Tuesday, January 7, 2020

1400. ĐINH TRƯỜNG CHINH Về Một Người Bạn Cũ Khác Của Bố Tôi



Trong số những người bạn thân ngoại quốc của bố tôi trước 1975 , khi lớn lên, tôi thường nghe bố mẹ tôi nhắc đến hai người :  Erich Wulff và Christian Cauro .

Chỉ nghe nhắc đến tên trong những kỷ niệm rời của bố vậy thôi , tôi hoàn toàn không biết gì về họ . Mãi sau này, tôi mới có dịp tìm hiểu đôi chút về hai nhân vật này. Với ông Erich Wulff, tôi đã có lần viết một bài viết ở đây :

Vậy còn Christian Cauro - ông là ai ? Cauro là một vị giáo sư từ Pháp về dạy Đại Học Văn Khoa Huế những năm đầu 60's và sau này ở Sài Gòn những năm 70's. ở Huế thời ấy, ông đã kết thân với những người bạn văn nghệ xứ này. Yêu tranh và nghệ thuật, tôi nghĩ việc ông kết thân của một hoạ sĩ đang sinh sống và sáng tác mạnh mẽ ở Huế thời ấy cũng là điều dễ hiểu. Đó là Đinh Cường (ĐC), bố tôi. Dĩ nhiên ông thân cả với nhóm bạn thân của ĐC - họ là Đỗ Long Vân từ đại học Sorbonne về dạy đại học Văn Khoa Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Bửu Ý, v.v....  Đó là những nghệ sĩ tiêu biểu đang sống một giai đoạn say mê, thơ mộng , và tràn đầy cảm hứng sáng tạo những năm đầu 60's ở Huế . 

Trong một tấm hình cũ xước mờ, tôi thấy ông Cauro ốm, cao, khuôn mặt trí thức , trong một cuộc triển lãm của Đinh Cường ở Dalat 1965 . Đó là cuộc triển lãm ghi dấu ấn đậm đà trong ký ức của Bố tôi , lồng trong một không khí văn chương sang cả.  Tôi chỉ có thể nhận xét qua các hình ảnh lưu lại từ 54 năm trước . Trong căn phòng triển lãm Đinh Cường, chung quanh những bức tranh sơn dầu được xem như đầu tay của sự nghiệp họa sĩ chuyên nghiệp,  là một nhóm bạn bè thân thiết ngồi quanh. Trong những tấm hình hiếm hoi đó,  tôi thấy ông Christian Cauro ngồi giữa Đinh Cường và Khánh Ly . Quanh đó còn có Đỗ Long Vân, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý , Hoàng Anh Tuấn, và nhiều người khác .  Một khí hậu "salon" văn học, ai cũng đẹp và thanh lịch . Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã quen nhau từ dạo ấy ở Dalat.  Đỗ Long Vân thì đang trong giai đoạn mê say văn chương "hậu Sorbonne", viết tiếng Pháp rành hơn cả tiếng Việt. Và rất nhiều người tài hoa khác nữa...

Trong hình, Christian Cauro có vẻ như thật sự hoà quyện vào không gian ấy. Ông hẳn nhiên là một trí thức Pháp mà bố tôi đã có duyên làm bạn .  Nhưng điều tôi biết được cũng chỉ bấy nhiêu . Tôi không đoán được họ đã thân thiết tới mức nào trong 10 năm ông Cauro dạy học và sinh hoạt với nhóm bạn này. Cho đến một ngày gần đây, tôi tình cờ tìm được một lá thư ông gửi cho Bố tôi vào năm 1980 từ Belgrade, thủ đô Nam Tư thời cộng sản.  Rất lạ, phải không ? một ông giáo sư Pháp từng làm việc nhiều năm tại Huế và Saigon đang làm gì tại một nơi như Belgrade, một thành phố lúc ấy vẫn còn những dấu tích đổ nát sau thế chiến thứ hai.
  
Cũng như với Erich Wulff, 5 năm sau ngày "đứt phim", Bố tôi vẫn nhớ đến và mãi tìm cách liên lạc với người bạn Pháp năm xưa, dù trong mịt mù. Thời ấy, một lá thư từ Saigon gửi ra Huế còn không biết có đến nơi không, thì mong gì một lá thư gửi từ Saigon sang Paris xa xăm, trong thời "đỉnh cao" của bao cấp ấy?  Tôi không biết Bố tôi làm cách nào để gửi thư đến ông Cauro, nhưng thật may mắn, thư đã đến tay người nhận, và Bố tôi đã bất ngờ nhận lá thư hồi đáp vào tháng 5 năm 1980.  Bố tôi chắc đã thật vui mừng đón nhận tin một người bạn xưa từ một đại dương cách trở, tưởng như không bao giờ nghe tin lại . 1980, thời gian cả nước sống trong bưng bít với thế giới của các nước tư bản...

Lúc xem tấm hình triển lãm Đinh Cường năm 1965 ở Dalat, tôi có tự hỏi về tình thân ông Cauro với Bố tôi, và bạn bè ông như thế nào, thì lá thư năm 1980 từ Cauro đã trả lời cho tôi biết ngay điều ấy.  Tôi đọc lá thư đánh máy này như đọc một truyện ngắn. Đúng hơn, nó là một câu "chuyện ngắn" (không phải "truyện") rất hay, mà ông Cauro là nhân vật chính. Câu chuyện về sự cô đơn của Cauro sau ngày rời Việt Nam mà như ông nói - "rời trong nước mắt".  Hơn thế nữa, là sự nhớ nhung của ông đến đất nước này.  Việt Nam đã in sâu đậm trong ông giáo sư người Pháp như thế sao ? ông đã thật sự nhớ quãng thời gian đẹp đẽ với những bạn bè người Việt ấy, như Bố tôi, cũng đã. Một thời quá đẹp, thơ mộng, ngay cả giữa lòng chiến tranh.  Tôi nghĩ rằng cái ghi dấu sâu sắc nhất cho ông Cauro có lẽ là tình người, tình bạn bè mà ông đã có được, đã mang theo. Đã mang theo, như ông nói trong bức thư đầu tay này - là ông đã mang theo những bức tranh Đinh Cường "mọi nơi mọi chốn".  Những bức tranh ấy cũng được trân quý như bức "Trăng Qua Vùng Động Đất" mà ông Wulff đã gìn giữ .  Có gì hạnh phúc bằng!

Không cách gì khác hơn, là tôi chép lại toàn bộ lá thư ông Christian Cauro gửi cho Bố tôi, để các bạn đọc, và biết đâu mường tượng được một phần nào, tâm cảm của ông, của thế hệ Bố tôi, của Việt Nam, đã để lại gì trong ký ức họ ... Tôi chép nguyên văn, vì như đã nói ở trên, không có điều gì quá riêng tư, và nó là một bức thư, một câu chuyện đẹp của tình bạn.
(bắt đầu lá thư, từ hình đi kèm)

---
Cố vấn văn hóa & khoa học
Đại sứ quán Pháp

Belgrade, ngày 25.5.1980

Cường, anh Cường của tôi,

anh không thể nào tưởng tượng được tôi cảm động đến chừng nào khi nhận được lần lượt hai bức thư của anh.  Tôi luôn nghĩ đến anh, đến tất cả mọi người, vì trong gần 10 năm các bạn đã là những người bạn duy nhất của tôi, gia đình duy nhất của tôi, và bây giờ tôi như người lưu vong, cứ tiếp tục sống lùi.

Ở đây, tranh của anh, tranh của anh Khai, mà tôi luôn mang theo khắp nơi, những bức tranh đó không bi lưu vong như anh nghĩ đâu, vì tất cả những bức tranh đó mỗi ngày gợi nhớ hạnh phúc ngày xưa, chúng nhắc lại bàn ghế xung quanh chung là những bàn ghế ở Huế xưa kia, chúng nhắc lại rằng tôi đã trở thành một người đàn ông già và cô đơn, luôn dành thời gian đọc những đó như đọc 1 cuốn sách hoặc xem môt bộ phim chứa đựng cả con người tôi trong đó .

Tôi chưa bao giờ có được tin tức của anh và của những bạn khác, và những cô gắng của một người đồng nghiệp ở Hà Nội cũng bất thành.

Tôi có quá nhiều điều muốn kể cho anh nghe, cho nên trước mắt trong lá thơ đầu tiên này tôi sẽ chỉ nói cho anh nghe những điều thiết yếu .  Phần anh, anh hãy kể tôi nghe anh thế nào ? vợ anh ? con anh ? Các anh Đỗ Long Vân, Khai, Bửu Ý , Quỳ và các con , các anh chị ấy đang ở đâu ? Anh có gặp lại bạn Tuấn của tôi mà tôi tưởng đã chết khi nghe sai thông tin ? còn Trịnh Công Sơn ? Khánh Ly ? anh trả lời cho tôi biết nếu anh biết, nếu anh trả lời được . Quan trọng nhất, anh kể cho tôi nghe cuộc sống thường nhật của anh đi , cuộc sống anh có lẽ không khác mấy so với cuộc sống của chúng ta ở Huế , chỉ khác hơn phần vẽ tranh ...

Cuộc sống tôi, cũng đại loại là thế . Sau khi rời khỏi Saigon trong nước mắt năm 1972, tôi sống 2 năm rất khủng khiếp trong cái lạnh ở Canada, không chỉ vì tuyết băng, nhưng vì tôi đã mất tất cả những gì tôi yêu quý ở Việt Nam . Công việc cực nhọc và trống rỗng .  Không bạn bè , không tình yêu .  Tôi sống trong một căn hộ mà chỉ 1 người bạn là con mèo tôi đã tìm được trong tuyết, để đỡ buồn .  Tôi phải về Pháp để không bị điên vì cô đơn và khô cằn .  Tình cờ, tôi được đề cử làm việc ở văn phòng bộ trưởng Bộ Giáo Dục lúc đó là ông Haby .  Công việc cải cách giáo dục quái gở của ông ta làm cho tôi phải sống luôn ở văn phòng đến 11-12 giờ đêm . Sức khỏe tôi yếu đi, tôi càng cô đơn trầm trọng hơn vì sống rất gần bạn bè tôi nhưng lại không được gặp bất cứ ai .  Tôi phải kết thúc cuộc sống đó sau 2 năm mà chỉ có thêm 1 người bạn 16 tuổi, và người đó đã trở thành tất cả cuộc đời của tôi : đó là con trai tôi . Rồi , để thanh thản hơn, tôi trở lại với công việc dạy học với những đứa trẻ ồn ào và tự cao, tuổi từ 18 đến 25 , và chính chúng đã buộc tôi thôi nghề dạy học .

Sau đó tôi xin đi, sau khi được đề cử làm việc ở Téheran : tôi được bổ nhiệm làm việc tại Nam Tư .  Ở đây, tôi làm về văn hóa và khoa học .  Công việc rất nặng nhọc dù tôi nhiều người làm chung đi nữa .  Những người này cũng không vui, vì Tôi được bổ nhiệm làm việc ở Yugoslavia, ở đây tôi làm về văn hoá và khoa học . Công việc cũng nặng nhọc cho dù tôi có nhiều cộng tác viên đi nữa ...

Nhưng ở đây, trong hoàn cảnh , địa vị của tôi, chuyện tôi không biết tiếng bản xứ , và công việc nặng nền lại làm tôi phải rút lui khỏi cuộc sống mà tôi muốn sống . Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ tìm lại được những gì tôi đã có ở Việt Nam, và tôi lại tiếp tục đói khát như một người lưu vong .

Tôi đang sống trong một villa kiểu ở Thi Sách , nhỏ hơn . Sau khi bị kềm kẹp bởi một người đàn bà Trung Hoa (anh còn nhớ bà ấy không ?), tôi bây giờ cũng bị "thống trị" kiểu đó bởi một bà người Slovene .  Bà ấy cai quản tôi và bắt tôi đi ngủ đúng giờ .  Lúc này vườn nhà tôi đầy hoa Iris , hoa hồng, cherry đang trổ hoa .

Nhưng chỉ ngồi ngắm nhìn cảnh vật không thôi , không thỏa mãn được tôi , và tôi luôn mơ về Huế , Nha Trang, Đà Lạt, và cả Cần Thơ nữa .

Lá thư đầu tiên, anh hãy viết thư trả lời tôi , nếu được .

Tôi yêu anh, và ôm hôn anh, anh Đinh Cường , cùng với tất cả các bạn khác thật nhiều .

je t'aime,
Christian

(hết thư . dịch ra tiếng Việt)

Christian Cauro, một tâm hồn quá cô đơn và da diết . Ông đã mất trước khi Bố tôi có dịp tìm gặp lại ông. Thật đáng tiếc. Nhưng trước đó, ông cũng đã có dịp giới thiệu một người bạn Việt Nam từ Pháp về Saigon tìm lại nhóm bạn Bố tôi, và người ấy sau này đã trở thành một người bạn thiết của Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Lữ Quỳnh, và Đinh Cường. Đó là cô Siphani de Castillon. Tôi đã có dịp đi Đà Lạt chung với Cô, và sau này có qua Paris ở nhà Cô ngay gần đại lộ Champs Élysées.  Tôi có hỏi thăm về ông Christian Cauro, người bạn chung của Bố tôi và Cô Siphani, và được biết sau này ông sống hoàn toàn khép kín, không hoặc rất ít liên lạc ai cho đến khi qua đời.

Cuối cùng thì tôi cũng không biết gì về ông Cauro, ngoài tấm hình cũ kỹ và một lá thư tay gây ấn tượng cho tôi về con người giàu tình cảm và cô đơn này. Nhưng tôi cũng đã không ngạc nhiên nếu thật sự Cauro sống khép kín cuối đời.
  
Hôm nay là 4 năm ngày Bố tôi mất. Tôi lục lại một "tư liệu" cũ để kể thêm cho vui . Huế - Dalat - Saigon - Đinh Cường - Christian Cauro - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly ... rồi đến người bạn tên Siphani sau 1975 về tìm và kết thân với nhóm bạn này. Tất cả như một xâu chuỗi , xâu hết chuyện này đến chuyện kia . Và tôi chỉ là một đứa bé tò mò đã nghe, ghi chép lại, và những câu chuyện ấy đã thành những phụ chú thật đặc biệt của đời mình ...

- đtc
7.1.2020

ps. Christian Cauro có viết một bài giới thiệu tranh Đinh Cường trước 1975, được dịch lại ở đây:



Thư của Christian Cauro

photo: đinh cường - christian cauro - khánh ly.