Thursday, September 21, 2023

3040. PHẠM THÀNH CHÂU Truyện ngắn TƯ QUÂN

Ảnh minh họa - Google images
 

            Hắn là người đạo đức giả. Miệng thì đứng đắn, nhưng bản chất là một tên điếm đàng, nhất là đối với phái nữ. Nhờ cái mã cũng không đến nổi tệ nên hắn rất dễ bắt chuyện với các cô. Thực ra hắn không giả dối trước người đẹp. Thấy đẹp hắn khen. Phái nữ có yếu điểm là được khen thì khoái tít mắt lại. Đôi khi hắn khen sổ sàng "Ngực em đẹp như của tài tử xi-nê", các cô có mắc cỡ thật nhưng sướng mê. Hắn luôn tìm thấy nét đẹp của từng cô. Cô nầy có dáng đi, cô kia có nụ cười, cô nọ có đôi mắt. Và hắn yêu thật tình những nét đẹp đó. Quả tim chân thành của hắn khiến bao nhiêu cô xao xuyến, rung động và rồi yêu hắn. Có điều, sau khi đo', hắn không còn yêu nữa, hắn chán và quên hẳn người đẹp. Từ khi biết yeu^ đến nay, đã trên ba mươi tuổi, hắn không nhớ có bao người đẹp đã qua tay. Xứ Mỹ tự do, hắn quên các cô thì các cô có bạn trai khác ngay. Nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy ra cho hắn.

         Hắn qua Mỹ năm bảy lăm. Trước bảy lăm, dĩ nhiên hắn ở Việt Nam. Hắn sinh ra, lớn lên ở một thành phố nhỏ miền biển, cổ xưa. Người dân ở đó lâu năm, quen biết nhau đến độ, người nơi khác đến là thấy lạ ngay. Bọn trẻ chơi thân với nhau như trong một gia đình. Buổi tối, năm bảy đứa đến nhà nầy chuyện trò, đàn hát, đến nhà kia nấu cháo, nấu chè ăn với nhau. Các bậc cha mẹ thường chiều bọn chúng, không hề la mắng bao giờ vì chúng là con của bạn học của họ trước đây. Trai gái đều thân mật với nhau như thế. Rồi thì chúng để ý nhau, thương yêu nhau. Hắn tuy không nổi bật trong nhóm con trai, nhưng cũng được nhiều cô có cảm tình, trong đó có một cô, tên Trúc, yêu hắn rất mực. Tình yêu học trò là thế, là yêu say mê, bất kể người mình yêu có biết đến hay không. Cô Trúc yêu hắn đến độ tìm cách nhờ hắn đến giúp làm bài tập Anh Văn để được dịp gặp hắn, tuy cô biết, hết năm đệ nhất, hắn sẽ vào Sài Gòn học đại học, mối tình của cô cũng sẽ xa vời vợi, thành vô vọng. Hắn học trên cô hai lớp nên chẳng khó khăn gì trong việc chỉ vẽ tiếng Anh. Mỗi tuần vài lần, vào buổi tối, hắn đến nhà cô, đẩy cửa vào phòng khách. Cô đã ngồi sẵn chờ hắn với sách vở và ly nước chanh hay chén chè. Mẹ cô thì ngồi đan, may gần đó. Hắn giải thích bài học, hướng dẫn trả lời các câu hỏi, khoảng nửa giờ thì xong, đứng dậy, đến nơi khác, rủ các bạn đi lểu rểu trên các đường phố hoặc ra bờ sông ngồi hóng gió, chuyện trò. Nhà cô chỉ có bà mẹ, cha cô là sĩ quan nhảy dù, hành quân liên miên, ít khi về nhà. Thỉnh thoảng mẹ cô nghe tin cha cô về hậu cứ, bà đi thăm. Một lần, buổi tối, hắn đến, được biết mẹ cô không có nhà, hắn kéo ghế ngồi bên cô, choàng tay lên vai cô, cô để yên. Hắn hôn cô, cô mềm nhũn người, ngã vào lòng hắn. Thế là hắn hôn hít, sờ soạn một lúc lâu mới chịu rời cô. Tối hôm sau, hắn lại đến, mẹ cô vẫn chưa về. Không rõ hắn dụ dỗ cách nào mà cô chịu lên lầu, vào phòng của cô. Hai đứa vừa thở vừa run, loay hoay với nhau cả buổi toi..Vấ thế là hắn biết mùi đời. Còn cô Trúc thì nước mắt lưng tròng, cô tiếc đời con gái nhưng không ân hận. Cô càng yêu hắn thêm. Thấy cô khóc, hắn dỗ dành, hứa hẹn đủ điều, rằng sau khi vào Sài Gòn học thành tài, hắn sẽ cưới cô, cùng cô chung sống đến đầu bạc răng long. Cô Trúc, dĩ nhiên rất tin tưởng ở lời hứa đó, để những đêm sau, cùng với hắn yêu đương mà không phải lo âu, mặc cảm với lương tâm. Đến khi mẹ cô về thì cả hai phải đóng lại vai trò học hành nghiêm chỉnh. Nhưng ăn quen nhịn không quen. Cả hai tìm cách gặp nhau lén lút mà mẹ cô không biết. Phòng cô Trúc trên lầu, có sân thượng nho nhỏ trông ra phía sau nhà. Dưới sân thượng là con hẻm, có cột đèn điện sát bên, có đèn điện soi sáng con hẻm ban đêm. Xa hơn một chút là giếng nước công cộng, rất đông người đến kéo nước về dùng vì nước ở giếng đó rất tốt. Thế nên con hẻm nầy là nơi các em giúp việc đến gánh nước và cũng là nơi các anh lính chiến xa nhà lò dò đến chuyện trò, tán tỉnh các em. Nhiều em chỉ gánh một đôi nước mà tốn cỡ vài giờ vì ham nói chuyện. Các chàng chiến binh, bản chất quân đội, thấy "đối phương" chống đỡ yếu ớt là xung phong liền. Các em la oái oái Người ta thấy kia!` Để người ta khỏi thấy, các chàng lấy đá ném vỡ bóng đèn, thế là tối thui ngay. Từng cặp ôm nhau trong bóng đêm mịt mù, trong tiếng thở dồn dập của tình yêu. Các gia đình trong hẻm, thấy nguy hiểm cho con cái, khiếu nại, nhà đèn lắp bóng mới thì ngay tối đó, chỉ nghe xeng? một tiếng nhỏ, đâu lại vào đấy, đường tối thui như cũ. Thế nên hắn đã hẹn với cô Trúc, chờ đến khuya, lúc vắng người, leo cột đèn, lên sân thượng nhà cô, cô không gài cửa, hắn nhẹ nhàng vào phòng mà mẹ cô, ngủ dưới tầng trệt, không hề hay biết. Đó là những khi mẹ cô ở nhà, mẹ cô mà đi thăm ba cô thì hắn đến công khai ban ngày, ăn uống, chơi đùa với cô thoải mái, nhất là vào mấy tháng hè.

         Thi tú tài hai xong, hết mùa hè, hắn vào Sài Gòn học đại học. Hắn quên hẳn cô Trúc. Cô gửi bao nhiêu lá thư, hắn ném sọt rác, không thèm đọc, nói gì đến trả lời. Hắn đã có nhiều bạn gái khác. Và hắn đâu có tha ai! Rồi hắn lại chán. Hắn giống con gà trống, suốt ngày đuổi theo hết con mái nầy đến con mái khác. Hắn học chưa hết năm đầu đại học thì xảy ra vụ sập tiệm năm bảy lăm. Hắn chạy xuống kho Năm, theo tàu sang xứ Mỹ. Hắn tiếp tục đi học và tốt nghiệp đại học.

         Con gái xứ Mỹ tự do gấp mấy lần con gái ở Việt Nam nên hắn tiếp tục sống cuộc đời mèo mả gà đồng. Thời đó người Việt còn ít, bạn gái của hắn đa số là Đại Hàn, Trung Hoa, cả đến Mỹ đen, Mỹ trắng hắn cũng cap(. luôn. Hắn mua nhà riêng để tiện cho các em đến. Đẹp trai, sung sức, có tiền... các em theo hắn đông đến độ phải lấy hẹn như người ta đi khám bác sĩ vậy. Rồi thì nghe nói Việt Nam mở cửa, kể cả các cửa tiệm ăn, tiệm chơi bời nên hắn về thăm Việt Nam. Ở Sài Gòn chơi chán chê, hắn về miền Trung, thăm lại thành phố biển, nơi hắn sinh ra, lớn lên. Ở đó, gia đình hắn chỉ còn đứa em gái, có chồng, con cái đùm đề. Nhờ sự giúp đỡ của hắn, em hắn cũng sống thong thả, nhà cửa khang trang, nhưng hắn chỉ ở khách sạn cho yên tĩnh. Thỉnh thoảng hắn đến nhà em ăn cơm rồi đi thăm bạn bè. Các bạn hắn, đa số đã rời thành phố, vô Sài Gòn hoặc vượt biên. Những đứa ở lại sống lây lất, đứa nào cũng già trước tuổi. Hắn tặng mỗi bạn chút đỉnh tiền, coi như quà Việt kiều. Một lần hắn lang thang trên đường Lê Lợi, chợt nhớ đến cô Trúc, định ghé nhà thăm, nhưng chưa bước lên thềm, nghe người trong nhà nói giọng Bắc Kỳ bảy lăm, hắn dội ngược. Hắn về hỏi em "Cô Trúc bây giờ ở đâu? Không ở nhà cũ nữa à?" "Nhà bị tịch thu, cán bộ ở rồi. Nguỵ quân, nguỵ quyền đều bị tịch thu nhà, con Trúc ra ở nhờ nhà bà con ngoài Xóm Mới" "Chồng con ra sao?" "Không chồng nhưng có thằng con" "Không biết chồng là ai à?" "Hắn không nói thì ai mà biết! Sau bảy lăm, bị đuổi nhà, cha đi cải tạo rồi chết trong tù, mẹ bịnh cũng mất sau đó, lại thêm sinh thằng con không cha, không biết hắn sống cách nào. Coi bộ khó khăn!" "Bây giờ cô ta làm gì?" "Nghe nói làm công cho hãng nước mắm ngoài xóm Mới." Cô em hắn cứ nhắc mãi câu Coi bộ khó khan( có ý muốn hắn giúp đỡ cho cô Trúc. Thực tâm hắn chỉ tò mò muốn biết hiện nay cô ta sống ra sao. Đối với hắn, cô chẳng là gì cả. Thỉnh thoảng hắn kể chuyện leo cột đèn, vào phòng người đẹp cho bạn bè nghe như một chuyện vui trong đời, thế thôi. Đầu óc hắn, không có chút gì hình bóng của cô Trúc cả. Hắn nảy ra ý định tìm cô Trúc để tặng cô ít tiền. Năm mươi đô, trăm đô chỉ là tiền tiêu vặt. Thế nên chiều đó hắn ghé hãng nước mắm, hỏi thăm cô. Hắn nhận ra cô ngay, nhưng cô không để ý, tưởng khách đến đặt hàng. Khi cô ngửng lên thì thấy hắn. Mặt cô bỗng tái nhợt: "Anh là anh Bình, phải không?" Hắn vẫn tỉnh bơ: "Đúng rồi! Anh ở Mỹ về, ghé thăm em". Cô nhìn hắn chăm chú: "Anh vẫn không thay đổi. Trắng và mập hơn trước. Chỉ có em là bệ rạc!" Hắn cười "Không đến nổi nào đâu. Gái một con trông mòn con mắt!" Hắn muốn cho cô hiểu là hắn đã biết chuyện đời của cô rồi. Cô đã lăng nhăng với một tên nào đó đến chửa hoang và đã có con, như thế, chuyện tình cảm, nếu có, giữa hắn và cô coi như đã chấm dứt từ khi cô nằm trong tay người khác, giờ đây còn tình bạn là quá tử tế rồi, và hắn ghé thăm chỉ với tư cách đó mà thôi. Đừng hòng đem chuyện tình cũ nghĩa xua+ ra xem như món nợ hắn phải giải quyết. Khi nghe hắn nói như thế, cô ngước nhìn hắn, ấp úng như muốn nói gì đó, rồi nín thinh. Hắn thấy bất nhẫn, sắp cho người ta ít tiền mà nỡ nói phũ phàng nên hắn đổi giọng, thân mật "Chiều nay mấy giờ em về? Anh đến đón, mình ra tiệm nước nói chuyện. Lâu quá không gặp" Cô cố kìm chế sự mừng rỡ "Em về lúc năm gio+`.

         Hắn đón cô Trúc, đưa đến một quán cà phê gần chợ. Hắn tránh không hỏi đến cuộc sống của cô, vì sợ cô kể khổ, như thế hắn phải cho nhiều hơn dự tính. Ở Mỹ, hắn quen quyết định bằng những con số, sửa một con số sẽ xáo trộn những con số khác. Hắn hỏi về bạn bè, về các thầy, cô giáo, bây giờ ra sao? Rồi hắn rào đón trước bằng cách than phiền về cô em gái, gửi tiền về cho bao nhiêu cũng không đủ, cứ gửi thư xin tiền mãi. Anh em ruột thịt khó mà từ chối, bạn bè như hắn và cô thật dễ dàng, tặng bao nhiêu cám ơn bấy nhiêu, đâu có thể xin thêm được. Sau đó hắn móc bóp tặng cô hai tờ trăm đô. Thấy cô phân vân, như muốn nói điều gì, hắn nghĩ, cô muốn xin thêm chăng? Hắn sẽ tặng thêm nếu cô ngỏ ý, vì thế hắn ngồi xuống tươi cười "Chắc em có gì muốn nói với anh?" Cô cúi xuống, mân mê chiếc muỗng một lúc rồi ngập ngừng "Em xin anh điều nầy, không phải cho em mà cho con. Em khổ quen rồi. Thân em bây giờ coi như bỏ. Chỉ tội nghiệp thằng con em, có cha mà cũng như không" Hắn ngạc nhiên "Sao kỳ vậy? Làm cha phải có trách nhiệm nuôi nấng, săn sóc con. Ở xứ Mỹ, em biết, dù li dị rồi, người cha cũng phải đóng tiền cho mẹ chúng nuôi con. Không đóng, chính phủ trừ thẳng vào lương chứ không đùa. Sao em không gặp cha thằng nhỏ, nói cho hắn biết bổn phận làm cha?" Cô vẫn cúi mặt, giọng cay đắng "Em muốn nói lắm chứ, nhưng đó là một người bạc bẽo, chẳng biết tình nghĩa là gì, em gửi bao nhiêu thư mà đâu thèm trả lời. Bây giờ nếu nói ra, rủi anh ta bảo rằng Chắc gì tôi là tác giả, biết đâu còn nhiều người nữa, sao lại đổ trách nhiệm cho riêng toi^? Như thế còn đau khổ gấp mấy lần hơn là làm thinh. Người đàn ông, ý thức được trách nhiệm, tự động tìm đến với con, nếu là người tàn nhẫn, nói cũng vô ích" Rồi cô úp mặt vào hai bàn tay, vai rung lên. Cô khóc. Ngồi nhìn chiếc áo bạc màu với mấy chỗ vá trên vai cô, hắn nhớ lại cách đây mười mấy năm, cô cũng ngồi đối diện với hắn như thế trước bàn học. Lúc đó cô yêu đời, yêu hắn, cô nhìn tương lai toàn màu hồng. Bây giờ ngược lại, cô mới khoảng ba mươi mà trông thê thảm. Hắn thầm nghĩ, người khốn khổ như thế nầy, nếu hắn giúp đỡ cô thì lòng biết ơn của cô đối với hắn sẽ rất to tát. Giúp nhiều hơn nữa, cô sẽ nhớ ơn hắn suốt đời. Kể cũng vui. Người Mỹ thường thích trò chơi từ thiện nầy lắm. Đôi khi tốn cả mớ tiền mà chỉ có tấm hình một trẻ mồ côi đâu tận xứ Châu Phi xa xôi. Còn hắn, chẳng mất bao nhiêu mà được con người thực, đang ngồi đây tri ân. Hắn mở đường để cô tiện xin xỏ "Bây giờ em cho anh biết, anh có thể giúp đỡ được gì?" Cô lấy khăn lau nước mắt, nhưng vẫn không nhìn hắn "Em không xin cho em mà xin cho con. Anh có cách gì giúp nó sống, có miếng ăn, có áo quần mặc và học hành. Em không kham nổi! Thấy con khổ em chịu không được!" Bây giờ lại cứu độ luôn cái sản phẩm mà thằng sở khanh nào đó đã tặng cô, tức là thằng bé, con của cô, thì hắn sẽ có đến hai người nhớ ơn hắn. Cũng đáng hãnh diện và vui! Nhưng rồi hắn nghĩ đến những đồng đô la sẽ cho cô. Cô dám xin đến cả nghìn đô không chừng. Hơi nhiều! Giọng hắn có vẻ nặng nề, gay gắt "Em nói rõ, em cần bao nhiêu để anh xem có giúp đỡ được gì không? Nếu nhiều quá thì hơi khó vì anh còn biết bao nhiêu chi phí khác nữa. Cuộc sống ở Mỹ không dễ dàng" Cô vẫn kiên nhẫn, nhỏ nhẹ "Mỗi năm anh cho em khoảng số tiền anh đang cho em đây thì con em sẽ được sống bình thường như con người ta" Hắn nhẹ cả người, lại móc bóp "Tưởng gì khó khăn! Bây giờ anh gửi em bốn trăm, hai năm sau anh sẽ gửi tiếp. Em đừng bận tâm, anh sẽ giữ lời. Năm nay con em bao nhiêu tuổi?" "Nó mười hai tuổi, sinh năm bảy lăm. Khi anh vào Sài Gòn học, đầu tháng chín, thì đến giải phóng, tháng tư, em sinh nó..." Hắn không bận tâm đến chi tiết mà tính nhẩm, tối đa mười năm nữa, thằng nhỏ xong đại học, ra trường là kiếm sống được rồi. Vài nghìn, chả bao nhiêu, phải nuôi nó đến trưởng thành, khôn lớn nó mới hiểu nghĩa cử của mình mà nhớ ơn, giúp bây giờ, còn nhỏ, nó chưa ý thức được giá trị của đồng bạc. Nghĩ thế hắn thêm vui vẻ "Em khỏi lo, anh sẽ phụ với em lo cho thằng nhỏ học thành tài" Lúc đó cô mới ngước lên nhìn hắn với đôi mắt kỳ lạ, giọng lạc hẳn "Đến chết em cũng không quên anh!" Rồi cô thở dài yên lặng. Tự nhiên hắn cao hứng "Thằng con em vừa xui vừa hên. Có người cha chạy làng, nhưng bạn của mẹ giúp đỡ. Chắc chắn tương lai nó không đến nỗi nào. Nó học có khá không? Có thông minh không?" Vừa khóc lúc nãy, bây giờ cô lại hớn hở "Nó dễ thương lắm anh! Nó học giỏi lắm! Nó có hiếu lắm, thương mẹ lắm! Nó sợ em khóc! Hễ có chuyện gì buồn, em khóc là nó khóc theo" Cô đứng lên, cất mấy tờ bạc vào xách tay, vẻ tự nhiên, không chút mặc cảm xin xỏ gì cả. Khi ra đường, cô đi sát vào người hắn. Là người sành sỏi, hắn biết cô hiểu thân phận, ăn mặc tồi tàn, ốm trơ xương làm sao mồi chài hắn được. Có lẽ cô quá vui mừng mà biểu lộ vô tình thế thôi. Cô xem hắn như người thân thiết chăng? Hay một ân nhân, một ông tiên hiện ra cứu giúp người hoạn nạn? Hắn tự thấy mình rất cao thượng. Cô Trúc được giúp đỡ sẽ khoe với bạn bè, bà con. Mọi người sẽ coi hắn như một anh hùng, giúp người mà không lợi dụng gì cả. Hắn vênh mặt lên, tưởng như hai bên đường đang nhìn hắn với đôi mắt thán phục. Hắn liếc nhìn cô, thấy cô có vẻ hãnh diện, vui sướng lắm Đúng rồi, có lẽ cô muốn nói cho mọi người biết rằng đây là chồng cô, là cha thằng bé chứ không phải cô chửa hoang. Chồng cô vượt biên, cô không nói vì sợ chính quyền làm khó dễ, bây giờ chồng cô về tìm cô và con. Chồng cô là Việt kiều thứ thiệt, có bạn bè xác nhan^. Muốn vậy cũng được, mình sẽ đóng kịch cho mọi người tưởng lầm chơi, vừa an ủi cho thân phận hẩm hiu của cô. Hắn bảo cô "Chiều mai mình đi ăn tiệm, em dẫn thằng nhỏ theo cho vui" Cô mừng rỡ "Thiệt hả anh? Vậy thì em xin anh một điều. Khi gặp anh, em sẽ giới thiệu anh là cha nó. Được không anh?"  Hắn rào đón trước "Nói miệng thôi, đâu có sao. Em biết, ở Mỹ, nhận con nuôi cũng rắc rối lắm. Có chuyện gì, phân chia tài sản phiền phức!"

         Chiều hôm đó, cô Trúc đến trường đón con, đưa đi gặp hắn ở tiệm ăn. Hắn ngạc nhiên thấy thằng bé thật dễ thương. Nó mặc áo quần sạch sẻ, đeo cặp sau lưng, vòng tay chào hắn một cách lễ phép "Chào ba!" Hắn vui vẻ "Con giỏi lắm, đến đây với ba"  Thằng bé sà đến hắn một cách tự nhiên "Tối hôm qua em phải dẫn con đi mua cặp mới, áo quần, giày mới..." "Hèn gì, coi bảnh trai quá! Ngồi đây với ba, con muốn ăn gì nói mẹ kêu. Con học giỏi không? Có đứa nào ăn hiếp con không? Chỉ ba, ba đập cho nó thất kinh luôn" "Không đứa nào ăn hiếp con đâu ba, con không sợ đứa nào cả" Nhìn thằng bé gầy còm vì thiếu ăn, hắn không nghĩ nó đã mười hai tuổi. Tuổi đó, trẻ con Á Châu ở Mỹ đã vỡ giọng, đứng đến vai hắn. Thằng bé cắm cúi ăn. Cô Trúc âu yếm nhìn hắn và con, và nước mắt cô ứa ra, cô mắc cỡ vờ lấy khăn lau miệng rồi lau lên mắt. Thằng bé ăn một loáng là hết tô mì, nó liếm mép, bưng ly nước ngọt uống ừng ực, môi bóng lên vì mỡ "Con ăn nữa nghe!" "Dạ không, con no rồi!" Thằng bé bắt chuyện với hắn "Mẹ nói ba ở bên Mỹ về thăm mẹ và con, phải không ba?" "Ừ, ba về thăm con và mẹ con. Ba sẽ gửi tiền về để mẹ dẫn con đi ăn tiệm khi nào con thích. Ba nhiều tiền lắm, con muốn gì cũng có" "Bạn con trong lớp nói ba sẽ bảo lãnh cho con và mẹ đi Mỹ, phải không ba?" Hắn chu miệng với thằng bé "Đương nhiên, nhưng giấy tờ bảo lãnh lâu lắm. Bây giờ tạm thời con và mẹ ở đây ít lâu đã" Cô Trúc nói nhỏ vì mắc cỡ và sợ người khác nghe "Nó cứ hỏi em, sao anh không đến nhà ngủ với nó và em. Em nói, hai mẹ con chỉ  có chiếc giường nhỏ xíu, ba ngủ chỗ nào? Lúc đó nó mới hết thắc mắc" Hắn hiểu cô Trúc e ngại hắn đến nhà nên đón rào trước vì sợ thằng bé mời hắn về nhà. Quả nhiên, lúc đứng lên, thằng bé kéo tay hắn "Mình về nhà, phải không ba?" Hắn lại chu mỏ lên "Ừ, đương nhiên!" Không hiểu sao hắn thích thằng bé đến thế, nó dễ thương thật. Hắn quyết ý sẽ nuôi thằng bé đến khôn lớn. Khi đến nhà cô Trúc, vùng ngoại ô, hắn không ngờ hai mẹ con lại có thể ở một nơi quá tệ đến như vậy. Một cái chái mỗi bề độ vài ba mét, lợp tranh, dựa vào vách một ngôi nhà, có lẽ nhà người bà con. Một giường tre nhỏ chiếm gần hết diện tích, một cái bàn nhỏ, không có ghế, đặt sát giường, đằng góc là mấy hủ, lọ lăn lóc, một cái bếp đầy tro, vài nồi niêu đen thùi. Trên vách treo một trang thờ nhỏ để hình cha mẹ cô Trúc. Cô thắp nhang, cắm lên một cái chén làm bình nhang. Hắn ngồi trên giường trải chiếc chiếu cũ. Thằng bé sà đến, ngước nhìn hắn, hóng chuyện, cô Trúc ngồi bên con "Anh thấy em có thê thảm không?" Hắn sốt sắng "Thê thảm quá đi chứ! Nhưng không sao. Để anh. Anh giải quyết ba mươi giây!" Cô vuốt tóc con "Anh hứa giúp em nuôi con là em mừng muốn chết rồi, đâu dám xin gì nữa. Anh dẫn nó đi luôn về Mỹ bây giờ cũng được nữa" Cô cúi xuống hỏi con "Con chịu đi với ba qua Mỹ không?" Thằng bé mừng rỡ vỗ tay "Đi liền hả ba? Mẹ cũng đi nữa hả ba?" "Chưa được đâu! Phải làm giấy tờ phiền phức, lâu lắc lắm" "Giấy tờ gì ba?" "Thì khai sinh, hình bóng, tờ khai gia đình gì đay..Đẻ^' mẹ con làm"

         Hắn cảm thấy hết hứng thú trong vai kịch nhưng vẫn cố cho xong nên đứng lên làm bộ nghiêm trang ra lịnh cho cô Trúc "Ngày mai anh đi Huế, Hà Nội, vài tuần nữa sẽ quay lại. Em phải lo cho xong giấy tờ bảo lãnh. Cứ hỏi, người ta chỉ cho cách lo hồ sơ. Để sẵn cho anh, anh đem về Mỹ" Cô Trúc cũng vui vẻ, nghiêm nghị "Dạ, em sẽ lo đủ hết, anh về là có ngay" Lúc tiễn hắn ra đường cô Trúc hỏi hắn "Em có phải làm giấy tờ như anh dặn không?" "Chả tốn bao nhiêu, đừng để thằng nhỏ thất vọng. Khi đi làm giấy nhớ dẫn nó theo cho nó thấy. Anh không đánh lừa nó, sẽ tìm cách đưa nó qua, như du học chẳng hạn. Nhớ cho nó ăn uống đầy đủ, em cũng vậy. Hai mẹ con như hai con mèo!"

         Nửa tháng sau hắn quay lại, sau một chuyến du lịch từ Trung ra Bắc. Hắn về vào hôm ba mươi Tết. Sáng mồng một hắn ghé thăm gia đình em gái, lì xì mừng tuổi cho mấy đứa cháu, xong hắn thả bộ ra thăm cô Trúc. Hai mẹ con bất ngờ khi thấy hắn bước vào, mừng rỡ lắm, mời hắn dùng điểm tâm, hắn vui vẻ ngồi vào. Thằng bé vòng tay chúc mừng năm mới theo như mẹ dạy, hắn lì xì mừng tuổi cả hai mẹ con. Hắn nhìn quanh, tất cả đều mới tinh. Chiếc giường gỗ mới, một màn vải hoa ngăn với bếp, trên bàn có bình trà, tách trà sạch sẽ, mấy lọ hạt dưa, kẹo bánh để đãi khách, trước cửa có hai chậu bông vạn thọ nhỏ. Tất cả đơn sơ nhưng chứng tỏ hai mẹ con có một cái Tết ấm cúng, sung túc. Chỉ hơn nửa tháng mà cả hai đã thay đổi. Nhờ ăn uống đầy đủ nên trông hồng hào, không còn ốm tong như trước. Mặt cô Trúc bầu bỉnh, mắt ướt rượt. Cô mặc một bộ đồ hồng nhạt điểm hoa trắng, tóc chải gọn ghẽ. Một chút môi son, phấn hồng trên má, khiến cô đẹp hẳn lên, e mặn mà hơn thời con gái. Hắn bảo "Em đúng là gái một con trông mòn con mắt" Cô sung sướng "Em định đưa con đi chùa hái lộc sáng nay" Ý cô muốn rủ hắn cùng đi chùa nhưng không dám. Tự nhiên hắn thấy mình xao xuyến. Tuổi cô độ ba mươi, đang xuân thì, người tròn lẳng, ngực vừa tầm trong bộ đồ vải hoa trang nhã, mềm mại. Hắn nhớ lại ngày xưa, những buổi tối leo cột đèn vào phòng co.Giộ đây cô đứng trước hắn, đồi ngực phập phồng, mặt hơi ngước lên như chờ đợi. Hắn muốn ôm hôn cô, nhưng nghĩ đến thằng đàn ông nào đó đã từng ôm ấp cô đến mang bầu rồi chạy làng, hắn cụt hứng "Sáng mai anh đón tàu vô Sài Gòn về Mỹ. Anh đã có địa chỉ của em, sẽ liên lạc sau. Đừng gửi thư cho anh, tính anh hay quên, em lại trách. Em đã có sẵn hồ sơ chưa?" Cô Trúc nhớ nhưng không dám nhắc, nghe thế vội lấy từ trang thờ một bìa cứng trong có giấy tờ linh tinh. Hắn đưa cho thằng bé thấy "Đây, giấy tờ đây, con thấy chưa? Ba qua Mỹ sẽ lo cho hai mẹ con, nhưng có lẽ lâu lắm mới xong, đừng sốt ruột nghe!" Thằng bé ngước nhìn, vẻ tin tưởng lắm Da!. Cô Trúc ngập ngừng "Sáng mai cho em đến tiễn anh được không?" "Được chứ! Nhưng anh đi sớm lắm, khoảng năm giờ sáng đón xe thồ ra Đà Nẳng cho kịp chuyến tàu. Nói thế không phải anh không muốn em đến, cái đó tuỳ em"

         Vậy mà trước năm giờ, cô đã chờ hắn trước khách sạn. Xe gắn máy thồ, hắn dặn trước, chưa đến, chỉ có hắn và cô đứng trên đường vắng. Con đường nhỏ với hai dãy phố cổ dưới ánh đèn đường vàng vọt, buồn bả và sâu hun hút. Mưa lạnh lất phất như bụi bay. Hắn kéo cô nép lên hiên nhà Đứng vào đây kẻo lanh. Cô nép vào hắn, yên lặng. Hắn cởi áo lạnh khoác cho cô. Cô xoay qua ôm lấy hắn, tựa đầu vào ngực hắn, thì thầm một câu hắn đã nghe cô nói hôm trước Đến chết em vẫn không quên anh! Hắn lùa những ngón tay vào tóc cô, chải ngược về phía sau. Trước đây hắn thường hay nghịch tóc cô theo cách đó. Hắn cứ chải mãi tóc cô bằng những ngón tay như thế. Cô yên lặng, vòng tay ôm cứng lưng hắn. Cho đến khi chiếc xe gắn máy thồ xuất hiện, hắn lại vò đầu tóc cô rối tung lên rồi bước xuống lề đường, ngồi lên yên sau anh xe thồ, chiếc xe rồ máy chạy tới, cô đứng trên hiên, chồm người nhìn theo. Giống y như trước đây, cô vẫn thường chồm người nhìn theo hắn mỗi khi hắn giảng xong bài Anh văn cho cô rồi ra về.

         Về đến xứ Mỹ, hắn quên chuyện Việt Nam, như đã từng quên những chuyến du lịch Trung Hoa, Châu Âu, Nam Mỹ. Mỗi năm hắn đi một xứ để tâm trí được thoải mái rồi về cắm cúi làm việc, rồi lại em út, lại nhảy nhót và chờ năm tới đi du lịch.

         Một hôm, vào ngày chủ nhật, rảnh rỗi, hắn soạn  cái túi du lịch Việt Nam còn vứt trong góc phòng. Trong những đồ đạc lỉnh kỉnh, có tập hồ sơ bảo lãnh cô Trúc đưa cho hắn. Hắn mở ra, thấy ảnh thằng bé, cầm lên ngắm. Thằng bé dễ thương thật, mắt sáng trưng! Hắn mỉm cười lẩm bẩm Con ai đem bỏ chùa nầy, A Di Đà Phật, con thầy, thầy nuoi^ Sang năm gửi cho nó mấy trăm kẻo tội, mình đã hứa. Lại còn hình ảnh gì nữa đây?" Đó là tấm ảnh chụp hai mẹ con. Thằng bé tựa đầu vào mẹ, miệng cười toe toét, còn mẹ nó, coi bộ làm nghiêm, nhìn hắn đăm đăm. Có lẽ là hình mới chụp vì hắn thấy cái áo hoa cô mặc hôm Tết. Coi cũng được, nếu đem vào sở, để trước bàn làm việc, khối anh, chị Mỹ trầm trồ về người đẹp. Hắn giữ hình thằng bé và hình hai mẹ con cô Trúc lại, còn tập hồ sơ, hắn cuốn lại, nhắm cái giỏ rác đằng góc phòng phóng tới, giống như ném bóng rổ. Cuộn giấy bung ra, bay tứ tán. Hắn nhỏm lên, bước tới, cúi xuống nhặt lên, định chơi lại trò ném bóng rổ. Bỗng hắn nhìn đến tờ khai sinh của thằng nhỏ. Liêu Tư Quân, tên nghe Tàu rặc! Liêu là họ Liêu, còn tên Tư Quân? Chắc có ý nghĩa gì đây? Hắn người Minh Hương, nhưng không biết chữ Tàu, nhưng nhớ có mấy câu thơ Cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố huơng+ như vậy tu+ là nhớ, còn chữ quân? Quân tại Tương giang đầu. Thiếp tại Tương giang vy~ Quân có nghĩa là chàng. Tư quan^ là nhớ chàng. Hắn lầu bầu Nhớ cái thằng gian ác, tặng cho cái bầu rồi quất ngựa mo?! Thứ đàn bà chung tình kỳ cuc!. Ủa! Tên cha thằng bé sao lại là Liêu Quốc Bình, tên của hắn? Cả thành phố nầy chỉ có gia đình hắn họ Liêu. Hắn xem ngày sinh của thằng nhỏ, rồi tính nhẩm. Thằng nhỏ nầy sinh ra sau khi hắn rời thành phố, đúng ra là xa cô Trúc, được tám tháng. Vậy ra hắn là thủ phạm cái vụ chửa hoang của cô Trúc! Hắn cầm tấm hình hai mẹ con lên ngắm.  Cô nhìn hắn đăm đăm, miệng mím lại, vẻ giận hờn.

         Hắn lượm lại tất cả giấy tờ, nằm rải rác ở góc phòng, bỏ vào tấm bìa cứng cùng với mấy tấm hình, cẩn thận để lên bàn.

        Một món quà Xuân, quà Sinh Nhật thanh cao,trang nhã dành cho bạn bè, người thân.

PHẠM THÀNH CHÂU