Sunday, March 17, 2024

3293. NGUYÊN MINH Tản mạn về “Chi Lạ Rứa” của NGUYỄN THỊ HOÀNG

Google images 

Những ngày giáp Tết, trời Sài Gòn trở nên mát mẻ đẩy lui những cơn mưa bất chợt ào ạt mùa đông đã qua. Chúng tôi đã hẹn trước, 4 người: Nguyên Minh, Hoàng Kim Oanh, Nguyên Cẩn và Quang Đặng cùng nhau đi gặp nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tại quán cà phê L’Usine ở quận 7 để chuẩn bị bài vở cho số Quán Văn 102 về chân dung văn học: Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. 

Thật ra, Quán Văn muốn làm số chân dung của Nguyễn Thị Hoàng từ những năm trước nhưng mãi đến bây giờ chúng tôi mới bắt tay vào việc sau cuộc hẹn gặp nhau của chị với chúng tôi.

Đây là lần đầu tiên tôi giáp mặt với một nhà văn nữ mà tôi đã từng mến mộ qua tác phẩm Vòng Tay Học Trò, sau hơn nửa thế kỷ mà chúng tôi cùng sống và làm văn học nghệ thuật tại Sài Gòn. Tôi bên Tạp chí văn học Ý Thức và nhà xuất bản cùng tên. Chị Nguyễn Thị Hoàng chủ trương nhà xuất bản Hoàng Đông Phương. Cùng môi trường văn học nghệ thuật nên tôi biết Nguyễn Thị Hoàng qua những tác phẩm của chị nhưng chưa quen và gặp mặt ngoài đời, mặc dù tạp chí Ý Thức có đăng bài viết về 5 nhà văn nữ trong đó Nguyễn Thị Hoàng là một của Đỗ Nghê do tôi ủy nhiệm.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

Giờ đây, ngồi trước mặt tôi là một người đàn bà có tuổi, dáng dấp mảnh mai, khuôn mặt vẫn còn mang nét sang trọng và quý phái, đội chiếc nón rộng vành, giọng nói vẫn kiêu sa. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt tinh anh của chị bỗng dưng tôi nhớ cả bài thơ:

CHI LẠ RỨA

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!

Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rủ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi!

Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!

Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.

Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.

Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy,
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều.
Đau chi mô có lẽ hận cô liêu,
Mà chi lạ rứa hè, ai hiểu nỗi!

Tui không điên cũng không hề bối rối,
Ngó làm chi thêm tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường,
Không hương sắc, lạ rứa hè, người hỉ?

Tui cũng muốn có một người tri kỉ,
Nhưng đường đời như rứa biết mần răng!
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa


Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô!
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

Người đàn bà mỉm cười bảo: “Sao anh nhớ”.

           Tôi nhớ lại về những năm tháng cũ đã hơn 60 năm qua. Thời đó, tôi từ giã Phan Rang nơi tôi được sinh ra trở về quê nội tiếp tục việc học hành. Những ngày mưa dầm rét mướt ngồi co ro ở dãy bàn cuối lớp trong ngôi trường Quốc Học, tình cờ dưới học bàn moi ra một tờ giấy vở học trò gấp lại, mở ra mới thấy ai đó viết chữ nghiêng rất bay bướm cả một bài thơ mang tựa đề Chi Lạ Rứa mà không thấy tên tác giả. Tôi là người chưa bao gờ thuộc thơ ai cả nhưng không biết sao dù chỉ đọc qua một lần mà tôi lại nhớ mãi đến bây giờ, dù tuổi của người già hay quên. Bài thơ Chi Lạ Rứa trong một thời gian dài tôi muốn biết tác giả là ai mà làm tôi nghĩ đó là những lời tâm sự u uất than thân trách phận của một cô gái Huế. Trách tha nhân xem mình như cỏ mọn hoa hèn, xem mình như loài đom đóm trong đêm. Phải chăng trong tâm hồn tôi, thằng con trai mới lớn, dễ xúc động trước những câu thơ nhìn đời người con gái  buồn như Chi Lạ Rứa, trí tưởng tượng trong tôi về một viễn cảnh đa đoan, suốt cuộc đời sau này đến với tác giả bài thơ Chi Lạ Rứa này. Sau này, tôi bước chân vào nghề làm báo, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật tại Sài Gòn tôi mới biết tác giả bài thơ Chi Lạ Rứa là Nguyễn Thị Hoàng, một nhà văn “nổi loạn” với cuốn tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò. Thời thập niên 50 một cô gái Huế chưa đầy tuổi 16 mà làm thơ lãng mạn như TTKH là một điều tối kỵ với thanh thiếu niên như chúng tôi. Khi rời Huế “theo trai” vào Sài Gòn, Nhã Ca năm 20 tuổi mới dám đăng trên tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa: Tôi làm con gái/ Buồn như lá cây/ Chút hồn thơ dại/ Xanh xao tháng ngày… Còn Nguyễn Thị Hoàng, bài thơ Chi Lạ Rứa được giới học sinh, sinh viên ở Huế chỉ chép tay trên giấy vở học trò chuyền tay nhau đọc mà không dám đề tên tác giả.

          Trong buổi gặp mặt sau mấy chục năm, chị Nguyễn Thị Hoàng cho chúng tôi biết bài thơ này chị làm từ cảm xúc một buổi chiều ngồi dưới gốc phượng già nhiều người qua lại cứ dán mắt nhìn người con gái bé nhỏ đang thả hồn theo mây gió làm chị tủi thân.

         Suốt cả buổi gặp nhau này tôi thường im lặng và nhìn chị đang cúi mặt tay cầm bút viết tặng chúng tôi vài tập sách của chị đã xuất bản lại mấy năm nay. Trong ý nghĩ của tôi khi làm thơ Chi Lạ Rứa chị thổ lộ sự yếu đuối buồn phiền bao nhiêu thì với văn xuôi tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng lại trái ngược hoàn toàn, nó như một ngòi nổ làm xôn xao giới phê bình văn học lẫn dư luận xã hội về tác phẩm Vòng Tay Học Trò. Thời đó tôi đọc say mê tác phẩm này với sự phản kháng tâm hồn như một mới mẻ trong văn chương. Bỏ qua những định kiến của xã hội về tình yêu trai gái trong học đường nhất là giữa thầy giáo với cô học trò thì làm sao chấp nhận giữa cô giáo với cậu học trò. Nguyễn Thị Hoàng đã làm cách mạng về nữ quyền. Trong văn chương chẳng những tôi đã phục tài hoa của chị rồi mà cả bản lĩnh trong đời sống. Nhất là thái độ can đảm của một người con gái đứng trước tòa án dám nhận trách nhiệm của mình đã gây ra, chính mình tự ý dâng hiến đời con gái với người thầy mà cô xem như thần tượng. Cô giao đứa con gái đầu lòng đó cho vợ chồng thầy giáo. Tất cả tiếng xấu cô chịu một mình. Chuyện này gây xôn xao dư luận cả thành phố Nha Trang. 

Sau đó Nguyễn Thị Hoàng vào Sài Gòn tiếp tục học Đại học, rồi lên Đà Lạt, dạy học. Cũng tại xứ sương mù này chị chuyển qua viết văn. Tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò ra đời. Đó là tác phẩm văn chương mà theo tôi: giữa thực và hư cứ lẫn vào nhau, thực từ đời sống đã trải qua của tác giả, hư từ viễn mộng về những giấc mơ.

Nhân vật cô giáo Trâm sao không hẳn là cô học trò tên Hoàng. Không gian sương mù sao không là bãi biển. Cao nguyên không là bình nguyên. Đà Lạt khác gì Nha Trang. Cậu học trò tên Minh cũng có thể thầy giáo Cung Giũ Nguyên. Cô giáo yêu học trò. Ngược lại học trò yêu thầy giáo. Chỉ đổi vai vế thôi mà. 

Có khác chi mô mà Chi Lạ Rứa.

Phải không nhà thơ một thời giấu tên?

Phải không nhà văn Nguyễn Thị Hoàng? 

NGUYÊN MINH

Đầu năm Giáp Thìn - 2024