Saturday, June 3, 2023

2926. NGỌC BÚT Đọc văn Kinh Dương Vương - Vài truyện thời chiến

Vietnam War - Source: WallpaperSafari

Quận lỵ cách nhà ngoại bảy cây số và có hai đường để đi về nơi đó: một con lộ đất chỉ có thể đi bộ hoặc xe đạp và một con đường nhựa không rộng lắm xe lam có thể chạy được. Những năm đầu thập niên 1960, cả hai lối đi về ấy đều mất an ninh vì bị những người phía bên kia gài mìn và hầm chông dày đặc. Dân thường không ai dám đi theo hai lối ấy. Bé con trở về quận lỵ với cha năm sáu tuổi để đi học sau hơn năm năm ở với ông bà ngoại từ khi mẹ mất. Mỗi lần được theo một người bà con về thăm ngoại trong vùng xôi đậu ấy cũng không khó, nhưng phải đi vòng vèo bằng một lộ trình rất dài: từ nhà ờ quận lỵ đi xe lam theo quốc lộ 1 xuống một quận lỵ khác, rồi từ đó đổi qua một xe lam khác vòng ngược lên một cái chợ xã, xuống xe ở đó và đi bộ khoảng một cây số nữa thì tới nhà ngoại. Quãng đường dài ấy thật ra cũng không an ninh lắm, thỉnh thoảng cũng bị người bên kia ra đắp mô, những dù sao cũng còn đi được và đỡ nguy hiểm hơn hai con đường ngắn kia. Một lần bà ngoại đưa bé con từ quê về lại nhà cha, cũng bằng cach đi vòng vèo ấy. Hai bà cháu ngồi xe lam, chiếc xe lam thời ấy có mái che phía trước của tài xế cong như mái che của xe ngưạ. Xe đang chạy ngon lành thì  “cắc, bùm” , không nhớ súng nổ từ hướng nào, chỉ nhớ bà ngoại năm đó đã ngoài sáu mươi tuổi, nhanh tay kéo bé con xuống núp dưới bờ đất bên dưới đường với bác tài xế và những người khác cùng xe. Dứt tiếng súng, mọi người lại lục tục lên xe đi tiếp, sợ hãi, bơ phờ, xơ xác... Tình trạng ấy kéo dài, ngày càng khốc liệt hơn, quốc lộ 1 dẫn về Sài Gòn ngày càng nhiều bất trắc hơn với những mô đất có gài mìn, nhất là khoảng sau Mậu Thân 1968 cho đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.  Sáu mươi năm hơn, hình ảnh ấy lại trở về khi cô bé con, là tôi giờ đã là một bà già, đọc lại truyện ngắn “Chuyến Xe” của nhà văn Kinh Dương Vương. Hai hình ảnh không hoàn toàn giống nhau, bối cảnh cũng khác nhau, nhưng có một điểm chung là sự bất an trong lòng, là nỗi lo hiểm họa luôn rình rập trên đường. Đỉnh điểm của bất an là khi một cô bạn học cùng trường ở cùng phố chợ, ngồi xe đò đi Sài gòn sáng sớm ngang qua một cái mô đất bị vướng mìn cụt hết hai chân đến gối. Một chuyến xe khác đi qua một mô đất khác gần đó vào một bữa khác cũng vướng mìn, và ông thầy dạy Pháp Văn bị miểng văng làm mù đôi mắt. Bạn mười lăm tuổi, đóa hoa hàm tiếu xinh tươi, bỗng chốc mất đi đôi chân chim sáo. Thầy mới rời trường đại học sư phạm về trường tôi nhận nhiệm sở chưa tròn năm, trẻ trung phơi phới, bỗng chốc mù lòa! Tôi không có mặt nơi cô bạn cùng trường bị mất hai chân hoặc nơi ông thầy dạy Pháp Văn bị mù đôi mắt, nhưng tôi nghĩ chắc cảnh tượng cũng không khác là bao với những gì được mô tả trong “Chuyến Xe”. Tiểu tiết có thể khác ở từng địa phương, nhưng khuôn mặt chiến tranh thì như nhau. Ở đó, tôi thấy lại những hình ảnh không xa lạ gì với mình tử thuở thiếu thời.

Nhà văn KDV viết :

 Xe rời mặt đường chính rẽ xuống con đường đất chạy vòng qua thửa ruộng lúa chín, mới đắp tạm thay thế chiếc cầu bắc qua con rạch nhỏ bị sập.

Mấy ổng mới giật hôm qua đó Thiếu úy. Anh tài nhìn tôi nói.

Dưới bờ ruộng, một chiếc xe đò lật ngửa, đầu máy hư nát. Trên nền sơn vàng một bên hông, hai chữ “Phúc Hưng” rực lên đỏ chói một cách khôi hài. Chung quanh còn rơi rớt nào quần áo, dày dép lẫn những nén nhang tàn, gạo trắng vung vãi, tro than giấy tiền vàng bạc… Một cái miễu nhỏ mới được dựng lên, gỗ thông ván thùng đạn pháo binh còn mới. Bên trong đặt bình hoa ny-lông và một bát nhang bằng cây chuối cắt khúc.

*

Lúc xe đổ dốc đèo Phước Tượng, từ xa người ta đã trông thấy quang cảnh nhốn nháo chỗ chuyến xe hỏa bị mìn. Đầu máy ngã chúi xuống con lạch nhỏ, những toa sau trật đường rầy, lật nghiêng sang một bên, vài toa văng hẳn xuống ruộng. Các nạn nhân đã được đem đi. Hành khách trên chuyến tàu đang khiêng hành lý, dắt díu, bồng bế, băng qua một thửa ruộng thấp ngập nước, ra đứng lố nhố suốt một khoảng đường, thêm dân chúng quanh vùng đến xem làm con đường bị tắt nghẽn. Xe lam đến rước khách nổ máy vang trời, khói xăng un lên mù mịt. Người ta chen lấn, xô đẩy giành nhau lên xe, tạo nên một cảnh tượng vô cùng hỗn độn.

*

Anh tài xế chỉ cho tôi coi chỗ mặt đường mới được sửa chữa:

- Tuần trước đó. Anh nói, giọng hơi lạc đi. Mới đầu một chiếc xe lam bị, đi bốn mạng. Chiếc xe nhà binh Mỹ tới không dám qua, gọi xe dò mìn. Nhưng đến nơi chưa kịp dò đã cán nổ một trái nữa, đi thêm năm con, vị chi là chín con cả thảy.

Thời gian trong truyện “Chuyến Xe” của nhà văn KDV chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng tôi có cảm giác một-ngày-dài-hơn-thế-kỷ với biết bao sự kiện ngồn ngộn trong đó, những sự kiện toàn máu và nước mắt và chết chóc.

Cũng máu và nước mắt và chết chóc là trong truyện “Phiên Chợ”. Sự dữ dội trong truyện không đến từ tiếng súng nổ haynhững bãi mìn làm máu thịt rơi tung tóe, mà từ những hình ảnh lướt qua trong cơn mê man hấp hối của người du kích - những hình ảnh chỉ toàn bi kịch của một phận người nhỏ nhoi u tối trong vùng xôi đậu, bị dẫn dụ đứng về phía bên kia.

(…) Cha mẹ gã, mặt mũi hốc hác, xanh xao như hai xác ma, áo quần rách nát, ướt sũng thứ bùn đen quánh dưới đáy mồ, lỗ mắt, hốc mũi sâu hoắm, đen ngòm. Hai cái đầu chỉ là hai mẩu sọ dừa khô còn bám những sợi tóc bạc. Hai người đến trước mặt hắn run rẩy, khóc lóc, vén mớ vải rách tươm lên chỉ vào hai cái bụng xẹp khô, để lòi hai bộ xương sườn, kêu đói: "Con cho ba mạ xin miếng cơm miếng cháo. Con cho ba mạ xin tấm áo manh quần mặc cả lạnh." Nước mắt gã ứa ra, chảy ròng ròng xuống má. Gã nhớ ra, từ ngày cha mẹ gã nhịn đói nhường cơm cho gã ăn trong năm mất mùa, rồi vì cơn đói mà chết, đã mấy chục năm qua rồi, gã không có chén cơm, nén nhang cúng bái. Gã đau đớn gào lên: "Ba ơi! Mạ ơi! Con bất hiếu của ba mạ đây!" Gã chồm tới ôm lấy hai người, nhưng toàn thân gã đau buốt, ngã quỵ xuống. Cha mẹ gã cúi xuống hôn lên mặt gã. Từ hốc mắt, mũi dòi bọ lúc nhúc rơi ra, bò lổm ngổm. Bỗng hai bóng người dang ra xa, cười lên sặc sụa - những tràng cười dài đầy hờn oán biến thành những mũi tên đen đâm vào tim gã làm văng vung vãi những con bọ tanh hôi lên mặt gã. Hình ảnh hai bóng ma mờ dần. Âm thanh giọng cười rùng rợn trôi xa, vang vọng trong một cõi sương mù đen dày đặc…

 

(…) Thằng Ất mới lên tám với bầy trâu của người chú họ lang thang trong những đồng cát bao la những ngày nắng cháy mùa hè, những chiều mưa tầm tã giá buốt mùa đông… Nó quằn quại kêu khóc trong những trận đòn trối chết khi có một con trâu đi lạc không tìm thấy. Những đêm lùa trâu về muộn không dám hỏi cơm. Nó nằm ngủ trong chuồng với bụng đói trên lưng vật, ôm lớp da lông lá để tìm chút hơi ấm. Người thím dâu đanh đá mỏ dài mồm nhọn với đám con ác độc.

 

(…) Út, người con gái mồ côi cùng xóm đã mang đến cho gã chút niềm tin và hy vọng. Một đêm mưa lũ hai đứa bỏ nhà chủ trốn đi. Nàng đã cho gã con Bê và Cu Lộc… Một quả đạn oan nghiệt đã cướp nàng ra khỏi đời gã. Một buổi sáng ngoài ruộng lúa. Út ngã ra quằn quại trên vũng máu, một bàn tay níu lấy gã, tay kia còn giữ chặt nắm mạ chưa kịp cấy. Nàng kêu tên gã, con Bê, thằng Lộc thảm thiết rồi tắt thở. Những giòng nước mắt nóng hổi của gã tưới đầm đìa lên mặt Út…

 

(…) Anh Năm, người đàn ông trong xóm đến khuyên lơn, an ủi gã, lo lắng chôn cất vợ gã chu đáo. Anh Năm nói những lời dỗ dành hứa hẹn… gã không hiểu anh Năm nói gì, nhưng trong trí tưởng tượng của gã vẽ ra một đời sống tương lai tuơi sáng. Trước mắt gã mở ra một thiên đàng hạnh phúc: gã và các con sẽ sống một đời sung sướng, cơm no, áo ấm, trong sự nhìn nhận và tôn trọng nhân phẩm của con người… Rồi gã bằng lòng nhận lãnh những việc anh Năm giao phó. Gã say mê, tận tâm thi hành với lòng hoài vọng, tự tha thứ…

 

(…) Những oan hồn thi thể không toàn vẹn ùa đến vây lấy gã kêu réo, khóc lóc đòi đền mạng… Lão trưởng ấp cụt đầu đứng sừng sững, tay bưng chiếc nón lá đựng cái đầu lão mắt còn mở nhìn gã trừng trừng. Ở khoảng cổ cụt hơi thở ra phun phì phì, máu sủi bọt reo lên như tiếng cười… Cô Lan có chồng đi lính Quốc gia bị gã hạ sát, tay bồng đứa con bào thai sáu tháng đỏ hỏn nét mặt buồn rầu, xanh xao, nhưng đôi mắt nhìn gã rực lửa căm hờn… Vô số những oan hồn già trẻ mà hắn chưa hề quen biết, đứt đầu, cụt tay, gẫy chân, mất nửa thân mình treo lơ lửng giữa từng không. Có cả vong hồn những đoạn đường, những chiếc cầu, những toa xe lửa, xe đò, xe lam… Tất cả vây quanh gã la hét, kêu gào, nguyền rủa như muốn ăn tươi nuốt sống gã. Gã hốt hoảng, vùng dậy chạy và bỗng thấy mình nhẹ hẫng như một làn khói. Gã la lên: "Tui không biết… Tui không biết… Không phải tui… Người ta xúi tui làm… Tui vô tội… Vô tội… Ối cha ơi… Mẹ ơi!" Gã chạy trốn đám oan hồn, lướt đi trên các ngọn cây, nóc nhà, băng qua vườn tược ruộng đồng, làng mạc, núi đồi, giòng sông chảy qua làng gã đang yên ngủ… Gã lướt đi như một cơn gió mỏng manh yên lặng. Những oan hồn đuổi nà theo gã bén gót. Bỗng giữa tiếng khóc than kêu réo đòi mạng ồn ào, gã nghe giọng vợ gã áo não vượt lên cao: "Ất ơi! Anh Ất ơi! Chờ em với… Anh ơi!" Gã bàng hoàng quay lại, xô ngã đám oan hồn, ôm chầm lấy vợ. Đám oan hồn đông vô số kể ào đến vây lấy gã. Một tay ôm vợ, một tay gã vung lên gạt đám oan hồn ra mở được một lối thoát, cắm đầu chạy miết. Bên nách, vợ gã rền rỉ: "Anh ơi! Con Bê! Thằng Lộc, mô rồi anh? Con chúng ta mô rồi?" Nhưng gã không còn nghe gì nữa, gã mãi lo tìm lối để thoát thân, chạy trốn đám oan hồn đang níu kéo. Trước mặt gã là một cõi tối tăm lạnh lẽo. Gã không còn thấy, còn nghĩ ngợi, gã ôm chặt vợ, lao vào khoảng tối đen mịt mờ…

Lòng nhân ái, sự xót thương bất lực của viên chuẩn úy khi muốn đưa người du kích bị thương nặng lên chuyến bay tải thương nhưng bị từ chối,và hai đứa con của người du kích, bé xíu nhưng hiếu để và ngây thơ trước xác chết của cha, là một sự dữ dội khác. Đó là người du kích đã ném quả lựu đạn làm người lính truyền tin của anh chết ngay, rồi sau đó một tràng đạn M16 của một người lính khác trong cùng toán quân bắn trả, và kết quả là người du kích bị thương nặng. Nó làm tim người đọc nhói đau, không biết phải thương hay ghét người du kích, không biết phải đồng tình với viên chuẩn úy non trẻ muốn cứu người du kích hay viên đại úy dày dạn kinh nghiệm chiến trường muốn bỏ mặc người du kích vì anh ta đã giết (chắc không phải một lần) những đồng đội của ông.

“Đường Kiến”, với tôi, là tận cùng của dữ dội và phi lý của chiến tranh, là sự độc đáo trong phát hiện và sử dụng chất liệu sống để viết thành truyện. Tôi không biết ông KVD tự tưởng tượng ra một câu chuyện như Đường Kiến hay từ một sự việc có thực nào đó. Mà dù nhà văn có dựa trên sự thật hay tự tưởng tượng ra được một câu chuyện như Đường Kiến thì quả thật là xuất sắc! “Thông điệp” mà tôi tìm thấy trong Đường Kiến là: những con vật nhỏ xíu như đàn kiến đã cứu sống con người (người lính VNCH bị lạc giữa rừng già) nhưng con người (người du kích VC) đã giết chết con người bằng những cái bẫy. Ôi con người với con người, nhân danh gì để hủy diệt sự sống cùa nhau?(2)

Mở đầu truyện là những câu chữ đầy ám ảnh:

Khu rừng không giấu nổi bộ mặt tàn nhẫn và thô lỗ. Nó không mang vẻ huyền hoặc quyến rũ của một thế giới chưa tỏ lộ. Màn bí mật bao trùm, che dấu những âm mưu thâm độc.

Nhưng mãnh thú và mãnh cầm không can dự đến việc gây cho chàng cái cảm giác sợ hãi và kinh tởm, mà chính do con người.

Sau một thân cây, trên chòm lá rậm, dưới lớp cỏ mục khô. Mọi nơi,

Một nhát mã tấu

Một mũi tên độc

Một hầm chông

Một viên đạn bắn sẻ,

Cùng tự che giấu và xuất hiện bất thần để làm thành vô tri những thân thể đang chứa chan sinh lực, đưa những linh hồn xanh tươi, chưa hết ngỡ ngàng, trao cho lão già cầm liềm hái, ốm đau nhưng không bao giờ biết mỏi mệt trong công việc

Rồi một ngọn lao tẩm thuốc độc của người phía bên kia trong chớp mắt đã giết Hoàng, người bạn cùng đơn vị cùng lạc giữa rừng già với chàng. Đúng là cuộc đời dài bằng một hơi thở, chớp mắt, như đức Phật đã nói. “Chàng”, nhân vật chính   trong truyện, rơi vào một cảnh ngộ thê thảm cùng đường.

Chàng không còn lường được độ cảm xúc ở nơi chàng. Chàng không còn giữ nổi ý niệm về sự phân cách tuyệt vọng giữa cõi sống và cõi chết. Giữa hai cõi đó không còn một giới hạn rõ ràng nữa. Chàng lầm lẫn. Chàng tự hỏi: “Ta đang sống hay đã chết?” Và điều đó đối với chàng chẳng có gì quan trọng. Nếu biết rằng chàng đang sống, chàng cũng không vui gì hơn khi biết mình đang sống trong cõi chết. Chàng sờ vào cái xác Hoàng cứng đơ, lạnh ngắt. “Xác Hoàng hay xác ta? Hoàng đã chết thật hay Hoàng đang yên ngủ?”. Nhưng ngọn lao tẩm thuốc độc xuyên qua hông Hoàng kéo chàng ra khỏi cơn mộng. “Hoàng thực đã chết rồi”. Thuốc độc đã thấm vào thân thể Hoàng, cướp lấy sự sống của Hoàng một cách nhanh chóng. Chỉ bằng một chớp mắt. Cõi sống và cõi chết được phân định sau một cái chớp mắt. Người ta không lường được. Người ta không ngờ được và tưởng chừng như chàng đang nằm mơ. Nhưng giấc mơ khi tỉnh dậy không thay đổi. Đó là sự thật.

Chàng đã nghĩ, mình cũng sẽ chết đớn đau chết dần mòn vì đói khát. Nhưng đàn kiến, dấu hiệu của sự sinh tồn, đã cứu chàng. Chàng cố bò lết theo đường đi của đàn kiến đang mang vác từng hạt cơm từ gói cơm của một người du kích chết vì sụp hầm chông của chính đồng đội anh ta. Chàng đến nơi, cái hầm chông ấy, cùng đàn kiến. Chàng ăn nửa gói cơm gói bằng lá chuối đã bắt đầu có mùi thiu giắt bên hông xác chết người du kích. Chàng uống một phần nước còn lại trong ống tre của người du kích. Chàng hồi sinh diệu kỳ. Và chàng trả ơn người du kích bằng cách đào huyệt chôn anh ta, một chi tiết rất nhân bản.  Chàng làm việc này mà không câu nệ bạn hay thù. Khi rời xác Hoàng để tìm đường sống, chàng yếu ớt vì đói khát đến nỗi không đào nổi một cái huyệt nông cho Hoàng, đành lấy lá phủ lên xác bạn, tự an ủi rằng dù sao thân xác Hoàng nằm lại cũng còn có một “lợi ích cuối cùng” nhờ cái vòng tuần hoàn sinh học trong cõi người.

Hoàng chết rồi, ta yếu đuối không thể chôn cất Hoàng tử tế được. "Những chiếc lá khô nầy, che dấu mày. Hoàng ơi! Ta cầu mong rằng sẽ không có một con cọp đói đi qua đây. Thịt xương mày rồi sẽ rã mục ra trong đất. Từ đó một đám cỏ xanh hay một giống hoa nào sẽ mọc. Những con ong đến hút nhụy làm mật. Mật sẽ nuôi sống một con gấu. Đó là sự lợi ích cuối cùng mày để lại trên mặt đất nầy…”

Bi kịch là chàng hồi sinh nhưng không được sống tiếp tục để trở về với mẹ với vợ con, như trong cơn mơ mệt nhọc giữa rừng lúc chàng lịm đi vì quá đói khát. Chàng chết trong lúc cúi xuống xác người du kích để bỏ vào túi anh ta gói giấy tờ ghi lai lịch anh ta. Và mìn nổ. Và chàng tan xác, với một bàn tay có đeo chiếc lắc bạc có chi tiết về nhân thân của chàng vắt lên cành cây. Nhưng bi kịch chưa chấm dứt ở đó. Bi kịch khủng khiếp hơn là thân phận thực sự của chàng bị đảo ngược vì sự tắc trách và vô tâm của người viết tin trên báo chí sau đó: nhân thân của chàng bị thay đổi, chàng trở thành cái xác du kích thứ hai. Như vậy chàng đã chết hai lần. Đất trời mênh nộng, ai cải chính giùm chàng cái thân phận này! Chỉ trời đất biết, cỏ cây biết, nhưng trời đất cỏ cây không biết nói...

Truyện nào của KDV cũng dữ dội, và đôi khi kỳ dị, nhưng không phải chỉ có những chuyện trực diện về chiến tranh. Các mối quan hệ giữa con người với nhau trong thời chiến cũng quá xa khỏi mức bình thường trong truyện của KDV, và có khi rất tàn nhẫn. Trong truyện “Thầy Thích” , mấy gã lính Mỹ hành hạ một em bé chỉ để làm trò vui. Đứa bé sắp chết. Thầy giáo Thích can thiệp, dù yếu thế vẫn đánh nhau với bọn lính Mỹ để cứu đứa bé. Thầy bị săn đuổi, trốn trên căn gác của mẹ. Và thảm kịch xảy ra.

Trên căn gác Thích nghe rõ mọi chuyện, lật đật nhớm người lên thò đầu ra ngoài cửa sổ. Từ đó anh có thể lòn người qua, nhảy xuống nóc chuồng heo rồi phóng ra vườn chuối sau nhà trốn đi. Nhưng anh vừa lòn được nửa người ra ngoài thì hai gã lính Mỹ bố trí bên hông nhà trông thấy. Một loạt đạn nổ dòn, tiếp theo ngay tiếng lựu đạn chát chúa, miễng văng lên mái tôn ào ào như rải sạn. Thích đứt lìa làm hai khúc. Nửa thân lòn ra ngoài nát vụn, phần còn lại phía trong rơi xuống sàn căn gác tối om.

Gã lính Mỹ vừa dợm đặt chân lên thang lầu, nghe tiếng nổ vội nằm xuống rồi vùng chạy ra. Hai gã gác ngoài vừa làm xong nhiệm vụ khoác tay nói:

- Xong xuôi. Tốt! Họ bấm đèn dọi lướt qua soi bức tường tung toé máu tươi, chảy xuống từng dọc, đọng lại ở chân tường. Trong chuồng, tiếng kêu ư ử của con heo bị thương lẫn trong tiếng nhai xàm xạp. Chung quanh xóm, mọi nhà đều tắt đèn đóng cửa kín mít.

Sáng hôm sau, người ta lùa mấy con heo mỏ đỏ máu ra khỏi chuồng. Đến trưa nửa phần thân thể còn lại của Thích, sau khi chính quyền đến làm biên bản, được đem xuống tẩm liệm với mấy mẩu xương vụn heo gặm còn sót lại trong chuồng, cùng một manh áo sơ mi rách nát đẫm máu và phân heo. Người lấy xác là bạn thân của Thích. Anh kể chuyện, trước khi đem xác bạn xuống anh có khấn vái xin phép vong hồn thầy giáo Thích. Vừa dứt lời thì từ trong nửa cái xác đã cứng lạnh máu tươi chảy ra lênh láng.

Điều kinh khủng là những con heo đã ăn phân nửa xác của thầy Thích bị rơi xuống. Người trong xóm nhiều ngày sau đó không dám ăn thịt heo... Điều nghiệt ngã nhất trong truyện là: thầy Thích có cha bị Việt Cộng chặt đầu, thầy bị lính Mỹ giết một cách thảm khốc, em gái thầy (cô Cúc) “nhảy núi” theo VC để trả thù cho thầy và mẹ thầy mất trí nói lảm nhảm suốt ngày sau cái chết của thầy. Cả một gia đình tan nát.

Hình như với nhà văn KDV, chiến tranh là nguồn cơn của mọi bi kịch. Ở đó nhiều lúc cái “con” lấn át cái “người” trong một con người và trong những con người. Truyện “Những Chiếc Mặt Nạ Cười”, “Phiên Tòa” và “Lão Hạ” cho thấy rất rõ điều này. Trong các truyện vừ a kể, các nhân vật chính ban đầu đều rất “người” nhưng càng về sau đều trở thành “con”. Trong “Những Chiếc Mặt Nạ Cười”, cậu học sinh trung học Thanh mơ mộng hiền lành ngày nào, từng ước mơ trở thành nhà thơ, đã biến thành tên thẩm vấn viên ác quỷ ở trại giam. Trong “Phiên Tòa”, cùng đồng cảnh ngộ lao công đào binh trong trại giam, nhưng hai kẻ có vị thế mạnh hơn một chút, một chút thôi, đã hành hạ không thương tiếc những người bạn tù yếu thế hơn. Còn lão Hạ, nhân vật chính trong truyện cùng tên, là một trường hợp dị kỳ (thực ra, trong hầu hết các truyện ngắn của KDV đều có ít nhiều yếu tố dị kỳ, và chính nhờ vậy mà truyện ông rất lôi cuốn). Lão Hạ là một người xẻ thịt heo và là người bán thịt bình thường. Thị xã của lão bị cô lập do các trận đánh liên miên, nguồn thực phẩm bị cắt đứt, dân trong thị xã bị đói kém trầm trọng. Đây là cơ hội để lão nẩy ra ý tưởng làm một việc vô tiền khoáng hậu: xẻ thịt xác người chết vì chiến tranh bị đánh cắp từ quân y viện và bán ra với “nhãn mác” thịt heo trong cửa hàng thịt của lão! Tất nhiên lão bị bắt khi sự việc bại lộ. Tất nhiên lão phải ra tòa, nhưng với một nhân dạng rất tiên ông đạo cốt rất “người”, trong khi việc làm của lão thì rất “con”. Tòa án chưa xử xong thì lão Hạ đã chết vì bệnh. Trước khi chết lão viết một bức thư dài gửi lại cho tòa

Bức thư lê thê của lão Hạ gửi tòa án với những suy tư về chiến tranh, về những vấn đề lớn và mang tính “hàn lâm” khác, có vẻ không không phù hợp lắm. Không riêng gì truyện Lão Hạ, trong hầu hết các truyện của KDV, ông thường cho các nhân vật  “phát ngôn” kiểu ấy và hay nói “triết lý”, một kiểu suy nghĩ và phát ngôn không phù hợp với tính cách, nghề nghiệp, giai tầng xã hội của họ. Có vẻ như nhà văn nghĩ và nói chứ không phải nhân vật nghĩ và nói. Với tôi, đây là một điểm trừ ,dù truyện ngắn của KDV rất hay nhờ tính dữ dội, dị kỳ và độc đáo. Phải, dữ dội, kỳ dị, độc đáo, và lôi cuốn. Đó là chưa kể ông có những đọan tả cảnh đẹp như tranh vẽ, có lẽ vì ông còn là một họa sĩ.

NGỌC BÚT
Sài Gòn, 15.12.2022

(1) Tất cả các đoạn văn in nghiêng là trích đoạn từ các tác phẩm KDV

(2(2) Thơ NB