Saturday, April 17, 2021

1996. NGUYỄN MINH NỮU Chất trí thức và nghệ sĩ trong các bài tiểu luận của Trương Vũ



Đầu năm 2019, tôi nhận được một email của Trần Thị Nguyệt Mai: “Anh Trương Vũ có rất nhiều bài tiểu luận hay, đăng rải rác ở các tờ báo giấy và internet, nhiều lần đề nghị anh ấy tập hợp lại để in thành sách nhưng anh ấy làm lơ hoài. Nguyệt Mai đề nghị chúng ta cộng tác với nhau để làm”. Tôi đồng ý ngay.  Và 4 chúng tôi: Trần Thị Nguyệt Mai (Ohio), Duyên (Michigan), Nguyễn Minh Nữu (Virginia), Phạm Cao Hoàng (Virginia) phối hợp với các anh chị Lê Hân (NXB Nhân Ảnh, California) Nguyễn Đồng (California) Nguyễn Thị Hợp (California), Tạ Quốc Quang (Texas) thực hiện và hoàn tất việc xuất bản tập tiểu luận Đuổi Bóng Hoàng Hôn của Trương Vũ vào tháng 5.2019. Đây là quà tặng chúng tôi dành cho tác giả - một người bạn vai anh mà chúng tôi quí mến.

Tập tiểu luận Đuổi Bóng Hoàng Hôn gồm 19 bài, khởi đầu là Đêm Đại Dương  ghi chút ký ức khi phải rời bỏ quê nhà vào năm 1976: “Những ngày kế tiếp, những năm tháng kế tiếp, hơn một triệu đồng bào lần lượt lao mình vào đại dương. Từ hai trăm đến bốn trăm ngàn trong số đó không bao giờ đến nơi, không bao giờ trở về. Nhớ lại bài Oceano Nox (Đêm Đại Dương) của Victor Hugo, tôi không còn chút xúc động nào nữa. Cái bi hùng trong Oceano Nox không nghĩa lý gì với những thảm kịch kinh hoàng đồng bào tôi đang trải qua trên đại dương”.

Và kết thúc là tiểu luận thứ 19: Về Lại Sorrento : “…anh vẫn nhìn thấy đôi mắt em trong những đêm mơ… đừng nói lời vĩnh biệt… hãy về lại Sorrento…” Đây là những lời tôi dịch vội từ bản tiếng Anh, Come Back to Sorrento, phiên bản Dean Martin của bản tình ca bất hủ Torna a Surriento của Ernesto DeCurtis. Tôi mê bản nhạc này từ những ngày mới bước chân vào trung học, qua lời ca tiếng Việt của Phạm Duy, Trở Về Mái Nhà Xưa. Lúc đó, tôi chưa hề thật sự sống xa nhà, chưa thật sự có những mất mát lớn nào, nhưng mỗi lần nghe vẫn thấy thắt ruột, cảm giác như mình đang trong tâm trạng một kẻ tha phương trở về ngôi nhà cũ”.


Đuổi Bóng Hoàng Hôn là tập tiểu luận có lối hành văn trong sáng và khoa học, dẫn chứng nhẹ nhàng, dễ hiểu, tạo nhiều cảm xúc cho người đọc. Nhưng thực sự đó lại là một tác phẩm không dễ đọc. Nghĩa là sao?

Thông thường khi chúng ta đọc một bài tiểu luận, chúng ta sẽ cảm thấy thú vị vì được dẫn dắt và mở ra nhiều điều mới lạ. Nhưng đọc liên tục ba bốn bài, tôi có cảm giác bị choáng, những tư liệu, sự kiện, và cảm xúc tác giả gửi tới dập dồn, bắt buộc mình phải gấp sách lại, nhắm hờ đôi mắt, ngước lên trần nhà để từ từ tiếp nhận lại những điều vừa đọc được.  Cái cảm giác đó có thể của riêng tôi, nhưng đó là cảm giác thật.

Tôi đã đọc Đuổi Bóng Hoàng Hôn rất nhiều lần mới hết cuốn sách. Sau đó đọc lại nhanh hơn, chỉ khoảng ba lần mở ra là đọc được cả 19 bài.

Bài này viết sau rất nhiều người viết về Trương Vũ và Đuổi Bóng Hoàng Hôn như Du Tử Lê, Đào Như, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Lữ Quỳnh, Hoàng Kim Oanh, Trần Vũ… cho nên tôi không lập lại những gì người khác đã viết, mà chỉ xin ghi nhận đồng cảm với một số câu các tác giả khác đã viết như:

Trong cuốn ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, Trương Vũ viết về nhiều đề tài khác nhau (giáo dục, văn chương, chính trị, quê hương, kỷ niệm…). Những bài viết của anh bao giờ cũng có tính khúc chiết và uyên bác của một nhà khoa học, hoà với cảm xúc thâm trầm của một nghệ sĩ”.

(Hoàng Ngọc Tuấn)

Hay là:

“Và hay ở giọng văn: Xuất thân từ một nhà khoa học, Trương Vũ có giọng văn gọn gàng, trong sáng và rất khúc chiết. Bài nào cũng có cấu trúc chặt. Hoàn toàn không có những chỗ đẩy đưa thừa thãi. Tất cả các câu văn đều dừng lại ở chỗ chúng phải dừng. Đọc, rất thích”.

(Nguyễn Hưng Quốc)

Và sau chót là:

“Trương Vũ cũng có thể trả lời như vậy, từ hình ảnh đầu tiên Những Cơn Mưa Ngày Cũ và về tự truyện của mình qua thể tùy bút và tiểu luận. Đuổi Bóng Hoàng Hôn là mặt trời đã sau lưng nhưng vẫn còn phía trước, cho một tuổi trẻ khác”.

(Trần Vũ)

Đồng cảm và trích lại nghĩa là không cần ghi ra những nhận xét tương tự như thế nữa.

Tôi rất tâm đắc với nhận định của Trần Vũ: xuyên suốt cuốn Đuổi Bóng Hoàng Hôn, tác giả Trương Vũ chỉ nương vào hình bóng của một mặt trời sắp lặn để gửi những tâm tư cho các mặt trời phía trước. Những mặt trời của tuổi trẻ sau này.

Sau khi tốt nghiệp Đại Học và sau Đại Học, Trương Vũ về dạy Toán và phụ trách về Sinh Viên Vụ cho Đại Học Duyên Hải tại Nha Trang. Thời gian dạy học chắc không dài vì biến cố 30 tháng 4, Ông đã vượt biển, rồi tiếp tục học để trở thành nhà khoa học làm việc cho cơ quan không gian NASA, Hoa Kỳ. Khi về hưu, ông dành toàn bộ thời gian cho hội họa. Đọc hết 20 bài tiểu luận trong Đuổi Bóng Hoàng Hôn, tôi nghĩ, sau khi rời bục giảng ở Đại Học Duyên Hải Nha Trang, Trương Vũ tiếp tục làm một người học trò chí tình với các thầy ngày trước và là một người thầy tận tụy với các học trò thuộc các thế hệ sau này. Hãy đọc Đuổi Bóng Hoàng Hôn để nghe Trương Vũ nhớ về thầy Cung Giũ Nguyên, và mênh mang theo thầy Trương Vũ nhắc tới các học trò Trần Thị Thanh Thủy, Nguyễn Văn An, Nguyễn Ngọc Nam, Phan Công Chinh, Tôn Nữ Thu Dung, Nguyễn Văn Vinh… hay những bóng dáng khác, được đề cập tới không phải là học trò chính thức nhưng đã nhận biết bao lời tâm huyết của một trí thức có tâm hồn nghệ sĩ, có kiến văn quảng bác, được ghi bằng lời tâm tình chí cốt.

Xin được nói tới bài Mưa Ướt Vị Thành.

Đây là bài tiểu luận tôi đọc nhiều nhất. Mỗi lần đọc, tôi lại ngạc nhiên vì cái cảm nhận của mình lần này  không giống với cảm nhận của mình lần trước. Thí dụ, khi đọc lần đầu, tôi chia sẻ tấm lòng người lính trẻ Trương Vũ, lần đi nhận đơn vị đầu tiên, một nơi rất xa xôi, không có ai quen, tự an ủi mình “Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, thiên hạ hà nhân bất thức quân”(thơ Cao Thích, bài Biệt Đổng Đại). Trong bài viết này, Trương Vũ đưa bài thơ của Vương Duy và cảm khái:

“Năm đó, dù đã dạy học một thời gian trước khi động viên, tôi chỉ mới vừa qua tuổi 26. Bạn tôi, cũng cùng tuổi và cả hai đều đã có gia đình. Tôi nhớ rất rõ bản tiếng Hán, Vị Thành Khúc (渭城曲), của Vương Duy:

 

渭城朝雨浥輕塵,Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần
客舍青青柳色新。Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
勸君更盡一杯酒,Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
西出陽關無故人。Tây xuất Dương Quan vô cố nhân
 
Và, cả bản dịch của Ngô Tất Tố:
 
Trời mai mưa ướt Vị Thành
Xanh xanh trước quán mấy nhành liễu non
Khuyên chàng hãy cạn chén son
Dương Quan đến đó không còn ai quen”.

Nhưng khi đọc lần thứ hai thứ ba, thì cảm nhận tôi lại chú ý tới đoạn dẫn mà tôi cho là quan trọng nhất trong bài tiểu luận này, bởi chính vì một câu hỏi mà Trương Vũ lúc đó tự cho là mình chưa trả lời toại nguyện của một người bạn trẻ, cho nên mới viết tiểu luận này:

“Một hôm, trong một hội thảo hè dành cho các nhà văn trẻ tổ chức ở đại học St. Mary thuộc tiểu bang Maryland, một nhà văn trao đổi với tôi về trường hợp của cô. Cô mê văn chương, viết rất nhiều truyện ngắn, đang vật lộn với đời sống và phấn đấu với chính mình để xem có nên tiếp tục sống toàn phần cho văn chương và bán phần cho sinh kế, hay ngược lại. Cô muốn tôi lấy kinh nghiệm cá nhân để giúp cô ý kiến. Rất tiếc, hôm đó tôi chẳng giúp gì được vì chẳng có kinh nghiệm nào về chuyện này. Câu trả lời của tôi khá mông lung.

- Tuy nhiên, nhân câu chuyện trên, tôi thấy cần viết một bài về đề tài này, về cái vị trí của văn chương trong đời sống của mình, để từ kinh nghiệm riêng chia sẻ được gì với người khác. Đặc biệt, tôi muốn chia sẻ với những bạn trẻ giống như tôi trước đây, không được đào luyện tốt về văn chương ở trường ốc và sống với những ngành nghề gần như trái ngược. Tôi xin viết một cách tản mạn, và tản mạn từ những chuyện rất riêng tư”.

Đến những lần kế tiếp, khi đọc lại, tôi chăm chú theo dõi những điều ông viết, mà tôi cho rằng chính là những câu ông dành trả lời câu hỏi mà cô nhà văn trẻ kia hỏi ông hồi đó, và cũng chính là câu tôi muốn hỏi ông bây giờ. Càng đọc càng bất ngờ thú vị khi ông kể về tình yêu, và thảm kịch của sự ghen tuông lồng trong một câu chuyện nói về sự đam mê nghệ thuật. Đó là Một Bản Đàn, ý chính của một tác phẩm của Leo Tolstoy.

“Cách đây ba năm, tôi lên Amazon tìm mua CD bản The Kreutzer Sonata cũng do Rubinstein và Szerying trình tấu để nghe lại. Tôi tin rằng tôi hiểu được ý của Tolstoi khi chọn bản sonate này làm nhan đề cho cuốn tiểu thuyết. Tôi tin rằng cái nghi vấn của tôi đúng. Nhưng, thật ra, đúng hay sai không quan trọng. Quan trọng là chính cái nghi vấn đó đã cuối cùng mang đến tôi một niềm vui, một may mắn, được thưởng thức một bản sonate tuyệt vời. Riêng đối với nhà văn Trương Bảo Sơn, dù vẫn không đồng ý với ông về cách đặt tên cho bản dịch cuốn tiếu thuyết, tôi luôn kính trọng ông, và rất cám ơn ông đã đem đến cho lớp trẻ chúng tôi vào thời đó một món ăn tinh thần rất có giá trị của Leo Tolstoi”.

Cuốn sách được gấp lại, Với cái kiến thức nhỏ nhoi của mình, tôi phải tìm đọc tác phẩm Một Bản Đàn của Tolstoy qua bản dịch để hiểu hơn về câu chuyện này.

“Và rồi, tôi nghĩ đến một buổi tối ở giảng đường của trường Đại Học Duyên Hải trên đường Yersin, Nha Trang. Tối hôm đó, bạn tôi, giáo sư Bửu Ý, thuyết trình một đề tài đặc biệt: “Văn Chương Trên Giấy, Văn Chương Trên Sàn Gỗ.” Trong phần thuyết trình, một sinh viên Việt Hán, Dương Đề, được Bửu Ý chọn lên trình bày vài diễn xuất ngắn. Những câu nói trong phần diễn xuất của Dương Đề luôn chấm dứt bằng câu NGÀY MAI TÔI SẼ VỀ SÀI GÒN”.

Nha Trang cách Sài Gòn chỉ hơn 300 cây số mà người sinh viên đó vẫn thèm khát “Ngày mai tôi sẽ về Sài Gòn”. Tự nhiên tôi nghĩ lại mình, nghĩ đến một quê hương ngàn trùng bên kia trái đất và mênh mang yêu nhớ vùng đất mình đã phải rời xa. Bỗng dưng ứa nước mắt khi nghe Trương Vũ kể câu chuyện cây cầu bắc qua sông Drina.

“Tôi đồng cảm với cái nhói tim của ông Tể Tướng Thổ, Mehmed-paša Sokolović. Một trong những đứa bé bị bắt qua sông Drina như đã nói trên đây được một gia đình quyền quý Thổ nhận làm con nuôi, đổi đạo, đổi tên. Lớn lên, nhờ tài năng, thăng lần lên đến bậc thang cuối cùng của danh vọng, giúp đế quốc Thổ bành trướng tận Trung Âu, giữ chức Tể Tướng (First Grand Vizier) cho Thổ. Với ông Tể Tướng Thổ, chuyện đứa bé bị bắt đưa qua sông ngày nào tưởng đã hoàn toàn đi vào quá khứ. Nhưng không, có người nói là ông thường bị những cơn nhói tim. Vào một lúc như vậy, có lẽ, ông làm một quyết định lớn là cho xây một chiếc cầu qua sông Drina. Xây từ năm 1566 nhưng mãi đến 5 năm sau mới hoàn tất. Và, từ đó, cây cầu cũng như con sông tiếp tục chứng kiến bao đổi thay, bao bi hài kịch của cuộc đời, và cả bao tàn phá lẫn xây dựng”.

Và Trương Vũ kết bài tiểu luận này bằng hai câu thơ:

“Từ một con sông chảy ra biển, một sớm nào tôi đã theo đó mà ra khơi. Tôi đã hò hẹn với con sông, với biển, và với bao nhiêu người là tôi sẽ trở lại. Và, tôi đã gặp lại rất nhiều trong số đó. Tôi nhớ mấy câu thơ của một người bạn Nha Trang của tôi, nhà thơ Hải Phương:

Cám ơn biển
biển trùng khơi con sóng vỗ
trăm nhánh sông hò hẹn chuyến đò qua”.

Đọc Mưa Ướt Vị Thành, và đọc hết Đuổi Bóng Hoàng Hôn, dường như Mưa Ướt Vị Thành là để trả lời một câu hỏi, rất nhiều hay nói chung các tiểu luận còn lại đều mang tính dẫn chứng thêm, bổ sung thêm những kiến văn cần thiết cho câu hỏi từ Mưa Ướt Vị Thành như về nhân văn (Cung Giũ Nguyên: tác giả, tác phẩm), về văn hóa  (Giáo dục Việt Nam: những vấn đề căn bản),về chính trị  (Mùa đông Prague), về lịch sử (Vị trí của Sáng Tạo trong sự phát triển văn học miền nam, Nhìn lại phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam từ 1986 đến1989).

Dẫu rằng tác giả đã nói trước rằng :Tôi xin viết một cách tản mạn, và tản mạn từ những chuyện rất riêng tư.  Nhưng thực tế đúng như Đào Như nhận xét : 

Anh là chuyên gia nghiên cứu cho NASA tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ 1980 cho đến khi nghỉ hưu năm 2005. Anh đã tham dự và phụ trách nhiều công trình khác nhau, về khoa học và kỹ thuật. Đóng góp quan trọng nhất của anh thuộc về lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft Navigation). Anh đã đăng tải nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và kỹ thuật không gian.

Trong cuốn ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, Trương Vũ viết về nhiều đề tài khác nhau (giáo dục, văn chương, chính trị, quê hương, kỷ niệm…). Những bài viết của anh bao giờ cũng có tính khúc chiết và uyên bác của một nhà khoa học, hoà với cảm xúc thâm trầm của một nghệ sĩ”.

Với kiến thức uyên bác cộng với sự thận trọng khi viết xuống, những tiểu luận của Trương Vũ mang thật nhiều giá trị minh triết, mà tôi là một thực tế nhất, bởi vì gần gũi về đia lý, thân mật bởi tình anh em, gặp gỡ nhau nhiều nên hưởng rất nhiều lợi ích về kiến thức và cảm thụ văn chương. Nhưng nhiều người đã đề cập điều này rồi nên không muốn nói lại. Vì thế, để kết thúc bài này, tôi nghĩ tới chất nghệ sĩ của ông khi nhớ đến những đoạn ký, giữa sóng nước mênh mông của đại dương, giữa ranh giới của sống chết trong đêm vượt biển  lại nhớ về một bài thơ Victor Hugo,  Để trả lời một câu hỏi hóc búa thì lại nhớ về một bản Sonate, khi đi du lịch một thắng tích phương tây lại thả hồn mình vào Trở Về Mái Nhà Xưa.  

Và còn nữa, tôi yêu thích tấm hình Phạm Cao Hoàng chụp Trương Vũ đang vẽ một bức chân dung Mái tóc lười,  đôi mắt đam mê , cây cọ trên tay trước bức tranh đang vẽ và giữa một studio tràn ngập tranh đã hoàn thành. Nét thâm trầm của một trí thức và chất đam mê của một nghệ sĩ hiện rất rõ trên tấm hình này. Nét thâm trầm ấy và chất đam mê ấy chúng ta cũng có thể nhìn thấy xuyên suốt 19 bài trong tập tiểu luận ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN của Trương Vũ.

NGUYỄN MINH NỮU

Virginia, 4.2021

(Trích ĐẤT NHỚ NGƯỜI THƯƠNG của Nguyễn Minh Nữu sắp xuất bản).


Trương Vũ at work - Photo by Phạm Cao Hoàng, 13.12.2015