Tuesday, April 19, 2022

2401. LÊ KÝ THƯƠNG: MỘT CHÚT KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN VÕ HỒNG

LÊ KÝ THƯƠNG

MỘT CHÚT KỶ NIỆM VỚI

NHÀ VĂN VÕ HỒNG


Nhà văn Võ Hồng (1921-2013)

          Anh chị em hoạt động văn học nghệ thuật ở Nha Trang – Khánh Hòa gọi nhà văn Võ Hồng là Thầy với niềm tôn kính, vì Thầy vốn là nhà giáo cho đến tuổi về hưu. Về hoạt động văn học Thầy đã xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên “ Mùa gặt” 1939, kể từ thời điểm này cho đến cuối đời Thầy đã rút ruột nhả tơ cho đời 3 tiểu thuyết, 7 tập truyện, 2 tùy bút và 1 tập thơ thiếu nhi.

          Trong một bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến nhận xét: Nói chung, hành văn Võ Hồng đơn giản, tự nhiên, ít có những câu màu mè, trau chuốt, trừ… cái tựa đề, kiểu Hoài cố nhân, Hoa bươm bướm, Nhánh rong phiêu bạt, Thơm ngát hương cau… Nhiều độc giả bị Gió cuốn vào những tiêu đề. Rồi hụt hẫng (Hoài cố nhân là những chữ Hán khắc trên một con dấu ; Hoa bươm bướm là tên một loài cỏ dại, v.v…). Ông trả lời phỏng vấn năm 1972  «nếp sống quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến. Những nếp sống cũ xóa đi. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng đó vẫn còn chưa đủ » (báo Văn, Sài Gòn, số 209 ngày 01-9-1972).

          Năm 1984, tôi mới có duyên gặp Thầy. Lúc bấy giờ, Hội Văn Nghệ Nha Trang chính thức thành lập, được cấp trụ sở tại số 6 Lý Tự Trọng, một biệt thự hai tầng do Pháp để lại. Vợ chồng tôi được Hội cho phép mở căng-tin cà phê buổi sáng tại đây. Hầu như sáng nào (trừ chủ nhật) Thầy cũng ăn mặc chỉn chu, đạp xe đến Hội tâm sự với tôi và Thế Vũ, thường trực Hội, là «những người cũ». Thầy rất ngại tiếp xúc với «những người văn nghệ mới», ngay cả những người học trò của Thầy trong giai đoạn kháng Pháp 9 năm ở trường Lương Văn Chánh (Phú Yên), khi gặp nhau Thầy chào qua quít cho phải phép xã giao mà thôi. Tình cảm của Thầy đối với «người cũ» rất gắp bó và thân thiết. Khi nghe tin nhà thơ «mùa cổ điển» Quách Tấn đang nằm bịnh viện Tỉnh, Thầy rủ tôi tới thăm. Có một lần tôi thắc mắc khi đọc quyển Lịch sử Việt Nam (tập 1) do NXB Khoa học – Xã hội ấn hành, đoạn «kháng chiến chống Pháp» : Ở Phú Yên có ông Ba Su…, hỏi Thầy, Thầy trả lời : Theo qua biết ở Phú Yên quê qua, hổng có ông nào tên Ba Su chống Pháp hết trọi, mà chỉ có một người tên Bá Sự, Bá là chức danh bá hộ, Sự là tên của người con trai trưởng ghép lại vì kỵ kên tên tục người cha, hưởng ứng phong trào Cần vương, tập họp nông dân, đứng lên chống Pháp.

          Thỉnh thoảng tôi đạp xe tới nhà thăm Thầy. Nhà Thầy ở 53 Hồng Bàng, trước cổng có treo tấm bảng « Kéo chuông gọi Võ Hồng ». Thầy sống một mình trên « chuồng cu » sau nhà, trước nhà đặt bàn thờ gia tiên. Trước mặt « chuồng cu » là vuông sân nhỏ, nơi Thầy thường vui chơi với mấy cháu thiếu nhi hàng xóm cho đỡ quạnh hiu. Cũng nhờ thế mà năm 1993, Thầy xuất bản một tập thơ duy nhất với tựa đề: Hồn nhiên tuổi ngọc.

          Từ ngày vợ Thầy mất, Thầy một mình gà trống nuôi con trưởng thành và lặng lẽ chắt chiu, sàng lọc từng chữ, “trong vùng rêu im lặng” để trải lòng trên trang viết như bác tiều phu “trầm mặc cây rừng”.

          Tôi để ý thấy Thầy luôn luôn đội chiếc mũ cao-lô hoặc chiếc mũ trùm đầu trong nhà. Thói quen thứ hai của Thầy là ngồi trên ghế có tay vịn ghi chép hoặc sáng tác.

          Thư phòng của Thầy rất lộn xộn: nào sách, nào vở, nào thư từ, bút chì, bút bi, có khi cả gà-mèn cơm ăn dở, vất tứ tung trên ghế trên bàn, nhưng trong đống lộn đối với người khác là cái trật tự đối với Thầy. Đây là thế giới riêng của Thầy, không ai dám xáo trộn, kể cả cô cháu bà con giúp việc quét dọn cơm nước cho Thầy.

          Hội Văn Nghệ Nha Trang đã “hoàn thành sứ mạng lịch sử”. Tôi và Thế Vũ rời bỏ Nha Trang vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Từ đó, tôi không còn gặp Thẩy nữa, nhưng mỗi lần về Nha Trang, khi có dịp tôi đều ghé thăm Thầy.

          Rồi một buổi sáng mùa xuân, theo thói quen tôi dậy sớm, mở trang báo thì đọc được tin Thầy từ trần lúc 2 giờ chiều ngày 31 tháng 3 năm 2013, hưởng thọ 93 tuổi.

          Thầy từ biệt căn nhà quạnh mà Thầy bày tỏ qua bài thơ: Quạnh hiu 

          Năm giờ sáng mở mắt
          Nhìn quanh: chỉ ghế bàn
          Thèm thấy một khuôn mặt
          Thèm nghe tiếng dịu dàng
 
          Mười giờ đêm thâm u
          Bóng tối như cõi chết
          Tình yêu, tìm nơi đâu
          Hạnh phúc, chào vĩnh biệt
 
          Vậy đó, ngày bắt đầu
          Vậy đó, ngày kết thúc
          Những ngày nặng buồn đau
          Một chuỗi ngày tù ngục!


          Thầy đã thoát khỏi “chuỗi ngày tù ngục”.

          LÊ KÝ THƯƠNG