Thursday, July 7, 2022

2515. NGỌC BÚT Tôi làm con gái

Google image

Khi “Bài Nhã Ca Thứ Nhất” của Trần Thy Nhã Ca xuất hiện trên báo chí Saigon thì Hoài còn nhỏ xíu, mới vào tiểu học. Và tất nhiên những năm đầu 1960 bé-con-Hoài còn mãi lo học viết chữ, học tập đọc và làm toán đố, lo chơi trò nhảy dây đánh đũa với bọn con gái, chơi búng dây thun và cả u-bắt-mọi với bọn con trai, biết gì mà thơ với thẩn! Lại còn là một con bé nhà quê, ở xứ quê mùa đèo heo hút gió sát biên giới! Nhưng Hoài may mắn có một ông cậu họ là thầy dạy Việt Văn của Hoài những năm trung học. Cậu làm thơ, giới thiệu các tạp chì văn chương ở Saigon cho học trò đọc, trong đó có Hoài, và học trò nào ngoài việc đọc thơ còn võ vẽ làm thơ viết văn nữa thì được cậu đặc biệt khuyến khích. Hoài yêu thơ văn một phần là từ cậu thuở ban đẩu.

Thưở ban đầu ấy,  Hoài và mấy đứa bạn yêu thơ văn đứa nào cũng có một quyển sổ bìa cứng chép đầy những bài thơ yêu thích góp nhặt nơi này nơi nọ. Bài Nhã Ca Thứ Nhất cũng nằm trong quyển sổ đó của Hoài. Hơn năm mươi năm trôi qua, quyển thơ chép đã lạc mất, và bài thơ cũng được phổ thành nhạc và nhiều ca sĩ nổi tiếng hát. Đọc thơ và nghe nhạc nhiều lần, nhưng cảm giác của Hoài không bao giờ giống với lần đầu được đọc bài thơ năm mười sáu tuổi.

Tôi làm con gái

Buồn như lá cây

Chút hồn thơ dại

Xanh xao tháng ngày

 

Mười sáu tuổi, Hoài ưa lắm mấy câu thơ này. Buồn như lá cây. Thật lạ, lá cây cũng biết buồn. Quê xứ của Hoài rừng có mặt khắp nơi. Rừng cây nguyên sinh xa xa và rừng cao su gần gần. Rừng cao su không mọc tự nhiên mà được trồng thành hàng lối thẳng tắp, có những con đường rộng cho xe chạy xuyên qua. Ban đêm ngồi trên xe-đò-nhỏ (thời đó là xe camionnette đóng thùng lại thành xe chở khách ở các miền quê) với bà ngoại đi xuyên rừng cao su, bé Hoài không ngủ như bao đứa bé khác mà cứ nhìn mãi những hàng cây im lặng đứng. Cây im lặng và lá cũng lặng im. Rất buồn. Đó là cái buồn của một bé con hơi đa cảm. Còn lớn lên thì buồn... theo thơ của Trần Thy Nhã Ca! Không cần biết nhà thơ tác giả buồn-như-lá-cây là buồn như thế nào, Hoài mới lớn buồn kiểu  “chút hồn thơ dại xanh xao tháng ngày”. Buồn buổi sáng con chim sẻ nhỏ nằm chết dưới côị cây già. Buồn tiếng gà gáy trưa trong im vắng mênh mang. Buồn nắng vàng xế chiều xuyên qua cửa sổ khi thức giấc muộn màng. Buồn mà không biết vì sao mình buồn.

Tôi làm con gái

Một lần qua đây

Rồi không trở lại

Ôi mùa xuần này

 

Hoài mười bảy tuổi và một lần nào đó ngủ mơ giữa ban ngày. Một ngày mùa xuân tạm yên bình giữa thời đạn bom cày nát quê hương. Bên kia sông cây lá xanh ngắt một màu, và dưới chân cầu dập dềnh những chiếc giang thuyền phơi nắng lóa. Hoài ngồi nơi balcon nhà mình bên này sông, trên tay là tập thơ của một người lính làm thơ xa lạ thuộc căn cứ hải quân đóng dưới chân cầu bên kia sông. Tập thơ chép tay, nét chữ phóng khoáng, mực đen trên giấy trắng bìa màu vàng tác giả tự đóng thành tập, và có lẽ là độc bản. Kèm một tờ thư. Thư nói rằng đã tình cờ đọc giai phẩm xuân của trường Hoài dịp tết vừa qua, cảm mến Hoài qua bài thơ nhỏ và bài tùy bút, và tặng Hoài tập thơ của mình để làm quen. Chỉ vậy thôi. Hoài thầm cảm ơn, phân vân chưa dám trả lời, nhưng lòng xao động biết bao. Hoài nhìn qua bên kia sông và tự hỏi, trong số những bóng áo xanh thấp thoáng trên các giang thuyền và trong các mái nhà tôn của căn cứ trên bờ kia, ai là người đã tặng tập thơ ấy cho Hoài, một cô bè học trò làm thơ chưa hề quen biết? Rồi hết mùa xuân, Hoài bù đầu với những bài học cho kỳ thi tú tài I vào mùa hè, vẫn chưa kịp trả lời thư làm quen của người tặng thơ và chưa kịp biết mặt tác giả, thì giang đoàn ấy đã chuyển đi nơi khác. Hoài còn nhớ buổi sáng ấy, tiếng còi từ các giang thuyền vang vọng một khúc sông báo hiệu sắp rời đi. Hoài cũng đã biết tin giang đoàn ấy sẽ rời đi, qua cô bạn cùng lớp làm trung gian chuyển thơ và thư cho Hoài. Ôi tiếng còi tàu như xé đôi lòng. Lòng Hoài không bi “xé” mà buồn vơ vẩn buồn miên man. Hoài buồn mà cũng không hẳn biết vì sao mình buồn. Ôi mùa xuân đó, đã qua đây và không trở lại, mùa xuân của một lần trái tim Hoài xao động vì một người không hề biết mặt.

Tôi làm con gái

Đời như heo may

Tình bằng cỏ dại

Giận hờn không khuây

 

Mười tám tuổi ở quê có người đã tay bế tay bồng vì lấy chồng từ năm mười sáu. Rồi cơm áo gạo tiền và con cái nhóc nheo. Nhưng Hoài thì khác. Hoài còn mãi bận bịu sách vở trường lớp và long rong thơ thẩn với mưa nắng sáng chiều và những giấc mộng văn thơ ở đâu đâu. Bạn-con-gái của Hoài mới mười chín tuổi đã có người buồn như heo may vì tình duyên dang dở. Bạn-con-trai của Hoài mới hai mười tuổi đã có người ra trận và mãi mãi không về. Hoài không yêu ai trong số bạn đó, tình của Hoài dành cho các bạn hồn nhiên như cỏ dại, nhưng lòng Hoài buồn như heo may vì những cái chết trẻ từng quá thân thiết với mình, đã từng xẻ chia những tháng ngày thanh xuân hạnh phúc dưới mái trường trung học dấu yêu. Chỉ có “giận hờn không khuây” gần mười năm với người bạn thuở thiếu thời, vì một chút kênh kiệu trẻ con. Rồi xí xóa hết khi về đốt nén nhang tiễn bạn, nhìn di ảnh bạn cười trẻ thơ sau sợi khói vòng vèo; một năm đi từ quân trường đến chiến trường mà bạn vẫn không phong trần chút nào, chỉ có Hoài là ngày càng thấy “đời như heo may”. Mười tám tuổi Hoài đôi khi biết vì sao mình buồn.

Tôi làm con gái

Một lần yêu người

Một lần mãi mãi

Bao giờ cho nguôi

 

Rồi Hoài phải lớn lên. Hai mươi mốt tuổi và cái biến cố kinh động đất trời. Hoài ngơ ngẩn một thời gian dài trước bao ly tán. Hoài bỏ trường đại học trở về quê. Hoài không ở ngôi nhà từ đường bên bờ sông nữa vì ngôi nhà ấy đã bị người ta lấy mất. Hoài về ngôi nhà nhỏ ven quốc lộ. Đêm không còn nghe tiếng súng. Đêm không còn phải ngủ hầm trốn pháo kích. Nhưng nhiều đêm Hoài không ngủ được, ra đứng ngoài balcon căn gác nhỏ nhìn xuống đường khuya vắng lặng. Tình cờ một đêm Hoài nhìn thấy những chuyến xe phủ bạt kín mít hai bên chạy ngang nhà từ thành phố về hướng rừng, phía sau không phủ bạt có hai người bộ đội cầm súng hướng về hai phía. Hoài đã đủ lớn để biết xe ấy chở những ai về một chỗ tập trung nào đó, bởi vì Hoài có các người anh em chú bác họ hàng bạn bè đã phải đi trình diện học tập... Những ngày tháng ấy thơ còn hay mất, thơ bay đi đâu Hoài không biết. Hoài loay hoay và chẳng biết mình có còn đủ-sức để  “một lần yêu người một lần mãi mãi” hay không. Rồi Hoài trở lại trường. Một người bạn thân quen trong nhóm sinh viên mấy tháng cùng đi cuốc đất ngày nọ đã cầm trà rượu của cha mẹ lên biếu cha Hoài mà không hỏi ý Hoài trước. Sao có thể như vậy được, Hoài chưa “chuẩn bị tinh thần”gì hết mà. Hoài vẫn thấy lòng mình mênh mông ở đâu đâu. Hoài thấy mình không thể..., không phải vì bạn không tốt, mà vì một thôi thúc nào đó vô hình vô ảnh mãi vang vọng trong sâu thẳm lòng Hoài rằng không thể... Vì có lần Hoài kể với bạn về những chuyến xe phủ bạt đêm ấy, nhưng bạn tỏ ý đồng tình chuyện những chuyến xe và xem đó là chuyện đương nhiên. Phải, bạn đang hào hứng với bầu không khí mới mẻ và bạn nhiệt tình với những gì bạn tin tưởng... Còn Hoài, không nguôi buồn vì những mất mát đổi thay. Hoài nói với bạn, đúng như lòng mình, em thương anh nhưng không yêu anh. Dù thế nào, vẫn là một nhát dao, một nhát dao làm một người đau và một người buồn. Có phải, Hoài chỉ yêu những giấc mơ hoang đường của mình?

 

Tôi làm con gái

Bao nhiêu tuổi đời

Bấy lần thơ dại

Buồn không ai hay

 

Rồi Hoài phải già thôi. Bé con ngày xưa giờ tóc chỉ vài sợi bạc dù tuổi trời đã gần chạm mức bảy mươi. Tóc Hoài còn xanh lắm. Có phải vì lòng vẫn xanh nên tóc vẫn còn xanh? Vẫn “bao nhiêu tuổi đời bấy lần thơ dại”, nhưng không còn “buồn không ai hay” mà luôn có hạnh phúc của sẻ chia. Hoài vẫn sống hạnh phúc và vẫn hay buồn, nhưng giờ đã biết rõ vì sao mình buồn. Bạn đời vẫn hay trêu chọc “buồn vì tình đời sầu vì lòng người” vì biết Hoài muôn năm là như vậy, là nhìn cây cỏ lá hoa chim chóc đất đá núi sông mà thấy ra con người, là nhìn người mà thấy ra bao nụ cười nước mắt xung quanh. Khi xưa thơ bé đã bao lần mơ ước mình là con trai, nhưng giờ Hoài xin cảm ơn trời đã cho mình được “tôi làm con gái buồn như lá cây”. Mãi mãi là con gái, buồn như lá cây. Mãi mãi là con gái, với chút hồn thơ dại đi hết cuộc đời này.  

Saigon, 29.4.2022.

NGỌC BÚT