Saturday, March 3, 2018

455. THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu: CỬA SỔ BỊT KÍN Truyện ngắn của nhà văn Hoa Kỳ AMBROSE BIERCE (1842-1914)



Năm 1830, chỉ một vài dặm cách nơi hiện nay là thành phố lớn Cincinnati, là cánh rừng rộng mênh mông và hầu như chưa ai khai phá. Cả vùng chỉ thưa thớt dân vùng biên giới, những người làm việc không hề ngơi nghỉ, chẳng mấy chốc đã đục đẽo làm những căn nhà có thể ở được từ vùng đất hoang vu này,  và vươn tới mức phát đạt, tuy sự phát đạt ấy nay ta chỉ có thể gọi là nghèo khổ.

Sau đó, bị thúc đẩy bởi một động lực khó hiểu từ bản tính, họ từ bỏ tất cả và tiến xa hơn về phía tây, đương đầu với những hiểm nguy, thiếu thốn mới, với nỗ lực tìm lại những tiện nghi sơ sài mà họ đã tự ý dứt bỏ. Nhiều người trong số họ đã rời vùng này đi định cư ở những nơi xa hơn, nhưng trong số những người ở lại có một người từng ở trong nhóm người đến đầu tiên. Ông ta sống một mình trong  một căn nhà gỗ, bốn bề đều là rừng âm u, vắng lặng , mà ông cũng dự phần vào sự im vắng đó , bởi chưa ai thấy ông nở nụ cười hay nói điều gì thừa thãi. Nhu cầu đơn giản của ông được thoả mãn bằng việc bán hay đổi chác da thú rừng nơi thành phố ven sông, bởi không có thứ gì ông canh tác mà khi cần ông có thể yêu cầu xác nhận quyền sở hữu không tranh chấp được.

Có dấu hiệu của sự “cải tiến” - vài mẫu đất bao quanh căn nhà có lần bị chặt trụi cây, những gốc mục nát bị che khuất một phần bởi những thứ mới mọc, cố tồn tại để bù đắp sự tàn phá của những nhát rìu. Có vẻ như nhiệt tình canh tác của ông đã cháy theo ngọn lửa tàn, tắt ngúm dần thành bụi tro bất lực.

Căn nhà gỗ nhỏ bé, với ống khói bằng cây, mái bằng những tấm ván ghép cong cong, đè nặng bởi những cây sào bắc ngang, và khe hở trét đất sét, chỉ có một cửa lớn duy nhất, và đối diện là một cửa sổ. Tuy nhiên, cửa sổ lại bị bịt kín, và không ai nhớ có lúc nào nó được mở ra không. Và cũng không ai biết vì sao nó bị đóng như thế; chắc hẳn không phải vì chủ nhà ghét ánh sáng hay không khí, vì có những dịp hiếm hoi khi có anh thợ săn đi ngang qua nơi vắng vẻ này, vẫn thường thấy con người ẩn dật đó hong nắng nơi bậc cửa nếu trời có nắng hôm đó. Tôi nghĩ là ít người còn sống hôm nay biết được bí mật của chiếc cửa sổ này, nhưng tôi là người biết, như các bạn sẽ thấy.

Ông ta tên là Murlock. Trông ông như đã bảy mươi tuổi, thực ra chỉ khoảng năm mươi. Có cái gì đấy ngoài tuổi tác đã tác động đến việc ông già đi. Mái tóc và chòm râu dài, rậm đều bạc phơ, đôi mắt xám trũng sâu, khuôn mặt chằng chịt lạ lùng những nếp nhăn tưởng như thuộc hai tuyến giao nhau. Trông dáng dấp, ông cao và gầy, người khom lại, kiểu người khuân vác nặng. Tôi chưa bao giờ gặp ông, những chi tiết này tôi biết là do ông tôi, ngoài ra tôi còn biết chuyện đời ông nữa từ khi tôi còn nhỏ. Ông tôi biết chuyện vì ngày trước sống gần đó.

Một hôm, người ta tìm thấy ông già Murlock nằm chết trong lều. Thời đó không phải là thời của bác sĩ pháp y và báo chí và tôi nghĩ là mọi người đều tin ông chết vì nguyên nhân tự nhiên, hoặc là tôi nghe kể vậy, và nhớ vậy. Tôichỉ biết rằng, theo lệ thường, thi thể ông được chôn gần túp lều, cạnh bên mộ của người vợ đã chết trước đó nhiều năm và người địa phương chỉ lưu giữ chút chi tiết về cuộc đời của bà. Điều này khép lại chương cuối cùng của câu chuyện có thật này - ngoại trừ việc mấy năm sau đó, với tinh thần táo bạo, tôi đã thâm nhập nơi này, mạo hiểm đến gần túp lều ném một viên đá rồi bỏ chạy để khỏi gặp hồn ma lãng vãng nơi đây mà đứa trẻ nào quanh đây cũng biết. Thế nhưng, còn một chương trước đó nữa - được ông tôi kể lại.

Khi ông Murlock dựng túp lều và bắt đầu hăng say khai phá để lập nông trại - lúc ấy, với khẩu súng như phương tiện bảo vệ, ông còn trẻ, khoẻ mạnh và nhiều hoài bão. Tại vùng đất miền đông nơi ông ra đi, ông đã kết hôn, như kiểu mọi người, với một phụ nữ trẻ hoàn toàn xứng đáng với sự tận tuỵ chân thành của ông, người sẵn sàng chia sẻ mọi hiểm nguy, thiếu thốn của số phận ông với tinh thần tự nguyện và tâm hồn thư thái. Không thấy ghi chép danh tính của bà, vẻ đẹp tinh thần và hình dáng cũng không được nhắc đến, và người đa nghi tha hồ ấp ủ những mối hoài nghi, nhưng lạy Trời đừng để tôi phải chia sẻ điều đó. Về tình cảm và hạnh phúc của hai người thì có nhiều bằng chứng trong những ngày còn lại của người đàn ông goá bụa, nếu không là sự quyến rũ của hồi ức đầy yêu thương thì cái gì có thể gắn kết tinh thần dám nghĩ dám làm với một số phận như thế?

Một hôm, Murlock đi săn ở cánh rừng xa trở về thì phát hiện vợ nằm sóng soài dưới đất, nóng sốt, mê sảng. Trong vòng mấy dặm, không có bác sĩ nào, cũng không có láng giềng, bà lại không ở trong tình trạng có thể bỏ đó để đi tìm cứu giúp. Bởi thế, ông đành làm nhiệm vụ giúp bà hồi phục , nhưng sau ngày thứ ba, bà rơi vào tình trạng bất tỉnh nhân sự, rồi qua đời, không chút hy vọng hồi sinh.

Từ những gì ta biết về một tính cách như của ông ta, có thể thử phác hoạ vài chi tiết của bức tranh tổng thể của ông tôi. Khi tin chắc là bà đã chết, Murlock còn đủ tỉnh táo để nhớ rằng người chết cần phải được sửa soạn để đem chôn. Để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đó, ông vấp váp nhiều lần, có việc làm sai, có việc làm đúng nhưng phải làm đi làm lại nhiều lần. Ông ngạc nhiên thấy mình thất bại khi thực hiện vài động tác đơn giản và thông thường, như thể người say rượu hoang mang về sự ngưng nghỉ những quy luật tự nhiên quen thuộc. Ông cũng ngạc nhiên sao mình không khóc, ngạc nhiên và đôi chút xấu hổ, thật tình là không phải chút nào khi có người chết mà không khóc. “ Ngày mai, “ ông nói lớn, “ ta sẽ làm cái hòm và đào huyệt, và rồi ta sẽ nhớ nàng, khi không nhìn thấy nàng nữa, nhưng giờ đây, nàng đã chết, tất nhiên rồi, mọi chuyện sẽ ổn thôi - dù sao, mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi. Sự việc đâu có tồi tệ như vẻ bên ngoài của nó.”

Ông đứng cạnh thi hài bà trong ánh sáng mờ nhạt, vuốt tóc bà và hoàn tất việc rửa ráy, trang điểm, làm những việc này một cách máy móc, không chú tâm đến. Và rồi trong ý thức ông vẫn tin chắc rằng mọi việc sẽ ổn thoả, ông lại sẽ có bà như trước, và mọi điều dễ hiểu thôi. Ông chưa hề có kinh nghiệm đau buồn, khả năng của ông chưa hề cạn kiệt. Trái tim ông không thể chứa đựng nó, trí tưởng tượng của ông cũng không thể nghĩ ra điều đó. Ông không biết mình bị tổn thương đến vậy, nhận thức của ông sẽ đến hơi muộn một chút, nhưng sẽ không bao giờ rời đi. Sự đau buồn là một nghệ sĩ đầy quyền uy, cũng đa dạng như những nhạc cụ ông dùng để tấu lên những bài truy điệu dành cho người đã khuất, gợi lên từ vài bài những âm thanh cao vút, từ những bài khác những hợp âm trầm lắng, đập đều đặn giống như tiếng trống vọng từ xa. Có bản nhạc làm giật mình, có bản làm sửng sốt. Đối với người này, nhạc như mũi tên bay, làm đau nhói mọi cảm giác sắc bén trong cuộc sống, đối với người khác, nhạc như cú đấm của dùi cui, làm cho tê liệt hẳn. Chúng ta có thể thừa nhận Murlock bị ảnh hưởng theo cách đó, bởi vì ( bây giờ ta có thể tin chắc hơn là phỏng đoán ), ông vừa mới làm xong công việc đạo nghĩa đó, thì đến gieo mình nơi chiếc ghế để cạnh cái bàn đặt thi hài, nhận thấy khuôn mặt bà trông trắng bệch trong ánh sáng mờ mờ, ông đặt tay lên cạnh bàn, gục mặt vào tay, mắt ráo hoảnh và tỏ ra mệt mỏi vô cùng. Ngay lúc này, một tiếng kêu dài giống như tiếng khóc của một đứa trẻ đi lạc trong rừng thẳm vang lên qua cánh cửa sổ mở. Nhưng ông vẫn không nhúc nhích. Và rồi, nghe gần hơn trước, vẫn tiếng kêu bí hiểm ông không hiểu được. Có lẽ đó là một con thú hoang, cũng có thể chỉ là giấc mơ. Vì Murlock đã thiếp ngủ.

Vài tiếng đồng hồ sau, như việc diễn ra sau đó, người canh giữ không chu đáo thức giấc, nhấc đầu ra khỏi tay và chú ý lắng tai nghe - mà vẫn không hiểu tại sao. Và trong bóng tối bên cạnh xác chết, cố bình tĩnh nhớ lại mọi chuyện, ông căng mắt ra nhìn - mà không hiểu là cái gì. Tất cả giác quan của ông đều được báo động, hơi thở như ngưng lại, máu ngừng chảy trong huyết quản, như phụ thêm sự im lặng kia. Ai? Cái gì đã đánh thức ông? Nó đâu rồi?

Bất thình lình, cái bàn lắc mạnh dưới tay ông.  Cùng lúc này, ông nghe, hoặc tưởng là đã nghe, tiếng chân bước nhẹ, rồi thêm tiếng nữa, nghe chừng như tiếng chân trần bước trên sàn nhà.

Ông kinh hoàng đến nỗi không thể la lên hoặc cử động. Bất đắc dĩ ông phải chờ đợi, chờ đợi ở đó trong bóng tối, trong thời gian dài như thế kỷ, với nỗi hoảng sợ có thể biết được tuy khó sống để kể lại. Ông cố gắng vô vọng để gọi tên người chết, cố gắng vô vọng vươn tay ra trên bàn, trước mặt, để xem bà có đấy không. Cổ họng ông bất lực, tay chân thì loạng quạng. Rồi chuyện khủng khiếp nhất xảy ra. Hình như có vật gì nặng va vào cái bàn và đẩy mạnh khiến bàn xô vào ngực ông dữ dội đến suýt làm ông ngã lăn ra. Cùng lúc đó, ông nghe và cảm thấy có vật rơi trên sàn nhà mạnh đến nổi làm rung chuyển cả căn nhà. Cuộc hỗn chiến xảy ra ngay sau đó và những âm thanh hỗn độn không phân biệt được. Murlock đứng thẳng dậy. Nhưng nỗi sợ hãi khiến ông không kiểm soát được mọi khả năng. Ông quơ tay trên bàn. Không còn gì ở đó.

Có một giới hạn sự sợ hãi sẽ biến thành điên loạn và điên loạn biến thành hành động. Với một ý định không rõ ràng, không có động cơ nào khác sự thôi thúc không cưỡng được của người điên loạn, ông nhảy lên tường, mò mẫm chộp lấy khẩu súng đã nạp đạn và nổ súng không đích nhắm.  Trong ánh sáng chói loà của gian phòng, ông nhìn thấy một con báo khổng lồ ngoạm cổ người phụ nữ kéo lê ra cửa sổ. Thế rồi bóng tối dày đặc hơn trước, mọi vật im lặng, khi ông tỉnh lại, mặt trời đã lên cao, khu rừng vang tiếng chim hót.

Thi hài nằm cạnh cửa sổ, nơi con thú thả lại do hoảng sợ vì ánh lửa và tiếng súng nổ bỏ chạy. Y phục xộc xệch, tóc tai rối tung, tay chân chẳng ngay ngắn. Từ cổ họng bà, một cảnh tượng thật kinh hoàng, một vũng máu chưa đông hoàn toàn. Dải nơ ông buộc nơi cổ tay bà bị giật đứt, đôi tay nắm chặt lại. Giữa hai hàm răng là một mẩu tai con thú.
  
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh