Friday, February 25, 2022

2326. Song Thao ĐỌC “BỐN BIỂN LÀ NHÀ” CỦA NGUYỄN LÊ HỒNG HƯNG

Song Thao

ĐỌC “BỐN BIỂN LÀ NHÀ”

CỦA NGUYỄN LÊ HỒNG HƯNG



“Tứ hải gia huynh đệ” là câu nói hào sảng pha chút giang hồ mà chúng ta thường dùng. “Bốn Biển Là Nhà” cũng y như vậy. Người có thể hãnh diện nói câu đó không ai hơn nhà văn Nguyễn Lê Hồng Hưng. Tôi chú ý tới cái tên tương đối còn mới mẻ này trên tờ Thế Kỷ 21 thuở còn ra báo giấy. Chủ bút cuối cùng của Thế Kỷ 21 trước khi đình bản là nhà văn Phạm Phú Minh. Có lẽ ông là người đã khám phá ra Nguyễn Lê Hồng Hưng từ những ngày xa xôi đó. Sau này, khi hết duyên với báo giấy, ông tiếp tục báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, truyện của Nguyễn Lê Hồng Hưng vẫn xuất hiện đều đều.


Nguyễn Lê Hồng Hưng là người miệt mài đi biển. Tôi đồ chừng anh đã đi tới hơn bốn biển trong suốt bốn chục năm rong ruổi trên các tàu chở hàng viễn dương của Hòa Lan. Thực ra anh đã xuôi theo các biển Tây Âu – Bắc Á, từ Đại Tây Dương qua Bắc Hải và biển Baltic, sang tới tận phía Nam của Bắc Băng Dương. Thế giới của anh xa lạ với thế giới của chúng ta. Chúng ta đã có nhiều nhà văn, nhà thơ nói tới những sinh hoạt trên những chiến hạm. Họ mặc đồng phục, tuân hành một thứ kỷ luật khắt khe và là những người lính có cùng chung một tổ quốc. Những cái chung đó khiến chúng ta có thể mường tượng đời sống trên chiến hạm như sinh hoạt trong một trại lính.


Đời sống trên một tàu chở hàng viễn dương rất khác. Hỗn tạp và phức tạp hơn nhiều. Theo như tôi được biết, chúng ta chưa có nhà văn nào sống và viết về sinh hoạt chộn rộn trên những con tàu êm ả lướt sóng này. Không có những bộ đồng phục ka-ki, không có những quy định nhà binh khe khắt, không có chung một quốc tịch, họ tạo thành một cuộc sống riêng chỉ những người trong cuộc mới rõ. Nguyễn Lê Hồng Hưng là một người trong cuộc. Trên một tàu chở hàng viễn dương, nhân viên được chia thành hai loại: thủy thủ và cấp điều hành gọi là officer. Nhà văn Nguyễn Lê Hồng Hưng là chef cook, thuộc loại ăn trên ngồi trốc. Nhưng khác với cấp thuyền trưởng, thuyền phó, bếp trưởng Hưng tiếp xúc hàng ngày với mọi người trên tàu. Ai cũng có cái dạ dầy và cần phải được làm đầy hàng ngày. Chef cook Hưng nắm dạ dầy của mọi người trên tàu, không phân biệt…giai cấp. Và, may mắn thay, đứa con của biển Cà Mau là người không phân biệt giai cấp. Anh chơi với tất cả mọi người. Cuộc sống và con người trên những hải đảo trôi được anh vẽ lại một cách trung thực trong các truyện của anh bằng một giọng văn giản dị nhưng khá dí dỏm, sâu sắc.


Trong một cuộc điện thoại viễn liên, anh cho tôi biết: trung thực là tiêu chí viết của anh. Đọc 17 truyện ngắn trong cuốn “Bốn Biển Là Nhà”, tôi thấy rõ giọng văn thiệt thà, hầu như không một chút hư cấu. Trong bốn chục năm hải hành, những tiếp xúc, va chạm với nhiều quốc tịch khác nhau trên tầu là những kinh nghiệm lý thú mà chúng ta ít khi biết tới.


Thủy thủ phần lớn là người Indonesia. Họ là hạng thấp cổ bé miệng nhất trên tầu. Nhưng họ là những bầu bí hay kèn cựa nhau. Ma cũ bắt nạt ma mới. Với tấm lòng nhân ái của một người sống với biển, từ những ngày thơ ấu quanh biển ở miệt cùng đất nước tới những năm lênh đênh trên sóng nước đại dương, tôi nghĩ anh đã học được bài học bao dung của biển cả. Anh  nhìn thấy ngay mối tình đồng hương lỏng lẻo của những thủy thủ này. “Trước kia tôi còn thấy tội nghiệp những người mới xuống bị mấy người làm lâu năm ăn hiếp, nên tôi thường tìm cách giúp đỡ và bênh vực, nhưng lâu dần tôi khám phá ra thủy thủ người In-Đô phần đông mới xuống làm thì hiền như cục bột, nhưng khi quen nước quen cái rồi thì lên mặt hống hách, hà hiếp đồng hương và hay thường xuyên nói dối. Những chuyện tương tợ cứ lập đi lập lại hoài riết rồi nhàm, làm cho tôi xem thường”. (Sáng Nắng Chiều Mưa).


Sống trong con tầu ngổn ngang nhiều quốc tịch, mỗi người như đại diện cho đất nước của mình. Màu sắc của cuốn passport đậm nhạt khác nhau. Nhưng màu da dễ nhìn thấy hơn. Tuy thuộc hàng chức sắc trên tàu, màu da vàng của tác giả đập vào mắt người khác trước hết dù anh mang passport Hòa Lan. Anh thân cận với đám thủy thủ hơn dân da trắng.  


Da trắng có người Ukraine. Phần đông họ sống rất kỷ luật, ăn uống xong dọn dẹp đàng hoàng. Công dân của anh hàng xóm to xác là người Nga, trái lại, ít được các sắc dân khác ưa. Bốn biển là nhà nhưng là một cái nhà nhiều dòng con. Có đứa này đứa nọ.  Chuyện kênh nhau là chuyện dĩ nhiên. Dưới con mắt của một nhà văn, những khác biệt này như những nguyên liệu ròng được anh đưa vào truyện một cách thông minh.


Bếp trong một gia đình đã nhức đầu nhức óc vì khẩu vị của mỗi người, bếp trên tầu đúng là làm dâu trăm họ. Dân tứ xứ, trăm người trăm cái miệng nhóp nhép khác nhau, biết theo ai bỏ ai. Vậy nên cứ ngoan ngoãn bếp cho chi ăn nấy. Thủy thủ thì chẳng dám đòi hỏi chi, chỉ những chức sắc như truyền trưởng, thuyền phó, sếp thợ máy mới nhì nhằng nhiều chuyện. Nhiều chuyện với bếp chỉ tổ thiệt cái thân. Một anh sếp thợ máy người Hòa Lan cậy thế đòi hỏi, chê lên chê xuống thức ăn của nhà bếp. Hoặc quá quắt hơn, dở giọng du côn mắng chửi bếp.“Gặp những đầu bếp có lương tâm chỉ phàn nàn đôi chút rồi thôi, chớ còn gặp những đầu bếp tâm tánh không bình thường mà chọc giận thì bếp sẽ trút cơn giận bằng cách trộn đồ dơ vô thức ăn rồi dọn cho ăn. Có một đầu bếp mà trong công ty ai cũng khen ông có bàn tay vàng vì ông pha chế thức ăn rất ngon. Trước mặt đám officer lúc nào ông cũng vui vẻ, thưa thưa dạ dạ. Nhưng người nào xúc phạm tới ông thì trước sau gì cũng bị ông cho ăn đồ bậy bạ. Tánh tình ông rất trào phúng, mỗi khi lên hội quán ông hãnh diện kể lại cho đồng hương của ông chuyện ông cho những thằng officer nào hống hách ăn những món cực kỳ dơ dáy do ông tự nghĩ ra. Hôm cuối năm, trong lúc ông bận rộn lo cho bữa tiệc, tên thợ máy vô bếp đòi này đòi nọ và nặng lời với ông làm ông tức giận, ông bèn lấy tinh trùng của ông trộn vào sốt whiskey dọn ra trong bữa tiệc Giáng Sinh. Những đầu bếp khác khi bực mình chỉ nghĩ ra những cách thông thường hạ cấp như khạc nhổ vào thức ăn dọn ra cho ăn hoặc múc nước trong bồn cầu pha cà phê, pha trà đem ra cho uống. Còn ông thì cao cấp hơn, pha chế chỉ có món sốt whiskey mà tốn hao bao nhiêu năng lượng. Nhìn mái tóc bạc phơ, thân thể ốm nhom ốm nhách, tôi đâm nghi ngờ cho cái tâm thần và ái ngại cho cái sức khỏe của ông, bảy tám tháng trời xa nhà, xa vợ, hễ mỗi lần tức giận là mỗi lần ông trút hết năng lượng vô món ăn để phục vụ cho người khác, cứ như vậy tiếp tục cho tới ngày về thì còn sức lực đâu nữa để phục vụ cho bà nhà”. (Bốn Biển Là Nhà).


Bữa tiệc ngày lễ cuối năm là ngày trổ tài của bếp. Bếp Nguyễn Lê Hồng Hưng luôn có lòng với đất nước nên, Giáng Sinh năm đó, bếp đãi món Việt Nam để giới thiệu với năm châu bốn biển đặc sản quê nhà. Dĩ nhiên theo truyền thống thì phải có chú gà tây. Nhưng bên cạnh chú gà tây là chả giò, gỏi cuốn, tôm chiên bột sốt chua ngọt và một nồi phở hai chục lít. Xong bữa tiệc, mọi thứ sạch bách trừ con gà tây truyền thống. Chú gà bị thất sủng hoàn toàn. Đã không được chiếu cố vào đêm Giáng sinh mà cũng chẳng ma nào rớ tới trong mấy ngày sau đó. Cuối cùng anh bếp Việt Nam phải mang ra cho mấy người bốc vác dưới bến cảng.


Trong thâm tâm tôi nghĩ trên tầu chỉ toàn đàn ông. Có bóng hồng hiện diện chắc loạn. Nhưng tôi bé cái lầm. Trên tầu chở hàng viễn dương có các nường làm việc. Khi có hai giống đối lập nhưng lại cần thân thiết với nhau sẽ có nhiều rắc rối. Cái nhạy bén của một nhà văn đã khiến những dòng chữ mô tả sự đối lập dịu hiền này sinh động hẳn lên. Nhất là số lượng của hai bên quá chông chênh. Phe đực át phe cái. “Trên tàu có hai cô gái, cô phụ máy tay chưn gân guốc, thân hình đồ sộ như trâu nước. Tánh tình của cô rất vui vẻ, nhưng hay bày trò trêu chọc cánh đàn ông. Cô phụ thuyền phó gầy gộc như cây khô, hỏng biết ngực có độn gì không mà lúc nào cũng vun tròn như hai trái bưởi; má hóp, mỏ nhọn và hàm răng trên hay đưa ra ngoài, được cái là cô sống rất kỷ luật, không ăn tạp như cô phụ máy, cô giải khát bằng bia và thỉnh thoảng thay bữa ăn bằng rượu, mặt mày lúc nào cũng lầm lì, hiếm hoi lắm mới thấy cô ta cười một nụ héo queo còn thua hoa tulip cuối mùa xuân”. (Duyên Dáng Biển Khơi).


Hai bông hoa tulip cuối mùa, tuy là công trình kém chất lượng của con tạo, cũng đủ khuấy rộn đời sống của những nam nhân trên tàu. Anh thủy thủ Tây Ban Nha thường ngày dơ dáy, râu ria lồm xồm, mỗi bữa ăn tới năm bảy tép tỏi sống, chẳng bao giờ biết đọc báo, nay bỗng sạch sẽ, râu tóc mượt mà, sực nức mùi dầu thơm và thuốc cà nách, biết cầm tờ báo mỗi khi có một trong hai nàng lướt qua cửa và bỏ hẳn thói quen ăn tỏi sống. Anh thủy thủ Tây Ban Nha này không phải là người duy nhất bị bóng hồng bắt hồn vía. Ông thuyền phó hay láng cháng tới gần phòng giặt khi Maria ôm giỏ đồ dơ vào giặt. Ông có tính ăn cắp đồ lót của hai cô gái. Maria biết tỏng, chìa giỏ đồ chưa giặt ra chọc quê: “Mầy cần cái nào thì cứ lấy, tao cho!”. Ông thợ máy già, như tiếc của trời, khi thấy con nhỏ nói chuyện với ai thì ghen tức, sai nó làm việc này việc kia. Ngay con người nghiêm chỉnh như tác giả cũng tự thú trước bình minh: “Mấy ngày đầu xuống tầu, sáng nào cũng vậy, điểm tâm xong, trước khi làm việc nó vô phòng bếp chào tôi và nói ba điều bốn chuyện rồi mới chịu đi. Một hôm tôi thấy bên mép miệng nó có dính một bệt kem đánh răng, tôi lấy giấy chùi cho nó. Từ đó về sau, mỗi buổi sáng bên mép miệng của nó hổng dính kem cũng dính mứt. Tôi lưu ý nó thì nó chu mỏ ra nhờ tôi chùi giùm. Tôi ngờ con nhỏ có tình ý gì nên trong lòng tôi rạo rực, nhứt là lúc hừng đông tôi thường hay tơ tưởng tới nó. Cho tới một sáng kia, tôi chùi miệng cho nó xong, nó kề sát mặt vô tai tôi và kêu tôi ngó ra phía sau. Tôi ngoái lại thấy bên ngoài cửa kiếng ba bốn cái đầu của thủy thủ lấp ló dòm vô, trong đó có cái đầu sói rọi của gã Tây Ban Nha nữa. Chúng tôi phá lên cười. Cười người xong tôi mới giựt mình, cũng may mà khám phá kịp thời, từ đó tôi bỏ tánh suy tư bậy bạ, nếu không thì tôi cũng bị con nhỏ gài bẫy làm trò cho nó cười như mấy tên lấp ló ngoài kia”. (Duyên Dáng Biển Khơi).


Thủy thủ lên bờ thì những vụ mặn mà còn muối hơn nữa. Trăm ông thì đủ trăm trự nhậu nhẹt gái gú tại các hội quán. Chuyện chuốc rượu hoặc ăn sương của các cô gái tại những bến cảng, nơi có các thủy thủ lâu ngày sống cu ki dưới tàu thèm hơi đàn bà, là chuyện thường ngày ở…bến. Với lối viết tỉnh táo đượm chút khôi hài, với văn phong trơn tuột của dân miền Nam, tác giả mô tả một hoạt cảnh trong hội quán của thủy thủ: “Có hai người đàn ông bao hai cô gái, bày tiệc bàn phía sau góc quán. Trong ánh sáng lờ mờ, mỗi anh ôm chặt một cô, tay thọt vô váy mò mẫm và cũng chính bàn tay đó khi cần rút ra bưng bia uống và bốc đậu phộng rang muối bỏ vô miệng nhai ngon lành, sau đó thọt tay dính đầy muối trở lại chỗ cũ. Hai cô gái cứ thản nhiên ngồi xuôi chưn, dạng háng uống champagne, miệng phì phà thuốc lá. Trò chơi cứ tiếp tục tới giao thừa thì phần giữa háng của hai cô gái chắc cũng vừa đủ mặn”. (Giao Thừa Xa Quê).


Một đêm giao thừa lạnh lẽo, tại Saint Petersburg bên Nga, hai người Việt tình cờ gặp nhau. Một từ trên tàu xuống, một là gái tại hội quán. Thường thì khi gặp khách Việt, các cô thường lảng tránh. Cô gái hậm hực: “Mấy người đi chơi bời mà làm như con nhà tử tế lắm, lên giọng thầy đời dạy dỗ, khuyên nhủ em đủ điều, họ bươi móc chuyện riêng tư, soi rọi từ lông tơ kẽ tóc, nói chuyện với họ em nghe như bị mắng vô mặt. Em bán ba mà họ làm như em bán cả bốn ngàn năm văn hiến của họ vậy”.


Nhưng đó là một đêm cuối năm, đèn đuốc sáng trưng, nhộn nhịp không khí lễ hội, hai người xa quê như hai linh hồn lạc lõng. Họ dựa vào nhau, san sẻ với nhau chút tình quê. “Anh nhìn người con gái, đôi mắt lơ là, vầng trán vài nét nhăn, đôi môi son mỏng, trông cô có vẻ mệt mỏi nhưng nét đẹp của một thời vẫn còn phảng phất trên gương mặt dạn dày gió sương. “Khuya rồi, uống hết rượu mình chia tay”. Cô gái giật mình bấu cánh tay anh. “Anh không về với em sao?”. “Tôi sống trên biển quanh năm, khi gần đàn bà những dồn nén trong người lâu ngày nó cứ chực trào ra”. Cô gái nghiêng đầu tựa vai anh. “Thì anh cứ trút hết sự dồn nén của anh qua em”. “Để làm gì?”. “Hy vọng có một đứa con cuộc sống em sẽ thay đổi”. (Giao Thừa Xa Quê). Nhưng người thủy thủ vẫn tiếp nối bước chân lang bạt, không dừng lại được, dù chỉ một đêm.


Ngoài cuốn “Bốn Biển Là Nhà” gồm 19 truyện ngắn tôi có trên tay, Nguyễn Lê Hồng Hưng đã cho in hai cuốn trước đây: cuốn “Dòng Sông Sữa Mẹ” vào năm 1994 và cuốn “Những Mảnh Đời Trôi” vào năm 2003. Hai cái tựa sách đủ nói lên tấm lòng vời vợi với quê hương của anh. Quê nhà Cà Mau của anh dựa vào biển. Cũng nước, cũng sóng, cũng mặn vị biển nhưng biển quê vẫn có chi khác với biển mà anh đã sống cùng trong bốn chục năm qua.


Một sáng sớm, trên con tàu vượt Đại Tây Dương, nhìn qua khung cửa kiếng, tác giả mường tượng như thấy biển quê. “Trời vừa sáng trắng thì mây đen lại kéo về chuẩn bị cho cơn mưa, thời tiết thay đổi thất thường làm tôi tưởng nhớ tới quê hương, lạ thật, lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác nhớ quê. Quê hương tôi hướng mặt ra biển, thường vào những buổi chiều đẹp, phía trời Tây nhuộm đỏ một màu, đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy ráng đỏ lúc bình minh và trời chuyển cơn mưa sáng gợi cho tôi nhớ lại đầu mùa gió nám và cũng là mùa tôm bạc rại. Nỗi nhớ nhung chỉ thoáng qua tâm trí nhưng nó đã khiến lòng tôi xôn xao và lưu luyến buổi sáng tuyệt vời”. (Vượt Đại Tây Dương).


Dù có “bốn biển là nhà” nhưng chỉ có một góc biển nho nhỏ nơi cực Nam đất Việt mới đích thực là nhà!


SONG THAO

2/2022