Monday, September 11, 2023

3026. VỊT BẮC KINH Truyện ngắn LING MA Nhà Văn Trung Hoa Ở Mỹ • NGU YÊN dịch và giới thiệu

Nhà văn Ling Ma




Giáo sư phụ khảo về nghệ thuật tại đại học Chicago. Sáng tác đầu tiên, Severance, lãnh giải Kirkus năm 2018, và vào chung kết giải Hemingway Foundation/PEN.

 

Truyện Ngắn

VỊT BẮC KINH

Peking Duck

Năm đầu tiên sống ở Mỹ, cha mẹ đưa tôi đến thư viện có mục đích khuyến khích việc học anh ngữ. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, tôi phải đọc từ 10 đến 15 cuốn sách mỗi cuối tuần. Mặc dù thích sách tranh ảnh, nhưng bị mẹ thúc giục bắt đầu đọc sách cao cấp hơn, sách viết nhiều chương. Mẹ nói: “Chỉ cần có chữ là đủ rồi. Nếu con không tự nghĩ ra hình ảnh, thì đó là sự thất bại của trí tưởng tượng.”

Đó là lý do tôi tìm đến “Iron & Silk”, một người làm trong thư viện đã giới thiệu cuốn sách dành cho người lớn đọc. Đây là cuốn hồi ký của Mark Salzman, người đam mê wushu, đã theo đợt sóng những người Mỹ đầu tiên được chấp nhận vào Trung Quốc trong đầu thập niên 1980. Ông đã đến Trường Sa và dạy Anh ngữ tại trường Cao Đẳng Y Tế Hồ Nam.

Salzman kể lại, trong một lần học, ông yêu cầu các học sinh đọc lớn tiếng bài luận văn của họ về chủ đề: “Khoảnh Khắc Hạnh Phúc Nhất Của Tôi.” Lớp học bao gồm các giáo viên trung niên đang theo học tiếng Anh. Thầy giáo Zhu là người đọc cuối cùng, ông viết về việc tham dự một bữa tiệc tối ở Bắc Kinh nhiều năm trước. Ông đọc: “Khởi đầu chúng tôi ăn món nguội, chẳng hạn như phá lấu và sên biển. Rồi đến món cá hấp. Sau cùng, món vịt đã đến. Da bóng láng, nâu vàng, và giòn rụm khi đưa vào miệng, tan ra như mây.” Ông kể tiếp những món ăn phụ của vịt Bắc Kinh: da vịt kẹp bánh bao với  hành lá và nước sốt, thịt với rau, súp xương vịt và trái cây.

Khi kết thúc bài đọc, thầy giáo Zhu đặt bản luận văn xuống và thú nhận với Saizman rằng ông chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm này. Đó là ký ức của người khác. Ông nói: “Vợ tôi đi Bắc Kinh và ăn món vịt. Rồi thường kể cho tôi nghe nhiều lần, lập đi lập lại. Tôi nghĩ, dù không có mặt trong bữa tiệc, nhưng đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi.”

Tôi chưa bao giờ ăn vịt Bắc Kinh, nhưng đó gần như là hình ảnh biểu tượng. Trong một kiếp trước ở Phúc Châu, nó đại diện cho một thực thể nào đó khác với cháo, củ cải muối; bắp cải, canh sườn luộc, hàng ngày, thường thấy trên đài truyền hình buổi tối, lúc xem phim tập xã hội, lấy bối cảnh những người giàu có, trong các quảng cáo quay ở Hồng Kông. Nhưng rồi, sau khi đến Mỹ, đã quên mất chuyện này. Lật xem những cuốn sách tranh, đôi khi tôi lầm vịt Bắc Kinh với những thứ nhìn tương tựa như con gà tây trong chuyện nguồn gốc lễ Tạ Ơn, hoặc món gà quay trong bữa ăn tối ảo giác, xuất hiện với cô bé bán diêm, những món ăn mà cô chỉ tưởng tượng nhưng chưa bao giờ nếm thử.

2.

Khi tôi đến Mỹ, trời mùa đông, cha mẹ đã sống nơi này vài năm. Ở sân bay, khi vừa ra khỏi phi cơ, thấy một phụ nữ lao đến vô cùng nhiệt tình, khiến tôi phải lùi về phía ông nội, người dẫn tôi qua đây. Cánh cửa gương đẩy đóng lại ở giữa, khi tôi nhận ra bà là mẹ một cách mơ hồ. Tôi đã bảy tuổi và không ở gần mẹ trong hai năm qua. Nhưng có bà nội với bàn tay những ngón hồng hào khảm vàng, đeo nhẫn ngọc, vỗ về trấn an trước khi tôi chìm vào giấc ngủ mỗi đêm. Bên cạnh cơ thể ấm áp đang ngáy khò khò của bà, tôi thả mình trên giường vạt chiếu tre mát mẻ trong cơn nóng miền nhiệt đới. Nếu trời nắng hơn nữa, bà treo khăn trải giường khắp ban-công để ngăn sức nóng.

Khi tôi đến, có lẽ tháng 12, lờ mờ trong ký ức. Có những cảm giác chỉ tồn tại trong tôi bằng tiếng Anh, nhiều hồi ức liên quan đến mùa đông, được kinh nghiệm lần đầu tiên khi dời chỗ ở đến tiểu bang Utah. Cảm giác đi dạo dưới những gốc thông làm dơ bề mặt sạch sẽ trắng tinh của tuyết mới rơi, mặc chiếc áo khoác phồng lớn, mua giảm giá trong tiệm thuốc Osco, bốc mùi thuốc tẩy nồng nặc, cái mùi mà tôi luôn liên tưởng đến sự nghèo nàn, sự sạch sẽ quá độ. Cảm giác mẹ để khăn ướt lên mặt tôi lau sạch những vết cháo khô. Cảm giác làn da ẩm ướt đang khô lại trong không khí lạnh cứng bên ngoài. Tuy sống chung trong căn hộ một phòng ngủ nhưng rất ngăn nắp, thỉnh thoảng có kiến bò vào phòng tắm. Tôi ngủ nơi phòng khách. Đêm đêm vẫn nghe tiếng ngáy ma quái của bà nội.

Đến nơi khác khác, ngôi nhà hai tầng nép mình trong dãy núi bên ngoài Salt Lake. Trên truyền hình đang phát băng VHS phim “Bambi,” trong khi ngoài sân sau những con nai thực sự nhởn nhơ băng qua, cắn kéo các cành lá trong vườn, cách chúng tôi chỉ một tấm gương trong của cửa kính đẩy.

Mẹ chỉ ra sân. Con nai. Cây. Răng, Ăn. Tôi lập lại các chữ rồi sắp xếp thành câu: Con nai ăn cây bằng răng.

Các bài học tiếng Anh diễn ra trong biệt thự, nơi người ta mướn mẹ tôi trông coi em bé mới biết đi, tên Brandon. Ngôi nhà có tiền sảnh giống như hành lang và thang máy. Không khí uy nghiêm đến ngay cả các nhà truyền giáo Morman cũng gây  phiền hà đến chúng tôi. Hoặc giả vì nhà quá cách biệt không thể đi bộ đến bất kỳ nơi nào khác ở chung quanh. Khi mới đến Mỹ, mẹ dẫn tôi đi làm hàng ngày. Cha lái xe đưa chúng tôi ra khỏi thành phố khoảng nửa giờ, rồi quay lại trường tiếp tục chương trình đại học. Tại tòa nhà, mỗi ngày xoay quanh việc tôi học tiếng Anh. Xem truyền hình “Sesame Street”, chương trình này quá con nít đối với tôi, tuy nhiên, có thể học bảng chữ cái. Rồi viết nhật ký hàng ngày, mỗi lần viết ba đến năm câu tiếng Anh. 

Khi em bé ngủ trưa, mẹ dẫn tôi vào nhà bếp hướng dẫn làm bài tập E.S.L. (Tiếng Anh cho sinh ngữ thứ hai,) mà mẹ đã mua trong các tiệm bán đồ dùng cho trường học. Một câu hỏi yêu cầu nói ra các chữ cái đầu tiên của từ vựng có âm giống nhau như mousr, house, blouse. Pill và hill. Bell và knell. Pail và … Bà gợi ý: “Chữ mà con cảm thấy trong mũi.” Tôi hiểu bà muốn nói chữ “n”, Pail và Nail.

Khi người bán hàng đến gõ cửa, anh ta khó khăn lắm mới hiểu mẹ tôi. Bà nói, anh nên trở lại khi người chủ trở về. Anh ta xem như đây là lời mời vào nhà để trình bày các loại thuốc xịt làm sạch nhà cửa. Nhìn qua lan can, tôi nghĩ anh ta cố tình hiểu lầm, hy vọng sẽ bán được chút gì. Mẹ phát giác tôi đang theo dõi, bảo tôi đi vào phòng khác chơi.

Không hiểu rõ mẹ dạy tiếng Anh như thế nào vì trên căn bản bà nói tiếng Anh ngập ngừng và tắc tị. Khác với cha, bà không học tiếng Anh ở Trung Quốc, thậm chí khi sống ở Mỹ nhiều năm bà vẫn không thành thạo, nói năng không lưu loát. Nhân viên tính tiền tại các cửa hàng tạp hóa thường nhìn bà không nháy mắt, những người truyền giáo Mormon đến chung cư đã từ bỏ ý định cải đạo chúng tôi, những người bán hàng ngoài trời lắc đầu, nói lớn tiếng quá đáng: “Tôi không thể hiểu bà." Mặc dù tiếng Anh không chính xác và sai lầm, bà vẫn đóng vai trò thầy giáo riêng cho tôi.

Mùa đông mà lần đầu tiên được sờ tuyết, và được nếm kem. Trong nhà bếp, được xem xét các loại thực phẩm bằng Anh ngữ trong tủ lạnh và tủ chứa thức ăn. Mẹ kể tên từng món một, những thứ chưa được nghe trước đó: Nước cam Minute Maid, sữa chua chuối và dâu Yoplait, đồ ăn chơi Farley’s Dinosaurs, khoai chiên lát mỏng Lay, Surfer Cooler Capri Sun, đồ ăn trưa. Lập lại từng chữ sau bà. Chúng lơ lửng trong chân không, không tương quan gì đến Trung Quốc. Không được phép ăn bất cứ thứ gì, vì vậy không thể liên tưởng gì từ khẩu vị.

Tuy nhiên, có bing ji ling, cho đến lúc đó, chỉ thấy quảng cáo trên truyền hình. Mẹ lén cho tôi một ít từ chiếc hộp hình chữ nhật, Breyers French Vanilla, nó đặc và ngọt hơn tôi nghĩ, mùi trứng, mờ nhạt vì đông lạnh. Thật ngạc nhiên, tôi không thích nó chút nào, cảm thấy buồn nôn vì mùi vị của nó.

Tôi yêu thích món kem nhất và viết tên của nó vào cuốn nhật ký mà mẹ đã cho để ghi lại những ngày đầu tiên ở Mỹ. Với tôi lúc đó, Anh ngữ giống một trò chơi ngôn ngữ, các từ vựng gắn liền với ý nghĩa bằng những nối kết lỏng lẻo nhất, mong manh nhất. Vì vậy, rất dễ dàng nói dối. Tôi nói thật bằng tiếng Trung Hoa, và bịa chuyện bằng tiếng Anh. Tôi không nghiêm túc với Anh ngữ. Khi ghi danh vào lớp một, tôi nói với các bạn, mình sống trong nhà có thang máy, với những con nai lang thang ngoài sân. Dùng thứ ngôn ngữ mà tôi không có gì để mất, ngay cả khi họ không tin những gì nghe kể.   

3.

Trong một kỳ học chương trình M.F.A. chúng tôi bắt đầu thảo luận về một đoạn trong “Những Câu Chuyện Sưu Tầm” của Lydia Davis. Phần đó có tựa đề: Khoảnh Khắc Hạnh Phúc Nhất”. Mỗi thứ năm hàng tuần, hội thảo diễn ta trong tòa nhà thường dành riêng cho chương trình quản lý khách sạn. Cô hướng dẫn lớn tiếng đọc toàn bộ phần truyện:

Nếu các bạn hỏi cô ta đã viết câu chuyện yêu thích như thế nào, cô ta sẽ lưỡng lự khá lâu rồi nói, có lẽ, cô đã đọc câu chuyện này trong một cuốn sách nào đó: Một thầy giáo dạy Anh ngữ ở Trung Quốc yêu cầu các học viên Trung Quốc kể lại, chuyện gì là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời của họ. Một học viên do dự, rồi ngượng ngùng cười, nói rằng, vợ anh ta đến Bắc Kinh và ăn món vịt Bắc Kinh. Sau khi trở về, thường kể lại cho anh nghe nhiều lần, khiến anh ta xác nhận, khoảng khắc hạnh phúc nhất của anh chính là nghe vợ kể chuyến đi và ăn món vịt Bắc Kinh.”        

Người hướng dẫn nhìn tám sinh viên rải rác quanh bàn họp dưới ánh đèn nê-ông chiếu sáng căn phòng hội thảo và hỏi: “Chúng ta nghĩ gì về chuyện này?”

Chúng tôi bàn bạc về cách cấu trúc câu chuyện và sắp xếp lại một giai thoại. Thom, người được gọi là “Âm mưu Đức Quốc Xã”, cho rằng chuyện này như trò chơi điện thoại, câu chuyện được người này chuyển sang người khác. “Vợ kể chồng nghe chuyện ăn món vịt Bắc Kinh, chồng kể lại cho thầy giáo, xem như là hạnh phúc của chính mình. Thầy giáo viết sách lồng chuyện này vào. Rồi trong hội thảo, cô sinh viên lại diễn tả những gì đã đọc trong sách. Câu chuyện vịt Bắc Kinh được điều chỉnh một lần nữa.”

Chúng tôi bàn thảo về việc sắp xếp lại những gì mà người viết đang cố gắng đạt đến. Tôi kể cho họ nghe “Iron & Silk” (Sắt & Lụa), có cùng một giai thoại. “Câu chuyện của Lydia Davis không dẫn sự vay mượn từ hồi ký của Salzman, nhưng không thể không tưởng tượng có sự liên quan đến cuốn sách đó.”

Matthew, sinh viên Á Châu khác trong chương trình, đã từng đọc cuốn sách này. Anh nói: “Ý tưởng dàn dựng và được dàn dựng lại cùng một giai thoại, đưa đến câu hỏi: ‘Liệu nhà văn đang kể chuyện của người khác, có thật sự đảm nhận quyền tác giả hay không?’ Trong tinh thần đó, có thể nào Mark Saizman là tác giả câu chuyện của học viên của ông?

Cùng nhau khai thác vấn đề, thảo luận giữa việc bắt chước câu chuyện của ai đó và việc làm cho câu chuyện trở nên mới mẻ khi kể lại, nhưng không đi đến kết luận khả quan. Đến một lúc, Allie, một sinh viên giỏi nổi tiếng, tuyên bố: “Lúc viết truyện, tự nhiên, nhà văn sẽ là tác giả.” Matthew trả lời, “Nhưng đó chỉ là cái cớ, quyền tác giả không thể biện minh cho sự chiếm đoạt.” Trong khoảng im lặng, người hướng dẫn mỉm cười, lên tiếng lưu loát, “Chà, gay go, đây là điểm tuyệt thú vị, nhưng chúng ta sắp hết giờ. Cần phải bắt đầu khởi sự thực tập.” Cô quay sang tôi, “Hãy bắt đầu bằng câu truyện của bạn.”

4.

Câu truyện thảo luận của tôi kể về một người coi trẻ nhập cư từ Trung Quốc, mỗi thứ sáu, dẫn theo đứa con gái nhỏ đến ngôi nhà lớn, nơi bà đi làm. Truyện viết qua góc nhìn của người coi trẻ, khi bà trải qua một ngày làm việc đáng lẽ bình thường, nhưng bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của một nhân viên bán hàng dạo đến tận nhà, cố gắng bán cho bà thuốc tẩy rửa. Kết cuộc cuối ngày bà bị đuổi mất việc. Con gái bà theo dõi diễn tiến.

Cô hướng dẫn lên tiếng vui vẻ, “Chà, Đây là câu truyện thú vị. Hãy mở cuộc thảo luận. Ai có suy nghĩ gì không?”

Thom luôn luôn ý kiến đầu tiên. “Cách diễn đạt tiếng Anh trong truyện này giống như thứ gì giả tạo. Ý tôi muốn nói, lời tường thuật ở góc nhìn ngôi thứ nhất rất trơn tru, rõ ràng, so với nhân vật chính không thông thạo tiếng Anh.”

Một số người khác lập lại một ít cảm nghĩ của Thom về sự lúng túng cố nhiên khi diễn đạt kinh nghiệm của một nhân vật như vậy bằng tiếng Anh, nhưng họ không thống nhất giải pháp để giải quyết vấn đề. Vài người đề nghị có thể viết bằng loại tiếng Anh lai (như tiếng Anh Hồng Kông, Ấn Độ?), nhưng một sinh viên khác phản đối vì không muốn cách thức này trở thành kuôn mẫu. “Sử dụng tiếng Anh lai sẽ thổi phồng nhân vật không đủ tài nói năng và biến tác giả thành kẻ nhập cư.”

Từ cuối bàn hội nghị, Mathew tằng hắng. Dường như trong cách thế nào đó, tôi chờ đợi anh phê phán. Anh cố tình nhận xét. “Cho dù câu truyện viết bằng tiếng Anh thuần túy hay tiếng Anh lai, đó chỉ là chủ đề nhàm chán của người Mỹ gốc Á. Những câu chuyện khó khăn của người nhập cư và những bất hạnh giữa các thế hệ.”  

Không thể nhìn thằng vào Matthew. Luận điểm của anh ta là một cuốn tiểu thuyết tây phương, theo cách nói, chất vấn nam tính của da trắng. Bên ngoài lớp học, đôi lần trò chuyện, anh ta gần như chỉ nói về mùa hè ở Đài Loan, nơi để dành thời giờ chơi bóng rổ với các anh em họ. Trở về lại lời nói của anh đang nhận xét. “Thực ra không ích gì khi đây chỉ là sự thể hiện khuôn mẫu của người phụ nữ Trung Quốc nhập cư.”

Trong sự im lặng khó chịu, cô hướng dẫn tằng hắng rồi hỏi. “Đối với chúng ta đang ở đây, nhiều người có thể không quen thuộc, bạn có thể mở rộng khuôn mẫu này hay không, Matthew?”

Tôi nhìn anh ấy.

“Đúng. Giống như, khi người bán hàng tự động đi vào nhà, bà ta chỉ đi theo. Bà quá thụ động. Chuyện này phù hợp với hình ảnh những người phụ nữ nhu mì, phục tùng, mà chúng ta nhìn thấy mọi lúc. Không thực tế.” Anh ta nhấn mạnh. “Đó là một kiểu kịch hát rong của Á châu.”

Khi không ai muốn nói, thì Thom nói. “Câu truyện này có phải là tự truyện không?”

Allie nhắc nhở. “Người viết không được phép trả lời trong cuộc hội thảo.”

Dường như có một chút lắng dịu trong căn phòng.

Cô hướng dẫn gượng gạo xen vào. “Tôi thấy câu truyện thật thú vị. Cho thấy sự khác biệt trong văn hóa đồng hóa, sự thông thạo tiếng Anh có thể khiến hai mẹ con nhập cư này  xa cách nhau như thế nào.” Giọng cô cất lên cao. “ Rồi sau đó là những khoảnh khắc dịu dàng đáng ngạc nhiên…”

5.

Mẹ chỉ uống nước lạnh trong nhà hàng. Bất kỳ đồ uống nào khác chỉ là phung phí không cần thiết. Vì bà là mẹ tôi, tôi cũng làm theo, mặc dù, từ lâu bà đã từ bỏ việc giảng cho tôi nghe về sự tiết kiệm. Một vài tuần trước khi cuốn sách của tôi phát hành, đưa bà đến một nhà hàng Trung Quốc sang trọng, một phòng tiệc khá trống trải với vịt quay treo ở cửa sổ phía trước. Nhà hàng nổi tiếng món vịt Bắc Kinh, đứng hạng nhì trên thế giới theo một tạp chí du lịch đánh giá.

Khi anh phục vụ đến, tôi gọi những món ăn thông thường bằng tiếng Anh. “Thế này, chúng tôi muốn B16, C7, F22. Để khai vị, cho chúng tôi A5 và A11

Mẹ đặt thực đơn xuống, nhìn tôi. “Đây là cách con đặt món ăn sao? Giống như một máy tính.”

Anh phục vụ nói tiếng Anh. “Tốt quá. Tôi sẽ mang hai món khai vị ra trước.” Anh là một thiếu niên Trung Quốc trong lực lượng không quân 1 (Air Force 1).

Trước khi món ăn dọn ra, đưa cho mẹ cuốn sách của tôi, bản ưu tiên cho tác giả. Một tuyển tập truyện với tấm bìa về Trung Quốc khá mơ hồ, có quả Hồng trong chiếc bát thời nhà Minh. “Sách sẽ ra mắt tháng tới.”

“Vậy là bản sau cùng rồi phải không? Mẹ sẽ đưa cho cha xem khi về nhà.” Bà ngắm nghía sách đầy vẻ hoài nghi, như thể tấm vé số lotto chẳng bao gờ trúng. Ở trang bì gấp, bà cau mày nhìn quảng cáo. “Những truyện này đã in rồi phải không?”

“Một số thôi. Tất cả được tuyển chọn vào chung một sách.”

“Người ta có thể đọc miễn phí ở những nơi khác?”

“Mẹ đã đọc truyện nào chưa?”

“Mẹ đã xem truyện người coi trẻ mà con gửi cho.” Bà cất cuốn sách vào ví. “Con lấy ý tưởng đó ở đâu?” Bà hỏi với giọng chế giễu nhẹ nhàng, giả vờ muốn tìm hiểu. 

“Truyện người coi trẻ, rõ ràng là dựa vào chuyện của mẹ ở Salt Lake.”

Chúng tôi thường bắt đầu bằng tiếng Anh, nhưng sau cùng tất cả những lần trò chuyện đều chuyển sang tiếng Quan Thoại, ngôn ngữ mà mẹ tôi nhanh nhẩu nhất, tung ra những lời xúc phạm, và đóng vào những phê phán bằng lời lẽ ẩn ý như át-xít. Mặc dù không thông thạo tiếng Quan Thoại, nhưng tôi vẫn nỗ lực đáp ứng. Tiếng Anh của bà rất khó hiểu, nghe càng khó hiểu hơn. Thật không dễ dàng để  điều chỉnh thế giới bị che đậy sự thiếu tử tế của người khác bằng lớp vỏ mỏng tôn trọng tự do.

Anh phục vụ quay trở lại mang ra món khai vị và món chính, đặt xuống bàn: đĩa đậu gà giả cầy, củ sen, đọt đậu xào tỏi, đậu hũ mapo, và các chai muối tiêu, ớt cay thái hạt lựu. Tất cả nấu quá nhanh khiến tôi băn khoăn về chất lượng. Rót thêm nước lạnh cho chúng tôi, anh hỏi: “Quí khách còn cần gì nữa không?”

Không đổi sang Anh ngữ, mẹ yêu cầu đĩa ăn phụ măng cay.

Anh nói: “ Ồ, xin lỗi, bà nói gì?”

Tôi lên tiếng: “A2”. Anh ta vội vàng rảo bước. Mẹ tỏ vẻ sắc sảo cắn một miếng đọt đậu, rồi ngửi. Tôi hỏi: “Mẹ thấy thức ăn ở đây có ngon không?”

“Mẹ thích món ăn đơn giản.” Không xác nhận cũng không phủ nhận. Có lẽ, thật khôi hài khi đến nhà hàng nổi tiếng vịt Bắc Kinh, lại gọi những món ăn thông thường. Nhưng vì cả hai mẹ con đều không thích vịt, vì lớp da đầy mỡ. Bà sửa lại lời nói một cách giả vờ. “Không, không, không đúng. mẹ nên nói là mẹ thích lắm. Đồ ăn ngon nhất.”

“Nhưng mẹ chẳng bao giờ nói những lời này.”

Bà mỉm cười kiểu con mèo Cheshire. “Nhưng mẹ không muốn giống các bà mẹ Trung Quốc bình thường, không bao giờ hài lòng, thường la mắng con cái và liên tục nói, nói, nói.”

Bấy giờ, tôi hiểu được. “Mẹ có nghĩ, chính mẹ ở trong những câu chuyện như vậy không?”

Đột nhiên bà nổi giận. “Mẹ phải nghĩ gì? Có rất nhiều bà mẹ trong truyện của con, nhưng tất cả đều đau khổ. Có cần phải đau khổ nhiều như vậy không?”

Nhìn xuống đĩa của mình, đầy cơm Tứ Xuyên. “Thật ra, không phải tất cả các bà đều đến từ mẹ. Con không cố ý sử dụng kinh nghiệm của mẹ.”

Bà lập lại như muốn nói với bản thân. “Con không cố ý sử dụng kinh nghiệm của mẹ, thì viết những chuyện ấy làm gì?”

Câu hỏi khiến tôi ngạc nhiên. “Câu truyện về người giữ trẻ dựa trên mẹ nhiều nhất so với những chuyện khác. Đó là những gì đã xảy ra với chúng ta khi mẹ làm bảo mẫu. Con muốn trình bày sự khó khăn ấy như thế nào …”

“Nhưng làm sao con có thể biết hết những gì đã xảy ra? Chỉ xảy ra cho mẹ, không phải cho chúng ta. Lúc đó, con còn quá nhỏ để hiểu. Con không có mặt trong phòng. Mẹ chắc chắn như vậy.”

“Con ở ngoài hành lang lắng nghe. Rồi mẹ kể lại khi con lớn lên. Các chi tiết hết sức phiền phức.”

Bà mỉm cười một cách khó hiểu. “Nhưng con không cứng rắn đủ. Con cần phải mạnh mẽ hơn. Ông ta chỉ là người đáng thương. Con biến ông thành kẻ gần như nguy hiểm.”

“Ông ta nguy hiểm, khó lường. Lúc thì tử tế, lúc thì kinh khiếp. Những gì ông nói với mẹ, thật sự đau lòng.”

Bà thở dài: “Xem chừng chúng ta không giống như người Mỹ. Không cần phải nói ra tất cả những chuyện khiến đời thêm bi quan. Mẹ không thể vượt qua nếu cứ suy nghĩ mãi chuyện này, nhưng mẹ đã tiến tới. Mẹ nêu ra tấm gương tốt cho con. Và con đã có một thời trẻ thơ sung sướng.”

Uống một ngụm nước. Chuyện này chúng tôi đã tranh luận trước đây. Chẳng ích lợi gì khi phải nhắc lại một triệu lần về thời trẻ thơ của tôi, đi học bị bắt nạt. Nhưng điều tồi tệ nhất là cách mẹ thường xuyên khuyến khích tôi nói dối với bà, phải giả vờ mình vui vẻ, sung sướng ra sao. Bà thường đặt những câu hỏi như: “Con rất nổi tiếng ở trường phải không?”, “Con có nhiều bạn lắm, phải không?”, dụng ý tôi phải trả lời theo ý của mẹ. Bà không thể không biết tôi đang nói dối, nhưng lại muốn đắm mình vào đó. Bà cần có niềm tin, tôi đang phát triển mạnh ở Mỹ, hạnh phúc của tôi phải trả bằng cái giá của bà, hơn là thừa nhận cả hai chúng tôi đều khốn khổ ở đất nước này.

Lần này, thay vì phải cãi nhau, tôi chỉ nói đơn giản. “Bác sĩ trị liệu tâm lý của con nói, tốt hơn hết là thừa nhận thực tế.”

Bà tỏ vẻ bối rối khi tôi nhắc đến việc trị liệu tâm lý, điều có thể đoán trước là cuộc trò chuyện chấm dứt ở đây. Chúng tôi ăn trong im lặng, máy truyền hình phát những hình ảnh giới thiệu các món ăn của nhà hàng. Trong một đoạn, người dẫn chương trình nói, món vịt Bắc Kinh có từ thế kỷ 14. Anh ta nhìn thẳng vào khán giả như muốn phá vỡ sự ngăn cách. “Vì vậy, hãy nhớ khi quí vị ăn một miếng thịt quay hấp dẫn, tức là quí vị đang ăn một phần lịch sử.”

Anh phục vụ trở lại. “Quí khách cảm thấy như thế nào?”

Tôi nói. “Ngon lắm. Chúng tôi sẽ bỏ hộp mang về những phần còn lại này.”

Mẹ quay sang anh ta, nói bằng tiếng Quan Thoại, hướng dẫn tỉ mỉ cách gói thức ăn thừa.

Chờ bà nói xong, anh cười hổ thẹn. “Xin lỗi, tôi không nói được tiếng Trung Quốc.”

6.

Đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho bọn trẻ, chuông cửa reo. Ngôi nhà ở trong vùng hẻo lánh bên ngoài Salt Lake, việc khách đến thăm là không bình thường. Đôi khi, phớt lờ tiếng chuông cửa, như không bắt điện thoại, để máy tự động trả lời hoặc ghi nhận lời nhắn. Cả nhà đi vắng, xin nhắn tin vào máy. Nhưng hôm nay, cảm thấy bồn chồn, lấy thang máy đi xuống, ra phòng trước, mở cửa.

“Xin chào cô.” Người đàn ông cầm hồ sơ trong bìa kẹp đi với một người phụ tá mang sản phẩm vệ sinh làm sạch nhà cửa. “Tôi chỉ xin hỏi, nhà cửa của cô dọn sạch như thế nào?” Anh đưa lên chiếc bình xịt tẩy sạch và thông báo, ngay từ hôm nay,  tôi có thể giữ để dùng thử trong một tuần. Nếu như tôi thích, công ty sẽ có chương trình trả góp cho toàn bộ sản phẩm. Sự nhiệt tình khiến anh nói rất nhanh, tôi không thể hiểu hết. “Chỉ cần thử trong một tuần, tôi sẽ trở lại để xem cô nghĩ như thế nào?”

Mặc quần jean và áo sơ mi kẻ sọc, anh trông không giống một người bán hàng. Mái tóc vàng dài luộm thuộm và bộ râu dê không được chải chuốt cẩn thận. Anh nhìn tôi rồi bước qua vào phòng lớn lát gạch sáng bóng, nơi tiếng nói vang to, vào thang máy dẫn lên tầng hai, dọc theo lan can, anh ta đi khắp nơi. “Không, tôi không phải chủ nhà.” Tôi mỉm cười lịch sự, anh ta do dự: “Như vậy, cô là người giúp việc?”

“Tôi giúp việc ở đây, nhưng không dọn dẹp vệ sinh.” Cảm thấy không cần thiết phải nói ra việc tôi chăm sóc hai đứa trẻ, con gái tôi và cậu Brandon. “Anh có thể trở lại khi các chủ nhân có mặt tại nhà, không chừng họ sẽ mua.”

“Vâng. Phải rồi.” Ngưng lại một lát, anh tiếp tục. “Tuy nhiên, sản phẩm này phù hợp với mọi người. Có thể dùng làm sạch mọi bề mặt. Để tôi chỉ cho cô xem.”  Vượt qua mặt tôi, đi vào phòng lớn, bắt đầu lau sạch chiếc ghế gỗ dài cạnh bên thang máy.

Khi mới đến Mỹ, tôi làm việc cho một công ty vệ sinh. Trong quá trình đào tạo nhân viên, người quản lý nói, các người làm vệ sinh phải ngồi xuống khi lau sàn nhà bằng khăn giẻ. Rồi ông nhìn chúng tôi, những phụ nữ đang quỳ và lau bằng tay. Tại sao không sử dụng chổi quét và cây có gắn giẻ ở đầu? Không phải là chó, tôi bỏ việc.

Anh ta quỳ trước mặt tôi đánh bóng chân ghế dài, sau đó, bò lên sàn. Thật kỳ lạ, anh không hề cảm thấy xấu hổ trong tư thế tự nguyện như vậy. Có lẽ, anh muốn tôi cảm thấy thương hại. “Có thể, chúng tôi sẽ mua sau.”

Anh nhìn lên. “Thưa cô, sản phẩm này không bán trong tiệm.”  Không biết có phải anh bấm nút hay không? Thang máy ngừng lại, mở cửa, anh bước vào, xịt ống tay cầm bằng kim loại và bảng điều khiển có hai nút bấm. Không biết phải làm gì, tôi bước vào theo. Móng tay anh dính đất, áo quần bốc mùi xăng, khiến tôi liên tưởng đến bộ máy nông nghiệp. Dường như thang máy không đủ chỗ cho hai người. Anh hỏi, “Cô làm gì hôm nay?”

“Hôm nay rất bận rộn. Tôi sữa soạn thức ăn trưa.”

“Hay quá, tôi cũng có thể ăn trưa à.” Anh nở nụ cười. Khi cửa mở, anh bước ra ngoài, ngạc nhiên nhìn phần còn lại của ngôi nhà, nhìn xuống thung lũng và núi đồi bên dưới.

Thật may quá, con gái tôi không có quanh đây. Nó đang ở trong căn phòng khác. Còn cậu Brandon, đành nhịn thua một chút.

“Cả ngày tôi chưa ăn gì cả.” Anh ta tự mình ngồi vào bàn trong bếp, đẩy những phiếu mua hàng giảm giá của tôi rớt xuống sàn. Rồi nhìn tôi vẻ mặt tỉnh bơ, lúc đó, tôi nhận ra tình hình có vẻ bất thường. “Cô định nấu món ăn tàu nào cho tôi ăn?”

Tôi không biết nấu món ăn tàu.” Trả lời khá lịch sự.

“Thôi đi, sao không biết.” Dấu hiệu đầu tiên thiếu kiên nhẫn. “Còn món Gà Xào Hành Nấm thì sao?”

“Nấm?” Tôi biết anh muốn nói gì.   

Không, gà xào với hành nấm. Đó là món ăn thường thấy trong các thực đơn.”

“Ô, tôi không biết.” Rồi lắc đầu.

Anh ta khó chịu. “Thôi nào. Tôi không yêu cầu  thật đâu, chỉ muốn đùa với cô.”

“Lúc còn ở Trung Quốc, tôi không ăn món gà này.” Nói một cách nhẹ nhàng, để xoa dịu. Giữa hai người, tôi kinh nghiệm hơn. Trước khi anh nổi giận, tôi nói: “Tôi biết làm trứng với cà chua.”

“Giống như Bánh Kép Trứng Chiên?”

“Không phải, trứng và cà chua, xào với rượu gạo và đường.” Đây là món ăn giả chiến trong bữa cơm tối.

Ngẫm nghĩ. “Có vẻ không được ngon lắm. Còn món Vịt Bắc Kinh thì sao?”

“Không có vịt, nhưng món Gà Công Phu được không?” Tôi chế đại tên gọi.

Hơi băn khoăn nhưng rồi chấp nhận. “OK.” Anh ta cảnh cáo. “Phải là món ăn Trung Quốc thật.” Tôi không biết Gà Công Phu, định nói là Gà Wushu.

Trong tủ lạnh còn dư một con gà quay. Dùng tay xé nhỏ phần thịt trắng, không dùng dao vì sợ lộ những vết cắt trên sớ thịt. Làm nước sốt bằng đậu nành, dầu và đường. Xào gà với một ít hành lá, đã xé nhỏ thành hình răng cưa. Kết quả có thể là món gà xào Ba Ly khủng khiếp. Điều quan trọng là món ăn Trung Quốc này được anh hài lòng.

Trên nhà bếp có điện thoại gắn trên tường. Cân nhắc rủi ro, để gọi 911, nhưng rồi bỏ ý định này. Quá rõ ràng, anh ta sẽ thấy tôi gọi điện thoại. Nhìn đồng hồ, bây giờ là 2:45  xế trưa. Cha mẹ cậu Brandon, chủ nhân công ty đồ trang sức Mormon, thường ra về sớm hơn vào chiều thứ Sáu, khoảng 3:00 giờ. Chỉ cần đánh lạc hướng anh ta khoảng 15 hoặc 20 phút cho đến khi họ về đến nhà.

Sau khi cắn vài miếng, anh khen: “Món này ngon.” Thật đáng tiếc anh không biết tôi đã chế biến nấu món xập phà lốn, rắc nhiều ngủ vị hương từ chai bột đầy bụi, dùng những gói nước tương xì dầu cũ, tìm thấy trong ngăn kéo, giữ những thứ phụ thuộc các món ăn mua về ăn tại nhà. Tôi sẽ không nấu món ăn này cho bất kỳ ai mà tôi thương mến. Anh ta nghĩ rằng ngon. Tôi gần như ước, có thể nấu cho nó ngon hơn.

Rồi anh choàng tay ôm lấy eo tôi, cả người tôi cứng lại. “Cô biết không, tôi chỉ muốn như vậy thôi.”

“Anh có muốn uống trà không?” Tôi lảng xa tầm tay có thể vói tới.

Tôi muốn uống bia. Nhà có bia không?” Gần như táo bạo, anh ta đứng lên đến lục tủ lạnh. Con gái tôi nhìn lén từ ngưỡng cửa nhà bếp, một chút bối rối. Khó chịu, tôi ra dấu cho con đi đi, nó biến mất.

“Để tôi lấy cho.” Một cách mắng dịu dàng, anh tỏ vẻ thích thú. “Ăn hết đi.”

“Vâng, cô ạ.” Rồi ngồi xuống. Chúng tôi đang chơi trò gia đình. Nhận thấy giống như cách đứa con gái chơi trò này với cậu bé Đài Loan hàng xóm. Con bé quét cửa ra vào bằng cây chổi tưởng tượng và la rầy cậu Đài Loan đã mang đất bụi vào. Cậu ta giả vờ xem truyền hình và phản ứng cáu kỉnh.

Khi tôi đặt lon bia lạnh xuống, anh nói rót vào một ly cao. Khi đang rót, anh ta nói một cách nghiêm túc. “Tôi có thể đưa cô đi khỏi nơi này.” Tay chỉ ra cửa sổ đến một điểm vô định xa xôi. “Tôi sống trong căn nhà gỗ ngoài kia ở trong rừng.”

Nhìn về hướng anh ta chỉ, tôi thấy một dãy núi phủ đầy tuyết. Khi con gái và cậu Brandon xem truyền hình, một mình ngồi đây, tôi thường nhìn ra cửa sổ tam giác, nằm thẳng hàng với mái nhà. Đây là nơi tôi yêu thích nhất, để ngắm cảnh hoàng hôn trong những chiều muộn màng. Có thể ước tính thời gian trong ngày bằng cách nhìn ánh sáng. Đôi khi, cảm thấy phong cảnh ở Utah là đẹp nhất. Ý thích này có lẽ là điều duy nhất níu tôi ở lại với công việc giữ trẻ, với cuộc sống mới mà chồng tôi nhất quyết đeo đuổi.

Anh nói với giọng trầm trầm, đăm chiêu. “Cô có muốn đi với tôi không?”

“Tôi sẽ suy nghĩ.” Như thể quyết định có mua thuốc tẩy của anh ấy hay không. Cảm thấy sợ hãi hơn  mặt ngoài. “Tôi rất bận rộn. Mọi người đều trông nhờ vào tôi.” Tất cả đều lý luận. Ngưng lại một chút, rồi kể thêm nhiều chi tiết. Chồng tôi là sinh viên tiến sĩ năm thứ hai. Được nhận một khoảng trợ cấp nhỏ, cho đến khi tốt nghiệp, tôi đi làm để phụ giúp thêm gia đình. Tôi đã trải qua nhiều công việc trước khi đến làm ở đây, một công việc nhàn nhã. Cảm thấy thời gian trôi qua hơn các công việc trước. Tôi đã gần 35 tuổi. 

“Ô, thật tiếc quá.” Anh nhìn xuống ly bia, đổi giọng nói. “Nhưng cho phép tôi nói thật. Khi người ta nhìn cô, hô biết ngay cô không thuộc vào nơi này.” Rồi vội vã nói tiếp. “Giờ đây, tôi cố sức không làm cô mất lòng, cô tự biết mình khác biệt như thế nào, cách nhìn và cách nói, rõ ràng cô không đến từ đây.”

“Hừm.” Tôi giả vờ đắn đo điều này.

Anh gõ vào gương cửa sổ, chỉ ngôi nhà của anh ở phía xa. “Nơi tôi sống, xa cách với mọi người. Hoàn toàn tự lập. Cô sẽ thấy. Có máy bơm nước, có máy điện riêng. Không có ai ở chung quanh quấy rầy tôi.” Quay lại nhìn tôi. “Cô có thể suy nghĩ lại chuyện này?”

“Không. Tôi không cần nghĩ lại.”

“Ồ, tại sao không?” Sự kích động như chút dầu nóng bắn tung tóe.

“Anh có biết tôi làm gì ở Trung Quốc không?” Vừa nói vừa nhìn ra cửa sổ. Không có gì cụ thể, cây cối, núi non, con đường lượn quanh xuyên qua chúng, xa xa, chiếc xe của người chủ sơn màu be lóng lánh như màu sâm-banh. Họ sắp về đến nhà.

Có lẽ vì nhìn thấy chiếc xe đó, biết có người sắp về, tôi kể cho anh ta nghe nhiều hơn thường lệ, nhiều hơn những gì kể với người chủ nhà. Lúc còn ở Trung Quốc, làm việc cho công ty kế toán, tôi quản trị tài khoản của thị trưởng và các quan chức địa phương nổi tiếng. Thời điểm này, chưa có nhiều lầu cao trong thành phố, văn phòng chúng tôi ở một trong số ít tòa lầu, làm việc cao cấp. Tôi kiếm tiền nhiều hơn chồng, khi đó, còn đang hẹn hò. Suốt hai năm dài, anh viết những lá thư gửi tôi, bộc lộ lòng đam mê mà hầu như không thấy khi gặp mặt. 

Trong thời kỳ cải tạo trong Trung Quốc anh cùng hai chị em gái của tôi được đưa đến vùng nông thôn, làm việc lao động nặng nhọc, hằn lên bàn tay khi họ trở về. Tôi không bị đi, ở lại thành phố vì công việc được xem là quan trọng đới với đảng. Nhờ vậy, chăm sóc được bố mẹ. Đôi khi tự mình cảm thấy như người trẻ duy nhất sống ở đó. Tôi rất thích thời kỳ đó, khi mà mọi thứ như hôn nhân, con cái, đều đã được kế hoạch sẵn, nên hàng ngày không cần phải suy nghĩ đến. Tôi thích biết cuộc sống của mình đi theo một con đường mà mình không cần chịu trách nhiệm.  

Khi kể xong, rời khỏi cửa sổ. Ai biết anh ta hiểu được bao nhiều những gì tôi nói? Không thể nào bày tỏ minh bạch bằng ngôn ngữ mới này.

Anh nhìn tò mò. “Cô có theo cộng sản không?”

“Không.” Không có cách trả lời nào khác.

“Hay quá. Chúng tôi không thích cộng sản ở đất nước này. Cô có biết chúng tôi làm gì với người cộng sản không?” Chẳng biết anh đang đùa hay không? Nghĩ đến những bộ phim Mỹ về chiến tranh lạnh, nhưng chỉ là phim ảnh. Anh ta đứng dậy, cau có. “Cô có biết chúng tôi làm gì với người cộng sản không?”

Không nói gì cả. Lần đầu tiên tôi có cảm giác sợ hãi. Nhìn sau lưng anh ta, thấy đứa con gái đứng ở ngưỡng cửa. Bỗng cơn tức giận tràn đầy, không thể nhịn. “Đi chỗ khác.” Nói với con gái bằng tiếng Trung Quốc. “Đi, đi vào phòng khác.” Khi con gái đứng im. Tôi hét lên. “Cút ngay.” Nó bỏ chạy.

Tiếng cửa nhà đậu xe mở lên vang rền khắp phòng.

Khi đứa con gái mới đến Mỹ, nó khăn khăn đòi tôi kể chuyện trước khi đi ngủ mỗi tối. Một truyền thống do bà nội đặt ra khi nó còn ở Trung Quốc, lúc không có tôi. Đành cố gắng bịa ra những câu chuyện, thuộc loại ngụ ngôn đơn giản lồng vào bài học đạo đức. Ngoại trừ những khi đi đến cuối chuyện, đầu óc tôi trống rỗng, bài học gì đây? Luôn luôn bị thất lạc vì nghĩ nó đã ngủ trước khi chuyện chấm dứt, nhưng nó thường chờ đợi kết luận. Nếu không hài lòng, sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Đứa con gái tôi luôn muốn chuyện có ý nghĩa trong lúc đời sống của tôi chẳng có ý nghĩa gì. Ngay sau đó, bắt đầu đưa con đến thư viện, để đọc cho nó nghe những cuốn sách tranh ảnh, việc này giả quyết được khó khăn, không cần nghĩ ra những kết cuộc.

Kết thúc những gì xảy ra trong ngày hôm nay là ngay khi người bán hàng nghe tiếng mở cửa nhà đậu xe, anh hoảng sợ. chửi thề. Anh vội vã đứng lên. Hất đổ dao nĩa xuống khỏi bàn. Nhìn anh ta lao mình ra khỏi cửa, xuống cầu thang, tôi nghĩ, thật hời hợt. Vấn đề của người lạ ngu ngốc này muốn giải quyết cách dễ dàng bất chấp tất cả những sợ hãi mà tôi cảm nhận.

Bà chủ đi vào bằng cửa nhà đậu xe. Bà nhìn bếp núc lộn xộn, dao nĩa còn vương vãi trên sàn khi anh bán hàng hất xuống. Tôi giải thích mọi chuyện, lòng nhẹ nhõm. Bà hỏi rất nhiều câu, đại loại như: Tôi có mời anh ấy vào nhà? Có thể anh hiểu lầm vì tiếng Anh của tôi? Tại sao không yêu cầu người bán hàng rời đi? Sao lại cho anh ta ăn? Tại sao có lon bia mở trong nhà bếp? Anh ta ép tôi uống một ly bia? Điều gì khiến tôi phải sợ anh bán hàng? Anh ta có vũ khí hay không? Tại sao thức ăn văng rãi khắp nơi?

Tôi trả lời tất cả những gì có thể nói, nhưng bà thường cắt ngang câu trả lời bằng câu hỏi khác, khiến tiếng Anh của tôi bị đứt đoạn, không thể tập trung và bối rối. Khi bà không hiểu hết câu trả lời, sẽ nhìn sang con gái tôi, nó đang háo hức để thông dịch.

Chồng tôi đến đón chúng tôi, đang đứng quan sát từ cửa nhà bếp.

Bà chủ, dường như, nói với chính mình. “Phải nghĩ ra cách giải quyết.”

“Gọi cảnh sát được không?” Chồng tôi gợi ý.

“Chà, thật khó xử. Với những sắp xếp mà chúng ta đã thỏa thuận…” Bà nhỏ tiếng dần.

Muốn nhấn mạnh rõ rệt, chồng tôi nói. “Chúng tôi là những cư dân hợp pháp ở Mỹ.” 

Nhưng tôi biết bà muốn nói gì. Cho dù chúng tôi có thẻ xanh, tôi không thể là người làm hợp pháp, họ phải lén trả tiền cho tôi. Sau cùng, bà nói. “Hãy để tôi nói chuyện với chồng tôi khi ông về. Ông có thể về bất cứ lúc nào.” Bà liếc nhìn đồng hồ, rồi nhìn tôi, chỉ những lộn xộn trong nhà bếp, bà hỏi. ”Bây giờ cô có thể dọn dẹp những thứ này không? Rồi có thể ra về.”

Bằng phản xạ tôi trả lời rất nhanh. “Không.”

“Ý của cô là sao?” Bà nhìn tôi. Có phải bà ấy thực sự nghĩ rằng tôi sẽ phải bỏ hết mọi thứ để dọn dẹp nhà bếp, trong khi chồng con tôi đứng nhìn?

Nghĩ rằng tôi không hiểu, con gái tôi thông dịch tiếng Trung Quốc. “Mẹ, bà muốn mẹ dọn bếp.”

Nhìn sang chồng, muốn anh ta can thiệp, bênh vực tôi. Anh mở miệng, rồi ngậm lại, không biết nói gì. Anh là người dễ chịu, vấn đề là muốn làm hài lòng tất cả mọi người. Đó là cách anh ta sống còn ở đây, anh thú nhận điều này. Nhưng chỉ vì anh muốn sống ở đất nước này, mà tôi phải ngậm đắng nuốt cay.

Bà chủ mím môi. “Nhưng đây là công việc của cô.”

“Không phải. Bà mướn tôi chăm sóc cho cậu Brandon.” Tất cả những lần tôi lau chùi mặt bàn, lò bếp, bên trong microwave theo lời yêu cầu của chủ, vì tôi cố gắng trở thành người giúp việc giỏi, nhưng dọn dẹp vệ sinh, thực sự không phải là việc của tôi. Họ trả tôi thấp hơn số tiền cho một người giúp việc chính thức.

Bà làm thinh một lúc. “Phải có người dọn dẹp. Tôi không phải là người gây ra dơ bẩn.”

Tôi không nói gì.

Con gái tôi lên tiếng. “Con sẽ làm.” Rồi cầm lấy giấy lau. Tôi giật mạnh cách tay nó lại, nó la lên vì đau đớn.

Chồng tôi đề nghị. “Có lẽ nên nói chuyện này vào thứ Hai.”

“Chào cậu Brandon.” Tôi nói trong khi cậu áp chặt thân thể ấm áp vào tôi, trong khi tôi ôm cậu nhẹ nhàng. Biết rằng thứ Hai mình sẽ không trở lại, quyết định như thế. Có thể, rồi sẽ là một quyết định sai, nhưng là một quyết định cần thiết lúc bấy giờ. Không thèm nhìn ai, đi ra cửa trước, ngồì vào ghế phụ trong xe, chờ đợi.

Vài phút sau, chồng và con tôi mới đi ra lối lái xe. Anh nói. “Em không nên làm như vậy.” Nhăn mặt ngồi vào ghế lái và mở máy xe. Lái xuống dốc. Từ ghế phí sau, con gái tôi reo lên. “Mẹ Brandon thật tốt. Bà chỉ muốn biết chuyện gì xảy ra.”

Trong gương chiếu hậu, tôi quan sát đứa con gái. Khi nghe tin tôi sinh nó, cả nhà thất vọng. Ở Trung Quốc, nếu có con, tốt hơn nên sinh con trai. Nhưng tôi, âm thầm sung sướng. Đứa con trai tốt nhất thường tôn thờ mẹ mình, nhưng con gái, có thể hiểu mẹ. Khi bác sĩ nói với tôi, sinh con gái, tôi nghĩ, giờ đây, sẽ có người hiểu mình. Một khoảnh khắc hạnh phúc nhất.

“Đừng nói với mẹ những gì con không hiểu.” Tôi trả lời con bé. Nó chớp mắt, nhưng không nói gì. Đứa con gái im lặng, đó là điều nên làm, và nó nhìn ra cửa sổ. Tôi nghĩ, tốt hơn đừng nhìn tôi.

Nhưng rồi theo bản năng tự nhiên, nó nhìn lên. Chúng tôi nhìn nhau trong kính chiếu hậu. Nó quay mặt nhìn nơi khác.