Saturday, May 6, 2023

2901. TRỊNH Y THƯ Gặp gỡ (Phân đoạn 4-6)

 

Bản vẽ của Duy Thanh [1931-2019].

4.

Cuộc sống tôi bước vào khúc quành khác bắt đầu với câu nói của bố tôi lúc ông từ sở làm về. Bố tôi lúc đó làm công chức Sở Đoan. Ông ném chiếc cặp da lên bàn, tay nhận cốc nước mẹ tôi đem lên, nói với mọi người trong nhà mà như nói với chính mình:

    “Thằng Bôi hôm nay họp toàn thể công chức, ra lệnh cho mọi người phải tản cư khỏi thủ đô. Dân chúng cũng phải tản cư. Toàn quốc kháng chiến.”

    Tuy mới mười sáu nhưng tôi biết “thằng Bôi” bố tôi đang nói đến là ai. Tên ông ta là Phan Bôi, hình như là em chú bác với ông Phan Khôi, và đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ cụ Hồ. Tôi nghe các anh lớn trong Tự vệ thành kháo nhau như thế.

    Không khí chiến tranh nặng nề phủ trùm thủ đô, nhất là từ hôm có trận đụng độ giữa Tự vệ khu Hàng Bún và quân nhảy dù Pháp. Mọi sinh hoạt nhộn nhịp thường ngày gần như ngưng đọng. Những cơn mưa phùn, gió bấc vần vũ trời đông rét mướt lúc nào cũng xám xịt khiến ai nấy chỉ biết chui rúc trong nhà đóng chặt cửa. Chờ đợi. Thấp thỏm lo âu. Hà Nội đã nếm mùi chiến tranh. Những trận mưa bom của quân đồng minh giội xuống cách nay không lâu làm tan hoang ga Gia Lâm, chợ Hàng Da, bảo tàng Maurice Long. Hình ảnh những người chết cháy thành than còn rất mới, ghi hằn trong tâm trí người Hà Nội. Người ta đang chờ đợi một biến cố khốc liệt sắp xảy ra, và chẳng có gì khổ sở hơn một tâm trạng chờ đợi như thế.

    Ngoài đường sá, tôi thấy các cây to được đốn ngã dùng làm chướng ngại vật cản đường xe bọc sắt của Pháp. Các nhà đều bị đục tường thông nhau để chuẩn bị cho việc chiến đấu giành giật từng căn nhà một. Hai bên vách tường nhà tôi đều bị đục. Trong nhà đồ đạc ngổn ngang, mẹ và chị tôi suốt ngày thu dọn quần áo, tư trang, ít đồ dùng cần thiết cho vào hành lý xếp gọn, chỉ chờ có lệnh là tản cư.

    Nhưng tôi ít có mặt ở nhà bởi hằng đêm tôi trốn nhà đi họp hành lén lút với các anh lớn. Tại những căn gác chật hẹp mịt mù khói thuốc lá, lần đầu tiên trong đời tôi được nghe những lời nói đanh thép, hùng hồn về sứ mệnh người thanh niên trước hiện tình đất nước, nào là quyết tiêu diệt quân thù, quyết đánh tan bè lũ thực dân và phản động, nào là độc lập, ấm no, hạnh phúc. Ai cũng phải học tập chính trị. Tôi chẳng hiểu gì lắm nhưng máu trong người chảy mạnh, tim đập thình thịch khi nghe những lời nói đó thốt ra từ miệng các anh. Họ chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng sao tôi thấy họ tài giỏi vĩ đại quá. Trong mắt tôi lúc đó, họ là những anh hùng cứu dân cứu nước.

    Sau đó tôi được chỉ định đi theo một anh sinh viên trường Luật để phụ giúp anh làm việc vặt. Suốt thời gian đó tôi như lên cơn sốt, chờ đợi một biến cố gì trọng đại ghê gớm lắm sắp sửa xảy ra, và khi nó xảy ra thì cả nước phải bùng nổ như ngày tận thế. Nhưng chờ mãi tôi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, chỉ thấy dân tản cư từ Cầu Đơ, Cự Đà, Khúc Thủy về tạm trú giăng bạt làm lều dọc bên bờ sông Nhuệ. Hằng ngày họ ngồi la liệt bên bờ sông, chờ có ai đạp xe có vẻ như ở xa đến là xúm lại hỏi han tin tức. Có được tờ báo Cứu Quốc thì tranh nhau đọc, đọc xong lại ngồi thừ người ra than vắn thở dài.

    Rồi cái đêm cuối năm đó, khoảng 10 giờ đêm thì tiếng súng đầu tiên nổ, thoạt đầu nghe xa xa nhưng càng lúc càng tiến gần căn nhà nơi tôi và anh sinh viên Luật nằm ẩn nấp. Chúng tôi có lệnh đóng chốt ở đây để cản bước tiến của quân Pháp. Tôi tự hỏi chỉ hai anh em chúng tôi, với hai thanh bộc phá nội hóa, không súng ống, đạn dược thì làm sao cản bước tiến của một đội quân hùng mạnh với đại liên và xe bọc sắt? Quãng nửa đêm thì tiếng súng ngưng bặt. Nằm úp mặt xuống nền nhà đằng sau một đống lỏng chỏng bàn ghế, vật dụng trong nhà làm chướng ngại vật, tôi và anh sinh viên bỗng thiếp đi. Tôi ngủ không biết bao lâu cho đến lúc nghe tiếng chân người chạy sầm sập trước nhà như muốn phá vỡ khu phố, lẫn tiếng la hét om sòm, tiếng Việt và tiếng Pháp, thì tôi mở choàng mắt tỉnh dậy. Anh sinh viên cũng đã tỉnh ngủ, anh thò tay ra nắm tay tôi, mồ hôi tay anh tươm ra ướt tay tôi. Tôi chưa kịp định thần xem chuyện gì đang xảy ra thì cánh cửa ra vào trước mặt bị kẻ nào dùng giày đinh đạp mạnh mở toang. Trong bóng tối nhờ nhờ tôi chỉ kịp nhận ra hai tên lính Lê dương Pháp, một đen một trắng, tay cầm súng trường lăm lăm chĩa vào trong nhà, miệng quát tháo ầm ỹ liên hồi. Anh sinh viên cũng ngơ ngác như tôi, anh bỗng nhổm người dậy, một tay giơ lên như xin đầu hàng. Đầu anh vừa nhô lên khỏi đống bàn ghế, cánh tay giơ lên chưa quá đầu đã có tiếng súng nổ đoành. Một viên đạn ghim ngay giữa trán anh, và anh ngã vật ra đằng sau, chết ngay. Tôi chết lặng người quay sang nhìn xác anh sinh viên. Cơn sợ hãi khiến tôi há hốc miệng, không một tiếng kêu. Hai tên Lê dương chờ một lát không thấy bóng ai trong nhà nữa mới tiếp tục tiến vào lục soát. Lúc đi ngang xác anh sinh viên, thấy tôi nằm run như cầy sấy bên cạnh, mặt vẫn úp xuống sàn nhà, hai tên dừng lại. Tôi có cảm giác tên da đen dí mũi súng vào gáy tôi nhìn sang tên da trắng nói cái gì đó như có ý chờ lệnh bắn. Không biết tên da trắng ngẫm nghĩ gì, có lẽ thấy tôi chỉ là một cậu trai mười lăm mười sáu tuổi, trên tay không một tấc sắt, có vẻ như vô hại, hắn lắc đầu.

    Thế là tôi thoát chết.

5.

Tôi vẫn nằm úp mặt xuống sàn nhà. Cái sợ bây giờ thấm vào từng tế bào trong cơ thể tôi. Càng nghĩ tôi càng sợ. Tôi nằm nguyên một chỗ từ đêm qua, lâu lắm. Trời đã sáng. Ngoài kia tiếng súng vẫn nổ giòn khắp nơi, rồi tiếng chân người chạy, tiếng la hét, tiếng gọi nhau, tiếng xích xe bọc sắt rào rạo nghiến mặt đường nhựa. Hai ba tiếng đồng hồ nữa trôi qua, tôi vẫn nằm, cái lạnh thấm vào xương tủy, và có lúc tôi thiếp đi. Khi tỉnh ngủ, tôi nhìn sang anh sinh viên. Lúc bị bắn, anh đang trong tư thế nhổm người dậy, nên bây giờ xác anh nằm vặn vẹo trên mặt đất, trông đến thảm thương tội nghiệp. Đầu anh ngoẻo sang một bên, khuôn mặt đầm đìa máu vì từ vết thương trên trán máu không ngừng rỉ ra. Hai mắt anh vẫn mở trừng trừng, đầy máu. Chân trái anh bẻ quặt nằm dưới chân phải, hai tay dang ra như muốn ôm cả vũ trụ vào lòng. Bây giờ anh chẳng ôm ai được nữa. Mặt anh đầy máu nhưng tôi vẫn hình dung được khuôn mặt thông minh, thanh tú và hiền lành. Anh có nụ cười nửa miệng, nụ cười làm xiêu lòng không ít các cô gái Hà thành yểu điệu. Anh không phải dân Hà Nội. Anh bảo tôi quê anh ở Hà Đông, làng Chúc Động. Dòng họ anh có truyền thống khoa bảng, và anh học giỏi lắm. Anh cũng là dân trường Bưởi, đỗ Tú tài toàn phần hạng ưu và được nhận vào trường Luật. Tương lai anh sáng rực. Nhưng chỉ một tích tắc lúc anh bất giác nhổm người đứng dậy, giơ cánh tay như muốn đầu hàng, ngay tích tắc ấy, dòng sống anh bị cắt ngang đột ngột như cuốn phim hay đang chiếu ngon lành bỗng bị cúp điện, tắt phụp.

    Xế chiều, khi tiếng súng chỉ còn lắc cắc ở xa, đói và mệt, tôi nghĩ đến chuyện tìm đường về nhà. Trước khi ra khỏi căn nhà, tôi định vuốt mắt anh sinh viên rồi mới đi. Tôi xếp đầu anh cho ngay ngắn, kéo cái chân bị bẻ quặt cho thẳng thớm, hai tay anh tôi xếp lên ngực. Xong xuôi tôi vuốt mắt anh, nhưng vuốt mấy lượt, hai mắt anh vẫn cứ giương lên nhìn tôi như chờ đợi tôi nói điều gì. Tôi đồ máu vào mắt nhiều quá khiến hai mí mắt anh không dính vào nhau được. Tròng trắng, tròng đen trong mắt anh bây giờ là tròng đỏ. Tôi tìm được quanh nhà một mụn giẻ đem đến chùi sạch máu trong mắt, trên mặt anh. Nhưng sau khi chùi sạch, tôi vẫn không cách nào làm cho mí mắt anh khép. Cuối cùng tôi xé mụn giẻ làm một giải ruy băng buộc mắt anh lại. Trông anh bây giờ như kẻ tử tội bị bịt mắt trước giờ hành quyết. Chỉ khác là anh bị hành quyết rồi mới được bịt mắt. Anh đã chết, hãy cho anh nhắm mắt, đừng bắt anh mở mắt nhìn cái thế gian khốn khổ và khốn nạn này nữa. Tôi nghĩ thế. Nhưng đó chẳng qua chỉ là cách tôi ngụy biện để chống chế cho hành vi vừa buồn cười vừa ngu xuẩn, điên khùng của mình. Sự thật là tôi sợ đôi mắt ấy nhìn theo tôi lúc tôi bước chân ra khỏi căn nhà. Tại sao là anh, mà không phải tôi nằm đó? Tại sao anh chết, còn tôi sống? Hai hốc mắt đầy máu ấy kinh khiếp quá. Nó có oán trách tôi không mà sao vẫn hiện về trong những cơn ác mộng gần đây của tôi.

    Ra khỏi cửa, tôi phóng chân chạy thật nhanh, không phải bởi tôi sợ lính Pháp trông thấy, mà bởi tôi sợ đằng sau lưng mình tiếng anh sinh viên vọng theo, “Minh ơi! Minh! Minh đừng bỏ anh lại đây. Minh giúp đưa anh về nhà gặp bố mẹ và các em của anh nhé. Bố mẹ anh chắc chờ anh đến mòn cả người rồi.”

    Chạy một đoạn khá xa, tôi dừng lại thở dốc. Cảnh bãi chiến trường sau một đêm giao tranh không giống như tôi tưởng tượng. Sự đổ vỡ chẳng có là bao. Hà Nội chỉ là cô gái bị tí bụi vương vào mắt. Thi thoảng một chiếc quân xa của quân đội Pháp gầm rú chạy trên đường phố vắng. Một hai người gò lưng trên xe đạp chạy như bị ma đuổi. Tôi về đến nhà thấy cửa khóa chặt, kín như bưng, đập cửa năm bẩy lần, cất tiếng gọi bố mẹ và chị thật to vẫn không thấy ai ra mở cửa. Tôi đoán bố mẹ và chị tôi đã tản cư. Mặt trước nhà không thấy một chút hư hại nào, tôi tạm yên lòng, nhưng cảnh tượng im lìm của dãy phố khiến tôi run sợ. Sự lặng thinh của cái chết bao giờ cũng ghê rợn. Nó là sự yên tĩnh của bãi tha ma. Vì yên lặng nên tôi nghe rõ tiếng lá xào xạc trên mặt đường. Ngày thường có bao giờ tôi nghe tiếng lá ấy đâu. Tiếng lá làm dấy lên nỗi hoang vắng thê lương trong lòng tôi. Tôi đứng ngẩn ngơ trước nhà mình mãi. Chiều đang héo úa trên những vòm cây dọc hai bên đường. Tôi chẳng biết phải làm gì, đi đâu.

    Bỗng có tiếng gọi nửa mừng rỡ nửa hốt hoảng sau lưng tôi:

    “Minh! Minh! Mày đi đâu mấy ngày hôm nay để bố mẹ mày chết vì nóng ruột! Ông bà ấy với con Lan tản cư rồi!”

    Tôi quay lại thấy bác Thục trong bộ pyjama lụa màu mỡ gà từ bên kia đường đang đi nhanh về phía tôi. Bác là người hàng xóm chơi thân với bố tôi, nhà ở xế nhà tôi bên kia dãy phố. Tôi mừng quá quên cả chào bác:

    “Gia đình bác không đi tản cư ư?”

    “Đi cả rồi. Thằng Luân đưa mẹ nó và ba đứa em xuống Liên khu Ba, tạm trú nhà người trong họ ở Vân Đình. Mình bác ở lại với ông cụ vì ông cụ nhất định không chịu đi đâu. Thôi thì sống chết đành ở lại.” 

    Đoạn bác bảo tôi vào nhà bác. Thấy tôi quần áo lem luốc bẩn thỉu lại có nhiều vệt máu, bác ái ngại hỏi:

    “Cháu có sao không?”

    “Cháu không sao… nhưng anh Kính đi với cháu thì bị đạn, chết.”

    “Thế à? Tội nghiệp quá đi mất. Khu phố nhà mình thì anh Thành nhà bác Ba Định cũng mất, năm sáu anh thanh niên khác bị thương, chả hiểu có qua nổi không. Tự vệ vỡ cả rồi. Trung đoàn thủ đô cũng đã rút. Mai kia không hiểu sẽ như thế nào.” Nói đến đây, bác chép miệng. “Thôi, cháu đi tắm đi, rồi ra ngoài này ăn cơm với bác. Nhà bây giờ chỉ còn mình bác với ông cụ, chả có cái gì ăn. À, cháu lấy quần áo thằng Luân mà mặc, nó chỉ đem theo ba bộ thay đổi dọc đường. Nó nói với bác nó muốn đi bộ đội cụ Hồ. Bác biết chí của nó nên không cản.”

    Tôi biết anh Luân vì là hàng xóm. Anh năm nay đã ngoài hai mươi, chưa có vợ, chí của anh là học Y trở thành bác sĩ.

    Tắm xong, tôi thấy người khỏe khoắn, ra ngồi ở phản ăn cơm với bác Thục. Chỉ có đĩa rau dền luộc chấm nước mắm, nhưng tôi ăn ngon miệng. Trong lúc ngồi ăn, bác nói bố mẹ tôi nhờ bác đưa lại cho tôi mười đồng, nếu tôi sống sót trở về, để làm lộ phí tìm đường lên ấp nhà bác Đương trên Yên Báy. Gia đình tôi tản cư về trên đấy. Bác Đương, chúng tôi hay gọi là bác Phán Đương vì trước đây bác làm phán tại Tòa Sứ. Bác là anh cùng cha khác mẹ với mẹ tôi. Đang làm phán, một hôm bác xin nghỉ việc, bán hết nhà cửa ở Hà Nội đem vợ con lên Yên Báy mua một mảnh đất dựng cái ấp sinh sống. Tôi nhớ năm lên mười, tôi có lần theo mẹ lên thăm ấp của bác. Giữa mùa thu, rừng lau trắng xóa một vùng, tôi thích lắm, và nhớ mãi những buổi đi chơi với bác giữa cảnh núi đồi trùng điệp.

    Bác Thục nuôi tôi năm ngày thì tôi xin phép bác đi. Chiếc xe đạp bố tôi để lại, bác cũng giao cho tôi. Bác bịn rịn chia tay tôi, cứ dặn đi dặn lại, “Cháu phải hết sức cẩn thận, thời buổi loạn lạc chẳng biết đâu mà lần. Cứ đề phòng là hơn.” Trước khi đạp xe đi, bác còn giúi vào tay tôi ba đồng. Tôi từ chối vì nghĩ bác cần tiền sống qua ngày trong lúc chờ tình hình yên ổn trở lại, nhưng bác ép quá, tôi đành nhận tiền của bác. Tôi mặc chiếc áo dạ, vai đeo ba-lô Hướng đạo, trong nhét ba bộ quần áo và ít đồ dùng, tất cả là của anh Luân để lại, cùng giấy tờ cần thiết, đoạn cám ơn bác Thục thêm lần nữa trước khi mím môi đạp mạnh bàn đạp chiếc xe. Bác tốt với tôi quá, xem tôi như con cháu bác, dù chỉ là hàng xóm. Bây giờ những người như bác không còn nữa.

    Tôi đạp xe đến căn nhà nơi tôi họp hành mỗi đêm với các anh trong Tự vệ thành. Chưa đến nơi tôi đã chứng kiến cảnh đổ nát của cả khu phố, mặt tiền nhiều căn nhà bị phá toang, chỗ nào cũng có vết đạn lỗ chỗ, nhiều căn bị cháy rụi kể cả căn dùng làm nơi hội họp. Chắc là có cuộc giao tranh lớn xảy ra ở đây, và chẳng còn hy vọng tìm được ai để nhắn đi nhặt xác anh sinh viên. Đã mấy hôm rồi, chắc họ đã ném xác anh xuống một hố chôn tập thể nào đó hay thiêu thành tro. Không ai trong gia đình anh hay biết nơi anh nằm chết để đem xác về quê chôn cất, anh sẽ làm con ma không mồ từ bây giờ cho đến ngày quả đất này tan biến khỏi vũ trụ.

    Tôi đạp xe luồn lách qua những con đường chật hẹp vắng người nhắm hướng cầu Long Biên. Trên đường, nhà cửa đóng im ỉm, người qua lại thưa thớt, có lẽ tình hình an ninh chưa yên ổn hẳn, những người không tản cư chọn ở lại chưa cảm thấy vững tin để mò ra ngoài. Tôi thấy những toán lính nhẩy dù Pháp đầu đội mũ bê-rê đỏ, súng ống đầy người, đi nghênh ngang ngoài đường phố. Hai ba thầy Đội người Việt, trong bộ đồng phục ka-ki vàng, quần soọc che vừa kín đầu gối, mang vớ đen dài để lộ đôi chân khẳng khiu đen đúa, tay phải cầm gậy ngắn, vừa đi vừa đập đập vào lòng bàn tay trái, mặt vênh lên trời, sánh vai nhau đi tới đi lui trên vệ đường, giữ trật tự. Các thầy có mặt ngoài đó chắc chỉ để làm oai chứ có ma nào dám chường mặt ra đường lúc này đâu mà phải giữ trật tự? Ngoại trừ tôi.

    Theo lời bác Thục thì trước tiên tôi phải ra Vĩnh Yên, tìm đường lên Việt Trì, Phú Thọ, xong từ Phú Thọ cứ thẳng hướng tây bắc theo sông Hồng đi ngược lên Yên Báy. Bác dự trù quãng đường 160 cây số đó, tôi sẽ đi mất nhiều lắm là một tuần nếu mỗi ngày trung bình tôi đạp xe được 30 cây. Hiển nhiên, bác Thục không phải tướng chỉ huy ngoài trận mạc, bác chẳng hề dự trù cho bất kỳ bất trắc nào xảy ra trên đoạn đường sinh tử ấy trong khi tiếng súng vẫn đì đùng nổ khắp nơi.

    Tôi bỏ Hà Nội lại sau lưng. Ôi, biết bao kỷ niệm. Tôi vừa đạp xe vừa cố nhìn lần chót những hình ảnh của Hà Nội mà chẳng biết bao giờ mới có dịp về nhìn lại. Hồ Hoàn Kiếm vẫn xanh biếc với tháp Rùa, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba. Đường Hoàng Gai, nơi bán đèn Trung Thu mà hằng năm mẹ tôi dắt chị em tôi ra mua đèn về chơi. Trường nữ học Đồng Khánh với những tà áo bay. Rồi vườn trại Ngọc Hà với chợ hoa những ngày cận Tết. Nơi nào cũng để lại trong tâm tư tôi đầy ắp kỷ niệm. Tôi còn nhớ cả tiếng chày chí chát của đám thợ đập vàng trên phố Hàng Bông Đệm, hay tiếng chuông leng keng, tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt của chiếc tàu điện chật cứng người mỗi ngày tôi lấy đi học hay đi chơi. Những bức tường rêu phong loang lổ, những vỉa hè, những con ngõ nhỏ như ngõ Phất Lộc với những căn nhà bé xíu thụt ra thụt vô, dây leo chằng chịt, trông rất ma quái. Ma quái không kém là ngõ Sầm Công, nơi có cái miếu nhỏ thờ ông Sầm Nghi Đống, cái ông Thái thú người Tàu phải thắt cổ tự tử khi bị vua Quang Trung đánh cho tan tành giáp trụ. Và ngõ Cấm Chỉ phố Hàng Bông gần nhà, nơi tôi hay ngồi ăn quà buổi sáng. Cũng không thể phai mờ trong tâm trí tôi là rặng bàng khô lá, lối đi quen thuộc từ những ngày còn cắp sách đánh vần với những kỷ niệm tuổi học trò thơ dại. Rồi năm Cửa Ô, cửa nào cũng có vết chân tôi. Cửa Ô Quan Chưởng với gạch ngói cổ xưa, loang lổ dấu vết thời gian. Cửa Ô Cầu Giấy với hàng phượng vỹ mùa hè đỏ ối rợp bóng hai bên đường. Cửa Ô Cầu Dền nơi thuở nhỏ tôi hay theo mẹ đi chợ Tết. Với Cửa Ô Đống Mác, đường đi Bát Tràng, thì tôi không thể quên những quả ổi ương ương chấm muối ớt ăn ngon nhớ đời. Và Cửa Ô Chợ Dừa, muốn ra đó phải đi ngang phường Dạ Lạc, phố Khâm Thiên, có thằng con trai mới lớn đỏ mặt, trống ngực đánh thình thịch mỗi lần thấy các cô gái má đỏ môi son đứng trong nhà nhìn ra cửa. Tất cả quay về tuần tự như khúc phim dĩ vãng vàng ố chiếu giọi chờn vờn trước mắt tôi.

    Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn và buồn bã như lúc này.

6.

Tôi chạy loanh quanh Hà Nội một lúc khá lâu, vì cứ thấy bóng dáng quân nhảy dù Pháp hay thầy Đội là tôi lủi sang hướng khác. Mãi bốn giờ chiều tôi mới đáp chuyến đò ngang qua sông Đuống tới làng Đông Trù. Nhờ trước đây đi chơi nhiều, từng đạp xe đường trường với các anh Trưởng Hướng đạo nên tôi thông thuộc đường sá, không đến nỗi đi lạc.

    Từ Đông Trù trở đi, tôi thấy phong cảnh tiêu điều, hiu hắt làm sao. Sương chiều bắt đầu giăng phủ càng làm cho cảnh vật thêm ảm đạm, thê lương. Hai bên đường nhiều ngôi nhà cháy rụi, nhà ngói cũng như nhà tranh. Vài chiếc ô-tô cháy dở còn trơ cái sườn xe lam nham lở nhở nằm choán cả nửa mặt đường. Đồng ruộng khô cháy. Nắng xiên khoai lấp lóa trước mắt. Tôi cứ thế cắm đầu cắm cổ đạp, gió thổi vù vù bên tai. Người đi đường không nhiều, có lẽ là những người tản cư muộn như tôi, nhưng đi ngược chiều tôi về phía Hà Nội cũng có.

    Đang chạy ngon trớn, tôi bỗng nghe như có tiếng gọi tên tôi văng vẳng theo gió từ xa vọng lại. Tôi phanh xe, ngoái nhìn về phía sau, thấy một người đang gò lưng phóng xe lại phía tôi. Người đó vừa đạp vừa gọi tên tôi liên hồi. Khi đến gần, tôi nhận ra anh Mẫn, cũng trong Tự vệ thành. Anh dừng xe, đứng thở hổn hển một lúc mới nói được:

    “Anh đang ngồi ăn bánh gai trong quán nước thì thấy em chạy ngang. Em chạy nhanh quá, anh gọi mà em không nghe. Em đi đâu đây?”

    “Em lên Yên Báy, gia đình em tản cư về cả trên đấy.” Tôi mừng quá, không ngờ gặp anh ở đây. “Còn anh đi đâu?”

    “Anh lên Phú Thọ. Một bộ phận trường mình sơ tán về Đào Giã, em biết chưa? Thầy Trần Văn Khang bây giờ làm hiệu trưởng. Anh lên học nốt năm Đệ Nhất để cuối năm thi Tú tài toàn phần.”

    Mới mấy tuần không gặp mà trông anh già sọm đi. Anh học năm cuối ở Bưởi nhưng cũng vì chiến tranh mà việc học bị gián đoạn. Chúng tôi vừa thong thả đạp xe vừa kể cho nhau nghe về trận đánh trong thủ đô. Anh Mẫn cũng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, gia đình anh tản cư về Liên khu Ba, vì có người trong dòng họ bán quán cơm ở Chợ Đại. Anh chạy xuống đó lo cho gia đình nơi ăn chốn ở yên ổn rồi mới chạy ngược lên đây đi Phú Thọ. Tôi kể anh nghe chuyện anh sinh viên Luật chết như thế nào.

    “Em thật đoảng. Ở Hà Nội mấy hôm mà không tìm cách báo tin cho nhà anh ấy biết để đi tìm xác.” Tôi bảo anh Mẫn.

    “Có biết tin cũng chưa chắc tìm ra xác, Minh ạ. Tây nó đào hố bên cạnh Tòa Án vùi cả trăm cái xác xuống đó. Mình đành chịu, chỉ biết thắp nén hương rồi gọi tên các anh van vái cho linh hồn các anh siêu thoát, chứ biết làm gì hơn bây giờ.” Giọng anh đượm buồn.

    Đoạn anh đổi giọng, nói sang chuyện khác:

    “Em đi với anh đến Phú Thọ, ở với anh vài hôm rồi hẵng lên Yên Báy. Đến Phú Thọ, anh sẽ nhờ người quen đưa em ra hành kháng xin chứng minh thư cho em. Có anh và hai anh khác chứng thực cho em là được. Ngoài này là đất của kháng chiến, đi đâu em cũng phải có chứng minh thư.”

    “Vâng, em cảm ơn anh…” Tôi cảm động đáp lời anh.

    “Anh em mình đi tìm ngôi làng nào vào ở tạm đêm nay. Trời sắp tối rồi.” Anh bảo tôi, đoạn tiếp lời, “Nhưng mình phải cẩn thận vì quanh đây có nhiều làng Tề, gặp chúng là mình bỏ mạng đấy.”

    Chúng tôi đạp xe thêm chừng mười lăm phút đồng hồ nữa thì trời bắt đầu chạng vạng tối. Nỗi lo ngại của anh Mẫn khiến tôi chột dạ. Phần tôi thì chắc không sao, nhưng trên người anh Mẫn là chiếc áo trấn thủ màu rêu cổ tròn, sát nách, mặc bên ngoài chiếc sơ mi vải ka-ki đã cũ, có thể bị chúng nghi là bộ đội. Không biết anh tìm đâu ra chiếc áo trấn thủ vì chỉ bộ đội mới mặc loại áo đó để chống lạnh. Hay có người nào tặng anh chiếc áo?

    Làng Tề không khó nhận ra, vì trời sập tối là họ cho tráng đinh cầm gậy gộc ra cổng làng canh gác. Có nhiều trường hợp các ông trong Hội Tề bị ám sát. Ban ngày là Tề nhưng đêm tối là kháng chiến, nhiều ông Hội Tề phải ôm chăn chiếu vào đồn Tây ngủ.

    Lo ngại của tôi biến thành sự thật khi tôi thấy bẩy tám người đàn ông lẫn trai tráng cầm gậy đứng nghênh ngang giữa đường. Anh Mẫn thét to bên tai tôi:

    “Minh! Làng Tề! Phóng hết tốc lực!”

    Nhưng đã quá trễ. Đám người vây chúng tôi vào giữa, chúng ghìm ghi-đông xe lại. Giữa những tiếng la hét ầm ỹ đầy dọa nạt, tôi nghe tiếng hô to của người nào đó:

    “Việt Minh! Việt Minh! Đánh bỏ mẹ hai thằng Việt Minh đi!”

    Chúng lôi tôi và anh Mẫn xuống xe đạp, vật anh em tôi xuống mặt đường. Tôi chỉ kịp lấy hai tay ôm đầu trước khi trận mưa gậy tới tấp giáng xuống người tôi. Có lẽ nhận ra tôi chỉ là anh chàng thiếu niên mặt còn búng ra sữa nên chúng nhẹ tay hơn anh Mẫn. Đánh một chặp, xem chừng đã đủ, chúng lủi nhanh vào làng, hai chiếc xe đạp và hai chiếc ba-lô cũng bị chúng cướp mất. Tôi vẫn tỉnh táo, nhưng nằm yên trên mặt đường nhựa chờ cơn đau lắng dịu trong khi anh Mẫn có lẽ đã ngất đi vì tôi gọi mấy lượt không nghe anh trả lời. Có vài người đạp xe đi ngang, thậm chí một chiếc ô-tô chạy chậm lại nhưng rồi vọt đi. Chẳng ai dừng lại giúp đỡ chúng tôi. Có lẽ từ xa họ đã trông thấy anh em tôi bị đánh, nhưng lúc đi ngang họ chỉ đưa mắt liếc nhìn hai người thanh niên nằm bất động dưới mặt đường như thể đó là hai khúc cây mục nát vô dụng bị vứt ra đường. Tôi cắn răng chịu đau bò lại chỗ anh Mẫn đang nằm, thấy anh vẫn thiêm thiếp. Toàn thân tôi đau buốt, những chỗ bị đánh rát như bị bỏng, nhưng tôi cố hết sức lôi anh Mẫn vào bên vệ đường vì trời đã tối mịt, nhỡ có chiếc ô-tô hay xe tải nào chạy đến hãm thắng không kịp thì khốn to. Khó nhọc lắm tôi mới lôi anh Mẫn vào vệ đường. Chỗ này toàn đất đỏ ngấm nước mưa thành bùn lầy nhão nhoẹt. Tôi không rõ anh bị đánh vào đâu mà ngất đi như thế, có lẽ vào đầu, nhưng trời tối quá, chẳng thấy gì nên tôi đành ngồi phệt xuống đất bên cạnh anh, chờ đợi. Một lát sau tôi nghe tiếng anh rên khe khẽ. Mừng quá! Như vậy là anh thoát chết. Tôi ghé sát mặt anh, hỏi:

    “Anh đỡ chưa? Thấy anh ngất đi, em sợ quá.”

    “Em có sao không?” Anh hỏi tôi.

    “Không, em chỉ bị vài cú đánh vào vai, vào lưng, mấy lại vào mông. Em không sao, bây giờ chỉ còn thấy đau đau, chắc vài hôm là khỏi. Anh thì bị nặng quá. Chỉ có cách nhờ ai có xe bò chở anh vào làng nhờ người săn sóc các vết thương, chứ nằm ngoài này biết bao giờ mới có người cứu.”

    “Tối lắm rồi, trâu bò đã đánh về chuồng từ chiều, không có hy vọng nhờ ai được đâu. Em có khăn mùi-xoa trong túi không?”

    “Có.”

    “Em lấy khăn buộc vết thương trên trán anh để cầm máu. Xong đi tìm hai thanh trúc làm gậy, mình chỉ có cách đi bộ vào làng thôi. Anh đi được. Quãng ba cây số nữa là đến Văn Thượng, ta có anh em trong đấy.”

    Tôi làm theo lời anh Mẫn căn dặn. Tôi cũng tìm được bi-đông nước của tôi rớt lại lúc xe bị cướp. Tôi đỡ anh Mẫn ngồi dậy, ghé bi-đông vào miệng anh. Uống xong ngụm nước, anh có vẻ tỉnh táo lại đôi chút. Đợi anh khỏe thêm chút nữa, tôi vực anh đứng dậy rồi dìu anh lết đi từng bước nhắm hướng Văn Thượng đi tới.

    Hai chúng tôi trông như hai bóng ma xệch xạc đi trong đêm tối.

    Cả tôi lẫn anh Mẫn đều im lặng, cố vét tất cả sức lực mong manh còn sót lại trong cơ thể để dò dẫm từng bước khó nhọc. Đi một thôi đường ngắn, anh Mẫn lại bảo tôi nghỉ chân năm phút rồi mới đi tiếp. Trong lúc đi như thế, tôi nhớ tiếng hô to của gã nào đó trong bọn vừa đánh chúng tôi, “Việt Minh! Việt Minh! Đánh bỏ mẹ hai thằng Việt Minh đi!” Tiếng hô đầy vẻ thù hằn. Nó không phải tiếng nói của con người với con người. Nó như tiếng gầm của con thú hoang này trước một con thú hoang khác giống. Nó biểu lộ sự thù ghét một cách thái quá đến độ dị kỳ, khó có thể giải thích. Lúc đó, tôi chỉ mơ hồ phỏng đoán rằng họ tưởng lầm anh em chúng tôi là Việt Minh, và lý do họ thâm thù Việt Minh có lẽ vì họ có người thân bị Việt Minh sát hại. Hay họ theo Pháp chỉ giản dị vì quyền lợi riêng tư của họ thắt chặt vào sự đô hộ của người Pháp trên đất nước này? Ở bề mặt là thế, hiểu một cách hời hợt là thế, nhưng mãi về sau, khi đã sống chín chắn hơn, tôi nghĩ sự thù ghét đó chẳng phải bởi bọn chúng và anh em chúng tôi ở hai chiến tuyến thù nghịch, sống mái quyết một mất một còn, mà từ một tâm thức sâu kín, khó nhìn thấy hay lý giải được. Lúc đó đầu óc tôi còn quá non nớt để nhận thức một sự thật cơ bản là con người vốn ghét con người. Con người, chỉ con người mà thôi, giết nhau không phải vì miếng ăn. Loài vật giết nhau vì định luật sinh tồn tự nhiên, nhưng con người giết nhau chỉ vì không chấp nhận kẻ khác không giống mình.

– Trịnh Y Thư

(Trích đoạn tiểu thuyết Đường về thủy phủ).