Friday, March 1, 2024

3266. TRẦN HUIỀN ÂN Màu sắc đại ngàn.

Google images


VÌ MÂY CHO NÚI LÊN TRỜI

Năm ấy… khoảng sáu mươi lăm năm trước, đường lên Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, như thi sĩ Tường Linh miêu tả:

  Trung châu ngùi nhớ hoa quỳnh.
Hành trang của chuyến đăng trình nhẹ tênh.
Đỉnh mờ xe ngại đường lên.
Người trên lưng ngựa, ngựa trên lưng đèo
.

Bây giờ đường sá  tốt, chúng tôi không được làm chàng kỵ sĩ kiêu hùng và thơ mộng như vậy. Chúng tôi thảnh thơi ngồi trong xe, xe mới, chủ xe tự cầm lái, chạy êm ru. Gần trong tầm mắt là rừng thưa và tranh đế từ các xã phía tây huyện Sơn Hòa (Phú Yên). Tôi thường gọi đây là thảo nguyên. Núi cao lùi xa ra tận chân trời, mây trắng nõn tầng tầng trên đầu núi.

Dân gian có câu ca dao:

  Vì mây cho núi lên trời.
Vì cơn gió thoảng hoa cười với trăng
.

Hình ảnh và ý tưởng thật tinh tế. Núi dẫu cao vẫn là phận Đất, Núi đâu muốn vói lên phạm thượng, tại vì Mây, Mây đưa Núi lên Trời. Hoa cũng đâu muốn dễ dàng cười với Trăng, e mang tiếng lẳng lơ. Tại vì Gió. Gió thoang thoảng nhẹ nhàng mà Hoa đâu cưỡng được. Kẻ nào đó hiểu lòng Hoa, đã nhắn gởi chung quanh:

  Đố ai quét rạch lá rừng.
Để ta bảo gió, gió đừng rung cây.

Nhưng gió vẫn không ngừng thổi nên Hoa không thể không cười với Trăng.

Tâm trạng chung của chúng tôi như thế. Phóng xa tầm mắt để thu nhận, mở rộng cõi lòng để hòa cảm cùng thiên nhiên. Gió sớm trong lành thổi gờn gợn khắp giồng đồi thảo nguyên. Quốc lộ 25 -nguyên là liên tỉnh lộ số 7- hoàn toàn không còn dấu vết chiến tranh,

Chúng tôi đi vào phần đất trước năm 1975 thuộc tỉnh Phú Bổn. Tỉnh này thành lập nắm 1962, trong đó nhận của Phú Yên 1.947,85km2  (tổng Phú Mỹ của quận Phú Đức 795,70km2, 6 xã của quận Sơn Hòa -nguyên trước thuộc quận Cheo Reo- 775,55km2, và tổng Ia Piao của quận Đồng Xuân). Mặc nhiên giải thể tháng 3-1975.

Bữa cơm trưa rượu cần tại Phú Thiện.


BIỂN HỒ ÁO ĐỎ

Gọi tên “Biển Hồ” nhưng vẫn là Hồ chứ không thể lả biển.

Khắp nơi trên đất nước ta có nhiều Biển Hồ. Phú Yên có Biển Hồ Hảo Sơn (sông Bàn Thạch) để lão thi gia Quách Tấn nhận ra Biển Hồ sen nở gió thơm tho.  Bây giờ qua đây nhìn sen hồng sen trắng nở đầy chứ ngày xưa nhiều cá sấu. Năm 1824, Trấn thần Phú Yên tâu là cá sấu hại người còn dữ hơn cọp. Vua Minh Mạng chuẩn cấp thưởng cho ai giết được một con cá sấu là 15 quan.

 Đại Nam nhất thống chí cho rằng sông Bàn Thạch nghi là sông Phan Định được Nguyễn Trãi nói trong Địa dư chí: “Khi Lý Thường Kiệt nam chinh đến đây bị cá sấu ngăn cản không qua sông được, bèn tâu vua xin phong cho 3 con sấu là Hiệu thuận tam thần. Chúng nổi lên mặt sông nghe lời tuyên phong rồi lặn đi. Ông cho tiến quân không trở ngại gì nữa”. Đối chiếu tư liệu, 3 cuộc “hành quân đặc biệt” của Lý Thường Kiệt: đầu tiên năm 1069 -có vua Lý Thánh tông thân chinh-, hai lần sau: năm 1075 và 1104.

Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn thơ mộng hơn, đầy chất trữ tình trong nét nhìn của thi sĩ Đinh Hùng:

  Hữu tình áp má bông lau.
Chợt nghe con sóc trên đầu mưa hoa.

“Biển Hồ”, không kể diện tích rộng hay hẹp, là một dụng ngữ để nói về tình thương yêu đằm thắm bao la: Cha mẹ nuôi con Biển Hồ lai láng

Cũng là nơi để hàng nam nhi thanh gươm yên ngựa trổ tài:

  Rộng đồng mặc sức chim bay.
Biển Hồ lai láng mặc tài cá đua.
 

Biển Hồ PleiKu hôm nay cảnh nhân tạo có nhiều thay đổi, tiện nghi đầy đủ hơn, thêm nơi thờ kính Phật Quan Âm, “ba hồi triêu mộ” để mặt nước không “cau mặt với tang thương”. Trong ánh nắng chiều sóng hồ xao nhẹ, xanh hơn màu trời, nhạt hơn màu núi bên kia bờ ẩn hiện hàng chữ vàng.

Khi đoàn chúng tôi theo bậc cấp đi xuống thì một đoàn du lịch đi lên. Họ trẻ trung hơn nhiều, trẻ trung lắm, mấy cô gái duyên dáng trong chiếc áo dài màu đỏ. Tôi chợt có ý nghĩ gọi họ là “Hồng Y”, những “Hồng Y” rất “Đời”, không cầm gậy ban phước mà đem tặng nhân gian những nụ cười tươi tắn tuổi thanh xuân.

Đọc tiếp...


CỬA THIỀN ÁO NÂU

Một đoạn đường vào chùa Bửu Minh có hai hàng cổ thụ đứng hai bên. Thân cây to cả người ôm, vươn thẳng, tán lá bên trên bóng mát tỏa che. Không biết hai hàng cổ thụ này có được xếp hạng di tích? Riêng đối với tôi, thật quý, quý vô cùng.

Chùa Bửu Minh khai sơn năm 1936, ngày trước là một ngôi chùa làng quê, nhà cấp 4. Trú trì hiện nay là thầy Giác Tâm, xuất gia năm 1969 tại đây. Biết bao công sức thầy đã bỏ ra để có ngôi chùa khang trang và còn tiếp tục xây dựng. Ngồi cạnh thầy Giác Tâm trong bộ thiền phục màu nâu, tôi cảm nhận ra hai màu áo (nâu và đỏ) là hai bình diện của cuộc sống đáng yêu, trân trọng màu nâu trầm tĩnh thanh tịnh và thân quý màu đỏ vui tươi trẻ trung.

Thầy Giác Tâm cũng là người của văn giới, sử giới, đã có 4 tác phẩm (thơ, văn, nghiên cứu) xuất bản, cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo.

Trong tạp văn Giọt nước cành dương thầy viết: Nếu không có mùa đông giá tuyết, lá rụng tơi bời, cành cây trơ trụi xương xẩu, thì làm sao có được mùa xuân nắng ấm, hoa lá sởn sơ tơ nõn căng đầy nhựa sống. Bản chất của cuộc đời là trôi chảy, làm sao ta có thể buộc dòng sông không cho luân lưu được, hay cột treo vầng mây bạc kia lại, không cho nó phiêu du tan hợp giữa đất trời.

Chúng tôi rời chùa khi bóng chiều đã ngã. Vẫn nhớ mấy câu thơ Giác Tâm:

  Chiều cao nguyên bay qua ngàn mây trắng.
Chim thiên di về với cội nguồn.
Hành lý đời từ nay không còn nặng.
Xin gởi hồn mình theo tiếng chuông buông!


MÀU SẮC ĐẠI NGÀN 

Văn Công Hùng đưa chúng tôi đến “sân chơi” của Trung tâm Văn hóa Plei Ku. Hàng tuần tại đây có đêm biểu diễn nghệ thuật các dân tộc. Đêm nay đến lượt đoàn Ba Na. Theo người dẫn chương trình, làng Ba Na này tiếp xúc với văn minh Tây Phương rất sớm, khi các giáo sĩ người Âu châu xâm nhập Tây Nguyên. Nhưng bản sắc dân tộc vẫn giữ gìn trọn vẹn, không nhạt phai. Trên thảm cỏ, dưới ánh đèn sáng nhẹ, vũ đoàn gồm các cô gái mặc y phục dân tộc và các em bé, đi vòng quanh “lửa trại” theo nhịp trống do hai nam vũ công khiêng. Vòng tròn là một vòng khép kín, tiếng trống hòa theo điệu múa.

Sân chơi, có lẽ đáp ứng được yêu cầu của nhiều người, bên biểu diễn và bên thưởng thức. Nhưng có vẻ đơn điệu. Và ánh sáng đèn điện thay cho ánh sáng lửa củi gần như đúng nghĩa chỉ là “trò chơi”!

Hai cô em gái Triều Hạnh và Phương Loan chụp ảnh chung với các cô gái Ba Na, y phục hai màu đen và đỏ thật đậm. Người Tây Nguyên trong y phục và trang trí thường sử dụng các màu đậm, nguyên chất từ cây rừng, không pha trộn. Màu áo của Hạnh và Loan lúc này cũng gần gũi với sắc thái đậm đà. Tôi hỏi Hạnh: “Có hòa điệu được với Màu Sắc Đại Ngàn không?”.

Màu Sắc Đại Ngàn” là cụm từ tôi dùng khi nhớ đến một bạn trí thức người Ê Đê. Anh luôn vui vẻ hoạt bát cởi mở. Một lần, chuẩn bị cho phòng triển lãm anh có gợi ý về màu sắc, một họa sĩ nói: “Vậy technicolor quá, chef!”. Anh cười, đáp: “Montagnard thì technicolor chứ”. Anh có vẻ tự hào về “đặc tính montagnard”. Nhiều lần nói chuyện với chúng tôi về cây rừng đá núi, dòng sông bến nước, tập tục đồng bào dân tộc thiểu số, anh đi đến kết luận: “Montagnard là như vậy đó”. Và một tràng cười…

Đối với tôi, Màu Sắc MontagnardMàu Sắc Đại Ngàn Trường Sơn.


NHỚ MỘT MÙI THƠM

Đoàn chúng tôi hầu hết là cao tuổi, hai thành viên nữ qua mấy trận “tai nạn” kẻ gãy chân, người khớp gối, chẳng thể phóng xe vèo vèo như xưa. Thời oanh liệt không còn nên về nghỉ sớm. Tôi cảm thấy thiếu một chút gì, nhẹ nhàng thôi, mà sâu sắc.

Nhớ một lần lên PleiKu đêm dạo trên đường phố, chưa được như hiện nay, thiếu rộng rãi, kém bằng phẳng, ánh điện vàng võ, không đủ sáng… Hôm ấy đang giữa mùa đông. Những “má đỏ môi hồng” của thi sĩ Vũ Hữu Định chắc ngồi trong quán cà phê. Tôi không vào quán. Vào đó, có thể gặp những tên quen thuộc của những người cũ, nhưng là người mới của thế hệ mới, hoàn tòan xa lạ. Vừa đi chậm chậm vừa nghĩ mấy câu thơ phỏng ý tiền bối Lam Giang:

  Nhã Uẩn về đâu, Phấn Mị ơi!
  Phương Ngư thôi đã cách phương trời!
  Còn ai sông sót qua binh lửa?
  Môi nhạt màu son nhuốm bụi đời!

Rồi ghi lại trong tạp bút:

Tiết đông chí ở Plei Ku … bỗng nhiên ấm áp từ buổi sáng. Mặt trời lên rực rỡ ánh hồng rồi nắng chuyển màu vàng. Rất nhiều người ngạc nhiên khi nghe nói đây là đêm dài nhất trong năm, một hào dương phát sinh để đến tiết tập xuân tam dương khai thái. Thời tiết tạo cho ta những xúc động và chỉ những ai biết xúc động mới được thụ hưởng. Trên một đoạn đường phố Plei Ku buổi tối có mùi thơm rất đặc biệt của khoai lang nướng. Ai tinh tế thoáng nghe mùi thơm ấy tưởng tượng ra ngay lớp vỏ khoai hơi bị cháy, bên ngoài hơi đen một chút, đến một lớp hơi nâu và bên trong là chất bột khoai vàng vàng, khi cho vào miệng giòn và bùi phân biệt rõ ràng. Mùi khoai lang nướng gần gũi với mùi bông múi dẻ khi buổi chiều tắt nắng trên đường làng quê, đã để lại ấn tượng sâu sắc với những ai sẵn tấm lòng nhớ núi thương rừng…


CỘT MỐC BIÊN GIỚI

Buổi sáng … Mưa nhỏ từng sợi bay như giọt sương, lớn dần, nhưng tạnh liền, không đổ thành hạt. Mấy công viên rộng, lá trên cây mướt xanh, bởi vì lá vàng đã rụng xuống ven đường qua đêm, người quét phố chưa kịp thu dọn hết. Rồi nắng đẹp. Thời tiết Cao Nguyên thật dễ thương.

Chúng tôi đến cửa khẩu Bờ Y để lên cột mốc ranh giới ba nước Việt Nam, Lào, Cam-bu-chia. Đường lên đỉnh cao rất rộng, nhiều bậc cấp. Tất cả đến nơi, chung đọc “bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời”.

Cột mốc dựng trên một đỉnh cao tương đối trộng và bằng. Ba mặt có khắc quốc huy và tên nước theo mỗi quốc ngữ. Nhìn hướng tây, đâu là Atopeu, đâu là sông Sé-Kông, lệch ra hướng bắc đâu là cao nguyên Boloven… của Lào? Nhìn thẳng hướng nam, đâu là sông Sé-San, xa hơn đâu là sông Séré-Bok, và lẹch qua hướng tây thật xa đâu là Stung-Treng… nhiều nguồn nước hợp lưu đổ về Pnom-Penh (Campuchia) để xuống sông Tiền, sông Hậu? Tất cả như chìm khuất trong một màu xanh của Trường Sơn vĩ đại. Phía đông Trường Sơn, những Ngọc Linh, Kon-Na-Kinh nhiều người từng được nghe qua các bài học lịch sử.

Cùng ngẩng đầu nhìn lên cao. Trời cao vô tận, cũng có thể nói Đất rộng vô cùng, căng buồng phổi ra hít thở gió lành… nghe tiếng vọng Quê Hương:

Lúa vàng bát ngát Đồng Nai

Rừng xanh bao phủ dãy dài Trường Sơn.

“Cây hữu nghị” còn trẻ quá, chưa phải là cổ thụ. Chờ đợi những ngày Mai Sau, cây sẽ cao lớn, thật cao lớn, xứng đáng với Trường Sơn.


BÊN DÒNG ĐĂK PLĂH

Một bạn người địa phương có lần cho biết: Trong ngôn nhữ Ba Na kon là làng tum là hồ ao, Kon Tum: làng có nhiều hồ ao. Kon Tum là nơi phát nguyên của nhiều sông suối, trong đó có sông Ba chảy qua Gia Lai xuống Phú Yên là sông dài nhất Nam Trung Bộ.

Trước mặt chúng tôi, dòng Đăk Plăh đang cuồn cuộn chảy. Sông không lớn nhưng có phong độ rất cường tráng, tràn đầy sức trẻ, sóng nước còn nguyên vẹn màu đất Cao Nguyên hồng sẫm. Đăk là nguồn nước, plăh là hung bạo, dữ tợn. Sông Đăk Plăh bắt nguồn từ núi Ngọc Linh cao 2.596m, hợp lưu cùng sông Pô Cô thành sông Sé San với thác Ya Ly hùng vĩ. Không ít mùa mưa lũ Đăk Plăh nổi cơn cuồng nộ.

Cầu treo Kon Klor bắc qua sông. Người bạn nói thêm, klor là tên một loại cây gòn rừng, cây gạo. Kon Klor có nghĩa là “làng cây gạo”.

Những năm trước cầu như gầy yếu, rung lên khi cả đoàn xe máy chạy qua. Bây giờ cầu treo Kon Klor được xây dựng lại, vững chắc, nhưng xe hơi qua cầu cũng hạn chế từng chiếc một.

Gần cầu Kon Klor có một nhà rông lớn mái nghiêng dốc thẳng. Nhà rông Ba Na độc đáo trước đây đã được in vào tem bưu chính, cũng là nơi gặp gỡ nhiều du khách. Nhưng nó đứng có vẻ lẻ loi, đơn độc trong lặng lẽ, chung quanh không có một sinh hoạt gì.


NGƯỜI XƯA CẢNH CŨ

Đã biết nhà thờ đá Nha Trang, Phát Diệm… thì thăm nhà thờ gỗ cũng có thú vị riêng.

Gỗ tuy không bền bằng đá, nhưng với danh mộc được bảo quản tốt thì một đời người đâu có xem ra gì! Hơn nữa, liệu lòng người có cảm thông được với sự kiên cường của lòng đá, lòng gỗ?

Trong sân nhà thờ gỗ Kon Tum, trên nền cỏ, có bức tượng toàn thân. Giáo dân ở đây gọi là Đức Cha Kê Nô. Tức Giám mục Stéphanô Théodore Cuénot Thể (Ghê Nô Thể), cai quản giáo Xứ Đàng Trong từ năm 1840 đến năm 1861.

Kon Tum là xứ đạo lâu đời. Các giáo sĩ Tây Phương đến đây từ năm 1851. Ban đầu, từ năm 1659 tất cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều thuộc giáo phận Đàng Trong. Năm 1844 lập Địa phận Qui Nhơn, năm 1850 tách Thừa Thiên ra lập Địa phận Huế, năm 1932 tách vùng Tây Nguyên ra lập Địa phận Kon Tum, năm 1957 tách Khánh Hòa và Ninh Thuận ra lập Địa phận Nha Trang, năm 1963 tách Đà Nẵng và Quảng Nam ra lập Địa phận Đà Nẵng. Từ đây, Địa phận Qui Nhơn gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Xứ đạo Kon Tum là một phần của Giáo phận Đàng Trong rồi Địa phận Qui Nhơn. Giáo dân đã coi Đức Cha Thể là người đem phúc âm của Chúa đến vùng đất này. Tượng ngài đứng bên nhà thờ gỗ cùng với tháng năm mưa nắng Cao Nguyên.


TỪ MĂNG ĐEN ĐẾN BA TƠ – VỀ XUÔI

Măng Đen, một thị trấn mới được ngành du lịch quảng bá rộng rãi. Nhà cửa đường sá đều đẹp đẽ, rộng rãi, hợp với sở thích và nhu cầu của lớp trẻ hơn. Nhà thờ Măng Đen theo lối kiến trúc của nhà thờ Kon Tum, đứng trên một khu đất rộng rãi. Hai phía có những hàng thông cao vút.

Tôi luôn luôn yêu mến những hàng cây cao, như muốn đo trời, cho dù tầm vóc của chúng so với nền trời đâu có ăn nhằm. Quan trọng là cái “chí”:

  Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Cũng đủ thỏa lòng. 

Không thể không nhớ đến những cây tùng ở Đường Tùng Yên Tử hai bên dốc cao sừng sững. Cũng không thể biết những cây tùng khác, tùng cổ thụ, tùng trên đá… cao bao nhiêu, chỉ nghe tiền bối Nguyễn Bá Dương gọi là “trăm thước”:

   Thạch thượng thanh tùng bách xích trường.
 Phi hoa mãn động thủy sinh hương …
 (Trên đá thông xanh trăm thước trường.
 Hoa bay đầy động nước sinh hương…).

Từ đây xe xuống dốc, xuống liên tục. Trong tầm mắt, từ gần đến xa vẫn là rừng núi, đèo dốc quanh co, đường tráng nhựa phẳng phiu, không còn bụi đỏ. Xe được mở cửa trước, tắt máy điều hòa, để cùng thưởng thức mùi gió núi nhẹ tênh. Tôi nghĩ vài câu thì bị ý thơ Mường Sơn lẫn vào:

  Rừng núi trải dài theo gió mướt.
Lưng đèo nhập giữa tảng mây trôi.
Đường xuôi, xuôi mãi… không còn ngược.
Bụi đỏ theo mây đã bạc rồi…

Đèo cao quá, dốc dài quá, rõ ràng các “anh hùng xa lộ” thấm mệt, thì trách chi các bậc cao tuổi và giới nữ lưu không phờ phạc. Chỉ phờ phạc thôi. Đến Quảng Ngãi nhờ không khí trung châu được “hồi … xuân” ngay để chịu đựng sức nóng tái ngộ kể từ hôm tạm biệt Tuy Hòa.

 

VIẾNG MỘ CỤ HUỲNH

Mộ cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng nơi chân núi Thiên Ấn, nhìn ra sông Trà Khúc.

Thắp nén hương tưởng niệm cụ, những câu trong bài văn cụ Phan Bội Châu tế cụ Phan Châu Trinh có nhắc đến cụ, liền hiện về ngay trong tiềm thức:

 Thân dậu tuất bấy nhiêu năm tân khổ, khi đào cây khi lượm đá, giữa bể trần gió bụi vẫn thung dung.

Đặng Huỳnh Ngô ba bốn bác hàn huyên, khi cốc rượu khi câu thơ ngoài cửa ngục, lầm than mà khẳng khái.

Tính khẳng khái ấy Cụ đã thể hiện trong Bài ca lưu biệt viết năm 1908 trước khi bị đày ra Côn Đảo:

Ư bách niên trung tu hữu ngã.
Dù biển cạn sông khô trời nghiêng đất ngã.
Tấm lòng này tạc đá không mòn…

Trong cõi trăm năm có ta. Có ta trong cõi trăm năm.

Thật hào sảng, an nhiên, cùng với người đồng chí Phan Châu Trinh:

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi.

Mưa nắng nào sờn dạ sắt son.

Cụ Huỳnh mất năm 1947, an táng tại đây. Từ năm 1959 mộ được trùng tu nhiều lần. Bia mộ dựng năm 1971. Tôi nói với người chăm sóc mộ phần rằng lần trước tôi đến đây người bảo quản di tích là một ông già. Người ấy đáp: “Ông già ấy là cha tôi, mất đã mấy năm, tôi tiếp tục công việc hương khói cho Cụ”. Sự kế thừa này khiến tôi rất xúc động, hỏi thăm thêm để biết về “ông già” và nắm chặt tay người con trai ông giây lâu.


VIẾNG ĐỀN MỘ TRẤN QUẬN CÔNG

Ca dao Quảng Ngãi có câu:

  Ai qua núi Phước rừng Lăng.
Gặp dinh Ông Trấn dừng chân cúi đầu.

Núi Phước còn gọi là núi Ông, núi Ông Trấn, núi Trấn Công. Rừng Lăng vì có lăng ông Trấn. Có tư liệu còn nói núi Phước là Ngũ Phước sơn, có nhiều dơi. Ông Trấn, Trấn công là cách gọi tôn kinh của dân địa phương với Bùi Tá Hán.

Theo Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Quảng Ngãi, mục Nhân vật:

Bùi Tá Hán người huyện Chương Nghĩa, làm quan triều Lê Anh tông, chức Bắc quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự, Quảng Nam Tổng trấn. Đến lúc Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, Tá Hán đem binh sĩ dinh Quảng Nam theo giúp. Buổi đầu khai quốc có công lao, khi mất được tặng Thái bảo và cho Thụy là Thành cảm địch nghị uy vọng huân đức chiêu tá mậu tích tuyên uy tôn thần. Các triều trước khen là sống trung nghĩa, chết anh linh, sai lập miếu và ban cho đồ thờ. Năm Minh Mạng thứ 13 gia phong Khuông quốc Tỉnh biên Thụ đức thượng đẳng thần…

Đại Nam liệt truyện có thêm chi tiết:

Tá Hán khi làm quan, cốt ban ân huệ, vỗ yên quân và dân, trăm họ yêu mến, gọi là Trấn Bắc công…

Vẫn Nhất thống chí, mục Lăng mộ:

Mộ Bùi Tá Hán ở xã Thu Phố huyện Chương Nghĩa. Mục Núi sông: Núi Trấn Công ở cách huyện Chương Nghĩa 12 dặm về phía bắc. Phía bắc núi kề sông Trà Khúc, cây cối xanh rờn, phía đông có đền thờ Trấn Công họ Bùi nên gọi tên thế.

Theo sách của Ngô Văn Ban viết về tỉnh Quảng Ngãi:

Làng Thu Phố huyện Chương Nghĩa xưa, nay thuộc phường Quảng Phú thành phố Quảng Ngãi. Về sau, do xây dựng nhà máy đường Quảng Ngãi nên đền thờ phải dời về Rừng Lăng và có địa danh này. Trong đền có thờ tượng ông và con trai ông là Tứ Dương hầu Bùi Tá Thế.

 

NHÀ XƯA CỦA CỤ CỬ NHÂN PHẠM VĂN NGA

Ngôi nhà xưa ở làng Thi Phổ xã Đức Tân huyện Mộ Đức được xây dựng (phục chế?) theo kiến trúc nhà ở ngày xưa của các vị Nho phong, chức sắc tại vùng nông thôn. Bên trong nhiều hình ảnh, có di ảnh của cụ Phạm.

Quốc triều hương khoa lục ghi về khoa thi hương năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc – 1884:

Trường Bình Định lấy 18 Cử nhân. Bố chánh Hà Tĩnh Nguyễn Đình Tựu làm Chủ khảo, Toản tu Sử quán Nguyễn Liễn làm Phó Chủ khảo. Đậu vị thứ 7 là Phạm Văn Nga, người xã Thi Phổ huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Đồng khoa có Lê Trung Đình người huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Trong 18 người đậu: Quảng Ngãi 5, Bình Định 12, Phú Yên 1. 

Người đậu thủ khoa là Phạm Văn Chất cũng ở xã Thi Phổ huyện Mộ Đức. Khoa này là một trong số các khoa thi tại trường Bình Định có câu ca dao:

  Tiếc công Bình Định xây thành.
Để cho Quảng Ngãi vô dành thủ khoa.

Theo Nguyễn Đăng Vũ, nghiên cứu đối chiếu các sắc phong hiện còn lưu giữ, “suy đoán” chức vụ của cụ Phạm Văn Nga thời triều Nguyễn trước khi hồi hưu là Quang lộc Tự khanh, tòng tam phẩm, chứ không phải Thừa biện bộ Lễ như một số tư liệu nêu ra.

Điểm đặc biệt của ngôi nhà là có một nhà ngõ mái lợp ngói, hai cánh cửa gỗ, tính chất cổ kính. Hai bên nhà ngõ là hàng rào cây xanh thấp. Tổng thể quang cảnh hàng rào và cửa ngõ, nhà ngõ tạo nét thẩm mỹ, sự hài hòa trong kiến trúc và phù hợp phong thủy, không có chức năng ngăn ngừa bọn gian phi xâm nhập. Có lẽ thời xưa nơi này cuộc sống bình yên và cụ Quang Lộc Phạm được mọi người kính trọng nên kẻ trộm cướp không dám làm điều xấu.

Ở Phú Yên trước đây thấy trong vùng đồng bằng, nhiều gia đình có nhà ngõ, một số nhà ngõ lợp tranh, nền đất, cửa song, một số nhà ngõ lợp ngói, nền gạch, cửa bảng. Các loại nhà ngõ không thấy ở vùng miền núi huyện Sơn Hòa.


KIỂM LẠI SÀNG KHÔN

Mọi người đều hoan hỉ với chuyến đi thành công tốt đẹp. Bản thân tôi vui vì được tham gia cuộc du khảo với bằng hữu thân tình và đi là để kiểm tra sức khỏe, thấy hai mặt kết quả đều đạt yêu cầu. Ta thường nói: Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chuyến đi này tôi được học thêm mấy bài về địa dư đất nước, về lịch sử danh nhân, về văn hóa dân gian. Có thể nói là học được nhiều. …

TRẦN HUIỀN ÂN