Mỗi lần Tụng thả bộ xuống con dốc khá dài vòng theo ngọn đồi, không hiểu sao câu hát trong bài “Phố núi” lại vang vang trong đầu anh, “Phố núi cao, phố núi trời gần, phố núi không xa nên phố tình thân, đi năm phút trở về chốn cũ…” Anh chẳng biết cái phố núi trong bài hát là gì, ở đâu, như thế nào. Nhưng rõ ràng anh cảm thấy có vẻ như ở đây có một phố núi như thế. Có vẻ thôi. Thành phố ở trên một khu đồi hơn là núi. Đồi nhỏ, thấp. Dốc thường ngắn, thoai thoải, có thể đi tản bộ lên xuống mà không cảm thấy mỏi chân. Băng ngang qua công viên và một bãi đất trống nữa là đến trường đại học. Đường dốc lên dốc xuống, dù người ta đã cố gắng san phẳng nhiều khu vực. Trừ những đường lớn luôn luôn được chăm sóc tử tế, giữ chúng trong tình trạng tốt, còn thì phần lớn những con đường nhỏ đều xấu. Nhiều con đường trông như những lối đi với nhiều ổ gà. Cứ mỗi một mùa tuyết chấm dứt, đường lại càng tệ hơn.
Nhưng Tụng thích chúng. Ở cái xứ sở mà mọi thứ đều văn minh, sạch sẽ, tân tiến thì những khuyết điểm đôi lúc lại có cái vẻ duyên dáng diểm trang riêng của chúng. Chẳng hạn như những đoạn đường loang lổ, một vài căn nhà bỏ hoang, vài khu đất trống đầy đồ phế thải cả thời gian dài chẳng ai ngó ngàng đến, và cả cái nhà vệ sinh ngay trước Tòa Thị Chính rất bẩn thỉu, đầy rác rưởi, nào là vỏ chai, lon bia, bình nhựa, bao bì dường như làm cho khung cảnh có vẻ nhân văn hơn. Nhiều lần anh đi ngang qua những phố hẹp, nhà cửa cũ xì, mùa hè, đường đầy tụi nhóc con đủ loại đen, trắng, nâu, vàng chạy nhảy, người lớn thì bắt ghế ngồi trên vệ đường hoặc dưới mái hiên hút thuốc, trò chuyện vu vơ, anh tưởng như đang đi trên một vùng quê nào đó ở các xứ nghèo. Người ta thích sạch sẽ, văn minh, hiện đại, nhưng cái tồi tàn, nghèo khổ hình như vẫn có cái gì thân thương hơn. Tại sao? Anh chẳng hiểu tại sao.
“Phố núi không xa nên phố tình thân. Đi năm phút đã về chốn cũ.” Cái phố núi nào lạ nhỉ? Năm phút để đi vòng cả một con phố? Chắc người ta chỉ nói tượng trưng thế thôi! Phố núi ở đây tuy nhỏ, nhỏ so với hàng ngàn thành phố ở xứ này, nhưng cũng phải tốn hết cả giờ đi bộ. Tuy thế, tình thân thì anh cảm nhận được khi đi đi về về con dốc này. Chỉ ở con dốc này thôi. Nhà anh ở bên kia ngọn đồi nhỏ, kế đường rầy xe lửa. Con đường duy nhất để anh xuống phố, đi học, đi chợ là con đường cong cong vòng theo ngọn đồi. Trên đỉnh đồi là trụ sở của một công ty bảo hiểm sức khỏe. Dọc hai bên đường là những căn nhà “single” nhỏ nhắn, phần đông đều cũ. Những khu vườn nhỏ kế nhau. Mỗi nhà mỗi kiểu. Nét chung chung duy nhất ở đây là nhà nào cũng sơn màu sẫm. Một số nhà kẻ từng ô chữ nhật trông như những viên gạch trên phần tường phía ngoài. Chúng gợi cho anh dáng nét của những ngôi đình cũ đâu đó ở quê anh. Mùa đông, màu sẫm buồn bã này chìm trong màu tuyết trắng thê lương.
Tuy thế, mùa hè, núp dưới bóng các tàn cây xanh, phía trước là những thảm cỏ mượt mà cắt xén cẩn thận, chúng đâm ra trông rất có duyên. Mùa thu lại càng tuyệt đẹp. Tất cả nhà cửa chìm hẳn vào biển màu mùa thu tím, đỏ, vàng, nâu, tía. Màu lá, màu tường, màu mái nhà hòa hợp vào nhau một cách sống động. Suốt mùa thu, anh đi bộ hàng ngày qua con đường, chân bước trên lối đi ngập lá, nghe tiếng lao xao của hàng ngàn, hàng ngàn chiếc lá rơi lòa xòa khắp cả không gian. Lá, trời ơi, lá! Những chiếc lá đủ màu - có lá có khía răng cưa, có lá giống như ngôi sao - tưởng như trùm cả trời đất, cả cuộc sống. Cầm chiếc lá lên, mới thấy hết cái kỳ diệu của thiên nhiên. Từ ngoài rìa vào đến cuống lá, màu sắc đậm hoặc nhạt dần: đỏ, vàng, tím, hồng…Đã thế cùng một cây, mà mỗi lá lại có màu khác nhau. Những ngọn lá trông như những cánh hoa. Mỗi cây là một cây hoa nở rộ. Nhìn lá rơi, Tụng vẫn tưởng như hoa rơi. Mỗi một ngày qua đi, con đường, bãi cỏ, mái nhà đầy lên những lá trong lúc những tàn cây mỏng dần, để trơ ra những cành khẳng khiu đan thành những ô nhỏ xiêu vẹo trên bầu trời màu đục, báo hiệu một mùa thu nữa sắp chấm dứt.
Thực ra, tình thân mà Tụng cảm nhận được là từ cảnh chứ không phải từ người. Con dốc, tuy không bao nhiêu nhà, nhưng thiếu vẻ thân mật. Nhà nhà thường đóng cửa. Họa hoằn lắm, về mùa hè, mới thấy một đôi người ra hóng mát, chơi đùa, trò chuyện ở sân trước. Tuy thế, đi qua đi lại nhiều lần, rồi khi thì gặp người này, khi thì gặp người kia, rốt cuộc hầu như nhà nào anh cũng biết. Lúc đầu, nhiều người gặp anh trông bộ chẳng muốn chào, có lẽ vì thấy anh là người châu Á. Nhưng rồi, có lúc người ta cũng chào, có lẽ vì lịch sự. Có khi có người còn dừng lại trao đổi năm ba câu về mưa nắng, thời tiết. Gặp riết, chào riết cũng thành quen.
Ở đầu con dốc là một cặp vợ chồng trẻ, hình như không
có con, vì lúc nào anh cũng chỉ gặp có hai người. Kế đó là một cặp vợ
chồng già, sáng nào cũng dắt nhau đi bộ. Rồi đến một gia đình đông con. Tiếp
đó là một cặp vợ chồng và một đứa con. Ỡ giữa con dốc là một căn nhà âm
u, trông như bỏ hoang, thật ra vẫn có một ông già lưng khòm thỉnh thoảng chống
gậy đi vào đi ra một mình. Nhà kế nhà, tất cả có đến trên hai mươi ngôi, ở cả
hai bên đường, anh đều biết rõ. Cuối con dốc, trước khi đến một cái cửa hàng
nhỏ bán đồ tạp hóa có tên Honeyfarm, là một gia đình Mỹ đen. Gia đình này sinh
hoạt rộn rịp, vì trẻ con đông, bạn bè lui tới thường xuyên. Nói chung thì, tuy
gặp nhau, chào nhau như thế, nhưng cái vẻ xa lạ, dửng dưng, lạnh lùng cứ như lơ
lửng đâu đó, không thể tẩy xóa đi được. Anh và cư dân trên con dốc vẫn là hai
thế giới khác hẳn nhau.
*
Lưng chừng dốc, chênh chếch phía đối diện với một cơ sở địa ốc là trạm xe buýt học sinh. Nói trạm cho vui, chứ thực ra, nơi đó chỉ có một tấm bảng nhỏ đề chữ School Bus Stop. Hàng ngày, chiếc xe buýt màu vàng của trường dừng ngang dăm ba phút, vào buổi sáng và buổi chiều, để bốc học sinh đến trường và trả học sinh về nhà. Đi lại hàng bao nhiêu lần ngang đó, anh chẳng để ý gì đến cái địa điểm bình thường, quá bình thường này. Cho đến một hôm, hết giờ học, thay vì vào thư viện như thường lệ, anh lửng thửng đi tản bộ về nhà.
Tháng mười, mùa thu nhuộm chín núi rừng. Lúc này là giờ bãi học. Từ dưới con dốc, anh nhìn thấy chiếc xe buýt ngừng ở trạm, đổ học sinh xuống rồi chạy đi. Đám trẻ con xuống xe, đứa thì tung tăng chạy đùa với lá, đuổi nhau lên đường đồi, đứa từ tốn ôm cặp về nhà. Khi anh đi ngang trạm, đám học sinh đã về hết, chỉ còn một học sinh đứng đó. Một cô bé. Cô đứng dựa vào thân cây sồi khá lớn nằm sát chân đồi, ngay dưới tấm bảng quảng cáo thuốc trị mập “mất 30 pounds trong 30 ngày.” Túi đựng sách, cô để dưới chân. Hai chân cô vắt tréo lại. Hai tay vòng lên trên đầu. Anh đi ngang, nhìn cô, mỉm cười chào. Dường như cô bé hơi mím môi, muốn cười hoặc muốn nói một câu gì đáp lại lời chào của anh, nhưng rồi cô không làm gì cả, đôi mắt nhìn về hướng khác. Đâu có sao, anh nghĩ. Một cô bé, lại là cô bé Mỹ. Với cô, chắc chắn anh hoàn toàn xa lạ. Anh là người lớn, là đàn ông. Lại thuộc một sắc dân khác. Anh quá quen thuộc với sự lạnh lùng, dửng dưng của đám sinh viên da trắng trong trường đối với sinh viên da màu như anh. Khoảng cách chủng tộc lớn lắm, mênh mông lắm, chỉ thu hẹp hoặc lấp đầy trong rất hiếm trường hợp.
*
Khuôn mặt trẻ con thường giống nhau ở cái nét ngây thơ, hồn hậu. Má phinh phính. Tóc lưa thưa. Nụ cười rạng ngời. Đôi mắt mở lớn như sẵn sàng thu nhận hết cả thế giới vào hai ô cửa nho nhỏ của mình. Nhưng cô bé này trông khác hẳn. Cô bé tên gì nhỉ? Cứ gọi là Cynthia đi vì cô bé trông hao hao với con nhỏ Cynthia làm việc ở thư viện trường. Bao nhiêu tuổi. Cỡ muời ba, mười bốn. Cô ắt phải học cấp hai, vì hầu hết đám học sinh trên xe buýt cô đi đều khá lớn, có đứa trông như đã thiếu nữ. Nhìn cách cô bé đứng dựa vào gốc cây, đôi mắt tối, lẩn quất đâu đó nỗi hoài nghi, đôi môi như muốn cười, nhưng cố gượng gạo khép lại, anh bất giác rùng mình. Anything’s wrong with her, anh mơ hồ tự hỏi.
Vài ngày sau, khi đi ngang vào giờ xe buýt đỗ, anh lại bắt gặp cô bé. Hầu như vẫn cùng một thế đứng. Lần này, anh không chào nhưng nhìn cô, vẻ dò hỏi. Cô bé, có lẽ đoán biết ý anh, nên quay mặt đi nơi khác. Khuôn mặt cô xa vắng, lạnh lùng, trông bộ dửng dưng trước mọi sự đang diễn ra chung quanh. Anh bước đi một đoạn, rồi dừng lại, nhìn lui. Cô bé vẫn còn đó. Anh lặng lẽ đi dọc theo con dốc. Lên đến đỉnh dốc, ngang trước ngôi nhà của ông cụ lưng khòm, anh nhìn lui lần nữa. Cô bé vẫn còn đứng đó. Từ xa, trông cô gái như một hình thể bất động. Chiếc juýp xòe cùng với chiếc áo khoát mùa thu sẫm màu như đẩy nhân dáng cô bé chìm hẳn vào rừng màu chung quanh. Trông như một bức tranh thu, anh nghĩ. Lát sau, cô bé di động. Băng qua đường. Leo lên lối mòn nhỏ. Một cơn gió tới. Lá rụng dào dạt. Lá xoắn xuýt đeo theo cô bé đến khi cái nhân dáng nhỏ bé của cô gái khuất khỏi tầm nhìn, biến mất sau màu lá.
Từ đó, suốt những ngày mùa thu còn lại, anh áng chừng giờ xe buýt đổ để trở về. Thỉnh thoảng, anh đi vào lúc tảng sáng, khi xe buýt đến đón học sinh. Buổi sáng, học sinh tụ lại một chỗ. Riêng cô bé vẫn đứng riêng ra khỏi đám đông. Lúc đầu, anh đoán cô bé vẫn nghĩ là anh chỉ tình cờ đi ngang. Nhưng dần dà, hình như cô bé biết rằng, anh muốn gặp cô, nhìn ngắm cô. Trông cô hơi khó chịu. Vì anh bắt gặp một vài lần, cô liếc nhìn anh, nhíu mày lại, vẻ bực bội. Nhưng chỉ một thoáng thôi, khuôn mặt cô trở lại y như cũ, lạnh lùng, xa vắng. Có lẽ cô bé quên anh liền ngay lập tức, dù biết anh đang đi ngang trước mặt cô, đang quan sát cô, và có thể đang toan tính một điều gì đó. Riêng với anh, cô bé bỗng dưng trở thành một chút gì ấm cúng, riêng tư chui vào đời sống mỏng manh của anh. Chút gì như ngọn lá vừa nảy mầm, như búp măng non vừa lú. Tháng ngày trước mặt bỗng thúc dục bâng quơ. Yêu chăng? Không rõ. Cô bé còn nhỏ quá. Lại là da trắng. Mọi thứ đều cách xa vời vợi. Vậy thì là gì? Chẳng là gì cả. Anh thấy thích cô bé, thế thôi.
Một hôm, anh chợt có ý nghĩ đi theo cô bé, xem thử cô bé về đâu. Chiều hôm đó, khi cô bé rời gốc cây, băng qua đường, thì từ trên lưng dốc, anh chậm rãi quay lại. Thay vì theo cùng lối đi với cô bé, anh leo hẳn lên ngọn đồi, rôì từ phía trên, lần bước theo một lối đi khác. Cô bé lửng thửng bước trên lối mòn đầy những viên đá nhỏ. Thỉnh thoảng cô trợt chân, vịn tay vào một nhánh cây, rồi tiếp tục bước. Xuống hết đồi, bắt đầu ra đường lộ, không hiểu sao, cô đứng lại, quay lui nhìn lên phía con dốc. Có lẽ cô ta muốn xem thử anh còn ở đó không? À, thì ra, cô bé có nghĩ đến mình. Anh định làm một tiếng động gì đó để gợi sự chú ý của cô, nhưng thôi. Anh đứng tựa vào gốc cây, im lặng nhìn. Cô bé đi dọc theo lối đi một đoạn, đợi đèn giao thông, băng ngang đường trở về nhà cô, chắc là ở một nơi nào đó dưới khu phố chính, nằm bên cạnh công viên.
Hôm sau, theo lối cũ, anh lại đi theo cô bé. Lần này, khi xuống hết đồi, cô bé quay lui và nhìn thấy anh. Làm như không để ý, cô vẫn tiếp tục bước. Nhưng không hiểu sao, cô dừng lại, quay về hướng anh, đưa một bàn tay lên, dứ dứ trong không trung. Cô bé muốn nói gì? Anh im lặng quay về. Rồi cứ thế, ngày lại ngày, anh tiếp tục đi ngang con dốc, đợi nhìn cô bé mà anh yên trí có cái tên Cynthia. Có lẽ cô bé không còn cái bối rối, bực bội của những ngày đầu khi biết có người chú ý đến mình. Cô bất chấp anh. Mặc cho anh nhìn, anh đợi, anh đi theo, cô bé làm như không biết. Cô yên tâm sống trong thế giới rất riêng nào đó, với vẻ mặt như càng ngày càng rời xa mọi tình huống chung quanh. Cô bé bước đi, hoang đường, mộng mị. Anh cũng thế. Anh đi qua con dốc trong hoang đường mộng mị. Hình ảnh cô bé đứng dựa gốc cây, hai tay vòng trên đầu, chân đứng tréo lại bây giờ trông như một bức tranh. Một bức tranh đắm đuối rừng thu.
Mùa thu qua đi rất nhanh. Khi những rừng cây trụi lá, lập tức cái lạnh vùn vụt quay về. Tuyết đầu mùa rơi sớm hơn mọi năm, ngay vào giữa tháng mười một. Suốt tháng mười hai và đầu tháng giêng, tháng hai, tuyết dồn dập đổ xuống. Anh buộc phải dùng xe đi học. Con dốc của anh, tuyết dồn đống đống hai bên. Đường trơn, trạm xe buýt học sinh dời xuống một đoạn, nơi có khu đất tương đối bằng phẳng. Cây chơ vơ. Người chơ vơ. Núi đồi chơ vơ. Con dốc hoang vắng khốc liệt. Những ông cụ bà cụ biến mất sau những ngôi nhà tuyết phủ trắng xóa như những ngôi mộ. Ai đã chết đi? Ai còn sống? Con dốc thân thương của anh hầu như biến mất. Anh sống trong một mùa đông bàng hoàng vì cô bé biến mất y như thể tuyết đã chôn vùi cô ở một chỗ nào đó. Gốc cây sồi vô hồn. Như đã hóa thạch ngàn năm.
*
Và cô bé trở lại thật!
Sau mùa tuyết, trạm xe buýt dời về chỗ cũ. Ở đó, dưới ánh nắng tươi mới, anh lại nhìn thấy cô bé. Cái áo choàng nhiều màu khiến cô bé có vẻ vui lên. Mà cô dường như vui thật. Khác hẳn dung nhan hồi mùa thu. Nét mặt cô sáng lên trong nắng, mất đi cái vẻ ủ dột bất thường ngày nào. Đôi má phúng phính hồng. Tia nhìn reo vui. Khi anh đi ngang, cô ném về anh một cái nhìn, như chào. Anh lẩm bẩm “How are you doing, little girl?” Lên một đoạn, anh dừng lại nhìn lui. Thay vì đứng dựa gốc sồi, lần này, cô bé tung tăng chạy theo đám bạn học đi xuống, biến mất dưới con dốc. Hôm sau, cũng thế. Hôm sau nữa, cũng thế. Xuống xe buýt, cô bé hòa nhập vào đám bạn, đi về. À, thì ra, cô bé không còn thích đứng dưới cây sồi nữa. Cô đã thay đổi. Và anh ngẩn ngơ. Anh tưởng như mình vừa mất đi một cái gì vô cùng quý giá, vô cùng trọng đại. Đúng rồi, cô không còn là của anh nữa. Anh mất cô. Dù vậy, ngày lại ngày, anh vẫn gắng gượng trở về đúng giờ để nhìn cô bé với hy vọng cô sẽ trở lại đứng dưới gốc cây sồi như cũ.
Một hôm, anh không trông thấy cô bé.
Hôm sau, anh không trông thấy cô bé.
Hôm sau nữa, cũng chẳng thấy cô.
Cô bé biến mất. Đứng trên con dốc nhìn xuống đám học trò tung tăng ra về, Tụng bâng khuâng, bối rối với ý nghĩ rằng anh sẽ không bao giờ tìm thấy lại cô bé nữa. Đợi cho đám học trò biến hẳn dưới chân dốc, anh lửng thửng quay về nhà, lòng trống vắng. Khi vừa đến cổng, anh ngạc nhiên khi nhìn thấy ba chiếc xe cảnh sát đậu kế nhau, bít hẵn lối vào nhà trọ. Thấy anh về, một viên cảnh sát cao to ra dấu cho anh dừng lại, hỏi giấy tờ, rồi báo cho anh biết anh bị bắt. Một viên cảnh sát khác nhanh nhẹn còng tay anh lại, dẫn anh vào nhà. Anh ta buộc anh ngồi im trên ghế trong lúc những người kia lục lọi khắp nhà. Tất cả sách vở, đồ đạc bị xáo tung lên. Mọi ngóc ngách trong nhà đều bị rọi đèn xem xét. Họ chẳng tìm thấy gì. Cuối cùng, họ dẫn anh ra xe, chở về sở cảnh sát. Anh hoang mang, không hiểu vì sao mình bị bắt, cho đến khi cuộc thẩm vấn bắt đầu. Thì ra, anh bị tình nghi dính líu đến một cô bé học sinh 13 tuổi bị mất tích mấy ngày nay. Đúng là Cynthia của anh! Không, không phải là Cynthia. Mà là Maria Zone. Anh bị trực tiếp hỏi cung cũng như khai báo hai ngày liên tiếp.
Tảng sáng ngày thứ ba, anh được thả ra với lời xin lỗi của viên cảnh sát trưởng toán thẩm vấn. Anh ngạc nhiên. Thay vì giải thích lý do cho anh, người cảnh sát chìa cho anh tờ nhật báo mới nhất, chỉ cho anh bản tin quan trọng in ngay trang đầu: Một Vụ Dụ Dỗ Gái Vị Thành Niên Qua Internet. Cô Bé Maria Zone Đã Bỏ Nhà Trốn Đi Với Một Người Đàn Ông. Anh giật thót người. Thế là cô bé đã bỏ đi. Bản tin cho hay: Maria Zone, học sinh lớp 8 trường Stoneland, sau khi rời xe buýt nhà trường, thay vì về nhà như thường lệ, đã đi thẳng luôn. Sau ba ngày điều tra, cảnh sát đã xác định được tung tích của người đàn ông dụ dỗ cô bé có tên là James Clark, 25 tuổi, mà Maria quen qua Internet hơn một năm qua. Mẹ của Clark cho biết anh ta là một tay ghiền máy vi tính hạng nặng. Hầu hết thì giờ rảnh rang trong ngày, anh ta chúi mũi vào màn hình. Gia đình Maria cho biết, cô bé cũng cắm cúi trên màn hình hằng đêm. Hiện mọi ngã đường, trạm xăng, khách sạn, motel, quán ăn… đều được thông báo về nhân dáng của cả hai để mọi người dễ nhận diện. Một đường dây điện thoại ưu tiên được thiết lập riêng cho việc tìm kiến tung tích cặp tình nhân.
Đọc xong mẩu tin, Tụng xếp tờ báo lại, nhìn vọng về khu núi đồi, nơi có con dốc băng ngang, kêu lên nho nhỏ: Cynthia, Cynthia! Rồi anh lặng lẽ leo lên chiếc xe cảnh sát dành riêng để đưa anh về nhà. Đến đoạn đường bắt đầu lên dốc, anh xin xuống xe. Viên cảnh sát nhắc lại lời xin lỗi. Anh chỉ con dốc, cười: “chỉ tại con dốc này.” Người cảnh sát cười mà không chắc đã hiểu hết ý anh. Đợi cho chiếc xe chạy đi, anh lặng lẽ leo dốc. Nắng mùa xuân rực rỡ đổ xuống núi đồi. Chỉ toàn nắng là nắng, vì mới đầu xuân, cây cối chưa kịp trổ lá. Con dốc trống hoang, trống hoác và vô tình một cách lạ thường. Đến gốc cây sồi, anh dừng lại. Anh bắt chước cô bé, đứng dựa vào gốc cây, hai chân bắt tréo, hai tay vòng lên đầu, nhìn quanh.
*
Ngày 10/4
*
Ngày 11/4
*
Ngày 12/4
*
Ngày 13/4
Tung tích cặp tình nhân vẫn bặt tăm.
*
Ngày 14/4
Phỏng vấn bố mẹ của Maria Zone. Bà mẹ cho biết Zone là một cô bé rất ngoan, học hành chăm chỉ, không mấy khi trái lời cha mẹ. Điểm học khá tốt. Zone mới bắt đầu xử dụng Internet chừng một năm trở lại. Trước đó, cô ít khi đụng tới computer. Những ngày trước khi cô bỏ đi, cô trông vẫn bình thường, không có dấu hiệu rối loạn tâm lý nào. Sáng sớm ngày cô bỏ điù, trước khi đi học, cô còn chạy lại hôn bố mẹ một cách vui vẻ.
*
Ngày 15/4
*
Ngày 16/4
Cuộc tìm kiếm cặp tình nhân diễn ra nhiều nơi. Cảnh sát tiểu bang yêu cầu hai bang láng giềng giúp đỡ bằng cách tuần tiễu thường xuyên trên đường ranh tiểu bang.
*
Ngày 16/4
*
Đến ngày 17/4, các báo địa phương ngưng loan tin về Maria Zone. Thay vào đó là các hot news khác: hai anh em vị thành niên đồng lõa giết chết cả cha lẫn mẹ; một đường giây buôn lậu ma túy bị khám phá; một đại úy hải quân bị bắt vì tội oa trữ vũ khí cho bọn buôn lậu vũ khí bất hợp pháp; hai ông bà già bị cháu nội tố cáo quấy nhiễu tình dục …
Mãi cho đến ngày 28 tháng 7, mới có thêm một mẩu tin về Maria Zone:
Cảnh sát vừa bắt giữ một chiếc xe thể thao màu đỏ,
trên đó có một người đàn ông và một cô gái vị thành niên. Xe chạy
trên một lối đi băng ngang khu rừng Grove vắng vẻ lúc chập tối. Người ta
tưởng rằng đã tìm thấy cặp tình nhân Clark-Zone. Nhưng hóa ra không
phải. Đó là hai anh em ruột, cư ngụ ở bang kế bên.
*
Từ đó về sau, tin tức về vụ Maria Zone biến mất hẳn trên các báo địa phương. Cặp tình nhân ở đâu, không ai biết. Cảnh sát có tiếp tục tìm kiếm hay không, không ai hay. Gia đình cô bé bây giờ ra sao, không ai rõ. Xã hội luôn luôn có những tin tức mới nóng sốt hàng ngày, chôn vùi đi – có khi chôn vùi vĩnh viễn – những tin tức đã trở thành cũ, trở thành nhàm chán.
Riêng Tụng, mùa hè năm đó, hình như anh cũng quên hẳn cô bé Cynthia của anh. Anh vẫn đi lại trên con dốc, cái dốc núi thân yêu, mà có phần chắc sẽ là một chặng êm đềm hiếm có trong cuộc đời anh.
Cứ thế, sau mùa hè sẽ là mùa thu.
Và Tụng đợi mùa thu đến!
Trần Doãn Nho
(nhuận sắc 6/2018)
__________________________
(*) Tựa đề nguyên thủy: Phố núi