Tuesday, February 22, 2022

Sách mới: ĐÊM tập thơ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2021

Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press
PR 10/15/2021
SÁCH MỚI
Trân trọng giới thiệu:

ĐÊM

tập thơ
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2021
 
Tựa:
Tô Thẩm Huy
Tranh bìa:
Phạm Cung
Ký họa chân dung Nguyễn Thị Khánh Minh:
Đinh Cường – Trương Thìn – Lê Thánh Thư
Bảo Huân – Trương Đình Uyên - Phan Tấn Hải
Viết về Nguyễn Thị Khánh Minh:
Phan Tấn Hải – Nguyễn Xuân Thiệp – Trần Thị Nguyệt Mai
Lê Lạc Giao – Hoàng Xuân Sơn – Hồ Đình Nghiêm
Trịnh Y Thư – Lê Giang Trần – Tô Đăng Khoa
Nguyễn Lương Vỵ
 
@@@
 
Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE
Ấn phí: US$20.00
Xin bấm vào đường dẫn sau:

https://www.barnesandnoble.com/w/dem-nguyen-thi-khanh-minh/1140209036?ean=9781668553664

 

@@@

 

Lời của Thơ

–––––––––––––––––––––

Nguyễn thị Khánh Minh

và thi tập

ĐÊM

Bóng Sáng – Bóng Tối

 

Night, the shadow of light,

and life, the shadow of death.

A.C. Swinburne

 

-       Sao gọi là lời?

-       Thưa: logos

-       Là?

-       Là ẩn ngữ ân điển từ cõi trời Hy La uyên nguyên vọng về.

-       Vọng về điều gì?

-       Thưa: Có một lỗ thủng màu trắng trên nền trời đen tối.

Trăng buồn

Lỗ thủng trắng

Trời đêm

-       Thật vậy sao? Làm sao nghe ra tiếng vọng ấy?

-       Thưa ấy là từ thuở con người vẫn hiểu tiếng nói của chim muông, cây cỏbiết nghe tiếng đêm, biết tan vào bóng tối mà ẵm bóng sáng vào lòng.

Dằng dặc đêm. Trăng hoài không rơi

Vắng trong tôi. Tôi hoài không lời

Chịu không nổi. Một cành cây đập gió

Nghe thấy không? Trong đêm dằng dặc, một cành cây đang đập gió. Mà trăng hoài vẫn cứ không rơi. Làm sao chịu nổi! Cây ơi, ngừng lại, đừng đập gió nữa.

Tôi không nói

Chỉ có hàng cây gió thổi

Và bóng. Tối

Tôi không ngủ

Chỉ có đêm đang trôi

Có lẽ sẽ một lời

Để đừng tan vào bóng  

Thi sĩ là ai trong đêm đang trôi? Thưa là bức tường xôn xao ở lại cùng bóng sáng sau khi cửa sổ đã bay đi:


Bóng trôi ra ngoài cửa sổ

Như với theo

Cái gì đó vụt bay

Gió bay đi

Đêm bay đi

Giấc mơ bay đi

Chiếc cửa sổ bay đi

Nỗi chờ đợi cũng bay đi

Và:

Rưng trên tay

Bóng sáng

Người để lại

Thi tập “Đêm” gom lại những bài thơ tác giả viết đây đó những 20 năm thao thức, sắp xếp theo những chủ đề xoay quanh hai dòng ý tưởng: Bóng Sáng và Bóng Tối.

Sao gọi là bóng sáng? Đã bóng sao lại sáng?

Thưa nếu không thế thì làm sao có thể làm đầy những lỗ hổng của giấc mơ:

Bầu trời sâu

Kéo đêm lên là những chấm sao

Bóng tối sâu

Đang vực tôi lên là đường tròn

Một đường tròn

Chở bóng sáng trong

Một đường tròn

Đang dịu dàng tròn mãi

Dựa vào nó

Tôi đi trên con đường khúc khuỷu của mộng

Dựa vào nó

Tôi làm đầy những lỗ hổng của giấc mơ trong cuộc sống.

Sao là những lỗ hổng của giấc mơ? Từ nay liệu chúng ta có thể yên tâm để mơ về những giấc mộng không còn lỗ hổng chăng?

Thế bóng tối là sao? Đã bóng thì hẳn phải tối chứ?

Thưa chuyện ấy cũng còn tùy. Phải bật lên đã, thì đêm mới tối:

Bật đêm lên

Một điểm bất ngờ

Vành trăng úp mặt hổ ngươi

Rồi phải với lấy vầng trăng đang trôi nổi trong đêm:

Sợ xa thêm ánh sáng vì sao

Sợ chìm xuống trong khuya sâu

Tôi với lên một vừng trăng đang nổi

Sau đó phải đi vời áng mây trắng:

Tìm trong đêm, mây trắng

Hỏi xem nhà ta đâu

Đêm cúi nhìn im lặng

Cả ba buồn như nhau

Đã có ai trò chuyện với mây, lặng lẽ nhìn đêm, mà ngậm ngùi thương nhớ người thân?

Nếu cho ba điều ước

Tôi xin đừng nhìn ngược

Tôi xin đừng nghe xuôi

Và ước mơ lúc nào cũng chờ tôi phía trước

Ước chi ai ai lúc nào cũng nhớ ba điều ước ấy.

Khi tôi nắm vào trong tay

Ít nắng

Thì cùng lúc tôi nắm vào chút nhỏ nhoi của bóng tối

Khi tôi ôm vào lòng

Ít gió

Cũng là lúc tôi đầy trống không, im lặng

Khi tôi bắt đầu một giấc mơ

Cũng là lúc tôi đã chìm sâu

Giấc ngủ

Và để biết có giữ được gì không

Tôi bắt đầu hy vọng

Và từ niềm hy vọng ấy:

Tôi nhóm lên một ngọn lửa

Gió thổi tắt đi

Tôi nhóm lên một ngọn lửa nữa

Gió lại thổi tắt đi

Khi tôi không còn hy vọng

Thì gió

Lại làm những que tàn kia bắt lửa…

Và niềm hy vọng từ đấy sẽ mãi mãi phục sinh trên thân phận chúng ta:

Tôi hút vào bóng tối

Đôi mắt mù không hay

Ánh sáng trong tôi nói

Cái sáng từ tôi đây

Hãy dùng nó làm khiên

Hãy dùng nó làm đèn

Hãy dùng nó để tỏ

Với lòng ngươi đêm đen

-       Sao gọi là Minh?

-       Thưa Minh có thể là nhật giao thoa với nguyệt mà chan hòa ánh sáng:

Mặt trời

Trong phút giây thức dậy đẹp đẽ nhất

         Chàng mở mắt
         Và trái đất có bình minh

Trăng

Nơi cao lồng lộng

Nàng hỏi bằng ánh mắt thơ ngây nhất

Và đêm có đêm rằm

Từ đó, khi nghe gọi tên:

        Ánh sáng chọn
        Ngày
        Để tan ra

       Ánh sáng chọn
       Đêm
       Để lấp lánh

       Tôi chọn ánh sáng
       Để tự vệ với bóng tối
       Nơi mình

       Đó cũng là tên
       Khi người ấy gọi tôi
       Âu yếm

(Gọi Tên)

Mà Minh cũng có thể là tiếng hót đến từ chiếc lưỡi của cánh chim đang chao lượn trong gió mà nếu không có vầng trăng trầm mình dưới mặt giếng tĩnh lặng thì làm sao nó có thể hân hoan xao xuyến với về tấm lòng trong thanh tơ trắng của Tố Như Tử: Trạm trạm nhất phiến tâm, Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.

Không rộn lòng dâu bể

Tỉnh thủy vô ba đào

Nếu mà không hạt lệ

Thử tâm chung bất dao

Nếu mà không trăng sáng

Làm sao nối xưa sau…

Và nếu không có bóng trăng lặng trên mặt giếng thì làm sao đêm có thể mọc lên từ bức tranh?

Đêm mọc lên từ bức tranh

 đầy tĩnh lặng

Trên con đường ánh mắt đang đi

Đêm thiếu nữ. Òa vỡ

Từ đấy, logos trong “Đêm” trở thành bức tranh chan hòa mầu sắc của lời thơ Khánh Minh:

Nếu bảo tôi vẽ bóng tối. Tôi sẽ vẽ

Những đôi cánh của chiêm bao mọc ra từ trái tim trong suốt. Vầng trăng trên gối ngủ bài thơ. Ngọn đèn cô đơn bên trang bản thảo.

Tôi sẽ vẽ cả tôi đang vượt qua đêm dài. Tôi sẽ vẽ làm sao để người xem tranh thấy được. Bóng tối chỉ là ảo ảnh…

 

Phải chăng vì đời sống chỉ là bóng hình của cái chết?

Và hỡi những họa sĩ thân yêu trên trần gian này, tôi xin được làm cậu Hoàng Tử Bé của St Exupery, yêu cầu quý vị vui lòng vẽ hộ tôi – không phải con cừu đang gặm cỏ trên tinh cầu xa xôi – mà làm ơn vẽ hộ tôi bức tranh của bóng khuya – không phải là bóng khuya lúc đang ngồi tỉ tê cạnh bóng đêm, mà là lúc đang lững thững đi dạo dưới trăng – để tôi có dịp được ngắm bức tranh vẽ lúc “bóng về” của họa sĩ Khánh Minh.

Ai vẽ được bóng khuya đi

Cho tôi đọ với bóng về. Của tôi

Lời của thơ trong “Đêm“ là tiếng nói của con người nguyên sơ mà chúng ta đã lâu ít còn được nghe thấy ai nói, đến gần như đã quên mất. Xin mời nghe lại mấy lời:

Gió vườn nhà êm ả

Ai nói gì qua lá

Mà khuya đầy trăng thơm

Đêm ngó trời. Cao quá

Hỏi trăng gần, trăng xa

Đâu là chốn quê nhà…

 

Sáu câu thơ tuyền những lời giản dị mà vang vọng một trời âm nhạc, êm đềm mà man mác thớ vị chua xót, ngân nga trong đêm u hoài tiếng ai thầm thì qua lá. Và chao ôi, sao hai chữ “cao quá” trong lời thơ ấy nghe thất thanh, lặng ngắt một nỗi sợ hãi bâng quơ, đơn côi, nhỏ bé!

Thế giới của “Đêm” trong thơ Khánh Minh trừu tượng những hình ảnh tươi mát ban đầu, chan chứa những ý tưởng tinh khôi, ẩn hiện những tâm tình thanh cao, diệu vợi. Thế giới ấy trước khi bước vào thật nên làm theo lời khuyên của Tagore mà tắm gội, tẩm mình bằng hương trầm, để đón vọng:

Một mảnh trăng vắt cong ngoài cửa sổ

Yên bình đến nỗi

Để thưởng thức nó

Tôi có cảm giác như mình đang phạm lỗi…

 

Tôi cũng thế. Tôi cũng nhiều khi có cảm giác như mình đang phạm lỗi – những lúc đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.

Bốn câu thơ trên là những lời sau cuối của “Đêm”. Những câu thơ “sau dấm chấm hết”. Vậy nên tôi xin được có thêm lời ước thứ tư: Rằng chúng ta sẽ còn được thêm nữa nhiều đêm hạnh phúc nghe lời Khánh Minh trò chuyện.

Thật may mắn những ai thường được gặp gỡ, gần kề với cái thế giới tinh khôi ấy.

– Tô Thẩm Huy

Houston, Tiết Đại Thử, tháng 7, 2021


Lê Giang Trần

ÂM SẮC MỘNG CÒN LANG THANG

GIẤC MƠ TRONG CUỘC SỐNG

 

“Mộng còn lang thang giấc mơ trong cuộc sống” là câu thơ của thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh, bất ngờ tôi, như nốc ly rượu đỏ cất lâu năm ngây ngất dịu dàng. Tập thơ đề tựa ngắn gọn: “ĐÊM”, có hai tiêu đề chính “bóng sáng” và “bóng tối”, nên tôi gọi là “âm sắc”. Chữ “sắc” ngoài nghĩa giản dị màu sắc còn chuyên chở vài ý nghĩa khác, như sắc thái, sắc hình, sắc tướng, sắc danh…, đặc biệt trong ngôn ngữ Phật giáo, sắc còn tượng trưng cho vật chất. Khoa học vũ trụ cũng dùng tiêu biểu cho “vật nhìn thấy được” để phân biệt với “chất tối” / dark material, thứ vật chất mà trí người chưa biết tới, giống như không nhìn thấy được tia tử ngoại hay X-Ray, hồng ngoại tuyến v.v… Như vậy, ánh sáng thuộc về vật chất. Phật nói, vật chất thì sinh-hoại, không tồn tại vĩnh hằng. Ngày nay, hạt lượng tử Quantum cho con người biết thêm, vật chất như chính nó, có lưỡng tính, một tính (hiện ra) hạt và tính kia (biến thành) sóng. Sóng vô hình vì mắt người không nhìn thấy. Kinh Phật có tả những thế giới “vô sắc” hay “vô hình” trong vũ trụ, nhẫn đến xứ phi-tưởng, phi-phi-tưởng (ẩn dụ?).

Sơ lược để trở lại với bóng sáng và bóng tối của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, ngầm mang một ý nghĩa khá quen thuộc, là “ảo ảnh” [Bóng tối chỉ là ảo ảnh – NTKM]. Từ ngữ mang ý nghĩa “không có thực” này đối với “tự ngã” con người rất bị đố kỵ. Phật khẳng định “bản ngã là thứ không có thật”, con người trở nên khủng hoảng trầm kha, bởi trí óc tự cho nó chính là chủ nhân ông cái thân đựng nó, nên lý trí hách dịch tuyên bố “tôi tư duy nên tôi hiện hữu” [Descartes]. Nếu nói một cách nghiêm túc, con người từ đó “biết buồn”.

**

Nguyễn Thị Khánh Minh ấn hành tập thơ Ký Ức Của Bóng năm 2013. Bóng đã là một đối tượng tư duy của thi-văn sĩ thơ mộng này. Bóng trở thành chữ mang dấu ấn nàng, Du Tử Lê bấy giờ, viết về văn chương óng ả của nàng, như sau:

“Tôi nghĩ, một ngày nào, gặp lại Nguyễn, tôi sẽ nói:

“Cảm ơn Khánh Minh. Cảm ơn những lượng phù sa mà, Khánh Minh đã bù đắp cho những sạt, lở chữ nghĩa nơi dòng sông tản văn của chúng ta, hôm nay.”

Từ đó, tôi thấy tôi đã cùng gió… bay lên. Bay lên.

“Bay lên. Gió ơi.”

(DU TỬ LÊ)

 

I.          BÓNG SÁNG

 

Bài đầu tiên mở ra cánh cửa bóng sáng:

 

Bóng trôi ra ngoài cửa sổ

Như với theo

Cái gì vt bay

Gió bay đi

Đêm bay đi

Giấc mơ bay đi

Chiếc cửa sổ bay đi

Nỗi chờ đợi cũng bay đi

 

Không còn gì

Không còn ai còn tôi

Rưng rưng

Bóng sáng

Người để lại

Tôi đi trên con đường khúc khuỷu của mộng

Dựa vào nó

Tôi làm đầy những lỗ hổng của giấc mơ trong cuộc sống”

 

Đoạn kết bài thơ, nói một cách thơ mộng:

 

Ánh sáng trong tôi nói

“Cái sáng từ tôi đây

Hãy dùng nó làm khiên

Hãy dùng nó làm đèn

Hãy dùng nó để tỏ

Với lòng ngươi đêm đen”

 

Và, ở bài “Mất Ngủ”, bóng sáng chợt nhú mình bóng tối:

 

“Sợ bị bỏ lại một mình trong giấc ngủ

Không còn gì chở che

Bóng tối sẽ thò tay vào

Thổi tắt cái lấp lánh của giấc mơ tôi vừa thắp lên”

 

Một nỗi khoắc khoải BÓNG TỐI tràn về, MỘNG ẢO bước vào, nơi cuối bài “ý nghĩ lúc chờ xe”:

 

“Trong khúc khuỷu bóng tối

Tôi phải đi bao nhiêu lần giấc mộng

Để ban mai?”

 

Bóng và Mộng còn được nhận diện sắc màu huyễn hoặc khi người cha từ nay chỉ hiện hữu trong giấc mộng người con, Hình chỉ còn là âm sắc của Bóng, qua bài thơ “nhớ cha”, (trích đoạn):

 

“Cha đi vào giấc mộng

Trời mở cõi thong dong

Nhẹ rồi phương này bóng

Tàn tro một hư không”

 

Nhập mộng rồi cũng rời mộng, dù chỉ là giấc mộng bí mật đang xảy ra trong không gian tỉnh thức, nơi một cảnh chùa, tàn tro của người cha được gửi gắm vào huyền diệu Phật pháp, người con yêu cha thầm thì từ giã và vỗ về lòng mình:

 

“Thôi con về. Khép cửa

Chùa yên. Một tĩnh

Tro tàn rồi bụi lạnh

Rồi quen dần. Nỗi nhớ...”

 

Thi thoảng chỉ cần “một nhịp dừng”, sát-na thời gian đứng lại ấy chợt lóe lên giấc mơ hay những tiềm ẩn “ước mơ”:

 

“Biết đâu một nhịp dừng thơ dại

Tôi lại về kịp giấc tôi mơ...”

 

Nhà thơ cho biết ở bài thơ khác, “giấc mơ cô gái nhỏ”, được trang bị đáng ngạc nhiên:

 

“Cô bật những ngọn đèn. Mang rất nhiều ánh sáng đi vào giấc ngủ. Mang âm thanh trầm trầm của cha đi vào giấc ngủ. Trong túi áo ngày ấy cha đã để vào ba hạt dẻ khô cho mơ ước theo về...

 

Câu thơ trên có một chi tiết làm tôi nhớ đến bộ phim cổ trang Nam Hàn gần đây, dựa vào huyền thoại một vì vua trẻ băng hà mà sau đó dân gian thấy chàng vua trẻ trung này là một anh hề lưu diễn. Chất liệu để phim dựng thành cốt truyện một anh hề bị bắt làm vua giả, thế mà được kính trọng như một minh quân. Rời bỏ vai tuồng làm vua, trên đường trở về đời sống thường dân, anh ta bị xạ tiễn ám sát và mất tích. Trong đau khổ tận cùng sau đôi năm chờ đợi mỏi mòn, người yêu chàng tin theo một tập tục cổ xưa trong dân gian là cắn bể một vỏ hạt dẻ rồi cầu xin thành tựu mơ ước lớn nhất trong đời mình thì sẽ được toại nguyện… và hai người đã sum vầy như một giấc mơ… Ba hạt dẻ khô kỷ vật là của anh hề tặng cô gái con quan với lời kể sự tích dùng để cầu xin đạt ước mơ, là chi tiết tình cờ trùng hợp thơ mộng thú vị. Điều này mang ý nghĩa khi con người có một ý lực mãnh liệt, người ấy có thể đạt được ý nguyện của mình.

Thơ đôi khi mang tính triết lý thơ mộng, có khi là trăn trở khoắc khoải, có lúc bâng khuâng nỗi phù du ngắn ngủi kiếp đời… Tựu trung, con người đều có tư duy về dòng luân hồi bất biến của SỰ SỐNG, quy trình bốn KHỔ; từ tiền đề Tứ-Đế mà vang câu Bát Nhã: “Sắc tức thị Không / Không tức thị Sắc”, con người nên nhận chân lẽ Vô Thường. Bởi vì cái “Đang Là” thật ra là cái “đang Diễn Biến”. “Niết bàn” là “thái độ” chứ không phải “trạng thái”. Kinh Pháp Cú nói rằng “chúng ta là những gì chúng ta suy nghĩ”, chính thái độ tư duy đó quyết định ta mãi “địa ngục” hay trở nên “thiên đàng”. Thái độ bừng sáng là thái độ thiên đường.

Ngôn ngữ chỉ tượng sắc tượng hình trong giới hạn, tuy nhiên ngôn ngữ thi ca chan chứa tính siêu thực, ngữ-độ diễn đạt dồi dào trừu tượng, tạo cảm tưởng thưởng thức được hương vị hay mùi vị. Người xưa đặt thơ lên đỉnh cao văn đàn không phải là tâng bốc hồ đồ.

 

II.        BÓNG TỐI

 

Bóng tối không thể tự NỞ ra bóng sáng. Ánh sáng thì xóa tan bóng tối. Nhưng ánh sáng không trường tồn, mặt trời sẽ đến lúc đốt cạn lửa, một tinh tú đủ tiêu chuẩn khi chết co rút thành hố đen. Lý thuyết HỐ ĐEN bùng nổ sinh ra vật chất và ánh sáng, ngày nay đã được chứng minh và công nhận. Tuy nhiên, vũ trụ mang một màu tăm tối chứ không chan hòa sáng, thứ ánh sáng định nghĩa theo con người trong “chiều không-thời gian” dành cho sinh vật sống ở trái đất.

Về mặt tâm linh, sự “bừng sáng tâm thức” là mục tiêu của người tu hành đạo pháp để siêu việt ra khỏi cái gọi là “vô minh”, bấy giờ “Tâm Linh” bừng sáng câu thông cùng vũ trụ, ví giống như hạt nước hòa nhập vào đại dương nên trở thành đại dương. Như vậy, bóng tối là loại đối tượng được nhìn ngắm một cách thi vị ẩn mật... Nguyễn Thị Khánh Minh phát biểu thơ mộng như sau:

 

“Nếu bảo tôi vẽ bóng tối...

... Tôi sẽ vẽ tôi đang vượt qua đêm dài.

Tôi sẽ vẽ làm sao để người xem tranh thấy được.

Bóng tối chỉ là ảo ảnh...”

[người viết bài ghi nghiêng câu]

 

Bài thơ đầu tiên của tiêu đề “bóng tối” như sau:

 

HAI BÓNG

1.

Ai vẽ được bóng khuya đi

Cho tôi đọ với bóng về. Của tôi

 

2.

Đừng bt thêm đèn na

Ngày đã sáng lắm rồi

(Xin lỗi) hay vì con mắt tôi

Đã quen ri bóng ti...

 

Nhà thơ KM quy cho “bóng tối chỉ là ảo ảnh”. Đây chính là mấu chốt tư duy chuyển tải ẩn mật trong trong hai tiêu đề về bóng của thi tập ĐÊM. Nàng thơ có lý do sáng tạo hai nhân vật bóng sáng và bóng tối chào đời từ các tố chất, như bài thơ “Lý Do” dưới đây:

 

Mặt trời

Trong phút giây thức dậy đẹp đẽ nhất

Chàng mở mắt

Và trái đất có bình minh

 

Trăng

Nơi cao lồng lộng

Nàng hỏi bằng ánh mắt thơ ngây nhất

Và đêm có đêm rằm

 

Bóng tối

Trong lấp lánh hỏa mù

Hắn giấu mặt

Và đêm tràn ác mộng

 

Trong phút giây hạnh phúc nhất

Nàng nhắm mắt

Và. Đêm. Trăng mật

 

Trăng-mật hay mật trăng hay mật-quang, “ánh sáng của đêm” là thứ ánh sáng mà giấc mơ chung tình chung thủy, không phải ánh sáng của ngày; giấc mơ “mù lòa” trong bóng sáng và “rực rỡ” trong bóng tối:

 

“Bóng tối khiến giấc mơ thăng hoa

Im lặng khiến giấc mơ tràn đầy

Hiến dâng khiến giấc mơ rực rỡ

Từ đó

Giấc mơ không còn biết một thứ ánh sáng nào ngoài đêm”

 

Còn Bóng-tối đêm thì dường như là chất xúc tác nẩy mầm vươn lên nguồn sâu kín:

 

“Đêm đang đi qua giấc mơ của hoa

bằng những bước tự mãn

nuốt hết tinh túy sắc mầu

phủ dụ khát vọng chồi non

Mãn khai cảm xúc

Khi đi ngang mặt hồ phẳng lặng ngập ánh trăng

Đêm mới vỡ ra

Ảo ảnh những thú vui điên rồ

Đã từng đồng lõa”

 

Âm bản của bóng là đêm, âm bản của hình nhân là cõi mộng, âm bản của đời là bóng: tam đoạn luận này làm cho “con bóng” [hay “con người?”] thảng thốt kêu lên: “bản lai diện mục con bóng là giấc mộng ư? Hay bản lai diện mục của giấc mộng là con bóng?” “Trang Tử Bướm hay Bướm Trang Tử?” Thơ bỗng hóa thân Triết:

 

ÂM BẢN

 

Đêm dày đêm

Con bóng đi đâu

Hun hút chiêm bao

Đòi hình nhân thế mạng

 

Cõi mộng du

Mù mịt đường về

Hình nhân thất lạc

 

Thảng thốt giấc mộng

Con bóng khóc

Một đời âm bản

 

**

Trong bài thơ “Giấc mơ Larung Gar”, qua lăng kính “bóng tối ăn mòn ánh sáng”, nảy sinh một tâm trạng “nhớ”, hốt hoảng vỡ ra:

 

“Đêm nay. Mảnh thời gian xô lệch

Bóng tối ăn mòn ánh sáng

Thềm gạch hốt hoảng dấu chân

Đau lòng tiếng vỡ

Từng lóng gỗ xương khô thiêm thiếp

Nhớ sớm hôm tắm lời kinh kệ

Nhớ áo vàng bay”

 

“Như tôi vừa nghe. Giấc mơ nào thời trẻ

Đêm nay khóc cùng vệt mầu dở dang nơi phòng tối

Có tiếng gào

Ưng ức bầy tranh

Khóc nhớ...”

[Nhớ Xanh Trong Tranh Người]

 

Nhớ, là tập quán của tâm hồn. Quên, là chiêu thức của lý trí. Nhớ là từ bi, Quên là trí dũng. Qua sông quên thuyền, lên đường đừng nhìn lại. Nhưng Tình yêu thì mơ trọn đời, Người yêu thì nhớ trọn kiếp. Buồn thì hằng nhớ, Vui thì chóng quên. Thế giới nhị nguyên đối đãi, âm dương cần nhau, bi-trí hỗ tương nhau, ngày-đêm gắn bó nhau; bóng sáng bóng tối chẳng qua do “thời gian xô lệch” mà thành hiện tượng. Hiện tượng là “thái độ” (hay “động thái” theo kiểu thời đại), hiện tượng không là trạng thái, mà động rồi tĩnh, hiện rồi biến. Thế giới nhị nguyên bị gọi là thế giới vô thường, từ đó tâm thức trở trăn. Ảo và Mộng trở thành sầu miên viễn của tự ngã.

Nguyễn Thị Khánh Minh qua văn chương cho thấy tàng chữ nghĩa tâm hồn nàng thuần ròng chất liệu trong sáng, thiện lành, óng ả tươi đẹp, xanh thắm hy vọng, lung linh sức sống; dù diễn tả một nỗi buồn trầm trọng vẫn không bao giờ dìm buồn xuống “vũng lầy của chúng ta” như nhạc Lê Uyên-Phương, mà thả buồn bay lãng đãng. Tâm tính chữ nghĩa nàng không bao giờ đọc lên cảm thấy chán đời, thất vọng, bi quan; giống như một nàng tiên có bao giờ thốt lên lời cay nghiệt với ai.     

 

“Hãy đến đây. Và hát cùng nhau

Chuông đêm rung. Và. Người về. Dẫn lối

Ô. Cuối trời vừa bật một vì sao”

[Và. Trở lại]

 

“Vào gác hoàng hôn xin một chén

Tím mây bay uống cạn mộng mơ chiều

Mai thức giấc thấy mình thơm một đóa

 

Vào đóa hoa xin lòng mật ngọt

Nói ra lời hiền hậu như hương

Bay theo chim biết sum vầy tiếng hót

Vào hơi thở xin thêm ánh sáng

Cõi mộng người bóng tối tủa như tên

Cứ niệm và đi. Cứ nghe và lắng”

[Nương náu]

 

**

Tập thơ ĐÊM không thơ mộng dịu dàng như “bóng bay, gió ơi” có lẽ chợt người thơ nhận ra Bóng đã Già. Cặp bóng sáng và bóng tối trở thành “bóng tươi” và “bóng héo”, trưng ra trong lăng kính vạn hoa phù trầm phù vân phù du phù dung, biến ảo trôi theo tư duy của người thơ, mà sao tôi thấy như những áng mây trôi buồn lang thang, như trong bài thơ Tượng Bóng:

 

“Bóng cũ theo người già năm tháng

Lòng ai bấc lụn xuống đêm thâu

Khuya bốc mộ chiêm bao còn ảm đạm

 

Tội con mắt mấy đời lệ hạt

Hai dòng đi kéo nụ đười ươi

Bóng ngửa mặt xót hình nhân dị dạng

 

Cơn nhớ bao lần đau lột xác

Vết già kham nữa vết thương xanh

Hình vỡ bóng một niềm đau đã khác”

 

Và hai câu thơ thật buồn:

 

“Thảy vào cùng tận đêm khuya

Những đa đoan những mộng mê một đời”

[Phía bên kia]

 

Đương nhiên có bài thơ chủ đề ĐÊM, rồi liền đó ĐÊM TÀN, cặp đôi Bóng Sáng/Bóng Tối, Sinh/Hoại, Nở/Tàn. Đêm nở ra:

 

“Phương đông im như ai vừa sập cửa

Ngày oằn vai cõng tối. Nắng theo đi

Để lại một trời đêm chết đứng”

 

Và đêm phai tàn:

 

“Đêm vừa tắt hết nhớ quên

Phù sinh chiếc lá bên thềm rớt vai

Nhớ nhau. Kia nắng một vài

Tìm nhau. Tiếng hót ở ngoài bình minh”

 

Nỗi buồn, đôi khi trớ trêu nghịch lý nghịch pháp nghịch ngợm:

 

“Tôi nhóm lên một ngọn lửa

Gió thổi tắt đi

 

Tôi nhóm lên một ngọn lửa nữa

Gió lại thổi tắt đi

 

Khi tôi không còn hy vọng

Thì gió

Lại làm những que tàn kia bắt lửa...”

[Bắt Đầu]

 

Thi sĩ khép lại tiêu đề Bóng bằng bài thơ “Sau dấu chấm hết”, như tự sự về mệnh hệ những chất xúc tác: Bóng, Giấc mơ, Ảo ảnh, Ánh sáng, Đêm, Hy vọng, những thứ tôi gọi là âm sắc, âm bản của Hồn-Người:

 

Dường như

Tôi viết bài thơ này trong bóng tối

Giấc mơ. Ảo ảnh sáng của người nhìn trong đêm

Hy vọng. Ảo ảnh nước của người đi trên đường nắng bỏng”

 

**

Nối những tư duy trăn trở nằm rời rạc, như ghép những mảnh hình vụn ăn khớp kết thành một bức tranh, bức tranh “mộng còn lang thang giấc mơ trong cuộc sống” âm sắc là gam màu của bóng sáng và bóng tối giao thoa chập chờn ảo ảnh. Cuối cùng của một hành trình vật chất hoàn mãn, nó trở thành phế tích, nó tan thành ảo ảnh, nó trở thành Không-tính, trở lại sóng Vô-âm, vô tướng vô bóng. Tàng ẩn trong Không chờ phát sinh Có. Đó là bản lai diện mục của Tự-thể. Đó là câu thần-chú rền sấm: “Sắc tức thị Không / Không tức thị Sắc”. Đó là mạn-đà-la Không chợt tức thì thành Sắc / Sắc lại tức thì thành Không. Đó là liên-khúc chủng-tử luân-hồi, là bốn mùa sinh-khí luân-vũ, sinh-lực âm-dương hợp giao…

Tâm thức là đối tác của nhị nguyên. Bóng đối tác với Hình. Thơ là ánh mắt ngắm nhìn vạn hữu diễn biến, trời đất đóng kịch, gió nắng pha màu, tuyết mưa pha âm; bằng ống kính vạn-hoa, con tim ngắm nhìn như thiền-quán. Thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh thảng thốt kêu lên, “Mộng còn lang thang giấc Mơ trong cuộc sống”. Thiền sư Mãn Giác thảng thốt kêu lên: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” [Cáo tật thị chúng, hai câu kết, Mãn Giác (1052-1096)]

 

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua. sân trước. một cành mai”

(Thích Thanh Từ, dịch)

 

Bukko Kokushi hay Mugaku Sogen (Vô Học Tổ Nguyên) (1226-1286) thì ngược lại, làm tôi thảng thốt khi đọc hai bài thơ thiền sư này:

 

LÂM ĐAO KỆ

Càn khôn vô địa trác cô cung

Hỷ đắc nhân không pháp diệc không

Trân trọng Đại Nguyên tam xích kiếm

Điện quang ảnh lý trảm xuân phong.

(Bukko Kokushi)

 

Vũ trụ không nơi đơm gậy chiếc

Vui thay nhân pháp thảy đều không

Nâng cao Đại Nguyên ba thước kiếm

Phóng tia điện chớp chém gió xuân.

(Đào Nguyên Minh dịch)

 

Xếp lại tập ĐÊM khi đêm tàn. Bắt chước, tôi thơ, đừng tưởng Bóng tàn, Hình tan mất / lìa Mơ, hình Mộng lượn trong tim. Bấy giờ trời đâm mây ngang. Tôi đâm mình vào mộng.

 

BẮN VỚI CÂY CUNG GÃY

Cung đã gãy; tên đã hết.

Trong phút giây khẩn yếu này

Buông hết mọi nghi ngờ.

Bắn không chút ngần ngại.

(Bukko Kokushi,

Đào Nguyên Minh dịch)

 

Lê Giang Trần

(Little Saigon, ngày 15.9.2021.

Đọc tập thơ ĐÊM, Nguyễn Thị Khánh Minh)