Friday, March 12, 2021

1960. NGUYỄN MINH NỮU Nguyễn Thụy Đan: Những điều mới lạ từ cổ điển


 

Tháng 1 năm 2021, Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương phát hành số 91, với chủ đề Đầu Xuân Lộc Mới, đề cập và giới thiệu tới độc giả một người viết trẻ ở hải ngoại là  Việt Thạch Nguyễn Thụy Đan.


Lời mở của tòa soạn, Thư Quán Bản Thảo nhắc tới truyền thống ngày xưa của Tạp chí Văn, mỗi năm dành số số báo đầu tiên vào mùa xuân mang tựa đề Đầu Xuân Lộc Mới giới thiệu những tài năng mới tới độc giả , và lần này TQBT  giới thiệu: “…một lộc quý hiếm trong sinh hoạt văn học ngoài nước: Nguyễn Thụy Đan.”


Với các bài viết của Tô Thẩm Huy, Nguyễn văn Sâm, Trần Đông Đức, Nguyễn thị Mai Quyên, Hạt Cát, Dương Nguyên Khang lần lượt giới thiệu, đề cập, phân tích một tác giả rất trẻ, Một số hoạt động văn  hóa rất lạ và một số tác phẩm thơ văn khác thường so với văn học hiện thời.  Thực sự  tạp chí TQBT số 91 này tạo cho người đọc một thú vị thật nhiều. Khởi đầu là tò mò, tìm kiếm rồi đi đến ngạc nhiên, và đọc nhiều nảy sinh lòng khâm phục và yêu thích một tài năng mới lạ này.

Bằng văn phong cổ, với lời trân trọng, Tô Thẩm Huy đã viết tiểu sử của Nguyễn Thụy Đan như sau:


“Tiên sinh chào đời ở thủ phủ Sacramento, tiểu bang California, năm Giáp Tuất, 1994. Niên tuế nay đã tam cửu chính phương niên, 27 tuổi. Theo dương lịch thì vừa tròn 26 tuổi Tây. Tuổi thơ ấu tiên sinh theo gia đình dọn về sống tại một vùng rừng núi hẻo lánh ở mạn bắc California. Năm 13 tuổi tiên sinh theo cha mẹ về thăm Việt Nam, đi khắp ba miền Bắc Trung Nam.


Đến Hà Nội mua được một quyển tự điển chữ Nôm và bắt đầu tự học, làm quen với cổ ngữ từ đấy. Đồng thời nhân dịp ấy học thêm chữ quốc ngữ. Tại đây, một tối nọ tiên sinh tình cờ được nghe một thiếu nữ họ Trần đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan mà đâm ra sinh mê âm điệu cổ thi. Khi trở về Mỹ bắt đầu tìm hiểu về niêm luật thi ca, lại bị quyến rũ bởi ma lực của Đường thi và thi ca tiền chiến Việt Nam qua thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Phạm Hầu... Hai năm sau, lúc vừa 18 tuổi, Việt Thạch gặp chuyện đau buồn đến độ bị khủng hoảng tinh thần. Nhưng nỗi bất hạnh ấy lại là cơ duyên làm bừng lên một động lực mạnh mẽ nhất quyết thúc đẩy việc tu học Hán văn, trau dồi kiến thức cổ nhân. Từ đấy tiên sinh bắt đầu tìm đọc Hán thư, từ cổ phong Hán Ngụy đến Đường thi, Tống từ, lại quay sang đọc Khổng, Mạnh, Lão, Tứ thư, Đạo Đức Kinh đủ cả. Đọc đến đâu vỡ đến đấy. Đến là kỳ lạ. Trong một mùa hè đã đọc thạo cổ văn Hán ngữ.”


Theo đó, sau khi tốt nghiệp phổ thông ở California, Đan theo học Đại học ở Houston và hoàn thành hai bằng Đại học về Âm Nhạc và Văn Chương Anh năm 2016. Trong đó, về âm nhạc Đan đã chọn Dương Cầm, sau chuyển qua đàn Clavecin (tiền thân của piano) và đại phong cầm (pipe organ), là các loại đàn cổ, nay chỉ còn được dùng trong các thánh đường nhà thờ Công giáo cổ”




Ngoài thời gian học chính khóa tại trường, Đan bỏ công tự học và nghiên cứu về Thần Học và Chính Thống Giáo, song song với chuyên sâu về tư tưởng Tống Nho, đặc biệt tìm hiểu về văn chương Hán Nôm đặc thù của Việt Nam qua thơ, văn, phú, đối, trướng (trượng). Cho tới nay (2021), ở tuổi 28. Đan đang là Trợ giảng sau đại học tại Đại học Columbia ở Thành phố New York và Nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia ở Thành phố New York. (Đan đang là Trợ giảng và Nghiên cứu sinh trong khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á tại Đại học Columbia ở Thành phố New York.) Thời gian còn lại, Đan dành cho nghiên cứu Hán Nôm, mở lớp dạy Online Hán Nôm và mưu sinh bằng việc điều khiển nhạc cụ phụng sự thánh lễ nhà thờ.


Những dòng tiểu sử ngắn  mà tôi tìm được từ internet về Đan, chỉ hiển lộ một chàng trai thông minh, chịu khó, có sở học khác người. và có những sở thích không trùng lấp với ai ( Nhất là những người có độ tuổi như Nguyễn Thụy Đan).


Sở học khác người là vì khởi đầu Đan yêu thích chữ Nôm, muốn đọc được chữ Nôm thì phải am tường chữ Hán, không tìm được thầy nên Đan mày mò tự học bằng tự điển và sách để rồi trở thành một người hiểu biết về văn hóa Hán Nôm, chẳng những đọc viết thông thạo mà còn chuyên sâu về xử dụng trong việc nghiên cứu, sáng tác bằng ngôn ngữ này. Kiến thức của Đan về văn học cổ xuyên qua Đường thi, Tống Từ qua tới các danh gia nổi tiếng thực sự là rất uyên bác và thâm sâu.


Sở thích của Đan về sáng tác văn học cũng khác người. Khi minh định rõ được những nét đặc sắc của Thơ Việt nam là Lục bát, Song thất lục bát với lối gieo vần giữa câu mà trong thi ca Trung Hoa cổ đại cũng như các nên thi ca các nước khác, không nơi nào có được, Đan đã xử dụng cách gieo vần Việt đó để viết những bài thơ bằng chữ Hán. 


Chẳng những thế, sở thích của Đan là đi rộng ra để xử dụng các thể loại khác thuần Việt để bày tỏ suy nghĩ của mình như Hát Nói, Lẩy Kiều, Tập Cú  hoặc các lối hành văn cổ đại Trung Hoa như Điền Từ, Phú Lục (từ khúc, ca phú, tùy bút). Những sở thích đó, Đan thú vị khi gọi là thú vui tao nhã.

 

Trong Thư Quán Bản Thảo số 91 Đầu Xuân Lộc Mới  có đăng tải một số bài Hát Nói.Theo Tự Điển ViKi thì: “Hát Nói là một điệu hát ca trù (tức hát ả đào hay hát cô đầu) có nhạc kèm theo và có một hình thức thơ riêng được gọi là thể thơ hát nói. Đây là thể thơ cột trụ của hát ca trù, đặc biệt thịnh hành vào thế kỷ XIX. Xét về mặt văn học, hát nói là một thể thơ cách luật. Bố cục một bài thơ hát nói đầy đủ (hát nói chính cách hay chính thể) gồm mười một câu chia làm ba khổ (hay ba trổ). Các khổ và các câu trong bài hát nói thường được gọi theo tiếng chuyên môn của nhà trò như sau :


– Khổ đầu : bốn câu, gồm hai câu “lá đầu” và hai câu “xuyên thưa”.

– Khổ giữa : bốn câu, gồm hai câu “thơ” (ngũ ngôn hoặc thất ngôn) và hai câu “xuyên sau”.

– Khổ xếp : ba câu gọi là câu “dồn”, câu “xếp” và câu “keo”.


Nói rõ hơn, Hát Nói là những bài thơ mà các nho sĩ  Việt nam ngày xưa viết xuống để các theo một nhạc điệu quen thuộc để các Đào Nương có thể hát lên theo nhịp Sênh, nhịp Phách trầm bổng ngân nga bày tỏ chí khí, bày tỏ tâm tình trong đó thường mở đầu là hai câu lục bát, rồi tới đoạn giữa có hai câu Thất Ngôn hoặc Ngũ ngôn và đoạn kết thường là ba câu, một câu Dồn, một câu Xếp và một câu Keo.


Xin thí dụ một bài Hát Nói nổi tiếng của Dương Khuê có trong chương trình giảng dạy Việt Văn trước 75: Bài Hồng Tuyết:

 

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết

Mới ngày nào còn chưa biết chi chi

Mười lăm năm thấm thoát có xa gì

Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.

Ngã tích du thời quân thượng thiếu

Quân kim hứa giá ngã thành ông.

Cười cười nói nói sượng sùng

Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

Riêng một thú Thanh sơn đi lại

Khéo ngây ngây dại dại với tình

Đàn ai một tiếng Dương tranh.

 

Nói tới bài hát Nói của Dương Khuê để hiểu được rằng viết xuống một bài Hát Nói  không chỉ là viết xuống một bài thơ, mà còn là viết ra một bài nhac. Người viết phải nghe được tiêng Tom, tiếng Chát của người cầm chầu, tiêng Sênh trên tay Đào Nương và tiếng Phách trong tiếng đàn nhạc công nữa. Những âm giai đó, thực ra từ lâu đã trở thành hiếm hoi vì không còn thông dụng, thế mà một chàng trai trẻ đang sống trên nước Mỹ đã hiểu, đã ngấm và đã viết được những bài tâm sự thật là hiếm quý. Xin giới thiệu theo đây một trong số rất nhiều bài Hát Nói của Nguyễn Thụy Đan :

 

Mộ xuân hữu cảm


 Ngoài song mưa tạnh gió vờn,

 Khắp sân tàn tạ hoa hờn xuân đi.

 Chữ rằng vật hoán tinh di,

 Hoa thì héo rụng người thì già nua.

Canh khuya vắng ngắt,

Giễu thân quèn luống buộc chặt bang gia.

 Tựa song thưa ngán cảnh phồn hoa,

Khách muôn dặm sa đà chừng biết đủ.

Vạn sự bất như bôi tại thủ,

Nhất niên kỷ kiến nguyệt đương không.

 Khoá buồng mây mặc chuyện bụi hồng,

 Bầu bạn có chén quỳnh cùng điệu nhã.

Quân bất kiến: Lưu thuỷ lạc hoa xuân khứ dã,

 Học người xưa bỉnh chúc khá quên âu.

 Màng chi thế sự đâu đâu.

 

Xin hãy lắng lòng, tưởng như nghe được tiếng giữ nhịp phách, nhịp sênh để ngân nga theo tâm sự cảm hoài của bài Hát Nói : “Chữ rằng vật hoán tinh di, hoa thì héo rụng người thì già nua”…

 

Lẩy Kiều là một loạt bài viết khác của Đan. Lẩy Kiều là gì? Truyền Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm văn học thuần khiết Việt nam viết bằng chữ Nôm gồm  3254 câu, gồm 1627 câu lục và 1627 câu bát. Truyện Kiều đi vào đời sống dân gian quen thuộc từ lúc nằm nôi nghe lời mẹ ru, tới lớn lên dùng thay lời nói tỏ tình, về già ngâm nga nghĩ cuộc nhân sinh. Ai ai là người Việt cũng thuộc dăm ba câu, cá biệt nhiều người thuộc lòng truyện Kiều, sống với Kiều, và suy nghĩ bằng Kiều. Suy nghĩ bằng Kiều cho nên có những thú vui như Bói Kiều, tập Kiều và Lẩy Kiều. Lẩy Kiều là lấy một Lục nào đó bất kỳ, ráp với một câu Bát bất kỳ nào đó đúng Vần, và hợp với ý mình muốn bày giải , ráp lại thành một bài bằng thơ Kiều nhưng lại mang một ý tưởng  mà mình muốn. Thí dụ như chuyện kể về một nhà nho khi xuống xóm cô đầu, bất ngờ gặp một Đào Nương đã bỏ nghề đi lấy chồng từ lâu, nay bỗng lại trở về làm nghề lại, nhà nho lẩy hai câu Kiều hỏi thăm:


Bấy lâu khăng khít dải đồng,

Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng tại ai?

 

Cô đào cũng là người thuộc Kiều, đã trả lời cũng bằng hai câu lẩy Kiều:


Cũng là lỡ một lầm hai,

Cơ duyên âu cũng có trời ở trong.

 

Dẫn chứng này để hiểu rõ hơn Lẩy Kiều chính là xử dụng các câu Lục, câu Bát của Kiều, nhưng lại mang một tình ý khác. Nguyễn Thụy Đan lẩy khá nhiều bài xuất sắc, như bài Thuật Hoài sau đây:

 

Quyết lời dứt áo ra đi (2229)

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình (2220)

Nghĩ người thôi lại nghĩ mình, (1075)

Một phen mưa gió tan tành một phen. (1742)

Quá chơi lại gặp hồi đen, (807)

Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian. (1706)

Bây giờ gương vỡ người tan, (749)

Mảnh gương còn đó phím đàn còn đây. (2934)

Xót vì cầm đã bén dây, (1963)

Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa. (2018)

Ngại ngùng một bước một xa, (561)

Tuần trăng điểm đốt nay đà thèm hai. (288)

Mơ màng chợt tỉnh hồn mai, (1715)

Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây. (1066)

Đêm sầu một khắc một chầy. (803)

30.10.2020

 

Và đây là bài Hữu Sở Tư:

 

 Một vùng cỏ áy bóng tà, (97)

 Hoa trôi man mác biết là về đâu. (1050)

 Nỗi niềm tưởng đến mà đau, (109)

 Bỗng không mua não chác sầu nghĩ nao. (236)

 Một lời vừa gắn tất giao, (359)

 Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng. (252)

Ngập ngừng thẹn lục e hồng, (787)

 Đời người thôi thế là xong một đời. (856)

 Họa bao giờ có gặp người.. (2415)

19.05.2020

 

Xử dụng lời thơ xưa, những lời thơ đã mang sẵn cảm xúc tất có, rồi ghép vào với lời thơ từ đoạn ý tình khác để bày giải được tâm trạng của mình không phải là chuyện mà ai cũng làm được. Phải thuộc Kiều, yêu thích Kiều và sống với thơ Kiều nhiều lắm, mới đi vào được cái tình ý  của mình vào dòng lục bát Nguyễn Du đó. Đan tâm sự rằng: …“Những lúc tôi có tâm sự hay niềm ngậm ngùi trăn trở nào đó không nói thành lời, hoặc vì cảm xúc quá mãnh liệt, hoặc vì sợ gây tổn thương đến người trong cuộc, không muốn đem lời của chính mình để gieo những vần tiếc nuối ai oán, tôi hay gìn lòng ngẫm lại Kiều, mượn lời của Nguyễn Tố Như để ngụ ý thân thế chính mình.”

 

Cái sở thích kỳ lạ thứ ba của Đan mà tôi ngạc nhiên là quý trọng là Điền Từ. (Hai cái trước là Hát Nói và Lẩy Kiều).


Điền Từ là một thú vui tao nhã phát xuất từ đời nhà Đường và thịnh hành vào đời nhà Tống. Khoảng thời gian đó, Trung Hoa sống an bình. Đất nước rộng lớn đó với rất nhiều địa phương xa cách nhau nên có rất nhiều các làn điệu dân ca có dịp lan tỏa khắp nơi, những làn điệu đó có khi là dân ca, có khi là một khúc nhạc nổi danh khi truyền bá khắp nơi, nhiều người yêu thích, người ta VIẾT lời khác cho một làn điệu có sẵn và người gọi đó là Điền Từ. Thú vui này phát triển mạnh nhất, nhiều nhất và hay nhất là thời nhà Tống, nên văn học có câu “Đường Thi và Tống Từ.”


Ở Việt nam chúng ta cũng có thể loại này, Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam dều có những điệu Lý, điệu Hò xử dụng bằng các lời khác nhau trong từng lễ hội, đặc biệt là ở Miền Nam, có những tuồng tích Cải Lương xử dụng các bài Vọng Cổ, giữa câu Vọng Cổ là những làn điệu dân gian phổ biến, những làn điệu đó tự nó đã có sẵn cảm tính tình cảm, thí dụ như  buồn bã thì có Nam Ai, vui vẻ thì có Nam Bình, lãng mạn thì có Lý Con Sáo, Lý Tình Tang, giận dữ thì có Khốc Hoàng Thiên…rất nhiều, Soạn giả viết lời khác nhau chỉ cần ghi là Điệu gì…..thì ca sĩ hát được ngay.


Điền Từ cũng là loạt sáng tác khá nhiều của Nguyễn Thụy Đan viết bằng chữ Hán, xin giới thiệu một bài:

 

Giang thành tử

Quyển liêm sầu sát lưỡng my tiêu.

Ảm vô liêu.

Mộng điều điều.

Tàn vũ thanh trung,

Ám ức dục toàn tiêu.

Dĩ sự thông thông lưu bất trú.

Như hà hướng,

Hựu kim tiêu.

Vén rèm buồn nhíu giữa hai mày,

Thẫn thờ thay,

Nhớ nhung hoài.

Tí tách mưa ngừng,

Mộng tưởng ngỡ tàn phai.

Chuyện cũ trôi đi khôn níu giữ,

Sao dồn dập,

Sáng hôm nay.

(Nam Long dịch)

 

Bài điền từ này được được Nguyễn Trung Hoàng Long (Hà Nội) viết thành thư pháp  để làm minh họa. 



Và để  hiểu rõ hơn về Điền Từ, xin giới thiệu một bài khác của Nguyễn Thụy Đan, viết theo  cùng một thể điệu Giang Thành Từ, nhưng là một lời khác, ý tứ khác. Đây là một bài  Từ mang tâm trang buồn mà Đan tâm sự viết vào khoảng thời gian  có biến động buồn trong đời sống. Dường như vào khoảng 7, 8 năm về trước.

 

Giang thành từ - ký Hỏa thị Thanh Thủy

Ỷ lan vô ngữ vọng cao thành.

Vũ sơ tình.

Thảo thanh thanh.

Mộ vân ngưng xứ,

Mục đoạn hận nan bình.

Thệ thủy tàn huy đăng hỏa thị,

Nhân nan kiến,

Tổng thương tình.

 

Điệu từ Giang thành tử

gửi Hỏa thị Thanh Thủy

 

Thành cao, tựa cửa ngắm không lời.

Ngớt mưa rơi.

Cỏ bời bời.

Mây chiều đọng lại,

Trông hút hận khôn nguôi.

Le lói đèn đường soi nước chảy,

Người đâu thấy,

Chỉ ngậm ngùi.

 

(Nam Long dịch)

  

Không thể một bài viết ngắn  mà nói cho hết được những nét kỳ lạ và đặc sắc của tài năng Nguyễn Thụy Đan, nên chỉ là những phóng bút viết về những điều riêng tư mà người viết yêu thích về tác giả này mà thôi.


Ngoài đời thật, Đan là một chàng trai nhã nhặn, ăn nói khiêm tốn và lịch sự nhưng quan niệm về văn chương rất rạch ròi và nghiêm khắc. Nguyễn Thụy Đan trong nhóm tổ chức thường xuyên hằng năm tại Đại Học Columbia New York một sinh hoạt văn học tên là Đêm Thơ Việt Nam. Tháng 12 năm 2020, đêm thơ đó có 4 diễn giả, Nguyễn Thụy Đan là diễn giả nói về Thơ Việt nam thời chiến, dẫn chứng với thơ của ba thi sĩ Trang Châu (Xin Một Ngày) Nguyên Sa (Hai Mươi) và Nguyễn Xuân Thiệp (Tôi cùng gió mùa). Khi hỏi về cảm nhận thế nào khi có dịp tìm hiểu về Thơ Thời Chiến ở Việt Nam, Đan trả lời  “Văn chương miền Nam mang tính chất yếm thế hơn là phản chiến.” Câu trả lời của Đan là một nhận xét khá lạ và khó bài bác  nếu những ai đã đọc “Chiến Tranh Việt nam và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn: Lỡ mai đụng trận ta còn sống, về ghé Sông Mao phá phách chơi…

 

Khi làm quen và nói chuyện với Đan qua Facebook, Đan kể về lần đầu tiên nghe thơ cổ Việt nam , khi đó Đan còn ở tuổi 15,  đi theo Mẹ về Việt nam  một đêm ở Củ Chi nghe một cô gái ngâm bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, bỗng dung phát sinh lòng yêu thích dù lúc đó thực lòng chưa phân biệt được thơ Nôm hay thơ Hán, thơ hiện đại hay thơ cổ thể. Cơ duyên đó để Đan tìm đọc Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, các tác phẩm văn mới của Tự Lực Văn Đoàn, để rung động với thơ Đinh Hùng, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương…Khi trở lại Hoa Kỳ, Đan vào thư viện tìm sách để tự học chữ Hán, chữ Nôm , và đắm say vào không gian văn học tiền chiến với lối hành văn cầu kỳ của thời phôi thai chữ Quốc Ngữ trên các báo chí sách vở như Nam Phong Tạp Chí, Nông Cổ Mín Đàm, tản văn bút ký của Tản Đà, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, song song với với tự học chữ Hán, Đan yêu thích những vần thất ngôn của thủa Thịnh Đượng và làm khá nhiều bài theo thể loại đường luật này.

 

Chưa tới tuổi Tam Thập Nhi Lập, Nguyễn Thụy Đan đã đọc rộng, đã hiểu sâu nhiều nền văn mình Âu Á,  đã từng có thời ham mê thơ Đường, thơ Nôm, thơ Cổ Việt, thơ Việt mới, đã nhận thức được nhiều thể loại hành văn Kim Cổ Đông Tây, nhưng con đường đi tới còn quá dài và thời gian còn cũng khá lâu, tôi đã đọc và tin tưởng rằng Đan sẽ tim được một lối đi tốt nhất với những sở học rộng rãi của mình phối hợp với những sở thích đặc thù ít người theo đuổi .


 

Trong một bài viết ngắn của Nguyễn văn Sâm, (nguyên là Giảng sư Đại Học trước 1975, một đại thụ về nghiên cứu cổ văn Hán Nôm) đã nói về Nguyễn Thụy Đan như thế này: “ Đó là một khuôn mặt lạ của học giới, của người Mỹ gốc Việt trên đất Mỹ. Rồi em sẽ giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn đọng trong văn chương Việt nam và Trung Hoa. Chắc chắn vậy”


Tôi cũng nghĩ vậy, như chim Phượng Hoàng nảy sinh từ hoang tàn đổ vỡ, sẽ cất cánh bay cao, bay xa mà khó lòng ước đoán được đích tới. Hy vọng rằng như ám chỉ của nhà văn Trần Hoài Thư khi dành số báo Đầu Năm Lộc Mới nói về Nguyễn Thụy Đan, sẽ là lộc mới cho văn học sau này. Mong là như thế .

 

Nguyễn Minh Nữu

Virginia- 12/03/2021.