Saturday, December 16, 2023

3158. TRIỀU HOA ĐẠI Phạm Cao Hoàng: Một Đời Cúc Hoa

Phạm Cao Hoàng, Đà Lạt, 2016

Phạm Cao Hoàng là một người đã sinh hoạt với văn chương chữ nghĩa rất lâu, trên năm mươi năm có lẽ, nếu khởi đi từ những tạp chí văn học tiếng tăm thời đó (trước 1975) như Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Thời Tập, Ý Thức, v.v… với khoảng thời gian dài đằng đẵng như thế, ông đã ở cùng và sống với văn chương như một kẻ tình chung, trong thơ ông bàng bạc những đám mây, những khóm hoa “đã qua chưa cuộc điêu tàn/ đám mây năm cũ biết tan nơi nào”, hoặc như: "cám ơn những sáng êm đềm/ khói cà phê quyện bên hiên nhà mình”. Đọc thơ của Phạm Cao Hoàng không chỉ được ông cho “ngắm nghía” những đám mây, được ông “mời” cùng với ông thưởng thức “những sáng êm đềm” với hương vị cà phê quyện khói hiên nhà mà chúng ta còn thấy tràn ngập một tình yêu quê hương, bạn bè và gia đình.  

Mời quý bạn đọc và văn hữu cùng tôi “cà kê, dê ngỗng” với nhà thơ Phạm Cao Hoàng.

Triều Hoa Đại (THĐ): Được đọc thơ ông từ lâu như ở Khởi Hành, Thời Tập, Văn, Bách Khoa, v.v… nhưng vẫn chưa có dịp được gặp có lẽ vì thời cuộc lúc bấy giờ, “tôi từ chinh chiến cũng ra đi” cũng như bao nhiêu thanh niên khác tôi cũng đã lên đường ắc… ê, “đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn…” vì vậy mà văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. “Gặp” ông hôm nay tôi mừng lắm, mong được cùng nhau “cà kê, dê ngỗng” đôi điều ông có vì tôi mà tìm vui đôi phút xa nhà.

Phạm Cao Hoàng (PCH): Cám ơn anh. Rất vui được trò chuyện cùng anh.

THĐ: Ở đâu đó đã khá lâu một bài thơ ông viết có những câu: “… Em yêu dấu đây là lần thứ nhất/ trong đời mình anh thấy hân hoan/ anh muốn nói với muôn người trên mặt đất/ rằng nơi đây sắp hết điêu tàn/ và có thể đêm nay không còn tiếng súng/ không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm/ ba giờ sáng xuống ngã tư quốc tế/ ăn một tô mì thơm ngát bình yên/ có thể nào sáng mai trên phố cũ/ người ta bảo nhau hôm nay hòa bình/ người ta dắt nhau trên đường trẩy hội/ Riêng một bông hồng nở giữa tim anh.” Một giấc mơ mà ai ai cũng hằng ao ước nhưng thực sự thì cho đến bây giờ ông thấy giấc mơ ấy đã thành hiện thực chưa, và nếu CHƯA thành hoặc KHÔNG thành thì tại sao và vì sao?

PCH: Bài thơ trên viết năm 1973, nói về ước mơ hòa bình cho quê hương Việt Nam. Năm 1975 chiến tranh kết thúc. Người vui kẻ buồn. Dẫu sao, kết thúc chiến tranh vẫn là điều cần thiết vì tiếp tục cũng sẽ chẳng đi đến đâu, chỉ kéo dài chết chóc đau thương.

THĐ: Tôi nhớ đến nhà thơ Trần Dần cũng mừng húm khi nghĩ và mơ hoà bình như thế nên bảo vợ: “Em khuân đồ đạc ra phơi/ em nhé đừng quên/ em khuân tất cả tim gan chúng mình phơi nắng hết”. Nhưng chỉ là mơ thôi, chiến tranh đã hạ màn từ lâu gần một nửa thế kỷ mà hòa bình thì vẫn ở đâu xa, vẫn chưa một ai nhìn thấy. Ông mơ hòa bình để được “ngồi xuống ở ngã ba quốc tế ăn một tô mì thơm ngát bình yên”, giấc mơ (theo tôi) thật là giản dị, nhưng “tô mì thơm ngát bình yên” ấy ông đã được thưởng thức chưa nào?

PCH: Như đã nói ở trên, khi chiến tranh kết thúc, có người vui nhưng cũng có kẻ buồn. “Tô mì” mà anh nhắc đến tôi cũng có, nhưng không “thơm ngát bình yên” như tôi mong ước.

THĐ: Chắc ông cũng đã đọc nhiều thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên?

PCH: Có. Tô Thùy Yên là nhà thơ tôi yêu thích.

THĐ: Vậy ông nghĩ sao về thơ của ông ấy?

PCH: Tô Thùy Yên là một nhà thơ tài năng. Thơ ông giống như những viên ngọc quý của thi ca Việt Nam.

THĐ: Có người cho rằng thơ của Tô Thùy Yên theo quan điểm của Edgar Allan Poe, là độ dài của một bài thơ không nên quá ngắn bởi vì: "một bài thơ cực ngắn có thể lúc này hay, lúc khác sẽ gây được tiếng vang, nhưng sẽ không bao giờ tạo ra được ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài”, ông thì thế nào?

PCH: Khi đọc bài “TA VỀ” của Tô Thùy Yên, yếu tố làm chúng ta yêu thích là ý tưởng, hình ảnh và ngôn ngữ của bài thơ, chứ không phải vì nó ngắn hay dài.

THĐ: Thơ Tô Thùy Yên có nhiều bài rất dài, ví dụ như những bài: Ta Về, Trường Sa Hành, nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn, Tô Thùy Yên lại bảo rằng: "Hơn 60 tuổi, tôi thấy nên tập làm thơ lại. Bắt đầu bằng những bài thơ NGẮN, cố gắng ngắn.” Ông có vui lòng lý giải (theo sự hiểu và biết) của ông về chuyện NGẮN, DÀI này được chăng?

PCH: Thi sĩ dùng thơ để ghi lại cảm xúc và tạo thành tác phẩm. Những cảm xúc này thường là bất chợt. Thi sĩ chỉ ghi cho kịp dòng cảm xúc ấy, hoàn toàn không nghĩ đến việc viết dài hay ngắn. Do vậy dài hay ngắn không quan trọng đối với việc viết một bài thơ. Bài thơ dài nhất của tôi (Hành Phương Đông) dài 156 câu và bài ngắn nhất (Thăm Một Người Bạn Cũ) chỉ có 4 câu.

THĐ: Miền Nam trước đây chúng ta thấy có nhóm Sáng Tạo, một trong số người sáng lập là Tô Thùy Yên, thì thiên về thể thức rất là cổ điển, trái ngược với Thanh Tâm Tuyền là luôn chủ trương làm mới thơ, nhưng có lẽ về lâu về dài thì người ta đã “ngộ” ra giữa hai nhà thơ ấy có cái gì khác biệt, và rồi cũng từ những khác biệt ấy mà Tô Thùy Yên đã “ta về một bóng trên đường lớn”, ông có nhận thấy vậy?

PCH: Những nhà thơ tài hoa thường là do yếu tố bẩm sinh cộng với kinh nghiệm họ có được từ việc học hành, từ đời sống thực tế. Thiếu yếu tố bẩm sinh, nhà thơ khó có tác phẩm hay. Do vậy các lý thuyết về thơ không tạo ra những bài thơ hay.

THĐ: Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền cho rằng nếu ai đó bảo là Viết Thơ thì đó là một điều “sỉ nhục” vô cùng đối với nhà thơ. Thơ không cần phải viết mà “xuất khẩu thành thơ." Vẫn với Thanh Tâm Tuyền, ông ấy đả phá thậm tệ khi có nhà thơ bảo: "Nếu ai đó lấy bút của ông đi thì ông sẽ dùng dao mà khắc thơ lên đá". Xin được nghe ý kiến của ông.

PCH: Tôi hoàn toàn đồng ý với Thanh Tâm Tuyền. Vì như tôi đã nói ở trên: "Thi sĩ dùng thơ để ghi lại cảm xúc và tạo thành tác phẩm." Thi sĩ không tạo ra cảm xúc.

THĐ: "Đêm mưa nhà mái dột" là một bài thơ mà Đỗ Phủ đã đọc cho vợ nghe, đây là một bài thơ đầy tình nghĩa, nó thật là lãng mạn và tình ơi là tình, nhưng hôm nay với Phạm Cao Hoàng thì một bài thơ cho CÚC HOA cũng chả thua kém gì, cũng tình ơi là tình:

“hôm em ở bệnh viện về/ cụm hoa trước ngõ cũng vừa ra bông/ đã qua rồi một mùa đông/ và qua rồi những ngày không tiếng cười/ em đi xe lăn mà vui/ lăn đi em nhé cho đời bớt đau/ tôi đưa em ra vườn sau/ để nhìn lại mấy luống rau em trồng/ hái tặng em một đoá hồng/ và chia nhau nỗi long đong xứ người/ em đi xe lăn mà vui/ lăn đi em nhé cho vơi nỗi buồn/ đưa em về phía con đường/ có con sóc nhỏ vẫn thường chào em…” Những người yêu thơ ông có ghé tai tôi mà bảo rằng “tôi đi chết đây”, sao mà mặn nồng tình nghĩa, vợ chồng yêu thương đến là thế là cùng, người có trái tim đầy ắp yêu thương hẳn rằng nhiều khi cũng…?

PCH: Tôi ghi lại những cảm xúc bất chợt từ cuộc sống hằng ngày của mình. Trong cuộc sống hằng ngày ấy, người lúc nào cũng ở bên cạnh tôi là người bạn đời của tôi, nên nguồn cảm xúc phần lớn cũng bắt nguồn từ nơi ấy.

THĐ: Học giả và nhà dịch thuật Dương Tường lúc cuối đời trước khi chia tay thế gian ông ấy muốn được khắc trên mộ bia của mình: “Tôi đứng về phe nước mắt.” Lo xa thôi, nhưng một vài chục năm nữa, có khi là hơn, lúc ông “nằm đếm sao trời”, ông muốn trên mộ bia được ghi dấu những gì?

PCH: Chuyện này tôi chưa dám nghĩ đến anh ạ.

THĐ: Xin được kết thúc buổi trò chuyện này nơi đây. Gió đã lên và mây đang bay, không biết có về đến quê nhà như mong ước hay chăng, nhưng có điều tôi biết mình đã sơ sót rất nhiều trong lúc cùng ông hàn huyên chuyện ngắn, chuyện dài, rất mong được ông tha thứ. Vậy có cần thêm, bớt điều gì xin được mời ông?

PCH: Chỉ có vậy thôi. Cám ơn anh.

THĐ: Cảm ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng.

Triều Hoa Đại thực hiện
Tháng 3.2023

(Tạp chí Ngôn Ngữ, số 28, tháng 11.2023)