Mười
năm
Xe bệnh viện đến đón ông mỗi sáng thứ
Tư. Vào khoa Vật Lý Trị Liệu. Đã năm năm hơn ông đi tập như vậy, theo một
chương trình được nước ngoài tài trợ nơi bệnh viện ông nằm khi bị đột quỵ. Lúc
đầu là hai buổi sáng, thứ Tư và thứ Sáu. Bây giờ chỉ còn mỗi tuần một lần. Gọi
là sinh-hoạt-trị-liệu.
Ông ngồi ở phòng khách chờ xe. Quần
short lửng áo pull. Giầy sandale mang sẵn. Cây gậy kề bên. Trên bàn là túi xách
nhỏ có cái bình đi tiểu dành cho người bệnh và một chai nước uống luôn luôn được
chuẩn bị sẵn. Ông ít khi phải dùng cái bình tiểu trên đường đi hay về từ bệnh
viện, nhưng ông phải luôn luôn có nó bên cạnh. Để yên tâm. Đã mười năm nay như
vậy, kể từ khi ông bị trận stroke thừa sống thiếu chết mười năm trước. Xe đến.
Luôn luôn có một kỹ thuật viên khoa vật lý trị liệu hoặc y tá của bệnh viện đi
theo xe và vào đón tận nhà vì chương trình của nhà tài trợ quy định như vậy, và
bà luôn luôn tiễn ông ra tận cổng, tay xách cái giỏ nhỏ ấy. Chỉ trừ những hôm bận
việc gì đó bất khả kháng thì việc ấy phải nhờ nhân viên ấy làm. Nhưng rất hiếm
khi bà không tiễn ông. Những năm đầu ông vừa bị bệnh và đi tập theo chương
trình này, bà luôn luôn cùng đi với ông vào bệnh viện, ngồi đọc sách chờ ông tập
xong rồi về cùng ông. Bây giờ ông khá hơn, bà không đi nữa. Khi xe về, dù đang
ngồi làm việc ở máy tính hoặc trong bếp hay làm bất cứ việc gì, bà cũng ngừng lại
ra đón ông tận cổng. Như lúc sáng đã tiễn ông đi. Xách giỏ vào. Giúp ông thay
quần áo. Đã mười năm nay như vậy. Bà làm tất cả với tâm an nhiên và yêu thương.
Không thể khác. Dù ông có thế nào với bà. Tâm đã nguyện. Lòng đã khắc ghi.
Buổi chiều ông ngồi đọc lại một bài tùy
bút cũ của bà trong một tuyển tập và lại khóc. Ông nói ông cảm động vì những
chi tiết có thật về cuộc đời bà trong bài tùy bút ấy. Lần trước đọc nó ông đã rất
xúc động rồi. Lần này thì ông khóc. Từ hồi bị bệnh ông dễ xúc động và hay khóc.
Bà thường dỗ dành ông mỗi khi ông khóc (còn ông thì không còn dỗ dành bà mỗi
khi bà khóc nữa). Nhưng hôm nay bà không
biết phải làm gì. Đành hôn lên trán ông. Ôi bạn đời của bà! Rồi cũng phải có
lúc ông chịu nhận là bà viết không đến nỗi tệ phải không? Cuộc rong chơi này bà
luôn muốn ông đồng hành với bà. Hôm nay ông khóc. Trên những giòng chữ của bà.
Bầu trời ra sao khi người đàn ông khóc trên những trang viết của vợ mình? Bà
không nhìn trời. Bà không nhìn ra bên ngoài căn nhà hạnh phúc. Bà nhìn những giọt
yêu thương ướt đẫm tay mình. Bà lắng nghe tim ông nức nở. Rồi bà cũng khóc. Hôm
nay bà khóc, trên những thổn thức của ông.
Đã tròn mười năm, ngày này, ông bị tai
biến và, có lẽ, ông không bao giờ phục hồi để khỏe mạnh như xưa nữa. Cũng là mười
năm sáu tháng bà bị đột quỵ. Bà bị bệnh trước ông đúng sáu tháng. Khi bà bị đột
quỵ, ông chăm sóc tận tình. Cũng may bà không bị nặng đến nỗi như ông. Nhưng đến
khi ông bị bệnh thì bỗng dưng bà dường như không còn bệnh nữa. Mười lăm ngày
ông nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt hôn mê không biết gì. May mà còn sống. Mười
lăm ngày nữa ra phòng bệnh, vẫn lơ mơ. Phim chụp não tràn đầy máu. Không thể giải
phẫu được. Tưởng ông đã “đi”. Những ngày đó bà ngồi ở hành lang bệnh viện, bình
tĩnh sắp xếp việc nhà trong đầu trong trường hợp ông ra đi mãi mãi. Nhưng không
biết một phép mầu nào đó đã giữ ông lại với đời. Kể từ ngày đó một người bệnh
nhẹ hơn chăm sóc môt người bệnh nặng hơn. Rất nhiều người có vẻ ái ngại cho cảnh
ngộ của ông bà. Nhưng ông bà vẫn an nhiên sống, chấp nhận mọi việc đến với mình
như nó phải như vậy. Không kêu ca than vãn. Không muốn bất cứ ai thương hại
mình.
Mười năm, như cơn gió thoảng. Cha mẹ chồng
lần lượt qua đời. Mẹ kế của bà qua đời. Một ông chú ruột qua đời. Một ông anh
thân thiết con bác qua đời. Một thằng em thân thiết con chú qua đời. Một ông cậu
một bà mợ qua đời. Vài người bạn qua đời… Con trai lớn lập gia đình và ông bà
có đứa cháu nội đầu lòng. Con trai nhỏ tốt nghiệp đại học và đi làm…
Mười năm. Ông từ một người đẹp trai
phong độ trở thành người tàn phế nửa thân người, nói năng chậm chạp và nhiều di
chứng khác. Mười năm, bà từ một người phụ nữ hoạt bát tinh anh trở thành yếu ớt
quên trước quên sau, dù có khá hơn ông một chút. Mười năm. Tóc bà bạc ít nhưng
tóc ông bạc nhiều. Nhưng tóc bạc nhiều bạc ít thì có ý nghĩa gì đâu! Bà đã nguyện
với lòng, từ bao lâu rồi không nhớ, bà sẽ chăm sóc ông cho đến hết đời, dù cho
bất cứ điều gì xảy ra. Bà không thể giao trọn việc này cho bất cứ ai. Dù hay bất
đồng ý kiến nhau, như từ thuở ban đầu quen nhau đã vậy, nhưng bà tin không ai
hiểu ý ông bằng mình, và cũng không ai hiểu ý mình bằng ông. Mười năm, như cơn
gió thoảng…
Mười
lăm năm
Từ một trái xoài ăn xong để lại cái hột,
ông ươm ở một góc sân trước, nói là để nhớ cây xoài trước nhà bà nơi quê xưa, bị
cụt ngọn vì pháo kích năm mùa hè đỏ lửa, mà bà từng nhắc trong một bài viết cũ
kỹ làm ông khóc! Cây xoài giờ đã lớn đã xum xuê cành lá và cho nhiều trái quanh
năm. Thật lạ. Ân sủng của trời chăng, xoài mà có trái quanh năm! Đang mùa trái
nhiều không đếm xuể, nghịch mùa trái ít hơn nhưng vẫn mát mắt nhìn. Ông bà nâng
niu từng trái xoài mình có được, dù nhà cha mẹ ông ở quê có cả vườn xoài loại
ngon nổi tiếng. Xoài của ông trồng ở đây không được như vậy, có chút xơ tuy rất
ngọt rất thơm. Bà hay rủ rỉ với ông, kệ đi, cùng một giống quýt nhưng trồng đất
Giang Nam cho trái rất ngọt còn đem trồng đất Giang Bắc thì trái rất chua,
không nhớ sao. Còn xoài nhà mình chỉ có nhược điểm chút xíu xơ thôi mà vẫn còn
ngon chán! Xoài ửng chín, bà nhờ người leo lên cây hái xuống, lấy giấy bao bọc
từng trái rồi cẩn thận cho vào túi to túi nhỏ gởi biếu họ hàng bạn bè khắp nơi
ăn lấy thảo. Bọn trộm cắp cũng hay ghé hái những chùm trái lủng lẳng phía
ngoài. Ông nói, kệ đi, mình có ăn thì cũng nên chia bớt cho người ta. Bà nói,
phải rồi, mỗi lần đám giỗ, ngoài mâm cúng ông bà cha mẹ cô bác và tiền nhân mở
đất, mình vẫn có mâm cúng “cô hồn các đảng” đó thôi. Nên dù thường xuyên bị mất
xoài vì trộm cắp ghé thăm, ông bà vẫn không mấy bực mình. Xã hội này “nhiễu
nhương” quá rồi, chịu thôi, đâu như ngày xa xưa ở quê đêm ngủ không cần đóng cửa!
Sau nhà ông bà có một cây khế ngọt và một
cây khế chua. Bà làm đủ thứ món ăn với khế từ hai cây này. Trước kia mỗi lần cần
khế chua phải ra chợ mua rất đắt, bây giờ thì khế chua ăn thừa mứa. Bà lại nhờ
người hái cho bạn bè. Có điều khế của bà chua ra chua ngọt ra ngọt, không giống
với cây quýt Giang Nam ngọt mang trồng đất Giang Bắc thành chua, như tích chuyện
xưa.
Trong một cái chậu to sau nhà còn có một
cây mai vàng. Đây là cây mai duy nhất còn sống sót trong số những cây mai nhỏ
bà mua tặng ông mỗi năm những ngày giáp tết. Vụ cây-mai-nhỏ-hàng-năm này có lẽ
bà hơi “thực dụng”, một công mà đôi ba
việc. Ngoài ý nghĩa là quà cuối năm tặng ông, nó còn là chậu mai chưng tết
trong phòng khách, và nó còn là một cách để bà mua ủng hộ nông dân miền Tây chở
hoa lên Sài gòn bán ở bến sông gần nhà ông bà. Cây mai lớn rất chậm nhưng mấy
mùa tết rồi vẫn trổ hoa rất đẹp. Vài con ong nhỏ và đôi khi một con bướm cũng
lượn lờ. Họ hàng bạn bè biết ông bà thích nên hay tặng cây. Bà cũng hay bày đặt
mua cây này cây kia mang về trồng, nhưng người thực sự chăm sóc là ông. Bà chỉ
việc ngắm và khen chê!
Những lúc đầu óc căng thẳng hay buồn bực
chuyện gì đó, bà bước từ nhà bếp mấy bước ra sân sau là đã gặp cây. Bà nhìn khoảng
trời hẹp trên đầu nghĩ nhớ mông lung và đôi khi cúi xuống thì thầm trò chuyện với
cây dưới đất. Những khi ông bà cãi nhau, bà kịp dừng lại và cũng ra trò chuyện
với cây. Ông đi lên lầu, cũng ra sân thượng làm gì đó với mấy cái cây. Có phải vì
suốt ngày suốt tháng suốt năm ở bên nhau nên phải cãi nhau? Đôi khi ông vô lý.
Đôi khi bà vô lý. Tuổi già trái tính trái nết, ông bà hay nhấm nhẳng nhau,
nhưng bà tin (hơi chủ quan) rằng ít có ai cãi nhau suốt mà vẫn thương nhau như
ông bà. Từ thời còn rất trẻ, không hiểu sao bà đã thích và thuộc nằm lòng mấy
câu hát của Nguyễn Đức Quang, “Nghĩ đến mắt
kia lúc lìa trần, vỡ nát trái tim muôn phần. Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thất
nhiều. Ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu.”. Cây cỏ lá hoa và bài
hát đã cứu bà và ông những lúc giận hờn!
Phải rồi, ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu. Phải rồi, khi còn bên nhau
thì hãy đừng làm buồn lòng nhau.
Gần
hai mươi năm
Ông bắt đầu có những chuyến đi. Suốt gần
mười lăm năm ông không chịu đi đâu ra khỏi nhà ngoài đi bệnh viện! Rồi ông cũng
bắt đầu chịu ra khỏi nhà chút chút. Bà mừng chảy nước mắt! Từ ngày ông bị bệnh,
chuyện lớn chuyện nhỏ đối nội đối ngoại gì cũng một mình bà lo. Bà đi khắp nơi
với người này người nọ nhưng lòng không vui, vì cứ nhớ những ngày trẻ trung
phơi phới ông bà đi đâu làm gì cũng có nhau! Những chuyến ra ngoài đầu tiên của
ông là bạn ông chở ra những quán cà phê gần nhà. Cà phê ngon và chỗ ngồi vui với
bạn, nhưng lâu lắm ông mới đi một lần. Không bù với những ngày còn trẻ khốn
khó, cả nước ăn bo bo độn khoai lang khoai mì thay cơm, ông có khi ngồi suốt buổi
ở quán cà phê vĩa hè, uống “cà phê” là bắp rang hay cái gì đó rang pha với những
thứ gì chỉ có trời biết! Dần dần ông “tiến bộ”, ông chịu đi tiệm quán đi nhà
hàng sau khi điếc tai vì phài nghe bà và các con ỉ ôi suốt. Chỗ ngồi thoải mái
và thức ăn ngon. Không bù với những ngày còn trẻ khốn khó, ăn-như-tu và ở-như-tù! Không thể quên thời ấy, gạo và sạn sỏi và
bông cỏ, nước mắm nước tương là nước gì đó có chút mùi mắm mùi tương và màu và
muối mặn, thịt thì mỗi tháng mỗi người một khoảnh nhỏ lộn xộn nạc mỡ da, cá
cũng đủ loại lộn xộn khi ươn khi không! Năm ngoái bà bị một cú té ngã gãy xẹp một
đốt sống lưng, nên bây giờ bà “khỏe” lắm, không còn phải đi chợ hoặc siêu thị nữa
(là những thú vui của bà) mà đành ngồi nhà gọi điện thoại để người ta mang hàng
đến hoặc lên mạng mua hàng online. Có hôm bà “order” món ăn nấu sẵn vì bà mệt
hoặc không muốn làm gì, mệt hoặc không muồn làm gì chứ không phải là bận bịu việc
gì. Không bù với những ngày còn trẻ khốn khó, phải xếp hàng mướt mồ hôi để mua
chất đốt và gạo (có khi mốc) cộng với những thứ thay gạo. Và vô số thứ nghèo
nàn và bất-như-ý khác mà ông bà đã cùng
nắm tay vượt qua.
Ông cũng đã chịu đi biển và có lần còn
chịu đi một vòng vài tỉnh miền Tây. Biển ngàn năm vẫn vậy, nhưng ông bà không
còn nhảy-sóng đùa nghịch hay tẩn mẩn đi bắt dã tràng rồi thả trôi theo dòng nước
như thuở xưa nào. Buổi sáng ông bà chỉ có thể ngồi trước hiên nhà trong khu resort
nhìn ra xa khơi ngắm mặt trời lên, lòng bình yên với cháu nội kề bên. Về miền
Tây, sông Tiền vẫn mênh mông nước chảy xuôi, vẫn nhà thờ cổ cù lao Giêng bên
kia sông, nhưng ông không còn đủ sức bơi qua sông như thời trai trẻ. Ông cũng
không còn đủ sức chèo ghe qua sông, một đầu là ông một đầu là người dì tâm-phúc
của gia đình cùng chèo, ngồi giữa ghe là bà và má chồng đều không biết bơi! Và
đó là lần đầu bà về quê chồng sau đám cưới, được chồng và má chồng dẫn đi chơi
đi thăm họ hàng. Bây giờ ông chỉ còn ngồi được bên bờ nhìn lục bình trôi theo
dòng nước chảy. Ông luôn nói với bà ông không muốn làm phiền người khác khi đi
đây đó, nhưng trong mắt ông bà nhìn thấy niềm vui lớn khi thăm lại những nơi chốn
của thời tưổi trẻ ông từng đi qua, thấy vẻ cảm động khi bạn bè đẩy xe lăn cho
ông giúp đỡ ông mà không nề hà gì. Bà vui nhiều hơn ông tưởng.
Bà cũng có vài thay đổi trong thói quen
và sở thích. Như đọc sách, bà không thích đọc truyện tình lãng mạn ướt át kiểu
love story nữa. Như xem phim, bà rất chán và mệt mỏi với những bộ phim tình cảm
ướt át nhiều tập dài lê thê, cũng không thích xem những màn gay cấn hay đánh đấm
máu đổ thịt rơi hay hại nhau giết nhau. Bà tắt máy hoặc chuyển kênh ngay khi
trong phim có người có cảnh ác quá. Và bà luôn thích những phim có cái happy
ending. Nghe nhạc, thật lạ lùng, bà quay sang thích nghe những bài mà người ta
gọi là nhạc “sến” hay có người gọi là “boléro”. Bà không quay lưng và vẫn thích dòng
nhạc gọi là “sang” là trữ tình thuở sinh viên, nhưng chắc vì bội-thưc với dòng
nhạc này nên bà không muốn nghe nữa. Từ dòng “nhạc sến” ấy, bà bỗng tìm thấy rất
nhiều bài nhiều câu thật hay làm rung động lòng bà không thua gì “nhạc sang”.
Và quan trọng nhất là, bà cảm thấy như “mùi” của ngày cũ bay về phảng phất đâu
đây – cái mùi của những ngày sáng chiều không cần để tai chú ý, lời của những
bài hát ấy từ radio, cassette, hay tivi vẫn vang vọng vào tai, và bà như thấy lại
những hình ảnh và con người của một thời tưởng đã chìm khuất mất tăm. Âm vang lời
ca những bài hát ấy gợi nhớ biết bao điều cảm động của một thời...
Bây giờ là những ngày bảy mươi, ông
ngoài bảy mươi vài năm và bà vài năm nữa bảy mươi. Ông bà đã đi qua gần đầy hai mươi năm bệnh tật bên nhau, đã “tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc” một cách bình
yên. Ông bà giờ yếu đi nhiều, nhưng vẫn thỉnh thoảng cãi nhau, cãi nhau nhưng
cũng biết dừng đúng lúc, để cãi nhau chỉ là hương vị cho đời thêm đậm đà.
Xin cảm ơn trời, cảm ơn đời đã cho ông
bà những ngày bảy mươi may mắn và hạnh phúc.
Saigon, 06.8.2022
NGỌC BÚT