Wednesday, December 28, 2022

2729. NGUYỄN MINH NỮU Nguyễn Vy Khanh, tâm huyết với Văn Học Miền Nam và Văn Học Hải Ngoại.


Năm 1970. Hai năm sau khi rời khỏi mái trường Trung Học, tôi thành người lính tiền đồn đóng quân xa, đơn vị nằm ở Ban Mê Thuột. Bạn bè tôi vẫn còn dăm ba đứa ở Saigon, đứa học Khoa Học, đứa học Văn Khoa, đứa học Sư Phạm. Thời điểm đó, những mối  giây này nối tôi với Saigon, một thành phố của thời thanh niên lắm mơ nhiều mộng giờ, và đó là những ngày đầu khởi viết ở tuổi hai mươi, và mày mò viết một tập truyện ngắn đầu tay quay Roneo chừng 50 bản, tập truyện Những Sợi Máu Giăng Ngang. Tập truyện gửi về bạn bè, và ba bốn chục năm sau, bất ngờ được Nguyễn Vy Khanh nhắc tới trong một tiểu luận về “Những cái chết trong văn chương: từ siêu hình , lãng mạn tới kinh dị và trinh thám” đăng trên Hợp Lưu năm 2010.

Tôi biết Nguyễn Vy Khanh từ những năm đầu thập niên 70, Ông ta là bạn của bạn. tập thơ đầu tiên Khung Cửa của Ông xuất bản năm 1972, cũng bằng kỹ thuật in ấn roneo,  Khanh học Sư Phạm, chung với Lâm văn Sang bên khoa Sử Địa (sau này, làm báo ở bắc California với bút hiệu Thượng Văn). Biết nhưng chưa bao giờ gặp, nhưng bởi vì biết, nên đặc biệt theo dõi những hoạt động văn hóa của Khanh  Ông sinh năm 1951 tại Quảng Bình. Vào Nam năm 1954. Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Triết Tây tại đại học Sài Gòn (1973), Cao học Triết Tây (1975), Thủ khoa Sư phạm Việt Hán (1974).

Nguyễn Vy Khanh

Sau biến cố tháng tư bẩy lăm, Nguyễn Vy Khanh vẫn chau chuốt ngòi bút nhưng đã bắt đầu chuyển hướng từ sáng tác qua nghiên cứu, biên khảo. Sau khi tị nạn chính trị tại Canada, tốt nghiệp Cao học Quản trị Thư viện tại đại học Montréal năm 1978, và làm thủ thư phòng tham khảo cho Thư Viện Quốc Hội Quebec Canada cho tới ngày về hưu. Lịch sử đã đưa đẩy để một người tâm huyết với văn chương chữ nghĩa được sống và làm việc trong đúng môi trường yêu thích để cho chúng ta có được một biên khảo gia tầm vóc như Ông.

Chính thời gian này, Ông có dịp đọc tại chỗ, thăm và nghiên cứu tại các thư viện Bắc Mỹ cũng như Canada để nhận xét:  “..Một phần lý do Miền nam đã thua trận chiến  1957-1975, sách của cộng sản Bắc Việt và trí thức thiên tả tây phương đầy rẫy trong các thư viện đại học và thư viện quốc gia, trong khi các sách của Quốc Gia thì hiếm hơn, ngoài vài pamphlert tổng quan của các tòa đại sứ. nghĩa là chỉ có sách của thiên tả Mỹ, Pháp, và cộng sản Hà Nội.”( NVK,  Viết và đọc văn học ở ngoài nước, TQBT số 100) . Như thế là sau vài chục năm dành cho đọc, nghiên cứu bao quát từ nhiều bài viết, tác phẩm đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau, Nguyễn Vy Khanh mới bắt đầu viết lại,  bài viết đầu tiên  là Miền Nam Khai Phóng  năm 1995, là bài viết khởi đầu cho hàng loạt tác phẩm biên khảo, nghiên cứu, nhận định về Văn Học Sử của ông sau này.

Tôi đến Mỹ năm 1995, là thời điểm Nguyễn Vy Khanh bắt đầu phổ biến các công sức ấy. Nhưng mãi 10 năm sau, tôi mới được đọc và bị cuốn hút vào các biên khảo này. Năm 2005, trong một bài viết khá dài tên là Nhìn lại 30 năm Văn-Học Hải-Ngoại (tạp chí Văn Học số ra tháng 5+6/2005). Ông đã ghi nhận những nội dung và thể loại của của các tác phẩm đăng báo hay xuất bản trong thời gian từ 1975-2005 trong đó bao gồm Tự Truyện, Bút Ký, Truyện Ngắn Truyện Dài, Thơ Mới , Thơ Tân Hình Thức. Mỗi mảng đề tài, Ông đã dẫn chúng từ nhiều tác phẩm, nhiều tác giả được đọc kỹ, rất thận trọng và tìm hiểu sâu để đưa ra những nhận xét chung :

…”Dĩ nhiên cái nhân bản theo tiến bộ đã phải đối nghịch với bái-vật, vong thân! Hy vọng ở chỗ văn học hiện nay đã có những người làm văn học xoáy vào trọng tâm con người, đào sâu thêm những bề sâu nội tâm hay tiềm thức, mặt trong, mặt trái, mặt thật của con người và tập thể, tìm thực thi cái khả thi. Con người hôm nay cô đơn hơn, mất tự tin và tin tưởng ở người, đưa đến kiếm tìm hư danh,... Phần khác, văn học Việt Nam hải-ngoại sau 30 năm vẫn còn có tính cách bạo động, dù trái nghịch với bản chất văn chương, có thể bản chất con người Việt Nam vốn bạo động chăng dưới bề ngoài và thái độ chịu đựng? Cũng như hiện tượng không ổn khi người đọc và cả người làm văn chương vẫn thường tham chiếu chính trị hơn là thưởng thức, sáng tạo văn chương thuần túy, xem tác giả viết về ai, có hậu ý gì, v.v.”

Ngay trong những bài viết của năm 2005, Nguyễn Vy Khanh đã nhìn về Văn Học Hải Ngoại những tia hy vọng:

“30 năm đã ghi nhận sự xuất hiện và tham gia của những cây viết trẻ ở ngoài nước. Có người khởi đi có thể từ dĩ vãng, nhưng nói chung, họ có vẻ ít bị dĩ vãng đè nặng trong suy nghĩ; chiến tranh cũng bắt đầu xa, loãng. Những cây bút mới với ý muốn dứt khoát với quá khứ, vượt ràng buộc tập thể, đi tìm cho thế hệ trẻ ở đất tạm dung một nhân sinh quan mới trong một nghệ thuật quan mới, năng động và nhiều màu sắc khác hơn những quen thấy từ trước nay. Hệ thống tin học không biên giới địa lý và thời gian tiếp tục đến với người đọc liên mạng, song hành với những người đọc của in ấn. Kỹ thuật này cũng giúp phát triển những tạp chí thuần tuý liên mạng, giúp tác giả đến với người đọc không qua trung gian một chủ báo, tạo cơ hội tương tác hay đối thoại giữa người đọc và người viết. Internet liên tục ảnh-hưởng đến văn-học và xuất bản; những e-book, webpage nối tiếp xuất hiện trên Net nay gần như trùng điệp, bội thực và thiếu hợp lý trong tình trạng “phi chính-phủ” và “phi thẩm quyền” như với người Việt hiện nay trong ngoài nước. Như những tia hy vọng, các nhà văn trẻ đã một thời loé sáng, những người trẻ với tâm hồn rất Việt Nam và với phương tiện tiếng Việt. 10 năm gần đây đã thay đổi, người trẻ vẫn tiếp tục sáng tác nhưng với một tâm hồn Việt Nam đã hội-nhập và càng ngày càng qua phương tiện ngôn-ngữ xứ người, những Barbara Tran (In the Mynah Bird’s Own Words), Mộng Lan (Song of the Cicadas), Dao Storm (Grass Roof, Tin Roof), Monique Truong (The Book of Salt), Linda Lê (Calomnies, Aubes), Đinh Linh (Fake House), v.v.

Sau biên khảo đó, 15 năm sau, Nguyễn Vy Khanh viết “ Văn Học Hải Ngoại 20 năm đầu thế kỷ XXI” Bài này cùng với bài trước là một tổng luận 45 năm kể từ 1975 cho tới 2020. Bài này Ông đã lần lượt đề cập tới các tạp chí văn học từ báo in tới báo mạng như Tạp chí Việt, sau khi đình bản thành trang mạng Tiền Vệ, tạp chí Chủ Đề (Nguyễn Trung Hối), Văn (Mai Thảo) Văn Học ( Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Trịnh Y Thư..) Làng Văn (Nguyễn Hữu Nghĩa) Ngôn Ngữ ( Luân Hoán, Lê Hân) Văn Học Mới ( Hà Nguyên Du) Rồi đến các tác giả tiêu biểu cho Hồi Ký, Tự Truyện, Biên Khảo, Nghị Luận Văn Học, Bút ký, Tạp Văn, Phỏng Vấn Văn Học, Thi Ca.

Nguyễn Vy Khanh đã có những nhận định thuyết phục về thiên hướng chung của các tác phẩm nổi bật:

“Từ những năm đầu thế kỷ mới, chúng tôi ghi nhận hai hiện-tượng phản nghịch khá hiện diện trong sinh hoạt văn-học nghệ-thuật Việt-Nam trong cũng như ngoài nước, với nồng độ khác nhau: tâm linh và dục tính, bên thần, bên phàm. Thiển nghĩ, tâm linh không phải là toàn bộ văn-hóa và dục tính không hẳn đã là văn-chương, nhưng cả hai thái-cực đã là những cách thế hiện hữu của con người trong vũ trụ! Nhập vào văn-học, sự thể trở nên hết đơn giản.

Một hình-thức hậu hiện-đại khác cũng đang thao diễn trên trường văn trận bút, đó là văn-chương khai phóng nữ quyền và dục tính. Cách mạng tình dục tiếp tục với văn học hải ngoại, phía các nhà văn nữ bắt đầu với những Trân Sa, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Ninh, Dương Như Nguyện,… Họ lên tiếng về những âu lo, tâm tình mà lâu nay nhất là ở Việt-Nam ít thấy, nói thẳng những lo âu thực tế, sờ mó được, cảm  được, không cần nhiều ngõ quanh, đi vòng. Sinh lý hết được xem như cấm đoán, lại được xem như đòi hỏi chính đáng, tình dục trở thành nhu cầu tự nhiên, phải có, không thiên kiến và mặc cảm phạm tội, cả có khi ngây thơ trong tìm kiếm. Người nữ chống văn minh, văn hóa dựa trên quyền hành đàn ông, phụ quyền, chống Tây phương kỹ nghệ định nghĩa đàn ông ở khả năng sáng tạo và chế biến sự vật. Phụ nữ chống văn chương như một nền chế, họ thích mặt trận “ngôn ngữ“ hơn, thích phổ dương liên hệ trực tiếp với chữ viết cũng như với thân xác. Xây dựng lại nội dung bằng đường thoát ngôn ngữ. Lạc thú thân xác đi liền với lạc thú ngôn ngữ, đến sau lạc thú ngôn ngữ. Người nam đi vào văn để tìm hoặc nếu đã thấy, trình bày lý thuyết, triết lý hay một “nghiệp“, người nữ thì đến để thực hiện cái tôi, xác định cái tôi, cá nhân. Và họ đi vào tình dục của đời thế tục, tận hưởng phút giây, lãng mạn tình yêu đến tự do tình dục. Người nữ sống đời hải ngoại hội nhập, choáng ngợp giữa những lạ-lẫm (exotic), ngợp trước tự do ở xứ người, tự do tuyệt đối và cá nhân chủ nghĩa, từ vật chất, thân xác, tình cảm,… Có thể họ muốn giả vờ, trưởng giả, nhưng lại không giữ lề, thích tự do, khám phá,… Tình dục trước khi là hiện tượng xã hội, văn hóa, đã là thân xác.”

Cũng giống như khi Võ Phiến viết “Văn Học Miền Nam Tổng Quan” , hay Du Tử Lê viết “ Sơ Lược 40 năm Văn Học Nghệ Thuật Việt 1975-2015” hay  Trần Văn Nam với “Trong Dòng Cảm Thức Văn-Học Miền Nam-Phân Định Thi Ca Hải-Ngoại” hoặc Trần Bích San có quyển “Văn Học Việt-Nam” Mỗi tác giả ở một vị trí khác nhau, cái đọc và cảm nhận tất nhiên không giống nhau, nhưng như âm của nhiều nhạc cụ trong một bản đàn, chúng ta có  nhiều góc độ cảm xúc và tìm kiếm sự đồng cảm với mình.  Riêng cá nhân mình, Nguyễn Vy Khanh thuyết phục tôi bởi vì những bài viết của Ông lộ rõ ý muốn phục hồi và đem lại công bằng cho một mảng văn học bị bỏ quên, và Ông công khai quan niệm Viết là để “Đi tìm sự thực và ghi lại cho thế hệ sau,với hy vọng rằng chỉ có sự thống nhất nhân tâm và địa lý khi nào những khúc mắc và vấn nạn lịch sử đã được nhìn nhận và giải tỏa.”

Thứ hai là kiến văn bao quát của Ông qua những tư liệu mà Ông trích dẫn, qua những nhận định công chính về các tác giả được nhắc tới và thực sự thú vị với những phân loại các mảng đề tài để người đọc dễ tìm hiểu, sau đó dẫn nguồn để người đọc tự khám phá thêm.

Trong danh mục các sách đã xuất bản, ngoài tác phẩm sáng tác đầu đời là tập thơ khi Nguyễn Vy Khanh 21 tuổi. Còn lại đều là biên khảo, nhận định, phê bình về văn học và lịch sử. Trong đó mảng đề tài về Văn Học.  Văn Học Miền Nam trước 1975 và Văn  Học  Hải Ngoại là mảng đề tài lớn nhất và tôi cho rằng quan trọng nhất , đáng kể nhất của Nguyễn Vy Khanh.

Những tác phẩm về đề tài này như:

- Văn Học Miền Nam 1954-1975: nhận-định, biên-khảo và thư-tịch; 2 tập (Toronto: Nguyễn Publishings, 2016; tb, Nguyễn Publishings, 2018; tb, San Jose CA: Nhân Ảnh, 2019).

-33 Nhà Văn Nhà Thơ Hải-Ngoại: tuyển tập nhận-định văn-học (ebook; Montréal: TGXB, 2008; tái-bản Toronto: Nguyễn Publishings, 2016).

-Nhìn lại 30 năm Văn-Học Hải-Ngoại

-Văn-học Hải-ngoại 20 năm đầu thế kỷ XXI

-Nhà Văn Việt Nam Hải-Ngoại: tuyển tập nhận-định văn-học (San Jose CA: Nhân Ảnh, 2019).

-Sống và Viết ở Ngoài Nước  ( Nguyễn Publishings, 2021)

-44 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại (7 tập, thực hiện chung với Khánh Trường và Luân Hoán; San Jose CA: Mở Nguồn, 2019).

Xin chỉ nhắc đến BA bộ sách mà tôi dành lòng trân trọng và gìn giữ là :

01/ Nhà Văn Việt Nam Hải-Ngoại: tuyển tập nhận-định văn-học, Bộ sách gồm hai cuốn thượng và hạ, mỗi cuốn dày gần 900 trang.  Đây là một bộ biên khảo công phu và dài hơi, chưa phải là đầy đủ vì như chính tác giả ghi nhận rằng  sẽ còn viết tiếp và bổ xung. Lời giới thiệu tác phẩm, Nguyễn Vy Khanh  ghi rằng: Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại tuyển một số bài viết, xếp theo vần bút hiệu, như một dấu chứng về hiện tượng viết ở ngoài nước, một nối dài (một phần) và một có-mặt hiển nhiên, qua một số tác phẩm và người viết, qua một số dấu mốc thời gian. Có bài và sự việc đã có bụi mờ của năm tháng nhưng có thể hãy còn tiếng vang vọng hôm nay và sau này. Cũng cần nói đây là các tác giả mà chúng tôi yêu thích, tìm đến hoặc đã đến với chúng tôi như người đọc và quan sát. Có bài viết do cảm hứng, có bài vì nhu cầu văn học sử. Có bài viết về một tác phẩm mà cũng có nhiều bài về cả sự nghiệp. Dĩ nhiên trong đây thiếu nhiều người rất nổi tiếng mà chúng tôi thấy khó viết thêm, viết theo, vì đã có nhiều nhà khác giới thiệu, nhận định rồi - chúng tôi sẽ nói đến trong phần Tổng quan. Và còn rất nhiều tác giả khác nữa mà chúng tôi, sinh sống ở Canada xa các “thủ đô văn học nghệ thuật” của người Việt nên không biết đến hoặc gặp khó khăn trong việc tìm đến tác phẩm, nhất là từ khi sinh hoạt và báo chí văn học nghệ thuật bị lão hóa.”

02/ Văn Học Miền Nam 1954-1975: nhận-định, biên-khảo và thư-tịch; 2 tập (Toronto: Nguyễn Publishings, 2016; tb, Nguyễn Publishings, 2018; tb, San Jose CA: Nhân Ảnh, 2019). Bộ biên khảo này tái bản tới ba lần, và là tác phẩm mà Nguyễn Vy Khanh dành nhiều tâm huyết nhất.

Sách gồm hai cuốn, Quyển Thượng là tổng quan trong đó tác phẩm có 8 chương là Một thời văn-học, Văn Xuôi/Tiểu thuyết, Thi Ca, Bộ Môn Kịch, Phê bình văn chương và nghiên cứu văn học, Dịch thuật và văn học nước ngoài, Báo chí miền Nam, và chương 8 là Biên niên 21 năm lịch sử và văn học.  Mỗi chương mở đầu là cái nhìn tổng thể, sau đó đi vào các giai đoạn văn học với các nhóm văn nghệ tiêu biểu  Các nhóm văn-nghệ: Sáng Tạo - Chỉ Đạo - Quan Điểm - Đại Học – Tư Tưởng, Vạn Hạnh - Bách Khoa - Nhân Loại – Tinh Việt Văn-đoàn – Văn Hóa Ngày Nay – Các nhóm “hiện-đại” - Thái Độ , Hành Trình, Đất Nước - Trình Bầy – Ý Thức.. sự hình thành và phát triển,  các khuynh hướng sáng tác, và những hiện tượng tiêu biểu.

Khi bước vào các chương về Văn Xuôi, Tiểu Thuyết, Bộ môn Kịch,Thi ca, Biên khảo, Báo Chí, Tác giả Nguyễn Vy Khanh đã ghi nhận các tác giả nổi bật với những ghi chú về quá trình sáng tạo. Cũng như vậy, trong chương Báo Chí miền Nam,  tác giả  ghi nhận  các hệ thống báo chí  từ Báo-chí quân đội, cơ quan chính phủ - Các tạp-chí văn-chương, văn-học - Tạp-chí các nhóm trẻ, chuyên môn, phổ thông-đại chúng - Báo chính-trị, đảng phái,- Báo-chí tôn giáo, -Báo thiếu nhi, tuổi trẻ, - Nhật-báo: 1954-1963, 1964-1975, nội-dung, kiểm duyệt, ...Các nhà xuất-bản: thương mại, chuyên nghiệp, giáo khoa, của nhà văn, tạp-chí và nhật báo.

Báo chí đóng vai trò rất lớn trong việc phổ biến kiến thức và các khuynh hướng sáng tạo của các nhóm văn học đã được Nguyễn vy Khanh nhấn mạnh đến người chủ trương và nhóm biên tập bằng những nhận định và phân tích cơ bản.

Biên niên Văn học và lịch sử suốt 21 năm giúp người đọc và nghiên cứu sau này dễ dàng tra cứu các diễn biến xã hội đã hình thành nên một nên văn học miền Nam từ 1954-1975.

Cái hấp dẫn và giá trị của bộ sách chính là hệ thống hóa sự xuất hiện của các tác giả, các khuynh hướng nghệ thuật, các trào lưu văn học theo thời gian và biến chuyển lịch sử. Tạo ra tiền đề cho các nghiên cứu đời sau.

03/ 44 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại (7 tập, thực hiện chung với Khánh Trường và Luân Hoán; San Jose CA: Mở Nguồn, 2019).

Tôi cho rằng đây là một tác phẩm đồ sộ và quan trọng nhất với văn học hải ngoại cho đến bây giờ. Kết hợp làm việc của ba người:  Một là Luân Hoán, nhà thơ thời danh , người chủ trương trang Vuông Chiếu  từ tháng 3 năm 1999 đến nay, nơi đăng tải và lưu trữ bài vở tư liệu của cả ngàn Thi Văn Sĩ, Họa Sĩ, Điêu Khắc Gia,Nhạc sĩ sáng tác, Biên khảo, Nghiên cứu Gia. Cũng là tác giả bộ sưu tập Nhà Văn Việt Nam ( do Lê Bảo Hoàng sưu tập sách gồm hơn 2000 văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, biên khảo)

Hai là Khánh Trường, Chủ trương, sáng lập tạp chí Hợp Lưu. Người mà hơn 24 năm trước, năm 2005 đã cùng Cao Xuân Huy và Trương Đình Luân thực hiện  bộ 2 cuốn : 20 năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại ( là bộ biên khảo đầu tiên về Văn Học Hải Ngoại sau 1975)

Và Ba là Nguyễn Vy Khanh. Nhà Biên Khảo, tác giả hàng loạt tác phẩm biên khảo về văn học và lịch sử ( Danh mục đã ghi từ bên trên) tác giả hàng loạt bài nhận định, phân tích, giới thiệu  thường kỳ trên các trang mạng và tạp chí in. Với kiến văn rộng, bao quát, những bài viết của Ông đã được đánh giá cao, được tín cẩn như những tư liệu khả tín.

Sự phối hợp đẹp và giá trị của ba người đã hình thành bộ sách biên khảo dày 7 cuốn dày trên 5000 trang với lời giới thiệu tổng quát:”Tuyển tập 44 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại (1975-2019) được thực hiện với mục đích ghi dấu lịch sử và những thăng trầm, biến đổi của dòng văn học Việt Nam vì hoàn cảnh đã phải thiên cư ra khỏi nước. Dòng văn học này với nội dung cá biệt và những nhân tố rõ rệt, đã góp phần gìn giữ, làm phong phú thêm cho văn hóa Việt Nam.”

Biết đến nhau từ năm 1971. Vậy mà 50 năm sau mới gặp nhau lần đầu vào năm 2020. Nguyễn Vy Khanh đã đi những bước rất dài trong con dưỡng tu dưỡng và sáng tạo. Yêu thích văn học và lịch sử ông lại chọn được đúng  sở thích và năng khiếu khi làm Thủ Thư, để được đọc bao quát các tư liệu cần thiết gom lại làm vốn liếng viết ra nhưng biên khảo công phu, tổng hợp và phân tích các các dấu mờ trong văn học sử để  đưa ra nhiều nhận định chuẩn xác, mới lạ. Đóng góp rất lớn trong các tổng hợp ghi nhận về văn học hải ngoại cũng như văn học miền nam trước 1975.

Kính phục sức đọc, sức viết và sáng tạo của Ông suốt 50 năm cầm bút vừa qua, và tự lòng riêng, tôi vẫn trông chờ vào các tác phẩm biên khảo dài hơi của ông. Bằng một bài viết  để nói về một tác giả có khối lượng tác phẩm lớn lao như Nguyễn Vy Khanh là một điều không thể, nhưng xin từ một góc khiêm tốn của người đọc, ghi nhận nơi đây những đóng góp rất quan trọng của Ông để lưu giữ Văn Học Miền Nam suốt mấy chục năm qua.

Xin kết bài viết này bằng một câu trả lời của Nguyễn Vy Khanh với nhà văn Triều Hoa Đại trong một bài phỏng vấn phổ biến hồi tháng 11 năm 2019:  “Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu từ những năm 1995 và đã soạn biên-khảo về văn-học Việt-Nam hải-ngoại từ sau biến cố 30-4-1975, khởi đầu với tổng quan “Nhìn lại 30 Năm Văn học Hải ngoại” đăng trên tạp-chí Văn Học (số 225) năm 2005 và tập biên-khảo đã xem như hoàn thành, nhưng chúng tôi hãy còn ngần ngại xuất-bản. Ngần ngại vì - chúng tôi cảm nhận có những biến chuyển cần thời gian để có thể suy xét thêm, cũng như về một số nhà văn thơ đang sinh hoạt và... chuyển hướng, và cuối cùng có một số hiện tượng chúng tôi nghĩ có can thiệp của “âm mưu” nào đó, cũng cần thời gian để “nhận chân”. Chúng tôi nghĩ có thể khi văn học hải ngoại được 50 năm, biên khảo ấy có thể xuất bản.

Đã sát với thời điểm 50 năm sau 1975. Chúng ta chờ đợi biên khảo công phu này.

Nguyễn Minh Nữu.

Nguồn: Tạp chí Ngôn Ngữ số 23 (Tháng 1/2023)