Monday, October 7, 2019

1262. NGUYỄN AN BÌNH Truyện ngắn MÙA CHIM DỒNG DỘC

Tổ chim dồng dộc - Nguồn ảnh: Google image

 Thao bắt xe đò về quê từ sáng sớm, lộ trình từ Sài Gòn về Cần Thơ ngót nghét gần 180 cây số, nếu thời tiết thuận lợi và không có vấn đề gì làm ách tắt giao thông giữa đường thì trung bình khoảng ba tiếng đồng hồ là xe về đến bến . Nhưng Thao  không xuống bến mà xuống trạm nhà xe bên nầy bờ Bình Minh rồi bắt xe ôm về quê theo đường lộ cũ dọc theo sông Hậu về Phong Hòa thuộc huyện Lấp Vò Đồng Tháp. Lần nầy có lẽ là lần lâu nhất Thao về thăm nhà sau những năm rời quê lên thành phố học và tìm được công ăn việc làm trên ấy, công việc cuốn theo công việc nên đôi khi Thao quên hẳn còn có một chốn quê hương để nhớ để quay về. Mẹ Thao, người đàn bà hiền hậu một đời chăm lo cho gia đình con cái sau khi chồng mất, biết tánh thằng con trai hơi hậu đậu hay quên nên thường nhắc khéo Thao những ngày giổ kỵ trong gia đình bên nội cũng như bên ngoại, nhất là ngày giổ của ông già để  nhớ liệu mà thu xếp chuyện cơ quan để về. Cũng may Thao còn có đứa em gái làm cô giáo đã lập gia đình sống gần đó nên Thao cũng yên tâm phần nào. Từ ngày ba mất đi, mẹ phải cáng đáng hết công chuyện ruộng rẩy, vườn tược buôn bán đắp đổi lo lắng cho anh em Thao ăn học đến nơi đền chốn, anh lại không giúp đở gì nhiều cho mẹ nên Thao đôi lúc cũng áy náy trong lòng, đôi lần anh chậc lưỡi nghĩ thầm: Thôi cố gắng cày thêm một thời gian nữa, dành dụm có tiền mua được nhà rước mẹ lên ở chung để tiện chăm sóc mẹ lúc ốm đau bệnh tật, còn nhà cửa ruộng vườn giao lại cho vợ chồng đứa em gái quản lý trông coi. Thao từng nói ý định nầy với mẹ nhưng bà đã gạt đi không bằng lòng: Sống  ở nông thôn quen rồi, hơn nữa còn mồ mã ông bà ở đây bỏ thế nào được hở con? Lần nầy Thao về ngoài việc nhắc lại với mẹ ý định dạo trước mà còn muốn qua nhà Ngà đốt nén nhang cho chú Năm Thàng, ba Ngà, người hàng xóm tốt bụng đã đở đần mẹ rất nhiều trong những lúc khốn khổ gieo neo từ khi ba anh mất đi. Ngày chú mất Thao đang đi công tác xa ở Hà Nội, mẹ điện báo tin nhưng anh không về được vì công việc còn đang lở dở. Mới đây chú Năm mất gần một tháng rồi còn gì.
Lan man nghĩ ngợi thì chiếc xe ôm đã dừng lại bên kia cầu Mương Khai, chú tài xế dừng lại nói:
- Đã đến nơi rồi đó anh.
Thao bước xuống xe lấy tiền trả không quên nói lời cám ơn rồi xốc lại ba lô trên vai đi dọc theo bờ kênh để về nhà.
Dòng kênh đỏ một màu phù sa đang chảy xuôi ra sông cái, nước đang ròng. Hôm qua chắc có một đám mưa qua đây nên cây cối hai bên đường có một màu xanh tươi, ánh nắng vàng tươi rực rỡ, bầu trời trong xanh thật đẹp, mặt đường xi măng còn loang loáng nước. Con đường nầy ngày xưa quá đổi quen thuộc với anh, ngày ấy nó chỉ là con đường đất nhỏ, mỗi ngày Thao, Ngà và biết bao đửa học trò nhỏ khác trong xóm đi ngang đây để đến ngôi trường tiểu học nằm trên đường tỉnh lộ. Mùa nắng thì không sao chứ mùa mưa thì bùn đất nhảo nhẹt đi té lên té xuống nếu chẳng may đứa nào sơ ý chụp ếnh thì có nước quay về bỏ học buổi ấy mà lại làm trò cười cho bọn trẻ. Lớn lên một chút vào trung học trường càng xa hơn, mấy năm đầu Thao vẫn cuốc bộ đến trường, sau mẹ dành dụm mua cho anh chiếc xe đạp, anh cho Ngà quá giang đến trường. Ba năm trung học phổ thông  cũng qua vèo trong chớp mắt cho đến ngày anh đi xa.
Thao về đến nhà đã hơn 10 giờ, mẹ mừng lắm. Mặc dù Thao đã điện về báo trước nhưng mẹ vẫn xúc động nắm tay anh, giọng run run:
- Thằng cha mầy bây giờ mới về. Từ sáng đến giờ tao trông mãi.
Thao cười cười nói đùa cho mẹ vui:
- Má trông con hay trông con dẫn con dâu của má về vậy?
Thím tư trố mắt long lanh nhìn Thao:
-Thiệt hôn? Con nói thiệt hôn để má mừng.
Thao vừa nói vừa đi ra chái bếp đến bên lu nước rửa mặt:
- Thiệt mà, nhưng để người ta chịu con mới đưa về ra mắt má chớ.
Thao đang xối nước rửa mặt, rửa chân rồi vốc nước lên tóc cho mát, bỗng nghe ngoài cổng có tiếng Trâm em gái mình vọng vào:
- Anh Thao về rồi hả má.
- Ừ! Nó vừa mới về, đang rửa mặt phia sau đó.
Thao lau mặt bước vào nhà, Trâm nhìn anh cười vui vẻ:
- Em có đem mấy trái sầu riêng qua cho anh nè, nhớ hồi ở nhà anh thích ăn sầu riêng lắm mà.
- Em còn nhớ anh thích sầu riêng lắm hả?
- Ờ! Sầu riêng sầu chung gì cũng là sầu thôi ông anh ơi.
Thao chưng hửng chưa biết Trâm muốn nói gì. Trâm thủng thẳng nói:
- Em vừa đi ngang qua nhà chị Ngà, cho chỉ hay hôm nay anh về. Chị nhắn anh rảnh qua nhà chị chơi đó.
Thao nhìn má ngầm hỏi:
- Con qua nhà Ngà đốt một nén nhang cho chú năm đi con cho con Ngà nó vui. Ngày chú năm mất con không về nên được thì qua bên ấy vừa đốt nhang tưởng niệm chú năm vừa thăm con Ngà cho phải phép con ạ.
- Con cũng định qua thăm Ngà và đốt nhang cho chú năm đó chứ má.
Quay sáng nói với Trâm:
- Em ở đây chơi với mà anh đi qua bên Ngà một lát rồi về nghe.
Thím tư nói với theo khi Thao bước ra cổng: nói với theo:
- Nhớ về sớm ăn cơm nghe con, má chờ.
Thao không nói gì bước ra ngoài. Nhà Ngà cách nhà Thao một đoạn đường khoảng cây số, phải qua một con rạch nhỏ, ngày trước có cây cầu dừa bắc ngang qua, bây giờ được thay bằng chiếc cầu xi măng đủ để hai chiếc xe máy qua lại. Thao vừa bước vào nhà, Ngà đang lui cui trong bếp nói vọng ra và bước ra ngoài:
- Ai vậy, Thao phải không?
- Ừ! Thao đây, sao Ngà biết hay vậy?
- Hồi nảy Trâm mới đi ngang qua nói cho Ngà biết mà.
- Thao đốt nhang cho chú Năm nhé. Xin lỗi Ngà ngày chú năm mất Thao đi công tác xa không về được.
Ngà chớp chớp mắt có vẻ buồn:
- Ngà biết. Thím tư có nói cho Ngà hay lúc đó Thao đang ở Hà Nội mà. Trước khi mất ba cứ nhắc Thao mãi.
Thao đốt nhang cắm vào lư hương trên bàn thơ, nhìn bức ảnh của chú năm ánh mắt có vẻ trầm tư như muốn nói với Thao điều gi. Ngà dẫn Thao qua chái bếp, chỉ vào mấy tổ chim dồng dộc treo dài theo chái bếp mà chú năm lưu giữ  sau mỗi mùa chim dồng dộc đến xây tổ rồi bay đi, Ngà nói:
- Ba nhắn khi nào Thao về chỉ cho Thao mấy tổ chim dồng dộc nói Thao thích cái nào lấy về, đem lên thành phố treo cho vui để đở nhớ nhà nhớ quê vậy mà.
Nghe Ngà nói Thao bỗng xúc động rân rấn nước mắt, Thao hiểu chú năm muốn gởi gấm điều gì qua câu nói đó. Thao nhớ hồi nhỏ mình là đứa trẻ nghịch ngợm quấy phá nhất, anh thường hay lén qua vườn nhà hàng xóm để hái trộm trái chín để ăn, không việc nào của bọn trẻ trâu mà Thao không tham gia, nhất là vụ leo lên mấy cây cao để bắt chim non để nuôi hay trộm trứng về luộc ăn. Thao leo trèo như khỉ, thậm chí những cành nhỏ chơ vơ rìa ngoài mé sông giáp nước anh cũng không sợ. Thím tư nhiều lần la mắng hoặc đòn roi trước những trò nghịch ngợm tai quái có một không hai mà anh vẫn không từ bỏ.
Có lần Thao đến nhà chú năm gởi một ít trái cây chín bói ở vườn nhà biếu chú, chú bào Thao đi theo chú ra sau vườn. Sau vườn nhà chú là khoảng đất khá rộng chú trồng rau màu để bán và cải thiện bửa ăn, xung quanh là những hàng tre tàu cao ngút ngắt, một hàng me keo lá nhỏ li ti, có cả một rặng trâm bầu đang mùa ra hoa. Hai chú cháu nhìn về phía trước, chú chỉ vào đám tre tàu:
- Cháu có thấy gi đó không?
Tôi hơi ngơ ngác nhìn theo tay chú, lớ ngớ hỏi:
- Thấy gì hả chú?
- Mấy con chim đó.
- Cháu thấy, nhưng sao hả chú.
- Đó là chim dồng dộc. Mùa nầy chúng đang bay về làm tổ để sinh sản đấy cháu ạ.
Tôi mới chú ý kỹ hơn. Đúng là có mấy con chim đang bay tới bay lui, có con bay về tha mấy cọng cỏ rồi khéo léo dùng mỏ để đan kết với nhau, có cái tổ đã hình thành gần xong, có cái còn dở dang, nhưng đặc biệt là không có cái nào giống cái nào. Chú năm giọng đều đều giải thích cho Thao nghe:
- Loài chim dồng dộc nầy giống như chim sẻ, chúng  sống và sinh sản theo bầy đàn, thường bắt cặp làm tổ và đẻ trứng vào mùa lúa chín. Cháu có nhìn thấy không, con nào trên đầu có chùm lông màu vàng là con chim trống trông có vẻ đường bệ uy nghi như một chàng hoàng tử mới đăng quang, còn con chim mái chí có bộ lông màu xám nâu mà thôi nếu không nhìn kỹ có khi chúng ta nhầm là chim sẻ.
Thao khẻ kêu lên:
- Thế a, hồi nào tới giờ cháu lại không chú ý tới.
Chú năm Thàng cười độ lượng:
- Ừ! Thì cháu chỉ lo nghịch phá chúng thôi chứ có thèm để ý gì đến cuộc sống của bọn chúng như thế nào đâu. Chúng cũng sống có tình có nghĩa như loài người chúng ta vậy. Nên mình phải biết sống thân ái gần gủi với bọn nó cháu ạ.
Thao hơi đỏ mặt cúi xuống không nói gì, chắc thành tích phá phách, tò mò của mình đi bắt trộm chim non hoặc ăn cắp trứng xem chúng có màu gì, to nhỏ ra sao chắc được Ngà báo cáo tường tận với chú rồi nên chú muốn nhắc khéo với Thao chăng? Tự nhiên Thao cảm thấy giận Ngà vô cùng. Làm như không để ý đến vẻ mặt đang biến đổi của Thao chú nói tiếp:
-Tụi dồng dộc nầy sống có tình cảm lắm nghe cháu. Chúng kết bạn với nhau không phải theo mùa mà chúng gắn bó với nhau cả đời như loài bồ câu vậy. Cháu hãy thử xem cách làm tổ, ấp trứng cùng nuôi dạy con của chúng thì biết. Hàng me keo nầy, những ngọn tre tàu nầy rồi cả rặng trâm bầu tít xa kia là nơi chú chứng kiến bao mùa chim dồng dộc bay về xây tổ. Chúng hót không hay, màu sắc cũng không có gì đẹp đẽ, cũng không ai thèm bắt chúng về nuôi để làm gì, nhưng chú thích nhất là sự cần cù, chăm chỉ nhẫn nại đến mức tài hoa của chúng khi làm tổ. Bằng chiếc mỏ và đôi chân nhỏ bé của mình, chúng có thể bay rất xa để tìm nguyên liệu về xây tổ ấm của mình, có thể là cọng lá mía, lá sả, cỏ tranh, cỏ voi hay bất cứ loại cỏ nào mà chúng cảm thấy sử dụng được xây lâu đài tình ái cho chúng,  có thể xem chúng là những kiến trúc sư thiên tài mà không phải loài chim nào cũng có thể làm được điều kỳ diệu đó. Đôi chim cứ cần mẫn bay đi bay về, miệng ngậm những cọng rơm vàng óng, những chiếc lá mía, lá sả còn xanh về kết tổ. Chẳng bao lâu chiếc tổ thành hình. Cháu thấy không trên mấy hàng me keo, có mấy chiếc tổ đã hoàn thành rồi kìa, không chiếc nào giống chiếc nào phải không, có cái như chiếc vớ, chiếc giầy ống treo lủng lẳng, có cái như quả chuông úp ngược mà ở giữa phình to ra. Đây là nơi tổ ấm của đôi chim dồng dộc mới, từ đó một thế hệ dồng dộc mới ra đời, bay đi rồi năm sau đến mùa lúa chín, đàn chim dồng dộc lại quay về, cứ thế hết mùa chim nầy đến mùa chim khác nối tiếp nhau cháu ạ.
 Nghe lời kể của chú năm Thàng, Thao đâm ra mê mẩn loài chim nầy, anh không ngờ thế giới loài chim có những điều kỳ diệu quá. Những ngày sau đôi lúc rảnh rổi, Thao thường ra sau vườn chú năm nhìn tổ của bầy chim dồng dộc ở trên cao xây đến đâu rồi, thích thú trước cảnh bay đi bay lại xây tổ, tìm mồi của bọn chúng. Cũng từ những chiếc tổ dồng dộc dễ thương nầy. những con dồng dộc mái đẻ, ấp trứng sinh con. Thao còn chứng kiến những chú chim trống canh giữ tổ ấm của mình như thế nào. Khi người tình của mình ấp trứng, ngoài thời gian đi tìm mồi, anh chàng luôn có mặt trong cái tổ nhỏ hình chuông để làm kẻ gác cổng, người bảo vệ một cách tần tụy trung thành mà không đòi hỏi lương bổng. Rồi đàn chim non cũng chào đời, tiếng chim non líu ríu vang lên đồng loạt như một bản đồng ca trong cơn gió chiều rất êm tai,  chim dồng dộc bố mẹ thay nhau đi tìm mồi về mớm cho lũ chim non háu ăn. Có hôm gặp đêm mưa to quá, Thao bồn chào thao thức, sáng sớm chạy qua nhà rủ Ngà đi học, Thao tranh thủ chạy ra sau vườn xem tổ của bọn chim dồng dộc có bị ảnh hưởng gì không, vậy mà không có một tổ chim nào rớt xuống, những chiếc tổ mong manh lắc lư  như bám chặt vào các cành cây bền bĩ, kiên gan. Thao đâm ra phục lăn tài của lũ chim nhỏ bé nẩy quá thể khi xây tổ chắc chúng đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể. Rồi thời gian cứ thế trôi đi, khoảng ba tuần tuổi, đôi cánh có vẻ cứng cáp, lũ chim non bắt đầu tập chuyền cành, tập bay đến một ngày lũ chim bé nhỏ ấy bắt đầy bay xa theo lũ chim bố mẹ về một phương trời xa lắc lơ không ai biết, bỏ lại tổ ấm cũ mà cha mẹ chúng đã cất công xây dựng đong đưa trong gió và những cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ khô héo mà thôi.
Từ ngày được chú năm Thàng dẫn ra sau vườn xem loài chim dồng dộc làm tổ, đẻ trứng và những tiếng kêu yếu ớt của lũ chim non lúc mới ra đời rồi tiếng kêu líu ríu của bọn chúng đòi chim bố mẹ mớm cho ăn cho đến lúc ra ràng rồi bay đi Thao đâm ra yêu quí loài chim và đâm ra ghét kẻ nào săn bắt phá hoại cuộc sống yên bình của chúng. Mùa hè năm nào cũng vậy, anh Nghị con bác ba Thời về quê chơi cũng đều đem theo khẩu súng săn mà anh mua lại của một người bạn du học từ nước ngoài về, anh tha thẩn từ khu vườn nầy qua khu vườn nọ để bắn chim, Thao là người theo chân anh Nghị để lượm chim cho anh ta mỗi khi anh bắn được con chim rớt từ trên cao xuống đất, Thao rất phục tài thiện xạ của anh Nghị và mơ ước lớn lên mình cũng có khẩu súng săn như anh tha hồ bắn chim cho thỏa thích, bây giờ thì Thao không thích nữa và không thèm chơi với anh Nghị nữa rồi vì Thao thấy hành động của anh tàn ác quá.
Thao nói với Ngà:
- Phía sau vườn nhà mình chim dồng dộc còn về làm tổ nhiều không Ngà nhỉ?
Đôi mắt Ngà có vẻ không vui:
- Người ta mở đường, mở chợ, xây nhà khắp nơi còn lấy đâu còn chổ bình yên cho chúng quay về làm tổ, có lẽ bọn chúng rúc sâu vào chốn thâm sơn cùng cốc nào rồi cũng nên. Cuộc sống bây giờ sao buồn tẻ quá Thao ạ.
Thao nhìn Ngà không nói gì. Tâm trạng Ngà làm gì Thao chẳng biết. Chơi với nhau từ nhỏ, học chung lớp chung trường, mỗi ngày lại đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ mà mẹ mua cho đến trường. Thuở ấy Thao, Ngà và Vững bạn thân với nhau ai mà không biết. Thao và Ngà cùng xóm thì không nói gì, còn Vững ở xóm trên nhưng cả ba đều nằm trong đội văn nghệ báo chí của lớp. Khi nhà trường phát động phong trào báo xuân thì Thao cầm trịch nhưng không thể thiếu nét vẽ tài hoa của Vững và cách trình bày kỹ thuật của Ngà, còn khi có văn nghệ thì có ngón đàn guitar điêu luyện của Vững và tiếng hát ngọt ngào cao vút của Ngà đem lại vinh quang cho lớp, hai đứa còn là cặp bài trùng song ca ưng ý nhất nên tình cảm giữa Ngà và Vững có lẽ trên mức tình bạn thì phải, điều nầy cũng chỉ là sự suy đoán của Thao thôi,  nhiều khi Thao ngầm tức tại sao mình lại không bằng Vững nhỉ? Thao còn nhớ cuối năm lớp mười một cả hai song ca bài Phượng hồng  nhạc của Vũ Hoàng phổ từ thơ của Đỗ Trung Quân làm không khí cả lớp như trầm xuống muốn khóc vì biết mùa hè chia tay đã đến. Đầu năm lớp mười hai Vững rời trường theo gia đình lên thành phố học, cha mẹ Vững có một cơ sở sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu đang làm ăn có hiệu quả trên đó. Suốt năm lớp mười hai  nhiều lần Thao muốn thố lộ tình cảm của mình với Ngà nhưng thấy Ngà có vẻ lãng tránh nên thôi. Rồi Thao cũng lên thành phố học sau khi tốt nghiệp phổ thông, Ngà ở lại vì cô không thể bỏ mặc chú năm sống thui thủi một mình ở quê nhà. Cô thương cha một đời gà trống nuôi con, cặm cụi lo cho mình từ ngày mẹ mất khi cô còn quá nhỏ. Thao nhìn Ngà khẽ nói:
- Có bao giờ Ngà nghĩ mình như cánh chim dồng dộc rời tổ bay xa tìm một khoảng trời rộng lớn cho riêng mình không?
Ngà im lặng một chút lắc đầu:
- Bay đi đâu Thao, bay đi để làm gì? Khoảng trời cao rộng ấy biết có dung nạp cánh chim lẻ loi nầy không? Ngà ở đây còn có bà con chòm xóm, còn có ba mẹ Ngà, họ cần Ngà ở lại để chăm sóc cho họ. Ngà bỏ đi thì chắc ba mẹ cảm thấy cô đơn buồn tủi lắm Thao ạ.
Thao không nói gì. Anh định nói với Ngà điều mà anh định nói từ lâu, nếu Ngà muốn là cánh chim dồng dộc vươn đôi cánh của mình bay đi thì anh nguyện sẽ là cánh chim dồng dộc khác mạnh mẽ bay theo cô, che chở cho cô dù cô bay đến tận chân trời gốc bể nào. Nhưng thôi nói ra sợ Ngà từ chối rồi ngượng ngập cho cả hai chẳng ích gì. Thao nghiệm ra rằng đời người cái hạnh phúc mà mình muốn chiếm giữ phải bằng sự hiến dâng, sự đồng cảm  của cả hai tâm hồn  mới có thể tạo dựng hay bền vững lâu dài, khi một trong hai chưa sẵn sàng thì không thể.
Ngà chợt hỏi:
- Chừng nào Thao trở lại thành phố?
- Sáng sớm mai Thao đi rồi. Về thăm mẹ một chút và qua đốt nén nhang tưởng niệm cho chú Năm đã xong. Nghĩ lại Thao thấy mình có lỗi quá.
- Không sao đâu Thao, Ngà hiểu mà.
Trong thâm tâm Thao muốn gào lên: Sao Ngà không hỏi Thao chừng nào trở về, Ngà trông Ngà đợi. Ngà ơi sao Ngà không nói điều mà Thao mong chờ bấy lâu nay sao thế Ngà.
- Thao về. Chắc lần sau Thao sẽ xin Ngà mấy tổ chim đem lêm thành phổ để kỷ niệm Ngà nhé.
Ngà khẽ gật đầu. Thao nhìn ra sau vườn đã qua mùa chim dồng dộc về làm tổ rồi nhưng từ đây những chiếc tổ xinh xắn như cái chuông, như chiếc vớ của đôi uyên ương dồng dộc không còn lủng lẳng trên những ngọn tre tàu, trên nhánh bần hây hàng cây me keo ngày trước. Tất cả như lùi vào dĩ vãng. Thao không biết những mùa chim dồng dộc sẽ thiên di về đâu trong cuộc sống đang xô bồ với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Nó như đẩy lùi những kỷ niệm êm đẹp của tuổi ấu thơ của anh và Ngà đi vào một góc khuất nào đó của cuộc sống mà mãi mãi sau nầy anh không thể tìm được nữa.

NGUYỄN AN BÌNH