Monday, September 17, 2018

778. NGUYỄN ÂU HỒNG Làng Biển “Du Canh-Du Cư” ở Bắc Vân Phong


NGUYỄN ÂU HỒNG
Làng Biển “Du Canh - Du Cư”
ở Bắc Vân Phong

Bản đồ vịnh Vân Phong và bán đảo Đầm Môn (Hòn Gốm) 
huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa .
Mũi Đôi-Hòn Đầu nằm phía đông-nam Bãi Rạng.

Trên bản đồ có một đường xanh đậm đứt khúc từ cuối một bãi cát vừa thẳng vừa dài kéo xiên xiên hướng tây-đông, bọc qua một ngọn núi xanh, tiếp tục chạy thẳng ngoài khơi một bãi cát trông như cái mỏ lết mở rộng rồi quặp vô Bãi Rạng. Đây là đường biển đưa du khách đi tham quan danh thắng Mũi Đôi-Hòn Đầu. Bãi cát nơi xuất phát là Bãi Võ, ngọn núi xanh là Hòn Gầm, bãi cát trông như cái mỏ lết là bãi Cát Thắm.
Không rõ chuyên viên lữ hành của công ty du lịch nào đã lập nên hành trình (itinerary) này. Nhìn qua thấy đây là một itinerary khá hoàn hảo: Đi xe từ Nha Trang ra tới chân đèo Cổ Mã (non 80 km), rẽ phải vào con đường xuống Đầm Môn (18Km), dừng lại ở cuối Bãi Võ, đi bộ một quãng ngắn mấy trăm mét là lên tàu đến khu danh thắng cấp quốc gia. Nếu cắm trại ở lại qua đêm thì sáng hôm sau, du khách sẽ vinh dự là người đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam nhìn thấy mặt trời mọc sớm nhất. Với du khách đã lấy phòng ở lại một trong những khách sạn của bán đảo Đầm Môn, hành trình này cũng tạo điều kiện cho khách đón ánh mặt trời sớm nhất, chỉ với một  động tác đơn giản- dậy sớm lên tàu ra Bãi Rạng.
Đó là những ưu điểm. Ta thử tìm hiểu xem nó có tiềm ẩn nhược điểm nào không?
Theo các hào lão trong vùng, hải trình này có nhiều rủi ro: -gặp nồm mạnh, tàu thuyền có khi bị thổi giạt ra tận Phú Yên, ngược lại nếu gặp bấc mạnh, rất dễ bị thổi giập vào các gành đá. Cụ Bốn (Trâu) ở Hòn Ông, một tài công của “Đường mòn trên biển” nói, ông đã mấy lần gặp “nồm săn” đẩy ghe (máy mười) chở gỗ từ Bãi Rạng lên Đại Lãnh ra tuốt Vũng Rô, phải ngủ qua đêm đợi sáng hôm sau trời yên biển lặng mới chạy vô lại. “Bị đẩy đi rồi cũng về lại được thôi, chỉ sợ giữa đường va vào vách đá Hòn Nưa hay đâm đầu vào gành Mò O gần Mũi Điện thì tiêu tùng”.
Thử lùi lại xa hơn, thời ghe bầu các lái đi buôn:
“Ngửa mặt trông vào Bãi Võ giăng ngang
Hòn Gầm sóng vỗ đá vang
Chạy khỏi Cát Thắm lại sang Đồi Mồi    
Anh em lời thốt thương ôi
Đi bảy ngày trời mới tới Bà Gia…”
Vè Các Lái-Hát Vô (1)
Bà Gia là tên các lái ghe bầu người Huế gọi mũi Bà Dầu, ngày nay được đổi thành Mũi Đôi cho phù hợp với địa hình rồi được Bộ VH-TT-DL Việt Nam phong danh hiệu khu di tích danh thắng cấp quốc gia Mũi Đôi-Hòn Đầu.
Trích đoạn bản đồ
“Điều Chỉnh Quy Hoạch Chung Xây Dựng Khu Kinh Tế Vịnh Vân Phong Đến Năm 2030”.
Hành trình (itinerary) vạch trên bản đồ du lịch trùng hợp y chang với hải trình xưa của các lái ghe bầu. Ngày xưa, ghe bầu chạy bằng buồm kết hợp chèo tay, gặp gió chướng, quần cho bảy ngày mới qua khỏi một đoạn đường biển không quá mười hải lý, từ Hòn Gầm đến Bà Gia. Ngày nay, với tàu du lịch hiện đại, cho dẫu có “nồm thổi săn” hay “bất giật mạnh”, cũng không đến nỗi xảy ra “sự cố”, đừng quá lo xa? Tình thiệt, biết nguy hiểm mà không nói là thâm, nên tôi bộc bạch, và xin đề nghị: hướng dẫn lữ khách đi bộ. Trong các itinerary lữ hành, một lịch trình có vài-ba giờ đi bộ/ngày đang được ưa chuộng.Hơn nữa đoạn đường đi bộ từ Đầm Môn đến Mũi Đôi không có gì nguy hiểm (đèo dốc trơn trợt hay hố sâu…) lại có cảnh quan trời mây non nước biến đổi kỳ ảo, là một đoạn trekking tuyệt vời. Có câu hỏi này: sao tour du lịch không thấy nói gì đến làng bán đảo Khải Lương tên dân gian gọi là Bãi Giếng? Làng bán đảo này có điểm đặc biệt: là nơi cư dân nhìn thấy mặt trời đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. (Ở tỉnh Khánh Hòa có hai làng Bãi Giếng: làng Bãi Giếng-Khải Lương ở vị trí cực đông bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh và làng Bãi Giếng-Thủy Triều ở Cam Ranh- nay thuộc huyện Cam Lâm).
*
Nói bán đảo Đầm Môn có ba thôn: Đầm Môn thượng, Đầm Môn hạ và Xuân Đừng cũng được nhưng thiếu chính xác, vì Xuân Đừng  cách xa Đầm Môn và là một đơn vị hành chánh riêng.
Có một đặc điểm: người dân khắp vùng bán đảo đào giếng lấy nước ngọt cho tàu thuyền, giếng thường chỉ ba ống bi và cách biển chừng mươi thước. Không cần đào sâu tốn bi, cũng không cần đào xa tốn đường dẫn.Nước ngọt hẳn hoi, không bị lợ cũng không một bợn chua phèn. Riêng Xuân Đừng, chọn nơi xa xa xóm nhà về cuối bãi, chỉ cần đào một hố sâu vài-ba gang tay cách mí nước mặn không quá mười bước chân, là có nước ngọt. Đây là nét độc đáo có thật.(Tôi biết bí mật này, nhưng nói ra thì mất hay.) Thêm một nét độc đáo nữa của Xuân Đừng, mà đa số là người “Đàng Hạ”: người dân ở đây không bao giờ quét nhà bằng chổi. Theo truyền thống, nền nhà của người “Đàng Hạ”(2) không lót gạch, đá, cũng không tráng xi-măng.Nền trong nhà, hiên quanh nhà, giống như ngoài bãi, toàn là cát. Người ta ‘quét nhà’ bằng cách dùng cái sàng gạo để sàng cát cho sạch. Lâu lâu, thấy cát xỉn màu, nếu có sàng cũng không sáng đẹp, họ xúc cát trong nhà đổ đi, xúc cát mới ngoài bãi đổ vào thay thế.
*
Bán đảo Đầm Môn có diện tích 128 Km vuông, là một phần của bán đảo Hòn Gốm. Đầm Môn là vùng có dân cư đông nhất, 8.000 dân, lại đang thu hút đầu tư về nhiều mặt như cảng trung chuyển quốc tế, khai thác &chế biến khoáng sản, khu nghỉ dưỡng, du lịch lữ hành…nên trên một số bản đồ, nó đã lấn mất tên Hòn Gốm. Đầm Môn chỉ chiếm 1.000 ha mặt nước trong tổng số 10,000 ha của toàn vịnh Vân Phong, nhưng là vùng biển lặng gió vì được đảo Hòn Lớn hợp với các ngọn núi cao của bán đảo Hòn Gốm che chắn. Người dân Đầm Môn đi biển đánh bắt thủy sản qua hai hướng, hướng Cửa Lớn vào vùng vịnh, hướng Cửa Nhỏ ra khơi.Vào ngày biển độngkhông ra khơi được,chỉ cần nhích ghe ra cách bờ năm bảy trăm mét, bỏ neo chong đènđánh lưới ngay trước nhà.Tuy chỉ nhằm kiếm cá ăn, bán chút ít bù tiền dầu thôi, không có hiệu quả kinh tế, nhưng cũng là một nét đặc trưng.
Lạch biển Cửa Nhỏ dẫn ra khơi được tạo bởi rặng Hòn Nhọn của bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn, hơi chếch về hướng đông-nam, nên vừa mở ra khỏi cửa là gặp vịnh Hòn Khói thuộc Ninh Hòa, là một vùng đánh bắt không mấy hấp dẫn. (Tỉnh Khánh Hòa có hai đảo cùng có tên Hòn Lớn, một trước mặt thành phố Nha Trang; một ở Vạn Ninh- cùng với bán đảo Hòn Gốm tạo nên vịnh Vân Phong này đây).
Muốn đến vùng biển giàu thủy sản phải đi ra hướng Mũi Điện thuộc tỉnh Phú Yên.  Gần nhà xa ngõ, hành trình cách trở:từ trong đầm ra đến Bãi Giếng, bẻ lái qua phải ra khỏi Cửa Nhỏ lại phải bẻ trái đi bọc một vòng cực đông bán đảo, luồn lách qua vũng Trâu Nằm, qua Bãi Trường, Bãi Na, Mũi Đôi (Bà Dầu-Bà Gia) rồi Bãi Rạng, mũi Đồi Mồi, Xà Cừ, bãi Cát Thắm, Hòn Gầm, trong đó có đoạn ẩn chứa nhiều bất trắc như đoạn hải hành du lịch đã nêu. Hơn nữa, đánh bắt phải đi kèm tiếp liệu và tiêu thụ, chế biến và hậu cần…Để tránh những cách trở này, người dân vùng bán đảo Đầm Môn đã có một quyết định táo bạo: dời làng “du canh-du cư.” (*)
Đây có lẽ là làng biển “Du Canh-Du Cư” duy nhất ở Việt Nam.
Vùng ‘du canh’, là vùng biển phía đông-bắc bán đảo Hòn Gốm giáp với Vũng Rô ra Mũi Điện tỉnh Phú Yên; còn ‘du cư’, dời làng đi đâu?Nhà xây gạch, một số đúc bê-tông mái bằng, làm sao dời?
Họ dời làng ra Bãi Võ, chiếm một đoạn từ chân Hòn Gầm kéo dài lên khoảng một ngàn mét, dựng nhà làm hai dãy dọc bờ biển. Nhà ở đây đa số lợp tranh, một số lợp tôn, không có nhà ngói.Làng “du cư” đã có sẵn mấy giếng nước ngọt, giếng nước ngay sau khu nhà, cách biển không xa.Tùy theo thời tiết, trễ sớm năm bảy ngày, nhưng cứ Ăn tết Nguyên Đánxong là chuẩn bị dời làng. Mùa vụ chính từ cuối tháng giêng đến đầu tháng mười.Đánh lưới xong, từ biển không về làng mà vào Đại Lãnh tiêu thụ sản phẩm và nhận hậu cần.Xong đâu đấy mới về Bãi Võ,bỏ neo cho tàu đậu ngay trước nhà. Dù là nhà “lắp ráp” nhưng cũng đủ chỗ để sinh hoạt,  nghỉ ngơi. Gặp lúc được mùa, ở làng du cư Bãi Võ, quán xá ăn nhậu còn vui nhộn hơn bên làng chính. Đến tháng chín, tháng mười biển bắt đầu động bấc thì giở nhà, thứ gì vận chuyển được bằng đường bộchất lên xe ( từ 2002 đã có đường nhựa) hoặc gánh dần về, còn lại chất hết lên tàu đi đường thủy. Trong suốt thời gian dời làng “du canh-du cư”, trẻ con và thanh thiếu niên vẫn ở lại làng cũ đi học, phụ nữ chạy đi chạy về hầu như hàng ngày, còn đàn ông đi biển đôi ba bữa mới về nhà chính. Có xa xôi gì bao nhiêu, chỉ là mặt bấc-mặt nồm cách nhau ba bốn cây số qua mấy đồi cát.
Lưu ý, đang lầm lũi bước, đến giữa đường dừng lại, ngước lên nhìn thì phía bắc là biển Đại Lãnh- Vũng Rô xanh thẳm lạ thường, phía nam là mây nước Đầm Môn-Vân Phong biến ảo đến mê đắm.
Đã mê đắm thì còn viết gì nữa, đọc gì nữa!
Vậy mà vẫn còn có chuyện cần phải viết.
Những ngày mùa hè năm 2018, người Việt trong nước từ Nam chí Bắc vàngười Việt hải ngoại ở nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt xuống đường biểu tình kịch liệt phản đối Dự Luật Đặc Khu, tức Dự Án Luật Đặc Khu Hành Chánh-Kinh Tế Đặc Biệt. Dự Án này chọn ba vùng lãnh thổ có tính chiến lược sinh tử của Việt Nam, là Vân Đồn (Miền Bắc), Bắc Vân Phong (Miền Trung) và Phú Quốc (miền Nam). Ngoài địa điểm có tính chiến lược, cả ba đặc Đặc Khu trong Dự Luậtđều làkhu di tích danh thắng cấp quốc gia. Quần đảo Vân Đồn có Vườn Quốc gia Bái Tử Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn; Bắc Vân Phong ngoài Khu di tích danh thắng Mũi Đôi-Hòn Đầu, còn  có tài nguyên nhân chủng: làng biển “Du Canh Du Cư”, làng ”Người Đàng Hạ” Xuân Đừng, làng biển Mặt trời mọc Bãi Giếng; huyện đảo Phú Quốc ngoài Vườn Quốc gia Phú Quốcvà Công viên biển An Thới ra, toàn huyện được nhà nước Việt Nam xác nhận bằng nhiều văn bản qua hai đời thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng-Nguyễn Xuân Phúc)là huyện có rừng-biển đa dạng sinh họcvà được UNESSCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên này không chỉ là khu bảo tồn sinh quyển trên cạn mà còn là nơi bảo vệnguồn sinh vật và nguồn nước ngọt trên đảo.
Đem các vùng lãnh thổ có tính chiến lược sống còn của tổ quốc ra làm Khu Hành Chánh-Kinh Tế Đặc Biệt để có cớ cho nước ngoài thuê dài hạn (99 năm) và cả việc cấp sổ đỏ cho quyền được sở hữu vình viễn (3) là một hành động điên rồ; đem các  khu di tích danh thắng cấp quốc gia và vườn quốc gia ra làm Đặc Khu Kinh Tế, là nơi được nhập rác thải công nghiệp, xác tàu, chế biến hóa chất, sản xuất vũ khí và nhiều công nghệ độc hại…(**) thì đó là con đường của hủy diệt.
Sắp bị hủy diệt rồi thì còn viết gì nữa! Sắp bị tiêu vong rồi thì còn đọc làm gì nữa!
Vậy mà vẫn thấy cần phải viết, cần đọc, cần quảng bá để cùng góp tiếng nói, phản đối Dự Luật Đặc Khu.Từ tiếng nói của năm mười người, nhân lên thành trăm thành ngàn, thành vạn, thành triệu…Một khi tiếng nói của người dân Việtkiến tạo được niềm tin kết đoàn, trở thành âm điệu của ước vọng dân tộc, tha thiết khẩn cầu nhưng không kém phần quyết liệt, thì không sức mạnh của quyền lực nào có thể dập tắt được.
2016-2018
NGUYỄN ÂU HỒNG
_____________________________________________________
(1) Vè Các Lái, bài vè dài trên 500 câu được xem là cẩm nang hải hành cho ghe thuyền đi ven biển từ Huế vào Gia Định (hát vô) và ngược lại (hát ra). Ngoài giá trị thực tế, bài vè còn được tham khảo về nhiều mặt: địa lý, lịch sử, thới tiết, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán…
(2) Có giả thuyết cho rằng Người Hạ có nguồn gốc từ nền văn minh Óc Eo quanh núi Thất Sơn, An Giang.
(3) Xem https//www vinpearl.com-Quyền Sở Hữu Vĩnh Viễn.
(*) Cũng thì chọn vùng biển có năng suất cao để đánh bắt, nhưng chỉ đi năm-mười bữa rồi về, người dân biển gọi là “đi lựa”. Ghe “đi lựa”, gia đình vợ con ở nhà.
(**) Xem Phụ lục về 131 ngành nghề đính kèm Dự Luật Đặc Khu.

PHẦN XEM THÊM
Từ nhiều thập niên qua, Vịnh Vân Phong đã được tỉnh Khánh Hòa quy hoạch là Khu kinh tế tổng hợp. Các văn bản gần đây, có: Quy Hoạch chung khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đến  2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 51/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 với tính chất là khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lãnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác.
Ngày 27/12/2014 chính phủ lại phê duyệt Quy Hoạch Vịnh Vân Phong, và mới nhất là Quy Hoạch Đặc Khu Kinh Tế Bắc Vân Phong vào tháng 8/2018.Qua đó, đã thông qua việc mở rộng gấp đôi diện tích quy hoạch ra toàn huyện Vạn Ninh và một phần huyện Ninh Hòa với tổng diện tích 111.000 ha (56.000 ha mặt đất + 55.000 ha mặt nước).
TỈNH KHÁNH HÒA
ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ VỊNH VÂN PHONG ĐẾN NĂM 2030
SƠ ĐỒ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT - TỶ LỆ: 1/40.000


Tại kỳ họp thứ 5.ngày 11 tháng 6 năm 2018, với đa số phiếu áp đảo (423/432), Quốc hội Nước CH XHCN Việt Nam đã loại khỏi chương trình việc thông qua Dự Luật Đặc Khu, tức Dự Án Luật Đặc Khu Hành Chánh - Kinh Tế Đặc Biệt, và được quyết định lùi lại kỳ họp thứ 6, tháng 10 năm 2018. Vậy mà, tỉnh Khánh Hòa vẫn ngang nhiên công bố Bản đồ QUY HOẠCH KHU KINH TẾ VỊNH VÂN PHONG ĐẾN NĂM 2030. Xem bản đồ ta thấy, không chỉ Bắc Vân Phong mà toàn bộ đồng bằng, bán đảo, hải đảo và vùng biển của cả huyện Vạn Ninh và một phần huyện Ninh Hòa đều được đưa vào quy hoạch.
(nguồn: https:/nhadatbacvanphong.Vn/ban-quy-hoach-vinh-van-phong)
N.Â.H