Tuesday, April 9, 2024

3323. ĐÀO NHƯ Sông vẫn vượt ngàn.

Google images
 

Cách đây vài hôm, bà giám đốc trịnh trọng nói với ông “Thưa bác sĩ, tháng sáu năm tới, bác sĩ đúng 68 tuổi. Chúng tôi muốn dành thời gian quí báu còn lại của bác sĩ cho gia đình bác sĩ…và xin bác sĩ hiểu cho thời thế đã thay đổi…”

     Thật sự vấn đề ‘về hưu’ ông đã quan tâm từ lâu, nhất là từ năm 1999, khi khả năng thính giác của ông bị suy sụp tệ hại. Ông đã nói chuyện này với vợ cũng như thư điện với các con nhiều lần. Nhưng khi nghe bà giám đốc nói như vậy ông cũng cảm thấy nao nao, cảm thấy mình đang cố bám víu một điều gì xem chừng nghịch lý. Năm tới tuổi của ông 68, tuổi bào mẫu là 69, coi như gần ‘thất thập cổ lai hy’. Ông cảm thấy mình đã nhận khá nhiều ân huệ, đáng lẽ ông phải về hưu, theo luật định, ở tuổi 65 cách đây gần 3 năm.

   Cưu mang lắm việc rồi đến lúc về hưu ta cũng phải tự hỏi, ta làm được những gì cho đời? Trong quá khứ ta nhận biết bao ân huệ từ gia đình và tổ quốc. Lớn lên trong chiến tranh, hư hao đổ nát, mang nhiều ước vọng vào đời, phục vụ đất nước chưa đầy mươi năm, trôi giạt xứ người, cuộc sống lưu vong của ông thật là hẩm. Đến Mỹ tháng 11 năm 79, ông không thể nào có cơ hội trở lại nghề bác sĩ tại Mỹ. Ông hài lòng với nghề tư vấn tâm thần vì với nghề này, ông có cơ hội trở lại phục vụ cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Ông đã được nhận là giám đốc chương trình Bịnh Tâm Thần cho người tị nạn Đông Dương tại hội tương trợ người Á châu Asian Human Services tại Chicago. Năm 1994 ông viết đề án-proposal- đứng ra thành lâp Trung tâm Phuc Hồi Chức Năng Tâm Thần Xã Hội- Pscho Social Rehab Center- tai Chicago dưới sự hỗ trợ của hội Asian Human Services in Chicago. Cuối cùng ông được chính phủ Liên bang Mỹ chuẩn thuận với sự tài trợ (funding) khá đầy đủ cho hàng năm. Nhờ vậy, ông lúc nào cũng thấy phấn khởi. Năm nay ônh đã 68, ông vẫn chưa bao giờ an phận dừng chân, an nghỉ.

     Ông chiêm nghiệm đời người như một dòng sông. Phát nguyên từ nguồn cao, vượt bao nhiêu ghềnh thác, dòng sông càng trôi xa càng thay đổi. Càng trôi dòng sông càng tiếp nhận nhiều phụ lưu, lòng của dòng sông càng mở rộng, nhịp trôi luôn luôn thay đổi, có lúc nông, lúc sâu, lúc nhặt, lúc khoan, có lúc cuồn cuộn vươn cao, có lúc đổ nhào xưống vực sâu, dòng sông vẫn miệt mài trôi, mang nặng phù sa tạo nên những nương, những bãi, những cồn những thôn xóm làng mạc, đất nước. Đã có biết bao nền văn minh và xã hội dựng lên từ những dòng sông. Khi trôi đến cửa biển dòng sông hội nhập vào đại dương, mang đến đại dương nguồn nước mới, những chất liệu mới, những sinh khí mới…và trôi mãi đến vô cùng. Dòng sông đời cũng miệt mài trôi khi đến tuổi hưu, như dòng sông đến cửa biển, với niềm khao khát và ước vọng hội nhập cùng thế giới. Hưu không có nghĩa là đời người ngưng đọng lại, ông luôn luôn quan niệm, hưu là điểm khởi đầu cho một hành trình mới.

        Nhiều lúc ông tự hỏi sao ta lại dấn thân lắm việc. Không hiểu một thôi thúc nào đó đã réo gọi ông đi vào muôn ngả của đời. Ông vẫn thấy mình vẫn còn trẻ. Ông thường khoe với người bạn vong niên, những đường gân những cơ bắp ông có. Những cánh buồm xa trên biển vẫn vẫy gọi ông. Sau đôi mắt đẹp của người con gái vẫn còn là những thiên đường ước mơ. Ông chan chứa yêu đời yêu người. Những buổi sáng cuối Thu khi đi làm, ông vẫn chọn cravatte cho hợp với ngày thu muộn, đẹp và buồn. Ông vẫn còn mong ngóng những buổi chiều cuối tuần. Có những đêm giọt mưa Thu không ngừng gõ vào hồn ông tiếng gọi lên đường. Ông thường đưa bà, vợ ông, vào những buổi xế chiều mùa Hạ, đến Ravina, trung tâm trình diễn nhạc thính phòng ngoài trời tại Chicago. Cũng như những đôi nam nữ khác, ông bà cũng ngồi tựa bên nhau trên bãi cỏ nghe ca nhạc thính phòng. Có lần cũng nơi ấy ông bà gặp Đặng Thái Sơn trình diễn dương cầm những tình khúc của Fréderic Chopin. Trong nắng hoàng hôn hôm ấy, ông mơ thấy ánh mắt tình tự của George Sand tha thướt trên những trang tiểu thuyết trữ tình. Trong chín năm qua ông dồn hết những hiểu biết, ân huệ đời ban cho, với số vốn chữ nghĩa học được từ đất mẹ, ông thực hiện tập truyện ngắn “Câu Lạc Bộ 309.81”. Ông rất thú vị khi thấy tập truyện ngắn của ông được vô vàn độc giả niềm nở đón nhận. Có nhiều người phát biểu những cảm nghĩ sâu sắc về tác phẩm của ông ngay tại buổi ra mắt sách tại ngân hàng Bridgeview-Bank Chicago. Hy vọng chăng, văn học nghệ thuật là hành trang mới cho ông lên đường?

     Có những chiều ông về muộn. Một mình ngồi trong văn phòng. Nơi đây ông đã tư vấn vô số người và vô số gia đình trong 20 năm qua. Họ là đồng hương, đều là nạn nhân của chiến tranh. Đồng cảnh ngộ cho nên sự cảm nhận của ông với hoàn cảnh của bệnh nhân thật sâu sắc. Họ là người đồng hành với ông trên đường đời. Ông cảm thấy có sự ràng buộc thiêng liêng nào đó. Quyết định về hưu thì dễ, nhưng xa bịnh nhân xa văn phòng mà ông đã ngồi đó suốt trong 20 năm qua, ông không khỏi ngậm ngùi.

       Trên đường về nhà, trên xe điện, ông suy nghĩ về ngày nghỉ hưu gần kề. Ông cảm thấy buồn vì còn nhiều người cần sự giúp đỡ của ông. Ông cảm thấy mình là kẻ đào ngũ trước trách nhiệm. Ông nghĩ chấp nhận về hưu là một việc làm nhẫn tâm với lương tri mình. Tối hôm ấy ông về nhà muộn, vợ ông mở cửa ông vào. Thấy mặt ông có vẻ dàu dàu bà hỏi:

    - Sao anh về muộn vậy? Anh ở lại trễ tranh thủ với bà giám đốc để anh tiếp tục làm việc? Anh không muốn về hưu sao? Không đâu anh, già rồi thì phải về hưu chớ! Trông anh cũng mệt mỏi rồi. Mình phải ra đi thôi, nhường chỗ cho người trẻ hơn họ đến. Biết đâu người thế anh trong tương lai, họ có thể hiểu bịnh nhân hơn anh, họ có thể giúp đỡ bịnh nhân hữu hiệu hơn anh.

   Ông không ngờ những lời vợ ông nói thật sâu sắc và ủy lạo ông rất nhiều. Ông thầm cảm ơn bà. Thấy mâm cơm dọn sẵn và chờ đợi ông, ông xin lỗi bà đã về trễ. Ông lên tiếng mời bà ngồi lại ăn cơm. Thấy bà mang lại mâm cơm ngọn nến hương, ông hỏi:

     - Sao hôm nay tình thế? Chúng ta ăn cơm dưới ánh sáng của nến à!

Nghe thế, bà cười, bà hỏi lại ông:

     - Anh có nhớ hôm nay là 23 Tây? Ngày mai là 24 tháng Chạp, lễ Giáng Sinh không anh?

    Nghe bà hỏi thế, ông kêu ‘ha’! Hai bàn tay ông ôm lấy đầu. Một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn ông. Ông thầm thì:

     - Ta già đến thế sao!

    Ông nghe bà an ủi:

     - Không đâu anh, anh còn trẻ và chúng ta còn trẻ. Nhưng đôi lúc cũng phải biết quên chớ anh. Không nên cứ mãi ràng buộc mình với đời, khổ lắm anh ạ.../.

Đào Như