Wednesday, July 19, 2017

35. Truyện ngắn NGUYỄN MINH NỮU Hảo hán cuối cùng



Lương Sơn Bạc vỡ. Đám đầu lĩnh chủ hòa đã thắng. Lá đại kỳ màu vàng tươi thêu bốn chữ Thế Thiên Hành Đạo đã kéo xuống đem để vào góc nhà, trông lù lù như một đống rác chưa kịp đổ. Thay thế vào vị trí kiêu hãnh đó, từ buổi sáng hôm nay, là dải lụa trắng, nó hẹp bề ngang mà quá dư chiều dài, phơ phất trong gió, mường tượng như mảnh khăn tang.
 Đại cuộc coi như ngã ngũ, ngày mai quân Tống lên núi, đám lính đói khát, mặt mày xanh xao với thói quen đánh đâu chạy đó kia sẽ được tiếp đón như những vị anh hùng. Sẽ không có gì thay đổi được sự việc cuối cùng này. Bên ngoài thì vậy, nhưng trong lòng những đầu lĩnh dường như không phải vậy.
Phản ứng mỗi người không giống nhau. Có người vứt bỏ nhung trang đao kiếm, thay đổi thường phục, một mình xuống núi, bỏ đi như bỏ chạy, vội vàng lúng túng. Có người lại thu gom những nhung trang đao kiếm đó, rồi cùng đám lâu la thuộc quyền quẩy gánh xuống núi, họ nói rằng họ trở lại vùng đất khi xưa của họ, nơi họ đã bỏ đi khi gặp Tống Giang, và ngỡ rằng đã gặp minh chủ. Nhiều người đang tụ tập ở lều quân sư Ngô Dụng, họ đang đuợc trấn an là triều đình rất nhân nghĩa, chắc chắn không ai hỏi tới những công việc đã qua. Có người đang nghĩ tới việc thu hồi nhà cửa đất đai, nhân tình tì thiếp cũ, có người cân nhắc tới năng lực và những chức quan lại có thể được ban thưởng, rồi ngồi vuốt râu cười một mình.
 Còn nữa, có người cũng bỏ xuống núi, nhưng không phải đi về phương nam mà đi về phương bắc, họ xăm xăm chèo thuyền qua lạch, nhắm vào dãy doanh trại quân Tống. Họ đi tay không, nhưng trong đầu họ là những bí mật của sơn trại mà họ may mắn nắm giữ. Họ muốn dâng công hay họ muốn trao đổi?
 Bóng đêm đang đồng lõa với họ.
Lê Tùng đứng đây và Lê Tùng thấy hết. Còn Phạm Tuấn, hiện giờ Tuấn ở đâu, có nhìn thấy như Tùng hay không?
Lê Tùng là một lâu la mới lên núi chưa đầy ba tháng. Ở tuổi hai mươi sống giữa vùng chiến sự, Tùng ý niệm rõ ràng về Thiện Ác. Người ta chỉ nói tham quan ô lại, Nhưng Tùng nhìn rõ sự người bóc lột người. Tùng nhìn rõ đồng tiền kiếm ra bằng mồ hôi, đôi khi bằng cả máu nữa, đã bị lấy đi không thương tiếc bởi những kẻ có quyền. Người ta nói tới uất hận đau thương, còn Tùng thì chính tay mình đã sờ được vào vết roi khảo của, mũi mình ngửi được mùi tanh của máu và tai còn lùng bùng tiếng trống họp đêm.
Ở tuổi hai mươi, chưa biết yêu thương mà chai mặt với hận thù. Tùng hiểu được sự yếu đuối của một cá nhân trước đám đông, và nỗi vô vọng khi chiến đấu đơn lẻ. Cho nên Tùng lên núi.
Tùng trở thành Chấp Kích Lang cho đại đầu lĩnh Lâm Xung. Và trong đêm cuối cùng của sơn trại này, Lê Tùng còn làm nhiệm vụ người gác cửa.
 Từ chiều tới giờ, nghĩa là từ lúc rời Tụ Nghĩa Sảnh trở về, Báo Tử Đầu Lâm Xung vẫn đi đi lại lại trong trướng. Chỉ có một mình, lâu lâu có tiếng động của xô đẩy, đổ vỡ, và cả tiếng gầm gừ. Đột nhiên tiếng xoảng của bình rượu vỡ, rồi tiếng Lâm Xung:
-Có ai ở ngoài đó không?
-Có tôi.
Lê Tùng chạy vào.
-Ngươi là ai?
-Tôi là người đứng gác đêm nay.
-Gác? Ngươi gác ai? Gác giặc hay là gác ta? Giọng Lâm
Xung khinh bạc. Gác ta thì làm sao ngươi có khả năng đó, còn gác giặc, thì hôm nay đâu chỉ có giặc ở bên kia bờ lạch, mà giặc đang ngồi trên ghế chéo giữa Tụ Nghĩa Sảnh  ngươi gác làm sao?
 Lê Tùng đứng yên, câu hỏi đó không phải dành cho chàng dù chàng đang nghe. Lâm Xung cũng nghĩ vậy nên không chờ câu trả lời. Lâm Xung lại hỏi:
- Ngươi tên gì?
-Tôi là Lê Tùng.
-Ngươi lên núi lâu chưa?
-Tôi tụ nghĩa được gần ba tháng.
-Tụ nghĩa? Lâm Xung cười nhạt, ngươi đem Nghĩa lên núi mà tụ, hay ngươi tưởng trên núi có Nghĩa mà ngươi lên?
-Tôi lên núi vì đại nghĩa của sơn trại.
-Vậy ngươi đã thấy ngươi lầm rồi chứ?
-Tôi không lầm.
Lâm Xung ngồi bật thẳng dậy, mắt trợn lên, nói như quát, ngươi nhìn thấy đại nghĩa của sơn trại này hay sao?
- Không có.
- Nghĩa là sao?
- Dù dưới lá cờ Thế Thiên Hành Đạo, sơn trại cũng chưa bao giờ biểu thị được đại nghĩa mà nó nhân danh. Nhưng cá nhân từng  đầu  lĩnh, thấp thoáng lại có phong cách  người  nghĩa  sĩ. Chính  phong  cách đó từ ngoài nhìn vào cứ tưởng họ đại diện cho cả sơn trại.
Tiếc thay...
-Tiếc sao?
-Tiếc là kẻ đại diện cho cả sơn trại lại không có phong cách đó.
Lê Tùng ngừng lại một giây để lấy hơi:
- Họ có phong cách khác, phong cách của mẫu người bất nghĩa.
 Lâm Xung đã đứng dậy bước từng bước chậm, giọng buồn, phải chăng ngươi đang ân hận vì lỡ sa chân vào chốn này?
-Tôi không ân hận, chủ tướng! Tôi không ân hận vì tôi đang phục vụ dưới quyền một người Nghĩa Sĩ.
- Nói bậy. Lê Tùng, hãy nghe ta nói đây. Khuất thân thờ người mà không được người dùng là một điều nhục. Nhưng điều nhục đó có thể nhịn được. Còn đã được người dùng mà không tận được sức mình, không mở được cái chí của mình, làm nhục đến cả người dùng mình, thì nhục nhã chất chồng. Nhục nhã chất chồng thì sĩ diện cũng không còn, sĩ đâu ra nữa mà nghĩa sĩ...
 Tiếng nói Lâm Xung mỗi lúc một lớn, nói như hét. Khuôn mặt vuông, hai hàm răng nghiến lại bỗng bạnh ra như mặt hổ phù. Lâm Xung quay mặt vào phía khác, rồi chậm chậm đi về giữa trướng. Khi tới trước chiếc ghế chéo vẫn ngồi, Lâm Xung chống mũi cây đao xuống đất, để hai tay lên trên đuôi đao, mặt ngước lên, mắt đăm đắm nhìn vào chữ Lâm thêu bằng kim tuyến vàng trên nền vải đen, lá cờ vẫn thường theo Lâm ra trận. Lá cờ treo ngang tầm nhìn, ngay ngắn sau lưng ghế, chính giữa lều đại tướng.
 Lê Tùng còn nhiều điều cần nói ra, nhưng bây giờ không phải là lúc, nên Lê Tùng đứng yên, và đợi.
 Đêm có lẽ đã sâu, trên cao có ánh sáng mờ nhạt của trăng và trong tâm có bóng tối của nỗi buồn. Thời khắc như chậm lại, đặc quánh niềm riêng.
 Giây lâu, Lâm Xung chừng đã nguôi ngoai cơn bức xúc. Quay lại nhìn Tùng. Thanh đại đao được cầm bằng hai tay, một tay nâng cán, một tay nâng mũi, trang trọng thăng bằng trước khi ngồi xuống. Tiếng nói u uất và trầm lắng hơn:
-Sẽ có một ngày ngươi hiểu lời ta nói. Ngươi còn quá trẻ... sẽ không có một nghĩa sĩ nào trên sơn trại này đâu. Thôi ngươi ra ngoài.
Tùng vừa quay mình, Lâm Xung gọi lại:
- Ngươi ra ngoài và đêm nay đừng canh gác nữa. Không còn cái gì để mất thì gác làm chi.
Ngước nhìn tàng đại thụ bên hông Tụ Nghĩa Sảnh, bóng đen phủ hơn nửa sân. Âm u và cô độc.
Thoáng thấy lòng mình hoang mang, Tùng nghĩ tới Phạm Tuấn. Tuấn là bạn cùng quê và cùng lên núi với Tùng. Tuấn làm việc dưới trướng Hắc Toàn Phong Lý Quỳ. Tùng muốn chia sẻ với Tuấn điều mình nghĩ.
Băng mình chạy qua sườn núi phía đông, xuyên qua nhiều lều trại hoang vắng. Khi tới trước lều Hắc Toàn Phong thì nỗi hoang vắng còn nhiều hơn, đã như là hoang tàn. Cửa lều bỏ ngỏ, không bóng người nhưng lập lòe vẫn còn ánh ngọn đuốc tàn. Bên trong , bàn ghế xiêu đổ, bình rượu vỡ, ly tách lăn lóc tứ tung. Lá cờ Tím có chữ Lý thường nghiêm chỉnh treo giữa sảnh, nay lệch một bên như bị ai giựt xé. Giữa nhà, hàng chữ viết to bằng mực mới: Ta đi rồi.
Ai đi? Đi đâu? Lê Tùng bắt gặp lại cái cảm giác cô độc ngày xưa, khi một mình chống lại đám cường quyền thô bạo quê nhà. Lê Tùng thấy lạnh, Lê Tùng thấy sợ. Tùng quay mình chạy về lều cũ. Tùng định báo với Lâm Xung điều này, dù rằng không biết báo để làm gì, từ chiều tới giờ biết bao nhiêu người đã bỏ đi. Tùng không cảm thấy mất mát mà chỉ có cảm giác trống thoáng rộng chân, nay thấy Lý Quỳ bỏ đi, bỗng hình thành trong Tùng một nỗi bàng hoàng, cái đổ vỡ cứ tưởng bên ngoài, đột nhiên mở cửa bước vào và nhanh chóng chiếm trọn lòng Tùng.
Khi về đến  cửa  lều,  Tùng có  cảm  giác  lạ. Hiu  quạnh phủ toàn sơn trại từ chập tối, đang tập trung trước lều Lâm Xung. Ngọn  đèn dầu  vẫn còn  trên bàn,  soi  bóng Lâm Xung lên vách lều mầu đen sẫm. Lâm Xung ngồi quay lưng ra ngoài, tay có lẽ vẫn để trên đuôi ngọn đao quen thuộc, nhưng đầu cúi xuống. Cúi xuống quá thấp như đang gục đầu. Tùng lên tiếng:
- Chủ tướng!
Im lặng. Tùng bước thêm bước nữa
- Chủ tướng!
 Bước tới nữa, trong bóng tối nhờ nhờ vì ngược sáng, Tùng thấy mũi đao không chống xuống đất như chàng tưởng, mà quay ngược lên trên, ngay cổ Lâm Xung. Và dưới chân, Tùng đang bước trên lớp nhầy nhầy như máu.
 Tùng chợt hiểu, chàng cầm đèn soi lại. Lâm Xung đã chết. Cái chết tự chọn bằng chính mũi đao của mình. Đĩa đèn rơi xuống đất, tắt ngúm. Đứng yên lặng trong bóng đêm, đồng cảm với người đã khuất, xót xa chia sẻ nỗi tuyệt vọng không nói thành lời. Ở góc nhìn của mình, Lê Tùng không cổ vũ lối giải quyết của Lâm Xung, nhưng trong quan hệ sơn trại, Tùng tán đồng và khâm phục tư cách người chủ tướng cũ.
 Tùng không sửa lại thế tự tận, và cũng không có ý định chôn cất Lâm Xung. Tùng cho rằng phải để cho nhiều người  nhìn thấy, hiểu ra những  truyền  ngôn của Lâm Xung.  Những truyền  ngôn sẽ  đi từ trái  tim người này qua trái  tim  người  khác mà  không cần qua một trung gian ngôn ngữ nào.

Xuống núi khi ánh bình minh vừa chớm, phương đông hồng như một trái đào. Sau lưng Tùng là sơn trại, sau sơn trại là bờ lạch, sau bờ lạch là mênh mông dải đất thân tình, nhưng đã không còn là thân tình với Tùng được nữa. Phải mất một thời gian khá lâu Tùng mới dần thích hợp nổi với đời sống thường. Thường xuyên với cảm giác sống trên mây với nhiều tưởng tượng vô căn cứ. Rồi những cơn ác mộng, trong đó máu nguời và sấm sét bão giông trộn lẫn. Rất nhiều đêm bàng hoàng tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa không định vị được mình đang ở đâu. Lúc đó, người lay gọi là Thảo. Cô gái mồ côi nay là vợ Tùng.
 Thảo đúng là một kết hợp hài hòa giữa hai thế lực đối đầu: Mẹ chết vì bị huyện quan tra khảo đòi tiền, cha chết vì đi buôn bị cướp chặn đưòng cướp của. Thảo lớn lên trong đau khổ nhưng không hận thù. Đời dạy cô rằng hận thù không làm cho con người lớn lên được nhưng đối diện trực tiếp và sòng phẳng với đời sẽ thấy đời hẹp lại. Và trực tiếp đối diện với đời thì phương cách tốt nhất chính là yêu thương. Cô khuất phục Lê Tùng bằng sự độ lượng, bao dung và lòng thành thật. Kiềm hãm Lê Tùng khi chàng bồng bột, an ủi Lê Tùng khi chàng tuyệt vọng. Cứ thế, con ngựa non háu đá dần đã quên núi thẳm rừng sâu.
 Tạm yên tâm trong nếp sống thường, nhưng vẫn dõi lòng theo dấu bóng người ngày xưa. Tất cả tin tức nhận được đều buồn. Các người xuống núi trước ngày Lương Sơn Bạc vỡ hoặc trở về núi cũ hành nghề lạc thảo, kiếm ăn qua ngày trong mùa loạn, có người tha phương đổi họ đổi tên làm công làm mướn qua quýt một đời. Cũng có người mộng đời không thỏa, tìm vui bốn bể mười phương, phiêu bạt giang hồ không nghe tăm tích.
 Thương là thương bọn hảo hán vâng theo lệnh trên về hàng quân Tống. Họ bị bội bạc từ những ngày đầu. Hoặc đầy đi vùng ma thiêng nước độc, hoặc ghép chung các nhóm tội đồ, hoặc cô lập từng nhóm, phong tỏa đủ điều. Nhiều người trong họ mang nỗi uất hận không thể giải bày, tích chứa lâu ngày trở thành trầm cảm. Cũng có người chua xót quá đi tìm cái chết. Còn có nhiều cái chết do bệnh hoạn và không chịu nổi lao nhọc kéo dài. Cũng có người vượt thoát trốn đi. Cũng có người phản bội bằng hữu cũ để tìm miếng cơm thừa canh cặn của bọn chó Tống. Nhưng lạ lùng là có vài cái chết do bị giết. Nhưng ai giết và tại sao bị giết thì không ai biết.
Đến một ngày, Lê Tùng có khách tới tìm. Người đàn ông trung niên vóc dáng lực sĩ, khuôn mặt xạm đen và hàm râu quai nón lốm đốm bạc. Tấm áo phong sương, nhìn  thì lạ  nhưng  ánh  mắt quen  thuộc  biết bao.  Lê Tùng dò la:
- Ông tìm tôi ?
Khách gật đầu, ánh mắt giễu cợt:
- Trong mắt ông có những tia nhìn hết sức quen thuộc, nhưng đầu óc tôi lúc này quá tệ, xin lỗi ông.
Khách bật cười lớn:
- Mày tệ thật Tùng ơi! Tới tao mà còn nhận không ra thì quá tệ.
Như cơn chớp lóe lên. Tùng la lớn Phạm Tuấn. Ngồi đây, ngồi xuống đây, Tùng nói lắp bắp như nghẹn thở.
 Hai mươi năm kể từ ngày Lương Sơn Bạc vỡ, hai mươi lăm năm kể từ đêm giặc về xóm nhỏ, trói thúc ké cha Phạm Tuấn ra đình làng kết tội nhà giàu rồi dùng gậy đánh chết. Cũng từ đó, hai thằng kết nghĩa hẹn hò nhau đủ lớn tìm cách giúp đời... dẫn cho tới lúc lên núi tụ nghĩa....
Hai tay nắm chặt hai tay. Tùng dồn dập hỏi thăm từ ngày cách biệt, đi đâu, làm gì, ở đâu, vợ con, nghề nghiệp. Tuấn trầm tĩnh cười , tao sẽ ở đây nhiều ngày mới nói hết được. Một cách tóm lược là mày không biết gì về tao, nhưng tao thường xuyên biết rõ về mày, từng thời điểm một. Chưa thể gặp nhau vì chưa phải lúc đó thôi.
 Bữa cơm chiều  dọn ra, linh  đình vui vẻ, rượu thịt và nhiều chuyện buồn vui kỷ niệm. Hai đứa bên nhau uống tới lúc say mềm. Dẫu nói thật nhiều mà rõ ràng chưa nói gì hết, câu chuyện bâng quơ chỉ là lớp váng, còn những gì Tùng muốn biết dường như cũng là những điều Tuấn muốn nói lại chưa được nói ra. Tùng thiếp ngủ trong nôn nao.
Thức dậy, Tuấn đã đi rồi, trên án thư để lại vài câu: Vui mừng vì buổi gặp mặt vừa qua. Mày không có gì thay đổi, đó là điều tao thú vị. Tao còn có chút việc riêng cần giải quyết trước khi kể lại với mày chuyện hai mươi năm qua. Hãy chờ tao!
 Tùng có cảm giác hụt hẫng, dẫu sao Tuấn cũng đi rồi. Cố ôn lại từ mẫu chuyện vụn vặt để truy tìm tung tích, dường như Tuấn vẫn trong khói mù đời cũ, thấp thoáng hiện về từ ký ức, trong đó lúc nào cũng là một Phạm Tuấn cương nghị, dũng cảm, và biết quên mình.
 Tùng chờ đợi nhưng không nóng ruột, chàng nghĩ Tuấn còn trong hoạt động bí mật, trước sau rồi cũng trở về.
 Thực vậy, một buổi tối không trăng, Tuấn đột ngột trở về. Nụ cười tươi tắn, vỗ vai Tùng. Tao thèm được gặp và trò truyện với mày.
Hai đứa đi bên nhau ra vườn sau. Giữa âm u của tàn lá rộng, Tuấn trầm giọng, bùi ngùi.
- Đời sống trôi vội vàng quá đáng, cũng một đêm như thế này hai đứa bàn bạc để ngày mai đi Lương Sơn... Mấy chục năm rồi...
- Những suy tính thời trai trẻ đã trở thành ảo vọng, tao sống đây mà tưởng như mình không tồn tại.
- Tồn tại chứ Tùng, có điều sự tồn tại của mỗi con người có giá trị hay không là do mục đích đóng góp của nó với cuộc đời. Nếu sống như loài cây cỏ thì tồn tại cũng như không.
- Hiên tại mày ra sao? Vợ con?
- Tuấn bật cười cần biết điều đó lắm sao mà hỏi nhiều lần? Tao không có vợ.
- Chưa chứ?
- Không, không kịp nữa rồi.
- Câu trả lời tối nghĩa quá, thôi mày kể từ lúc xuống núi đi. Hôm đó tao chạy qua lều thấy hàng chữ ta đi rồi, có phải mày xuống núi cùng Hắc Toàn Phong?
- Đúng vậy, đó là khởi đầu cho các hoạt động sau này.
- Cho tới bây giờ?
- Không, cho tới ngày hôm qua thôi. Bắt đầu từ ngày mai là chương trình khác. Kể từ ngày mai, chương trình có cả mày tham dự. Vai trò của tao đã hết.
- Tao sao? Tao thì làm được gì?
- Đúng vậy, một mình mày thì chẳng làm được gì. Mà chẳng phải riêng mày, cả thế hệ chúng ta đã không làm được gì. Nhưng đã qua rồi, bây giờ mày sẽ đứng trong đám đông những người chứng kiến một đổi thay ngoạn mục của thế hệ sau mình. Tao tin như thế.
- Hắc Toàn Phong bây giờ ở đâu?
- Chết rồi.
-Tại sao? Ốm đau? Tự tử? Bị giết?
- Không. Nói cho rõ hơn, Hắc Toàn Phong chết nhưng Lý Quỳ còn sống. Sau khi rời Lương Sơn, thầy trò trải qua rất nhiều thử thách của cuộc sống, trong đó cam go nhất là câu hỏi về từng đêm, thế nào là đúng, thế nào là sai. Cái mà chúng ta coi là Đại Nghĩa, là Thế Thiên Hành Đạo cũng đã bao lần hoan ố vì cướp của giết người, vì nhũng nhiễu lê dân, vì tranh quyền đoạt vị. Vậy chẳng lẽ chúng ta sai. Làm sao chúng ta sai được khi chúng ta đối đầu với cái xấu, cái gian xảo, cái áp bức cường quyền thủ đoạn. Đối đầu với cái xấu tức nhiên phải là cái tốt. Đối đầu với cái bất nhân tất nhiên phải là cái Đại Nghĩa. Vậy thì vướng mắc nào khi chúng ta đứng dưới cờ Đại Nghĩa lại nhúng tay vào một số việc bất nhân.
 Phạm Tuấn chợt im lặng. Lê Tùng cũng im lặng. Cái im của Tuấn là cái im để thở, còn cái im của Tùng là cái im của lặng người. Câu hỏi Phạm Tuấn đặt ra có nhiều lần Tùng đã đặt ra với chính mình. Tùng tự trả lời rằng chí nhân là đại thể còn sự sai lạc chỉ là cá biệt vài người. Tùng cũng cảm thấy câu trả lời của mình chưa ổn nhưng không tìm ra cách trả lời khác. Tùng ngồi xuống bờ đá, hỏi Tuấn, theo mày thì thế nào là đúng.
- Mỗi cái đúng sai chẳng những tùy thuộc vào thời mà còn tùy thuộc vào ngườí, hãy khoan phân biệt để tao kể tiếp chuyện Hắc Toàn Phong.
Phạm Tuấn ngồi xuống bên Tùng.
- Hai thầy trò lưu lạc cả năm trường với những dằn vặt không giải tỏa được. Cho đến một đêm tạm trú trong ngôi chùa cổ, nằm hiu quạnh bên dòng sông nhỏ cạnh núi Đại Nhạc. Buổi tối đó, đàm đạo với nhà sư già, câu chuyện dẫn dắt khi biết nhà sư đó cũng là khách giang hồ bẻ kiếm. Đặt với nhà sư câu hỏi cũ. Câu trả lời của nhà sư là câu trả lời mang triết lý Phật nói về nhân quả, nói về luân hồi, nói về nhân ái. Nhà sư lý luận đúng khi cho rằng không thể nào thay thế bạo lực bằng bạo lực và nền tảng đưa con người đến bình an là lòng nhân ái. Nhà sư đã khuất phục Hắc Toàn Phong khi chỉ rõ điểm yếu nhất của ông ta là bao nhiêu năm cầm dao đi giết người, quá quen thuộc những câu kết tội đáng chết của người mà chưa bao giờ dám hỏi thử những tội đáng chết của mình. Đêm đó, Hắc Toàn Phong xuống tóc quy y, liệng dao vào lòng sông với lời nguyện trọn đời không nói đến chuyện giang hồ.
 Phạm Tuấn dừng lại. Hỏi Tùng nhà có rượu không. Khi cầm bầu rượu uống một hơi dài, mắt đăm đăm ứa lệ.
- Sáng hôm sau, tao ra đi một mình.
- Mày không thỏa mãn với lời giải thích của nhà sư?
-Tao không đồng ý với cách giải quyết của Lý Quỳ.
-Tại sao?
- Ích kỷ.
- Còn những người khác?
- Thí dụ?
- Sơn Đông Tống Giang?
- Hỏi làm gì thằng thủ lãnh kéo cờ trắng đó.
- Hà Bắc Lư Tuấn Nghĩa?
- Vì muốn thu hồi nhà cửa ruộng vườn đất đai, tỳ thiếp hắn đã bán cả đất Lương Sơn. Tao giết hắn rồi.
- Giết?
- Phải! Không chỉ riêng một mình hắn. Đó là những kẻ sử dụng nhuần nhuyễn cái mặt nạ Đại Nghĩa để mưu đồ lợi nhuận. Tuổi trẻ chúng ta, nhiệt tình và khí tiết chúng ta đã bị chúng phí phạm và chà đạp như thế nào? Đó là cái giá chúng phải trả.
- Những đầu lĩnh khác?
- Khá nhiều người trong bọn họ còn giữ được tâm huyết và danh dự của người từng là lãnh đạo một đội quân, dù một đội quân đã đầu hàng. Nhưng họ chỉ còn duy nhất cái Tâm, họ đã già rồi. Một số khác lại biểu lộ cái ô uế bám vào chất hảo hán Lương Sơn, mà ngày xưa chúng ta vẫn từng bêu xấu, đó là ăn tục nói phét, hữu dõng vô mưu, và đặc biệt nhất là lầm lẫn về cái chính nghĩa mà ta phục vụ.
Phạm Tuấn đứng dậy, đi chậm, vừa đi vừa nói.
- Đó là công việc tao làm từ hai mươi năm nay. Từ khi rời khỏi Lý Quỳ, tao đã lập chí một điều duy nhất là rửa cho sạch những lớp bụi bặm đó. Phải trả cho Lương Sơn cái chính nghĩa vì dân trừ bạo. Dù rằng muốn trừ bạo thì phải dùng bạo, nhưng cái bạo của người  chính nghĩa là cái bạo  lực  nhân  ái.  Giết  người không còn là lòng háo sát mà chính vì lẽ phải làm.
Tuấn đưa bình rượu cho Tùng:
- Mày uống vài hơi cho ấm, mày có vẻ lạnh?
- Câu chuyện mày kể làm tao lạnh chứ không phải tại gió đêm nay. Có phải từ lúc chia tay mày không còn gặp lại Lý Quỳ?
- Không gặp lại và cũng chẳng gặp lại làm gì. Tao dành toàn bộ thời gian còn có được sau chuyến buôn hàng trên ghe xuôi ngược, để tìm gặp những người hảo hán năm xưa. Niềm hy vọng sẽ tìm ra người nghĩa sĩ để phụng thờ. Tiếc thay, hảo hán thì nhiều nhưng nghĩa sĩ chẳng có ai. Mỗi lần gặp thêm một người là thêm một lần đau xót. Hào khí năm xưa, lời thề giữa Vũ Đình Trường lộng gió tưởng rằng suốt đời vẫn nhớ, ngờ đâu chỉ là hào hứng nhất thời. Họ đã tàn lụi. Tao bất ngờ nhìn lại mình, thật là thất chí khi thấy mình có khác chi đâu. Miệt mài nửa đời chưa gặp Đại Nghĩa để đầu quân. Cho đến năm ngoái đây...
Lê Tùng hưng phấn: Mày đã gặp...
 Phạm Tuấn nhè nhẹ lắc đầu, để hai tay trên vai Tùng. Tao chỉ gặp chính tao. Thật nhiều đêm trăn trở, tao chợt khám phá ra rằng mình đòi hỏi quá cao nơi người chủ tướng, và nơi ngọn cờ mình phục vụ. Cái gọi là Thế Thiên Hành Đạo thực ra chỉ là đòi hỏi công bằng cho một nhóm người chứ không phải là tất cả. Nó nằm trong một guồng máy, cho nên dẫu giết tên tham quan này thì guồng máy sẽ đẻ ra tên tham quan khác, nhu cầu giết đó chỉ hẹp hòi trong tính vay trả mà thôi. Quan điểm công bằng là quan điểm của người hảo hán. Tao thấy rõ tao không thể làm được trang Nghĩa Sĩ như điều mơ ước tự thủa thiếu thời, thì thà làm một thằng hảo hán đòi cho đủ nợ vay. Tao quyết định đi đòi nợ truớc rồi trả nợ sau.
- Nhưng mày vừa nói giết tên tham quan này, guồng máy sẽ đẻ ra tên tham quan khác?
-Tao không giết tên tham quan, mà tao giết thằng đã giết cha tao.
- Như vậy không hợp lẽ công bằng. Mày đã đòi được công bằng về phía mày, thế rồi công bằng từ những người bị giết ai sẽ đòi đây?
-Tao sẽ trả mà không cần người đòi. Lê Tùng, đến tìm gặp mày lần cuối cùng này, chính vì muốn mày là chứng nhân cho một thời đã hết đó .
-Tao?
- Câu này tao nói rồi, mày không làm được gì hết, không phải riêng mày mà cả thế hệ tụi mình, nhưng ai cấm chúng ta kỳ vọng vào thế hệ mai sau.
Phạm Tuấn để hai tay ra sau lưng, mắt ngước thẳng về phía trước, nói dồn dập:
- Đúng vậy. Giương cao ngọn cờ chính nghĩa vì dân trừ bạo không phải là việc một người, một nhóm người, hay một thời, một đời bất ngờ sáng tạo rồi làm nên được. Tao nghĩ nó âm ỉ khai sinh từ nhiều con người, từ nhiều thế hệ, nó được thêm bớt bằng máu xương nhiều đời để thích nghi và đáp thỏa yêu cầu chính đáng của tất cả. Lúc đó, mọi thế lực dù hung bạo và gian ác cỡ nào nhưng đi ngược với lòng dân thì cũng tự diệt.
 Phạm Tuấn rút trong người ra một cuộn giấy cũ, đưa cho Tùng: “Đây là tên tuổi và chí khí của nhiều người tao đã từng được gặp. Họ là những hảo hán một thời, nhưng nay già nua và cùng đường về suy nghĩ. Tập giấy này một thời với tao trân quý như bảo vật. Nhưng nay chỉ là kỷ niệm. Gửi lại cho mày vì đời tao không còn dịp cần nó nữa”
Tuấn im lặng một chút, nói nhẹ: “Tao đã đòi đủ nợ, bây giờ tới phần tao trả nợ”
Nâng bầu rượu lắc nhẹ để ước lượng số còn, Tuấn nói tao với mày chia hai số còn này nhé. Giọng Tuấn điềm đạm và trữ tình. Tùng gật đầu. Tuấn uống trước. Trao bình rượu qua cho Tùng cười tươi tắn. Khi Tùng bỏ bình rượu xuống, Tuấn đã đi rồi.
 Cô đơn quay trở về phòng, gác tay lên trán thức đến khi gà gáy. Lần dở cuộn giấy Tuấn trao. Đọc và nản chí. Những tên tuổi lẫy lừng nay còn lại là tư tưởng hẹp hòi cục bộ. Hào quang xưa nay thành vành khăn đen che mắt mù lòa. Tùng chợt nhớ tới một đoạn trong Tam Quốc Chí. Đoạn kể khi Lưu Thiện về hàng triều đình nhà Tấn, có một viên quan nhỏ giữ sĩ không ra làm quan. Tào Phi cho người gọi ra khen ngợi lòng trung và hỏi thăm kế hoạch an Thục, Viên quan từ chối và thưa rằng Tướng đã thua trận không thể nói lời hùng, Quan đã thua trận không thể bàn được mưu hay.
Lê Tùng nghe cay cay tròng mắt. Nhân ngọn nến canh đêm còn dang dở nửa chừng, Tùng đưa cuộn giấy vào đầu ngọn lửa. Đêm đã tàn, đời sau đã tới, có lẽ cũng chẳng lưu làm gì cái chất hảo hán gốc Lương Sơn .
Nguyễn Minh Nữu