Monday, November 27, 2023

3127. Truyện ngắn VLADIMIR NABOKOV (1899 – 1977) Nhà Văn Nga NGU YÊN dịch và giới thiệu

Vladimir Nabokov (1899-1977)


Vladimir Vladimirovich Nabokov (22 tháng 4 năm 1899 – 2 tháng 7 năm 1977) là một tiểu thuyết gia, nhà phê bình và nhà dịch tễ học người Mỹ gốc Nga. Ông viết tác phẩm văn học đầu tiên bằng tiếng Nga dưới bút danh Sirin, nhưng đã vươn lên tầm quốc tế Sirin nổi bật như một nhà tạo mẫu văn xuôi tiếng Anh bậc thầy.

Các tác phẩm tiếng Anh nổi tiếng nhất của Nabokov bao gồm Lolita (1955), một cuốn tiểu thuyết khét tiếng, bất chấp ranh giới kể về mối tình của một người đàn ông trung niên với một cô bé 12 tuổi, và Pale Fire (1962) có cấu trúc độc đáo. Tiểu thuyết, thơ ca và phê bình của Nabokov được đáng giá bằng cách chơi chữ thông minh, chi tiết mô tả, cách chơi chữ đa ngôn ngữ, phép đảo chữ và cách ghép các thuật ngữ. Là một tiểu thuyết gia uyên bác đáng kể, Nabokov đã kết hợp châm biếm và bình luận xã hội với những khám phá phức tạp về thời gian và ký ức.

Tiểu thuyết của Nabokov thể hiện sự đoạn tuyệt rõ ràng với các giá trị xã hội và vị lợi đặc trưng cho văn học Nga thế kỷ 19, và đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 20. Nabokov chấp nhận một quan điểm ngày càng trở nên phổ biến trong nghệ thuật và tiểu thuyết thế kỷ 20, đó là bản chất tự quy chiếu của văn bản văn học, "sự trích xuất hiện thực cá nhân" của nó và vai trò hợp tác vốn có của người đọc. Viết trong Các bài giảng về Văn học, Nabokov nói rằng "người đọc giỏi là người có trí tưởng tượng, trí nhớ, từ điển và một số cảm quan nghệ thuật—ý thức mà tôi đề nghị phát triển ở bản thân và ở những người khác bất cứ khi nào tôi có cơ hội."

Nabokov xây dựng tiểu thuyết như câu đố. Ngọn lửa nhạt của anh ấy đã được nhà phê bình Mary McCarthy mô tả là "một món đồ chơi đồng hồ, một cái bẫy để bắt những người đánh giá, một trò chơi mèo vờn chuột, một cuốn tiểu thuyết tự phát triển." Giống như những người theo chủ nghĩa hiện đại khác, Nabokov xem xét cuộc sống đương đại mà ít đề cập đến truyền thống hay khuôn khổ đạo đức thông thường, tin rằng văn học không có mục đích giáo dục hay đạo đức, mặc dù sự nghiêm ngặt của công việc văn học có thể cải thiện tâm trí. "Những cuốn sách của tôi," ông viết một cách đầy khiêu khích trong lời tựa cuốn The Eye, "được ban phước bởi hoàn toàn không có ý nghĩa xã hội."

(Trích New World Encyclopedia.)

Truyện Ngắn

BIỂU TƯỢNG VÀ DẤU HIỆU

Symbols and Signs

Bản Anh ngữ: The New Yorker.

Lần thứ tư trong vòng nhiều năm, họ phải đối mặt với vấn đề nên tặng quà sinh nhật cho người đàn ông trẻ, mắc chứng loạn thần kinh nặng nề. Không còn biết ước muốn thứ gì. Những đồ vật do con người làm ra đối với anh ta: hoặc là những bầy ma quỉ lúc nhúc, náo nhiệt làm chuyện ác, mà chỉ có anh mới có thể cảm nhận, hoặc những tiện nghi thô thiển không thể tìm thấy trong thế giới trừu tượng của anh. Sau khi loại bỏ một số đồ vật có thể gây bực bội hoặc khiến anh ta sợ hãi (ví dụ, bất cứ thứ gì trong loại đồ dùng đều bị cấm), cha mẹ anh đã chọn một món đồ trang nhã và ngây thơ, một cái giỏ chứa mười loại thạch trái cây đông khác nhau đựng trong mười chiếc lọ nhỏ.

Vào thời điểm anh sinh ra, họ đã kết hôn từ lâu; một số năm trôi qua, và bây giờ đã khá xưa cũ. Mái tóc hoa râm của bà ấy được búi lên một cách bất cẩn. Mặc những chiếc áo đầm đen rẻ tiền. Không giống như những phụ nữ cùng tuổi khác (chẳng hạn như bà Sol, người hàng xóm kế bên, có khuôn mặt toàn màu hồng và màu hoa cà với phấn son và đội mũ có chùm hoa bên cạnh), bà có bộ mặt trắng nõn trước ánh sáng lỗi lầm của mùa xuân. Người chồng đã từng là một doanh nhân khá thành đạt ở dưới quê, giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào em trai Isaac, một người Mỹ chính cống, gần bốn mươi tuổi, ở New York. Họ hiếm khi nhìn thấy Isaac và đã đặt biệt danh cho anh ta là Hoàng tử.

Thứ sáu đó, ngày sinh nhật của con trai họ, mọi thứ diễn ra không như ý muốn. Đoàn tàu điện ngầm bị mất điện giữa hai ga, trong 15 phút đó, không nghe thấy gì, ngoài tiếng tim đập dồn dập và tiếng tờ báo sột soạt. Chuyến xe buýt tiếp theo  đến muộn, khiến họ phải đợi rất lâu ở một góc phố, khi xe đến, chật ních, đông đúc những học sinh trung học. Trời bắt đầu đổ mưa khi họ đi trên lối đường nâu dẫn đến khu điều dưỡng. Ở đó, một lần nữa, phải chờ đợi, thay vì, như thường lệ, thấy cậu con trai lê la bước vào phòng (khuôn mặt kém sắc ủ rũ, bối rối, cạo râu và đầy mụn), cuối cùng một y tá mà họ biết và không mấy quan tâm đã xuất hiện. Giải thích rõ ràng, con trai của họ một lần nữa đã cố gắng tự tử. Cô nói,  anh ấy đã ổn định tinh thần, nhưng chuyến thăm viếng của cha mẹ có thể gây thêm phiền toái. Nơi này thiếu nhân viên một cách thảm hại, và mọi thứ trở nên sai lệch hoặc lẫn lộn rất dễ dàng, đến nỗi họ quyết định không để lại quà  trong văn phòng mà sẽ mang đến cho con vào lần đi thăm tới.

Bên ngoài tòa nhà, bà đợi chồng mở dù che rồi khoác tay ông. Ông liên tục tằng hắng giọng, như thường làm mỗi khi khó chịu. Họ đến bến xe buýt ở phía bên kia đường và ông đóng dù lại. Cách đó vài bước chân, dưới gốc cây đong đưa nước đọng nhỏ giọt, một con chim nhỏ  còn non nớt đang quẫy đạp, tuyệt vọng trong vũng nước.

Trong suốt chuyến đi dài đến ga tàu điện ngầm, bà và chồng không nói với nhau một lời nào, mỗi lần bà liếc nhìn đôi bàn tay già nua của ông đang nắm chặt và giật giật trên cán dù, nhìn những đường gân nổi,  làn da đầy đốm nâu, bà cảm thấy áp lực mỗi lúc càng lớn của những giọt nước mắt. Khi nhìn quanh, cố gắng tập trung tâm trí vào một thứ gì đó, khiến bà  cảm thấy bị sốc nhẹ, pha trộn giữa cảm động và ngạc nhiên, khi nhận thấy một trong những hành khách,  cô gái có mái tóc đậm và móng chân đỏ dơ dáy,  đang khóc trên vai người phụ nữ lớn tuổi. Người phụ nữ này giống ai? Bà ta giống Rebecca Borisovna, có con gái kết hôn với một trong những người thuộc dòng tộc Soloveichik, ở Minsk, nhiều năm trước.

Lần cuối cùng cậu trẻ cố gắng làm điều đó, phương pháp của anh, theo cách nói của bác sĩ, là một kiệt tác của sự sáng tạo; anh ta sẽ thành công nếu không có một bệnh nhân ghen tị nghĩ rằng anh ta đang học bay và ngăn anh ta lại đúng lúc. Điều anh thực sự muốn làm là khoét một lỗ trong thế giới của mình và tẩu thoát.

Hệ thống những ảo tưởng của anh là chủ đề các bài viết công phu trên tạp chí khoa học hàng tháng, bác sĩ ở viện điều dưỡng đã đưa cho họ đọc. Nhưng trước đó rất lâu, bà và chồng đã tự mình tìm ra câu trả lời. “Cuồng tham chiếu,” bài báo đã gọi nó như vậy. Trong những trường hợp rất hiếm này, bệnh nhân tưởng tượng, mọi thứ xảy ra xung quanh đều ám chỉ đến bản sắc và sự tồn tại của mình. Anh ta loại trừ những người thật ra khỏi âm mưu, bởi vì anh cho rằng mình thông minh hơn rất nhiều so với những người khác.

Bản chất phi thường che bóng tối trên bước đi bất cứ nơi nào anh đến. Những đám mây trên bầu trời đầy sao truyền cho nhau những thông tin cực kỳ chi tiết về anh, bằng các dấu hiệu chậm chạp. Những suy nghĩ sâu thẳm nhất của anh được thảo luận khi màn đêm buông xuống, bằng bảng chữ cái thủ công, bằng những cây càng cử động trong tối tăm. Những viên sỏi, vết bẩn hoặc vệt nắng tạo thành những mẫu đại diện, theo một cách khủng khiếp nào đó, những thông điệp mà anh phải đón chận. Tất cả mọi thứ là mật mã và tất cả mọi thứ đều trở thành chủ đề về anh.

Xung quanh anh, có gián điệp. Một số trong các điệp viên là những người quan sát tách biệt, giống như mặt kính thủy tinh và mặt hồ nước tĩnh lặng; những người khác, chẳng hạn như áo khoác trong cửa trưng của gian hàng, là những nhân chứng có thành kiến, những kẻ hành quyết trong thâm tâm; Những người khác, một lần nữa (nước chảy, bão mưa), cuồng loạn đến mức điên tiết, đã có quan điểm sai lệch và hiểu sai hành động của anh một cách kỳ cục. Anh phải luôn cảnh giác và cống hiến từng phút từng giây trong đời cho việc giải mã sự chuyển động của sự vật.

Chính không khí anh thở đã được thành lập danh mục và lưu trữ. Giá như sự ảnh hưởng gây ra chỉ giới hạn trong môi trường nhỏ xung quanh, nhưng, than ôi, không phải vậy! Với không gian và các việc bê bối gia tăng khối lượng, bay bổng. Bóng những huyết cầu của anh, phóng đại lên hàng triệu lần, lướt qua những vùng đồng bằng rộng lớn; xa hơn nữa, những ngọn núi vĩ đại với độ rắn chắc và chiều cao không thể tưởng tượng, tổng hợp lại, dưới dạng đá granit và linh sam rên rỉ, chân lý cuối cùng về con người anh ta.

Khi họ thoát ra khỏi sấm sét và không khí hôi hám của tàu điện ngầm, những gì còn lại trong ngày đã hòa lẫn với ánh đèn đường. Bà muốn mua ít cá về ăn tối, đưa cho ông gói quà những lọ thạch đông, bảo về trước. Ông quay lại ngôi nhà chung cư, đi lên tầng thứ ba, rồi nhớ ra, đã đưa chìa khóa cho bà vào đầu ngày.

Ông im lặng ngồi xuống bậc thềm và im lặng đứng dậy, khoảng mười phút sau, bà lê bước nặng nề lên cầu thang, mỉm cười yếu ớt và lắc đầu chê bai sự ngốc nghếch của cả hai. Họ bước vào căn hộ hai phòng, ông lập tức đi đến trước gương. Dùng ngón tay cái kéo khóe miệng ra, với vẻ mặt nhăn nhó kinh khủng, giống như mặt nạ, anh tháo ra hàm răng giả không hy vọng được thoải mái. Đọc tờ báo tiếng Nga trong khi bà dọn bàn. Vẫn đọc, ông ăn những thức ăn mềm nhẹ không cần đến răng. Bà biết tâm trạng ông nên im lặng.

Khi ông đi ngủ, bà vẫn ở trong phòng khách với bộ bài bẩn thỉu và những cuốn album ảnh cũ của mình. Bên kia khoảng sân hẹp, nơi tiếng mưa kêu lớp đớp trong bóng tối trên vài chiếc thùng tro, những cửa sổ vô tình hạ xuống. Nhìn qua một cửa sổ, thấy người đàn ông mặc quần đen, hai tay ôm đầu, khuỷu tay hất lên, có thể thấy anh đang nằm ngửa. trên một chiếc giường bừa bộn. Bà kéo rèm xuống và xem các bức ảnh. Khi còn bé, anh ấy trông ngạc nhiên hơn hầu hết những đứa trẻ khác. Bức ảnh chụp một cô hầu gái người Đức mà họ thuê ở Leipzig và vị hôn phu mặt mập của cô ta rơi ra khỏi nếp gấp của cuốn album.

Bà lật các trang: Minsk, Cách mạng, Leipzig, Berlin, lại Leipzig, mặt tiền một ngôi nhà xiêu vẹo, mất hết hình dạng. Đây là hình cậu con khi bốn tuổi, đang ở trong công viên, rụt rè, trán nhăn lại, nhìn đi chỗ khác trước một con sóc đang háo hức với cậu, và cũng sẽ làm như vậy với bất kỳ người lạ nào khác. Đây là dì Rosa, một bà già cáu kỉnh, sắc mắc, ánh mắt man dại, người đã sống trong một thế giới đầy rẫy những chuyện xui xẻo, phá sản, tai nạn tàu hỏa và khối u ung thư cho đến khi người Đức giết bà cùng với tất cả những người thân.

Hình cậu con, sáu tuổi – lúc đó, cậu vẽ những con chim tuyệt vời có tứ chi con người, và mắc chứng mất ngủ như một người lớn. Đây, người anh họ của cậu, bây giờ là người chơi cờ Vua nổi tiếng.

Lại hình cậu con, khoảng tám tuổi, vốn đã khó hiểu, cậu sợ tấm giấy dán tường trong hành lang, sợ một bức tranh nào đó trong một cuốn sách, dù chỉ thể hiện phong cảnh bình dị với những tảng đá trên sườn đồi và một bánh xe đẩy cũ kỹ treo trên cành cây trụi lá.

Đây là lúc cậu mười tuổi - năm họ rời châu Âu. Bà nhớ lại nỗi xấu hổ, sự thương hại, những khó khăn nhục nhã trong cuộc hành trình và những đứa trẻ xấu xí, xấu xa, lạc hậu mà cậu đã học cùng trong trường đặc biệt nơi cậu được sắp xếp sau khi đến Mỹ. Rồi đến một thời điểm trong cuộc đời cậu, trùng hợp với đợt dưỡng bệnh lâu dài sau khi viêm phổi, khi những nỗi ám ảnh nhỏ nhoi đó, bị cha mẹ cố chấp coi như sự lập dị của đứa trẻ có năng khiếu phi thường, dường như đã kết tinh thành một mớ ảo ảnh hỗn độn làm rối loạn ý nghĩ, khiến tâm trí cậu hoàn toàn không thể trở lại bình thường.

Tất cả những điều này, và nhiều hơn nữa, bà đã chấp nhận, vì xét cho cùng, sống có nghĩa là chấp nhận mất hết niềm vui này đến niềm vui khác, thậm chí, trong trường hợp của bà, không phải là niềm vui, chỉ là những khả năng cải thiện. Bà nghĩ đến những đợt đau đớn lặp đi lặp lại, vì lý do này hay lý do khác,  vợ chồng bà đã phải chịu đựng; về những người khổng lồ vô hình làm tổn thương cậu con theo cách không thể tưởng tượng được; về vô số sự dịu dàng tồn tại trên thế giới, về việc nó bị lãng phí, bị nghiền nát hoặc biến thành điên rồ như thế nào, về những đứa trẻ bị bỏ rơi đang một mình ngâm trong góc bẩn thỉu, và về những đám cỏ dại đáng yêu không thể trốn thoát người nông dân.

Gần nửa đêm, từ phòng khách, nghe thấy tiếng chồng rên rỉ, và ngay sau đó ông loạng choạng bước vào, khoác bên ngoài chiếc áo ngủ cũ có cổ áo astrakhan mà ông rất thích hơn chiếc áo choàng tắm màu xanh lam đẹp.

"Anh không ngủ được!" Ông lớn tiếng.

"Sao không ngủ được?" Bà hỏi. "Cả ngày, anh đã rất mệt mỏi."

“Anh không ngủ được vì cảm thấy sắp chết,” vừa nói, vừa nằm xuống đi văng.

“Có phải dạ dày của anh không? Có muốn em  gọi  bác sĩ Solov không?

Anh ta phàn nàn, "Không bác sĩ, không có bác sĩ." "Đồ bác sĩ ma quỉ!" Chúng ta phải đứa con ra khỏi bệnh viện điều dưỡng ngay lập tức. Nếu không, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm ... Phải chịu trách nhiệm!” Ông lao mình vào tư thế ngồi, hai chân đặt trên sàn, tay nắm chặt đấm vào trán.

“Được rồi,” bà nói nhỏ nhẹ. “Chúng ta sẽ đưa con về nhà vào sáng mai.”

“Anh muốn uống trà,” chồng bà nói và đi vào phòng tắm.

Khó nhọc cúi người, bà nhặt một số quân bài và một hoặc hai bức ảnh bị rơi xuống sàn - quân cơ, quân chín bích, quân át bích, hình cô hầu gái Elsa và người yêu. Ông ta quay trở lại với tinh thần phấn chấn, nói lớn, “Anh đã nghĩ ra rồi. Chúng ta sẽ đưa cho con phòng ngủ. Ban đêm, anh và em sẽ thay nhau canh con và ngủ trên chiếc ghế dài này. Chúng ta sẽ gọi bác sĩ đến thăm bệnh ít nhất hai lần một tuần. Isaac nói gì cũng không thành vấn đề. Dù sao chú ấy cũng sẽ không có nhiều điều để nói, bởi vì rẻ tiền hơn.”

Điện thoại kêu vang vào giờ này, bất thường. Ông  đứng giữa phòng, dùng chân mò mẫm tìm một chiếc dép đã tuột ra, há hốc miệng, sún răng, nhìn vợ mình một cách trẻ con. Vì bà ấy biết nhiều tiếng Anh hơn nên thường bắt điện thoại.

"Tôi có thể nói chuyện với Charlie không?"  Giọng nói nhỏ buồn tẻ của một cô gái.

“Cô gọi số nào vậy? . . . Không. Có lẽ đã lầm số rồi.”

Bà nhẹ nhàng đặt ống nghe xuống và đưa tay lên tim. “Làm mất hồn.”

Ông cười khẽ thật nhanh và ngay lập tức tiếp tục cuộc độc thoại hào hứng của mình. Họ sẽ đón con ngay khi trời sáng. Để bảo vệ con, họ sẽ giữ tất cả các con dao trong ngăn kéo có khóa. Ngay cả khi tồi tệ nhất, đứa con cũng không gây nguy hiểm cho bất cứ ai.

Điện thoại reo lần thứ hai.

Vẫn giọng nói trẻ thơ không có âm sắc, đầy lo lắng hỏi Charlie.

“Cô lầm số rồi. Tôi giải thích cho cô biết những gì cô đang làm. Cô đã bấm chữ ‘o’ thay vì số ‘0’.” Bà lại cúp máy.

Họ ngồi xuống thưởng thức bữa tiệc trà lúc nửa đêm đầy bất ngờ. Ông nhấm nháp một cách ầm ĩ; mặt đỏ bừng; thỉnh thoảng lại nâng ly theo chuyển động vòng tròn để đường mau tan. Mạch máu ở một bên đầu hói nổi lên rõ ràng và những sợi râu bạc lộ ra trên cằm. Món quà sinh nhật đặt trên bàn. Trong khi bà rót cho ông một ly trà khác, ông đeo kính lên và thích thú xem xét lại những chiếc lọ nhỏ màu vàng, xanh lá cây và đỏ rực rỡ. Đôi môi ẩm ướt, vụng về của ông đánh vần những nhãn hiệu bắt mắt: trái mơ, nho, mận biển, quả mộc qua. Ông  đang ăn một quả táo nhỏ khi điện thoại lại reo lên.