Friday, April 12, 2019

1075. NGUYỄN DƯƠNG QUANG Nhớ




Nguyễn Dương Quang
NHỚ
Nguyễn Dương Quang - Photo by PCH, Đà Lạt (2017)


Ngày xuân nhớ mẹ, nhớ cha
Tháng ngày u ẩn đã xa hiện về

Cha mẹ tôi xa cách nhau từ khi tôi còn chưa giáp năm,hơn 70 năm sau mới lại ở chung...trên bàn thờ.

Năm 1945, lúc 25 tuổi, ba tôi đang làm Phó trưởng ga xe lửa Đà Lạt (Trưởng ga là một người Nhật), đã bỏ việc đi theo kháng chiến.

Đến năm 10 tuổi tôi mới thấy mặt cha. Trung thu 1954, mẹ dẫn tôi từ Dran (gần Đà Lạt) vào Cà Mau để cùng theo ba tôi tập kết ra Bắc (mục đính chuyến đi theo lời bà kể).

Tôi vẫn nhớ thoang thoáng những điều thật lạ lùng lúc ấy mình đã gặp tại Ngã tư Phó Sinh, Cà Mau. Dọc những bờ kênh, trên những ghe, xuồng rực những rừng cờ đỏ. Ba mẹ và tôi ngồi ăn cơm trên bộ ván có mùng giăng kín rũ xuống tận mặt đất, dưới lớp ván là một con heo cũng đang ăn. Ăn xong, tôi giành bưng rỗ chén ra bờ kênh, vừa thả xuống nước là một bầy cá chốt tràn vào rỗ, tôi chơi với chúng đến khi mẹ kêu gắt mới vào. Một buổi sáng tôi theo một chú chèo xuồng qua bên kia bờ kênh, nơi có quán lá sơ sài; khi mua một cây kem, chủ quán bảo mấy trăm ngàn đồng, tôi không nhớ rõ. Tôi ngơ ngác, hoảng sợ, tay ngập ngừng sờ mép túi áo. Chủ quán hỏi cháu có bao nhiêu tiền, khi tôi rút ra tờ giấy 5 đồng mẹ cho, tôi thấy chủ quán có vẻ mừng rỡ lắm, ông thối cho tôi một xấp giấy bạc rất nhiều tờ.Tôi cầm về khoe với mẹ, bà chỉ vuốt tóc tôi và cười.

Bốn ngày ở Cà Mau qua rất mau, mẹ dẫn tôi về lại Dran, ba tôi đưa mẹ con tôi xuống xuồng, hẹn 2 năm sau sẽ gặp lại.

Không có Tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève. Mẹ tôi, sau ba năm, vì nhiều nguyên nhân, nhất là ông ngoại tôi bị cảnh sát bắt giam tại Đà Lạt, phải lập gia đình với một viên chức hành chính ở quận để dựa vào mà yên thân (tôi gọi ông là thầy). Tại Hà Nôi, ba tôi cũng có gia đình mới.

1976, tôi gặp lại ba tôi trong Trại cải tạo ở Bình Thuận. Ông vào thăm tôi và làm thủ tục bảo lãnh con. Vẫn những cái vuốt tóc con trai như 22 năm trước;  xong, ông về lại Hà Nội. Năm sau, tôi rời trại.

Làm việc trong Ban Tiếp nhận viện trợ của Chính phủ, ông thường đi công tác tại miền Nam. Mỗi lần ghé Đà Lạt, chỗ nghỉ do Ủy Ban Tỉnh bố trí, ông vẫn ghé nhà thăm mẹ con tôi, như một người khách. Ông hỏi mẹ tôi về những người quen trước kia, hỏi vợ chồng tôi về việc làm, sinh sống, nựng các cháu nội. Ông khuyên tôi bỏ thuốc lá nhưng thỉnh thoảng vẫn đem vào hay gửi người khác đem cho tôi mấy gói thuốc ngoại, tôi nhớ thuốc của Mỹ, Anh, Canada, Ý, Thụy Điển.

1982, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội .Để uống được một ly cà phê ông bảo là ngon nhất, hai cha con đèo nhau bằng xe đạp mấy cây số đến cà phê Tạ Hiền. Tôi được giao cho chiếc xe đạp mang bảng số 0039 để dạo phố phường, cô (vợ sau của ba tôi) dặn tối phải về sớm trước 21 giờ vì an ninh, thật ra lúc ấy thì đường phố Hà Nội đã vắng hoe. Về sau tôi đã có sáu lần đến Hà Nội. Đổi mới, hiện đại hóa, Hà Nội mỗi lần tôi ra một khác. Cô và hai em con riêng của cô đối đãi với tôi thật tốt, tôi vui vì gia đình có thêm người.

Một bữa, vài người thân quen tại Hà Nội khuyên tôi về lại Đà Lạt nên ra ở riêng, không nên ở chung với ngụy quyền là thầy tôi (vừa cải tạo xong về), tôi "bênh" ngay là ông ấy rất tốt, đạo đức và không tham nhũng. Ở miền Nam, Phó quận trưởng (Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện)kiêm chức vụ Chánh án Tòa Hòa giải Rộng quyền, ở quận không có Tòa án, Phó Quận trưởng hòa giải không được, nếu còn oan ức mới kiện lên Tòa án Tỉnh. Nhiều lần tôi chứng kiến vì nơi hòa giải là nhà mình, ông rất thành công với các lý lẽ phân tích vụ việc. Khi ông cải tạo về vợ chồng tôi đã ra ở riêng. Ông mất 1989, trước đó, cả bốn ông bà (Hà Nội-Đà Lạt) đã gặp nhau tại nhà tôi, tấm hình chụp chung lạc mất, tôi rất tiếc.

Những lần ra Hà Nội, tôi cũng thường gặp hàng xóm, những người ghé thăm nhà, hầu hết những người quen đều nức nở khen ba tôi: đức độ, sống đơn giản, nói chuyện rất có duyên v.v... Cô tôi kể có lần ông đi công tác nước ngoài, bà chạy tìm đưa cho ông 300 đô để ông mua ít món hàng về kiếm món lời nho nhỏ, bà không ngờ ông chỉ mua bánh kẹo về phân phát cho nhân viên và hàng xóm. Dù không tham nhũng, ông kể lại là vào năm 1980 ông vẫn vướng vào một chuyên án ăn chặn tiền viện trợ 2.700 đô từ UNICEF, sau 6 tháng điều tra, ông được minh oan.

Ông bà nội tôi có 6 người con, 5 người mất sớm (có 2 liệt sĩ thời chống Pháp), ông áp út và là trưởng tộc. Một lần về thăm quê, ông tổ chức hốt cốt những người đã mất gom vào khu mộ tộc hai bên nội, ngoại của ông.Ông truy cứu, thiết lập sơ đồ dòng tộc tận 10 đời trước.

Nhiều lần ông về thăm quê, một số bà con họ hàng thường than phiền với ông về những khiếm khuyết của xã hội, của các cán bộ; những lúc ấy, ông đượm buồn và giải thích là Nhà Nước sẽ tháo gỡ khó khăn, càng về sau tôi thấy ông càng đăm chiêu, không giải thích. Mấy lần tôi nghe ông nói với các người cháu trong họ là cán bộ và là cán bộ có chức quyền ở địa phương: lấy đất của dân thì nên đền bù cho đàng hoàng, không đủ tiền trả thì bảo nợ rồi từ từ trả cho người ta, không nên trả thấp rồi bán lại gấp nhiều lần.

Vào năm 80 tuổi, ông bất ngờ bảo tôi là ông đã "lỡ" có một đứa con gái ở miền Nam trước khi tập kết, em tôi đã mất 1984. Sau khi ông về lại Hà Nội, tôi tìm gặp được 4 trong 5 đứa cháu gọi tôi là cậu, cả mấy cậu cháu rất vui mừng và vẫn thường liên hệ nhau đến nay.

Giữa 2015, tuổi đã 95, ông bị té rạn xương đùi phải nằm viện. Khi ông yếu hẵn, vợ chồng tôi và gia đình ở Hà Nội đưa ông về quê bằng xe cứu thương chạy suốt 24 giờ Hà Nội-Bình Thuận 1.550 km. Thiêm thiếp trên chiếc giường dành cho người sắp ra đi trong ngôi nhà gần một thế kỷ trước đã sinh ra,thỉnh thoảng ông mở mắt yếu ớt nhìn khắp gian phòng, hình như ông  vui được trở về, sắp được gặp những người thân đã đi trước. Ngay ngày hôm sau, ông mất. Đưa tiễn ông, vợ, con cháu nội ngoại hầu như đầy đủ, Tỉnh cử Huyện tổ chức lễ tang.

Những ngày còn trong lính, thình thoảng tôi về thăm nhà bà nội (ông nội tôi mất khi ba tôi mới 5 tuổi).Một lần bà nội tôi lấy một tấm hình của ba tôi do bà giấu trên kèo nhà dưới lớp ngói âm dương đưa tôi xem và nói: ba mày làm lớn ở Hà Nội (mẹ nào không khoe tốt đôi khi quá về con mình);  sau đó, tôi có viết mấy câu thơ:

Nội ơi! Con mong ba làm thật nhỏ
Hay không làm gì hết,chỉ làm người
Dù trong rừng hay ngoài Hà Nội
Ba là ba con có một trong đời.

Lúc viết mấy câu trên,thật ra tôi vẫn rất mơ hồ về tình cha con (vì chỉ gặp một lần lúc 10 tuổi và biết còn có gặp lại không); sau này nghe, ông chỉ cười gõ đầu tôi.

Bây giờ, tôi ngồi nhớ đến ông, ông đã đi trọn quãng đường làm người của cuộc đời ông và dù thế nào cũng đúng là "ba là ba con có một trên đời".

*  

Từ nhỏ, tôi sống với mẹ.

Vừa học xong năm thứ ba trung học tại Trường Áo Tím ở Sài Gòn (sau đổi tên thành Nữ Trung học Gia Long, bây giờ hình như là Nguyễn Thị Minh Khai) vì dì tôi bị bệnh mất, mẹ tôi phải bỏ dỡ việc học để về  Dran giúp ông bà ngoại tôi trong việc trồng dâu tây, sản xuất mật dâu, mứt dâu ở Labouye (xã Lạc Viên, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng bây giờ). Theo ông ngoại chuyển hàng ra ga xe lửa Dran, gặp "ông sếp ga" vui tính, thường giúp đỡ ông ngoại tôi trong việc chuyển hàng về Sài Gòn, mẹ tôi đồng ý kết hôn.

Mẹ kể lúc lọt lòng tôi chỉ cân nặng 1,7 kg. Dran thời ấy rất lạnh, tôi chỉ được mấy tháng thì mẹ phải bồng về quê ba tôi ấm áp tôi mới sống được. Khi tim, phổi tôi khá lên, mẹ bồng về lại Dran, cùng lúc ấy ba tôi bỏ việc ở Đà Lạt đi kháng chiến, công tác từ Đà Lạt, xuôi Dran, xuống Bình Thuận rồi vô Nam cho đến khi tập kết ra Bắc.

Mẹ con tôi sống với ông bà ngoại. Nhà đơn độc ở lưng chừng núi, trước mặt là quốc lộ cách 300m, xa xa bên kia đường là dòng sông Đa Nhìm. Bên trái cách 1 km là một làng người dân tộc, bên phải 0,5 km là mấy túp nhà người Kinh. Không có trẻ hàng xóm, tôi chỉ từ bò lết trong nhà với mấy bạn chó con đến chập chững ngoài sân với lũ gà tây ồn ào.

Năm lên 6, tôi được vào học ngay lớp Tư (lớp 2 bây giờ vì mẹ đã dạy chữ ở nhà) ở Trường tiểu học Dran là quận ly cách nhà 8 km. Mỗi sáng ông ngoại tôi đưa tôi đi học bằng xe ngựa. Xe trông giống như xe ngựa chiến đấu trong các phim cổ trang La Mã; khác là ngồi chật được ba người, không có răng cưa hai bên bánh xe và chỉ dùng một con ngựa. Buổi trưa, mẹ gửi tôi ăn cơm nhà một người quen. Tôi nhớ đến giờ ăn, cả sáu đứa trạc tuổi nhau ngồi xếp bằng dưới nền nhà, quanh một cái chảo, trên tay mỗi đứa một cái muỗng. Cái chảo quay tròn liên tục khi ngược lúc xuôi, đứa nào cũng tìm chỗ có thịt chìa muỗng vào.

Năm sau, để chăm sóc tôi tốt hơn, mẹ xin đi dạy, cũng trường tôi học. Ban đầu mẹ con ở trọ, sau ông ngoại mua hẳn một căn nhà gỗ mái tôle cho hai mẹ con. Tôi có ba năm tuyệt vời nhất, mỗi buổi đi học về được bú vú da (!) . Mẹ bắt tôi mặc quần tây ngắn có dây đai bắt chéo quanh cổ, cả trường không có học sinh nào mặc như thế cả. Tôi bắn bi rất giỏi, buổi nào đi học chỉ bỏ hai viên bi vào túi, về hai túi đầy. La rầy không xong, mẹ cắt luôn hai túi quần, từ đó tôi phải bỏ bi vào cặp, về lén đổ ngoài hè giấu mẹ.

Đây cũng là thời gian mẹ tôi chịu nhiều áp lực với xã hội. Mới trên 30, có chút nhan sắc, chồng tập kết, một số đàn ông thuộc nhiều giới ngắm nghé, người nhẹ nhàng, người quyết liệt. Tôi còn quá nhỏ không biết gì. Sau cùng mẹ chọn thầy tôi vợ đã mất, có 6 đứa con. Mẹ con tôi dọn về ở chung với thầy tôi và năm đứa con riêng của ông (đứa út gửi bác nuôi), cùng lúc đó tôi và con trai lớn của thầy được gửi học lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) tại Trường Tin Lành ở Đồng Đế, Nha Trang. Căn nhà mẹ con ở trước kia mẹ tôi cho một người quen từ Phan Rang lên ở, không thu tiền. Mẹ còn mua cả máy may cho bà may kiếm thêm thu nhập. Lớn lên tôi mới biết bà là mẹ của nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đức Sơn. Anh Sơn lúc ở Dran viết nhiều tác phẩm văn thơ với bút danh Sao Trên Rừng. Sau này, lúc mẹ tôi còn sống, anh thường ghé thăm nhà ở Đà Lạt.

Ba năm trước khi vào lính, tôi ở Dran. Ngoài dạy học tư thục, tôi thường được quận nhờ tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ. Mẹ thường giúp tôi với các tiết mục múa do mẹ dạy các nữ sinh. Đá banh thì mẹ không thích nhưng không cản nữa khi tôi là thủ quân đội bóng của quận. Có lần tôi ghi hai bàn trong trận đội bóng Dran thắng đội bóng đoàn cải lương Bích Sơn-Bích Thuận 3-1,chị Bích Sơn ôm vai tôi rủ tôi theo đoàn, tôi nhớ chị rất đẹp với mái tóc thề. Chị hẹn tôi tối đến rạp chị dẫn vào xem miễn phí nhưng chị không ngờ tối ấy tôi đến xem với Giấy mời ngồi ghế giữa hàng đầu vì thầy tôi, Phó Quận trưởng là người ký giấy phép trình diễn cho các đoàn hát và có hai giấy mời là thượng khách. Chị cười, lại rất đẹp, xin lỗi tôi.

Khi tôi vào lính thì gia đình cũng dời về Đà Lạt do thầy và mẹ tôi chuyển nhiệm sở, ông bà ngoại tôi cũng đã lên trước, cất nhà sẵn cho cả gia đình. Xa Dran,lúc nào tôi cũng nhớ da diết cái thị trấn nhỏ và buồn nhưng với tôi là rất đẹp này; nhớ tiếng vượn hú, nhớ tiếng còi tàu vào ga, bầy đom đóm lập lòe trong sương lạnh...còn nhiều nữa, nhất là vòng tay của mẹ ấp yêu, dẫn dắt tôi suốt thời tuổi trẻ.

Tháng 4,1975,mẹ tôi là Trưởng phòng học vụ bàn giao Ty tiểu học Đà Lạt cho chính quyền mới (Trưởng Ty đã di tản trước), bà được lưu dung dạy thêm hai năm rồi nghỉ hưu,được lãnh một lần 80 đồng. Cũng chuyện về hưu, bà kể một lần Tỉnh tổ chức meeting, bà đứng lên phát biểu rằng tiền hưu không phải là tiền của chính quyền trước mà là tiền để dành trừ trong tiền lương tháng của công chức cũ, tiền của nhà giáo là tiền mồ hôi, hao mòn lá phổi của những người dạy học, cả dạy chữ cho những cán bộ Nhà Nước hiện nay trước kia đã đi học. Sau meeting, Bí Thư Tỉnh đã bảo riêng bà làm đơn, Tỉnh sẽ giải quyết nhưng bà bảo là nói chung cho ngành, không riêng tư.

Tôi cải tạo về, mẹ tôi và vợ tôi vẫn tiếp tục lo việc thăm nuôi thầy tôi và đứa em trai con riêng của ông cũng là sĩ quan cũ. Cả nhà đều đói, bữa ăn thường là khoai mì khô giả nhỏ khuấy thành hồ độn đọt rau lang luộc, rất ít gạo chỉ dành cho bà ngoại tôi. Để bớt miệng ăn, ông bà ngoại tôi phải chuyển về quê Bến Tre chăm bón lại mấy chục gốc dừa ông em chia lại để sống.Dù không đủ no,mẹ tôi vẫn chia sớt cho hàng xóm như trước 1975, trước kia từng nửa ký gạo, bây giờ từng con cá kho do vợ tôi "tiếp nối truyền thống"' mang từng nồi cá kho sẵn từ quê Bình Thuận về theo những chuyến đi buôn vặt. Để giúp thêm vợ tôi, mẹ bưng thùng thuốc lá ra bến xe bán; sau có một sạp hàng khô nhỏ ở chợ Đà Lạt.

Khi tôi bỏ rẫy, vợ tôi bỏ "phe phẩy" (buôn vặt), chúng tôi đi buôn phân xác cá bằng các hợp đồng (bạn bè gọi đùa tôi là Giám đốc Xí nghiệp Hôi Hám), rồi dành dụm và vay thêm cất khách sạn, "đỡ" hơn trước, mẹ tôi về sống với chúng tôi. Chúng tôi thường đi vắng, mẹ tôi trông nhà, dạy dỗ cháu nội các việc nhà. Năm 86 tuổi, bà mất vì bệnh phổi.
 
Những ngày ở lính, cùng với mấy câu thơ viết cho cha, tôi viết một bài cho mẹ, trong đó có mấy câu:
...
Trước mặt con: những ngọn đồi cát máu
Đêm thì thầm cùng những nấm xương
Con chỉ còn trái tim tôn thờ má
Đã dạy con hai tiếng yêu thương

Dòng nước nào xa nguồn mà không đục
Sợ một mai con lạc dấu chân mình
... 

Thêm về bốn ngày của hai mẹ con tại Cà Mau 1954:

Khi lớn lên,có lần tôi hỏi mẹ: "Sao lúc ấy mẹ không chịu theo ba tập kết ra Bắc?" Mẹ kể là buổi sáng ngày thứ tư tại Cà Mau, mẹ và ba có cuộc tranh luận ngắn, không ồn ào nhưng quyết liệt. Ba :"Em về theo Mỹ đi!", mẹ:"Tôi không theo ai cả. Ở nhà, ở trường tôi dạy có hình ông Tây, ông Mỹ nào đâu! Còn anh nhìn đi, ngay trên vách nhà anh ở, hình ông Hồ ở giữa, hai bên là hình ông Malenkov và ông Mao Trạch Đông? Anh theo ai cứ theo, tôi không theo ai cả, tôi dắt con về".


Đà Lạt, tháng 2.2019
NGUYỄN DƯƠNG QUANG
(1944-2020)