Friday, November 5, 2021

2189. CHIẾN TRANH Truyện ngắn của nhà văn Ý LUIGI PIRANDELLO (1897-1936) NOBEL PRIZE 1934 - Dịch và giới thiệu: NGU YÊN



Lugi Pirandello

(1897-1936)

Nhà văn Ý, viết tiểu thuyết, kịch, thơ, truyện ngắn, tiểu luận.

Những vở kịch đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn chương của ông.

Lãnh giải Nobel văn chương 1934. “… sức mạnh gần như ma thuật của ông để biến phân tích tâm lý trở thành sân khấu tuyệt phẩm…”

Ông thuộc vào thành phần quốc gia cực đoan, ủng hộ chủ nghĩa Phát xít, đã hiến tặng huân chương vàng Nobel trong phong trào Oro alla Patria, 1935.

Sinh trưởng trong gia đình thượng lưu ở Chaos, Ý. Tốt nghiệp đại học University of Palermo về Luật Pháp. Tiếp tục học vấn ở University of Rome. Chuyển sang Bonn, tốt nghiệp tiến sĩ Romance Philology.


Nhà văn Luigi Pirandello (1897-1936)


Chiến Tranh 

Những hành khách rời thành phố Rome bằng chuyến tàu lửa tốc hành ban đêm phải dừng lại nhà ga nhỏ Fabriano, chờ rạng sáng, mới tiếp tục hành trình trên chiếc tàu “nội địa” kiểu xưa, để tham gia vào phòng tuyến chính vùng Sulmona.

Lúc bình minh, trong một chiếc xe ngựa hạng nhì ngột ngạt và đầy khói, năm người đã ngủ qua đêm, một phụ nữ đẫy đà mặt rầu rĩ, được đưa lên tàu như cái bọc không hình dạng. Phía sau bà, người chồng nhỏ bé, gầy gò, thở phì phò, rên rỉ, mặt trắng bệch, mắt nhỏ nhưng sáng, trông có vẻ e dè, bất an. Ngồi vào chỗ cuối cùng, ông lịch sự cảm ơn những hành khách đã giúp đỡ vợ ông và đã nhường chỗ cho bà, rồi quay sang bà vợ đang cố kéo cổ áo khoác xuống, ông nhã nhặn hỏi:

- “Em có sao không?”

Thay vì trả lời, người phụ nữ kéo cổ áo lên tận mắt, che đi khuôn mặt. Người chồng lầm bầm với nụ cười buồn:

- “Thế giới thật tồi bại.”

Ông cảm tưởng phải có trách nhiệm giải thích cùng các người đồng hành về bà vợ đáng thương bởi chiến tranh đã cướp đi đứa con trai duy nhất ở tuổi hai mươi. Anh ta là lẽ sống suốt đời của hai ông bà. Thậm chí, họ đã rời bỏ ngôi nhà ở Sulmona để theo con lên Rome nơi anh ta theo học đại học, sau đó, cho phép anh tình nguyện tham gia chiến tranh với sự bảo đảm, ít nhất trong sáu tháng đầu tiên, không bị đưa ra mặt trận. Bây giờ, đột nhiên, nhận được điện báo, anh ấy sẽ phải đi trong thời gian ba ngày. Yêu cầu họ đến tiễn con lên đường.

Người vợ mặc chiếc áo khoác lớn đang vặn vẹo, uốn éo, có lúc gầm gừ như con thú hoang, cảm tưởng chắc chắn, tất cả những lời giải thích sẽ không gây ra một chút thương cảm nào từ những người khách đồng hành tử tế, rất có thể cùng chung cảnh ngộ như bà. Một người trong bọn họ đã chú ý lắng nghe, lên tiếng:

- “Ông bà nên cảm ơn Chúa vì đến bây giờ đứa con mới đi ra tuyến đầu. Con của tôi đã phải đến đó từ ngày đầu tiên của cuộc chiến. Nó đã bị thương hai lần và đã phải ra lại trận tuyến.”

- “Còn tôi thì sao? Hai con trai và ba cháu trai đang ở ngoài mặt trận,” một hành khách khác xen vào.

Người chồng bạo dạn: -“Nhưng trong trường hợp chúng tôi, nó là đứa con duy nhất.”

- “Có khác biệt gì chăng? Ông có thể chiều chuộng đứa con duy nhất bằng cách quan tâm quá đáng, nhưng không thể thương yêu nó hơn tất cả những đứa con khác, nếu ông có nhiều con. Tình cha con không giống như bánh mì, có thể bẻ ra nhiều mảnh rồi chia đều cho con cái. Người cha dành hết tình thương cho mỗi đứa con, không đối xử phân biệt, dù là một hay mười. Vì vậy, bây giờ tôi buồn khổ vì hai thằng con, không có nghĩa tôi buồn khổ một nửa cho mỗi đứa, mà là gấp đôi.”

- “Đúng, đúng như vậy.” người chồng xấu hổ trả lời, “nhưng giả sử (dĩ nhiên, chúng ta đều hy vọng trường hợp này không bao giờ xảy ra,) một người cha có hai đứa con, nếu lỡ mất đi một đứa, vẫn còn đứa kia để an ủi … trong khi …”

- “Vâng,” Người kia trả lời, giọng bắt đầu cộc cằn, “đứa con còn lại để an ủi cha, nhưng cùng một lúc, người cha phải cố gắng sống sót vì đứa con này. Trong khi, trường hợp một đứa con, nếu nó chết, người cha có thể chết theo, thế là chấm dứt tình trạng khốn khổ. Hoàn cảnh nào kém hơn? Ông có thấy trường hợp tôi tệ hại hơn trường hợp của ông?”

- “Vô lý,” Một người khác ngắt lời. Ông này mập mạp, mặt hồng, hai mắt đỏ ngầu trên nền da mặt xám xanh, đang thở hổn hển. Từ đôi mắt lồi có vẻ như muốn phọt ra sức sống không thể kiểm soát, mà cơ thể suy yếu của ông khó có thể kiềm chế. “Vô lý,” ông lập lại, để tay lên miệng, cố gắng che hai răng cửa đã rụng. “Vô lý, Có phải chúng ta sinh con ra vì lợi ích riêng của chúng tay hay sao?” 

Các hành khách khác nhìn ông ta đang đau khổ. Người có thằng con đã ra mặt trận từ ngày chiến tranh khởi đầu, thở dài: - “Ông nói đúng. Con cái không thuộc vào chúng ta. Chúng thuộc về đất nước …”

- “Tầm bậy,” Ông khách mập đáp trả. “Có phải chúng ta nghĩ đến đất nước khi chúng ta sinh ra con cái? Con chúng ta sinh ra vì  … ừ, vì chúng phải sinh ra. Khi bước vào đời, chúng sẽ mang theo cuộc sống của chính chúng ta. Đó là sự thật. Chúng ta thuộc về con cái, nhưng chúng không bao giờ thuộc về chúng ta. Khi con trai đến hai mươi tuổi, sẽ giống như chúng ta lúc cùng lứa tuổi với họ. Tuy có cha mẹ, nhưng chúng ta còn rất nhiều thứ khác … con gái, thuốc lá, ảo tưởng, những liên hệ khác nữa … và chắc chắn là quê hương. Dĩ nhiên, ở tuổi hai mươi, chúng ta sẽ đáp lời khi nghe tiếng gọi non sông, mặc dù, cha mẹ ngăn cản. Bây giờ, ở lứa tuổi này, tình yêu tổ quốc tuy vẫn rất lớn, nhưng mạnh mẽ hơn là tình yêu dành cho con cháu. Có ai trong chúng ta ở đây không sẵn sàng thay thế vị trí con trai mình nếu có thể không?” Cả một vòng tròn im lặng, mọi người gật gù tán thành.  

Ông ta tiếp tục: -“Rồi tại sao chúng ta không chịu xem xét cảm xúc con chúng ta khi chúng vào lứa tuổi hai mươi? Chẳng phải chuyện tự nhiên vào tuổi đó họ nên xem tình quê hương lớn hơn tình thương dành cho cha mẹ? Dĩ nhiên, tôi đang nói đến những chàng trai tử tế. Chẳng phải là điều tự nhiên, vỉ sau cùng, họ nhìn chúng ta như những cậu bé già, không thể hoạt động mạnh nữa, phải ở nhà? Nếu đất nước phải tồn tại, nếu quốc gia là một nhu cầu tự nhiên, cần thiết như bánh mì, mà mỗi chúng ta phải ăn để khỏi chết đói, thì ai đó phải ra tay bảo vệ nó. Những đứa con trai khoảng tuổi hai mươi ra đi, chúng không muốn rơi nước mắt, vì nếu chúng chết, chúng sẽ chết trong hạnh phúc. Dĩ nhiên tôi đang nói đến những chàng trai tử tế. Như vậy, nếu một người chết trẻ, được hạnh phúc, không gặp những mặt xấu xa của đời, sự chán nản của sống, sự nhỏ nhen, cay đắng khi vỡ mộng … chúng ta còn đòi hỏi gì hơn cho các chàng trai ấy? Mọi người nên ngừng than khóc, mọi người nên cười, như tôi … hay ít ra nên cảm ơn Chúa, như tôi, vì con trai tôi, trước khi chết, gửi tôi một tin nhắn, nói rằng, con rất hài lòng dù sắp chết, vì sẽ kết thúc cuộc sống của con theo một cách tốt đẹp nhất mà con có thể ước nguyện. Đó là vì sao, như các người đã thấy, tôi không mặc áo tang …”

Ông ta lắc chiếc áo khoác màu nâu nhạt để mọi người thấy rõ. Đôi môi xám xịt lộ lỗ hổng răng rụng đang run rẩy, đôi mắt ngấn nước, không cử động. Sau đó, ông chấm dứt bằng một tiếng cười chói tai mà có lẽ đang là tiếng khóc đau đớn. Mọi người tỏ vẻ đồng ý: -“Rất đúng, nói rất đúng…”

Người phụ nữ ngồi thu mình trong một góc dưới áo khoác, lắng nghe, trong ba tháng qua, đã cố gắng tìm ra trong lời nói của chồng và bạn bè, những gì để an ủi mình trong lúc hết sức buồn bã. Điều gì có thể cho bà thấy được, một người mẹ nên cam chịu thế nào khi tiễn con trai đi, dù không đến nổi chết, nhưng có thể gặp nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bà chưa tìm thấy một lời nói nào trong số rất nhiều những gì đã bày tỏ … Nỗi đau buồn càng sâu đậm hơn khi thấy không ai có thể chia sẻ tình cảm với mình.

Nhưng bây giờ, những lời nói của vị hành khách này làm bà kinh ngạc, gần như choáng váng. Chợt nhận ra, không phải những người khác sai lầm, không thể hiểu được bà, mà chính bản thân bà không thể vươn lên cùng tầm cao của những cha mẹ sẵn sàng cam chịu, không than khóc, không chỉ tiễn con đi, mà ngay cả khi biết con chết.

Bà ngẩng đầu, chồm mình ra từ góc ngồi, để hết sức chú ý lắng nghe những chi tiết mà người đàn ông mập đang nói với bạn đồng hành về lúc đứa con trai của ông đã ngã xuống như một anh hùng, cho Vua và đất nước, vui sướng không có gì hối tiếc. Có vẻ như bà đang lạc vào một thế giới chưa bao giờ dám mơ đến. Một thế giới cho đến giờ vẫn chưa biết. Bà rất vui khi nghe mọi người ca ngợi người cha dũng cảm, đã can đảm kể lại cái chết của con mình.

Rồi tiếp theo, bỗng dưng, bà không còn nghe được những gì đã  nói và hầu như tỉnh dậy từ một giấc mơ. bà quay sang hỏi ông mập: -“Vậy ra … con trai ông chết thật sao?”

Mọi người chăm bẳm nhìn bà. Ông ấy cũng quay lại, định thần đôi mắt lớn trợn trừng, dễ sợ, long lanh nước, nhìn thẳng vào mặt bà. Trong một khoảng thời gian ngắn, ông cố gắng trả lời, nhưng nghẹn giọng. Ông nhìn rồi nhìn bà, gần như chỉ khi đó, trước câu hỏi ngớ ngẩn vô duyên, khiến ông chợt nhận ra, con trai của mình đã thực sự chết, ra đi mãi mãi … mãi mãi .. Gương mật ông co rúm, méo mó, đáng sợ, rồi ông vội vàng giựt cái khăn trong túi, trong khi mọi người kinh ngạc, ông vỡ ra tiếng khóc bi thảm, đau đớn, không thể cầm lòng.