Friday, October 13, 2023

3066. "CHÚT TÌNH ĐỌNG LẠI" TẬP THƠ-TRANH-NHẠC - GIAO CẢM CỦA 6 TÁC GIẢ

Một tác phẩm nghệ thuật có thể được xem như “một cây cầu bắt qua sông Drina” cho những tâm hồn bị chia cắt. Chia cắt vì địa dư, vì tôn giáo, vì chính trị, vì chủng tộc, vì chiến tranh, vì tâm thức, v.v. Tác phẩm này, trước hết, nó đã làm nên một cây cầu như vậy cho những con người đã cùng nhau làm nên nó. Ước mong, nó sẽ luôn là “chiếc cầu bắt qua sông Drina” cho mọi con người có dịp nhìn đến nó, nghe nó, đọc nó.

Nói khác đi, mong rằng, “Chút Tình Đọng Lại” sẽ là một bản giao hưởng cho mọi niềm đam mê khác nhau.

Virginia, tháng 8 năm 2023

Trương Vũ


Xin ghi chút tình đọng lại, (trích)

Cái gặp nhau chính là hoài niệm. Những cơn mưa Thu ở Virginia không làm Trương Vũ quên được mưa ở Nha Trang, thả bộ bên dòng Potomac gọi tưởng cho Phạm Cao Hoàng ven hồ Xuân Hương Đà Lạt, Đoàn Văn Khánh khao khát cho lần trở lại Ban Mê và đau đáu trong lòng Nguyễn Minh Nữu ngát thơm ký ức. Những lời thơ đó đã được Nguyễn Quyết Thắng cùng rung với thơ để viết thành các ca khúc và đã được hết lên đính kèm trong tập sách này. Xin khởi đầu bằng bức tranh Ký Ức Xanh làm bìa, để chúng ta cùng nhau trong tay ghi lại "Chút Tình Đọng Lại"

Nguyễn Minh Nữu

*

Năm. Mười. Mười lăm. Hai mươi…
Một cuộc trốn tìm đặc biệt.
Các bạn hãy cùng bước vào trò chơi...
Không chỉ với sách, mà có thể chỉ với 1 smart phone...

Mười lăm bài thơ đầy hoài niệm trong trẻo thiết tha của Đoàn Văn Khánh, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu. Mười lăm ca khúc tri âm tri kỷ tìm nhau của Nguyễn Quyết Thắng. Mười sáu bức tranh đủ sắc màu cung bậc của hoạ sĩ Trương Vũ. Một sự cộng hưởng, hoà quyện thú vị giữa các cung bậc của giác quan. Không thể nghe nhạc một lần. Không thể ngắm tranh một thoáng. Ngôn ngữ thi ca tuy đóng vai trò chính trong việc giải mã, nâng đỡ cảm xúc của người thưởng ngoạn, song khi nghe những giai điệu quấn quýt réo rắt, nhặt khoan trầm bổng của người nhạc sĩ kiêm ca sĩ tài hoa Nguyễn Quyết Thắng cùng chị Minh Chiến thổi hồn mình qua từng thi phẩm của ba tác giả, dù hân hoan bay bổng trìu mến hay bùi ngùi thổn thức đều bất chợt làm trí tưởng tượng của tôi được mở thêm nhiều cánh cửa mộng mơ, suy tưởng khác…

Chủ đề có lẽ đã hiện lên khá rõ qua bức tranh được chọn làm bìa 1: "Ký ức xanh". Những ký ức một thời thanh xuân hoa mộng? Những cảm xúc hồn nhiên trong trẻo đầy sôi nổi lạc quan? Tôi đã tự hỏi nhiều lần tìm kiếm thông điệp của nó. Và thử tự cảm, tự đọc theo cách hiểu hạn hẹp của mình. Không phải một background thê lương đen tối. Gam màu chủ đạo là dark blue và light blue. Màu của sự tin tưởng, thông tuệ, điềm đạm và thanh tĩnh. Màu của vẻ đẹp tinh thần, trong sáng, dịu dàng. Những vệt yellow rực rỡ, dứt khoát, đầy lạc quan. Những quầng green và dark green cũng xen kẽ đậm nhạt như khát vọng đam mê cái mới và sáng tạo. Màu đỏ của lửa hay máu tuy có được điểm xuyết nhưng còn xuất hiện ít nhiều rời rạc không đủ thay đổi sắc màu tươi mát của "Ký ức xanh"… Tất nhiên cũng không thể tránh những bóng ma u ám xẫm đen như hiện thực nghiệt ngã vắt ngang ký ức xanh trong trẻo tươi đẹp này. Hiện thực vẫn là hiện thực, nhưng họ đã chế ngự nó, làm chủ nó bằng tâm hồn trong veo thánh thiện nồng nàn của buổi vừa bước vào tuổi biết buồn.

Thời gian tuy không được nêu ra cụ thể ngày tháng năm có thể đo đếm song có hai mốc: “ngày xưa” và “hôm nay”- cái “hôm nay” trong tâm thế ngắm nhìn, nhớ tưởng về ‘ngày xưa” ấy như hai chiều kích lặp đi lặp lại của những cung bậc nhớ thương. Đúng vậy. Chỉ Nhớ. Và Thương. Và Yêu dấu. Và Tự hào.

Ngược lại, không gian trong 15 bài thơ, 15 ca khúc lại được gọi ra một cách cụ thể những tên đất tên làng, tên phố, tên bang từ Ban Mê của Đoàn Văn Khánh, Tuy Hoà, Virginia, Scibibia vùng rừng phong Đông Bắc Hoa Kỳ của Phạm Cao Hoàng hay mơ hồ mênh mang hơn một không gian trong tâm tưởng: một góc phố ngát thơm chiều xuống thấp của Nguyễn Minh Nữu. Ký ức đã xa xăm nhưng sao cứ mồn một hiện về trong từng cái tên, vang lên như cả phần hồn họ đã gửi trọn nỗi nhớ thương khôn dứt… Hình ảnh xúc động nhất hiện ra đầu tiên và cuối cùng đọng lại trong không gian địa lý hay tâm tưởng ấy là hình bóng ngôi trường làng xưa, khép nép hiền hoà dưới tán bàng, hay bên hàng phượng thắm yên ả của Tuy Hoà mặn mòi nắng gió, hay Sài Gòn trăm nẻo khiến người đi ước gì tìm được lối quay về , hay Ban Mê liêu trai cái hẹn đầu cơn mưa làm tan vỡ tim non… Ba tác giả ở ba phương trời vời vợi, không hẹn mà sao hồn thơ của họ lại rung lên cùng một nốt nhạc diệu kỳ: ngôi trường tuổi nhỏ - không gian vô cùng đặc trưng cho thời mới lớn. Và tất nhiên, nằm trong phạm trù trường nghĩa trường xưa, suy cảm của người đọc ắt không khỏi không đi theo trường liên tưởng định vị: thầy cô xưa, bằng hữu xưa, người yêu xưa, ấu thơ xưa, quê nhà xưa… Và tất nhiên, đó chính là đoạn đời hồn nhiên nhất, tinh nghịch nhất, lầm lỡ nhất mà cũng thành thực đáng yêu nhất…

Cả tập thơ-nhạc-tranh "Chút tình đọng lại" này cứ thế mà lung linh từng cung bậc khác nhau của nỗi nhớ thuơng dịu dàng êm ái huyễn mộng này.

Từ thơ Phạm Cao Hoàng, Đoàn Văn Khánh, và Nguyễn Minh Nữu, kẻ ngoại đạo là tôi đã men theo từng sắc màu, từng đường nét thăng hoa cảm xúc trong tranh Trương Vũ và đắm hồn cùng từng giai điệu trong trẻo, réo rắt bay bổng trong âm nhạc Nguyễn Quyết Thắng. Một cuộc chơi chưa từng thử thách nào như thử thách này, nhưng thú vị. Bởi khi đi tìm thế giới của các anh, tôi cũng bắt gặp thế giới đam mê của chính hồn tôi đang ngân lên hoà điệu cùng từng lời ca tiếng hát dặt dìu rộn rã hay mơ màng ấy, và rồi, cũng lật tung bao nhiêu ký ức để cùng cảm, cùng yêu và cùng sống lại lần nữa những rung động thật đẹp từng có trong đời.

Năm.
Mười.
Mười lăm.
Hai mươi.

Cuộc trốn tìm sẽ không có kết thúc, bởi mỗi chúng ta khi viết những “lời ghi trên đá-chữ-thơ-nhạc-hoạ” này để ghi dấu một tình bạn bất biến, đồng thời cũng chính là đang ghi dấu sự hiện hữu của chính mình trong cõi ta bà mênh mông này, mải miết trốn tìm cái Hư -Vô, cái nothingness của chính mình…

Để làm gì?
Để gió cuốn đi…
Cảm ơn "Chút tình đọng lại".
Cảm ơn cuộc trốn tìm tháng bảy.


Thị Nghè
30.7.2023


Hoàng Kim Oanh