Tuesday, June 22, 2021

Sách mới: THUỒNG LUỒNG MẮT BIẾC- Truyện ký của Nguyễn Minh Nữu



“Thi pháp phân mảnh (Fragmentation) là một chọn lựa độc đáo của tác phẩm này với kết cấu ngắt đoạn tự nhiên theo dòng chảy ký ức, có khi như dở dang bỏ lửng, có khi mờ hoá ranh giới không gian thời gian nghệ thuật. Không có không gian nào trung tâm, không gian hiện tại bên này dòng Potomac gần nửa đời gắn bó, hay không gian kỷ niệm bên ấy, quê nhà thuơng nhớ cứ đan xen trộn lẫn kết nối thành những mối dây ân tình, níu giữ cuộc đời người xin chọn nơi này làm quê huơng, vẫn không thôi thuơng nhớ cội nguồn. Không có và cũng không còn khoảng cách. Những yếu tố hoang đường được vận dụng linh hoạt trong Thuồng luồng mắt biếc cùng cách trần thuật theo dòng ký ức, cho phép tác giả đan lồng giữa hiện thực mở đầu là bờ sông Potomac của bang Virginia nước Mỹ, với con sông Tiền tận Hồng Ngự Đồng Tháp xa xôi, hay con đường Nuisap St với dãy Thất Sơn thiêng liêng bên kia bờ đại dương cách nửa vòng trái đất, mà vẫn không làm người đọc bất ngờ. Một kết nối thật ý nghĩa. Hay bởi trong mỗi chúng ta cũng đang đau đáu một dòng sông cội nguồn thao thiết của chính mình…”

(trích lời giới thiệu của Hoàng Kim Oanh)

Những sự “gặp gỡ” ấy trong truyện Nguyễn Minh Nữu không phải chỉ dành riêng cho một đối tượng độc giả hạn hẹp trong cộng đồng di cư và hải ngoại của tác giả, mà còn dành cho nhiều người nữa. Riêng truyện Hà Nội Thứ Tư, khi tôi gửi bạn bè và đồng nghiệp – trong đó đa phần nếu không phải là người Hà Nội, thì cũng là người Bắc, có cả những người cán bộ, những người sinh trưởng sau chiến tranh mà, một cách hoàn toàn có thể thông cảm được, nặng lòng và tự hào về thân thế và lai lịch của riêng họ – nhiều người đã sửng sốt bày tỏ mối đồng cảm sâu sắc với nỗi lòng của tác giả. Họ đã nhận ra nơi Nguyễn Minh Nữu một người tri kỷ thật sự yêu Hà Nội, yêu miền Bắc, không khác mấy tình yêu và niềm tự hào chính họ vẫn luôn dành cho quê hương, dù lắm khi không thổ lộ được một cách chân tình. Đọc truyện Nguyễn Minh Nữu, một độc giả Hà thành trong học giới hải nội đã chia sẻ rất mực cảm khái: “Hà Nội thứ nhất đã chết. Hà Nội thứ hai và thứ ba không phải là Hà Nội. Hà Nội thứ tư – có thì có đấy, nhưng tiếc là không dễ nhìn ra và một ngày càng một thêm mờ… Xin cảm ơn câu truyện, mà có lẽ là phần thật ít nhất chiếm tới 90%, và cũng xin chia sẻ với nỗi lòng tác giả…”. Phản ứng này – sự hoang mang trước một câu truyện tưởng hư cấu mà lại thiết thực hơn cả hiện thực – không phải phản ứng của riêng người độc giả này, mà còn là phản ứng chung của rất nhiều độc giả hải nội khi đọc Hà Nội Thứ Tư. Còn nhớ, khi tôi gửi truyện này cho một cô hồng nhan tri kỷ xứ Ái Châu, con nhà danh gia đương triều, thuộc thành phần tri thức trẻ sinh ra và lớn lên sau 1975, tuy tự hào về gốc gác gia đình, nhưng vẫn luôn rộng rãi và mong được hiểu biết hơn và thông cảm với những người “bên kia cuộc”, cô ta đã ngạc nhiên hỏi lại tôi: “Đan, đây là truyện hay là ký? Đan nói từ đầu là truyện, mà tôi đọc sao thấy lại chân thực một cách phi hư cấu…”

(Trích bạt của Nguyễn Thụy Đan)

Sách bán trên Amazon giá 20 USD.

(có thể mua từ tác giả nuuminhnguyen@gmail.com) 

Bạn đọc ở Việt Nam mua sách từ  nguyenthanh58.rk@gmail.com.

Đây là đường dẫn mua sách từ Amazon:

https://www.amazon.com/s?k=nguyen+minh+nuu&ref=nb_sb_noss