Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987)
Trích từ tuyển tập
NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA,
NXB Sóng, Sài Gòn, 1973
Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút này đây.
Thật là
huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai
treo phơi khô ngoài sân nhà.
Chim
thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó
rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước nó lại bị bắn tung trở
lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ.
Cộc
ngửa mặt lên trời để theo ông câu kỳ dị và tài tình ấy nữa, nhưng mắt nó bị
ngọn dừa nước bên kia bờ rạch níu lại.
– Trên
một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng,
đang yên lặng và bền chí rình cá.
Trong
thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống, ai cũng là ông câu cá, từ ông nội nó
đến những con sinh vật nhỏ mọn quy tụ quanh các ngọn nước.
Màu
xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp. Sự bền chí của nó
cũng chỉ có sự bền chí của các lão có sầu não là ngang vai thôi, cái bền chí
nhìn rất dễ mê, nhưng mê nhứt là mũi tên xanh bắn xuống nước nhanh như chớp,
mỗi khi thằng chài trông thấy con mồi.
Thặng
Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, chỉ làm cho nó
quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chơm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó
những kép vó hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mộ cách đây năm
năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng.
Hồi ấy
nó sướng lắm. Quanh nhà nó, có hàng trăm nhà khác, có vườn cây trái, có nước
ngọt quanh năm, có trẻ con để nó làm bạn, để nó đùa giỡn với.
Nhưng
không hiểu sao một hôm, tía má nó bán chiếc chòi lá đi, rồi ông nội nó, tía nó,
má nó và nó, một đứa bé mười tuổi kéo nhau xuống một chiếc xuồng cui, một thứ
xuồng to mà người ta gọi là xuồng mẹ, ghe con, rồi họ đi lang thang từ rạch
hoang vắng này đến kinh hiu quạnh nọ, và rốt cuộc dừng bước nơi cái xó không
người này mà ông nội nó đặt tên là xóm ổ Heo.
Nghĩ
đến những năm cũ, thằng Cộc bỗng nghe thèm người vô cùng, thèm còn hơn là thèm
một trái xoài ngọt, một trái khế chua mà từ năm năm nay nó không được nếm.
Những
người di cư năm nọ trên chiếc xuồng cui, vẫn còn sống đủ cả. Những chiều nghi
ngút sương từ đất lầy bốc lên, và những đêm mưa gào gió hú, những người ấy
thường kể chuyện cho Cộc nghe, những chuyện ma, rợn óc như ăn phải trái bần
chua. Nhưng dầu sao, Cộc cũng thích người khác hơn, cũng như nó thích vườn tược
sầm uất hơn cảnh rừng tràm tối mịch hoặc cảnh đồng không bát ngát ở đây. ở đây,
cho đến tiếng chó sủa, tiếng gà gáy nó cũng không nghe từ lâu. Con chó săn và
mấy con gà giống mang theo đã ngã lăn dùng ra mà chết ngay trong tháng mới tới.
Thặng Cộc ngạc nhiên mà thấy sao người vẫn không chết trong khí hậu tàn ác nầy:
nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy.
Chưa
bao giờ mong mỏi của Cộc được thỏa mãn mau lẹ như hôm nay. Nó vừa thèm người
thì tiếng hò của ai bỗng vẳng lên trong rừng rậm, rồi tiếp theo đó là tiếng
chèo khua nước:
Hờ
ơ… tháng ba cơm gói ra hòn.
Muốn
ăn trứng nhạn phải lòn hang mai.
Mũi
xuồng cui ló ra khỏi khúc quanh của con rạch, và trên xuồng chồng chèo lái, vợ
ngồi không trước mũi mà hò. Cặp vợ chồng này Cộc quen mặt mấy năm nay, nhưng
không biết họ từ đâu đến. Nó chỉ biết họ ra biển để bắt cua và ba khía, một năm
mấy kỳ. Nghe tiếng người lạ nói, nhứt là nghe hát, Cộc sướng như có lần tía nó
cho nó ăn một cục đường từ nơi xa mang về.
Thà là
không được ăn, chớ còn ăn một chút xíu thì cái vị của món ăn còn chọc thèm hơn
bao giờ cả. Nên chi Cộc nhìn xuồng chèo khuất dạng thì xây lưng tức khắc để
chạy lên ổ Heo.
Trọn
vùng này, ông nội nó đã đặt tên là ổ Heo nhưng riêng trong gia quyến nó thì ổ
Heo chánh hiệu là một cái gò xa ở tận trên kia, cách mé rạch đến hai dặm hú.
Số là
hồi trước, ngày đầu tới đây, ông nội nó với tía nó đi kiếm đồ ăn trong rừng, đã
gặp nơi đó một cái ổ heo rừng.
Cả ổ
heo đều bị sát hại hôm đó và canh tác của gia quyến nó về sau này đã đuổi thú
dữ đi xa. Tuy nhiên, đề phòng chúng trở về, ông nội nó đã cấm nó lên ổ Heo một
mình.
Thằng
Cộc lại thích lên đó, ban đầu chỉ vì ổ Heo có sức quyến rũ như một trái cấm.
Nhưng về sau, nó đã gặp người ở nơi đó.
Đó là
vài người đờn ông và đờn bà, nói là ở xa lắm, cách đó một ngày đường sông, đờn
ông thì đến để gác cuốc, gác nhan sen, còn đờn bà thì để nhổ bồn bồn về làm dưa
bán.
Đó là
những người bạn bí mật của nó, nó giữ kín không cho nhà nó biết. Họ hay kể
chuyện xóm làng, chuyện đám cưới, đám ma, đám hát, đám cúng đình, tóm lại tất
cả sanh hoạt của làng mạc từ lâu Cộc không thấy và ngậm ngùi tưởng đến như nhớ
những kỷ niệm xa xôi.
Cộc
chạy qua khỏi ruộng nhà, và đứng lại nghỉ mệt. Nó mệt lắm vì nó chạy dưới nước
và dưới bùn mặc dầu lúa đã đến mùa gặt.
Năm
xưa, gia quyến nó đến đây vào cuối tháng giêng, sau khi cúng ông vải xong ở quê
cũ.
Ông nội
nó với tía nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng và lửa như con
vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt xanh um của biền rừng tràm này.
Thành ra ruộng nhà nó mang một hình tròn kỳ dị, không tròn đều đặn vì không ai
chỉ huy được sự cháy rất là rắn mắt của ngọn lửa.
Cộc
nhìn ruộng mình một hơi rồi cười khan lên. Đám rừng bị khoét một lỗ để làm ruộng,
trông như đầu tóc trẻ con được mẹ cạo, nhưng mới cạo có một mảng thì có chuyện
gấp, bỏ dở công việc, đứa bé bị chúng bạn chế nhạo là đầu chó táp.
Lúa
ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông
như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những
gốc tràm tươi rói không cháy được nầy, tía thằng Cộc dành cấy lúa giữa những
gốc ấy, mãi cho đến ngày nay mà gốc vẫn chưa mục. Tía nó nói mười năm nữa tràm
chết cũng vẫn còn đưa cẳng lên như vậy.
Sau
lưng Cộc là những rặng tràm bị cháy sém dưới trận lửa khai hoang, không chết
ngay, nhưng “Chết Nhát”, cứ mỗi năm chết lần mòn thêm vài mươi cây. Mấy hàng
tràm đầu nám đen và trụi nhánh như cột nhà cháy, căm hận nhìn chiếc chòi lá xa
tít mù dưới mé rạch đang chứa chấp kẻ thù đã lấn đất của chúng, đã sát hại
chúng.
Sau đó,
rừng chàm dày mịt, chằng chịt những dây bóng bong, dây choại bò từ thân cây nầy
qua thân cây khác.
Thằng
Cộc lắng tai nhưng không nghe tiếng động nào cả. Nó đánh bạo chen qua những cây
bình bát, cây rán, mọc xen với tràm, để đi tới đích.
Một ổ
chồn cộc bỗng chạy qua trước mặt nó khua lên một cái roạch, làm nó giựt mình,
nhưng tiếng người trên ổ Heo cách đó chừng hai hàng cây giúp nó vững dạ.
Tiếng
đờn bà hỏi:
– Anh
hổng sợ thằng Mùi hay sao?
Tiếng
đờn ông đáp:
– Thằng
Mùi thì qua cho một loi là nhào hớt.
Cộc vẹc
cỏ, lá, đi mau đến đó và khi nó chun ra khỏi khối xanh thì hai người có mặt
trên gò ổ Heo sợ hãi ngồi dang xa ra. Người đờn ông gác cuốc là người quen,
người đờn bà nhỏ bên thì lạ hoắc. Chị này trẻ đẹp hơn tất cả những chị nó quen
biết từ lâu.
Người
đàn ông trấn tĩnh lại ngay, ngoắc nó lại mà hỏi:
– Muốn
về trên hay không Cộc? Muốn thì đi theo chị Hai mầy đây, chị có một đứa em gái
ngộ lắm.
Trong
khi thằng Cộc mắc cỡ đỏ tía tai thì chị đờn bà hỏi anh kia:
– Ở
miệt này có người sao anh?
– Chỉ
có một nhà thôi. Mới tới đây chừng năm năm.
– Quen
hay lạ?
– Lạ.
Họ ở trên Sa Đéc lận.
Chị đờn
bà an lòng, vui lại được và nói với Cộc để mua lòng kẻ đã bắt chợt việc thầm
lén của chị:
– Em
của chị không bao giờ chịu về làm dâu một chỗ như vậy. Em có muốn thì phải ở rể
thôi.
Rồi hai
người lớn cười ngặt nghẹo với nhau.
Thằng
Cộc mới mười lăm, nhưng cao lớn gần bằng người đàn ông kia. Mình trần của nó
nổi u nổi nần những bắp thịt rắn như nắm bằng đất sét gắn vào đó rồi nung cho
đen và cứng.
Sự nẩy
nở của thân thể nó đi song đôi với sự trưởng thành của đời sống sinh lý bên
trong nó. Năm nay nó đã bắt đầu bâng khuâng mỗi khi chiều xuống, mặt trời đốt
cháy đỏ đầu rừng tràm trầm thủy trước nhà. Nhưng sống cô đơn ở đây, nó không
biết chuyện trai gái như vậy là xấu đến mức nào và phải có thái độ làm sao nên
bối rối lắm.
Chị đàn
bà nắm tay nó, rị nó ngồi xuống bên cạnh chị, vỗ lên đầu nó rồi dỗ ngọt:
– Chị
không ăn thịt em rể chị đâu mà sợ. Mày mà về trển làm ruộng thì ai cũng ưa. Làm
rể có công ba năm thì má chị gả con Thôi cho mầy liền. Nói thiệt đó mà.
– Nó
muốn trốn để theo qua dữ lắm, người đàn ông nói, nhưng nó còn ngại.
– Ngại
gì?
– Thì
lo sợ cái việc xa xôi, đất lạ đó mà.
– Em
nè, chị đàn bà lại hỏi, nhà có mấy người?
– Bốn
người.
– Ai
với ai?
– Ông
nội tôi, tía tôi, má tôi với tôi.
– Làm
mấy công đất?
– Hồi
đó bốn công, bây giờ mười công.
– Gặt
được mấy giạ mỗi mùa?
– Tám
giạ.
Chị đàn
bà cười ngất một hơi rồi day lại hỏi nhân tình:
– Trời
ơi, ruộng gì mà mười công đất chỉ gặt được có tám giạ thôi?
Người
đàn ông không cười, đáp:
– Đất
nước mặn nào mới khai hoang cũng như vậy hết.
– Rồi
lấy gì mà ăn, em nhỏ?
– Tía
tôi đi đổi lúa thêm, ở đâu không biết, xa lắm.
– Đổi
bằng gì?
– Bằng
cá khô. Với lại nhiều khi ăn rùa, ăn rắn trừ cơm. ở đây rùa nhiều như kiến. Đốt
rừng rồi đón trên đầu gio một cái là chúng nó lạch cạch chạy trốn, bắt không
kịp lận.
Chị đàn
bà tỏ vẻ ái ngại một hơi rồi nói:
– Nãy
giờ chị nói chơi đó. Nhưng không biết tình cảnh của em, chị thật bụng thấy là
em cần đi theo chị, hoặc theo anh đây cũng được.
Chị ta
với tay ra sau lưng lấy bầu nước ngọt, mở nút rồi ngước mặt lên trời, rót nước
vào miệng. Chị nuốt ừng ực vài cái rồi nói:
– Em có
được ăn chè lần nào không?
–
Không, từ năm năm nay rồi. Cách đây một ngày đường không có nhà của ai cả,
không có quán, tiệm gì hết. Với lại cũng không có tiền.
– ở Sa
Đéc sao lại không vô Tháp Mười mà nhè xuống U Minh này?
– Tui
cũng không biết tại sao? ở Tháp Mười dễ chịu hơn hả.
– Chị
cũng không biết. Chỉ biết đất hoang ở Tháp Mười gần quê cũ của em hơn. Quê em ở
Cao Lãnh hay không?
– Gần.
– Em có
nhớ xoài Cao Lãnh hôn?
– Tui
lạy chị, đừng có nhắc chè, nhắc xoài nữa tui thèm muốn chết đi. Năm năm nay,
tui không biết món ngọt là gì. Mấy cây chuối trồng sau nhà cũng chết queo vì
đất còn mặn quá. Năm nay một cây trổ buồng, chắc tui sẽ được ăn ngọt đấy. úy
chà! Trưa rồi chắc tới bữa cơm, thôi tui về nhà, anh chị?
– ừ về,
mai mốt lại lên đây nữa nhá?
– Xuồng
anh chị ở đâu?
– Dưới
kia. Nhổ bồn bồn ở dưới ấy, nhưng lên đây cho khô ráo để ăn cơm trưa è mà! Em
Cộc nè, em của chị ngộ lắm, trắng lắm nghe không?
Chuỗi
cười của hai người nhơn tình ấy đuổi theo lưng Cộc khiến cho nó trong giây phút
không muốn về nhà nữa.
Ra khỏi
rừng tràm râm mát, mắt Cộc bỗng dưng như đổ hào quang trước ánh nắng tháng
mười. Không khí bị đốt cháy đang rung rinh như nước xao, và nó tưởng chừng như
mái lá nhà nó, đen thui dưới kia, sắp cháy đến nơi.
Thằng
Cộc về tới nhà, thì cơm trưa đã dọn.
– Mầy
đi đâu mà tới đứng bóng mới về? Má Cộc hỏi.
– Tôi
đi lượm lông chim lông ô.
– Lông
đâu?
– Mà
kiếm hoài hổng có.
– Mồ tổ
cha mầy, nhiều chuyện. Chim lông ô đời xưa chớ đời nay đâu còn nữa. Mai gặt
nghe không? Ăn cơm khuya rồi xuống đồng chớ đừng đi đâu hết.
Cả nhà
lặng lẽ ngồi quanh mâm cơm, không ai nói với ai lời nào. Những người nầy, sống
biệt tích ở đây lâu ngày rồi, đã gần biến thành á khẩu vì thói quen.
Riêng
thằng Cộc, sự cần nói của tuổi thơ đang lên mạnh lắm như cần chạy nhảy, cần ăn
uống vậy. Câu chuyện hồi nãy trên gò ổ Heo khiến nó càng bắt mùi nói thêm, nên
nín không được, nó hỏi ông nội nó.
– Nội
nè, hồi tôi mới tới, giữa mùa nắng, mình uống nước gì tui quên rồi?
Nó hỏi
như vậy vì nó vừa nhìn ra cái giếng bên hè và nhớ ra là giếng đã ngọt nước hôm
mùa nắng trước, mặc dầu đã được đào năm năm rồi.
– Uống
nước đọng trên lung, trên rừng chớ nước gì.
– Sao
mình lại tới đây ông nội?
– Đã
nói cho mầy biết rồi. Trên xứ, mình không có ruộng làm công khổ cả đời.
– ở
đây, mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời. Ông nội thằng Cộc làm thinh. Nó nhìn
ông nội nó rồi chợt nhận ra năm nay ông cụ già quá. Tóc râu ông cụ đã trắng
bông. Nhớ ra ông cụ thường than mình chết ngày nào không biết chừng, thường
than mình nhớ mồ mả ông bà quá, nó bùi ngùi thương ông, nên dòm ra sân để quên.
Bấy giờ
bóng bốn nồi rau đã tròn vành, chỉ rằng thật đúng ngọ. Bốn cái nồi bể ấy, hèn
thế mà rất nhiều công dụng đối với gia đình nó.
Để
tránh nước mặn tràn bờ ngập sân, tía nó đã đóng mười hai cây cọc, làm thành bốn
cái giá ba chơn tréo như giá trống của bọn đờn thổi đám ma. Trên mỗi giá đặt
một cái nồi lủng đít, và trong nồi để đầy đất tía nó mang từ xa về. Đất ở đây
mặn chát dùng không được. Hành ớt, rau răm, rau òm om được trồng trong mấy vườn
cao đẳng đó. Đó là bốn thứ tối cần, đất mặn bao nhiêu cũng phải lập thế mà
trồng cho được không thôi không có món gia vị nào để ăn cá nữa.
Bốn
miệng vườn cao đẳng và tí hon lại là chiếc đồng hồ của nhà này vào mùa khô. Cứ
xem bề dài của bóng giá là tính giờ được ngay và khi bóng nồi tròn vụm che mất
bóng giá là đúng ngọ ngay bon.
Nhìn
sân một hơi, nhai nuốt hết cơm, nó day vô hỏi tía nó:
– Năm
nay mình gặt cỡ bao nhiêu tía?
– Nhờ
ông bà, đất nước, được hăm lăm giạ là ít lắm.
– Cũng
chưa đủ ăn.
– Đủ gì
mà đủ, má nó nói – nhà mình phải ăn trăm rưỡi là số chót.
– Với
lại, tía thằng Cộc trở vào câu chuyện tại lúa nàng Cụm thất gạo lắm. Năm tới
tao gieo giống Tằm vuột chắc được gạo hơn nhiều. Năm nay hễ chuối trổ buồng thì
năm tới tao trồng sả, trồng ổi được rồi đó.
Cả nhà
đều hớn hở trước dự định tương lai tốt đẹp kia. Nhưng thằng Cộc chưa thấy gì là
sáng lạn cả. Trồng ổi cũng phải lâu mới có trái, trong khi đó, nó tiếp tục thèm
chè, thèm xưng xa, nhớ đám cúng đình, nhớ hát bội và bị một hình ảnh mới quyến
rũ, hình ảnh của con Thôi, chắc là giống hệt chị nhổ bồn bồn, tức là có duyên
lắm.
Con
trai làng thấy con gái thường là thế, mà họ còn thầm lén rủ nhau đi một ngày
đường nước để ra đây gặp nhau, huống hồ gì là nó chưa được nói chuyện với con
gái lớn lần nào hết. Những đứa con gái bạn của nó cách đây năm năm, nó nhớ lại
là không có gì quyến rũ cả. Đứa nào cũng cạo trọc chừa bánh bèo phía sau và
giữa chiếc bánh bèo mọc ra một chòm đuôi dài trông đến buồn cười.
Nhưng
mà con gái lớn phải khác. Cộc chưa thấy con gái lớn, nhưng tin chắc như vậy. Có
một linh cảm gì, ở đâu từ kiếp tiền thân của nó bay lại và giúp cho nó biết như
vậy.
Những
cô con gái lớn chưa thấy hình ấy, mà đã có tiếng kêu được, chúng âm thầm gọi
Cộc, tiếng gọi như văng vẳng đâu trong không trung.
Thẫn
thờ, thằng Cộc nói lại câu hồi nãy, và giận dỗi thêm một đoạn khiến ông nội nó
giựt mình, chống đũa mà nhìn nó trừng trừng:
– ở đây
mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời. Tui muốn đi quá, đi đâu cũng được, miễn
là ở đó có làng xóm, có người ta.
Thằng
Cộc thích mấy cây nọc nạng lắm. Bó lúa nào gác lên đó cũng nằm yên cả chớ không
chực rớt xuống nước ruộng như những bó lúa gác lên đầu nọc thường.
Đó là
những gốc tràm mà chảng hai chè ra rất thấp. Khi đốn tràm cháy, tía thằng Cộc
đã trừ xa, đốn ở trên chảng hai ấy độ một gang rưỡi, nên bây giờ mới có nọc
nạng rất tiện mà dùng gác lúa.
Ông nội
thằng Cộc chống xuồng trên ruộng, len lỏi qua mấy gốc tràm. Ông ghé từng gốc để
cho lúa xuống xuồng.
Đủ thứ
là cò, cò ma, cò lông bông, cò quắn, cò hương thân mật nhìn gia đình bốn người
gặt lúa nhà. Đây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng
này; ban đầu chúng sợ hãi họ, nhưng về sau thấy họ hiền từ quá, chúng làm quen
với họ đã được ba bốn thế hệ cò rồi.
Má
thằng Cộc lội sình tới đầu gối, và lội nước gần tới háng, nhưng vui vẻ hơn ngày
nào hết.
Bà ta
đằng hắng cất tiếng hò:
Hờ ơ…
Tiếng anh ăn học lầu thông
Lại đây
em hỏi khăn lông mấy đường
Hò xong
câu đó, bà lắng đợi chồng bà hò đáp. Nhưng tía thằng Cộc cứ làm thinh mà gặt,
khiến bà đâm ngượng nên cười rồi cự chồng cho đỡ mắc cỡ:
– Tía
nó sao câm cái miệng, không bắt vậy!
– Hứ,
nhiều chuyện này mà rồi còn hò với hát, bắt với nghoẹo. Bộ còn trai gái đó sao?
Vì vui
kết quả của cần cù nên má thằng Cộc quên rằng bà ta đã quá mùa hò rồi. Tía nó
nhắc lại bà ta mới chợt nhận ra. Tuy nhiên bà vẫn ngậm ngùi nhớ cái thú vui ấy
thuở bà còn con gái và ngay bây giờ đây tóc đã nhuốm hoa râm rồi, bà cũng có
thể hưởng được nếu còn ở làng, hưởng bằng cách khuyến khích bọn trai trẻ hò đối
đáp với nhau.
Thằng
Cộc thì xôn xao trong lòng, nhớ lại lời chị nhổ bồn bồn bảo rằng nó mà về làng
làm ruộng thì ai cũng ưa. ừ nó sẽ hò đối đáp với con Thôi. Chậc! mà nó phải nhờ
má nó dạy hò mới được. Nó có nghe hò lần nào đâu để mà thuộc giọng và biết câu.
Đến
chiều thì xong xuôi cả. Ông nội thằng Cộc chống xuồng lúa ra bờ rạch, còn tía,
má nó và nó thì lội nước sình mà về bộ.
Đập lúa
và phơi phong mất hết mười ngày. Trong những ngày buồn tẻ phẳng lì giữa cảnh
bùn lầy nước đọng ấy, thằng Cộc càng nao nức muốn về làng.
Lại đây
em hỏi khăn lông mấy đường.
Câu hò
của má nó ám ảnh nó từ hôm gặt đến nay. Nếu con Thôi mà hỏi đố nó câu ấy chắc
nó phải ngậm câm, chớ đâu được phép trả lời bằng văn xuôi.
Khăn
lông là vật dụng mà nó đã quên rồi thì còn biết là mấy đường để đáp cho thông.
Từ lâu, nó chỉ có một chiếc quần xà lỏn trên người, mùa nắng cháy như mùa mưa
lạnh. Đêm khuya nhờ nó che thân cho đỡ bị muỗi đốt và gió cắt da.
Những
món đồ cần dùng của thế giới văn minh ấy cũng thuộc vào những thứ gợi thèm như
là bánh trôi nước, bánh ít trần và mái tóc của con Thôi.
Hôm ấy
dừng bồ cho con cháu đổ lúa khô vào, ông nội thằng Cộc long trọng nói:
– Ngày
mai ra biển.
Không
ai hỏi ra biển để làm gì hết. Thằng Cộc cũng làm thinh, trái với mọi ngày mà nó
hỏi không kịp đáp.
Con
rạch ổ Heo trước nhà, nếu có đi trên đó thì phải về ngọn, nó nghĩ như vậy, đi
về ngọn để rẽ qua những kinh rạch khác mà tìm làng mạc sầm uất, chớ xuôi dòng
ra biển, thì còn nghĩa lý gì nữa chớ?
Nó chưa
được ra biển lần nào cả và mấy năm trước đây nó muốn theo ghe của bọn bắt cua
đi một chuyến lắm, mà không được phép đi.
Chuyến
đi đâu đến một chân trời lạ mà ông nội nó vừa cho biết, không làm cho nó phấn
khởi chút nào cả.
Ông nội
nói tiếp, dặn mẹ nó:
– Con
mẹ Trùm, ngày mai phải dậy khuya nấu cơm. Tao đi với thằng Trùm và thằng Cộc,
đi thật sớm để gặp con nước lớn ngay tại cửa mà về cho tiện.
Rạch ổ
Heo nhỏ xíu cho nên tràm ở hai bên bờ giao nhành với nhau được, và phủ kín cả
mặt nước.
Rạch
tối om, đi như đi trong hang. Bây giờ thằng Cộc mới hiểu thấu nghĩa hai tiếng
“hang mai” trong câu hát của bọn đi bắt ba khía.
Những
nơi ánh nắng lọt vào được thì hai bên bờ, ô rô và cóc kèn mọc đầy.
Nước
ròng chảy xiết xuồng trôi bon bon, tuy vậy ông nội và tía cũng chèo cẩn thận để
mau tới, hầu về kịp nội buổi chiều ngày đó.
Gần tới
trưa, xuồng không đi mau nữa.
– Nước
đứng rồi, ông nội nói, tức là gần tới cửa rồi.
Họ nghỉ
chèo, để xuồng trôi linh đinh, không tiến cũng chẳng lùi, rồi lấy cơm dở trong
mo ra ăn.
Không
đi thời thôi đã trót đi, và lúc gần đến đích thằng Cộc nghe thích thấy biển coi
ra sao. Nó và cơm hối hả rồi hỏi:
– Ra đó
làm gì ông nội.
– Rồi
mầy sẽ biết.
Họ ăn
cơm xong thì nước bắt đầu lớn. Họ chèo nước ngược cho đến quá đứng bóng thì đến
một nơi mà ông nội tuyên bố rằng đó là biển.
Thằng
Cộc ngạc nhiên lắm mà không thấy biển đâu cả. Con rạch tiếp tục đi xa ra ngoài
kia, ngoài một chỗ xa tít mù khơi, hai bên bờ rạch cây vẫn mọc xanh um, và ở
ngoài đầu kia, hai hàng rào cây như đứt khúc, đâm vào một tấm vách tường xanh
như da trời.
– Biển
ở đâu, ông nội? Cộc hỏi.
– Đằng xa
kia, xanh xanh đó.
– Sao
không ra ngoài, ông nội?
– Không
cần.
Tía
thằng Cộc chèo mũi, rút sào cậm xuống bùn, theo lịnh của ông nội nó.
Ông nội
gọi Cộc lại gần rồi hỏi:
– Con
có thấy gì khác lạ không.
–
Không, ông nội à?
– Không
thấy? Cây ở đây không khác cây sau lưng mình à?
– à…
phải rồi.
Cộc
nhìn lại quả như lời ông nội nó nói. Nơi đây, đất đã hết, mà chỉ có bùn, tràm
mọc tới mé đất cuối cùng thì dừng lại, như là dân ở biên giới một nước kia dừng
lại nơi bia lãnh thổ mình.
Hết
tràm thì có một khoảng trống nửa bùn nửa đất, trên ấy cỏ ống mọc rậm rì và chim
cao cẳng đủ loại đáp đầy trong cỏ.
Tràm
đứng trước bãi cỏ mà nhìn dân láng giềng mọc trên bùn đen. Đó là những cây ốm
nhom, chen nhau mà vượt lên cao, cây này cách cây kia không đầy bốn gang tay.
Bờ biển
thoai thoải dốc xuống, trông rừng cây lạ ấy như một đạo binh núi, tuôn tràn từ
trên cao xuống mé biển ngoài xa.
Xa, xa
lắm, có những cây mọc lẻ tẻ như những tên lính xung phong mau bước tiến tới để
hãm thành lập công.
– Nhìn
xuống gốc cây! Ông nội bảo.
– Nước
chưa lớn hẳn, để lộ bùn đen dưới gốc cây ra. Bùn đen từng nơi lại trắng xóa
những đóa hoa năm cánh, hai màu đối chọi trông rất đẹp.
– Cây
gì mà lạ vậy ông nội? Trổ bông ngay dưới gốc.
Bông
trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây này là cây mắm,
đây là rừng mắm đấy.
– Cây
mắm? Sao tui không nghe nói đến cây ấy bao giờ.
– Con
không nghe, vì cây ấy không dùng được để làm gì cả cho đến làm củi chụm cũng
không được.
– Vậy
chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số
như là cây cỏ ấy.
– Bờ
biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa
là đất bùn mềm lủng và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng, nếu không
có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm
lại nối ngôi nó. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, cây ăn trái mới mọc được.
Thấy
thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:
– Ông
với lại tía con là cây mắm, chơn giầm trong bùn. Đời con là đời tràm, chơn vẫn
còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài
mít, dừa cau.
Đời mắm
tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ đã ngã gục
cho kẻ khác là con cháu họ hưởng.
Con,
con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi. Vả lại con không thích hy sinh
chút ít cho con cháu của con hưởng sao?
Thằng
Cộc nhìn lại ông nội nó và thương không biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ bỏ mả
ông cha để hì hục năm năm trong đồng chua, nước mặn của ổ Heo.
Phải, cứ
theo dự đoán của gia đình thì nó sắp được hưởng tuy không nhiều, mà rồi sẽ
nhiều.
Nó nắm
chặt tay ông nội nó và thấy nội nó giỏi quá. Ông có biết chữ nho kia mà.
– Ông
ơi, nó than, nhưng tràm buồn quá!
– Tràm
sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần, ta làm ba mươi công, và sẽ gọi dân cấy ở
xa để phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước tràn
tới đây mà phá rừng, vùng ổ Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu.
Tràm
hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất
thuần…
– Và sẽ
có chè ăn?
Ông nội
cười ha hả mà rằng:
– Gì
chớ chè thì sẽ có lu bù.
– Mà
ông nội nè, cưới vợ làm sao được, ai thèm về ổ Heo?
– Hai
năm nữa người ta sẽ đồn đất ổ Heo thuần… Những kẻ nghèo khó như ta chỉ mong
được tới đây.
Ông nói
điều này, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta ngày xưa từ miền
trung tràn vào đây đều chịu số phận là cây mắm cả, từ xứ Đồng Nai nước ngọt tới
đây, ở đâu cũng hoang vu cả.
Họ đã
ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc này để lót đường cho con cháu họ đi tới,
y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối lội qua lộ nước rộng đắp
đường để làm cầu cho bạn đi sau vào nơi có chất ngọt.
Tất cả
mấy lớp tiên phong đầu đều ngã gục như rừng mắm rồi ông sơ ông cố con, ông nội
đây là tràm mới kiếm được miếng ăn…
– Tía!
Thằng
Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không và kêu tía nó
bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức.
– Thôi
nhổ sào đi về cho kịp con nước, ông nội ra lịnh.
Ông nội
vui vẻ quá, ông bỗng nhớ sực lại những câu hò của thế hệ người tiên phong đi
khai thác đất hoang ở miền nam, mà ngày nay thế hệ tràm không hát nữa. Ông cất
giọng khàn khàn lên:
Hò…
ơi! Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa
tế Đồng Nai
Nước
sông trong sao cứ chảy hoài
Thương
người xa xứ lạc loài đến đây.
BÌNH NGUYÊN LỘC