Một
buổi chiều khi ngồi cùng thầy Trương Hồng Sơn (Trương Vũ) bên bờ kênh
nơi ngoại ô thành phố, tôi chợt cảm nhận bóng hoàng hôn bảng lảng phía
dòng nước xa xa. Như tựa đề cuốn sách mà thầy đã trao tặng trong lần đầu
tiên gặp lại sau 50 năm: “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”.
Tôi
đã đọc cuốn sách này trong nhiều giai đoạn khác nhau, tại nhiều thành
phố khác nhau. Mỗi lần đọc thì tôi lại có những cảm xúc khác nhau. Tuy
nhiên điều giống nhau là lúc nào cũng là nỗi hoài niệm mênh mông tràn
lên trong tâm thức.
Từng trang sách được mở ra như từng mảng ký ức quay về, cuồn cuộn dâng cao như dòng sông mùa nước lũ.
Đâu
đâu tôi cũng nhìn thấy hình bóng của mình, hình bóng của bạn bè mình và
hơn hết là hình bóng của một thời hoa mộng bỗng hiện ra lung linh hơn
bao giờ hết.
Tuy
nhiên, hoài niệm chỉ là tâm trạng. Với thầy, nhìn về quá khứ, không
phải chỉ để hoài niệm, mà để thấy lại mình thấy lại người rõ hơn. Để tìm
lại một tình yêu, một tình người nào đó đã mất. Dù có bao thảm kịch,
hãy hướng về phía trước với cách nhìn tích cực, góp phần mình cho một
tương lai tốt đẹp hơn.
Như
câu chuyện thầy viết về vị tể tướng năm xưa. Thời thơ ấu, ông đã gánh
chịu sự chia cắt tàn bạo của dòng sông Drina. Thảm kịch đã in hằn trong
tâm thức ông không bao giờ phai nhạt. Để một ngày ông đã quyết định xây
chiếc cầu bắc qua sông Drina.
Tôi cho rằng người viết sách có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh của mình: bắc một cây cầu nối quá khứ đến một tương lai tươi sáng hơn.
Sách của thầy trang trải nhiều vấn đề khác nhau.
“Hãy
đem văn chương vào đời sống. Dù có làm thơ hay viết văn hay không, hãy
đến với cuộc đời bằng tâm hồn của một thi sĩ. Bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp
hơn. Bạn sẽ thấy con người đẹp hơn.” Tôi
rất thích lời khuyên này của thầy dành cho các bạn trẻ. Tôi cảm thấy
được đồng cảm và hạnh phúc khi đọc lời khuyên này. Ngoài công việc chính
của mình là về kỹ thuật, tôi dành một khoảng thời gian không nhỏ cho
thi ca để có thể đến với cuộc đời bằng tâm hồn của một thi sĩ. Dĩ nhiên
không bao giờ tôi tự cho mình là thi sĩ. Nhưng quả thật, trải qua bao
thăng trầm, thi ca đã thực sự như một điểm tựa cho tôi dựa vào trong đời
sống.
“Những cơn mưa ngày cũ” làm tôi nhớ lại hình ảnh cậu sinh viên mộng mơ ngày nào và bài thơ được viết ra trên con đường đến giảng đường.
Mai anh lên dốc Rù Rì
Ngồi trên xe buýt thầm thì yêu em
“Về lại Sorrento”
làm tôi nhớ đến Nha Trang, thành phố quê hương xa vời, nhớ đến mối tình
thơ và con phố nhỏ của lần đầu gặp gỡ. Tôi mường tượng lại khuôn mặt
trầm ngư lạc nhạn của nàng với mái tóc dài bay trong gió như áng mây
vàng rực rỡ hiện ra giữa đời tôi.
Mỗi
bài viết trong “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” luôn cho tôi một cảm xúc, một tự
vấn khác nhau. Tôi có một thời gian hạnh phúc khi được thường xuyên đến
thăm thầy. Và mới đây, được xem một bức tranh thật đẹp về mùa thu thầy
vừa hoàn tất. Tôi có tâm sự với thầy: “Mỗi
khi ôm đàn ca hát thì lòng cảm thấy rất bình an như thể em đang thực
hành thiền định. Không hiểu lúc thầy vẽ tranh thì có cùng cảm giác như
vậy không?”
Thầy trả lời: “Có
sự khác nhau Lân à. Vẽ hay viết, không phải lúc nào cũng bình thản đâu.
Nhiều khi đó là một cuộc chiến của nội tâm. Muốn tạo nên một tác phẩm
ưng ý, mình phải chống chọi với rất nhiều trở lực. Trở lực do giới hạn
của khả năng, của hoàn cảnh, của thời gian v.v... trong cái không giới hạn của đam mê và ước vọng về sự hoàn mỹ. Sự cô đơn thường khi rất tàn bạo.”
Lúc
đó tôi dường như đã hiểu phần nào tâm trạng của thầy. Bên trong vẻ
ngoài điềm đạm, phong thái thoát tục của thầy là một tâm hồn nghệ sĩ nổi
sóng khi sống tận cùng với những đam mê nghệ thuật của mình. Khi đó
thầy không còn là một vị giáo sư nghiêm khắc với chính mình hay với học
trò nữa. Thầy cũng không còn là nhà khoa học với những quỹ đạo không
gian. Mà đó là lúc thầy được tự do nhất, phóng khoáng nhất và quyết liệt
nhất. Nhưng có lẽ, đây là lúc thầy ít thích ứng nhất với xã hội phàm
trần vốn dĩ rất phức tạp này.
Chúng tôi hay ngồi uống rượu, khi thì nói chuyện đời, khi thì chuyện văn nghệ, thi ca. Thầy hay nói đùa với các học trò rằng: “Có lẽ thầy là ông thầy hư nhất trong các thầy.”
Chữ “hư” được ngụ ý là có quá nhiều đam mê khác nhau.
Tôi cũng thật lòng trả lời: “Có lẽ điều em thích nhất ở thầy là cái hư đó.”
Một
cách nhìn rộng mở về đời sống, một tấm lòng bao dung, một tâm hồn nghệ
sĩ có lẽ sẽ luôn truyền cảm hứng cho các học trò của thầy và cho cả thế
hệ mai sau.
NGUYỄN TƯỜNG LÂN
(Cựu sinh viên Đại học Duyên Hải Nha Trang)
Tháng 10.2024