Thursday, March 16, 2023

2825. Nguyễn thị khánh minh CONCERTO 21 BÊN Ô CỬA SỔ DAFFODIL

Daffodil - Source: Getty images

Tặng Duyên và sinh nhật tháng ba

Thời gian đã bắt đầu bỏ nhỏ những bước đầu tiên trên con đường tháng 3. Mùa xuân đang chờ daffodil rung cánh gõ là tung cửa xô hết những rộn ràng ra ngoài cho nhân gian hưởng thụ.

Những cây đào ba mầu bất chấp mưa gió đã rộ sắc hồng trắng đỏ theo gió cuối đông trên những con phố của Little Saigon. Ở thành phố cao nơi tôi đang ở, phía xa có những đỉnh núi tuyết chưa tan, nhưng trong vườn nhà daffodil đã lơ thơ điểm vàng. Thời khắc giao mùa, gió ấm hơn nên dường như nắng ngọt hơn. Ngày dài hơn nên hình như mình sống chậm hơn. Tất cả, như một tặng phẩm của đất trời cho những ai sinh nhật tháng 3. Và cảm xúc tôi lúc này, là nỗi vui rộn ràng như thể tôi đang châm ngọn pháo hoa. Bung nghìn tia óng ánh để Chúc Mừng Sinh Nhật. Ai đó. Sinh nhật mùa Xuân…

… Tôi rất thích hoa daffodil, hoa biểu tượng cho những ai sinh vào tháng ba. Nhớ có lần, Nguyệt Mai bảo, chị viết cho sinh nhật chị Duyên đi. Mai bảo là tôi luôn nghe lời. Thế nên để kỷ niệm sinh nhật bạn, xin đọc cho Duyên nghe một bài thơ cũ viết về tháng ba, tháng mà “cô bạn bắc kỳ nho nhỏ” đến với trần gian này, mang theo cành daffodil vàng nắng… (nói nhỏ nhe, thơ về tháng ba mình có nhiều lắm, nếu gặp nhau và Duyên muốn sẽ sẵn sàng đọc hết cho Duyên nghe, để biết rằng hình như tháng ba đối với mình như có một mối duyên nào đâu từ muôn kiếp, và biết đâu Duyên ơi, một lúc nào đó chúng mình đã là đóa daffodil bên vuông cửa sổ tháng ba ngóng nghe tiếng dương cầm Mozart?)

 

Lách tách thời gian. Vuông ban mai ô trời mầu xanh. Thánh thót concerto 21 rộn rã tuổi yêu đương. Hôm nay, 21 tháng 3 California bắt đầu vào xuân. Những hạt dương cầm thong thả nắng trong mưa lưa thưa…

Ô cửa nhỏ trắng ảo. Lớn dần mênh mông. Không có thư nào về trong ngày mưa không tiếng gọi không hình ảnh không kết nối. Đã tắt hết tín hiệu rực rỡ của nắng. Im lặng tràn. Hai ô cửa nhập nhoà. Xanh trắng. Ánh nhìn Mozart diệu vợi.

Tiếng dương cầm ru nhân gian trong giấc sáng trong. Tiếng đập con tim sẽ là âm thanh kéo gần lại những tình nhân khắc ghi từng bước giấc mơ đi.

- Người ơi, sẽ nói với em cánh cửa thanh bình là điểm hẹn có thật ở ngày mai?

Sẫm lên những chiếc lá ẩm mưa. Hoa hoa sắc mầu. Những hạt dương cầm nhỏ nhỏ bên vai… Ô cửa nhỏ mầu trắng đã đóng.

Ngoài kia daffodil tháng 3 những ánh mắt vàng ướt mưa. Mùa xuân đã về chưa?
(21.3.2011)

***

NGÀY ẤY. DUYÊN. VÀ HẠT MƯA TRONG

1.

Duyên. Cô nhà thơ mà tên gọi đã được quen trong giới sinh viên từ hồi học Luật Sài Gòn, thời thơ Nguyễn Tất Nhiên. Nên nói đến Duyên thì nhịp tim lại rưng rức hồi ức ngày tháng cũ. Ngày ấy…

Ngày ấy, những cô học trò sao mà được nâng niu đến thế trong mắt các Văn, Thi, Họa Sĩ. Thế cho nên các cô dường như cũng theo đó mà quá đỗi dịu dàng, thơ mộng, hồn nhiên như trang vở mỗi ngày các cô lật ra trên bàn học trong lớp hiền lành.

Tôi nhớ cái thời chúng tôi 11, 12 tuổi, hình ảnh nữ sinh, thì phải qua nét vẽ Họa Sĩ ViVi của báo Tuổi Hoa. Mắt tròn, to, ngây thơ, điểm nét nghịch ngợm của mái tóc garcon, hay là tóc dài bay trong gió, miệng ngậm một nhành hoa dại, tay ôm cặp, phía sau cô có thể là nóc ngôi giáo đường, hoặc giả một ngọn đồi cỏ xanh. Và, áo dài trắng. Ngày ấy, vừa lên trung học, tôi theo trường tư không bắt đồng phục áo dài, nhưng nhất định đòi mẹ, chỉ với lý do ông ViVi vẽ các cô bé trung học đều mặc áo dài cả! Xin cho em một chiếc áo dài cho em đi mùa xuân tới rồi… xin cho em một chiếc xe đạp, từng vòng xe là vòng đời nhỏ bé*… Ôi cái thời Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, chỉ biết học bài, loanh quanh việc nhà, mơ mộng theo mưa nắng đất trời, biết lễ phép với ba mẹ thầy cô, biết chào một chiếc xe tang đi qua, biết vui vì lòng tốt, biết hỏi khi thấy kẻ ngủ ngoài đường phố. Nghĩ lại thấy văn chương nghệ thuật quả là đã định hướng thị hiếu, thẩm mỹ, phong cách cho lớp trẻ, thiển nghĩ, nếu nền văn chương nghệ thuật ấy không được nuôi trong bầu dưỡng chất giáo dục đúng nghĩa, không được cầm cân nẩy mực bởi một lớp người xứng đáng để lãnh trọng trách thì coi như phá sản một thế hệ trẻ nối tiếp. Chẳng cần ngó chi điều lớn lao, chỉ xem những hình ảnh mới đây trên mạng về nữ sinh Việt Nam Xưa và Nay cũng đã thấy tình trạng làm ray rứt lòng người đến thế. Tiếc cho một nếp sống được tôi luyện từ những quan niệm thẩm mỹ, đạo đức tốt đẹp đã bị coi nhẹ.

Ngày ấy, mấy ai không biết Áo Lụa Hà Đông**. Tà lụa của áo em bay lộng thành bóng mát Sài Gòn, mấy câu thơ tình óng ả, giản dị như hai cộng hai thế mà cứ thản nhiên tấn công vào mấy tầng cảm xúc tuổi lụa vàng, nắng sài gòn anh đi mà chợt mát / bởi vì em mặc áo lụa hà đông…** Trời ạ, mấy cô áo lụa càng yểu điệu làm sao, khi biết ai đó đang dõi theo tà áo thầm thì hỏi, Hay là em gói mây trong áo / Rồi thở cho làn áo trắng bay…** và lòng người như áo phất phơ*… thế thì làm sao các cô có thể chạy được (lại càng không thể túm áo mà đánh lộn như mấy cô thấy trên mạng hiện nay). Tôi không cổ võ cho điệu đàng yếu đuối, nhưng xét một mặt tích cực khác, văn chương như thế nuôi dưỡng được lãng mạn thơ mộng, điều đó khiến người ta nhân ái hơn, sẵn sàng lên án cái ác cái vô đạo đức. Đó là tính quyết liệt vốn có của lương tâm. Ai bảo trong dịu dàng không ẩn sức mạnh mẽ? Hình ảnh thanh lương ấy thể hiện rất rõ trong tranh của Họa Sĩ Đinh Cường, những nhân vật nữ của ông toát lên vẻ thuần khiết, ánh trí tuệ ẩn dấu dưới nét nhu hòa lặng lẽ. Sức mạnh tinh thần từ thơ, văn, nhạc, tranh ấy lan tỏa, vô hình trung Họ tạo nên một lớp thiếu nữ vừa học thức vừa trữ tình vừa gìn giữ nếp nhà, biết giá trị của nét đẹp nội tâm. Thấy ngậm ngùi cho một thời quá ngắn ngủi của một nền văn học nghệ thuật nhân bản, nhiệt tình và trọn vẹn vì lý tưởng, cho dẫu chí ít, là rao giảng những tình cảm hướng thiện. Mà có gì ngoài điều Thiện để bảo vệ thế giới này bớt huyết lệ hơn?

Ngày ấy, khi đèn ngọn xanh ngọn đỏ của thủ đô Sài Gòn váng vất ánh hỏa châu, nắng mưa phố thị tươm mùi súng đạn, thì lứa thiếu nữ vừa chớm mười tám hai mươi ấy đã biết được nỗi đau chia xa cha, anh, người yêu ra mặt trận, lớn hơn họ, là một lứa vọng phu. Tất cả, một trời lận đận lao đao. Chúng tôi, vẫn đi học, và chứng kiến từng lúc những bạn trai cùng lớp xếp bút nghiên… Thời này có rất nhiều những thơ, nhạc nói về lính, nhưng một số thanh niên vẫn chạy theo cái thời thượng làm dáng là phản chiến. Một lỗ hổng của dân vận chăng? Giờ nghe lại mới chợt ngỡ ngàng, sao nó chân thành và cảm động, và bi thương đến vậy, chợt ứa nước mắt muộn màng trước những Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Nhật Ngân… một chút gì như ân hận, sao ngày ấy, mình đã vô tình. Nếu, nhưng nếu làm gì khi chỉ là những nuối tiếc, khi bây giờ như là tội nhân trước kỷ-niệm-sài-gòn, phải không Duyên, phải không Nguyệt Mai, Thanh Lương, Thu Vàng, phải không Đặng Mai Lan, thế hệ của chúng ta?

Nhưng nghĩ lại ký ức ấy là chút thành trì cho chúng ta có thêm can đảm giữ lại cái “ngày ấy” như một tài sản quý, đối phó với sự bất lực trước mất mát đổi thay, chị Huyền Chiêu mới viết qua email Có phải qua bao thăng trầm của đất nước và cuộc đời mình, cái nhìn mình cũng thay đổi…, may sao chúng ta có kỷ niệm để sống thủy chung.

Ngày ấy. Cái thời mà, chàng sài gòn trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát*… Ôi, khung trời đại học là nôi bình yên, mà chúng tôi, kẻ thì sắp bị chia xa, kẻ ở lại thì ngậm ngùi lớp học vắng vẻ. Cái thời mà, người từ trăm năm về ngang trường luật… ta chạy mù đời ta chạy tàn hơi*** Người một đi, bỗng, may mắn trở về, về như từ cõi xa xăm hư vô… để chi, đã Trăm Năm rồi người tình muôn thuở! Tôi cảm thấy mình cũng bị hút vào cõi xa vắng trăm năm ấy, cùng nhà thơ nghe thời gian đòi đoạn…

Vào đầu thập niên 70, con trai thi rớt thì phải nhập ngũ, thế nên, tất cả đều vuột khỏi tầm tay, thế nên mới có Khúc Tình Buồn***, để nữ sinh chúng tôi biết thương người đợi ngày đi. Và trong thảng thốt sợ hãi về mất mát mà họ biết nâng niu hiện tiền có còn hơn không có còn hơn không***. Nghe có vẻ hiện sinh, nhưng người thơ và cả chúng tôi, còn niềm tin vào cái Đẹp, nên sống vội nhưng không sống cuồng. Nói đúng là họ sống thiết tha hơn. Những bất mãn về sự vô nghĩa và phi lý của cuộc chiến được họ trút vào thơ, nhạc, tranh. Một hóa giải thăng hoa và nhân bản trong số phận đất nước hẩm hiu.

Đọng lại thành thơ buồn mãnh liệt Nguyễn Tất Nhiên, mà chúng tôi thuộc nhiều hơn qua bài Phạm Duy phổ nhạc có tên Thà Như Giọt Mưa, chỉ mấy câu, để chúng tôi hát với nhau, khi có ai đó bị quăng ra khỏi cõi bình yên của học đường, của tình yêu thơ mộng … thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi. đau lòng ta muốn khóc...*** Trước những ra đi, thảy đều đau lòng muốn khóc chứ không riêng gì kẻ phải vác trên vai nỗi chập chờn sinh tử. Họ sợ rồi chẳng còn gì nên, thà như giọt mưa rơi trên mặt duyên***, nghe vừa thiết tha vội vàng, vừa mong manh chung thủy. Hạt mưa ấy kết tinh bởi ước mơ sâu thẳm từ nhịp đập trái tim. Hạt mưa ấy chở nỗi đau của mấp mé lời vĩnh biệt. Đó là hạt mưa trong nhất. Đó là hạt mưa mong manh nhất, nhưng đủ để người thơ đối mặt với hư vô, biết đâu, ngay trong phút giây đang trờ tới. Nhưng với tôi cái chóng vánh hạt mưa đọng trên mặt Duyên trở thành niềm vĩnh cửu trong suốt của hạt nước mắt. Duyên không chỉ là một cô gái trong thơ của người thơ mà phổ quát hóa thành -một lứa nữ sinh bên trời long đong-. Những duyên-sài-gòn “nắm vận mệnh” giấc mơ của những chàng-sài-gòn một trời lận đận. duyên-sài-gòn qua văn chương ấy thành hình ảnh vừa hiện thực vừa huyền thoại. Tượng trưng cho mất mát, không may của thế hệ lớn lên cùng cuộc chiến. Những duyên-sài-gòn rồi bị cuốn theo chuyện binh đao, rồi thành tượng đá mãi ngấn lệ mưa… thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá thà như giọt mưa khô trên tượng đá có còn hơn không***, rồi thành hạt muối tan vào biển cảMột thế hệ, tại bất hạnh nên đẹp đến não nùng, hay đẹp quá nên hứng nhiều tai ương?

Theo tôi, nền văn chương nghệ thuật của hai mươi năm văn học miền Nam đã phần nào làm tròn trọng trách của mình, vì một lứa thanh niên được lớn lên, được giáo dục để có một nhân cách, một quan niệm thẩm mỹ đúng mực, một trái tim biết cảm xúc vì tình cảm đẹp và lương thiện, chúng tôi vẫn lấy làm hạnh phúc khi đã được hưởng cái phần trong trẻo của nền văn chương nghệ thuật ấy.

Tôi đang là nhà thơ hay sao mà lại đắm đuối với ký ức thế này? Duyên ơi…

2.

Những con đường nắng gọi. Leng keng tiếng chuông người đưa thư reo ngát cổng hoa sứ. Những lá thư hẹn hò năm tháng. Ta yêu nhau tuổi hai mươi. Trời sài gòn rất thơ. Nắng sài gòn rất lụa. Nên em hoài áo trắng. Nên anh yêu mầu áo ấy vô cùng**. Ơi thi sĩ nhịp tim dịu mềm cỏ mật.

Những con đường mưa hát. Trời sài gòn rất nhạc. Nhạc sài gòn rất mộng rất điên mơ ... thà như giọt mưa rơi trên mặt duyên…*** em tóc ngắn học bài ngoan bên cửa sổ người từ trăm năm về ngang trường Luật*** chút đong đưa tiễn người mai xa phố, mộng mị hành trang hạt mưa thơm, sài gòn hút bóng đường xa thương người thơ cô độc.

Thảng thốt cánh phượng mùa hè. Trời tung gió chướng. Giấc mơ sai bè thanh xuân cụt giọng đồng ca những nốt ngày rụng rơi bóng tối. Trời sài gòn phượng đau mùa nắng lửa. Đường sài gòn cuồn cuộn biển đưa chân. Ta chạy mòn hơi. Mưa khô trên tượng đá*** những duyên sài gòn những hạt mưa trong…

Run rẩy thời gian nghe thanh xuân chớm chở nhánh thu đông. Lá thư xưa giấy mềm như bụi hẹn hò chờ mãi lãng quên. Mầu áo lụa phai rồi sắc nắng lời thơ người khô tượng đá xanh. Hạt mưa còn thơm trên mặt duyên để nghe sài gòn âm vang điệu thanh bình cũ?

Con bọ cam trên chiếc lá đầy gai sáng nay gọi mặt trời thức dậy. Khoá Sol búng mình nhấp nháy. Một vòng mùa đệm mới những bổng trầm reo khúc hát thanh tân, nốt nhạc long lanh hạt mưa trong ngày ấy. Ơi duyên những hạt mưa qua mùa. Sống sót. Ngân thời gian lệ vĩnh cửu hồn nhiên.

Em thấy anh trên con đường bình minh. Nắng tháng 3 anh đem tới. Mùa xuân mở vàng daffodil. Và em. Vừa qua giấc ngủ đông. Mọc lên trái tim thanh khiết.

Trở lại. Cùng tháng năm. Mùa Xuân khoan thai khúc dạo đầu. Ta cũng vừa kịp tới. Rất đúng nhịp. Mưa mùa xuân rất trong. Trời Calif. rất xanh.

nguyễn thị khánh minh

(22.3.2017 viết nhân sinh nhật Duyên, hiệu đính 15.3.2023)

* nhạc Phạm duy
**thơ Nguyên Sa.
***Thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy