Thursday, October 12, 2023

3060. TRÁI TIM THÚ TỘI Truyện ngắn Edgar Allan Poe ( 1809 - 1849 ). THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Edgar Allan Poe (1809 - 1849). 

Edgar Poe là con thứ hai của David Poe và Elisabeth Arnold Hopkins Poe. Bố mẹ mất sớm, Poe được John Allan nhận làm con nuôi. Từ đó, Allan trở thành họ thứ hai của Edgar. Mới 6 tuổi, Edgar cùng cả gia đình di cư sang Anh, đi học ở trường Richmond. Năm 1826 vào học ở Đại học Virginia nhưng chỉ học một học kỳ thì bỏ. Năm sau Poe gia nhập quân đội và 2 năm sau, khi mẹ nuôi mất , Poe xin ra quân. Poe sớm in những tập thơ từ 1829, rồi đến năm 1833 in truyện MS Found in a Bottle  được tặng giải thưởng của một tạp chí ở Baltimore, Maryland. Những năm sau, Poe viết nhiều bài thơ, bài Raven ( con quạ ) là tác phẩm khiến ông nổi tiếng. Ông cưới vợ năm 1836, một cô gái mới 14 tuổi. Năm 1847, vợ chết, Poe đau nặng, cả năm hầu như không sáng tác nhưng 2 năm sau đó ông viết được nhiều bài thơ nổi tiếng.

Năm 1849 ông sống với một người phụ nữ mà trước đây hai người từng yêu nhau. Ngày 3 tháng 10 năm 1849, người ta tìm thấy ông trong một quán rượu ở Baltimore. Lúc này ông mới 40 tuổi.

Cái chết của ông cũng mang nhiều bí ẩn như chính những tác phẩm của ông. Theo hồ sơ bệnh án, Edgar Poe được đưa vào bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Sau đó, ông có hồi tỉnh, người ra nhiều mồ hôi, bị chứng ảo giác và thường cãi nhau với một người tưởng tượng. Tiếp đến là giai đoạn ông bị mất trí nhớ, cấm khẩu rồi tắt thở.

Tuy mất sớm, ông vẫn được biết đến như một nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ và nhà văn. Trong lĩnh vực truyện ngắn, ông được xem như ông tổ của thể loại truyện trinh thám và kinh dị, bí ẩn, rùng rơn. Poe đi sâu vào trạng thái thần kinh bệnh hoạn của những phạm nhân giết người do rối loạn tâm thần. Truyện The Tell-Tale Heart giới thiệu dưới đây là một trong số đó. Truyện là lời kể của một nhân vật không tên, người này tìm cách giết ông lão hàng xóm với một lý do thật vô lý và buồn cười. Toàn bộ câu chuyện là diễn biến tâm lý với trạng thái bồn chồn, hoảng loạn của nhân vật chính.

Thật mà! Căng thẳng, rất, rất căng thẳng, từ lâu rồi và giờ vẫn còn đây này! Nhưng sao bạn lại nói tôi điên? Căn bệnh chỉ giúp ngũ quan tôi thêm minh mẫn - chứ không bị huỷ hoại - ù lì chút nào. Nhất là thính giác thì vô cùng nhạy bén. Tôi nghe được mọi thứ từ trên trời cao lẫn dưới đất sâu. Tôi nghe được mọi thứ dưới địa ngục. Đã thế thì sao tôi lại điên được ? Hãy lắng nghe nhé! Bạn sẽ thấy tôi có thể kể lại đầu đuôi câu chuyện ấy tỉnh táo và rành mạch đến chừng nào.

    Thật chẳng tài nào nói cái ý định ấy ban đầu nhen nhúm trong tôi như thế nào. Đến khi nhận biết được thì nó cứ ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi chẳng có động cơ nào và cũng chẳng bởi đam mê nào. Tôi thích lão già ấy. Lão chưa làm mếch lòng tôi, chưa lần nào xúc phạm đến tôi, vàng bạc của lão thì tôi chẳng thiết. Theo tôi, mọi chuyện là tại ánh mắt của lão. Rõ là thế rồi! Lão có ánh mắt của loài kền kền. Thứ ánh mắt màu xanh nhợt nhạt phủ màu trắng đùng đục. Bất cứ lúc nào cảm thấy ánh mắt ấy xói vào là máu tôi đông cứng lại. Từng chút một, cứ dần dà từng ngày,  tôi đi đến quyết định lấy mạng lão để mãi mãi thoát khỏi ánh mắt ấy.

    Và đây mới là điểm mấu chốt. Bạn cho là tôi điên. Lũ điên  thì có biết gì đâu. Nếu được chứng kiến lúc đó bạn sẽ thấy tôi khôn ngoan biết bao khi tiến hành công việc - vô cùng thận trọng, tiên liệu đủ hết mọi tình huống và cẩn mật kín đáo thì khỏi phải nói rồi! Tôi cư xử tử tế hết mức suốt một tuần lễ trước khi giết lão. Cứ mỗi rối, vào khoảng nửa đêm, tôi mở chốt phòng lão và mở ra . Ấy, vô cùng nhẹ nhàng nhé! Khi hé ra vừa đủ, tôi đưa chiếc đèn lồng được bưng bít kín kẽ vào trước, hoàn toàn bịt  kín để ánh sáng không lọt ra, sau đó tôi chui đầu vào. Ồ, có lẽ bạn sẽ bật  cười nếu bạn thấy tôi thò đầu vào khéo léo đến như thế nào! Chui từ từ, thật chậm, rất chậm để khỏi kinh động đến giấc ngủ của lão. Mất nguyên cả giờ đồng hồ mới đưa được trọn cái đầu vào trong khe cửa, đủ rộng để có thể nhìn thấy lão nằm trên giường. Ha ha! Liệu một người điên có thể khôn ngoan như thế không? Và khi cái đầu đã yên vị, tôi cẩn thận tháo đèn lồng ra. Ồ, cẩn thận, rất cẩn thận vì lề cửa có thể rít lên lắm chứ! Tôi tháo bọc đèn vừa đủ cho một tia sáng thật mỏng rọi vào đúng đôi mắt kền kền ấy. Suốt bảy đêm liền, đêm nào tôi cũng làm như vậy, đúng vào nửa đêm. Nhưng lần nào đôi mắt lão cũng nhắm nghiền cả. Thế thì làm sao hạ thủ được? Vì chẳng phải là lão mà chỉ đôi mắt của lão mới trêu ngươi tôi cơ mà!

     Và cứ thế mỗi ngày , khi vừa rạng sáng tôi lại phải liều lĩnh bước vào phòng lão, can đảm nói chuyện với lão, thân mật gọi tên cúng cơm của lão, hỏi lão đêm qua ngủ có ngon giấc không… Thế đấy, bạn thấy rõ là lão không thể nào đủ thông minh để có thể đoán được hằng đêm, đúng mười hai giờ, tôi lại đứng ngắm lão ngủ!

    Vào đêm thứ tám, tôi mở cửa phòng lão cẩn thận hơn mọi lần, bàn tay chuyển động còn chậm hơn kim phút đồng hồ. Hơn lúc nào hết, tôi nhận rõ sức mạnh và sự minh mẫn của mình. Khó mà kìm được một cảm giác chiến thắng dâng lên trong lòng khi nghĩ rằng mình đang đứng đó, mở nhẹ cánh cửa, từng chút, từng chút, từng chút một, còn lão thì cho dù có nằm mơ cũng không thể biết được việc làm và ý nghĩ bí mật của tôi. Thú vị với ý nghĩ đó, tôi buộc miệng cười khẽ một tiếng. Hình như lão có nghe thấy bởi lão đột ngột cử động như thể bị giật mình. Bây giờ bạn có nghĩ là tôi sẽ lùi bước ? Không đâu! Căn phòng tối đen như mực, các cửa lá sách đều được đóng kín vì sợ trộm. Tôi biết là lão không thể thấy cánh cửa đang mở nếu cứ đẩy tới từ từ, từ từ…

     Đưa đầu vào xong, tôi định tháo đèn lồng ra thì ngón cái của tôi khẽ trượt trên miếng che thiếc. Lão già vùng dậy trên giường, hét lên: Ai đó?

    Tôi đứng bất động, không nói gì. Cả tiếng đồng hồ tôi không nhúc nhích, cố nghe ngóng động tĩnh. Lão vẫn không nằm xuống lại, ngồi im trên giường nghe ngóng - như tôi vẫn làm đêm này qua đêm khác. Lão nghe thần chết mò về trên vách!

       Chẳng bao lâu sau tôi nghe có tiếng rên khẽ . Tôi biết đó là tiếng rên của nỗi khiếp sợ tột độ. Đó không phải là tiếng than vãn của đau đớn hay buồn khổ. Ồ, hoàn toàn không phải thế! Đó là âm trầm run rẩy phát xuất tận đáy lòng người đang bàng hoàng tê dại. Tôi biết rõ cái tiếng ấy. Nhiều đêm đúng nửa khuya, khi cả thế gian đã ngủ kỹ, cái tiếng ấy chợt vọt lên trong lồng ngực tôi, trong tận cùng sâu thẳm, cái tiếng ấy vang vọng khủng khiếp và nỗi sợ hãi đày đoạ, dày vò tôi. Tôi bảo là tôi hiểu rõ lắm mà, tôi hiểu những gì lão đang cảm thấy thương hại lão, mặc dù thực ra tôi cũng thấy buồn cười thực. Tôi biết lão vẫn đã tỉnh táo từ khi nghe tiếng động nhẹ ấy, từ khi trở mình trên giường. Nỗi sợ hãi của lão cứ tăng dần lên mãi. Lão cố nghĩ mình nghe nhầm nhưng không được. Lão tự nhủ rằng: Đấy chỉ là tiếng gió lùa qua ống khói, tiếng chuột chạy trên sàn nhà hay là tiếng dế kêu. Lão tự trấn an bằng mọi cách, nhưng tất cả chỉ công cốc. Tất cả đều vô ích vì bóng đen của thần chết đang từ từ xê dịch tới trước mắt lão, đang chuẩn bị chụp lấy nạn nhân. Chính cái ấn tượng đầy tang tóc về cái bóng ngoài sức lĩnh hội ấy đã khiến lão cảm nhận được - dù chẳng thấy chẳng nghe - sự hiện diện của cái đầu tôi bên trong căn phòng.

     Sau khi tôi đã đợi đã khá lâu, rất kiên nhẫn, không nghe tiếng lão nằm xuống, tôi quyết định hé mở chiếc đèn lồng chút xíu, thật nhỏ, cực nhỏ.

      Thế là tôi đã mở ra - bạn không thể tưởng tượng nổi tôi đã cẩn thận đến chừng nào - một tia sáng tù mù, nhỏ nhoi hệt  như tơ nhện chiếu ra từ cái khe đúng ngay con mắt kền kền ấy!

      Con mắt mở lớn, mở to thao láo, và khi nhìn vào nó tôi điên tiết. Tôi đã thấy rõ nó với đầy đủ các đặc điểm - toàn một màu xanh xỉn với một lớp màng đục đục tởm lợm. Tất cả cứ khiến tôi lạnh rủn đến tận xương tuỷ. Tôi không thể thấy bộ mặt và hình dáng đúng ngay cái chỗ đáng nguyền rủa ấy.

      Có phải tôi đã nói rằng bạn sẽ lầm khi cho là tôi điên ? Ấy chỉ là sự mẫn cảm ! Và đây, lúc này, tôi nghe thấy một âm thanh trầm đục, nhanh như tiếng tích tắc của một chiếc đồng hồ được bọc kín trong bông. Tôi chẳng lạ gì âm thanh này. Đó là tiếng đập của trái tim lão. Nó càng khiến tôi thêm phẫn nộ, nghe như tiếng trống thúc quân ra trận vậy!

     Nhưng ngay cả khi ấy, tôi vẫn ghìm lại và đứng yên như phỗng. Tôi gần như nín thở. Tôi giữ yên chiếc đèn, cố gắng giữ tia sáng tiếp tục chiếu thẳng vào con mắt lão. Tiếng trống thúc quân mỗi lúc càng giục giã vang to hơn. Nỗi sợ hãi trong lão đã lên đến cực độ, tiếng tim đập càng lúc càng lớn! Bạn có hiểu tôi rõ không? Tôi đã nói với bạn tôi bị kích động, đúng thế đấy! Và lúc ấy, trong đêm đen, giữa cái giờ chết chóc cùng nỗi im lặng rợn người của ngôi nhà cổ kính, cái âm thanh quá đỗi kỳ dị ấy đã kích thích trong tôi một nỗi sợ hãi không thể kìm chế được. Nhưng tôi vẫn chần chừ bất động thêm vài phút nữa. Tiếng đập lại to hơn, to hơn nữa. Tôi nghĩ trái tim ấy có lẽ phải vỡ ra mất. Và bây giờ một nỗi lo sợ mới lại đến trong tôi - hàng xóm cũng có thể nghe tiếng đập này.

    Giờ của lão đã đến rồi! Với một tiếng hét lớn, tôi mở toang chiếc đèn lồng, nhảy xổ vào phòng. Lão chỉ kịp thét lên một lần, chỉ một lần. Trong chớp mắt, tôi lôi tuột lão xuống sàn, đè ập chiếc giường nặng lên người lão. Tôi cười thoả mãn khi thấy công việc đã được thực hiện dễ dàng, suôn sẻ. Tuy nhiên, vài phút sau, trái tim lão vẫn tiếp tục ấm ức đập. Nhưng việc ấy chẳng đáng để tôi bận tâm vì nó không vang nổi ra ngoài phòng. Cuối cùng nó cũng ngưng bặt. Lão già đã chết. Tôi nhấc  cái giường lên xem thi thể. Lão chết ngắc rồi. Tôi đặt tay lên ngực lão một lúc. Chẳng còn tiếng đập nào nữa. Lão đã chết cứng rồi. Con mắt của lão chắc chắn không còn làm phiền tôi được nữa.

     Và bây giờ đây, bạn vẫn cho rằng tôi điên thì bạn sẽ không nghĩ như thế khi tôi thuật lại sự khôn ngoan thận trọng của mình trong việc chôn giấu tử thi. Đêm gần tàn, tôi hành động vội vã nhưng hoàn toàn yên lặng. Trước tiên tôi chặt nhỏ tử thi, cắt rời đầu và chân tay. Cạy ba miếng ván sàn, tôi nhét cái xác vào những khoảng trống rồi gắn lại, gắn khéo đến nổi không cặp mắt nào - kể cả mắt lão - có thể khám phá được điều gì. Chẳng có gì phải lau chùi cả. Không một dấu vết nhỏ, không một giọt máu nào vương vãi. Tôi hết sức thận trọng đề phòng việc đấy. Một cái chậu đã hứng trọn cả rồi. Ha, ha, ha…

     Khi tôi hoàn tất công việc thì đã bốn giờ sáng, trời vẫn còn tối mịt. Bỗng có tiếng gõ cửa dưới nhà đúng lúc chuông đồng hồ đổ giờ. Tôi bước xuống mở cửa, lòng nhẹ nhõm. Bây giờ còn việc gì phải sợ nữa chứ? Ba người bước vào nhà. Họ tự giới thiệu là nhân viên an ninh. Một người hàng xóm nghe tiếng la thất thanh trong đêm, sự việc ấy dẫn đến nghi vấn, cơ quan an ninh được báo tin, cử họ đến kiểm tra sơ bộ.

     Tôi mỉm cười - có việc gì phải sợ nhỉ? Tôi mời họ vào nhà và giải thích rằng tiếng la ấy chính là của tôi trong cơn mộng mị, mê sảng. Tôi cũng cho họ biết lão già đã về quê có việc. Tôi đưa những vị khách đi khắp nhà, tôi mời họ khám xét thật kỹ lưỡng. Cuối cùng tôi đưa họ va phòng lão già. Tôi chỉ cho họ thấy của cải của lão vẫn an toàn, chưa động đậy gì. Quá vui với lòng tự tin, tôi mang ghế vào căn phòng ấy, mời họ ngồi ngay tại đó giải lao một chút. Với sự liều lĩnh của một kẻ chiến thắng, tôi đặt ghế của mình ngồi ngay trên đầu tử thi.

     Các nhân viên an ninh tỏ vẻ hài lòng. Thái độ của tôi đã thuyết phục được họ. Tôi rất thoải mái tự nhiên. Họ ngồi đó và khi tôi vui vẻ trả lời, họ cũng đáp lại bằng những mẩu chuyện vui vớ vẩn. Nhưng dần dà tôi thấy người cứ tái đi và chỉ mong họ ra về. Đầu nhức buốt, tôi nghe như có tiếng chuông reo bên tai. Nhưng họ vẫn ngồi, vẫn trò chuyện bâng quơ. Tiếng ù ù trong tai tôi trở nên nghe rõ hơn. Tôi cố nói cười tự nhiên để xua đuổi cảm giác ấy. Nhưng nó vẫn tiếp tục và lại càng rõ hơn.

     Cuối cùng, tôi chợt nhận ra âm thanh ấy không phải ở trong tai tôi.

    Không nghi ngờ gì nữa, tôi tái mặt đi, nhưng vẫn cố nói năng lưu loát hơn, mạnh dạn hơn. Âm thanh kia vẫn gia tăng, tôi phải làm gì bây giờ đây? Đó là âm thanh trầm đục, nhanh gọn, rất giống với tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ được bọc trong bông! Tôi thở hổn hển nhưng họ vẫn chưa nghe thấy những tiếng đập ấy. Tôi nói nhanh hơn, hùng hồn hơn, cố át đi. Nhưng âm thanh ấy vẫn tăng dần. Tôi đứng lên, tiếp tục bàn về vấn đề cướp bóc với giọng sang sảng, điệu bộ mạnh mẽ. Nhưng tiếng đập vẫn cứ to thêm. Tại sao họ không về cho rồi nhỉ? Tôi đi đi lại lại trên sàn nhà, bước chân nặng thịch như bị kích động giận dữ trước sự quan sát của họ. Nhưng tiếng đập vẫn cứ tăng đều. Ôi, Thượng đế ơi! Tôi có thể làm gì đây? Tôi nói đến sùi bọt mép. Tôi nổi cáu, tôi nguyền rủa. Tôi day lắc chiếc ghế ngồi, tôi chà mạnh chân lên sàn nhà. Nhưng âm thanh ấy vẫn nổi lên trên và tiếp tục tăng đều. Nghe lớn thêm, lớn thêm, lớn thêm! Ba nhân viên an ninh vẫn trò chuyện vui vẻ và cười nói nữa chứ! Có thể nào họ không nghe thấy? Lạy Chúa! Không, không thể thế được! Họ nghe cả rồi! Họ nghi ngờ! Họ biết hết rồi! Họ cố tình đùa cợt trên nỗi thống khổ của tôi! Tôi đã nghĩ đến điều ấy.

     Tôi biết rõ điều ấy lắm! Không còn gì tệ hại hơn nỗi đau khổ này! Không thể khoan dung cho sự nhạo báng này được! Tôi không chịu nổi những nụ cười giả dối ấy nữa! Hoặc tôi phải thét lên hoặc chết đi thôi!

     Và bây giờ - một lần nữa! Hãy nghe đây! Nó vang! Vang! Vang! Vang!

     - Đồ đểu! Tôi hét lên. Đừng giả vờ nữa! Tôi nhận tội đây! Gỡ ván sàn lên! Đây, đây này! Trái tim tởm lợm ấy vẫn còn đập đấy.

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( tháng 10 / 2023 )

Nguồn:

https://americanliterature.com/author/edgar-allan-poe/short-story/the-tell-tale-heart