Wednesday, December 13, 2023

3154. Hoàng Kim Oanh PHẠM CAO HOÀNG, HẠT BỤI MỘT TRỜI ĐÔNG BẮC NHỚ THƯƠNG

 

Hoàng Kim Oanh

PHẠM CAO HOÀNG, HẠT BỤI

MỘT TRỜI ĐÔNG BẮC NHỚ THƯƠNG

Phạm Cao Hoang - Vẽ bởi Nguyễn Sông Ba

Trong Chút tình đọng lại, người đọc người nghe sẽ bắt gặp chân dung Phạm Cao Hoàng qua năm thi phẩm được sáng tác rải rác trong 20 năm trở lại đây: Trở về mái trường xưa (1999), Khi dừng lại bên dòng Potomac (2005), Mây trắng (2009), Scibilia ngày cuối thu (2014) và Mai kia tôi là hạt bụi (2014). Minh họa cho năm ca khúc này là 5 bức tranh cũng đầy ấn tượng của anh Trương Vũ mà tôi đã vô cùng xúc động khi mày mò tìm ẩn số…

Cảm nhận đầu tiên: bài thơ nào cũng man mác buồn. Và buồn…

Không nẫu nuột đớn đau vật vã mà lặng lẽ thấm vào mọi miền phế phủ. Tâm thức lưu lạc và trở về cứ ngưng đọng trong từng bóng chữ. Đọc lời thơ, nghe những giai điệu khi dịu dàng khi nức nở vút lên cả một trời Đông Bắc mênh mang cứ trải khắp hồn, tôi lại nhớ ngôi nhà bên dòng suối một buổi sáng mùa thu anh Nữu đưa đến vội trong sắc lá thu đang trở vàng vùng mơ mộng Virginia. Rời Việt Nam 1999, nhà thơ Phạm Cao Hoàng đã đi qua bao nhiêu giằng xé của kẻ buộc phải từ bỏ nơi chốn quê nghèo mái tranh đồng ruộng đói nghèo lam lũ có mẹ có cha gắn bó máu thịt cùng những tình thân đùm bọc náu nương. Vẫn không thôi thương nhớ đêm sương cao nguyên Đà Lạt một thời ôm giấc mộng yêu đầu cùng Cúc Hoa. Cho dù anh chị “đã đi và đã đến”, đã  “bên nhau thủy tận sơn cùng”, đã cùng tìm thấy dòng sông bình yên cuối đời bên nhau nhưng sao chưa bao giờ hồn không khoắc khoải… Có nhiều khi Ta vẫn là Ta đó. Ta hôm nay bình yên thong dong đề huề hạnh phúc trọn đầy không cầu ước gì hơn nữa. Nhưng vẫn có một Ta nữa sao cứ chạnh lòng thương mãi một Ta những ngày xưa rất xưa. Trường xưa. Người xưa. Thơ ấu xưa. Xa quá rồi. Thất lạc thật rồi. Một quê nhà yêu dấu. Một gốc phượng già, một cây bàng xưa. Người về chẳng còn ai ngoài ký ức nức nở:

ai còn, ai đi, ai nhớ?
cuối trời hiu hắt mây bay. 
(Trở về mái trường xưa)

Lưu lạc đâu chỉ có nghĩa chỉ ở không gian vật lý rời xa nơi chốn cội nguồn. Lưu lạc ngay trong chính mình. Trong nỗi đau đớn, dằn vặt của con người trong quá trình kiếm tìm hạnh phúc, kiếm tìm ý nghĩa của tồn tại và cả những gì đã mất. Thơ Phạm Cao Hoàng mang đầy những vết thương lưu lạc ấy. Tự đối thoại xoáy sâu những chấn thương tâm hồn bởi cuộc phân ly quá lớn của đất nước, bứt anh ra khỏi ruộng, khỏi đồng, khỏi núi, khỏi sông biển quê hương nặng tình cha nghĩa mẹ không sao nguôi quên, không sao đồng hóa được với hoàn cảnh mới hiện tại mà anh không phải không yêu mến để cứ đau đáu tâm thức quay về ám ảnh một kiếp tha hương. Lưu lạc cả ngay trong vô thức trở về. Bởi phía chân trời cũ yêu dấu xưa nơi được thiết tha gọi bằng hai tiếng quê nhà, nay chỉ còn:

buồn hiu hắt thương về chốn cũ
phía chân trời đã mịt mù xa” 
(Khi dừng lại bên dòng Potomac

Thời gian. Tuổi tác. Giấc mơ tâm tưởng ngày một rời tầm tay. Tôi không sao không nghẹn thắt lòng khi đọc những dòng kết này trong thơ anh:

giọt sương đọng suốt mười lăm năm
ừ, khóc đi em cho đỡ buồn
quê hương còn đó nhưng xa lắm
và biết ngày về kịp nữa không
(Scibilia, ngày cuối thu)

Ừ. Khóc đi em. Khóc đi. Ngày về. Ngày về… Quê hương còn đó. Xa lắm. Xa lắm. Và… kịp nữa không? Nguyễn Quyết Thắng đã xoáy sâu vào tâm trạng này khiến người nghe không khỏi nức nở. Thêm một Quê hương tàn chinh chiến. Một Cuối năm con chim tơi tả quay về, hay Lối mòn trên đồi hoang cộng hưởng cùng những dòng thơ - nhạc này sao thổn thức cả một trời khoắc khoải xót xa. “Biết ngày về kịp nữa không?”. Hỏi cũng chính là đã có đáp án. Muốn trách. Muốn hận. Muốn thương. Muốn khóc…

Những dòng sông trong thơ Phạm Cao Hoàng cũng cứ thế trở đi trở lại trong tâm thức không bao giờ nguôi quên của anh. Văn hóa Đông Tây đều có sự gặp gỡ nhau ở quan niệm sông hay dòng sông là biểu tượng luân chuyển phong nhiêu của vạn vật. Sông cũng là biểu tượng của cái chết và sự đổi mới. Gaston Bachelard từng nói: “Dreaming by the river, I dedicated my imagination to water, to clear, green water, the water that makes the meadows green.” (1) (Mơ mộng bên dòng sông, tôi dành trí tưởng tượng của mình cho nước, cho dòng nước trong xanh, dòng nước làm cho đồng cỏ xanh tươi).  Phạm Cao Hoàng dường như không dành trí tưởng tượng mà là gửi trọn tất cả ký ức yêu thương để mơ mộng bên dòng sông hoài niệm đôi bờ quạnh hiu những nhớ, những thương nén chặt cõi lòng từ tiếng mẹ ầu ơ:

ngày đi về phía mặt trời
tôi nghe tiếng gọi của người năm xưa
và nghe tiếng mẹ ầu ơ
bên dòng sông với đôi bờ quạnh hiu
(Mây trắng)

Và cũng không ít lần, hay có thể nói là nỗi đau tưởng đã nguôi quên lại thường trực dằn vặt trong anh “một quê nhà bỏ lại sau lưng”:

tôi đi và tôi đi mãi
quê nhà bỏ lại sau lưng
quê người gian nan vất vả
đường xa mây khói mịt mùng        
(Mai kia tôi là hạt bụi)

Nghe đi nghe lại những bài thơ của Phạm Cao Hoàng được nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng thổi buồn vào từng nốt nhạc tôi ngỡ buồn xưa về chiếm cả không gian thời gian. Thêm một cảm thức trở về. Không tơi tả mà vẫn đau đáu ngoái về… 

Đâu đành lòng ly biệt. Khói ngày xưa vẫn vương. Sương ngày xưa còn đọng. “Ngày về nhớ lúc ra đi/biển gào lên khúc biệt ly sao đành” (Mây trắng). Trong hồn tôi. Trong hồn em. Mãi còn đó “Một chút mây trời Lang Bian” thổn thức day dứt xót xa như ngày nào “những bước chân về đêm cao nguyên” (Scibilia, ngày cuối thu). Thậm chí bất cứ thời gian nào trong bốn mùa trời đất, những chiều thu, hay những đầu đông… chỉ một áng mây bay vẩn vơ cùng tự nhìn thấy quanh mình đó là mây với hồn thơ nặng tình quê hương đất nước cho dù anh đã buộc phải rời xa, là cả một trời thương nhớ thắt lòng:

những chiều mùa thu lá rụng
những ngày lạnh buổi đầu đông
nhìn mây bay về cố xứ
nhớ quê hương đến thắt lòng.                                             
(Mai kia tôi là hạt bụi)

Nỗi niềm tuyệt vọng anh chỉ còn dồn nén trong thơ, mượn thơ chuyên chở tiếng lòng khoắc khoải ôm kín niềm khát khao trở về cho dù chỉ còn là hạt bụi cuối con đường sinh tử vẫn chưa thôi khát khao lang thang bay về phía có quê nhà…

bây giờ còn mong chi nữa
tôi đi ở cuối con đường
mai kia tôi là hạt bụi
bay về phía Thái Bình Dương
(Mai kia tôi là hạt bụi)

Vâng. Chúng ta đều đang ở cuối đường…
Thơ buồn như lời từ tạ. 
Nhạc trầm như nén tiếng lòng đau.
Tranh thổn thức một trời giông bão ngập hồn.

Phạm Cao Hoàng đâu chỉ nói lên nỗi đau riêng của một mình anh. Tâm thức lưu lạc và trở về đã trở thành vô thức cộng đồng ngàn đời của dân tộc Việt từ thuở hồng hoang, từ buổi mẹ về với cha, từ cuộc loạn ly một phần tư thế kỷ hãi hùng khói lửa điêu linh thất lạc cõi người… 

năm tôi vừa mười một tuổi
quê tôi bom đạn tơi bời
bóng ma chiến tranh quay lại
hãi hùng ôi tuổi thơ tôi!
(Mai kia tôi là hạt bụi)

Những chấn thương cộng đồng một thời binh lửa hằn sâu trong ký ức cả dân tộc, giờ đây, qua thơ - nhạc Phạm Cao Hoàng - Nguyễn Quyết Thắng đang được tái diễn ám ảnh trong số phận cá nhân…

Với nhà thơ Phạm Cao Hoàng, tôi biết thơ trước khi biết người. Mà lại biết trong một hoàn cảnh thật buồn: Ngày đưa anh Nguyễn Bắc Sơn đến đài hóa thân ở Bà Rịa 4.8.2016. Trong khi chờ xe tang đưa anh từ Phan Thiết qua, tôi và nhà thơ Vũ Trọng Quang ngồi cà phê ở một quán cóc vắng vẻ có phần xiêu vẹo trước cổng Trung tâm hỏa thiêu. Chung quanh vẫn bạt ngàn lau lách. Trước mặt, vẫn chập chùng những đỉnh núi cao thấp. Vũ Trọng Quang tức cảnh, đọc chầm chậm hai câu thơ: 

núi ngó anh và anh ngó núi
núi đụng trời, anh đụng nỗi đìu hiu.
(Nhớ Cúc Hoa)

Lúc ấy, tôi không biết đó là hai câu trong bài Nhớ Cúc Hoa tác giả viết cho người vợ, người tình trăm năm son sắt bên anh, và cũng chỉ vừa kịp biết đến tên tác giả là Phạm Cao Hoàng. Nhưng hai câu ấy lại đeo đuổi chạm vào hồn tôi, khiến tôi liên tưởng cả một trời trống vắng cô đơn chất ngất của chủ thể trữ tình mà chỉ có núi cao vút lặng yên đối diện mới sánh cùng. Lúc ấy, nghĩ đến nỗi trống vắng của văn học miền Nam từ sự ra đi của Nguyễn Bắc Sơn, của Dương Nghiễm Mậu trước đó vài ngày, tưởng như những bóng núi đã in đậm vào văn chương nước nhà nay đã mờ xa vào cát bụi. Trời đổ mưa. Trên đường về, hai câu thơ của anh dẫn tôi lan man nhớ đến một bóng núi kỳ vĩ khác - Ức Trai Nguyễn Trãi - đã nói 600 năm trước, qua thủ bút của nhà văn Dương Nghiễm Mậu: "Nước chảy dễ gì trôi bóng núi".

Vâng. Nước chảy cứ chảy. Dễ gì trôi...
Một sự khẳng định nhân cách kẻ sĩ trong ô trọc dòng đời.
Người xưa, người nay… rồi cũng đi vào cõi mộng… 
Nhưng tiễn các anh đi rồi, nhìn lại lòng nghe quá đỗi đìu hiu...
 
Đó là phút đầu “gặp gỡ” Phạm Cao Hoàng của tôi.

Về nhà, nỗi đìu hiu của anh vẫn không ngừng ám ảnh, tôi đã search google tên tác giả Phạm Cao Hoàng để tìm đọc toàn bài có hai câu thơ ấy. Tên bài thơ nói “Nhớ Cúc Hoa” mà sao tôi nghe là cả một tâm cảnh mất mát hiện sinh trong bơ vơ kiếp người: 

rừng vi vút những đêm gió thổi
bóng anh chìm với bóng hư vô

trong một hiện thực nghiệt ngã, bi đát đến mức:

anh sống dở và anh chết dở
giữa núi rừng cao ngất ngàn năm.

Đem đọ lòng mình với tự nhiên, người thi sĩ ấy chả trách sao đau đáu mãi cái tôi hữu hạn trong mênh mông cao ngất ngàn năm, triệu năm… của cõi vô cùng. 

Ấn tượng thứ hai của tôi là về bài Hành phương Đông qua giới thiệu của anh Phạm Ngọc Lư lúc anh ấy còn sinh thời khi hai anh em chat về Biên cương hành. Hành là một thể thơ cổ phong gân guốc gốc tích từ Trung Hoa, không dễ viết chút nào cả về kỹ thuật lẫn nội dung mà lâu nay hiếm người đặt bút, và thường là những bài dài hoặc... rất dài. Hành phương Đông của Phạm Cao Hoàng (40 khổ thơ 4 câu) có thể được coi là bài hành dài nhất (2) thi ca Việt: 160 câu. “Hành” tức là đi, nhịp đi, quân hành, diễn hành, lưu thủy hành vân..., nội dung thường chất chứa một tâm sự bi hùng, bi tráng, khí khái, khinh bạc... từ đầu đến cuối. Âm hưởng từ giọng thơ bi tráng trong Hành phương Nam của Nguyễn Bính, Hành phương Đông của Phạm Cao Hoàng ám ảnh người đọc bởi tâm thức lưu lạc của kẻ “sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương” thất chí giữa dòng đời khi hoài bão vẫn chưa tan:

Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng
nào biết tìm đâu một mái nhà
(Hành phương Nam, Nguyễn Bính)

mây trắng quá và chiều tê tái lắm
biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai

(Hành phương Đông, Phạm Cao Hoàng)

Chàng tuổi trẻ xót xa tri nhận “bụi dẫu có ngàn năm chờ đợi/cũng ngậm ngùi tan với hư không” tự ví mình như “bóng chim nào lạc cánh cuối trời xa” mà khắc khoải “đất rộng quá biết đâu là cố lý” đành chấp nhận một kết cuộc: “ta cùng ngươi quay với bóng tang thương”. Khúc hành ấy Phạm Cao Hoàng viết năm 22 tuổi 

Không có ý định đi sâu vào giá trị bài Hành phương Đông của Phạm Cao Hoàng trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh cảm nhận của tôi khi tiếp cận thơ anh. Nỗi niềm lưu lạc đã trở thành tâm thức lưu lạc hằn sâu trong các sáng tác của anh từ Đời như một khúc nhạc buồn (1972), Tạ ơn những giọt sương (1974) đến những sáng tác sau này trong Mây khói quê nhà (2010), Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt (truyện, 2013) và Đất còn thơm mãi mùi hương (2015). Bên cạnh đó, ngay trong các tiêu đề, tập thơ mới nhất vừa được anh tái bản, tên đất tên làng tên quê tên phố cứ bàng bạc hiện lên mặt thứ hai của cảm thức lưu lạc: khao khát trở về. Đây là hai mặt hòa quyện cho người đọc một cảm giác da diết khó tả. Có 3 không gian địa lý luôn thường trực xuất hiện dày đặc trong thơ Phạm Cao Hoàng cả trong thực lẫn mộng, trong thời gian hiện tại lẫn chiều dài nỗi nhớ: Tuy Hoà, Đà Lạt và Virginia. Nhưng hiếm có bài nào tách bạch, cứ như trong vô thức, cảm xúc của nhà thơ cứ tuôn trào “nghe mưa nơi này lại nhớ nơi xa” (TCS). Vô tình hay hữu ý, tôi cho rằng đó là đặc điểm thơ Phạm Cao Hoàng. 

Ngoài tình yêu vô bờ dành cho những miền đất quê hương vương vấn và người vợ hiền yêu thương mà người đọc nào cũng đều cảm nhận cụ thể qua từng ký hiệu hình ảnh, ngôn từ, đọc 35 bài nhận định về thơ Phạm Cao Hoàng trên trang VHNT của anh, tôi vẫn thấy có một chút tâm hồn Phạm Cao Hoàng dường như còn bị lãng quên. Tôi mang mang thấy nỗi đau đớn chua chát của anh trong Xin cho tôi được làm người Việt Nam dù anh nhận thức rõ thân phận người Việt Nam không tự do, cũng không được tôn trọng nhân phẩm bằng con ngỗng Bắc Mỹ, chỉ một con đi lạc mà Thị trưởng mở tiệc ăn mừng khi tìm được nó trở về. Hay trong Bò và Người, với thủ pháp ẩn dụ và nhân hóa, tôi thấy một Phạm Cao Hoàng với bao nhiêu là dồn nén, phẫn uất trước hiện thực, trào qua từng bức tranh phi lý trong quan hệ người với người cầm thú dã man. Đàn bò tội nghiệp bị hành hạ đòn roi, lao động cật lực, vắt sữa kiệt sức… nhưng vẫn “Đêm, chúng tôi nằm trong chuồng/mơ cùng nhau giấc mơ tự do”...

Năm bài thơ phổ nhạc của anh trong tuyển tập Chút tình đọng lại chính là một phần đậm nét của tâm thức lưu lạc và khao khát trở về này trong hồn thơ Phạm Cao Hoàng đã được Nguyễn Quyết Thắng hát thành năm ca khúc nhẹ buồn, yêu thương lắng đọng mà tha thiết xót xa… Theo tôi được biết, Nguyễn Quyết Thắng đến với thơ Phạm Cao Hoàng muộn hơn so với Đoàn Văn Khánh và Nguyễn Minh Nữu - hai nhà thơ từng cùng nhạc sĩ một thời Du ca sôi nổi, một thời tuổi trẻ hoa mộng nồng nàn. Bắt đầu phổ thơ Phạm Cao Hoàng từ năm 2022, ngay sau bài đầu tiên Khi dừng lại bên dòng Potomac, anh đã ngỏ lời xin một tập thơ của Phạm Cao Hoàng. Tập thơ đã bật lên một tương giao đặc biệt cảm động về mối tình tuyệt đẹp thủy chung của Phạm Cao Hoàng - Cúc Hoa. Có lẽ, bởi anh thấy trong đó chính mối tình sắt son cổ tích của anh và Minh Chiến. Càng đọc, càng khám phá ra cái chất Nồng Ấm, Sâu Lắng một cách mộc mạc, Trữ Tình kín đáo mà đằm thắm thiết tha trong thơ Phạm Cao Hoàng, ngỡ như nói giùm anh những điều giấu trong tiềm thức chưa viết nên lời. Nhạc Nguyễn Quyết Thắng cũng đã thay đổi không còn các nhịp điệu dồn dập rộn ràng thời Du Ca nữa mà thiên về một cái gì nhẹ nhàng hơn, khám phá mới hơn về chất trữ tình, bàng bạc xót xa, luyến nhớ không cùng…

Lần này, nói theo Nguyễn Minh Nữu, thơ Phạm Cao Hoàng đã làm cho hồn nhạc Nguyễn Quyết Thắng nở hoa. 

Ở góc độ tình thân, một trong những duyên hạnh ngộ khác với nhà thơ Phạm Cao Hoàng là cuộc gặp gỡ tình cờ năm 2016, anh chị về, tôi đã lần đầu tiên gặp anh chị cùng Vũ Trọng Quang. Những gì tôi đọc về anh qua lăng kính bạn bè hoàn toàn đúng vậy. Một nhà thơ-nhà giáo nhẹ nhàng, tinh tế, thân tình nhưng kiệm lời và có chút gì đạo mạo, chút gì xa vắng… Anh chị cũng đã đến tòa soạn Quán Văn tạm biệt anh em trước khi quay về quê hương thứ 2. Và lần đó, tôi cũng bất ngờ khi nghe anh kể về bức thư cuối cùng của anh Đinh Cường nhờ anh Nguyễn Minh Nữu mang về Sài Gòn, đó là mấy dòng trong tấm card-postal anh gửi cho tôi. Xúc động vô cùng. Vài tháng sau đó, Quán Văn số 40 ra mắt tháng 10.2016 cũng đã dành hẳn một chủ đề Mây khói quê nhà để giới thiệu chân dung văn học Phạm Cao Hoàng qua cái nhìn và cách cảm nhận của mười tác giả trong ngoài nước (3) được mọi người đón nhận bằng nhiều đồng cảm, trân quý. 

Nghĩ về Phạm Cao Hoàng, ký ức tôi bỗng cứ kéo quay lại thước phim lần gặp gỡ tháng 10-2019 ở Virginia. Với sự ân cần chu đáo của anh và anh Nguyễn Minh Nữu cùng thịnh tình yêu mến Sài Gòn của mọi người, tôi như người em nhỏ trong vòng tay ấm áp của những anh chị tên tuổi trong giới văn chương vùng Đông Bắc. Tôi biết, đó là nhờ cái bóng của anh và anh Minh Nữu… Tôi vẫn nhớ ngôi nhà xinh xắn có dòng suối uốn quanh mà tôi đi qua nhiều con đường rợp lá vàng lá đỏ đang chuyển mùa của các con đường thu Virginia để đến. Nơi đó có nụ cười hiền của chị Cúc Hoa, có giọng nói ấm áp như tôi từng nghe lần đầu ở Sài Gòn một lần gặp chị. Chỉ ánh mắt và giọng nói ấy, tim tôi bỗng bình yên thân thiết lạ thường. Một đóa hồng vàng lẻ loi nở chếch cổng vào nhà thật dịu dàng như lời chào lặng lẽ…

Nghĩ về Phạm Cao Hoàng, tôi lại nhớ đến Trang Văn học Nghệ thuật Phạm Cao Hoàng công phu, trang nhã, tin cậy với nhiều cây bút tên tuổi và 228 tác giả trong ngoài nước, khắp các châu lục tham gia và hơn 3000 bài viết đủ thể loại là một kho tư liệu quý mà những ai muốn tìm hiểu văn học miền Nam, văn học hải ngoại đều không thể không biết. Công phu và tâm huyết biết bao để duy trì kho sách mở tuyệt vời này. Và kết những dòng này, tôi muốn nói về một điều rất nhỏ mà ý nghĩa lại vô cùng. Trang Web anh làm chủ nhưng những vị trí trang trọng nhất anh có ô riêng cho những Đinh Cường, Trương Vũ, Ngô Thế Vinh, Thân Trọng Sơn… - những người bạn mà anh quý trọng mến thương cả đức cả tài; tiếp đến các tác giả khác (228 vị), rồi mới đến ba chữ viết tắt tên anh PCH nhỏ xíu ở vị trí cuối cùng khiêm tốn nhất trên trang chủ mà những ai lần đầu, vô tình, có thể lướt qua…

Người Nhật Bản có một câu thành ngữ dân gian rất ý nghĩa: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Bông lúa càng trĩu hạt bao nhiêu sẽ càng cúi đầu thấp bấy nhiêu. Xúc động. Cái góc nhỏ khiêm nhường ba chữ PCH trên trang web của anh thật đẹp, thật đáng để tôi ngưỡng mộ, trân quý cúi đầu… 

HOÀNG KIM OANH
Sài Gòn, 30.7.2023

(1) https://quotefancy.com/quote/1077271/Gaston-Bachelard-Dreaming-by-the-river-I-dedicated-my-imagination-to-water-to-clear-green. 

(2) Ngắn nhất là Tống biệt hành của Thâm Tâm (22 câu), Khúc Nam hành của Tuờng Linh (32 câu - 8khổ) Hành phương Nam của Nguyễn Bính (40 câu), Nước mặn của Viên Linh (52 câu), Biên cương hành của Phạm Ngọc Lư (66 câu), Trường Sa hành cùa Tô Thuỳ Yên (64 câu). (hko). 

(3) Có thể đọc 10 tư liệu này trong 35 bài hiện đã cập nhật trên trang VHNT Phạm Cao Hoàng.