Saturday, February 11, 2023

2790. HOÀNG KIM OANH: KHÚC BI HÀNH CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ



(Tặng chị Lê Triều Hồng Lĩnh)

Người xưa khắc thơ lên đá
Thơ còn mãi đến ngàn sau
Ta nay một đời phiêu bạt
Mang mang chữ nghĩa trong đầu
(Nghệ sĩ hành 2)

Dấu ấn đầu tiên cũng là bài thơ đầu tiên của nhà thơ -hoạ sĩ Lê Triều Hồng Lĩnh-Phạm Thị Quý mà tôi “lẩy” ra đọc vội ở cà phê Lọ Lem sau một buổi phát hành Quán Văn năm nào đã làm tôi ấn tượng không dứt mãi cho đến bây giờ. Bởi đó là bài thơ chị viết theo thể hành. Một thể thơ cổ phong gân guốc không dễ viết chút nào cả về kỹ thuật lẫn nội dung. Và một chút thú vị nữa là nhẩm trong những bài hành độc đáo tôi từng biết, từng đọc, từng học, cái thể thơ vẻ như mặc định để toát lên chí khí kiêu bạc của những trượng phu quân tử, tráng sĩ mặt buồn, anh hùng lỡ vận... thì mỗi chị là tác giả nữ! Thể thơ truờng thiên này lâu nay hiếm người đặt bút, thường là những bài dài hoặc... rất dài. Ngắn nhất là Tống biệt hành của Thâm Tâm (22 câu), Khúc Nam hành của Tuờng Linh (32 câu-8khổ) Hành phương Nam của Nguyễn Bính (40 câu), Biên cương hành của Phạm Ngọc Lư (66 câu), Trường Sa hành cùa Tô Thuỳ Yên (64 câu), Nước mặn của Viên Linh (52 câu); Cá biệt, có khi lên đến hàng trăm câu như Hành phương Đông của nhà thơ Phạm Cao Hoàng (40 khổ thơ 4 câu. Có thể là bài hành dài nhất thi ca Việt: 160 câu). Còn nội dung thì thường “đề cập đến những vấn đề lớn lao, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mới mẻ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến, thể thơ cổ phong thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc" (Triều Nguyên). Tôi vẫn nhớ như in lúc ấy, trong tôi thoáng những cảm xúc ngạc nhiên và tự nhủ sẽ tìm đọc những bài thơ viết theo thể hành của Lê Triều Hồng Lĩnh. Vậy mà, cầu toàn, tôi cứ lần lữa đi tìm định nghĩa đầy đủ của thể thơ này, góp nhặt những bài hành cổ kim trong văn chuong TQ - VN...mà chưa thực hiện được. Mãi hôm nay, mở lại QV 67, đọc "Nghệ sĩ hành 2" lần nữa, gõ lại từng câu mà thấm thía giữa đêm thu, tiếng còi xe lửa sau bao ngày cách ly giãn cách ngưng hoạt động, lần đầu tiên vọng lại ở phía đông thành phố vừa hồi sinh, những trăn trở của nhà thơ chợt thổn thức trong tôi những cảm xúc ngày nào…

Không chọn đề tài chiến tranh như Đỗ Phủ với Binh xa hành hay Lệ nhân hành, không quá bi đát cho kiếp người lỡ vận như trong Hành phương Đông: “nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp/ta cùng ngươi quay với bóng tang thương”, cũng không phải cảnh biệt ly hay sầu xứ như các bài hành nổi tiếng trong thi ca Việt kể trên, Lê Triều Hồng Lĩnh đi vào một câu hỏi nhức buốt lương tri người cầm bút: tìm đâu chân lý cho nghệ thuật sáng tạo giữa thời buổi nhiễu nhương?

Người xưa khắc thơ lên đá
Thơ còn mãi đến ngàn sau
Ta nay một đời phiêu bạt
Mang mang chữ nghĩa trong đầu

Bốn câu đầu này tôi đã từng nhìn thấy chị vẽ trên một bức tranh chữ-chữ tranh treo ở một triển lãm, sắc màu quyện trong từng con chữ rất lung linh. Lúc ấy tôi chỉ thấy hay hay và đọc nghe chút gì ray rứt thôi. Nhưng đọc bài hành trong cấu trúc vẹn toàn 42 câu của nó, nhẩm lại từng con chữ, từng hình ảnh, trong mối liên hệ so sánh xưa nay lòng tôi bỗng ứa lệ xót xa trước khúc tâm trạng bi ai mà có ngờ đâu một phụ nữ sông nước miền Tây bình dị cởi mở, lúc nào cũng nở nụ cười hiền hoà, ngay lần gặp đầu đã cho người đối diện cảm giác thân thương tin cậy mà tâm hồn không hề giản đơn đơn điệu chút nào. Hành tức là đi, nhịp đi, quân hành, diễn hành, lưu thủy hành vân... Bài Hành thường mang một tâm sự bi hùng, bi tráng, khí khái, khinh bạc... Nghệ sĩ hành 2 cũng là chuyện đi. Nhưng không hẳn chuyện xê dịch cụ thể mà có thể là những cuộc lang thang vật vã kiếm tìm chân lý cho sáng tạo trong nội tâm giằng xé trong người nghệ sĩ. Nhắc lại người xưa, và câu chuyện đề thơ trên vách đá mở đầu và kết thúc bài Nghệ sĩ hành, tác giả như ngậm ngùi tự vấn, tự trách bản thân khi đối sánh và dẫn người đọc truy tìm về trang sử rạng ngời của ông cháu Vua Lê hết đời này sang đời khác chưa bao giờ lơi lỏng cảnh giác với âm mưu xâm lược phương Bắc. Từ Lê Thái Tổ Lê Lợi khắc thơ trên vách đá Mường Lễ năm 1431 dặn dò: “Biên phòng hảo vị trù phương lược”, 1440 Lê Thái Tông khắc vào đá cổ ở chùa Tiên, Lạng Sơn: “Cách trừ ô nhiễm an dân thiện”- trừ hết (những kẻ xâm lược) nhớp nhơ, dân lành vững, đến vua Lê Thánh Tông, 1468, cũng nối gót ông và cha, trước ba lần ngoại bang quấy nhiễu năm 1467 đã ghi tạc vào vách đá lời thề son sắt: “Thiên nam vạn cổ sơn hà tại” lưu truyền mãi đến nay thành danh thắng núi Bài thơ… Còn ta? Kẻ “mang mang chữ nghĩa trong đầu” thời buổi bể dâu này làm được gì cho đất nước quê hương? Khoác áo lữ khách lang thang, người nghệ sĩ- trí thức cũng khát khao đi tìm cách thể hiện ngòi bút của mình, và “Ta” đi đâu?

Ta đi qua phố qua làng
Lối cũ chẳng còn bóng rợp
Đất xưa không còn cỏ mọc
Nhà cao che mất cánh đồng.

Thế kỷ XXI, thời đại của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ khí hoá, xóm làng Việt Nam nông nghiệp lúa nước thân thương rợp bóng tre xanh mát lành đã đi vào công cuộc đô thị hoá, công nghiệp hoá khốc liệt, người nghệ sĩ trong Lê Triều Hồng Lĩnh chỉ còn thấy sự chật chội, tù hãm, cằn khô, xơ cứng. Đâu những “đất lành chim đậu” huyền thoại hào phóng phương Nam, nay đất cằn đất chết đến mức một ngọn cỏ dại nhỏ nhoi cũng không còn nẻo tồn sinh.

Ta”- người nghệ sĩ lại lang thang khúc độc hành tìm về mẹ thiên nhiên núi rừng tìm sự sống cho thơ, cho nghệ thuật. Có ngờ đâu:

Ta đi lên núi lên rừng
Núi chỉ còn trơ vách đá
Rừng chẳng còn bóng cây cổ thụ
Gốc cây ứa máu rưng rung

Núi rừng thiêng liêng bị thảm sát cạn kiệt đến từng gốc cây ứa máu rưng rưng. Lòng tham và tội ác không chỗ nào chùn buớc. Nghệ thuật cần có sự nuôi dưỡng của thiên nhiên hay cũng chính là bầu khí quyển trong lành thanh sạch để cái Đẹp đơm hoa kết trái. Núi rừng sông suối xưa nay vẫn là nơi tìm về trú ẩn của nghệ thuật, mẹ thiên nhiên sẽ tiếp cho hồn thơ, hồn hoạ những năng lượng sáng tạo tích cực, chữa lành những ô trọc dương gian. Ở đây, người nghệ sĩ bơ vơ lạc loài ngay trên chính quê hương mình, đất nước mình trong một tâm thế tuyệt vọng. “Ta” đã “đứng nhìn ra tứ phương”, đã “dõi mắt về tám hướng. Phương Bắc, Phương Nam, phương Tây… nơi xa lạ, nơi tối tăm, nơi cách trở… Thành ngữ “bốn phương tám hướng” là một cách nói quen thuộc dân dã chỉ tác giả đã đi tìm chân lý hành động cho người nghệ sĩ ở tất cả các phương, tất cả các hướng, nhưng cũng nhằm chỉ sự bế tắc tột cùng chẳng tìm được phương nào, hướng nào. Còn mỗi một phương Đông, người nghệ sĩ tưởng đâu nơi có mặt trời là nơi chân lý toả hào quang. Phương Đông của Mặt trời và những cánh phượng hoàng lửa huyền thoại tái sinh từ tro tàn xuyên suốt không gian và thời gian vũ trụ…thiêu đốt tất cả những quá khứ đau buồn, những ám ảnh sầu thương để mở ra một thời đại huy hoàng mới… Nhưng. Không có phép màu thần thoại nào cả, ánh sáng chỉ còn le lói, chỉ là một nỗi mông mênh vòng đời mê đắm, ‘ta” lại “chông chênh giữa trùng khơi” lê những bước chân buồn. Vô vọng.

 Ở đâu còn bóng chim huyền diệu
Hót gọi tiền thân ta tái sinh
Hót gọi vô vàn mơ ước cũ
Bay lên trời lớn, đọ mông mênh.
(
Tô Thuỳ Yên, Mùa hạn)

Ôi khát vọng không cùng của người nghệ sĩ, không bao giờ bằng lòng, thoả mãn với hiện thực tù đọng, nhỏ bé, tầm thường, cánh chim huyển thoại luôn vẫy gọi họ vươn tới cái vô hạn, vô cùng, cái đẹp và sự bất tử. Nhưng thực tại, người khách lãng du vẫn độc hành đi mãi đi mãi kiếm tìm hạnh phúc hiến dâng. Có những câu thơ của Lê Triều Hồng Lĩnh thật giản dị, tự nhiên, không làm dáng hay dụng công kỹ thuật mà đọc lên lòng cứ bật xót xa “Câu thơ viết chưa ráo mực/trái tim đã vỡ tan rồi”. Tâm trạng không hướng đi, không lối thoát chông chênh mất phương hướng, mất niềm tin giữa chợ đời hỗn độn xô bồ này nào có riêng ai nếu những người “mang mang chữ trong đầu” thực sự tỉnh thức giữa bến mê đời cám dỗ đua chen giả dối, đố kỵ, lọc lừa, ảo tưởng. Nguyễn Bính từng bơ vơ ngồi giữa chợ uống rượu tiêu hoang cho đến hết đời mình:

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
(Nguyễn Bính, Hành phương Nam)
 

Phút giây đốn ngộ chợt đến trong điều tĩnh lặng “còn nằm trong cõi hư vô”, vì thế: “hạnh phúc vẫn còn xa ngái/nên lòng cứ mãi cô đơn”. Tôi đã không ít lần lang thang cùng chị và anh trong nhiều chuyến tìm về cội nguồn hay thử tìm nơi yên tịch vỗ về tâm hồn mình nơi sông nước biển trời và cả đèo cao núi thẳm…, lặng lẽ ngắm nhìn và đọc thơ chị để phát hiện trong cái bình lặng ấy là cả một sức mạnh khó tả. Chị vẫn điềm đạm bề ngoài mà thơ sục sôi nức nở biết bao. Người nghệ sĩ trong chị luôn lặng lẽ trăn trở đớn đau bất an, bất đắc chí, bất hoà hợp với hiện thực xô bồ hỗn độn trầm luân này mà vẫn chọn cho mình một cách sống an nhiên. Và chị lao vào nghệ thuật sắc màu câm lặng. Chỉ có những đường nét dọc ngang rối bời. Chỉ có những sắc màu hỗn độn như nổi loạn, như hét tung, như phá vỡ tất cả khuôn khổ xiết chặt của thực tế cuộc đời. Từ “trầm luân” của nhà Phật đã hé mở một chiều kích trong cảm quan nghệ thuật của Lê Triều Hồng Lĩnh. Trong những dằn vặt bi phẫn của tâm hồn nghệ sĩ ấy, chị không dừng bước,

vẫn đi tìm ánh sáng, vẫn phát hiện chút le lói giữa cõi người còn trầm luân…

Chủ thể trữ tình từ đầu bài hành hoá thân vào nhân vật “ta” khi như là tiếng nói bên trong khi vẻ như từ điểm nhìn bên ngoài giãi bày cùng nhân thế… Hai câu thơ cuối bài hành khép lại bằng hai câu mở đầu không phải là sự kết thúc mà mở ra vô tận một nỗi niềm…

Người xưa khắc thơ trên đá
Còn ta vẫn mãi rong chơi.
 
Ừ thì ta mãi rong chơi.

Rong chơi như một thế cách sống. Rong chơi như một sự bảo vệ khí tiết người nghệ sĩ còn sót lại không uốn cong ngòi bút, không đảo điên ngọn cọ mà uốn gối khom lưng ca ngợi bạo quyền. Rong chơi trong cuộc trầm luân kiếp vô thường mà đớn đau mềm phế phủ. Câu thơ một lần nữa nhắc đến người xưa, ngầm tôn ca chí khí anh hùng kiên cường bất khuất của ông cha quyết tâm giữ từng tấc đất, còn ta? Ta làm được gì? Lần nữa nhà thơ tự vấn, tự trách, tự trào chính cái bất lực của người nghệ sĩ bất phùng thời mang chữ nghĩa đầy ắp trong đầu, mang tri thức đầy một túi mà bó tay không làm gì được cho dân cho nước trong thời buổi loạn ly, bạn vàng xảo trá thành kẻ cướp già mồm. “Sách vở ích gì cho buổi ấy, áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già (Nguyễn Khuyến). Hay “ta” chỉ còn khóc đời than phận? Thơ Lê Triều Hồng Lĩnh không dừng lại ở cái riêng bất đắc chí hay gói trong nợ áo cơm, hoặc nỗi ly hương thời thế nổi trôi cảm khái nao lòng:

 “Anh hỏi thời gian sáng hoặc chiều
Lòng sương tuyết nhỏ có đìu hiu?
Quê người cơm áo đau vô tận
Sống tưởng dường như chỉ bấy nhiêu”
(Viên Linh, Nước mặn)

Vượt lên tất cả những gì cá nhân nhỏ bé, trong sâu lắng nỗi đau thời thế, thiêng liêng hơn, ta còn nghe người nghệ sĩ khẳng khái bi phẫn khóc nghêu ngao khúc  ca của cả một nỗi niềm nhược tiểu:

Ta vỗ ngực mà ca hề
Nghêu ngao bài hành mất đất
Chì còn bầu trời cao hề
Ta lại ngậm hạt mà bay.
 
Ôi người nghệ sĩ của tôi.
Trời cao đất rộng chứng giám cho ta.
Trời cao đất dày xá tội cho ta.

 

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư- tác giả Biên cương hành - khi còn sinh thời trong những lần anh em bàn bạc tìm kiếm về thi luật thể hành có lần nói với tôi viết hành theo thể lục ngôn xưa nay chưa ai viết ngoài thơ lục ngôn Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Trãi. 42 câu trong nghệ sĩ hành của Lê Triều Hồng Lĩnh thật thú vị là hoàn toàn sử dụng thể lục ngôn trường thiên, không ngắt từng khổ 4 câu, không pha lục bát hay những câu thất ngôn, những câu thơ dài ngắn tự do như một số bài viết theo thể hành khác. (Ví dụ như bài Hành đón tuổi 40 của Thanh Nam, hay Cố lý hành, Trở lại Phá Tam Giang của Phạm Ngọc Lư). Tuy hiện thực không dữ dội và chưa hoàn toàn gieo được độc vận (Biên cương hành chỉ gieo vần ương-uông) trong trọn bài dù tác giả cũng rất ý thức chọn lọc những cặp vần sau-đầu, thang-làng, rừng-rưng, phương-hướng, đời-khơi, bồ-vô, rồi-chơi…theo mạch cảm xúc và tư tưởng chủ đề của bài hành; tuy cũng chưa có những hình ảnh, cảm xúc đạt độ “kỳ thi thốn tâm thiên cổ” như Tống biệt hành, Hành phương Nam, Trường Sa hành…, nhưng Nghệ sĩ hành 2 của một cây bút nữ độc đáo đầy cá tính, nhà thơ-hoạ sĩ Lê Triều Hồng Lĩnh, với tôi, thật sự là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhiều ý nghĩa đáng học hỏi về thể hành trong thi ca đương đại hiện nay.

Thị Nghè, 1.11.2021
HKO

____________________

LÊ TRIỀU HỒNG LĨNH
NGHỆ SĨ HÀNH 2
 
Người xưa khắc thơ lên đá
Thơ còn mãi đến ngàn sau
Ta nay một đời phiêu bạt
Mang mang chữ nghĩa trong đầu
Khoác áo như người lữ khách
Ta làm một chuyến lang thang
Ta đi qua phố qua làng
Lối cũ chẳng còn bóng rợp
Đất xưa không còn cỏ mọc
Nhà cao che mất cánh đồng
Ta đi lên núi lên rừng
Núi chỉ còn trơ vách đá
Rừng chẳng còn bóng cây cổ thụ
Gốc cây ứa máu rưng rưng
Ta đứng nhìn ra tứ phương
Biết đâu đất lành chim đậu
Ta dõi mắt về tám hướng
Biết đường nào hề ta đi
Phương Bắc hề sao xa lạ
Phương Nam vẫn còn tối tăm
Phương Tây vẫn nhiều cách trở
Ta hành trình về Phương Đông
Ta đi kiếm tìm chân lý
Mênh mông giữa chốn mê đời
Chân lý hề đâu chẳng thấy
Ta chông chênh giữa trùng khơi
Ta đi kiếm tìm ánh sáng
Từ vầng mặt trời phương Đông
Ánh sáng vẫn còn le lói
Giữa cõi người còn trầm luân
Ta đi mãi tìm hạnh phúc
Lê trên những bước chân buồn
Hạnh phúc vẫn còn xa ngái
Nên lòng cứ mãi cô đơn
Ta đi tìm nơi yên tĩnh
Giữa bao hỗn độn xô bồ
Chợt nhận ra điều tĩnh lặng
Còn nằm trong cõi hư vô
Câu thơ viết chưa ráo mực
Trái tim đã vỡ tan rồi
Người xưa khắc thơ trên đá
Còn ta vẫn mãi rong chơi
 
(Quán Văn số 67, tháng 10.2019)