Wednesday, March 20, 2024

3296. QUAN SAN (1942-2022) Mười bài thơ.

Nhà thơ Quan San (1942-2022)
Ảnh Phạm Cao Hoàng chụp trên cân gác 32 Tăng Bạt Hổ (Đà Lạt, 1973)
Quan San tên thật là Bùi Văn Lâm, tác giả tập thơ
GIỮA MUÔN NGÀN LY BIỆT
do Nguyễn Sông Ba và NXB Đồng Dao thực Hiện năm 1974.
Dưới đây là 10 bài thơ trích từ tập thơ này.

1.
SÔNG VÀ NGƯỜI
 
Nhặt một viên đá cuội
Ném xuống giòng nước trong
Sói bóng đời hiu hắt
Vỡ tan theo từng vòng
 
Dăm cánh bèo mới nở
Trôi dật đờ trên sông
Quanh tháng ngày mòn mỏi
Phận bèo cũng long đong
 
Nhặt một viên đá cuội
Ném vào bờ đá xanh
Sông ngàn năm vẫn chảy
Vẫn xuôi đi một giòng
 
Ta vòng qua hướng bão
Con chim bói cá buồn
Bay trong chiều ảm đạm
Mờ mờ trong hơi sương
 
Nhặt một viên đá cuội
Ném vào hồn vô tâm
Bóng đời ta đổ xuống
Vỡ tan theo mịt mùng.
 
 
2.
NGÔ ĐỒNG
 
Gió quyện, sương pha mờ bóng nguyệt
Thênh thang trải xuống khỏi tinh cầu
Đàn ai khéo gẩy ngân thành gió
Gõ nhịp đều như tiếng vó câu
 
Lóc cóc khua vang chiều tiễn biệt
Ngậm ngùi se sắt khúc ly tan
Nhịp đời vẫn xoáy trong cơn lốc
Lạnh buốt hồn ta một tiếng đàn
 
Lồng lộng quanh năm mùa gió chướng
Không ngưng vùi dập bước quan san
Người đi biền biệt theo năm tháng
Bóng đổ, chiều nghiêng giọt nắng tàn
 
Gió thổi quay cuồng tung bão cát
Bồng bềnh ta giữa cuộc tang thương
Hờn lên ngun ngút sâu đôi mắt
Vẫn giả cười vui với nhiễu nhương
 
Đôi khi ta như người ẩn sĩ
Chiều thu đi nhặt trái ngô đồng
Đôi khi ta như tên đãng tử
Giữa chợ đời nghêu ngao hát rong
 
Đôi khi say khướt trong cuồng nộ
Muốn đập cho tan cả cuộc đời
Nhưng hỡi thân chỉ là cát bụi
Là con nước vỗ cánh bèo trôi
 
Tháng năm đã mệt nhoài cơm áo
Còn gì để nhớ đến quê hương
Còn gì để hát cho con nước
Ngửa mặt reo vang một trận cười.
 
 
3
GIỮA MUÔN NGÀN LY BIỆT
 
Y sống như một người thầm lặng
Những đêm trăng xao xác canh gà
Những đêm mưa tiếng nước xối hiên nhà
Tiếng động mạnh xạc xào trong huyết quản
 
Y sống như con chim bị đạn
Mười năm bay lảo đảo cuộc đời
Mặt đất vẫn vi vu những bước chân người
Những tiếng thở, tiếng run và tiếng thét
 
Y đang sống giữa muôn ngàn ly biệt
Bóng người đi lẩn khuất người về
Khoác vào lưng chiếc áo thương hồ
Hãy bước tới hỡi con người lãng mạn
Y vẫn sống dưới trời ly tán
Đời tặng y thứ hạnh phúc buồn
Mười năm qua đi không một tiếc thương
 
Lắng tai nghe trong cõi vô cùng
Có tiếng ngáp của đàn muỗi đói
Có cả tiếng con thằn lằn tặc lưỡi
Tiếng nước reo của lũ mối đùn
 
Y sống như một kẻ cùng đường
Lòng đã nặng những lần tan vỡ
Lúc bó gối ngồi quanh quẩn nhớ
Khi khoanh tay ngồi nhớ quẩn quanh
 
Một tiếng chim rớt giữa đêm trăng
Hồn y lạnh với hồn cố lý
Đời mai phục y, nên y phải lụy
Tới rồi lùi đụng mãi cuộc đời
 
Có thở than cũng một kiếp người
Y vẫn sống dù không mấy khi hăm hở
Dưới biển đông con kình ngư nó thở
Bên rừng tây con cọp nó gầm
 
Sống ở đây như một kẻ lặng thầm
Đời rình rập tặng y nhiều khốn đốn
Mười năm qua biết đâu là nơi chốn
Chẳng mong gì có lúc dừng chân
 
Chiều ra sông thấy nước mênh mông
Sáng ngó núi ôi mịt mờ quê cũ
Đám mây trắng khi tan khi tụ
Máu trong y lựa chọn tụ lúc tan
 
Cứ im hơi những lúc trọn canh tàn
Hồn y dội ngàn cơn hiu hắt
Có ai nghe những hồi khuya khoắt
Tiếng thở dài y vọng suốt ngàn năm
Mười năm qua đi còn lạnh một chỗ nằm.
 
 
4.
ĐIỆU BUỒN
 
Tường xiêu mái dột đùa hơi gió
Điệu buồn ai hát giọng à ơi
Ánh mắt soi lên thời lỡ vận
Cắn răng ta sống để trông đời
 
Đời đã u buồn hơn tiếng hát
Mong gì có được một ngày vui
Tro tàn bếp lạnh còn le lói
Chút lửa soi nghiêng héo nụ cười
 
Ta có một đời cơm gạo đỏ
Ấm lòng cũng thấy chút nguôi ngoai
Đêm đêm mắt trắng nằm thao thức
Đời vẫn buồn hơn tiếng thở dài
 
Ta có một đời luôn thiếu gạo
Trông con ăn để lại cơm thừa
Một đời đốt lửa làm chăn ấm
Vách hở, tường xiêu kẽ gió lùa
 
Một đời mà long đong chín kiếp
Thân xác đau như đến rã rời
Cắn chặt răng nghe trời trở gió
Điệu buồn lên át tiếng mưa rơi
 
 
5.
SẦU NGHIÊNG ĐÁY CỐC
 
Sóng rượu quay vòng lưng đáy cốc
Sợi nghiêng sắc mặt lạnh như tiền
Đêm đen vỡ tiếng người trai trẻ
Mắt đỏ sầu lên mấy nỗi điên
 
Vuốt mặt báo lần ta đã hỏi
Còn gì đây cho ở ngày mai
Bao lần vuốt mặt ta còn hỏi
Tuổi trẻ mà sao đã thở dài
 
Những sớm, mai, chiều bên chén đắng
Âm thầm ta uống trọn tàn phai
Run run ta thở trong hiu hắt
Khe khẽ ta ngâm khúc nhạc đời
 
Ta nhếch môi nghiêng cười nửa nụ
Hỏi đời đã mấy cuộc đổi thay
Hỏi trăng đã mấy lần trăng khuyết
Và hỏi hồn ta mấy chết ngây!...
 
Lồng lồng hôm nào trời trở gió
Nghe như trăng chết rụng bên thềm
Giơ tay đập nát cơn cuồng nộ
Vỡ tiếng ta cười trong bóng đêm.
 
 
6.
NHỮNG GIỌT NẮNG TÀN PHAI
 
Thôi thóp bên đời tia nắng quái
Chiều buông giẫy chết cội thông già
Nửa vầng trăng mọc ngang triền núi
Vỡ xuống quay cuồng bóng với ta
 
Ta thét vang giữa chiều lộng gió
Cuồng điên chạy kiếm bóng sao rơi
Nhưng hỡi ơi chỉ là sương khói
Là những tàn phai hiu hắt rơi
 
Tháng năm khéo dệt màu hư ảo
Sắc lá xanh mà nhụy úa tàn
Giấc mơ cũng chỉ là ảo ảnh
Rồi tan như những bóng mây tan
 
Để chết dưới vầng trăng cô độc
Hồn trôi theo những áng mây chiều
Đồi thông sẽ vỡ ngàn tia nắng
Rụng xuống đời ta quá hắt hiu
 
Hắt hiu thôi cũng là hiu hắt
Ngày tháng ôm quanh những mỏi mòn
Ngửa mặt ta cười như ứa máu
Điệu buồn chim hót rụng đầu non!
 
 
7.
NGHIÊNG NỬA NỤ CƯỜI
 
Trăng tàn quán lạnh nghiêng triền dốc
Ánh lửa đêm soi bóng lập lòe
Khói thuốc tàn như thời tuổi trẻ
Vùi đầu quanh những cuộc đỏ đen
 
Cùng nhau giẫy chết trong canh bạc
Còn hơn mang nặng kiếp súng gươm
Dù cho chết ngất trong men rượu
Còn hơn đêm thức trắng biên cương
 
Ta đã quên đi thời tuổi trẻ
Đêm đêm bên những cuộc săn người
Đáy mắt sâu hơn lòng giếng cạn
Mỏi mòn kiếp sống thở tàn hơi
 
Mỏi mòn kiếp sống thở tàn hơi
Đời chẳng vui qua nửa nụ cười
Ta đã quên đi thời tuổi trẻ
Quên đi như sóng rượu quên đời
 
Dẫu tiếc thời xanh ta đã mất
Cũng đành ngửa mặt đếm sao rơi
Trăng lên vẽ bóng người thiên cổ
Quán lạnh sầu nghiêng nửa nụ cười.
 
 
8.
VỠ ĐỜI CUNG KIẾM
 
Gió quyện tung lên mờ cát bụi
Bên trời hiu hắt bóng tà dương
Có kẻ chiều này như quá chén
Rượu suông say khướt quán bên đường
 
Hãy uống nữa đi người tuổi trẻ
Uống đi cho một buổi tan tành
Uống đi cho hét đời ô nhục
Ngun ngút hờn nghiêng sóng mắt xanh
 
Ngất ngưởng cười vang bên chén đắng
Chiều tàn khua lóc cóc, leng keng
Dù cho gió chướng lên lồng lộng
Rượu suông ta cứ uống say mèm
 
Chén này, chén nữa thêm chén nữa
Men nồng thơm át máu hôi tanh
Giơ tay đập vỡ đời cung kiếm
Vỡ đá cưỡi mơ chút yến oanh
 
Ta đã hơn nửa đời lính thú
Nửa đời múa kiếm chém anh em
Ta đã hơn nửa đời khổ nhục
Tưởng chừng thân xác đến cuồng điên
 
Chiến chính sao mãi là chính chiến
Tuổi trẻ tàn phai theo nhiễu nhương
Tuổi trẻ biến thành loài dã thú
Giở trò ném đuốc đốt quê hương
 
Quê hương! hề quê hương
Biên cương! hề biên cương
Rượu suông hề! rượu suông
Tang thương cuộc tang thương!
 
 
9.
CHIM XA RỪNG THƯƠNG CÂY NHỚ CỘI
 
Ở đâu đó có giòng suối ngọt
Chảy trong lòng của mẹ hiền tôi
Ở đâu đó có thương và nhớ
Từ khi tôi biền biệt phương trời
 
Tôi có ba năm làm khách lạ
Và có ngàn ngày để ngóng quê xưa
Nhớ biết mấy những trưa ngủ muộn
Tiếng võng đưa theo giọng ầu ơ!...
 
Thương biết mấy những hàng rau, luống cải
Dăm liếp cà và bãi sắn, nương khoai
Có bóng cha tôi đo sức cùng với đất
Sáng, trưa, chiều đổ giọt mồ hôi
 
Ngoảnh trông lại năm tàn, tháng lụn
Chiều bên đồi ngắm cảnh, nhớ quê
Bước quan san tôi còn xuôi ngược
Dù đôi khi thấy mỏi vó giang hồ
 
Ở đâu có giòng sông trắng
Chảy trong hồn của kẻ tha hương
"Chim xa rừng thương cây nhớ cội"
Bên kia đồi nghi ngút khói biên cương
 
 
10.
MỘT CHÚT TÌNH GỬI QUÊ HƯƠNG
 
Hiệp định Genève vừa ký kết
Là hơn hai triệu người gạt lệ ra đi
Genève! Genève!
Chữ Genève nghe huy hoàng rạng rỡ
Nhưng bên trong là nhũng đám mây mù
Là cuộc chiến tiếp theo đầy nước mắt
Genève! Genève!
Mới nghe qua thấy thật êm đềm
Thật ngọt ngào những vẫn chút chua cay!...
 
Rồi cuối mùa đông một chín năm tư
Những hoa soan nở muộn
Bay ngẩn ngơ trong gió
Và rụng đầy xuống khắp đường phố
Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng
Thăng Long ơi chiều rơi tan tác
Còn đường xưa không bóng ai qua
Thênh thang rụng đầy hoa sấu
Không còn bóng cô gái Hà Nội choàng khăn rét
Đi trong sương lạnh của mùa đông
Không còn tiếng guốc reo vang trên hè phố
Chân bước thênh thang đám học trò
 
Ai qua Long Biên
Ai về Hà Nội
Ai xuống Hải Phòng
Người đi đâu hỡi, về đâu hỡi!
Để lòng ai se sắt ngậm ngùi
Cho nước sông Hồng dâng cuồn cuộn
Như làn sóng người di cư vào Nam
Tôi cũng theo chân mẹ tôi
Vẫy tay giã từ Hà Nội
Ngửa mặt trông mây bước ngậm ngùi
 
Phút ly hương nhắc  chút gì nhơ nhớ
"Thuở ấy tôi mới ba tuổi đầu
Mà đã mồ côi cha
Mờ bóng mộ cha tôi rừng chiến khu Việt Bắc
Ấu thơ chưa lật qua trang sách
Và tôi cũng chưa biết căm hờn
Mẹ tôi thường hát lời khuyên trẻ
"Hận thù là nuôi dưỡng chiến tranh"
Hôm nay tôi như cánh bèo vừa mới nở
Theo mẹ hiền chân bước long đong
Bồng bềnh trời theo làn sóng người di cư
Ra đi không có nghĩa là vĩnh biệt quê hương
Là quên bỏ ruộng đồng.
 
Còn tàu giã biệt quê miền Bắc
Rẽ nước sông sâu bến Hải Phòng
Người đi, kẻ ở giơ tay vẫy
Cho nhau thêm nát ruột, tan lòng.
 
Tàu cập bến tôi xuôi về Rạch Giá
Kẻ Đồng Xoài, người Bến Cát, Hố Nai
Cùng nhau vỡ đất gây mầm sống
Hoa tươi, trái ngọt nở quanh mùa
Rồi tôi lớn lên giữa ruộng đồng miền Nam
Miền Nam cũng giống như miền Bắc
Cũng anh hùng như mảnh đất Thăng Long
Cũng thênh thang như bóng mây Hà Nội
Mạch sống bao la như bến nước Hải Phòng.
 
Có những đêm nhìn trời sao lấp lánh
Tôi mơ về Hà Nội, Thăng Long
Thấy Long Biên soi đáy nước sông Hồng
Và Thê Húc ai qua bay tà áo
Giấc mơ nhắc tôi càng thêm nhớ
Nhớ nước Hồ Gươm soi bóng cây
Nhớ hồ Trúc Bạch đền Quan Thánh
Thương trời Hà Nội gió heo may
 
Rồi ngày tháng qua đi
Những buổi chiều êm ả
Tôi cậu bé học trò mười lăm tuổi
Chân bước bâng khuâng cắp sách đến trường
Đời niên thiếu buồn vui qua trang sách
Nhưng một hôm sau giờ tan học
Tôi bỗng nghe thấy tiếng đạn nổ, bom rơi!...
Mới sực hiểu rằng
Đây là cuộc chiến tiếp theo
Sẽ tang thương và rơi nhiều nước mẳt
Cho ruộng đồng miền Nam
Cũng như ruộng đồng miền Bắc
Cày sâu loang lổ dấu đạn, bom...
Thăng Long ơi! Quay cuồng trong bão lửa
Mảnh đạn đồng xoáy nát gãy Long Biên
Lòng tôi se sắt lại!!!
Giấc mơ Hà Nội vỡ tan tành!.

QUAN SAN


Bìa tập thơ GIỮA MUÔN NGÀN LY BIỆT.
Tập thơ này do Nguyễn Sông Ba đánh máy, kẻ chữ và thiết kế bìa, 
thực hiện luôn việc in ấn tại Đà Lạt năm 1974.

Quan San bên cạnh Hồ Xuân Hương, Đà Lạt
Ảnh Phạm Cao Hoàng (1973)

Hoàng Kim Chi và bà Quan San
(Ảnh Nguyễn Hữu, Thủ Đức, 18.3.2024}

*
TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG
chân thành cám ơn gia đình nhà thơ Quan San và các bạn
Nguyễn Hữu + Hoàng Kim Chi đã sưu tầm, cung cấp cho chúng tôi
hình ảnh, bài vở  thực hiện trang tưởng niệm này
để cùng tưởng nhớ một người bạn tốt,
một tâm hồn thơ tuyệt vời