Tuesday, May 31, 2022

2458. NGU YÊN Đọc Là Nghe Hay Thấy?

Google image

 

Đọc sách là gì? Có bao giờ một ai trong chúng ta tự hỏi như vậy? Câu hỏi ngớ ngẩn. Đọc sách là đọc chữ nghĩa ý tứ trong sách. Đúng không?

Thi sĩ Mark Strand trả lời: “Mực chảy ra khóe miệng. / Không ai sung sướng như ta. / Nhai ngấu nghiến thi ca.” (Eating Poetry.)

Dĩ nhiên, thơ là ẩn dụ. Diễn ý ra văn xuôi, đọc là ăn ngôn ngữ trong sách. Ăn vì đói hiểu biết, vì trí tuệ cần dinh dưỡng, vì tinh thần cần được thuần hóa vẻ đẹp làm người. Ăn để sống. George R.R.Martin nói. “Một người đọc sống cả ngàn đời trước khi chết. Người không bao giờ đọc, sống chỉ một đời.” Chết đói vì thiếu ăn dễ thấy. Chết đói vì thiếu đọc, ít nhận ra.

Đọc sách địa phương và đọc sách ngoại quốc; ăn món ăn quê nhà, ăn món ăn xứ lạ; thám hiểm đất nước và thám hiểm thế giới. Tuy nhiên, không may, các hãng du lịch bị đóng cửa. Đành lên trên mạng tìm hiểu thế giới qua các hình ảnh, video, và bài viết. Đoạn văn gạch bên dưới có nghĩa tương xứng với “đọc sách dịch”. Người đọc nhiều sách dịch qua nhiều ngôn ngữ như nhà văn Anthony Burgess, để lại cho chúng ta kinh nghiệm: “Dịch thuật không chỉ là vấn đề của từ ngữ: Đó là vấn đề làm cho cả một nền văn hóa trở nên dễ hiểu.” (Translation is not a matter of words only: it is a matter of making intelligible a whole culture.) Nói một cách khác, đọc sách dịch là tìm hiểu văn chương vượt qua từ ngữ để đào sâu văn hóa ngoại. Vì lý do này, dịch không phải là chuyển ngữ, vì không chỉ đơn thuần chuyển đổi ngôn ngữ. Câu nói của Burgess đả phá toàn bộ cơ bản của châm ngôn: “dịch là sai.” Dùng để phản đối dịch. Dịch là sai, chủ yếu nói về ý nghĩa giữa bản gốc và bản dịch, trong khi dịch ngày nay xem ý nghĩa ngôn ngữ trong bình diện văn hóa dịch quan trọng hơn. Dịch là một hành động ngu. Không dịch, ngu hơn. Lý do ngu hơn, vì không biết văn hóa thế giới; nghĩa là không thể thông cảm, chia sẻ với người khác màu da, khác địa lý, khác ngôn ngữ; không thể kinh nghiệm được trí tuệ, tâm tư có khả năng kỳ lạ, vượt ra sự hiểu biết của một dân tộc, một cá nhân. Làm người, không ai ở một mình. Ngày xưa, ở với dân tộc, bây giờ, ở với cả thế giới.

Nếu dịch là vấn đề từ ngữ, sát nghĩa, chỉ cần cuốn từ điển dày là đủ. Nếu dịch là “làm cho cả một nền văn hóa trở nên dễ hiểu,” Có nghĩa dịch phải ra ngoài từ điển, hơn nữa, phải theo ý riêng, sở học, và sự chọn lựa của dịch giả, như vậy, dịch đúng là không sát, nếu bắt bẻ, sẽ trở thành sai. Biết sai mà vẫn dịch là ngu. Biết ngu mà vẫn dịch là vì cái gì?

Dịch thuật không phải như đi trên con đường hạn hẹp mà đi trên xa lộ lớn, có nhiều “len”. Muốn đi ở giữa hoặc hai bên hoặc sang len này đổi len kia là tùy người dịch, miễn, xa lộ dẫn đến nơi dự định. Đừng đi lạc ra ngoài. Đừng đi đến một nơi khác. Vì vậy, vào thế kỷ 21, học thuật đặt ra vấn đề dịch thay đổi tùy theo mục đích của bài dịch.

Sự lầm lẫn của người ta về nhiệm vụ cảnh sát công lộ đã quá sâu đậm. Trước công việc bắt phạt những ai phạm luật lưu thông, họ có trách nhiệm khuyến khích và cổ vỏ nhưng người có bằng lái xe và tuân theo luật đi đường. Cảnh sát thừa biết hơn ai hết, luật lệ là lý thuyết và lái xe giỏi có nhiều kiểu khác nhau. Những cảnh sát mang huy hiệu hàn lâm thường chăm bẩm lo phạt lỗi, mà quên ý nghĩa và lợi ích của lưu thông. Cản trở việc đọc sách nên phạt tội gì?  

Còn như, tự cản trở mình đọc sách, phạm tội gì?

Chẳng có tội gì. Nếu có, chắc phải là tội nghiệp.

Đọc để thu hút dinh dưỡng, tất phải nếm đủ ngọt bùi chua cay đắng. Có sách dễ nuốt, có sách khó nhai, sách như The Curtain của Milan Kundera, đọc bảy lần, chưa nát. Philosopher of the Sleepless Night của Lev Shestov, đắng chát hơn nhai vỏ lựu. Cay quá chịu không nổi thì hạ xuống cay vừa vừa, từ Faulkner xuống Hemingway. “Nghĩ trước khi nói. Đọc trước khi nghĩ.” (Think before you speak. Read before you think. Fran Lebowitz.) Thuốc đắng giã tật. Sách chua chát đắng cay giã não.   

Đọc sách là nghe bằng mắt và độc thoại bằng tưởng tượng. Trong thực tế, đọc để hiểu sách, là khi đọc, nghe được âm thanh chữ nghĩa vang lên âm thầm bên trong bộ não, cho đến một lúc, âm thanh đó vang lớn, thu hút sự chú ý, tách lìa người đọc ra khỏi thế giới thường trực, để quyền lực tưởng tượng vừa dẫn giải vừa tiêu hóa những gì ở phía sau chữ nghĩa.

Nghe được chữ gần giống người mù thấy được âm thanh. Hiểu biết đó không còn là kiến thức mà trở thành “kinh nghiệm ý thức” (*) vì kiến thức đó đã được đưa vào bộ tiêu hóa của mạng lưới sống. Tâm tư đó thú vị, say sưa, đôi khi đê mê. Đây không phải là điều gì bí ẩn hoặc mầu nhiệm, chỉ là một chuyện bình thường, tự nhiên, như uống một ly nước lạnh giữa đường đi nóng nực (có khát uống lạnh mới đả); như đang câu cá thấy được cá cắn câu (giật lên, cá trì lại, biết cá lớn, mới đả); như đọc Brief Answers to the Big Questions (kéo ra, Stephen Hawking giữ chặt, giật được ý tưởng hay khỏi tay ông, mới đả).

Gần đây, ngủ mơ, thấy những nhân vật trong truyện dịch đến chơi. Họ khác tác giả, khác thời đại, khác ngôn ngữ, nhưng khi gặp gỡ, tụ họp, chuyện trò, ăn uống, cãi nhau, yêu nhau, đánh lộn … y như người Việt chúng ta vậy, thậm chí họ biết ăn nước mắm. Đời sống ban ngày yên tĩnh, về đêm tưng bừng. Như vậy, làm sao có thể cô đơn?

Họ không bao giờ đến tay không, mỗi khi thăm viếng họ đều mang theo quà: những phẩm chất khác thường trong đời sống. Những món quà trong mơ lại khiến lúc tỉnh thức suy nghĩ, gặm nhắm, bất chợt hiểu ra, đả đời. Đôi khi trong mơ lại có dịp bàn thảo món quà của người này với người kia. Chuyện này trở nên sôi nổi, mở rộng, đào sâu, đồng ý, phản đối … nhưng không ai giận ai, không ai từ ai, không ai chê lén sau lưng. Họ thật sự là những người bạn tốt.

Tôi sẽ gửi những bạn thân thiết của tôi đến bạn đọc. Mong các bạn tiếp đãi họ tử tế. Xin cảm ơn. Tôi chắc rằng họ sẽ mang đến bạn đọc nhiều món quà phẩm chất cao hơn đã tặng tôi.

      

Ngu Yên, 2022.

(*) Albert Einstein: “The only source of knowledge is experience.”