Thursday, February 23, 2023

2801. LỐI ĐI CỦA NGƯỜI CHẾT Truyện ngắn của nhà văn Nigeria CHINUA ACHEBE (1930-2013) Dịch và giới thiệu NGU YÊN

Nhà văn Chinua Achebe (1930-2013)

Chinua Achebe (1930-2013)

Tiểu thuyết gia, nhà thơ, tiểu luận gia, được xem là một trong số nhà văn Nigeria hàng đầu trong dòng văn chương Châu Phi.

Những tác phẩm được thế giới biết đến như Things Fall Apart (1958), No Longer at Ease (1960), Arrow of God (1964), Anthills of the People (1966) … đã đưa ông lên vị trí “Ngườì cha văn học Châu Phi.”

Theo học đại học y khoa University of Ibadan. Bỏ dỡ nửa chừng, ông theo đuổi văn chương Anh, lịch sử và lý thuyết. Năm 1961, Avhebe được mời giữ nhiệm vụ Giám đốc Truyền thông Ngoại quốc, xây dựng “Tiếng Nói Nigeria” (VON).

Sau tai nạn xe hơi năm 1990, Achebe bị liệt hai chân. Ngồi xe lăn. Ông được mời làm giáo sư sinh ngữ và văn chương ở đại học Bard Colledge in Annandale-on-Hudson, New York. Năm 2007, ông được nhận giải thưởng Man Booker International Prize. Tờ New York Time mô tả ông như “một trong những tiểu thuyết gia được đọc nhiều nhất ở Châu Phi.”


Lối Đi Của Người Chết

Hy vọng của Michael Obi đã xảy ra sớm hơn nhiều so với những gì anh mong muốn. Được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Trung tâm Ndume vào tháng Giêng năm 1949. Đây là một ngôi trường lạc hậu, chính quyền quyết định tiến cử một người trẻ, đầy năng lực để điều hành. Obi tiếp nhận công việc một cách say mê thích thú. Có nhiều ý tưởng cao kỳ, nay có cơ hội để thực hành. Với trình độ học vấn trung học đệ nhị cấp, anh trở thành một giáo viên nồng cốt trong hồ sơ chính thức, tạo nên vị trí khác biệt với các hiệu trưởng khác trong ngành giáo dục. Anh đã từng thẳng thắn lên án những quan điểm hủ lậu và kém trí thức.

Anh hỏi cô vợ trẻ khi vừa nghe được tin vui về việc thăng chức: “Chúng ta sẽ làm công việc này cho thật tốt đẹp, phải không?”

“Chúng ta sẽ tận lực. Chúng ta sẽ có những khu vườn đẹp và mọi thứ tân thời rất thích thú …” Trong hai năm chung sống, cô đã hoàn toàn bị tiêm nhiễm bởi nỗi say mê về “Các phương pháp hiện đại” và sự phủ nhận của chồng về “những người già, thiếu kiến thức chuyên môn trong lãnh vực giảng dạy.” Những vị lão thành cổ lỗ sĩ trong nền giáo dục, có lẽ, tốt hơn nên được tuyển dụng làm thương nhân trong thị trường ở thành phố Onitsha. Cô bắt đầu nhìn thấy mình trở thành người vợ được ngưỡng mộ của ông hiệu trưởng trẻ, nữ hoàng của trường trung học.

Các bà vợ của các hiệu trưởng kia sẽ ganh tị với cô. Cô sẽ thành lập nhiều kiểu mẫu trong tất cả mọi thứ … Rồi, đột nhiên, cô nghĩ, có thể không có bà vợ nào. Xôn xao giữa mơ tưởng và e ngại, cô tỏ vẻ lo lắng khi hỏi chồng. Anh hăng hái trả lời:

“Các đồng nghiệp của anh đều trẻ, chưa lập gia đình, như vậy tốt hơn.”

“Tại sao?”

“Tại sao! Họ sẽ để hết tâm trí và thời giờ vào việc trong trường.”

Nancy thất vọng. Trong vài phút, cô có cảm giác hoài nghi về ngôi trường mới; nhưng chỉ thế thôi. Chuyện cá nhân không vừa ý không thể khiến cô mù quáng trước viễn cảnh hạnh phúc của chồng. Nhìn anh ngồi gãy gập trên ghế, hơi khòm và ốm yếu. Nhưng đôi khi anh làm người khác ngạc nhiên với nguồn năng lực thể chất bùng lên. Tuy nhiên, trong tư thế hiện tại, tất cả sức mạnh đó dường như tụ vào sau đôi mắt sâu thẳm, tạo cho nhãn quan một sức mạnh phi thường để có thể nhìn xuyên suốt. Chỉ vào khoảng 20 tuổi nhưng bề ngoài trông như hơn 30. Tóm lại, anh không làm nhiều người thất vọng.

Nancy bắt chước một câu nói trong tạp chí phụ nữ đã đọc, hỏi chồng: “Anh suy nghĩ có đáng đồng xu nào không?”

“Anh đang nghĩ, cuối cùng chúng ta cũng đã có cơ hội để chứng tỏ với mọi người là làm thế nào để điều hành một trường học.”

Ndume là một trường lạc hậu trong mọi khía cạnh. Obi đặt hết cả đời mình, luôn cả vợ anh nữa, vào công việc trường ốc, vơi hai mục tiêu: Một là đòi hỏi tiêu chuẩn dạy dỗ phải cao. Hai là khuôn viên trường học phải biến thành một nơi đẹp đẽ. Khu vườn mơ tưởng của Nancy trở nên sống động với mùa mưa kéo đến, làm nở rộ bông hoa. Hàng rào Dâm bụt và Huỳnh anh xanh tươi với màu đỏ vàng rực rỡ, biểu lộ khu vực trường được chăm sóc cẩn thận trong vùng cư trú tử tế.

Một buổi tối, khi Obi đang chiêm ngưỡng kết quả của việc làm, anh cảm thấy không hài lòng khi một bà cụ trong làng khập khiễng băng qua khu trường học, giẫm lên thảm hoa cúc vạn thọ và hàng rào. Khi đi đến đó, anh khám phá một lối đi mờ nhạt dường như không mấy ai sử dụng từ ngôi làng đi qua trường cho đến các bụi cây bên kia.

Obi nói với một thầy giáo khác, người đã dạy ở đây ba năm: “Thật là kỳ lạ, người ta để cho dân làng sử dụng lối đi bộ này.” Anh lắc đầu. 

“Lối đi, dường như rất quan trọng đối với họ. Mặc dù ít ai dùng. Lối đi này nối từ ngôi đền trong làng đến nơi chôn nhau cắt rốn của tộc dân.”

“Có liên quan gì đến trường học.”

“A, tôi không rõ,” thầy giáo nhún vai.

“Nhưng tôi nhớ, cách đây một thời gian, có cuộc tranh cãi lớn khi chung tôi cố gắng đóng lối đi.”

“Chuyện đó đã qua khá lâu, nhưng bây giờ không thể sử dụng.” Obi vừa nói vừa bỏ đi. “Cán bộ giáo dục của chính phủ sẽ nghĩ gì khi ông đến kiểm tra trường học vào tuần tới? Tôi chỉ biết, dân làng quyết định sử dụng một phòng học làm nghi lễ đa thần trong thời gian kiểm tra.”  

Những cọc lớn được dựng lên san sát chận lối đi ở hai đầu, chỗ tiến vào trường và chỗ ra khỏi. Họ cũng cố thêm bằng rào dây kẽm gai.

Ba ngày sau, Ông thầy đạo của làng đến gặp hiệu trưởng. Ông là một người già, đi khom lưng. Mang theo một cây gậy chống, thường dùng gõ mạnh xuống sàn để phụ họa, nhấn mạnh, mỗi khi ông đưa ra một quan điểm mới trong lúc lý luận.

Sau những chào hỏi thông thường, trao đổi thân mật, ông đạo nói: “Tôi nghe, gần đây lối đi đến nơi tổ tiên đã bị ngăn chận …”

“Vâng, không thể cho phép dân làng làm đường đi băng qua khuôn viên trường học.”

Ông đạo gõ cây gậy xuống: “Này, cậu trẻ, lối đi này có ở đây trước khi cậu sinh ra, trước khi cha cậu sinh ra. Toàn thể đời sống dân làng phụ thuộc vào nó. Những người thân của chúng ta qua đời, khởi hành trên lối đi này và tổ tiên dùng nó đến thăm viếng chúng ta. Nhưng quan trọng nhất, trẻ con đi lối này để chào đời … “

Obit lắng nghe với nụ cười thỏa mãn hiện lên mặt. Sau cùng anh lên tiếng: “Toàn bộ mục đích của trường chúng tôi là xóa bỏ những mê tín như vậy. Người chết không cần lối đi bộ. Toàn thể ý tưởng thật tuyệt diệu. Nhiệm vụ chúng tôi là dạy dỗ con cái của các người bật cười trước những niềm tin như thế.”

“Những gì cậu nói có thể đúng, nhưng chúng tôi tuân theo thông lệ của cha ông để lại. Nếu cậu chịu mở lại lối đi, chúng ta sẽ không có gì tranh cãi. Điều tôi muốn nói là: Hãy để diều hâu đậu và cũng để đại bàng đậu.“ Ông đứng lên ra về.    

“Xin lỗi ông. Nhưng khuôn viên trường học không thể làm đường đi. Việc này trái với quy định của chúng tôi. Tôi sẽ đề nghị xây dựng một lối đi khác, vòng qua chu vi trường. Thậm chí, chúng tôi có thể động viên các em học sinh giúp đỡ trong việc xây dựng. Tôi không nghĩ, tổ tiên gặp nhiều khó khăn để tìm ra lối đi vòng này.”

Ông đạo đã ra đến bên ngoài,  trả lời: “Tôi không còn gì để nói.”

Hai ngày sau, một phụ nữ trẻ qua đời trong lúc sinh sản. Lập tức dân làng hỏi ý kiến một thầy đạo bói. Ông đã quy định các vật tế lễ nặng nề để đền đáp tổ tiên bị xúc phạm bời hàng rào ngăn chận lối đi.  

Sáng hôm sau, Obi thức dậy giữa cảnh đổ nát. Chẳng những dàn hàng rào đẹp đẽ gần lối đi bị phá bỏ mà chung quanh trường học, bông hoa bị giẫm đạp tan tành. Một tòa nhà trong trường bị kéo sập.

Hôm đó, vị giám thị da trắng đến kiểm tra, rồi giận dữ viết báo cáo về tình cảnh của trường học. Nghiêm trọng nhất  là phần mô tả tình hình xung đột đang phát triển giữa trường học và dân làng, một phần lớn phát xuất từ lòng nhiệt thành của viên hiệu trưởng trẻ tuổi.