Tuesday, April 18, 2023

2876. NGUYÊN MINH Những trang viết rời: Một chuyến đi xa

Nguyên Minh (Trên đường đến núi Bạch Mã, 2023)

NÚI BẠCH MÃ

Chuyến máy bay Việt Nam Airlines VN1372 chở đoàn Quán Văn vừa đáp xuống phi trường Phú Bài. Chúng tôi 16 người đáng lẽ phải đến thành phố Huế mà lại lên xe trực chỉ về Bạch Mã theo sự hướng dẫn của Nguyễn Thị Tịnh Thy. Hồ Sĩ Bình đến từ Huế và Trần Thị Trúc Hạ, Dao Lam từ Đà Nẵng. Sau vài năm xa cách gặp lại nhau nỗi vui mừng rạng rỡ tràn ngập hiện lên những khuôn mặt thân thương.

 Suốt chặng đường đèo quanh co khúc khuỷu, xe chạy chậm lên dốc mãi, tôi đưa mắt nhìn cảnh vật hai bên đường, rừng núi bao la như tìm lại trong ký ức hơn 60 năm trước khi tôi chỉ là cậu thanh niên lần đầu tiên được ngồi trên chiếc xe jeep do người anh rể đưa gia đình chị tôi lên tham quan, nghỉ mát trên núi Bạch Mã. Con đường đèo ngày đó dốc cheo leo, gồ ghề, nhỏ hẹp, chỉ đủ một làn xe. Khí hậu đã từ từ thay đổi, lên tới đỉnh, trú ngụ ở một khách sạn mà nhìn bề ngoài như một ngôi nhà hoang trắng toát, trời se se lạnh dù buổi trưa đứng bóng.

Buổi chiều theo lời mời của Võ sư Nguyễn Văn Dũng người sáng lập võ đường Nghĩa Dũng Karatedo, chúng tôi lên tận Vọng Hải Đài để ngắm hoàng hôn. Xe 16 chỗ chỉ đưa khách đến cột mốc 0km Đ.B Mã. Hơn 700m đường rừng dốc đá tiếp theo không có phương tiện nào được giao thông, phải đi bộ. May sao có sự trợ giúp của anh em Nghĩa Dũng, 2 chiếc xe bán tải đã túc trực luân phiên chở anh em có tuổi lên đỉnh Bạch Mã. Một số bạn lại hào hứng đi bộ khám phá hít thở khí núi rừng. Tôi cùng Đoàn Văn Khánh phải níu tay nhau, bước từng bước một lên từng bậc cấp bằng phiếm đá xám xịt, từng chặng nghỉ mệt hơi thở trật nhịp. Mới biết mình không còn trẻ. Nhưng khi đặt chân lên đỉnh… tôi không còn nghĩ đến tuổi tác nữa. Tôi như sống lại tuổi thanh xuân trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Tôi xúc động đến rơm rớm nước mắt. Mây mù xa tít lúc hiện lúc ẩn lên dãy núi chập chùng đổi màu xanh lam theo từng phút giây dưới chân núi thung lũng sâu hút rừng cây loang lổ. Mặt trời màu hồng từ từ lặn xuống khuất sau dãy núi. Ánh sáng cũng từ từ tối dần. Gió nhè nhẹ phả hơi lạnh vào mặt tôi. Trước trời đất bao la, con người chỉ là hạt cát nhỏ li ti có nghĩa gì đâu mà tâm không an nhiên. Các bạn tôi tìm nơi chụp ảnh đẹp kỷ niệm. Còn tôi thì tìm anh Dũng cám ơn anh đã tạo điều kiện cho tôi được ngắm hoàng hôn trên đỉnh Bạch Mã với cảm xúc chân thật của con người trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Anh Dũng cũng cho chúng tôi biết cốt lõi của Nghĩa Dũng là cái tâm của con nhà võ trước hết phải biết rung động trước cái đẹp của tạo hoá.

Buổi tối trong nhà vòm bốn bức tường bao kín xung quanh là những cửa sổ gắn kính để nhìn được toàn cảnh bên ngoài. Buổi ăn tối được đặt ở nhà hàng Đỗ Quyên nhưng để thuận tiện sinh hoạt buổi tối chương trình Quán Văn hát trên đỉnh Bạch Mã, chúng tôi quyết định sẽ ăn tối trên Vọng Hải Đài. Sau buổi ăn dã chiến cả đoàn ngồi quanh bên cạnh Võ sư Nguyễn Văn Dũng để sinh hoạt, giao lưu giữa Quán Văn và Nghĩa Dũng đoàn. Anh Nguyễn Văn Dũng ngồi cạnh hai bên những môn đệ trịnh trọng tuyên bố buổi họp mặt. Dưới ánh đèn mờ, giọng nói oang oang vang dội của người võ sư đã làm chúng tôi ngồi ổn định. Bắt đầu tiếng hát của mười mấy người đồng thanh những bài ca làm tăng thêm bầu nhiệt huyết. Võ sư chưởng môn Nghĩa Dũng đoàn kể cho chúng tôi về huyền thoại núi Bạch Mã. Đúng như tôi đã thấy tượng đá hai con ngựa trắng đứng sừng sững dưới trời mặc mưa gió ngay trên đỉnh núi này. Đó như là dấu tích ngày cổ xưa bỏ lại sau cuộc xuống trần gian của hai vị tiên cưỡi hai con ngựa bạch cùng một tiểu đồng. Hai tiên ông ham đánh cờ quên cả thời gian, đến khi vội bay về trời không kịp đành bỏ quên cả ngựa cùng cậu tiểu đồng. Không biết kiếp trước có phải là cậu tiểu đồng không đôi cánh bị bỏ lại trần gian cùng đôi ngựa trắng mà kiếp này anh Dũng phải luyện học thành võ sư rồi truyền bá hàng ngàn môn sinh, xem đỉnh núi thiêng Bạch Mã này là thánh địa.

Mờ sáng hôm sau, một số anh chị em tiếp tục leo lên Vọng Hải Đài để đón bình minh. Sau đó Trúc Hạ, Dao Lam, Hồ Sĩ Bình đón xe về lại Đà Nẵng. Còn lại chúng tôi về Huế.

CA HUẾ

Trước khi chuẩn bị chuyến đi xa, Nhà thơ Võ Quê đã email mời đoàn Quán Văn đến dự buổi biểu diễn ca Huế nên chúng tôi nhận lời. Buổi chiều cả đoàn bận thả hồn ngắm cảnh hoàng hôn trên Phá Tam Giang, cảnh mặt trời đỏ từ từ lặn phản chiếu xuống dòng nước rung chuyển nhẹ nhàng, gió thổi mang theo mùi biển mặn, tâm hồn tôi cũng thênh thang một chút theo mây trời lãng đãng. Bóng tối tràn về, nhớ giờ hẹn với Võ Quê, biết anh đang mong, chúng tôi vội kết thúc, xuống thuyền vào bờ, rời Đầm Chuồn về Huế. Xe chạy xuyên suốt cũng đủ về kịp.

Giữa sân khấu và khán phòng hình như ranh giới rất gần. Sau những lời giới thiệu dẫn chương trình của MC Võ Quê với giọng nói dịu dàng, êm ái về quá trình đoàn ca Huế mà qua bao nhiêu năm anh cùng những người đam mê âm nhạc cổ truyền xứ Thần Kinh này bỏ công bỏ sức luyện tập để duy trì và phát triển truyền đạt cho mọi thế hệ trong nước cũng như quốc tế. Tôi ngồi hàng ghế đầu sát với sân khấu, trực diện với nghệ sĩ trình diễn, trong khán phòng nhỏ nhắn âm thanh vang dội, tiếng nhạc hoà đồng cùng tiếng gõ cầm trịch, giọng hát không rõ lời cùng cử động lắc lư kích động theo âm điệu Chầu Văn. Bỗng dưng tôi xúc động, điệu nhạc ma quái đó đưa tôi trở về thời gian xa xưa của một không gian khác, trong một cái am miếu cổ hoang tàn dưới tàn cây cổ thụ bên cạnh dòng sông Dinh bé nhỏ tôi đã chứng kiến một cảnh lên đồng mà mãi sau này cứ ám ảnh tôi hoài. Cô bạn gái mảnh mai xinh đẹp thường nở nụ cười hồn nhiên sao đêm hôm đó lại có thể ngồi xổm dưới đất, tóc rủ tơi bời, mặt tái nhợt như tàu lá, khói hương nghi ngút từ bó nhang thắp trên lư đồng, tiếng đàn cò réo rắt, dồn dập, tới tấp của người đàn ông bị mù một mắt, tiếng thét thất thanh rồi cất giọng khàn khàn, tay chân múa may kích động của một người đàn bà mặc áo quần diêm dúa, đầu bịt khăn đen và lạ thay cô bạn gái của tôi như bị thôi miên, đầu cổ cô xoay tròn, đôi mắt lờ đờ, tóc tai rối bù tung toé. Sau này tôi kể lại cô bạn gái không hiểu gì cả. Còn bà mẹ vì nghe lời dụ dỗ kẻ xấu bày cảnh chữa bệnh cho con gái, xuýt chút nữa mất mạng.

Biểu diễn Ca Huế, 21-3-2023

Chẳng l đến giờ tuổi đã xế chiều tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại. Tôi lấy lại bình tĩnh. Trong khung cảnh này, trang trọng và ấm cúng âm điệu Chầu Văn thật sự mới đẩy lùi và xoá tan nỗi ám ảnh từ lâu của tôi.

Để kết thúc chương trình là tiết mục của 5 cô gái Huế xinh đẹp vừa hát vừa múa với 5 chiếc nón lá để tặng cho đàn Quán Văn như một món quà thân hữu.

Đáp lại, tôi cám ơn anh Võ Quê với lời nói chân tình: Ngày còn ấu thơ mỗi lần Ba tôi bật Radio mở đài Phát thanh nghe ca Huế là tôi chạy trốn. Nhạc gì mà buồn quá, Ảo não quá. Hình như Ba tôi đắm mình trong âm thanh đó để thả hồn mình về chốn quê nhà. Và bây giờ tôi được thưởng thức buổi ca Huế này tôi lại nhớ da diết Ba tôi cùng cô bạn gái năm xưa.


MINH ĐỨC – TRIỀU TÂM ẢNH

Đỗ Hồng Ngọc – Minh Đức Triều Tâm Ảnh -  Nguyên Minh – Hoàng Kim Oanh

Qua một đoạn đường dài lên dốc núi quanh co, xe dừng lại để chúng tôi đi bộ lên Huyền Không Sơn Thượng. Thật sự tôi ngỡ ngàng, bước từng bước chân lên phiến đá lát con đường, cảnh vật hai bên như vườn cây xanh tươi, mát mẻ. Tôi lững thững theo sau, chỉ một khoảng đường đã khuất bóng Đỗ Hồng Ngọc, Hoàng Kim Oanh cùng các bạn khác, riêng Đoàn Văn Khánh đã tìm băng ghế ngồi dưới bóng cây ngay đầu ngõ. Không ngờ thiền viện này rộng lớn ngoài ý nghĩ của tôi. Chân đã mi biết đâu mà lần vào chánh điện. Tấp vào một dãy chùa ngang, thả người nằm sải dang hai tay trên thềm lát bóng gạch hoa, gió mát hiu hiu thổi, tiếng chim thoang thoáng từ xa ru tôi vào giấc ngủ cùng những cơn mê muội. Tiếng chuông một hồi dóng lên bên tai tôi mới làm tôi choàng thức dậy, lạ lùng khi thấy anh Tự từ Mỹ về cùng tham dự chuyến đi này nở nụ cười vui vỗ vai tôi. Anh cho biết anh đã ngồi canh cho giấc ng của tôi được bình yên. Anh đưa tay kéo tôi đứng dậy và dìu tôi đi tìm mọi người. Anh nói nhỏ với tôi: Ngày xưa tôi là lính mà.

Một nhà sư trẻ chở cả đoàn Quán Văn trên chiếc xe hơi 16 chỗ lên ngôi chùa lớn theo lời mời của Sư Trụ trì. Trong chiếc áo cà sa màu vàng nhà sư với đôi mắt sáng, cặp lông mày trắng bạc, cùng nụ cười tươi tắn, tôi vẫn nhận ra dù thời gian mấy mươi mấy năm qua giữa tôi và Sư đã từng gặp nhau. Tôi nắm chặt tay Sư như nhắc lại. Sư nói nhỏ với tôi: Vài tuần nữa sẽ có gần 170 anh chị em đã từng tốt nghiệp từ trường Sư phạm Quy Nhơn tụ họp về đây. Thì ra Sư vẫn nhớ chúng tôi cùng đồng môn những năm đầu tiên của trường Sư Phạm Quy Nhơn. Nơi này biết bao nhiêu văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, nhà văn Nguyên Minh, Ngy Hữu – Trần Hữu Ngũ, Hồ Thuỷ Giũ, Chu Sơn, Võ Tấn Khanh, Mang Viên Long, Chu Trầm Nguyên Minh, Phạm Ngọc Lư, nhà thơ Minh Đức – Triều Tâm Ảnh, Lê Văn Ngăn, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung…

Tôi không nhớ năm nào và trong hoàn cảnh nào nhưng chắc chắn không phải nơi này, không gian rộng lớn này. Ngày đó bạn tôi chở tôi bằng xe Honda trên con đường gồ ghề trên đồi nhỏ cây cối thưa thớt, ngồi xếp bằng quanh chiếc bàn tròn, uống nước trà đậm, chúng tôi nói chuyện thơ văn, bút pháp, ký hoạ. Nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh dù khoác trên mình chiếc áo nhà sư nhưng vẫn tâm đắc nguồn sáng tác văn học của chúng tôi. Ra về với những tặng phẩm cho nhau chỉ là những tập thơ văn. Bẵng một thời gian dài, chúng tôi không có dịp gặp nhau nữa.

Đâu ngờ bây giờ trước mặt tôi là Sư Trụ Trì của Huyền Không Sơn Thượng với Pháp danh Giới Đức uy nghi dưới trướng nhiều môn đệ cùng Phật tử.

Riêng với tôi, người làm văn học, bên cạnh tôn giáo là nhà sư hay linh mục như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Tỳ kheo Giới Đức, Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan…, họ còn là những nhà văn, nhà thơ. Tôi đón nhận những tác phẩm văn học họ để lại cho đời, sư Trụ trì Huyền Không Sơn Thương cũng không ngoại lệ. Với tôi, Sư chỉ là Minh Đức - Triều Tâm Ảnh với nhiều tác phẩm thơ văn như hai tập thơ trước khi chia tay tác giả đã tặng anh chị em Quán Văn chúng tôi.

Chưa có chuyến đi xa nào làm tôi xúc động như chuyến này. Cám ơn đời đã cho tôi cùng lúc gặp 3 nhân vật đã tạo dựng bảo tồn duy trì và phát triển đến nhiều thế hệ. Về võ có anh Nguyễn Văn Dũng, Võ sư, người đã thiết lập Nghĩa Dũng Karate-Do. Âm nhạc có anh Võ Quê chuyên về ca Huế. Về Thiền học có Minh Đức- Triều Tâm Ảnh.

Cả ba đều có cách hành xử khác nhau. Võ thì quyết đoán. Âm nhạc thì dịu dàng. Thiền thì an nhiên tự tại.

NGUYÊN MINH
       2023