Tuesday, May 23, 2023

2917. TRẦN YÊN HÒA Song Thao, Vua Phiếm...

Nhà văn Song Thao
 

Năm 2011, tôi dự định Ra Mắt Sách truyện dài Đi Mỹ, tác phẩm tôi ấp ủ đã mấy năm. Để cuộc Ra Mắt Sách có màu sắc tôi đã mời các bạn văn nghệ đàn anh mà tôi thân thiết như mời được nhạc sĩ Nhật Ngân và nhà văn Nguyễn Đình Toàn... lên nói về chuyện tác phẩm của tôi...Với Nhật Ngân sẽ lên nói về trường hợp phổ bài thơ Khan Cổ Gọi Tình, Về và bà xã của Nhật Ngân sẽ lên hát bài này. Mọi chuyện đều suông sẻ, tôi chỉ đợi đến ngày Ra Mắt Sách.

Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung.

Trong lần gặp đầu tiên, thời điểm 2011. Song Thao còn rất trẻ, cao ráo, đẹp trai, nói giọng bắc. Giọng nói của người đàn ông Hà Nội (?), rất nhẹ nhàng, hấp dẫn.

Chúng tôi nói chuyện văn nghệ "văn gừng", rồi nói đến nhạc sĩ Nhật Ngân. Thành Tôn cho biết tin Nhật Ngân bịnh nặng, đang nằm bịnh viện, rồi Thành Tôn bảo:

- Sẳn đây, tụi mình đi thăm Nhật Ngân nghe.

Tật cả đồng ý, ủy thác tôi điện thoại cho Nhật Ngân. Tôi bấm Điện thoại thì có giọng nữ trả lời:

-  Tôi là vợ Nhật Ngân đây.

Tôi nói:

- Chúng tôi muốn đến thăm Nhật Ngân bây giờ, được không chị?

Chị bảo:

- Anh Nhật Ngân mới uống thuốc xong nên còn mệt lắm, thôi để lúc khác. Xin cảm ơn mấy anh.

Thế là chúng tôi qua Factory uống cà phê.

Tôi gặp Song Thao lần đầu trong trường hợp như vậy.

Và trong cuộc Ra Mắt Sách lần đó của tôi, (dĩ nhiên) có nhà viết Phiếm Song Thao tham dự. Trong lời giới thiệu với các quan khách, tôi đã gọi anh là Vua Phiếm, dù lúc đó, tôi đọc những tác phẩm Phiếm của anh rất ít, đâu ba, bốn cuốn (bài) gì đó, do anh Thành Tôn gởi tặng thay Song Thao, mà (thật ra) không đọc được hết cuốn nào.

*

Phiếm nói chung là những bài viết, ý tưởng nói lan man, không chủ đích...như chuyện Phiếm... chẳng hạn

Tra trên Google thì từ Phiếm có nghĩa là:

Tỉnh từ có nghĩa là:

(trò chuyện, chơi đùa) chung chung, không thiết thực, không đâu vào đâu.

Động từ:

(Ít dùng) bàn luận chung chung, không thiết thực
Nhưng tôi thấy chữ Phiếm sau này đã bị lạm dụng nhiều qua sách báo, như những bài Phiếm luận của các nhà báo thường bày tỏ quan niệm của mình và thường chỉ trích, đả kích các ý của các tác giả khác. Các tác giả thường thì đả kích có lúc nhẹ nhàng, lịch sự, nhưng cũng có tác giả lợi dụng chữ phiếm để đả kích thật mạnh vào tác giả đối nghịch, nhiều khi đem đời tư của người ta ra mà nói (xấu). Có một thời, ở Nam Cali có tờ báo có mục Phiếm dị, thường gây nên những nỗi lo sợ cho nhiều người, vì những bài Phiếm này thường hay gây sóng gió trong cộng đồng .
*

 Nhưng với Song Thao thì khác, chủ đích Phiếm của Song Thao là bàn những đề tài chung chung, nhưng xoáy sâu vào các vấn đề qua cái nhìn từ đông tây kim cổ, khiến người đọc mở rộng thêm tầm nhìn. Với văn phong dí dõm, nhẹ nhàng, khiến người đọc muốn đọc bài viết từ đầu đến cuối. Đó cũng là biệt tài của Song Thao.

Như vậy, dù bàn chuyện chung chung mà đến nay, Song Thao đã xuất bản đến 29 cuốn Phiếm, cuốn nào cũng dày trên 300 trang, thật là dễ nễ. Nên (từ năm 2011), tôi gọi Song Thao là Vua Phiếm cũng không ngoa tí nào..

Tôi thường thích bộ môn truyện ngắn hơn. Truyện ngắn của một tác giả nào tôi yêu thích là tôi đọc say mê từ đầu đến cuối, thế mà Phiếm Song Thao, cũng đã hấp dẫn không kém, khiến tôi đọc thường hết một bài. Như vậy, cũng đã nói lên tài viết Phiếm của anh.

(Bây giờ, tôi thường chọn những truyện, thơ, được viết ngắn, chứ dài lê thê, nhiều chữ quá (dù hay) tôi cũng đọc không hết, có lẽ não trạng tôi đã bị lão hóa mất rồi chăng.)

Ngoài Phiếm ra, Song Thao còn viết truyện ngắn nữa. Anh đã in được 7 tập truyện là:  Bỏ chốn mù sương, Đong đưa cuộc tình, Còn đó bóng hình, Chân mang giày số 6, Cuối ngày, một lần ngồi lại,  Bên Lưng những con chữ, Chốn cũ...

Với 29 tập Phiếm và 7 tập truyện ngắn... Song Thao đã cho chúng ta thấy sức viết của anh rất mạnh, bây giờ ở tuổi trên hàng tám, mà anh vẫn đều đều cho ra Sách.

Cách đây khoảng 3, 4 năm, tôi lại gặp Song Thao ở nhà  Thành Tôn. Thành Tôn có ý chiêu đãi vợ chồng Song Thao, khi có chị Song Thao đi cùng anh qua thăm bà con  ở Nam Cali. Trong bàn tiệc, nghe giới thiệu, chị Song Thao là con gái của ông bà giáo sư Lê Nguyên Diệm, người đã cùng các giáo sư Bùi Tấn, Đinh Quy, ra sách Toán Giáo Khoa từ đệ thất đến đệ tứ hồi đó, học trò chúng tôi ai cũng học, nên ai cũng biết ba vị giáo sư này. ...Thầy Lê Nguyên Diệm có thời gian làm hiệu trưởng trường trung học Võ Tánh, Nha Trang.

Hôm đó ăn uống (nhậu nhẹt chút đỉnh) xong, chúng tôi bắt tay nhau ra về trong vui vẻ. Từ nhà Thành Tôn, đi một đoạn ngắn thì xe của nhà văn Phạm Phú Minh bị xẹp lốp, nhà thơ Thành Tôn chủ nhà, đành phải xăn tay áo, mở cốp sau lấy bánh xe "sơ cua" ra thay cho xe anh Phạm Phú Minh. Ở đây, toàn là các nhà văn, nhà thơ "chân yếu tay mềm", chỉ biết cầm cây bút thôi, mà nay phải hì hục sửa xe...thật là đáng nễ. Công đầu phải dành cho nhà thơ Thành Tôn, anh sửa xe rất giỏi. Còn chúng tôi chỉ thợ vịn...

Một kỷ niệm đáng ghi nhớ.

*

Nay, từ nam Cali, nhìn qua đất nước Canada thật xa vời vợi, tôi vẫn mãi nhớ anh Song Thao, anh Luân Hoán. Mong các anh luôn luôn khỏe mạnh. Nếu có dịp, các anh qua thăm nam Cali, chơi với chúng tôi thì vui biết mấy. Chúng ta cùng uống với nhau vài  ly rượu nhẹ thôi cũng vui lắm rồi.

Được thế thì vui biết bao nhiêu há vua Phiếm Song Thao!

Trần Yên Hòa