Friday, April 19, 2019

1084. CHUYẾN BAY CỦA NGƯỜI ĐẸP NGỦ SAY  Truyện ngắn của nhà văn người Colombia, giải Nobel văn học 1982 GABRIEL GARCIA MARQUEZ (1928-2014) Bản dịch của THÂN TRỌNG SƠN

Photo courtesy of Air France

Nàng xinh đẹp, dong dỏng cao, làn da mịn màu bánh mì, đôi mắt xanh màu hạnh đào, mái tóc mướt đen, xoã đến  lưng, toát ra mùi hương như là từ xứ Indonesia hay vùng núi Andes xa xôi tới. Nàng ăn mặc kiểu tinh tế: áo khoác ngoài bằng lông linh miêu, áo cánh bằng lụa thô in những bông hoa trang nhã, quần dạ mộc thô, giày đế phẳng,  màu hoa giấy. “ Đây là người phụ nữ xinh đẹp nhất ta chưa từng thấy trong đời”, tôi nghĩ thầm khi thấy nàng sải những bước đi êm ru như dáng sư tử cái, trong khi tôi đứng xếp hàng chờ đáp máy bay đi New York tại phi trường Charles de Gaule, Paris. Nàng xuất hiện lạ lùng trong thoáng chốc rồi tan biến vào đám đông trong phòng chờ.

Lúc này là chín giờ sáng. Trời đổ tuyết từ đêm hôm trước, sự lưu thông trở nên khó khăn hơn lệ thường trên các đường phố, và chậm hơn trên các xa lộ. Nhiều xe tải đỗ bên vệ đường, các xe khác toả hơi nóng trong tuyết. Ngược lại, trong các phòng chờ ở phi trường, cuộc sống vẫn tiếp tục như đang tiết xuân.

Tôi đang đứng xếp hàng tại quầy làm thủ tục, sau một bà Hà Lan lớn tuổi đang tranh cãi gần cả tiếng đồng hồ về trọng lượng mười một chiếc va li của bà. Tôi bắt đầu cảm thấy nản thì bỗng nhận ra sự xuất hiện thoáng qua khiến tôi bàng hoàng, không rõ cuộc xung đột chấm dứt khi nào. Cô nhân viên kéo tôi xuống mặt đất với lời trách tôi lơ đãng. Thay lời xin lỗi, tôi hỏi cô có tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không. “ Dĩ nhiên là tin, cái đó mới là chân thực!”. Mắt vẫn nhìn vào màn hình máy vi tính, cô hỏi tôi muốn ngồi ở nơi được hút thuốc hay không hút thuốc.
  Với tôi chuyện đó chẳng quan trọng gì ”, tôi cố ý nói, “ miễn là không  phải ngồi cạnh mười một chiếc va li.”
Cô cảm ơn tôi với nụ cười chuyên nghiệp nhưng tia nhìn vẫn không rời khỏi màn hình bóng sáng.

“ Ông hãy chọn một con số, cô bảo tôi. Ba, bốn hoặc bảy.”
“ Bốn.”
Nụ cười của cô ánh lên vẻ chiến thắng.
“ Trong suốt mười lăm nay tôi làm ở đây, ông là người đầu tiên không chọn số bảy.”

Cô ghi số ghế vào thẻ lên tàu và đưa cho tôi với tất cả giấy tờ liên quan, rồi nhìn tôi lần đầu tiên với đôi mắt nâu vàng, một điều an ủi cho tôi, cho đến khi tôi lại thấy người đẹp đi ngang qua. Cũng ngay lúc đó, cô nhân viên thông báo cho tôi rằng phi trường vừa đóng cửa và mọi chuyến bay đều bị hoãn.

“ Hoãn đến lúc nào?”
“ Trời mới biết được”, cô tươi cười nói.” Sáng nay đài phát thanh thông báo đang có trận bão tuyết lớn nhất trong năm.”

Cô ấy đã lầm: Đây là trận bão tuyết lớn nhất thế kỷ. Nhưng trong phòng đợi vé hạng nhất, mùa xuân chừng như vẫn có thực, hoa tươi cắm đầy các lọ, âm nhạc vẫn tuyệt diệu và êm ái, đúng như ý của những người sáng tạo ra nó. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy đây là nơi trú ẩn lý tưởng cho người đẹp của tôi, và tôi tìm nàng ở các phòng đợi khác, bối rối về sự táo bạo của mình. Nhưng phần đông ở đấy chỉ là những người đàn ông trong đời thực, đang đọc báo tiếng Anh, trong khi các bà vợ của họ đang mơ tưởng về những người đàn ông khác, qua khung cửa kính lớn, đưa mắt nhìn những chiếc máy bay chết dí trong tuyết, những nhà xưởng băng tuyết, những công trình to lớn của phi trường Roissy bị bầy sư tử tàn phá. Quá nửa trưa, không còn chỗ để ngồi và cái nóng trở nên oi nồng không chịu nổi, tôi thoát ra ngoài tìm chút không khí thở.

Bên ngoài, tôi thấy một cảnh tượng kinh khiếp.  Đủ mọi hạng người bỏ ra khỏi phòng đợi đến chôn chân nơi các hành lang biến thành lò sấy, nằm ngổn ngang nơi cầu thang, dưới đất với các thú vật, con cái, đồ đoàn. Bởi lúc này, mọi liên lạc với thành phố bị cắt đứt và toà nhà bằng chất nhựa trong trông giống một buồng du hành không gian bị vây hãm trong bão tố. Tôi không thể ngăn được ý nghĩ rằng người đẹp hẳn sẽ ở đâu đó giữa bầy đàn yên tĩnh kia, hình ảnh đó khiến tôi thêm kiên nhẫn để chờ đợi.

Đến giờ ăn trưa, chúng tôi ý thức được thân phận kẻ đắm tàu của mình. Mọi người xếp thành hàng dài vô tận trước bảy nhà hàng ăn, các quán bán thức ăn tự phục vụ, các quầy rượu bị tấn công, và chỉ ba tiếng sau, tất cả các nơi này phải đóng cửa vì không còn gì để ăn để uống cả. Trẻ em, có lúc tưởng chừng như bao nhiêu trẻ em trên thế giới đều tụ họp ở đây, bắt đầu khóc lên đồng loạt, và mùi bầy thú bốc lên từ đám đông. Đây là thời khắc của bản năng. Mọi người tranh giành nhau, và tôi chỉ có thể có được hai cốc kem cuối cùng trong một cửa hàng dành cho trẻ em. Tôi đứng ăn chậm rãi ở quầy, trong khi mấy người phục vụ hễ có khách rời đi là lấy ghế đặt ngược lên bàn, tôi tự ngắm mình trong gương, tay cầm cốc kem nhỏ cuối cùng, miệng ngậm muỗng kem nhỏ cuối cùng, và tơ tưởng đến người đẹp.

Chuyến bay đến New York, được dự tính khởi hành lúc mười một giờ sáng, đã rời đi lúc tám giờ tối. Đến lúc cuối cùng tôi lên tàu, các hành khách hạng nhất đã vào ngồi ghế và cô tiếp viên dẫn tôi đến tận chỗ ngồi. Tôi thấy khó thở.

Sát chỗ ngồi của tôi, cạnh cửa sổ, người đẹp chiếm hữu không gian của mình với sự tự tin của một hành khách có kinh nghiệm. “ Nếu có ngày tôi có viết lại câu chuyện này thì cũng chẳng ai tin,” tôi nghĩ vậy. Và tôi cố ấp úng thốt ra một lời chào ngập ngừng mà nàng như không hề nghe.

Nàng an toạ, kiểu như sẽ ngồi đó hàng năm trời, xếp đặt mỗi vật vào đúng vị trí, đúng trật tự, cho đến khi chỗ nàng ngồi được sắp xếp giống như ở nhà, nơi mọi vật có ngay trong tầm tay. Trong khi nàng loay hoay như thế, một tiếp viên mang đến cho chúng tôi cốc sâm banh chào mừng. Tôi cầm một cốc mời nàng, nhưng cũng cố chờ đúng lúc. Vì nàng chỉ nhận một ly nước và, trước hết bằng một thứ tiếng Pháp khó nghe hiểu, rồi sau đó bằng một thứ tiếng Anh chỉ tạm được hơn một chút, nàng yêu cầu tiếp viên đừng đánh thức trong suốt chuyến bay dù với bất cứ lý do nào. Giọng nàng trang trọng, ấm áp xen lẩn nét buồn Đông phương.

Khi tiếp viên mang ly nước lại, nàng đặt trên đầu gối túi đồ dùng du lịch với bốn góc viền đồng, như kiểu rương nhỏ của các cụ bà, lấy hai viên thuốc màu vàng từ một cái túi đựng những viên thuốc đủ màu. Mỗi một động tác của nàng đều chuẩn mực, từ tốn, như thể từ lúc nàng mới sinh ra chẳng có điều gì bất ngờ xảy ra với nàng hết. Cuối cùng, nàng kéo tấm màn che cửa sổ xuống, hạ thấp lưng ghế ngồi, trùm chăn đến nửa người mà không cởi giày, mang chiếc mặt nạ ngủ, quay lưng về phía tôi, rồi ngủ một mạch, không một tiếng thở dài, không hề thay đổi tư thế, trong suốt tám tiếng đồng hồ đằng đẵng cộng thêm mười hai phút nữa, là thời gian chuyến bay đến New York.

Thật là một chuyến bay đầy cảm xúc. Tôi vẫn tin rằng trong thiên nhiên không có vẻ đẹp nào lớn lao hơn vẻ đẹp phụ nữ, đến mức tôi chẳng thể nào thoát khỏi, dù chỉ trong khoảnh khắc, hình ảnh thanh thoát của người đẹp cổ tích đang say giấc nồng bên cạnh tôi đây. Sau khi máy bay cất cánh, người tiếp viên nam biến đi ngay, một cô khác khéo léo hơn đến cố đánh thức nàng để đưa cho nàng hộp đựng đồ trang điểm và cặp tai nghe để nghe nhạc. Tôi nhắc lại cho cô lời dặn của nàng đã nói với anh tiếp viên lúc nãy, nhưng cô muốn nghe từ chính người đẹp rằng nàng cũng không muốn dùng món xúp. Anh chàng tiếp viên phải xác nhận điều đó, lại trách tôi bởi vì người đẹp không đeo ở cổ tấm bảng “ xin đừng đánh thức”.

Tôi ăn món xúp trong đơn độc, nghĩ tới những điều sẽ phải nói với nàng khi nàng thức giấc. Giấc ngủ của nàng thật sâu, đến độ tôi lo lắng nghĩ rằng những viên thuốc nàng uống không phải để ngủ mà để tự tử. Cứ uống một ngụm, tôi lại nâng ly chúc mừng:
“ Chúc sức khoẻ người đẹp!”

Khi xong món xúp, đèn mờ đi, một bộ phim được chiếu lên, chẳng biết để ai xem, và hai chúng tôi chìm trong cõi tối tăm mịt mù của thế giới.

Cơn bão tuyết lớn nhất thế kỷ đã qua đi, đêm trên Đại Tây Dương thật mênh mông trong vắt, và chiếc máy bay chừng như bất động giữa trời sao. Tôi ngắm nhìn nàng, từng li, từng li một, trong nhiều giờ liền, và những dấu hiệu sự sống duy nhất tôi nhận thấy được là những bóng dáng của những giấc mơ thoáng qua trên vầng trán nàng, như những áng mây thoáng qua mặt nước. Nàng đeo ở cổ một sợi dây chuyền thật mỏng manh đến độ tưởng như không nhìn thấy được trên làn da vàng óng ả, đôi tai hoàn hảo không có vết đeo bông tai, móng tay hồng hào dấu hiệu sức khoẻ tốt, bàn tay trái đeo nhẫn.

Bởi nàng có vẻ chưa quá tuổi đôi mươi, tôi tự trấn an mình bằng ý nghĩ rằng đó không phải là nhẫn cưới, mà chỉ là chiếc nhẫn bình thường của một đính ước phù du. “ Biết em đang thiếp ngủ, thanh thản, tinh khôi, tin cậy, thật gần gũi trong vòng tay gắn bó của ta “, tôi nghĩ trên đầu bọt sóng sâm banh, ngân nga câu thơ thần kỳ của Gerardo Diego (1). Sau đó, tôi hạ thấp lưng ghế ngang tầm bằng ghế nàng, chúng tôi nằm duỗi bên nhau, sát gần nhau hơn là trên chiếc giường tân hôn.

Hơi thở của nàng ấm áp như giọng nói, và làn da toát ra hương vị tinh tế dịu dàng không khác hương thơm tự nhiên của nhan sắc. Chuyện thật khó tin: mùa xuân năm rồi, tôi vừa đọc một tiểu thuyết tuyệt vời của Yasunari Kawabata (2) viết về các bậc trưởng giả lớn tuổi ở Kyotok đã phải chi ra một khoản tiền rất lớn để trải qua một đêm dài chiêm ngưỡng những thiếu nữ đẹp nhất thành phố, khoả thân và đang chịu tác dụng của liều thuốc an thần, trong khi các vị này mê đắm trên cùng chiếc giường. Họ không được phép đánh thức các thiếu nữ dậy hay đụng chạm các nàng, mà thực sự họ cũng không hề có ý định đó , bởi điều tinh khiết nhất trong lạc thú của các vị này là được ngắm các nàng say sưa giấc nồng. Đêm đó, khi thức nhìn người đẹp ngủ, tôi không chỉ hiểu được sự tinh tế của người trải đời, mà còn hơn thế, tôi đã sống với nó trọn vẹn.

“ Ai có thể nghĩ được rằng”, tôi tự nhủ, “ với lòng tự ái được men rượu làm hưng phấn lên, tôi có ngày đã thay đổi thành một lão gia Nhật Bản? “

Có thể tôi đã ngủ nhiều giờ, do ngấm men sâm banh và ánh chớp câm lặng của cuốn phim đang chiếu, khi thức giấc, đầu tôi nhức như búa bổ. Tôi đi vào phòng vệ sinh. Sau chỗ tôi ngồi hai hàng ghế, bà già với mười một chiếc va- li đang nằm, bốn vó đưa lên cao. Bà giống như một tử thi phơi thây nơi chiến địa. Đôi kính lão của bà với vòng dây bằng hạt cườm nhiều màu rơi vãi dưới sàn, ngay giữa lối đi. Trong một lúc tôi cảm thấy niềm vui ranh mãnh là lờ đi, không nhặt lên cho bà.

Sau khi cố thoát khỏi ảnh hưởng của rượu, tôi nhìn mình trong gương, thật xấu xí, đáng chê, và ngạc nhiên nhận ra sự tàn phá của tình yêu lại khủng khiếp đến thế. Bỗng nhiên, máy bay mất độ cao, hết sức gượng dậy rồi lại phóng về phía trước. Dấu hiệu trở về chỗ ngồi được bật sáng. Tôi nhanh chân bước ra, với hy vọng là những cơn cuồng đảo của trời đất vừa qua đã đánh thức nàng dậy, và nàng sẽ hoảng hốt tìm nơi trú ẩn trong vòng tay của tôi. Trong lúc vội vàng, tôi suýt dẫm lên đôi kính của bà già, điều có lẽ chẳng làm tôi phật lòng. Nhưng tôi đã quay bước, nhặt đôi kính lên, và đặt lên đầu gối bà già, như để cám ơn bà đã không chọn ghế số bốn trước khi tôi chọn.

Giấc ngủ của người đẹp thật triền miên. Khi máy bay ổn định lại, tôi cố cưỡng lại sự cám dỗ muốn lay nàng dậy với một lý do nào đó, bởi vì tôi chỉ muốn một điều vào giờ bay cuối cùng này, là được thấy nàng thức giấc, dù nàng giận dữ, hầu có thể tìm lại được sự tự do và có lẽ cả tuổi trẻ của tôi. Thế nhưng, tôi không thể làm điều đó. “ Quỉ thật, tôi khinh miệt tự nhủ, sao mình không sinh ra dưới dấu hiệu Kim Ngưu! “ Nàng tự thức giấc đúng vào lúc các biển báo chiếu sáng được bật lên, nàng thật xinh đẹp, thật tươi tắn như đã trải qua một giấc ngủ êm đềm trên chiếc giường hoa.

Lúc này, tôi nhận ra rằng, trên máy bay, những hành khách ngồi cạnh nhau, như những đôi vợ chồng già, không chào hỏi nhau khi thức giấc. Nàng không phải là ngoại lệ. Nàng gỡ mặt nạ ra, mở đôi mắt rạng rỡ, nâng lưng ghế tựa, dẹp chăn đắp qua một bên, lắc nhẹ cho mái tóc duỗi ra tự nhiên, đặt hộp trang điểm trên gối và sửa soạn với vài động tác lẹ làng và có vẻ thừa thãi để khỏi nhìn tôi, trong khi chờ cửa mở. Sau đó nàng khoác chiếc áo veste lông linh miêu, gần như vượt qua tôi với lời xin lỗi ước lệ bằng tiếng Tây Ban Nha châu Mỹ, rồi ra đi mà không một lời từ giã, không cả lời cám ơn tôi về những gì tôi đã làm để chúng tôi có được một đêm hạnh phúc, và biến đi mất tăm mãi cho đến ngày hôm nay trong thành phố New York như rừng rậm này.

Tháng sáu 1982.
  
____________________ 

Chú thích của người dịch:

(1)      Gerardo Diego Cendoya, nhà thơ Tây Ban Nha, 1896-1987.
(2) Yasunari Kawabata, nhà văn Nhật Bản, 1899-1972. Giải Nobel văn học 1968. Cuốn tiểu thuyết được nhắc đến ở đây là “ Ngôi nhà những người đẹp ngủ say “, xuất bản năm 1961, bản tiếng Anh dịch là “ the House of the Sleeping Beauties “ . Tác giả Gabriel Garcia Marquez xem đây là một kiệt tác của văn chương đương đại.
  
THÂN TRỌNG SƠN 
Tháng 4.5019
dịch theo bản tiếng Pháp của Anne Morvan
( Douze contes vagabonds - nxb Grasset, 1993, trang 52-58 ).