an dân.

Khởi nghiệp từ Thuận Hóa, sách lược của chúa Tiên ban đầu là ThuậnHóa, từ đó củng cố thế lực trên nền tảng Quảng Đức và phát triển theo chiều hướng Quảng Nam. Với quyết tâm tạo lập cõi Nam Hà thành một giang sơn vạn đại, các chúa kế nghiệp giữ đúng đường lối: thu phục nhân tâm, giáo hóa dân trí và mở mang bờ cõi.

Đất Thuận Quảng này phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân Sơn và Thạch Bi Sơn bền vững, núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối, thật là một nơi trời để dành cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gây dựng cơ nghiệp muôn đời”.

Lời chúa Tiên dặn dò chúa Sãi trước lúc lâm chung đã thể hiện rõ ý chí ấy. Hiểm trở là lợi thế để phòng ngự, bền vững là nền tảng để xây dựng. Vàng sắt dành cho công nghiệp và quốc phòng, cá muối cung cấp cho đời sống dân chúng.

Trên đường thiên lý Thuận Hóa – Quảng Nam các đoàn lưu dân người Việt phải vượt qua nhiều chướng ngại thiên nhiên. Mỗi khi “dừng chân đứng lại” trên đỉnh cao trông vời họ lại thấy mở ra trước mắt một khung cảnh “trời-non-nước” bao la. Tiếng gọi của gió lành nắng ấm Phương Nam đầy màu sắc rực rỡ và cuốn hút như nam châm.

 Những vùng đất màu mỡ dần dần được thuần thục. Những con sông bốn mùa đầy nước ngọt, tấp nập thuyền bè xuôi ngược. Những vũng vịnh, cửa biển thật thuận tiện cho việc xây dựng các ngư trường và giao dịch với bên ngoài. Thế hệ sau nối tiếp công trình của thế hệ trước. Ước vọng của chúa Tiên: một cõi Nam Hà với cột mốc Thạch Bi Sơn đã thực hiện được. Vùng đất này đã hoàn thành nhiệm vụ Quảng Nam được định danh Phú Yên, một trong 5 phủ của Thừa tuyên. Chặng tiếp theo, bên kia đỉnh Đại Lãnh ngất trời là Thái Khang (Bình Hòa) rồi Bình Thuận, là công huân của chúa Sãi và các hậu chúa nối ngôi…

Hơn nửa thế kỉ sau khi Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh tiến vào Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn… Hùng Lộc hầu có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa tiến xa hơn thi hành sứ mệnh lịch sử Thuận Thành. Đồng Nai chỉ còn là gang tấc. Nối tiếp truyền thống phụ thân, Nguyễn Hữu Cảnh – con của Chiêu Võ hầu - mở đất Sài Gòn:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về…

Tầm mắt người dân “Thừa tuyên Quảng Nam” bây giờ rộng mở với một cõi Nam Hà không phải chỉ giới hạn từ Hoành Sơn đến Thạch Bi Sơn mà :

Rồng chầu ngoài Huế. Ngựa tế Đồng Nai…

Cùng với cả cõi Nam Hà, cả Xứ Đàng Trong…những người dân từng trải bao mùa mưa nắng trên đường xưa Thuận Quảng từ đây góp nhiều công sức, cả máu đào, tâm trí, mồ hôi cho đại cuộc của Tổ Quốc từ Nam Quan tới Hà Tiên…