Saturday, December 8, 2018

888. TRẦN DOÃN NHO Truyện ngắn BANOAI

 


Rốt cuộc, mạ cũng đến nơi, chấm dứt một dằn vặt hành hạ cuộc sống hàng ngày từ cả chục năm nay. Chuyến hành trình quá dài trong đời mạ qua những lên xuống bồng, kéo, cột, thắt, lềnh bềnh trong không gian thời gian, đến khi chân chạm đất, bước xuống sân nhà, mạ vẫn chưa lai tỉnh. Cứ nhìn thần sắc là biết mạ vẫn còn chơi vơi ở cõi ngoài. Thế nên chậm rãi đi vào là một cái máy nhăn nheo lẳng lặng ngồi, lẵng lặng bước, lẵng lặng gật đầu. Năng động và chuyên chỉ, Briton dìu, đẩy xe, nâng từng bước, đưa mạ vào phòng khách, lách qua mấy chậu hoa cành nhánh vương víu, chiếc ghế hóng mát đặt sai chỗ, ấn nhẹ mạ xuống chỗ ngồi. Nhờ cái mềm mại đầy chìu chuộng của chiếc sofa, cái máy trở nên linh động. Mạ thở phào, ngả người ra sau, lơ mơ nhìn quanh, ngỡ ngàng. Nhà Mỹ đây rồi! Thảm lót, màn cửa sổ, ghế bàn lỉnh kỉnh, chiếc cầu thang, tượng đức mẹ, cái lò sưởi lửa đỏ lập lòe, tất cả chao đảo, với những biến tượng lạ lùng như trong giấc mơ muộn về sáng. Sao cái gì cũng khác thế này, cây khác, nhà khác, đất khác vườn cũng khác, mà bầu trời cũng khác, xanh hơn và nhiều mây hơn ở Việt Nam. Mạ cảm thấy thế nào? Mệt. Mệt nhưng có vui không. Lắc đầu. Có khác với Việt Nam không? Gật đầu. Phải khác chứ mạ, Mỹ mà, Việt Nam bì sao được. Trước lạ sau quen, mạ đừng lo. Ở đây sướng hơn Việt Nam mình nhiều, mạ ưng gì có đó, cần gì có đó. Mỹ nó lo hết. Mạ tức cười trong bụng nhưng chẳng nói ra. Con lo, Bi-ton lo thì có, chứ mạ có thấy Mỹ lo chỗ nào đâu. Còn thằng cháu ngoại tau đâu? Đây, thằng Tyler đây, chào bà ngoại đi con. Đẩy thằng nhỏ tới trước mặt mạ. Mạ vẫy tay, tới đây, tới đây ngoại ôm chút. Thằng nhỏ bối rối ôm mẹ. Hắn tên gì vậy. Tai-lơ. Ừ, Tai-lơ, Tai-lơ, tên Mỹ nghe mà lạ. Để mạ nói Ta-lơ, Ta-lơ cho khỏe miệng cũng được. Ta-lơ mấy tuổi. Tháng 5 này lên bốn rồi đómạ. Mạ lẩm bẩm, Ta-lơ, Ta-lơ. Mình có đứa cháu lai. Tự dưng, mắt mạ rơm rớm. 

Rồi mạ sẽ ở tầng ba, một mình mạ thôi. Eo ơi, tầng ba cao quá, làm sao mà đi lên đi xuống. Mạ đừng lo, Briton cho gắn cái stairlift, à quên, gắn cái ghế-máy cho mạ lên xuống, khỏe lắm, Mỹ mà, cái gì họ cũng làm được. Tầng, đúng hơn, là cái chóp nhà, Briton cho ngăn ra, thông cửa, cời nới thêm phía sau, một bên làm phòng ngủ, bên kia làm phòng thờ, lại còn có dôi một gian nhỏ chứa các dụng cụ y tế, thuốc men, biến lầu ba thành một thứ nhà già bỏ túi. Đợi mạ khỏe, dẫn mạ đến cái ghế-máy, dìu mạ lên, cột dây an toàn, bấm nút. Mạ đang còn ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì thì cái ghế-máy đã nâng mạ lên lầu hai, rồi lầu ba, dừng lại. Mở dây an toàn, dìu mạ xuống, dẫn mạ vào. Đây, phòng của mạ đây. Còn đây là phòng thờ có tượng Phật Quan Âm đặt mua từ Ngũ Hành Sơn, có lư hương, đèn, quả phẩm, ảnh thờ, có chiếu bông trải sẵn để cúng lạy, có kinh sách, có cả máy ghi âm, thâu đủ loại kinh kệ từ kinh sám hồi đến kinh cầu an, từ chú đại bi đến các bài giảng của thầy Thanh Từ. Chỉ cho mạ chỗ này, chỉ chỗ kia, giải thích cho mạ cách sử dụng từ chiếc giường ngủ điều khiển tự động, chiếc ghế ngồi tự động, chiếc máy gọi khẩn cấp khi bất ngờ té ngã hay khó thở. Chỉ cho mạ cách đi tiêu đi tiểu, cách sử dụng phòng tắm, cách mở, đóng công tắc đèn. Mọi thứ được sắp đặt đâu vào đấy, mạ chỉ có việc bấm nút là máy móc sẽ thực hiện những điều mạ cần, mạ muốn. Mạ cũng chẳng cần phải nói. Chỉ dùng ngón tay, bấm. Bấm là có đèn. Bấm là có người tới. Bấm là có tiếng tụng kinh. Bấm là có đồ ăn, nước uống, vân vân. Mạ sẽ chẳng cần làm phiền ai như hồi còn ở Việt Nam. Không cần di chuyển, không cần kêu, không cần năn nỉ, không cần phải dịu giọng, than van với người cháu bà con xa hay với người hàng xóm tốt bụng. Nước Mỹ hào phóng sẽ bao dung mạ từ miếng ăn giấc ngủ cho đến bệnh tật, tiết kiệm cho mạ cả chuyện đi, chuyện đứng, chuyện nói năng. Mạvừa nói vừa cười, tau chừ như một cái máy, không phải là người nữa.

Mạ là gánh nặng cuối cùng của một công trình ly hương dài ngày. Như một chiếc đầu tàu, sau chuyến trốn chạy gian khổ, sang đây, xoay sở sống, ngậm ngùi lấy chồng, chưa ổn định được bao nhiêu là bắt đầu lần lượt kéo hết nào chị, nào anh, nào cháu gần, cháu xa thoát ra khỏi vùng đất quê hương. Lo thủ tục giấy tờ, lo gửi tiền chu cấp, lo kiếm người phối ngẫu để làm đám cưới, đi đi về về Việt Nam rồi lo thuê nhà, lo tìm việc, lo ghi danh đi học cho tụi nhỏ, lo soong chảo nấu ăn, lo chở đi salvation army và yardsale mua đồ cũ. Nhưng mạ thì không chịu đi. Mạ nói mạ đã già, bệnh kinh niên, nằm ngồi đi đứng luôn cần có người chăm sóc, không muốn đi đâu hết. Xa làng xa nước xa bà xa con là một điều kinh khủng. Mỹ, Tây Tàu đều vô nghĩa. Mạ sinh ra đây, mạ chết ở đây. Bây còn trẻ, bây đi, qua bên đó, bây còn đi làm còn học được tiếng Anh tiếng u, còn lo tương lai, mạ già yếu, ốm đau như thế này qua bên đó nằm một đống chẳng khác chi một cục nợ, thì qua làm gì. Nhưng con cái mạ đã đi hết, mạ ở đây với ai? Đừng lo, mạ chỉ mong mấy đứa đi hết, còn mạ ở đây, mà già rồi, không muốn nắm xương tàn của mạ nằm trên xứ lạ quê người lạnh lẽo. Đừng lo lạnh mạ, ở bên đó, khi mạ chết, người ta sẽ thiêu. Ôi chao, mạ không muốn thiêu đâu, thiêu thì nóng chết, chịu sao thấu! Không, mạ đừng sợ, bên Mỹ, họ văn minh, họ khoa học, họ thiêu nhưng không nóng như ở Việt Nam. Thiệt không. Thiệt mà mạ, thiêu xong, mạ muốn đi đâu thì đưa mạ đi, muốn ở với con với cháu, thì giữ mạ ở chung; muốn lên chùa, sẽ gửi mạ ở chùa, ngày đêm nghe kinh nghe kệ; nếu mạ muốn về lại Việt Nam, sẽ mang mạ về Việt Nam. Nghe bùi tai, mạ im lặng. Chỉ đợi có thế, Briton nhanh nhảu hoàn tất mọi thủ tục  giấy tờ, lo khám sức khỏe rồi đưa mạ qua.

Thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ mạ đã ở đây, khỏi ngong ngóng đi, về, khỏi điện thoại đêm ngày hỏi han, dặn dò, khỏi nhờ vả ơn nghĩa.

*

Cả mấy tuần đầu mạ không ngủ được, cứ bấm nút gọi hoài. Mạ than lạ nhà lạ cửa. Buồn. Thiếu mụ Cháu bưng cơm, bà Hoa kể chuyện chạy chợ. Thèm. Thèm nói, thèm cười. Thèm tiếng gà tiếng chó.Ởđây im lặng quá, đụng đâu cũng thấy máy mà không thấy người. Lại thơm tho, sạch sẽ quá. Cũng lại thèm. Mùi mốc, mùi đất, mùi ruốc kho. Và nhớ. Màu nắng mới, tiếng gió thổi qua chạm phải mấy cái áo phơi tạm ngoài hiên trống. Ngày, cả nhà đi vắng, mạ một mình, hết tụng kinh rồi nghe kinh, hết quỳ lạy rồi ngồi thiền, không còn biết làm gì nữa, thì đi lui đi tới, nhìn quanh, nhìn ra cửa sổ. Đêm, khó ngủ, cứ chập chờn thấy có ai đứng bên ngoài nhìn vào, tay vẫy gọi…

Mạ muốn người thì có người thôi. Thế là gọi quanh mọi người, hẹn cuối tuần họp mặt. Gia đình thằng em út từ Austin, gia đình thằng em giữa từ San Antonio, gia đình hai đứa em gái kế từ Prairie, gia đình đứa em con chú, gia đình em con bà dì, hau đứa cháu con bà cô. Người thì đoàn tụ theo đường hôn nhân kẻ thì được bảo lãnh theo diện anh chị em, theo thời gian, quần thể bà con lớn dần. Con, cháu nội, cháu ngoại, cháu kêu dì, cháu kêu cô, người người vô ra lao xao, chào hỏi, cười đùa, cụng bia, cụng rượu. Rộn ràng như một ngày giỗ họ, ấm cúng, thân thương, gần gũi. Nhìn đám trẻ con chạy nhảy ngoài vườn, tầng trên tầng trệt, tầng hầm rồi nhà để xe, mạ quên hết buồn chán, nhọc nhằn. Mạ sung sướng nhất. Mà sung sướng là phải vì chính mạ mới là người đã mang cả một quần thể bà con từ vùng đất xa xăm đó sang đây. Không có mạ than van, trách móc vàhờn lẫy thì làm sao mà đủ can đảm và thời gian để lo bảo bọc cho từng ấy người. Mạ bỗng hỏi:

-Bi-ton đâu, Bi-ton đâu, mạ không thấy. Ta-lơ nữa, cũng không thấy
Ủa, Briton và Tyler ở đâu cà? Mãi nói chuyện, quên bẵng mất hai cha con. Nhìn quanh nhìn quất, chẳng thấy bóng dáng. Rõ ràng là có thấy chàng và thằng nhóc loáng thoáng đâu đó, bây giờ kẻ ăn người uống lao xao, lại chẳng thấy đâu. Lên lầu, ra vườn, xuống bếp, mở cửa ga-ra, cuối cùng, tìm thấy chàng ngồi một mình ở góc sân trước, tay cầm cốc rượu, đang chơi với Tyler.
-Em tìm anh muốn chết. Sao anh ở đây?
-Tyler đòi ra đây. Cưng cần gì nữa không? Bia? Rượu? Đồ ăn? Nước uống? Giấy chùi miệng?
-Không, không, cưng. Cưng lo quá đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Chỉ thiếu cưng và Tyler. Mọi người ai cũng hỏi Briton với Tyler đâu. Vào với họ đi. Anh vào cho vui. Ai cũng hỏi anh. Mà cũng cho Tyler làm quen với anh chị em bà con chứ. Anh chị em họ mà.
-Anh đã chào hỏi mọi người rồi mà. Anh muốn mọi người tự nhiên thoải mái. Nhưng cưng muốn vào thì anh vào.
-Lạ chưa, mình là chủ nhà, mình mời bà con tới…
-Anh biết.
-Thiếu anh mới mất vui. Có anh mới có họ.
-Không đúng, có em mới có họ.

Kéo vào. Briton đi theo, ngoan ngoãn. Như một người được nhắc tuồng, Briton hello người này, ok người nọ, nâng ly với người kia. Này anh, này chị, này em con bà dì, này anh con ông bác, này cháu kêu bằng cô, này cháu kêu bằng dì. Briton bơi giữa biển âm thanh ồn ào, một bản hợp ca không soạn bè. Briton gật gật đầu, cười chào vui vẻ. Thằng nhỏ Tyler, bốn tuổi, bơi theo, nhìn, cười, gật đầu, dễ dãi, hồn nhiên và ngơ ngác. Mọi người bớt nói, ngừng nhai, nhìn hai cha con, lúng túng và thông cảm. Mạ nói nhà mình quá có phước, không có thằng Bi-ton thì gia đình mình không biết giờ này ra sao, chắc chỉ có bốc đất mà ăn thôi. Nghe nói, chợt hình ảnh Đẩu và những lời hứa hẹn da diết ngày ra đi tràn về. Nếu lấy Đẩu thì sao nhỉ? Thì sao, thì sao…Mà thôi, thì sao cũng đã là thì sao rồi, nghĩ tiếp để làm gì. ….

Ủa, Briton và Tyler đâu rồi kìa? Lại vội vã đi quanh, tìm. Lần này cả          hai ở ngoài đường. Briton tập cho Tyler đạp xe đạp.
-Anh sẽ vào, cưng.
-Hai cha con anh, lạ thật. Khách khứa thế mà…

Chàng cười:
-OK, cưng, Tyler và anh sẽ vào sau…

Chàng nói thế nhưng chàng không vào. Chàng yêu cái thế giới bà con xôn xao đó. Nhưng nó làm chàng bối rối. Không sao, miễn nàng vui. Nàng là một món quà muộn vô giá. Theresa khoái đem 911 ra dọa, nàng thì sợ đổ vỡ. Theresa thích đi ra ngoài, nàng thích ở nhà. Theresa thích tự do, nàng thích bận bịu. Theresa làm đời chàng nặng thêm. Còn nàng, nàng làm đời chàng nhẹ tênh. Nàng còn kỳ diệu hơn: sản xuất ra một thứ briton-con hoàn hảo, Tyler. Nàng dẫn Tyler đi nhà thờ chuyên chỉ, đọc kinh chuyên chỉ, dạy con trở thành con chiên chuyên chỉ. Chuyên chỉ hơn cả Briton. Chàng vẫn hay nại cớ này cớ kia bỏ lễ, nàng dắt Tylerđi một mình. Nàng bảo nàng muốn thằng Tyler sẽ là một tín đồ thuần thành. Chàng hiểu đó là một đền đáp. Chàng nói em bỏ đạo mạ sẽ buồn. Nàng cười bảo, không, em không bỏ đạo, em thêm đạo, hai đạo thì tốt hơn một đạo. Nàng hào phóng, trải lòng. Nàng yêu Chúa, yêu chồng, yêu con, yêu mạ, yêu anh, yêu chị, yêu em, yêu cháu, yêu bà con dòng họ. Chàng yêu nàng, yêu luôn cái thế giới ràng buộc dây mơ rễ má của người đàn bà Á châu êm ả và năng động.

*

Mommy bảo Tyler tập nói hai chữ bà ngoại. Tyler tập. Mỗi lần gặp bà ngoại là Tyler vui vẻ hi banoai, good morning banoai, bye bye banoai. Banoai như một nhân vật đặc biệt trong truyện cổ, nhưng nghĩ mãi, Tyler chẳng tìm thấy ai giống banoai cả.

Sao mà chỉ cho con học hai chữ banoai thôi, Briton hỏi. Nàng cười,            ở xứ em, bà ngoại là quê hương.

Từ tầng hai lên tầng ba là chiếc cầu thang xoắn. Ở cuối, daddy dựng một tấm chắn ngang. Mommy dặn Tyler không nên leo cầu thang, nhưng Tyler tò mò, rình lúc không ai đểý là leo lên, níu tấm chắn đứng nhìn vào. Cậu chẳng thấy gì ngoài một cánh cửa đóng im ỉm. Banoai là một bíẩn lý thú. Banoai không đi, không bước, cũng không nói. Khi nói thì giọng nặng, không nghe rõ gì hết. Banoai không lên lầu xuống lầu. Cái máy đi, cái máy bước giùm cho banoai, kéo banoai xuống, đẩy banoai lên. Banoai hiền, Tyler chào, banoai chỉ gật gật đầu. Banoai đưa tay muốn ôm, cậu tránh. Banoai là một thế giới khác, lạ lùng y như thể không dính dáng gì đến cái thế giới của cậu. Thỉnh thoảng cậu lại nghe một âm thanh lạ, kín đáo vang ra từ căn phòng banoai, nghe như tiếng nhạc, đều đều buồn buồn, không vui như nhạc giáng sinh ở nhà thờ hay nhạc trẻ con ởnhà trẻ.

Chiếc cầu thang thì là chiếc cầu thang. Của nhà nó. Của ba. Của mẹ. Có banoai, cầu thang bỗng nhiên lạ. Mỗi lần đứng dưới nhìn lên, cậu vẫn có cảm giác của một người lạ đến nhà một người lạ. Bước chân lên, cậu vẫn ngần ngại. Nhiều lần, muốn nhảy tung vào, mở cửa, xem thử banoai như thế nào, ăn uống ra sao, khua động những âm thanh để làm gì.Nhưng sợ mẹ, đành thôi. Nhưng vẫn cứ leo lên. Và leo xuống. Mãi như thế, muốn lắm, vẫn không qua khỏi cái chắn cầu thang.

*

Tyler thấy máy đưa banoai xuống lầu. Tyler nói good morning banoai. Banoai cười rất lạ. Daddy đẩy banoai ra xe. Mommy đi theo. Cuối tuần, Tyler được về ở với cô em họ Emma, thích thật là thích. Có bạn chơi đùa, cãi cọ. Emma biết chìu em họ, lại dịu dàng. Hai đứa chơi đùa thỏa thích.

Về lại nhà, Tyler vội vã leo lên cầu thang nhìn. Không thấy tấm gỗ chắn. Ngạc nhiên, cậu đứng ngần ngừ trong chốc lát, rồi bạo dạn bước lên. Cậu mở cửa phòng banoai. Không có banoai. Yên lặng. Banoai đi đâu? Chạy qua phòng kế, cậu thấy trên cao, dưới bóng một người đàn bà đẹp, có hào quang, vài làn khói trắng bay vu vơ. Ánh đèn chớp chớp. Một mùi hương lạ xông lên, cậu khịt mủi, cảm thấy khó thở, nhưng không hiểu sao, bỗng thích. Bâng khuâng, Tyler đi tới đi lui. Chán, cậu trèo xuống cầu thang, đứng nhìn lên. Banoai chưa về. Banoai đi đâu, Tyler tự hỏi. Bỗng nhiên, cảm thấy thiêu thiếu, buồn buồn. Cậu muốn nhìn thấy tấm gỗ chắn chiếc cầu thang. Có tấm gỗ là có banoai.

Tyler ra phòng khách, đi quanh quẩn, không muốn trở lui nhìn chiếc          cầu thang nữa.

Tyler nhớ banoai. Rất nhớ. Nỗi nhớ đơn giản và hồn nhiên của cậu              bé lên năm.

TRẦN DOÃN NHO
(6/2018)