Wednesday, September 27, 2023

2047. PHAN TẤN HẢI Ba bài thơ



EM VỀ NHỚ DÙM ANH
 
Lối về sao rất lạ
trong mắt em đường xa
tiếng dế kêu ngày hạ
lay động mấy dặm hoa
 
giữa quê nhà xao xuyến
nhắn giùm anh một lời
thương ơi trăm con kiến
ngàn con chim nhớ ơi
 
bước đi nên rất khẽ
nhớ nghe hồn phố xưa
mây bay vô ngằn mé
theo lời kinh sững sờ
 
em về qua bến vắng
nhớ hỏi con đò xưa
có trôi cùng mây trắng
chở nắng mấy ban trưa
 
bước qua dòng nước nhỏ
soi giùm anh bên sông
ảnh xưa chìm còn đó
hay trôi mấy vô thường
 
mây trắng vương trên tóc
lạnh buốt thuở xuân thì
người lái đò năm trước
đã như mộng trôi đi
 
hương bay xa trăm lối
nhờ em thắp giùm anh
gửi qua bên kia núi
hương tuệ, hương tứ ân
 
***
 
con nghe cửa không cửa
thầy dạy bài học đầu
niết bàn không phương xứ
bước chân đặt vào đâu
 
lời thầy dạy con nhớ
không lối nào để đi
không pháp nào để giữ
tức khắc qua bờ kia
 
chim bay là tâm ảnh
chim kêu cũng là tâm
vô thường nghe rất lạnh.
 
Tháng giêng, năm 2017

 

  

GIỮA NHỮNG DÒNG THƠ LỜI CHƯA NÓI
 
Tôi có tên bạn ở quê nhà nghèo
không kể xiết, vẫn lang thang mỗi ngày
làm thầy lang dạo, trên chiếc xe đạp
chở đủ thứ kim châm, sách cổ, và
 
đôi khi vài bài thơ làm dở muốn
tìm người nghe góp ý, nhiều khi không
đủ gạo về nuôi vợ con trong ngày
đói thê thảm vẫn lạc quan đi nhà
 
thờ mỗi ngày lần chuỗi xin quan phòng,
ngồi cà phê vỉa hè vẫn nhẩn nha
đọc cho người nghe bài kinh “xin tha
thứ người…” mà nào thế hệ chúng tôi
 
có tội tình gì, mà bàn tay bàn
chân đầy chai sạn mỗi khi vui mừng
tìm được ngày bán sức lao động
giữa một thời thơ ném ra giữa đường
 
để mong quên luôn một đời, chỉ mong
giành giụm cho đủ tiền mua một chiếc
xích lô để kéo hết đời bên các
hè phố Sài Gòn, mong các con lớn
 
lên đủ chữ đọc cho thông, để nhìn
vào mắt cha đẫm lệ tìm đọc lại
giữa những dòng thơ lời chưa nói.
Tôi cũng có tên bạn, tình thân không
 
xiết kể, cùng chia xẻ những trang sách
ngày đầu mới lớn, cùng đội mưa chạy
băng những cánh đồng tuổi nhỏ, cùng bị
trận gió lịch sử dập vùi cho tơi
 
tả, từng có lúc nguyện liều thân đem
bình an về cho đời, rồi cùng thay
nhau vào tù để thấy hết cái mong
manh của phận người, và rồi lại những
 
ngày đi khắp các chùa tìm hỏi các
sư về nghĩa lớn, lời chưa nói hết
mà nước mắt đã ướt những trang kinh
tay bưng tô cháo thiền môn mà trĩu
 
nặng cả ngàn thế giới, cầm bút ghi
nắn nót lại những dòng chữ cổ để
dò tìm tâm ý người xưa, thật khẽ
khàng chỉ vì sợ làm rạn vỡ hồn
 
giấy mực, và rồi ngày rời nước chỉ
tiếc không nói hết được với bạn những
gì tôi hiểu – một khi bất chợt vô
tâm mà rồi cũng chẳng còn lời nào
 
dằn túi. Tôi có bốn đứa em quanh
năm thất nghiệp, cuối năm 2000 vẫn
ở chung nhà cùng xài TV đen
trắng, tay chưa bao giờ chạm tới cái
 
phone, mỗi ngày túa ra đường lang thang
các xóm, đạp xe từ Chợ Lớn đi
Sài Gòn, Gia Định toát mồ hôi dò
hỏi, đôi khi đi làm đâu được vài
 
tuần, và rồi lại nghe lời thông báo
hết việc, nghe đâu đất nước đang thời
đổi mới tiến vào thế kỷ 21
tiền xài khỏi đếm, vẫn hồn nhiên mỗi
 
hai tháng viết thư xin tiền anh, đâu
có biết tôi bên này cực nhọc đi
lượm từng đồng quarter ngoài phố, với
những dòng chữ ngồi gò lưng mỗi ngày
 
viết cho đầy trang báo, như các cụ
đồ một thời bán chữ những ngày xuân
mà giữa phố người qua lại thường khi
bực dọc la mắng, đôi khi còn bị
 
đấu tố chụp mũ biểu tình giữa Little
Saigon nơi người ta vẫn bảo là
đất lành chim đậu. Tóc các em đã
bắt đầu nhiều sợi trắng, dù mắt tôi
 
vẫn thấy các em nhỏ như thuở thật
xa và lòng tôi vẫn muốn tìm một
lời ngắn gọn dặn dò, như kiểu tôi
nói thử tìm một công thức mì ăn
 
liền cho hiểu biết, mà môi tôi ấp
úng và lời tôi không còn lời; các
bạn tôi đã bắt đầu lưng còng
như lời tôi nghe từ một người bạn khác
 
vẫn chờ tin tôi như chờ phép lạ
vâng đúng một thời chúng tôi tin phép
lạ, nhưng tôi không còn thấy phép lạ
nơi đâu ngoài quê nhà, nơi các bạn
 
và các em tôi mỗi ngày vẫn sống
bằng phép lạ, nơi nhiều ngày họ chỉ
sống bằng khí trời và nước lã, nơi
nhiều tuần chỉ sống bằng cà phê và
 
thuốc lá, nơi nhiều năm sống chỉ bằng
những dòng thơ và một tấm lòng hồn
nhiên, và là nơi một đời chúng tôi
đã sống chỉ bằng nước mắt.
 

 
HÃY ĐỂ BỤI MỜ TRANG GIẤY
 
Tặng Khánh Trường, một thời Hợp Lưu
 
Hãy khép trang giấy lại
còn thoang thoảng những ước mơ
hãy tự để bút mực
làm trôi chảy những dòng thơ
chữ đã viết xuống rồi
là hóa thân thành hoa cho đời
cũng như gió đã viết 
kịp lên trang giấy bầu trời
giữa những muôn trùng chảy xiết
thành những bạt ngàn chữ của mây
thành những bạt ngàn chữ sinh rồi diệt
để thấy đời người có hạn
cũng như mây tan vào vô tận
ai níu được gió hôm nay
ai nhốt được thơ ngày mai
 
Hãy mặc gió cuốn đi
tháng ngày tuổi trẻ của chúng ta
khi rượu còn đầy ly
khi nồng say còn sóng sánh môi hoa
khi những đôi mắt giai nhân còn chưa xa
còn ẩn hiện giữa dòng thơ trên báo
để rồi chúng ta phiền muộn trong mơ
để rồi chúng ta đưa nỗi nhớ mơ hồ
quyện vào mực, vào chữ để giấy ướp mùi hương
để rồi ẩn tiếng cười giai nhân vào tranh
để rồi gọi tên em là nhan sắc giữa vô thường
cứ ngỡ là bất tử
nhưng thực sự là không
khi mùa thu làm vàng trang giấy cũ
khi mùa đông làm nhạt nét tranh nơi môi cười
có phải vì chúng ta chạy trốn quê nhà
nơi nước mắt như dường miên viễn dặm xa.
 
Hãy khép trang giấy lại
bụi thời gian đang lặng lẽ bay tới
đang phủ mờ đi một thời trí nhớ
đang xóa mất dấu chân một thời lặn lội
chúng ta đã muốn tìm mùa xuân lưng trời trận gió
để đưa vào giấy hợp lưu những mùa hoa nở
một thời chúng ta đã sống dài như bất tận
đã ồn ào nói cười như đêm vui mừng không ngủ
một thời chúng ta còn tin vào hồn giấy mực
còn suy tính về những dòng thơ sắp viết
 
còn cân nhắc với những chữ như dường siêu thực
một thời chúng ta còn tin vào tranh
còn đi tìm cho ra những sắc màu phép thuật
hy vọng làm đẹp hơn cho những chiều tối sáng trưa
khi chúng ta còn tin vào những dòng chữ hợp lưu
rồi sẽ nối kết được cả muôn trùng quê nhà
rồi xếp giấy, chép thơ để làm cầu
rồi vẽ tranh, phác họa để nối cả thiên hà
rồi dòng chữ đã thành mưa để ngập ướt ưu sầu
rồi sắc màu đã thành gió để bay tìm mây dặm xa.
 
Hãy để bụi mờ trang giấy
chúng ta chỉ là quáng nắng chiều qua
chúng ta chỉ là ảnh hiện trong gương
chúng ta chỉ là bọt sóng mưa sa
chúng ta chỉ là tia chớp dặm trường
chúng ta chỉ là giấc mộng sát na
chúng ta chỉ là buổi sớm giọt sương
nhưng đã thơ mộng như kim cương bất hoại
nhưng đã xót thương như lòng mẹ từ bi
nhưng đã tắm dòng hợp lưu từ trời xa phương ngoại
nhưng đã hóa thân thành thơ giữa những chiều ánh tà huy
nhưng đã đi đứng nói cười với ước mơ Hùng Vương cổ đại
 
khi trang sách khép lại
từng đàn chim từ các dòng thơ bay lên.
 

---- California, 2022.